Xuân trong thơ thiền sư
Sư cô Chân Trăng Bảo Tích
“Châu báu chất đầy thế giới
Tôi đem tặng bạn sáng nay
Một vốc kim cương sáng chói
Long lanh suốt cả đêm ngày…”
Mùa xuân đang đến theo từng nhịp gõ của thời gian, bàng bạc khắp đất trời, trong lòng người, trong từng hơi thở chuyển mình nơi mỗi tế bào của vũ trụ. Mùa xuân mang đến những món quà mà mỗi người sẽ đón nhận và cảm nhận nó theo mỗi cách khác nhau. Và bài viết này sẽ mời bạn đến với một khung trời mà nơi đó chúng ta sẽ cùng nhau được nếm một chút “sắc hương mùa xuân” qua những cái nhìn và cảm nhận đặc biệt của các vị thiền sư. Mời bạn ngồi thật bình yên, cùng nâng trên tay một chén trà ấm và thơm để cùng nhau xuyên không gian, và cùng ngược về dòng lịch sử của “những mùa xuân năm trước”…
“Người ở trên lầu hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng chợt nở tung.
Phương phi xuân sắc trắng hay vàng
Thời tiết tùy loài hợp sắc hương
Khi mọi loài hoa rơi chật đất
Dậu Đông hoa cúc vẫn chưa tàn.”
Đây là những dòng thơ của Thiền sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Ngài được mệnh danh là “thiền sư yêu hoa cúc”. Hoa cúc chiếm một vị trí đặc biệt trong thơ Ngài. Như một người tri kỷ, Ngài ngồi ngắm hoa với cõi lòng thanh thoát, mặt rõ mặt, lòng tận lòng. Cả vũ trụ hội tụ nơi một điểm gặp gỡ. Không còn cái ranh giới phân biệt giữa hoa và người ngắm. Người đi vào trong hoa, hoa đã ở trong người. Đóa hoa vàng nở tung là một thực thể vật chất đang hiện hữu hay cũng chính là cái bừng sáng tĩnh tại trong cõi tâm thênh thang, rỗng lặng của người đang ngồi đó?
Mùa xuân, hàng trăm loài hoa đua nhau khoe sắc, én liệng bầu trời, hoàng oanh vẫy gọi. Không khó để hiểu những vị thiền sư thường cũng là những nhà thi sĩ, đó là bởi khả năng có mặt với thực tại, có mặt trong hiện tại để cảm nhận được những vẻ đẹp của sự sống xung quanh, những hiện hữu đang biến chuyển tinh tế trong từng sát na. Đây là những câu thơ trong bài “Cảnh xuân” của vua Trần Nhân Tông, vị tổ khai sơn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vào thế kỷ 13:
“Liễu rủ hoa hồng chim hát ca
Mây chiều in bóng trước hiên nhà
Khách vào, thế sự không cần hỏi
Chỉ tựa lan can ngắm cỏ hoa.”
Tâm thế của một người vô sự còn được thể hiện rõ nét qua bài “Lên núi Bảo Đài”:
“Cảnh vắng đài thêm cổ
Xuân sang màu chửa hồng
Xa gần mây núi hợp
Rợp bóng nẻo hoa trồng
Vạn sự nước xuôi nước
Trăm năm lòng ngỏ lòng
Tựa lan, nâng sáo thổi
Trăng sáng đầy cõi tâm.”
Kim chỉ nam trong thiền tập mà Trúc Lâm Đại Sĩ nêu ra đó là “miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác”. “Cảnh tịch an cư tự tại tâm”, tâm bình thì thế giới bình. Tâm không còn ruổi rong, tìm kiếm thì tự dưng sẽ thấy “châu báu đầy nhà”. Châu báu của mùa xuân là liễu rủ, hoa hồng, là chim hát ca, là mây núi bao la, là một đôi mắt còn sáng để thấy được hết cảnh sắc đang phơi bày của thế giới, là một đôi tai còn có thể nghe để nhận diện sự sống sinh động hùng vĩ đang chảy tuôn rạo rực trong từng khoảnh khắc, và một tâm hồn vẫn còn những sợi tơ rung động để có thể hòa nhịp, đồng cảm với sự sống. Và để rồi từ đó thấy mình trong sự sống bao la và cũng chính là sự sống bao la ấy, phá tung đi hàng rào của cái tôi nhỏ bé, giải phóng cái cảm giác mình là một bản ngã cô đơn tách biệt.
Hạnh phúc của một người tu chính là sự tự tại. Một tâm hồn tự do, “vạn sự nước xuôi nước, trăm năm lòng ngỏ lòng”. Đó là một thái độ không nắm bắt, cái trí tùy thuận, tâm không bị sai xử bởi những cái như ý và bất như ý diễn ra của cuộc đời. Trong cái tâm thế đó, tiếng sáo cất lên ắt cũng sẽ thênh thang chạm đến tột cùng. Tiếng sáo hòa vào trong ánh trăng, trăng chảy tràn vùng tâm thức. Tất cả hòa quyện thành một. Đó là một bản hòa ca. Cái hiện hữu duy nhất là bản hòa ca của vũ trụ.
Tinh thần thong dong, thái độ ung dung tự tại này còn được bắt gặp trong rất nhiều bài thơ thiền. Chẳng hạn dưới đây là bài tả cảnh cuối mùa xuân của thiền sư Vô Sơn Ông trong bài “Chùa Gia Lâm”:
“Chân dạo tới thiền đường
Cuối xuân sắc hoa nhạt
Rừng vẳng tiếng ve suông
Mưa tạnh trời bích ngọc
Hồ lặng lộ khuôn trăng
Khách về, tăng chẳng nói
Hoa thông rụng ngát vườn.”
Cái gì đến thì sẽ đến, cái gì đi thì sẽ đi. Mọi thứ vận hành theo quy luật nhân duyên. Không phải vì tâm mình cố níu giữ mà mùa xuân sẽ ở lại. Mưa rồi cũng sẽ có lúc tạnh để lại bầu trời quang. Vì mặt hồ lặng mà thấy được vầng trăng soi bóng. Thiền sư Hương Hải thế kỷ 17 cũng có những câu thơ rất nổi tiếng: “Nhạn quá trường không/ Ảnh trầm hàn thủy/ Nhạn vô di tích chi ý/ Thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Nhạn bay qua mặt hồ, nhạn đi rồi thì bóng cũng không để lại, mặt nước cũng không cố tình lưu bóng. “Đừng tìm về quá khứ, đừng tưởng tới tương lai”, đừng đánh mất mình trong những gì đang không là thực tại. Đó là nguyên tắc cốt lõi của chữ “thiền”. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Đứng trước hiện tượng mà tâm lặng rỗng, không bị lay động bởi những nắm bắt hay xua đuổi, chỉ đơn thuần bình yên có mặt để thấy, để quán sát được tự tính nhân duyên đang vận hành, chữ “vô tâm” ấy chính là tinh yếu của thiền.
Khám phá với hai chữ “nhân duyên” sẽ giúp con người ta bớt được với nhiều khổ đau.
“Niên thiếu chưa từng hiểu sắc, không
Xuân sang hoa sắc vướng tơ lòng
Diện mục xuân nay từng khám phá
Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng.”
( Trúc Lâm đại sĩ– “Cuối xuân”)
“Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo
Thấy hoa, mặc bướm, để lòng chi.”
(Thiền sư Giác Hải – “Thị tật”)
Mọi thứ đều do nhân duyên mà tụ hội. “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không”. Đó là thái độ không còn vướng vào hình sắc, có thể nhìn sự vật bằng con mắt vô tướng. “Đám mây không bao giờ chết”. Hình ảnh Trúc Lâm Đại Sĩ an nhiên ngồi ngắm cánh hồng đang rơi cũng dễ làm ta liên tưởng đến cành “nhất chi mai” của Thiền sư Mãn Giác:
“Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.”
Sự sống vẫn đang luôn trong những chu kỳ tái sinh và tạo dựng. Và cũng để nhắc nhở chúng ta thử nhìn lại rằng một kiếp người kéo dài được bấy mươi năm? “Chim quyên kêu rã bao ngày tháng/ Đâu phải mùa xuân dễ luống qua?”. Chúng ta có đang hoài phí những mùa xuân của cuộc đời mình không? Cuộc đời mình là để làm gì? Ta đã làm chi đời ta?
Thơ của các vị thiền sư thường như những “tiếng sấm”. Và những bài thơ trên là những tiếng “sấm xuân”. “Một tiếng sấm xuân vừa chấn động/ Khắp nơi cây cối nảy mầm non” (vua Trần Thái Tông). Đọc thơ thiền cũng là một cơ hội để được nghe những “tiếng thét” của các bậc tiền nhân lão bối mà “tỉnh giấc hôn trầm”, sống tỉnh táo hơn, có ý thức hơn và để trân quý sự sống, sự có mặt của mình giữa cuộc đời này hơn. Trên đây là một chút lòng của bậc hậu sinh với những cái nhìn, cái thấy, cái hiểu còn sơ sài, nông cạn tuy vẫn luôn hầu mong tìm theo được vết tích ấn tâm của các bậc tiền bối. Mùa xuân đang đến với bao chồi non lộc biếc mang theo những niềm hy vọng mới, thổi những luồng sinh khí mới. Xin cảm tạ bạn đọc đã cùng ngồi với nhau trong chuyến du hành không thời gian này. Xin chúc nhau một năm mới với thêm nhiều những chuyến du hành mới và luôn khám phá ra những điều đặc biệt và mới mẻ trong những khoảnh khắc của mỗi hành trình.
Làng, An Cư Kiết Đông 2024-2025
Lớp Văn Học Thiền: Thơ Văn Lý – Trần