Thầy cô ơi, hãy hạnh phúc đi!
Ngày 19 tháng 11 năm 2017,
Thầy cô kính mến,
Ngày mai là thứ Hai nhưng thầy trò mình lại không cần phải đến trường, con nghĩ lâu rồi thầy cô mới có mấy hôm nghỉ ngơi thảnh thơi như vậy. Dĩ nhiên là tụi con cũng vui vì được hưởng “ké” ngày nghỉ 20/11, nhưng quan trọng hơn, con mong thầy cô có những giờ phút thư giãn nhất để tạm lắng xuống những căng thẳng, mỏi mệt thường ngày; để có thời gian dành cho chính mình. Con thì nghĩ ngày nào cũng là ngày nhà giáo, nhưng nếu tất cả các ngày đều đặc biệt, sẽ không còn ngày nào đặc biệt cả. Do vậy mà người ta cần có một dịp “đặc biệt” nào đó, một cái cớ để ngẫm nghĩ về giá trị, ý nghĩa của ngày hôm đó. Bữa nay con hy vọng có thể cùng thầy cô nghĩ về câu nói “Thầy cô giáo có hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”.
Khi chọn chủ đề tiêu điểm cho Fanpage vào tháng 11, tụi con đã nghĩ đến “phép màu”. Thiệt, trong mắt tụi con thầy cô cứ như những người “thần kỳ” vậy. Cùng một lúc, thầy cô có thể cân bằng công việc (mà trong công việc lại có ty tỷ việc nhỏ khác), đời sống cá nhân, gia đình, thậm chí vẫn có thể sắp xếp thời gian để tâm sự cùng tụi con. Con biết rằng để có những tiết học trên lớp là rất nhiều phút lao động để soạn bài, chuẩn bị đề cương, lên kế hoạch cho chúng con; con cũng biết rằng để có những bài kiểm tra được trả đúng hạn là nhiều đêm đèn còn chong ở phòng làm việc đến khuya. Con biết rằng đằng sau nụ cười để đứng lớp là những viên thuốc chống đau đầu uống đến nghiện trên bàn thầy, là nỗi lo chiều nay đón con trễ của cô, là tiếng thở dốc và những giọt mồ hôi vì đã dạy cả ngày, là nhiều nỗi niềm khác thầy cô chưa kể. Con biết 7h20 sáng đến 4h20 chiều là thời gian trường học hoạt động nhưng thầy cô luôn là người làm việc trước 7h20 và sau 4h20; có những đêm ở lại trường con thấy đèn vẫn sáng đến 8-9h tối, có những lần đọc được status của thầy cô con mới biết có một số thầy cô phải thức dậy từ 3-4 giờ.
Đó là vai trò “thầy cô” khi đứng lớp, khi đối diện với lũ học sinh chúng con; nhưng thầy cô đồng thời cũng là “nhân viên” của tổ chức, của nhà trường. Con biết sau những tiết học là những giờ miệt mài làm báo cáo, thống kê, đánh giá để gửi cho nhà trường. Con cũng biết thầy cô còn có workshop, còn phải học tập để trau dồi thêm kỹ năng của mình, còn phải đóng vai “chuyên gia tâm lý” cho đám học sinh tụi con vốn có rất nhiều vấn đề tuổi mới lớn. Thầy cô còn là chồng, là vợ, là cha, là mẹ trong gia đình với hàng tỷ việc không tên khác. Con biết, à mà thôi, còn rất nhiều việc khác mà con đã biết đâu, vì thầy cô không kể và con không biết thầy cô còn có thể “siêu” đến mức nào.
Con đã từng nghĩ việc có thể cân bằng tất cả những sự bận rộn đó chính là thành công của thầy cô; nhưng khi nhìn những gương mặt gầy xọm đi vì thức khuya, khi thi thoảng đón nhận những sự cáu gắt không-cố-ý từ thầy cô, khi nhìn số thuốc thầy cô phải uống, khi nghe cô cười gượng nói rằng chưa từng đón con đúng giờ, khi nhìn thầy cô ngủ quên trong phòng làm việc; con tự hỏi thầy cô của con có hạnh phúc thực sự hay không?
Con nghĩ trong một chừng mực nào đó thầy cô vẫn tìm được niềm vui của việc “trồng người”, niềm vui “thay đổi thế giới” mà nghề giáo mang lại cho thầy cô. Mỗi đứa học sinh tụi con là một mầm tương lai, là một thế giới và thầy cô chính là người sẽ thay đổi thế giới ấy. Niềm vui ấy là niềm vui được mang lại những giá trị cho tương lai, cho những đứa học sinh như tụi con. Niềm vui ấy đánh đổi bằng thời gian, sức khỏe, những mối quan hệ, sự cô đơn, thậm chí là áp lực. Nhưng chừng nào niềm vui có thể trở thành “hạnh phúc” thực sự, niềm hạnh phúc không khiến người ta hao mòn?
Thầy Thích Nhất Hạnh, người đã nói câu “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, lại cho rằng hạnh phúc của “người giáo chức” phải là niềm an lạc từ thân đến tâm. Thầy cô hạnh phúc là thầy cô có sức khỏe tốt, là một tinh thần thoải mái vui vẻ khi đến trường, khi làm việc; là khi thầy cô có thể được thảnh thơi có thời gian chăm sóc chính mình, là khi thầy cô không phải dùng đến thuốc đau đầu, khi thầy cô có thể chuyển hóa được áp lực của mình mà không truyền nó đến học sinh. Và khi hạnh phúc, thầy cô sẽ tự nhiên gieo những hạt giống tốt lành, sẽ thay đổi thế giới này theo một cách rất…lành tính. Thầy cô sẽ không phải chạy theo chỉ tiêu, không phải chạy theo dự án, sẽ nghĩ ra những ý tưởng cho bài giảng của mình, tấm lòng sẽ trôi chảy hơn, sẽ không cạn khô vì mỏi mệt.
Thầy cô ơi,
Mỗi năm đến ngày 20/11 con lại mong mỗi người trong xã hội này, bao gồm chúng con, thầy cô, ba mẹ của chúng con, xã hội đang nuôi lớn chúng con dành ra những giây phút quý báu để nghĩ về hai tiếng “thầy – cô”. Con ước gì thầy cô không phải sống theo sự kỳ vọng phải mô phạm nghiêm túc của xã hội. Con ước gì người ta hiểu rằng Giáo dục là một công việc làm khó nhọc vì nó tác động trực tiếp đến con người, đến sự phát triển của “thế giới”, của “tương lai” và do vậy giáo viên nên được học cách yêu thương chính bản thân thầy cô, hiểu chính mình trước khi mang tình thương ấy đến cho học sinh. Con ước gì tụi con có thể hiểu hơn thầy cô vất vả như thế nào khi phải đóng nhiều vai trong đời, phải chịu nhiều áp lực không chỉ từ công việc giảng dạy mà còn từ công việc hành chính, từ thành tích, từ những kỳ vọng của các cấp. Con cũng ước gì thầy trò mình có dịp để ngồi cùng nhau và trò chuyện, giãi bày cho nhau những nỗi khổ của thầy, của cô, của trò… Con cũng ước sao mình có thể hiểu hơn để thương hơn thầy cô, như vậy thầy trò mình có thể bớt đi rất nhiều giây phút không hiểu nhau vì con nhớ mãi lời cô nói với con “sống ở đời xét cho cùng là để học cách yêu thương nhau”.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, con không biết chúc gì hơn ngoài chút hy vọng nhỏ nhoi rằng một ngày nào đó những người thầy người cô kính yêu của chúng con sẽ có hạnh phúc thực sự – hạnh phúc từ sự cảm thông của bên ngoài và từ chính nội lực vượt lên nó của thầy cô. Con chúc thầy cô an lạc từ thân đến tâm và cùng với chúng con thay đổi thế giới này.
Chúng con thương thầy cô thật nhiều.
Kính thư,
Ban quản trị Cộng đồng Học sinh LSTS (Lawrence S. Ting Students Community)
Nguồn: Facebook Cộng đồng Học sinh LSTS (Lawrence S. Ting Students Community)