Trận bóng đá đáng nhớ

CHƯƠNG 8

Trận bóng đá đáng nhớ

 

Đã đến ngày khai trường, các chú bắt đầu đi học. Trường làng gần chùa, chỉ cần đi bộ vài trăm mét là tới trường. Con đường đến trường là con đường đất men theo những đồi chè xanh mướt. Sáng sáng, sau giờ ngồi thiền các chú xuống bếp ăn cơm rồi ôm sách vở đi học. Thầy chuẩn bị sách vở bút viết đầy đủ cho các chú, lại còn thêm một chiếc cặp mới và một bình đựng nước uống. Tâm An và Tâm Từ băn khoăn không biết mình nên mặc áo quần gì đi học đây? Chú hỏi Tâm Chánh, Tâm Chánh nói:

– Ở trường này cho mình mặc đồ tu, nên mình chỉ cần mặc chiếc áo tràng là đủ.

– Ở chùa thì mặc vậy nhưng đi học mặc áo tràng em thấy ngượng lắm.

– Nhưng mặc áo tràng vào thì mọi người biết tụi mình đang ở chùa. Tâm An trả lời.

– Mình mặc vài ngày là quen thôi, giờ mà bảo anh mặc quần xanh áo trắng, bỏ áo vào quần, nai nịt thấy chật chội sao ấy. Mà nhiều khi mặc như vậy mình còn mắc cỡ hơn, ngượng ngịu hơn. Tâm Chánh an ủi em.

Chuyện áo quần như thế là xong, các chú vẫn hạnh phúc tung tăng đến lớp. Ba chú học ba lớp khác nhau. Tâm An học lớp sáu, Tâm Từ học lớp bảy, Tâm Chánh học lớp tám. Nhưng các chú vẫn đi học chung và cùng chờ nhau lúc tan trường.

Ngày đầu tiên vào lớp, các bạn cùng lớp Tâm An rất ngạc nhiên, đưa ánh mắt dò hỏi: “Ồ tại sao lại đi tu nhỉ? Đi tu có gì vui không?”. Chúng chỉ đứng xa nhìn không dám lại gần hỏi. Có một đứa con trai la lên: “A, chú tiểu, chú tiểu, lớp mình có một chú tiểu, tụi bây ơi!” Đó là cách chào đón khá đặc biệt, tụi nhỏ đến gần vây quanh chú để xem một chú tiểu là như thế nào. Tâm An đứng đó ngượng ngịu, chú chỉ còn biết mở miệng cười cho đỡ quê, chú nói:

– Chào các bạn, mình tên là Nguyên Khang nhưng ở chùa Thầy và các anh gọi mình là Tâm An, mình cũng thích cái tên này lắm.

Các đứa nhỏ nhìn chú như một người của hành tinh khác, chúng ngạc nhiên khi nghe chú nói chuyện. Lạ nhỉ, một chú tiểu cũng biết nói chuyện, biết đi học, mà lại còn có hai cái tên. Vậy gọi chú tên gì đây? Thôi cứ gọi cái tên chú thích. Chúng mạnh dạn hơn đên gần sờ vào chiếc áo dài để xem bộ trang phục kỳ lạ này, rồi chúng còn dở lên để xem bộ đồ vạt hò mới của chú. Chúng thích thú vô cùng. Chúng cảm thấy chú tiểu này dễ gần, hiền khô đứng im cho chúng xem. Chú đâu khác gì chúng đâu, đầu vẫn để tóc chỉ khác bộ quần áo thôi. Một đứa trong chúng hỏi:

– Làm chú tiểu có vui không?

– Vui lắm, thích lắm, mình có rất nhiều trò chơi, mà lạ lắm nghe, các trò chơi này rất thú vị, mình chưa bao giờ được chơi như lúc ở nhà đâu. Tâm An nói, ánh mắt long lanh ngời lên nét hạnh phúc, rạng rỡ.

Chúng càng tò mò hơn:

– Bạn kể đi.

Lúc đó, có tiếng trống vang lên, báo hiệu đến giờ học. Tâm An nói:

– Thôi để khi khác mình kể, đến giờ học rồi, mình về bàn đây.

Những đứa bạn khác cũng lần lượt trở về bàn của mình, chúng luôn hướng mắt về phía chú tiểu, mong chờ giờ ra chơi được nghe chú kể những trò chơi ở chùa. Chúng thầm nghĩ: “Ở chùa chắc cũng thích lắm, được chơi nhiều trò nữa, hôm nào mình sẽ lên chùa chơi với chú”.

Tâm An dễ dàng kết bạn, chú thích các bạn trai cũng như các bạn gái. Chú còn tiết lộ cho các bạn biết ở chùa có một bãi cỏ lớn làm sân bóng rất thích, chiều chiều các chú được đá bóng với nhau. Nghe đến đó, đám bạn trai của chú thích chí quá nhảy lên mừng rỡ:

– Vậy chúng mình có thể chơi đá bóng. Đi tu mà được chơi đá bóng thì chúng mình cũng đi tu. Chủ nhật tới chúng mình có thể lên chùa chơi đá bóng với bạn được không?

– Mình nghĩ là được, nhưng để cho chắc mình sẽ hỏi hai anh và Thầy trước, rồi mai mình sẽ trả lời nghen.

Còn các cô bé gái cũng lại gần hỏi Tâm An:

– Ở chùa có cái gì nữa?

– Có cây bồ đề to, có thể ngồi dưới đó chơi, có nhiều loại hoa dại, có con suối dưới chân đồi, có con chó Ki nô, con mèo và nhiều thứ nữa.

Tan trường, Tâm An ôm cặp ra đứng trước cổng trường chờ Tâm Chánh và Tâm Từ. Có những đứa bạn sẽ đi về cùng đường với chú cũng đứng lại chờ để cùng đi và có cơ hội hỏi thêm nhiều điều về cuộc sống ở chùa.

Tâm Chánh, Tâm Từ bước ra đến cổng, ai cũng có thêm vài người bạn mới. Tâm An gặp hai anh chắp tay xá chào, đám bạn chú cũng bắt chước làm theo. Tâm Chánh, Tâm Từ cũng xá chào lại. Tâm Từ nhanh nhẩu nói:

– Đây là các bạn học cùng lớp với anh, còn đó là bạn của em phải không?

–  Dạ đúng ạ. Các bạn của em cũng thích ở chùa lắm, các bạn ấy cứ hỏi đủ chuyện ở chùa. Em cũng kể và nói anh em mình còn có cả một bãi cỏ làm sân bóng nữa nên ai cũng thích hết. Anh Tâm Chánh, anh Tâm Từ, các bạn em muốn Chủ nhật tới được về chùa chơi bóng đá được không?

– Để anh thưa trước với Thầy, nếu Thầy đồng ý thì anh và Tâm Từ sẽ tìm thêm các bạn đủ tạo thành hai đội bóng, mình đá chung với nhau chắc vui lắm.

Nghe đến đó, tất cả mọi người đều hân hoan mừng rỡ. Ước mơ của các chú cũng đã thực hiện được. Chúng vừa vỗ tay vừa la lên: “Hoan hô anh! Hoan hô anh!”

Trên đường về ba chú và các bạn cứ tíu tít với nhau bàn về trận bóng đá sắp tới một cách hào hứng, ai cũng trông đợi ngày đó.

Thầy đã cho phép các chú được mời các bạn về chơi, cũng đồng ý cho các chú tổ chức một trận bóng. Các chú vui mừng trông đợi đến sáng vào lớp báo tin vui cho các bạn. Chúng còn hẹn nhau giờ ra chơi gặp lại để xem có đủ hai đội bóng không?

Giờ ra chơi, dưới gốc cây bàng, khoảng hai chục đứa trẻ ngồi thành một vòng tròn, chúng chen nhau nói í ới đủ điều, chẳng giải quyết đến đâu cả. Cuối cùng Tâm Chánh lên ý kiến:

– Thưa các bạn, các em! Tâm Chánh thấy mình nên cử đại diện một lớp hai bạn để cùng bàn luận về cuộc chơi ngày Chủ nhật, rồi sau đó toàn thể các bạn cùng ngồi lại với nhau chia đội, nói thể lệ cuộc chơi. Nếu được thì mỗi đội từ mười hai đến mười lăm bạn. Như vậy thì lớp tám có ai?

Một bạn trong lớp lớn nói:

– Chúng mình đồng ý, nhưng phải có ba chú tiểu và thêm ba bạn nữa thôi, mình đề nghị lớp mình cử bạn Hòa nhé. Đồng ý chứ?

– Đồng ý, đồng ý, nhóm bạn của Tâm Chánh trả lời.

Tiếp theo lớp của Tâm Từ cử bạn Phúc. Lớp Tâm An cử bạn Vinh. Sáu đứa trẻ hẹn sau giờ học gặp nhau tại sân trường để ra các quy định cho trận bóng, và chuẩn bị một số thứ cho ngày hôm đó.

Sau nhiều lần đưa ra ý kiến, chia đội sao cho cân sức nhưng làm sao biết được khả năng của từng bạn kia chứ, phải chơi thử mới biết. Cuối cùng quyết định bốc thăm, chúng làm ra những tờ giấy nhỏ, viết trên đó mười lăm tờ số một và mười lăm tờ số hai, ai bốc đụng số nào thì ở đội số đó. Tất cả đều xong, các chú còn giúp chuẩn bị nước uống, chỉ cần có nước đá thôi là đủ. Các bạn hứa sẽ đem đến nước đá và bánh nữa để cùng ăn sau khi chơi xong. Ba giờ ba mươi chiều là ra sân, các chú quy định một hiệp có ba mươi phút thôi.

Rồi một tuần cũng đi qua nhanh, ngày Chủ nhật tiếng cười nói của trẻ con vang rộn cả sân chùa. Có nhiều bạn đã đến chùa từ sáng, chúng rất vui khi giúp Thầy và ba chú nhổ cỏ, quét sân, lau thiền đường, mặt đứa nào cũng rạng rỡ niềm vui. Thầy cũng hạnh phúc lây. Trong tâm Thầy khởi lên một ước muốn: có một môi trường vui chơi lành mạnh cho trẻ em ở vùng này, nếu được Thầy sẽ tổ chức Chủ nhật hàng tuần cho các em về đây sinh hoạt, vui chơi, dù sao cũng tốt hơn là suốt ngày cứ vùi đầu vào các trò chơi điện tử. Ở đây các em có thể tiếp xúc với thiên nhiên, chơi những trò chơi dân gian và học thêm cách tiếp xử đẹp. Những đứa trẻ càng lúc càng quý mến Thầy. Làm việc xong chúng vây quanh đòi Thầy kể chuyện. Thầy đã kể cho chúng nghe về những tấm gương hiếu thảo, chúng rất cảm động. Thầy còn dạy chúng hát bài :

Quay về nương tựa, hải đảo tự thân

Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần

Hơi thở là Pháp, bảo hộ thân tâm

Năm uẩn là Tăng, phối hợp tinh cần

Thở vào, thở ra là hoa tươi mát

Là núi vững vàng,

Nước tĩnh lặng chiếu

Không gian thênh thang.

Chúng chưa từng có những buổi sinh hoạt hay như thế, ngoài ra Thầy còn bày nhiều trò chơi vòng tròn vui ơi là vui. Hòa, Vinh có mặt từ sáng đến giờ, các bạn tham gia hết lòng, các bạn còn được dạy: khi gặp một vị thầy nào cũng nên chắp tay xá chào với ý nghĩa dâng tặng một búp sen cho vị Bụt tương lai. Hòa chắp tay lên thưa với Thầy:

– Dạ con kính thưa Thầy, Chủ nhật hàng tuần chúng con xin lên chùa chơi được không ạ?

Thầy cười gật đầu:

– Thầy luôn sẵn lòng đón các con.

Các bạn mừng rỡ, vỗ tay hoan hô Thầy, Thầy cười rồi nói:

– Các con, chúng ta cùng quy ước với nhau một điều nhé. Khi nào các con cảm thấy vui mừng, các con hãy giơ hai tay lên và rung rung có ý nghĩa là nở hoa để giảm bớt những tiếng ồn ào có được không nào?

– Dạ được ạ!

– Chúng ta cùng làm thử nghe. Nở hoa nào!

Những bàn tay trẻ con giơ lên rung rung dễ thương chi lạ. Chỉ có những việc như chắp tay, nở hoa thôi mà chúng cảm thấy thích thú lắm.

Trưa hôm đó, Thầy, ba chú và các bạn được dì Tư nấu cho một nồi bún chay ngon ơi là ngon. Các bạn và ba chú ăn hết tô này đến tô khác. Ăn chay cũng ngon ghê, chúng thầm bảo nhau như thế.

 

Được ngồi chung một vòng tròn cùng ăn cơm với Thầy và các bạn, ba chú hạnh phúc lắm. Sau đó, các bạn còn được Thầy ru ngủ nữa. Cách ru ngủ của Thầy cũng lạ lắm, khác với cách của bà, của mẹ ru em bé. Ở nhà, chúng đã lớn rồi không còn được ru ngủ nữa, lũ trẻ ngủ ngon lành, Thầy nhìn chúng mỉm cười. Đến hai giờ chiều, Thầy thỉnh ba tiếng chuông thức chúng dậy, có bạn còn không muốn dậy nữa, nằm ngủ khò khò. Thầy nhắc:

– Các con hãy gọi bạn bên cạnh dậy

Vừa ngủ dậy, lũ trẻ bu lại quanh Thầy nhao nhao, bạn nào cũng dành nói. Thầy ra dấu im lặng. Thầy nói:

– Các con ngừng lại nào. Bây giờ thì từng bạn một nói, bạn nào muốn nói trước thì xá xuống, khi bạn mình nói các bạn khác nên im lặng lắng nghe, khi kết thúc bạn đó cũng nên xá xuống để mọi người biết mình muốn dừng, tiếp theo các bạn khác nói, như vậy có được không các con?

– Dạ được ạ!

– Vậy bạn nào nói trước.

Bạn Phúc xá xuống thưa:

– Chúng con thích được ru ngủ như vậy lắm, nếu được ru như vậy thì giờ ngủ trưa con không còn ghét nó nữa. Ba chú Tâm An, Tâm Từ, Tâm Chánh sướng thiệt, lớn rồi mà còn được Thầy cưng ru ngủ hoài.

Tâm An, Tâm Từ, Tấm Chánh cười khúc khích, Tâm Từ xá xuống nói:

– Con kính thưa Thầy và các bạn, đâu phải trưa nào chúng mình ở đây đều được ru ngủ đâu, một tuần một lần thôi.

– Dù sao một tuần một lần cũng sướng hơn tụi mình, từ lâu rồi chẳng còn được ru ngủ nữa.

Ngoài sân, có tiếng ồn ào, các bạn khác đã đến đông đủ, các chú thưa với Thầy phải đi chuẩn bị cho sân bóng. Thầy gật đầu, chắp tay xá chào các bạn nhỏ:

– Chúc các con chơi vui.

Rồi Thầy thong thả đi về phòng.

Lúc đầu các chú cứ nghĩ có khoảng ba mươi bạn thôi, ai dè có cả con nít khắp xóm, các bạn lớp khác cũng đến xem nữa. Lần đầu tiên trong đời ba chú được làm cầu thủ trong một đội bóng lớn, có cả khán giả xem nữa, ba chú vui lắm.

Trận bóng đá được bắt đầu đúng như dự định, khi quả bóng lăn, tiếng hò hét cổ vũ không ngừng vang lên. Tâm An và Tâm Chánh ở đội số Một, Tâm Từ ở đội số Hai, ba chú và các bạn đá rất hăng. Bạn Tám ham bóng quá lấn, xô bạn mình té ngã. Trọng tài thổi còi dừng bóng phạt một quả đá phạt. Bạn đó lúc thì đá vào chân bạn mình, lúc thì làm cho các bạn khác té ngã, cả đội bóng, khán giả đều tỏ ra bất bình trước cách chơi không đẹp đó. Khi có cơ hội sút bóng, lỡ bạn nào sút không vào lưới, Tám lại tỏ ra bực tức. Cả ba chú cảm thấy khó chịu lắm. Cuối cùng, bạn ấy bị trọng tài phạt một thẻ vàng. Cả đội đồng ý thay bạn Tám bằng một bạn khác để cùng chơi với đội.

Thầy cũng ngồi xem trận bóng. Khi bạn Tám bước ra khỏi sân, Thầy lại gần, nắm tay Tám dắt về chỗ ngồi của mình rồi nói:

– Thầy và con cùng xem bóng đá nhé! Thầy sẽ chỉ cho con xem cách chơi bóng của từng người, qua đó mình cũng học được nhiều điều lắm. Con đồng ý chứ?

Thầy nhìn Tám cười. Trong khi đó, khuôn mặt chú bé đỏ au vì nóng và cũng bực tức do bị thay thế. Chú ngồi xuống thở, không nói gì cả.

Thầy ngồi đó, với một đám trẻ bao quanh, chúng luôn ngóng tai về phía Thầy để nghe Thầy nói:

– Đội số Một chơi có kỹ thuật hơn đội số Hai, biết cách chuyền những đường bóng thông thoáng cho đồng đội, tạo ra nhiều cơ hội ghi bàn. Nhưng đội số Hai chơi có tinh thần đồng đội hơn, biết nhường cho các bạn có cơ hội được chơi, có sự phối hợp nhịp nhàng của cả đội. Lên xuống hợp lý. Chà các con chơi khá lắm.

 

Lúc này trên sân bóng, đội số Hai đang áp đảo tại khung thành đội số Một, rồi một cú nhả bóng từ phía cánh trái của Tâm Từ đến chân Phúc, rất thông thoáng, một cơ hội quý để ghi bàn, nhưng Phúc đã không sút thẳng vào lưới của đối phương, mà chuyền cho Tâm, Tâm dễ dàng ghi một bàn thắng. Cả sân bóng hô lên: “Sút! Vào!”, cùng hét lên sung sướng. Tỷ số đã được mở “1-0, nghiêng về đội số Hai” cả đội hạnh phúc, hò hét chạy đến Phúc và Tâm, Tâm Từ ôm bạn nhảy tưng tưng vui mừng chiến thắng.

Trận bóng tiếp tục, đội số Một thay đổi chiến thuật, tấn công quyết san bằng tỷ số. Mọi cố gắng đã được đền đáp. Mười lăm phút sau, cơ hội đến từ một cú đá phạt góc, Tâm Chánh tếch đầu chuyền vào trúng ngay chỗ Hòa đang đứng, rất thuận lợi Hòa đã tạo một bàn thắng gỡ hòa tỷ số bây giờ là “1-1”

Tám ngồi bên Thầy quên hết tức giận nhảy lên hét mừng rỡ cho đội mình. Thầy cũng vui, Thầy nói:

– Trận bóng khá hấp dẫn, khi chơi các bạn đã biết nhường nhau, biết tạo cơ hội tốt cho bạn mình. Thầy rất thích cách chơi của Phúc. Lúc Phúc nhận bóng, bạn ấy có thể tự mình ghi bàn nhưng Phúc đã chuyền cho Tâm. Nếu Phúc là người ham bóng thì sẽ không làm như vậy. Phúc chơi rất đẹp, có phong cách của đấng trượng phu. Đôi khi mình chơi hay, nhưng cách thể hiện của mình thiếu tấm lòng thì cái hay đó, cái tài đó cũng chỉ được người ta trầm trồ trong lúc đó thôi, nhưng cách chơi đẹp, tâm nhường nhịn, nó sẽ để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người xem rất lâu.

Sang hiệp hai, một sự cố xảy ra cho đội số Một, khi Tâm chuyền bóng cho Phúc, Phúc đã dẫn bóng sâu vào vòng cấm địa (16m50) thì Thuận, hậu vệ đội số Một, tìm cách phá bóng đã gạt chân Phúc té ngã, ngay trong vòng cấm địa. Cả sân bóng hò hét: “Phạm lỗi rồi, phạt quả phạt đền”. Trọng tài đã ngưng trận đấu bằng một tiếng còi, ra một quyết định sáng suốt, một quả đá phạt từ chấm 16m50. Cả sân bóng hồi hộp. Đội số Hai đề nghị Phúc đá quả phạt đó. Phúc đã sút vào má trái khung thành làm cho lưới đội bạn rung lên trong tiếng reo mừng của khán giả.

Chỉ còn mười phút nữa thôi là trận bóng đá kết thúc, đội số Một vẫn đang cố gắng gỡ hòa, nhưng không thành công. Tiếng còi thổi lên, báo hiệu hết giờ. Đội số Hai mừng vui chiến thắng, còn đội số Một các bạn buồn thiu, có bạn còn trách Thuận đã chơi không tốt để bị phạt. Thuận cũng buồn lắm. Sự thắng thua cứ sôi sục trong lòng các bạn. Thầy bước vào sân và mời các bạn ngồi nghỉ uống nước. Rồi Thầy lấy trong đãy ra một bịch bánh lớn đủ loại để cả hai đội và các bạn khán giả cùng ăn. Thầy nói:

– Đây là phần thưởng thầy dành cho cả hai đội chơi và cho những khán giả nhí nhiệt tình cổ vũ. Phần thưởng ngang nhau, không đội nào nhiều hơn đội nào, đội nào cũng đã góp hết sức mình để chơi, ai cũng đáng được thưởng cả.

Mấy chục đứa trẻ ngồi xuống bãi cỏ, mở bánh kẹo, vừa ăn vừa bàn tán về trận bóng. Những bạn ở đội số Một thì buồn thiu, mặc cảm thua kém. Các bạn ở đội số Hai thì vui vẻ nói cười, vì mình là người chiến thắng. Tâm An, Tâm Từ, Tâm Chánh cũng không thoát khỏi tâm trạng đó. Thầy nhìn các bạn nhỏ với ánh mắt thương yêu, Thầy nói:

– Các con, trong cuộc thi đấu nào cũng có kẻ thắng người thua cả. Hôm nay có thể các con là người chiến thắng, nhưng ngày mai có thể là người thua cuộc. Do đó chuyện thắng thua không phải là điều quan trọng. Các con đừng thấy mình thua mà buồn, lúc đầu các con rất hăng hái, rất có hạnh phúc để được chơi bóng. Các con đã đóng góp hết khả năng, đã chơi hết mình thì nên vui vì điều đó. Chơi bóng chỉ để vui, để gắn kết tình bạn với nhau hơn, chứ không phải mục đích của trận bóng đá để kiếm tìm bàn thắng, tìm ra người thắng, người thua. Một trận bóng thành công là làm thế nào khi chơi xong bạn nào cũng hạnh phúc, cũng vui vẻ, không quá đặt nặng đến kết quả. Cái chiến thắng cao đẹp nhất không nằm ở tỷ số ai nhiều hơn mà chính là sự chiến thắng mặc cảm thua kém hoặc mặc cảm đắc thắng trong lòng mình. Tâm An, Tâm Từ, Tâm Chánh, đó mới là chiến thắng của một người tu cần có.

Khi nghe Thầy nói xong, tâm trạng các bạn dịu đi, khuôn mặt ai cũng tươi vui. Các bạn ngồi thưởng thức bánh cho đến cái cuối cùng.

Các bạn đã ra về, ngôi chùa trở lại im vắng, ba chú tắm rửa xong, ôm bát cơm ra vườn ngồi ăn chung với Thầy. Bốn thầy trò ăn cơm trong im lặng. Tâm An nhìn Thầy, nhìn Tâm Chánh, Tâm Từ trong lòng trào lên một niềm thương kính. Chú biết Thầy thương các chú nhiều lắm. Thầy muốn các chú hạnh phúc. Nhưng chiến thắng chính mình là gì, chú chưa hiểu hết được, chú chắp tay lên thưa :

– Dạ, con kính thưa Thầy, tại sao phải chiến thắng chính mình ạ?

– À! Tức là các con tự làm chủ được những cảm xúc của mình như thua cuộc thì mình buồn mặc cảm bị thua kém bạn, hoặc khi thắng cuộc thì mình quá vui mừng, tự hào, mặc cảm tự tôn nổi lên, ta giỏi hơn bạn… Các cảm xúc đó dẫn dắt ta đi mãi đi mãi, lúc dày vò ta, lúc làm mình hân hoan, tạo ra bao nhiêu là rắc rối sau này. Bụt có dạy một bài kệ rất hay về các mặc cảm này, các con có nhớ không? Nó nằm trong kinh “Tuổi trẻ và hạnh phúc” trong Nhật Tụng Thiền Môn.

Tâm Chánh đáp:

– Dạ nhớ ạ. Rồi chú đọc:

Mặc cảm hơn kém bằng

Tạo ra nhiều rối rắm

Ba mạn đã vượt rồi

Tâm không hề lay động.

Thầy khen:

– Giỏi lắm, các con, trong con người mình còn nhiều tâm hành mình phải chuyển hóa, chiến thắng như buổi sáng thức dậy, tâm làm biếng nổi lên cứ bảo ta ngủ thêm. Lúc đó ta phải chiến thắng cơn buồn ngủ, hoặc khi mình giận ai mình muốn nói lại hoặc hành động một điều gì đó cho bõ ghét thì mình hãy thả cơn giận ghét ấy xuống, dừng lại các hành động mình sẽ nói, sẽ làm. Đó là những chiến thắng chính mình. Các con thấy chiến thắng chính mình khó hay dễ?

Tâm An nói:

– Dạ thưa, quá khó !

– Nhưng Thầy hy vọng khi các con thực tập chánh niệm, dần dần các con sẽ biết cách làm chủ chính mình và điều phục được những tâm hành bất thiện.

Ba chú nghe Thầy say sưa, ba chú cảm nhận trận bóng đá hôm nay nó có một ý nghĩa khác lớn lao hơn. Từ trận bóng các chú đã học được cách chơi, cách suy nghĩ tích cực hơn, lạc quan hơn khi bị thua cuộc. Các chú học được bài học “Thắng thua không quan trọng, mà điều cần thiết là chơi như thế nào để mọi người cùng vui, tránh tạo cho nhau những mặc cảm hơn kém bằng”. Chính vì các mặc cảm này nó sẽ dẫn đến sự mất đoàn kết, tình bạn dễ bị tan vỡ. Đó là một trận bóng đá đáng nhớ.

Ánh mặt trời xuống dần, những cơn gió chiều nhẹ nhàng lướt qua vườn chùa. Lòng các chú cũng lâng lâng vui sướng. Ước mơ đã thành hiện thực. Giờ đây, các chú còn được vui chơi với các bạn vào mỗi ngày chủ nhật nữa. Tâm An khẽ mỉm cười hạnh phúc.

Những trang viết trước:

Chương 1: Tiếng gọi của Thế Tôn

Chương 2: Thế giới của thơ và nhạc

Chương 3: Vũ điệu của đôi chân

Chương 4: Những chiếc bình ngồi yên

Chương 6: Phá vỡ bức tường vô hình

Chương 7: Im lặng – đỉnh cao của âm thanh

Mời quý bạn đọc đón xem phần tiếp theo của Phương Trời Lạ do sư cô Chân Vỹ Nghiêm viết tặng khung trời tuổi thơ.

Chương 9: Cuộc du hành vào cơ thể