Im lặng – đỉnh cao của âm thanh

CHƯƠNG 7

Im lặng – đỉnh cao của âm thanh



Một ngày các chú có bao nhiêu là sinh hoạt, nào ngồi thiền tụng kinh, thiền hành, nghe pháp thoại, chấp tác…., hầu hết các thời khóa đều được ghi trên chiếc bảng con con. Duy chỉ có một sinh hoạt đều đặn thường xuyên ở cuối ngày là im lặng hùng tráng. Lần đầu tiên Tâm An đọc bốn chữ đó cảm thấy kỳ lạ. Sao mà Im Lặng Hùng Tráng được nhỉ? Chú đem thắc mắc của mình ra hỏi Tâm Từ:

– Anh Tâm Từ nè! Em thấy bốn chữ im lặng hùng tráng nghe kỳ kỳ sao ấy. Im lặng thì đâu có gì mà hùng tráng.

Tâm Từ ngồi im suy tư rồi nói:

– Ừ nhỉ, anh cũng chẳng để ý đến cách dùng từ, giờ em nói anh mới thấy nó là lạ. Anh thường thấy trong âm nhạc những bài ca hùng tráng thường có những giai điệu hùng dũng mạnh mẽ, chứ nếu im lặng không có ca từ, nốt nhạc gì thì làm sao có bài ca hùng tráng kia chứ. Hay Thầy còn có dụng ý nào khác khi dùng từ này?

– Em cũng không biết nữa, chỉ biết rằng tới giờ đó mình không được mở miệng nói điều gì hết. Tâm An nói.

Tâm Từ ghẹo em:

– Ngủ rồi lấy đâu mà nói.

– Anh ngủ mà anh cũng nói mớ như thường, lúc hát, lúc tụng kinh, lúc lầm bầm cái gì đó, ngủ cũng nói được chứ bộ.

Tâm Từ im re biết mình yếu thế trong điểm này nên không chọc ghẹo Tâm An nữa, nếu không Tâm An sẽ moi hết các tật xấu của chú ra mà nói thì quê lắm. Tâm Từ trở lại đề tài rồi nói:

– Im lặng thì đâu có gì hay đâu, tự nhiên lúc đó mình như người câm, muốn nói gì thì ra dấu. Hay là thực tập im lặng để làm người câm nhỉ? Mình sẽ thấy nỗi khổ của họ khi không nói được mà thương chứ không chọc ghẹo họ

– Nghe cũng có lý nhỉ, nhưng nếu mà thực tập để hiểu mọi người khuyết tật thì mình phải một buổi tập làm người câm, một buổi làm người điếc, người mù, người bị thiếu tay chân. Tại sao chỉ tập cái miệng thôi?

– Anh không biết, chắc lúc đầu mới tu Thầy cho như vậy, tu lâu thì phải tập điếc, tập mù cũng nên.

– Em thấy cách giải thích đó không ổn chút nào, tự nhiên lại đi làm chuyện đó.

– Anh cũng chịu, nhưng mình có trò để chơi rồi.

– Trò gì?

– Trò tập làm người câm, người điếc. Ví dụ như anh là người câm, em là người điếc khi anh nói chỉ ứ ứ, quơ quơ tay chân, em không nghe, trả lời lạc nhách, lạc nghẽo. Thử xem sao?

 

Tâm Từ đứng dậy đi tới cái bàn cầm cái bình bát lên quơ tay ra bộ ăn, rồi chỉ cái bụng mặt ỉu xìu. Tâm An nói “anh đói bụng muốn ăn mì gói chứ gì?” Tâm Từ nói, chơi như vậy không dzui, đâu cần em đoán trúng. Em đoán đúng nhưng phải nói ngược lại, ví dụ như: anh đang diễn tả đói bụng nhưng em phải nói là uống nước hả, hoặc đau đầu à?

– Nhưng mà em bị điếc chứ đâu có mù, nên em thấy cách anh diễn tả là hiểu ngay. Chơi như vậy không dzui, chán lắm. Hay mình tập làm người mù và người thiếu một chân thử, anh là người thiếu chân, em là người mù, anh dắt em đi

– Ừ, thử xem.

Thế là Tâm Từ co cái chân lên nhảy lò cò, Tâm An nắm lấy tay anh, hai mắt nhắm cứng. Tâm Từ nhảy từng bước kéo Tâm An đi theo, hai đứa đi quanh phòng vừa đi vừa cười ngặt nghẽo. Tâm An nhảy theo Tâm Từ chứ không bước. Tâm Từ ngừng lại cười nói:

– Em có hai chân mà, đâu cần phải nhảy đâu?

Cả hai ngừng lại nhìn nhau cười, lúc đó Tâm Chánh ở đâu chạy về phòng, nói:

–  Chơi gì mà dzui thế? Cho anh chơi với.

– Tụi em tập làm người khuyết tật -Tâm An trả lời.

– Tại sao lại tập làm người khuyết tật? Tâm Chánh ngạc nhiên hỏi.

– Để hiểu  nỗi khổ của họ – Tâm Từ đáp

– Anh đâu thấy các em khổ đâu mà thấy cười giòn tan. Đừng chơi như vậy tội họ.

– Nhưng anh Tâm Từ giải thích cho em là thực tập im lặng hùng tráng là tập làm người câm để hiểu nỗi khổ của họ mà. Tâm An nói.

Tâm Chánh cười ngất nói:

– Tâm Từ ơi Tâm Từ im lặng chứ đâu phải là làm người câm.

– Chứ anh tập im lặng như thế nào? Tâm Từ hỏi lại.

–  Thì lúc đó anh im lặng không nói thôi.

– Nhưng giờ chỉ tịnh em vẫn thấy anh em mình nói chuyện thầm thì mà.

– Tụi mình không thực tập giỏi thôi.

– Chứ theo anh thực tập Im Lặng Hùng Tráng để làm gì?

– Anh nghĩ lúc đó Thầy cần yên tĩnh để làm việc hoặc ngồi thiền nên sợ anh em mình ồn ào mất thanh tịnh của thầy. Thôi mà đoán già đoán non chi cho mệt, lúc nào Thầy rảnh mình sẽ hỏi Thầy. Nhưng hình như ít khi nào mình im lặng giờ đó, lúc nào cũng có đứa nói chuyện. Tối nay mình thử không nói chuyện xem sao? Tâm Chánh đề nghị.

– Mình phải quy định, ai mở miệng là phải phạt  – Tâm Từ nói

– Phạt cái gì? Tâm An hỏi.

– Mỗi lần nói phải bỏ vào hộp một viên kẹo – Tâm Chánh đáp.

– Em ăn hết rồi, lấy đâu mà bỏ. Tâm An nói.

– Trời! ăn gì một lần mười mấy cây kẹo, không sợ sâu răng à? Tâm Từ hỏi.

Tâm An lắc đầu:

– Em không sợ đâu.

Tâm Chánh nói:

– Thế thì em phải đừng mở miệng.

Tâm Từ cười, rồi thò vào túi móc một viên kẹo trao cho Tâm An:

– Để dành nhé, lỡ tối mở miệng còn có một viên để nộp vào cái hộp

Tâm An mừng quá nhảy lên:

– Cảm ơn anh, em sẽ để dành, em không ăn đâu.

– Giờ mình đi đá bóng đi, bốn giờ chiều rồi. Tâm Chánh rủ.

Cả ba hưởng ứng liền, Tâm An bỏ cây kẹo vào túi áo vạt hò chạy theo hai anh ra bãi cỏ. Được chơi đá bóng là trò ba chú thích nhất, chơi hoài không chán. Có khi Thầy cũng ra chơi với các chú, Thầy bày cho các chú chuyền bóng, dẫn bóng, sút bóng chứ không như các chú chơi với nhau, thấy bóng ở đâu là chạy tới giành, có ba đứa làm sao chia đội được. Chỉ có chơi sút bóng thì một chú làm thủ môn còn hai chú làm cầu thủ. Khi có thầy thì còn có hai đội, mỗi đội hai người, những lúc chơi đá bóng như vậy, Tâm An ao ước chùa mình có thêm khoảng hai chục chú nhóc như các chú để có hai đội chơi thỏa thích.

 

 

Mà tại sao trẻ con chúng nó không thích đi tu nhỉ, để mình có bạn thêm, chứ có ba đứa thì ít quá. Tâm An nghĩ: “Hôm nào mình đi học, mình sẽ rủ mấy đứa bạn trong lớp đi tu với mình, để có thêm cầu thủ cho đội bóng”. Tâm An đem ý kiến đó ra nói với hai anh. Hai chú kia đồng ý mỗi đứa phải tìm cho được sáu đến bảy đứa bạn cùng lớp rủ đi tu để tạo thành một đội bóng chơi cho thỏa thích.

Các chú chơi với nhau cho đến lúc thỉnh chuông báo hiệu đến giờ cơm. Mặt mày chú nào chú nấy đỏ au, mồ hôi nhễ nhại, quần áo nhớp nháp, chạy ù về phòng mặc vội cái áo vào để xuống nhà bếp ăn cơm. Nhìn tay chân, mặt mũi các chú Thầy thấy nửa thương, nửa buồn cười nhưng Thầy nén lại, rồi nói với các chú:

– Các con dơ quá, thôi đi tắm rửa sạch sẽ rồi vô ăn cơm. Từ nay trở đi Thầy sẽ thỉnh chuông trước mười lăm phút để các con nghỉ, tắm rửa, phải ngừng đúng giờ không được chơi quá giờ nghe không.

Ba chú dạ lí nhí trong miệng rồi đi về phòng.

Chùa có phòng tắm nhưng ba chú không thích tắm trong phòng, chỉ thích mặc một chiếc quần cụt rồi lấy vòi nước dội vào nhau vui hơn. Chỉ khi nào trời lạnh các chú mới cần phòng tắm thôi. Tắm xong ba chú vào nhà bếp ăn cơm ngon lành. Ăn xong rửa chén bát rồi về phòng. Từ ngày có bà Tư bên cạnh chùa phát tâm nấu giúp cơm nước hai buổi cho bốn thầy trò, các chú không phải giúp thầy nấu ăn. Các chú chỉ phụ bà Tư mỗi buổi sáng thôi. Bà Tư chỉ qua chùa mỗi buổi sáng nấu đến trưa bà về nhà. Thức ăn chiều bà làm sẵn để trên bếp, chiều bà qua hâm lại dọn lên bàn cho thầy và các chú. Thầy dạy các chú:

– Bà Tư già rồi, các con cần giúp bà xách nước, làm một vài việc nặng, giúp bà nhặt rau…

Bà Tư hiền lắm, thương các chú nhiều, bà thường qua chùa tụng kinh, ngồi thiền mỗi tối. Mỗi lần bà Tư đến các chú đều được bà nhét cho vài viên kẹo, lúc thì mấy cái bánh bò, lúc thì vài khúc mía nên chú nào cũng thương bà Tư hết. Các chú thường quấn quýt bên bà trong bếp, tíu tít kể đủ chuyện.

Tâm An ăn xong về phòng sờ lên túi áo giật mình không thấy viên kẹo đâu hết. Chú lặng lẽ đi ra bãi cỏ tìm nhưng không có. Chạy về chỗ phơi áo quần xem lại trong túi áo cũ nhưng không thấy. Chú buồn thiu, mình hứa phải giữ nó ai dè lại đánh mất rồi, làm sao đây? làm sao để khỏi phải nộp kẹo tối nay? Ngồi im một lúc suy nghĩ chú nẩy lên một sáng kiến giúp chú không nói tối nay. Chú vui vẻ trở về phòng. Chuyện không có kẹo không còn quá khó đối với chú nữa rồi, chú thầm đọc câu thơ “đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”.

Sau giờ ngồi thiền tụng kinh các chú có ba mươi phút để trao đổi nói chuyện, đến chín giờ tối, một hồi chuông ngân lên báo hiệu giờ im lặng đã đến. Lúc này, Tâm An về giường lục tìm trong kệ sách ra một cuộn băng keo dài, chú cắt lấy hai miếng dài dán chéo ở miệng. Chú thầm nghĩ: “Vậy là ổn nhé”, chú hạnh phúc khi thực hiện sáng kiến của mình. Khi chú ngước mặt lên với cái miệng bị bít cứng băng keo làm cho Tâm Chánh và Tâm Từ không thể nhịn cười được, hai chú ôm bụng cười, không dám cười to mà cứ hi hí trong miệng. Tâm Từ chịu hết nổi trước khuôn mặt ngố ngố của Tâm An chú bật nói:

– Em làm cái trò gì vậy? Bịt miệng để không nói chứ gì?

Lúc đó Tâm Chánh bắt Tâm Từ:

– Em đã nói rồi nghe, nộp phạt mau.

– Thì anh cũng đã nói rồi, anh cũng phạt.

– Anh mới một câu mà em hai câu, hai cây kẹo.

Lúc này Tâm Từ khôn ra, ngừng lại ngay và ú ớ giơ tay ý nói: “anh cũng nói hai câu, anh cũng hai cây nghe”.

Tâm An ngồi đó cười khúc khích với cái miệng bịt cứng, chú muốn nói “Hai anh thua em rồi nhé” nhưng không mở miệng được, chú ú ớ trong miệng. Muốn nói mà không nói được cũng khổ. Giờ im lặng hùng tráng hôm nay còn ồn ào hơn mọi hôm vì tiếng cười khúc khích, tiếng nói chuyện. Thầy nghe ồn đi đến phòng gõ cửa ba tiếng bước vào. Thầy cũng bật cười khi nhìn thấy Tâm An đang cười khúc khích với cái miệng dính băng keo, còn hai chú kia thì phải trùm mền lại để cười cho khỏi thành tiếng lớn. Thầy hỏi:

– Tâm An con đang làm cái gì vậy?

 

 

Chú chắp tay xá Thầy rồi đưa tay lên miệng ra dấu hiệu im lặng. Thầy nói:

– Con bỏ cái băng keo trên miệng đi.

Chú dạ bằng cách chắp tay xá và xé hai miếng băng keo dính vào da đau điếng.

– Con nói cho Thầy nghe, con đang làm cái gì vậy?

– Dạ con đang thực tập im lặng hùng tráng ạ.

– Ai dạy con làm điều đó?

– Dạ con tự nghĩ ra, nếu con mở miệng con phải nộp phạt một viên kẹo bỏ vô hộp đó, mà chiều nay đi chơi bóng con làm mất viên kẹo rồi, con sợ không có kẹo để nộp nên nghĩ ra phải tìm cách dán miệng mình lại. Mà hay thiệt nhờ hai miếng băng keo này giữ con lại chứ không lúc anh Tâm Chánh bắt anh Tâm Từ nộp kẹo vì đã nói thì con cũng muốn nói “cuối cùng em là người không nói” nhưng miệng không mở được nên ú ớ hoài.

Thầy nhìn ba chú cười, tiếng cười Thầy giòn tan rồi nói:

– Các con ngốc của Thầy, đó không phải là thực tập im lặng hùng tráng. Thực tập im lặng là một cách thực tập sâu sắc, chúng ta làm cho thân  và tâm được lắng dịu, được yên tĩnh. Khi từ thiền đường về phòng các con nên giữ im lặng ý thức chánh niệm trong mỗi bước chân, mình không nên nói chuyện với bất cứ ai để cùng yểm trợ cho nhau. Các con có thể ngồi yên khoảng mười đến mười lăm phút ngoài trời để ngắm sao, ngắm trăng, lắng nghe tiếng côn trùng rả rích trong đêm, mọi tiếng động nhỏ nhất các con đều nghe thấy bởi nhờ sự yên tĩnh. Cũng vậy, đây là thời gian để  tâm các con được nghỉ ngơi, được yên tĩnh. Cả ngày các con vận động, tâm các con thu nhặt nhiều thứ, nó làm việc quá nhiều, nó ồn ào đủ điều. Nên Im Lặng Hùng Tráng là cơ hội để các con làm lắng dịu thân tâm, quay về với chính mình, lắng nghe nội tâm của mình sâu sắc hơn. Im lặng không phải là đè nén, không nói. Chúng ta vẫn có thể nói nhưng khi nào cần thiết, nói trong chánh niệm, nói nhỏ để khỏi làm động những người xung quanh. Thôi tạm thời các con hiểu như vậy, ngày mai Thầy sẽ giảng  rõ cho các con biết cách thực tập im lặng hùng tráng một cách sâu sắc hơn.

Nói xong Thầy đứng lên “chào các con, chúc các con ngủ ngon”.

– Thầy thong thả bước đi những bước chân nhẹ nhàng mà vững chãi, những lời dạy của Thầy đánh động vào tâm trí ngây thơ của các chú. Các chú cảm thấy nó mới mẻ mà cũng đâu xa lạ lắm. Cả ba lặng im suy ngẫm lời chia sẻ vừa rồi. Tâm An tự cười thầm khi nhớ đến hai miếng băng keo trên miệng. Nếu không có Thầy đến đúng lúc thì chú sẽ khổ sở với nó cho đến sáng mai mất. Không khí trong phòng trở nên im ắng, tiếng con dế rủ rỉ rù rì, tiếng con ếch kêu ộp ộp ngoài xa vọng lại. Âm thanh của màn đêm nghe cũng hay, cũng kỳ diệu  ghê.

 

 

Tâm Từ không ngờ màn đêm lại có khúc nhạc hay tuyệt, như một bản hòa tấu của thiên nhiên đang rung lên những cung bậc sâu lắng đến lạ, tự nhiên trong chú đi lên câu hát “Im lặng của đêm tôi đang lắng nghe”.

Tâm Chánh cảm thấy khi hiểu được ý nghĩa của sự thực tập này. Chú cảm thấy rất khỏe, rất thoải mái ngắm mọi vật xung quanh. Chú cảm thấy Im lặng nó có cái gì đó rất mạnh mẽ, rất hấp dẫn lôi cuốn. Chú mơ hồ nhận ra sự hùng tráng của Im lặng, khó mà giải thích rõ, chỉ tự cảm nhận thôi. Chú tự nhắc nhở mình phải tôn trọng giờ thực tập này. Nó rất đẹp, rất nuôi dưỡng, làm cho sự thực tập chánh niệm trở nên sâu sắc hơn.

Sáng hôm sau, chùa có khách quý, ba chú rất vui khi có sư anh, sư em của Thầy về thăm Thầy. Thầy cũng bất ngờ trước sự thăm viếng này. Thầy gọi ba chú vào phòng khách. Cả ba mặc áo tràng bước vào xá chào hai vị khách:

– Chúng con kính chào quý Thầy

Thầy mỉm cười nói với ba chú:

–  Thầy này là sư anh của Thầy tên là Pháp Vĩ , còn đây là sư em Pháp Thiện.

Các chú cúi đầu chào. Các chú được phép ngồi chơi chung. Thầy nói:

– Các con tự giới thiệu về mình cho hai Thầy biết

– Dạ thưa quý Thầy, con tên là Tâm Chánh. Con mười bốn tuổi.

– Dạ thưa con tên là Tâm Từ con mười ba tuổi.

– Dạ thưa con tên là Tâm An con mười hai tuổi.

Thầy Pháp Vĩ hỏi:

– Các con muốn ăn bánh không? Thầy có mang một ít bánh cho các con.

Các chú dạ lí nhí trong miệng.

Thầy nói tiếp:

– Mình cùng ăn bánh uống trà kể chuyện ngồi chơi với nhau là dzui rồi. Các con cứ tự nhiên thoải mái. Các con có chuyện gì dzui kể cho quý thầy nghe với!

Tâm Từ hỏi nhỏ Tâm Chánh

– Kể chuyện Tâm An hồi tối đi.

Tâm An mắc cỡ, chú lắc đầu lia lịa:

– Tự nhiên đem chuyện đó ra kể quê lắm.

–  Nhưng mà vui. Tâm Từ trấn an em.

–  Anh kể nghe?

Tâm An làm thinh nhưng trong bụng không thích cho lắm.

Thầy nhìn các chú cười rồi nói:

– Tụi nhỏ này có nhiều trò dzui lắm sư anh, hồi tối em không nhịn được cười. Có chúng nó em thấy mình hạnh phúc, em cũng bớt nhớ về Bát Nhã, về những ngày tháng tươi đẹp ở đó.

Nói đến đó Thầy quay sang gợi ý:

– Các con kể chuyện cho quý Thầy nghe đi, rồi quí Thầy sẽ chia sẻ thêm cho các con biết cách thực tập Im Lặng Hùng Tráng, sự thực tập của quý Thầy hay lắm đó.

Tâm Từ hớn hở chắp tay lên xá chào, rồi kể lại chuyện Tâm An có phương pháp thực tập Im Lặng Hùng Tráng mới:

– Dạ con kính thưa quý Thầy, Tâm An em con có cách thực tập Im Lặng Hùng Tráng đặc biệt nhờ vào một bảo bối kỳ diệu là băng keo dán miệng.

Mặt Tâm An đỏ lên vì mắc cỡ, chú chống chế:

– Nhưng nó giúp em không nói, còn các anh nói trước hết.

– Tại em làm phương pháp mới này lạ quá nên các anh không thể không cười không nói được. Tâm Chánh nói.

Quý Thầy ngồi đó cười khi nghe ba chú thuật lại việc thực tập Im Lặng Hùng Tráng.

Thầy Pháp Thiện lúc này mới lên tiếng:

– Chà mình phải xin Tâm An một ít bảo bối này dán miệng để thôi nói linh tinh. Thầy cười, nói tiếp:

– Chia sẻ về thực tập Im Lặng Hùng Tráng cũng hay, sư em xin các sư anh lão làng chỉ dạy thêm cho em và cho các chú nhỏ này.

Thầy nói:

– Sư anh đã chia sẻ một chút ít căn bản rồi, và hứa hôm nay sẽ giải thích hướng dẫn thêm cho các chú. Tiện thể có sư anh và sư em ở đây, xin chia sẻ một ít kinh nghiệm của mình cho sư em và các chú cùng học hỏi. Pháp Thiện, sư em chia sẻ đi.

Thầy Pháp Thiện cười, rồi chắp tay thưa:

 

 

– Con kính bạch Sư Ông, con kính thưa quý sư anh và các em. Trước đây con thường nói nhiều, chuyện gì cũng nói, nói linh tinh không hà, rất là hiếu động, quý sư anh cũng biết rồi mà, cách sử dụng từ ngữ của con vô tội vạ, thiếu chánh niệm, do đó con được y chỉ sư cho thực tập Im Lặng ba ngày để cho mình yên lại và tập thói quen mới biết cách nói đúng lúc, đúng thời, biết cách diễn đạt tâm ý của mình rõ ràng, gọn ghẽ. Con đã thực tập im lặng với mục đích là thực tập chánh ngữ. Ba ngày đi qua, con đã không thành công, sau khi im lặng ba ngày con còn nói nhiều hơn, nói bù vào những ngày phải im. Sau đó y chỉ sư cho con thêm ba ngày nữa nhưng kèm theo bài tập phải làm lắng dịu, yên tĩnh lại cái tâm của mình, phải thực tập dừng lại các suy nghĩ. Im lặng để thấy rõ tâm ý của mình mà dừng lại. Ba ngày sau đó con khá hơn, con thấy mình đã nói thừa thải quá nhiều trong cuộc đời và tạm thời yên hơn, bớt nói lại chút ít. Con không ngờ thực tập im lặng hùng tráng lại có tác dụng chữa trị tật nói nhiều của con. Thực tập im lặng hùng tráng là thực tập chánh ngữ một cách sâu sắc nhất. Nó là đỉnh cao của các loại ngôn ngữ âm thanh. Nó giúp cho âm thanh được phát ra có giá trị hơn, có phẩm chất hơn. Do đó, con rất trân quí thời khoá im lặng hùng tráng mỗi ngày.

Những lời chia sẻ của thầy Pháp Thiện làm các chú bàng hoàng khó hiểu. Lần đầu tiên các chú mới nghe “im lặng là sự thực tập chánh ngữ một cách sâu sắc” hay “im lặng là đỉnh cao của âm thanh”, dầu chưa hiểu được bao nhiêu nhưng các chú cảm thấy rất thích thú, có nhiều cảm hứng hơn trong giờ thực tập Im Lặng Hùng Tráng.

Ba Thầy ngồi im uống những ngụm trà thong thả, ba chú được ngồi ăn bánh thoả thích. Một lát sau, Thầy Pháp Vĩ lên tiếng chia sẻ:

– Hôm nay chỉ là một buổi ngồi chơi thân mật, chúng ta nói chuyện thoải mái, bỏ bớt những nghi lễ, những lời thưa chào nhé. Sư anh rất thích thời gian được im lặng. Sự thực tập im lặng của sư anh là sự im lặng toàn bộ ba nghiệp thân, khẩu, ý. Thân và khẩu ngó vậy chứ còn dễ thực tập hơn ý. Cái tâm của mình nó lúc nào cũng suy nghĩ, ít khi nào lắng yên lắm. Im Lặng là cơ hội để cho cái thân và cái miệng mình yên lại, có như thế mình mới tập trung vào tâm ý, lắng nghe chính mình sâu hơn và buông bỏ mọi ý niệm đi lên dù là ý niệm tốt hay ý niệm xấu. Làm thế nào để trong tâm không khởi lên ý niệm nào hết, cái tâm thực sự rỗng rang, biết rõ mọi chuyện đang xảy ra nhưng không nắm bắt, không chiếm giữ. Đó mới là sự im lặng hùng tráng nhất, nó tạo ra một năng lượng kỳ diệu để tiếp xúc với sự thật mầu nhiệm của cuộc sống. Theo Sư Anh, bất cứ một người xuất gia nào cũng cần có sự im lặng đó để nuôi dưỡng, dẫn dắt mình đi đúng hướng. Các sư em có biết không? Im lặng là sự hội tụ của muôn ngàn âm thanh, nó chứa đựng mọi thứ tiếng, mọi tầng âm khác nhau. Im lặng là nền tảng của mọi âm thanh, nếu không có im lặng thì chúng ta không thể biết đến các âm thanh. Con người chúng ta có một tập khí sâu dày rất kỳ lạ là chỉ nắm bắt được âm thanh mà không thể thấy một cách trọn vẹn sự kết hợp hài hoà giữa âm thanh và im lặng. Tiếng im lặng luôn có mặt nhưng chúng ta thường lãng quên.

Thầy ngừng lại rồi im lặng, nâng ly trà uống một ngụm nhỏ. Cử chỉ chậm rãi, thảnh thơi. Những lời chia sẻ này đối với ba chú đều mù tịt không hiểu gì hết. Các chú chỉ cảm nhận rằng: sự thực tập im lặng có chiều sâu hun hút khó mà hiểu được. Đó là sự thực tập kỳ lạ nhất, mọi lời chia sẻ đều mới lạ vô cùng. Tâm An nhìn Thầy, Thầy của chú tỏ ra rất hạnh phúc sung sướng khi được nghe những lời chia sẻ này. Mắt Thầy chú sáng lên, khuôn mặt tràn đầy sự mãn nguyện. Rồi Thầy nói tiếp:

– Đó là một sự lãng quên đáng tiếc.

Nói đến đây, Thầy ngừng hẳn, Thầy như chìm sâu vào cõi im lặng của Thầy. Mọi người ngồi yên như chiêm nghiệm, như cảm nhận sự mầu nhiệm của Im Lặng. Tâm Từ cảm thấy khó chịu trước sự im lặng đó. Tay chân chú bắt đầu múa máy. Không riêng gì chú, Tâm Chánh, Tâm An cũng thế, cảm thấy sự im lặng đó ghê quá, các chú chỉ muốn phá tan nó đi. Các chú biết, hiểu sơ sài rằng: thực tập Im Lặng Hùng Tráng là rất cần thiết, thế cũng đủ rồi. Người lớn hình như thích dài dòng. Một lát sau. Thầy cứu các chú ra khỏi cảm giác đó. Thầy hỏi:

– Các con có thấy thực tập Im Lặng Hùng Tráng có ý nghĩa sâu xa không?

– Dạ có ạ! Cả ba đồng thanh trả lời.

Tâm An thầm nghĩ dù sao thì có âm thanh vẫn dễ chịu hơn nhiều. Cái đỉnh cao ấy chú chưa muốn leo lên, hình như trên ấy cũng chẳng phải là chỗ của con nít chúng mình. Chỗ thích hợp nhất của chúng mình lúc này là sân bóng thôi.Kín miệng

 

Những trang viết trước:

Chương 1: Tiếng gọi của Thế Tôn

Chương 2: Thế giới của thơ và nhạc

Chương 3: Vũ điệu của đôi chân

Chương 4: Những chiếc bình ngồi yên

Chương 5: Nuôi dưỡng thân tâm

Chương 6: Phá vỡ bức tường vô hình

Mời quý bạn đọc đón xem phần tiếp theo của Phương Trời Lạ do sư cô Chân Vỹ Nghiêm viết tặng khung trời tuổi thơ.

Chương 8: Trận bóng đá đáng nhớ