Một tâm mà động mười phương

(thương kính dâng tặng Sư Cô Chân Không)

Sư Cô Chân Không kính thương,

Con viết những dòng này khi vừa gấp lại trang cuối cùng bộ hồi ký 52-54 năm theo Thầy học đạo và phụng sự của Sư Cô. Dù đã biết Sư Cô qua những thông tin về Làng Mai, qua những bài viết, những trang sách của Sư Ông nhưng con vẫn không khỏi ngạc nhiên và ngưỡng mộ sự dấn thân đến tận cùng của Sư Cô. Mỗi lần nói tới Sư Cô, con luôn nhắc đi nhắc lại một câu hỏi: “Sư Cô làm sao có thời gian để vừa kêu gọi hoà bình, vừa cứu trợ người đói khổ, vừa phụ tá Thầy trong các chuyến hoằng pháp và tổ chức khóa tu khắp nơi trên thế giới như thế?”. Con đã tìm ra câu trả lời khi đọc xong toàn bộ hồi ký này.

Tuần tự từ tập một tới tập bốn, con như thấy mình là sự tiếp nối nhỏ bé của Sư Cô. Trong cách sống và cách phụng sự của Sư Cô, con tìm thấy rất nhiều tương cảm mà con không làm sao lý giải nổi. Mở đầu cuốn hồi ký, trong tập 1 “Con đường mở rộng”, Sư Cô nói về “gốc rễ”, những “hạt giống nhìn sâu” lúc còn nhỏ. Những câu hỏi của Sư Cô hồi bé thật dễ thương: “Má ơi, con dài bằng cái gối dài này rồi, sao con chưa được đi học?”. Đến lứa tuổi học trò, lứa tuổi đẹp nhất của đời người, Sư Cô đã tìm ra đường đi cho riêng mình: “khi có đường đi rồi, con trai con gái đều đẹp ra”. Con đường của Sư Cô là con đường của “khoa học và lý tưởng phụng sự người khổ”. Sư Cô vừa đi học, vừa đi dạy kèm thêm các em bé nghèo, lại phụ giúp những người nghèo khổ tìm kế sinh nhai.

Sư Cô Chân Không (Cao Ngọc Phượng) trong chiếc áo Tiếp Hiện

Tiếp đó Sư Cô góp phần thành lập Đoàn sinh viên Phật tử vào năm 1962 trong “cuộc đấu tranh bất bạo động chống độc tài”. Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh là hình ảnh Bồ Tát Thích Quảng Đức và cô Nhất Chi Mai tự thiêu vì hoà bình. Rồi tới các hoạt động của Làng Tình Thương, Sư Cô đã cảm thấy “ruột đau chín khúc” khi chứng kiến những khổ đau của người dân Việt Nam dưới làn bom đạn. Bao nhiêu tâm huyết tuổi trẻ của Sư Cô đã cống hiến cho Chùa Lá Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cùng những hoạt động dấn thân của Dòng tu Tiếp Hiện. Trong sự kiện Tết Mậu Thân, Sư Cô suýt thiệt mạng khi lọt vào vòng bom đạn trong lúc đi tiếp trợ đồng bào. Sau đó Sư Cô quyết định rời Việt Nam để tiếp tục kêu gọi hòa bình ở nước ngoài.

Tập 2 – “Bước chân hộ niệm, hơi thở từ bi” mở đầu bằng việc thành lập Phái đoàn Hòa Bình tại Paris nhằm cung cấp cho truyền thông những thông tin độc lập và khách quan nhất bên lề Hội nghị Paris về chiến tranh Việt Nam. Sau những chuyến “hành hương cho hòa bình” không mệt mỏi của Sư Ông, Sư Cô và các vị cộng sự, những cuộc thương thảo giữa phái đoàn với các bên tham gia đàm phán, hội nghị Paris cũng đã dần dần tìm được tiếng nói chung và đi tới ký kết. Song song với việc này, Sư Cô vẫn đại diện cho Sư Ông trong việc giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh từ cả hai phía ở Việt Nam, vì “trẻ em và nạn nhân súng đạn của bên nào thì cũng khổ đau như nhau”. Sau ngày Việt Nam thống nhất, tất cả những hoạt động cứu trợ này bị ngưng lại, Sư Cô đã tìm cách “làm lại từ đầu” bằng hình thức khác, bắt đầu từ hoạt động cứu trợ thuyền nhân Việt Nam.

Hai tập cuối của bộ hồi ký nói về những việc làm rất nhân văn nhưng cũng rất thiết thực trong giai đoạn Việt Nam còn nhiều khó khăn. Đó chính là việc tìm cách hỗ trợ các văn nghệ sĩ cả hai miền, đặc biệt là các văn nghệ sĩ có tài nhưng bị “thất sủng” ở miền Nam và các văn nghệ sĩ Nhân Văn – Giai Phẩm ở miền Bắc. Sư Ông là người khởi xướng với lời dạy có đại ý rằng: “Những văn nghệ sĩ là những người tài và mỗi người là một tài năng duy nhất. Thế giới cũng chỉ có một Shakespeare, một Victor Hugo…Việt Nam cũng chỉ có một Trần Nhân Tông, một Nguyễn Du, một Nguyễn Trãi…nên chúng ta phải biết trân trọng những viên ngọc quý này”. Tình cảnh lúc này ở Việt Nam như có một màn mây u ám, chán nản bao trùm lên tâm lý các văn nghệ sĩ. Sư Cô đã nhẹ nhàng, tỉ mỉ viết từng dòng thư tưới tẩm những hạt giống yêu thương, hạt giống hạnh phúc, khuyến khích, động viên các văn nghệ sĩ với mong muốn khơi dậy lại nguồn cảm hứng sáng tác của họ.

Tập 3 – “Phương Hương xuôi vạn lý” ghi chép lại những bức thư trao đổi, những suy tư của người nhạc sĩ tài hoa Lê Thương và người em gái – “bác sĩ” Phương Hương (giả danh của Sư Cô). Con đã từng nghe nói tới nhạc sĩ qua trường ca “Hòn vọng phu” nổi tiếng nhưng không ngờ ông lại có gia tài đồ sộ như thế. Nhờ Sư Ông dạy mà Sư Cô đã “khám phá một bậc nghệ sĩ lớn, một bậc cha chú xuất sắc” là nhạc sĩ Lê Thương. Những đồng cảm của nhạc sĩ đối với nỗi đau của đồng bào thuyền nhân cũng được thể hiện qua bài hát “Biển sau giông tố”. Không chỉ có âm nhạc mà ông còn thể hiện quan điểm rất nhân văn và tiến bộ trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như quan điểm coi việc đốt vàng mã như một nét đẹp truyền thống, một sợi dây liên kết giữa người âm với người dương. Sư Cô đã “chia sẻ về nếp sống hiện tại” ở “Nông trại Khoai lang” (Phương Vân Am) của Sư Ông và cộng sự với ông. Trong nhiều thư trao đổi, Sư Cô khuyến khích Nhạc sĩ Lê Thương kể lại hoàn cảnh ra đời kiệt tác “Hòn vọng phu” của ông. Nhạc sĩ Lê Thương sau đó cũng viết tặng cho Sư Cô một khổ riêng bổ sung cho phần “Hòn vọng phu 2: Ai xuôi vạn lý”:

Có thơ xuôi vạn lý
Nhắn
Phương Hương mấy lời
Đá non sông tình ý
Vẫn trơ gan dưới đời
Ghi nghĩa nặng tình sâu
Và lòng thân tín với nhau
Vững như đá tảng non đầu
Vẫn chan chứa Tình Bể Dâu

Đất bằng nổi sóng” – cuộc sống những năm cuối đời của nhạc sĩ không được bình an. Ông bị mất trí nhớ do căng thẳng và mất vài năm sau đó.

Tập 4 – “Cần Thơ về Kinh Bắc” ghi lại những trao đổi giữa người “bác sĩ” yêu thơ Hoàng Cầm là Cần Thơ (giả danh của Sư Cô) với nhà thơ Hoàng Cầm. Sư Cô đã chia sẻ rằng biết đến Hoàng Cầm lần đầu là do Sư Ông giảng về tập thơ “Tiếng Hát Quan Họ”, rồi sau đó đã xúc động sâu sắc khi đọc bài thơ “Em bé lên sáu” của nhà thơ. “Tiếng gọi của thơ” Hoàng Cầm đã gây thiện cảm đặc biệt tới Sư Cô. Từ đây, Sư Cô đã tìm mọi cách để “bắc một chiếc cầu” liên lạc với nhà thơ. Sau hơn một năm tìm kiếm, Sư Cô đã có địa chỉ của Hoàng Cầm và bắt đầu công việc “khôi phục niềm hứng khởi sáng tác” bằng “bức thư đầu”. Ngay từ bức thư trả lời đầu tiên, thi sĩ đã gửi tặng em gái Cần Thơ bài “Hương Xa” thể hiện sự bỡ ngỡ, ngạc nhiên:

Một áng hương Em gói lẵng xuân
Từ đâu? Bỡ ngỡ cảnh thiên thần?
Hương xa…lạ thế…mà thân thế
Quấn nửa tinh cầu nửa bước chân…

Và rồi là một loạt câu hỏi như “bài thơ nào đã tác động tới Em Thơ”, “hoàn cảnh gia đình thế nào”:

Bài thơ nào vỗ cánh trong Em?
Để mỗi mười năm một trắng đêm
Là đêm thao thức mơ về Nước
Thon dáng người
Thơ, gió động rèm.

Sau những trao đổi về “vài nét chính trong tác phẩm thơ của Hoàng Cầm”, nhà thơ đã dần dần gửi sang cho Sư Cô những bài thơ đã xuất bản cũng như rất nhiều bài chưa từng được công bố. Thi sĩ đã rất cẩn thận, căn dặn bài nào trong tập thơ nào, từ nào bị tam sao thất bản, quy cách lưu trữ, đánh máy ra sao…và đặc biệt là căn dặn không được in lời phê bình vào tập thơ nào. Cho dù đã tiên liệu được trước những rủi ro có thể xảy ra, nhưng “Hoàng Cầm bị bắt” vẫn là sự thật. “Nguyên do vì sao Hoàng Cầm bị bắt” khó có câu trả lời chính xác, nhưng có thể một phần là do nhạc sĩ Phạm Duy đã cho ra đời album (Hoàng) Cầm Ca trong đó có bài “Lá Diêu Bông” cùng với một album khác bao gồm các bài hát bị cấm khi đó. Bài “Lá Diêu Bông” theo như chính lời tác giả viết: “Lá Diêu Bông không thể ai tìm thấy tên trong bất cứ một sách vở tài liệu nào về khoa học tự nhiên…mà chỉ là một biểu tượng. Biểu tượng cho những mối tình cao đẹp, của những lý tưởng trong sáng, của những gì là Thật, là Lành, là Đẹp vốn có trong mỗi con người” nhưng nhạc sĩ Phạm Duy đã hiểu theo một ý nghĩa khác. Sau ngày đất nước đổi mới, giới văn nghệ sĩ cũng được cởi mở hơn, thi sĩ được ra tù và “từ từ phục hồi”. Cũng trong thời gian ấy, Sư Cô chính thức xuất gia (1988) và bận nhiều công việc Phật sự khác nên hạn chế dần những việc này. Cuối đời, “thi sĩ (đã) gặp em Thơ của Hoàng Cầm: sư cô Chân Không, Thầy và tăng thân Làng Mai tại Hà Nội tháng 1 năm 2005” và một lần nữa vào năm 2008 trước khi mất năm 2010.

Bên cạnh việc ủng hộ về mặt tinh thần, Sư Cô cũng tìm nhiều cách để hỗ trợ về mặt vật chất cho các văn nghệ sĩ trong giai đoạn đất nước cực kỳ khó khăn này. Những lá thư, những gói thuốc tây vẫn đều đặn được gửi về tận tay cho các văn nghệ sĩ mà người nhận không biết ân nhân của mình thực sự là ai. Những sáng tác mới, bản nhạc mới, bài thơ mới lại được ra đời và gửi tới Sư Cô như lời tri ân từ người nhận quà. Sư Cô thật sự xứng đáng với bài kệ truyền đăng của Sư Ông:

“Chân thân vượt thoát sắc cùng hình
Không tánh từ xưa vẫn tịnh minh
Ứng hiện trần gian trăm vạn lối
Từ bi phương tiện độ quần sinh.”

 

Sư Cô kính thương,

Qua bộ hồi ký, con thấy được rõ hơn những việc làm không biết mệt mỏi của Sư Cô để “mở thêm rộng lớn con đường” mà Sư Ông đã dày công xây dựng, như trong bài thơ cùng tên mà Sư Ông đã viết tặng khi Sư Cô xuất gia năm 1988:

Mái tóc vốn màu gỗ quý
Nay dâng thành khói trầm hương
Nét đẹp đi về vĩnh cửu
Vi diệu thay ý vô thường.

Sáng nay cạo sạch mái tóc
Mở thêm rộng lớn con đường
Phiền não vô biên nguyện đoạn
Một tâm mà động mười phương.

Những việc làm thầm lặng của Sư Cô dưới nhiều hình thức khác nhau giúp cho không biết bao nhiêu người, thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội vượt khó. Tấm lòng của Sư Cô đối với con nói riêng, đối với mọi người nói chung thật từ bi và rộng lớn.

Sư Cô đích thực là một vị Bồ tát!

Con – Hoàng Thanh Bình

Hà Nội, ngày 01/11/2017

Chú thích:

Tất cả các cụm từ “in nghiêng trong ngoặc kép” là tên riêng hoặc tên các chương trong bộ hồi ký.