Nẻo về tiếp nối

Nguyện mở rộng con đường

Thầy kính thương,

Bước theo dấu chân thầy con biết con đang đi trên con đường chánh, con đường của Hiểu và Thương.

Tháng 6 năm 1990, khi nhìn Thầy bước đi, con biết con đã tìm thấy được quê hương tâm linh sau bao nhiêu năm tìm kiếm.

Mái xưa Thầy bước chân vào
Âm thanh học trò im bặt
Vượt thoát muôn trùng con chữ
Pháp mầu đích thực truyền trao.
(The Teacher enters the hall
The students fall silent
Beyond words Transmission happens.)

Con giữ gìn và trân quý những giây phút được sống bên Thầy, được Thầy dạy dỗ bằng những phương tiện khác nhau.

Con nguyện sẽ đi trên con đường này, bình an và vui vẻ.

Và con nguyện mở rộng con đường đó cho những thế hệ tương lai.

Với tất cả sự thương yêu và lòng biết ơn sâu sắc,

Con, Chân Diệu Nghiêm
(Sư cô Diệu Nghiêm thường được biết đến là sư cô Jina, người Ái Nhĩ Lan, quốc tịch Hà Lan, xuất gia trong truyền thống Thiền Tào Động ở Nhật Bản năm 1985. Sư cô được thọ giới lớn và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 1992. Sư cô hiện đang tu tập tại xóm Hạ, Làng Mai.)

Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ

Xóm Hạ, ngày của ngày hôm nay

Thầy kính thương!

Thầy ơi! Mỗi ngày qua đi, dù không luôn luôn được kề cận nhưng ý thức Thầy còn đó cho chúng con là con hạnh phúc vô cùng.

Con đang chúc mừng ngày Tiếp nối của Thầy, và con cũng đang chúc mừng sự tiếp nối của Thầy đang chảy trong con. Những gì con đã đi qua chỉ là một phần rất nhỏ Thầy đã đi qua, con biết vậy nên con không lo lắng. Thầy đã làm được, tăng thân sẽ làm được, con cũng sẽ làm được, phải không Thầy?

Hồi trước, khi còn chăm sóc các sư em cây Sồi Đỏ ở Diệu Trạm, con đã viết một câu thế này trong sổ công phu của một sư em: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!” (TCS) để nhắc sư em ấy sống để tâm hơn đến các chị em xung quanh. Hôm nay, nhân ngày này con lại nhắc con rằng: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!” để con nhớ rằng con cần nuôi dưỡng lý tưởng, con đường mà con đang đi, bởi cuộc đời ấy có bao lâu, phải không ạ? Con mang ơn nhiều người, nhiều thứ quá trong cuộc đời này, nên con không thể chỉ nghĩ cho riêng con, cũng không thể sống thờ ơ được. Thầy đã dành cả cuộc đời Thầy cho tất cả. Điều đó đẹp quá Thầy ạ, một con đường tìm về chăm sóc tự thân mà không nghĩ riêng cho bản thân. Một con đường giúp người tìm thấy bình an, hạnh phúc mà đồng thời cũng đang mang bình an, hạnh phúc đến cho chính mình. Cần lắm những tấm lòng, những trái tim như vậy.

Con đường mà Thầy đã đi qua, Sư cô đã đi qua, Mẹ Teresa đã đi qua, ngài Gandhi đã đi qua, mục sư Luther King đã đi qua, … đã có rất nhiều trái tim Bồ Tát đi qua. Hôm nay cần thêm nhiều nhiều nữa những trái tim như vậy làm đẹp cho cuộc đời.

Con kính chúc Thầy sức khỏe, nguyện cầu hồng ân Tam Bảo, chư Bụt Tổ gia hộ để sức khỏeThầy được khá hơn, để Thầy có thể đi lại được nè, để Thầy có thể viết thư pháp được nè, để Thầy có thể đọc những dòng con viết đây thoải mái nhất. Con đang học làm những gì Thầy chưa làm xong, con tin rồi Thầy sẽ lại cùng chúng con leo đồi, đi dạo…

Con chúc Thầy một ngày thật vui, thật khỏe.

Thương kính Thầy luôn,

Con của Thầy,

Chân Xướng Nghiêm.


Thầy là Việt Nam muôn đời

Thầy kính thương,

Từ ngày con biết thở, biết thương thân của mình, không cố sức hay gồng ép hơi thở nữa thì con thấy khỏe nhẹ. Con thấy mỗi ngày hình như con hiểu và thương chính mình hơn một chút. Phép nhận diện đơn thuần, khi áp dụng được, con thấy thích thú quá. Con thấy thích việc chăm sóc khu vườn tâm của mình, dù có lúc có nhiều loại cây làm con cũng trầy trật. Vật lộn một hồi rồi con cũng thử can đảm mà ngồi yên để gọi tên hơi thở vào – ra. Những lần thành công khi chăm sóc một “em bé” (một tâm hành biểu hiện) nào đó con thấy vui và thêm tự tin.

Con ở chung phòng với ba mẹ và em nên chắc Thầy và mọi người thấy… mắc cười lắm về chuyện con ngồi thiền chui. Nhà con chưa hiểu về đạo Bụt nên nếu con ngồi yên thì mọi người sẽ thấy bất thường lắm. Con thì chưa sẵn sàng để giải thích nên con thường ngồi yên rồi dàn cảnh là đang chơi tablet hoặc coi tivi… Thỉnh thoảng có ai lại gần con cũng giật mình hết hồn, rồi ngay lập tức mỉm cười chào “em bé” trong con…

Ngoài ra, con cũng thực tập pháp môn “thả bò” nữa. Trong thời gian ở Làng có ba chuyện lớn xảy ra với con. Chuyện thứ nhất là lúc đầu con chưa biết thực tập nên vẫn có những khổ đau, thậm chí còn vướng mắc vào những vị hay chơi với con, ganh tỵ với những bạn được chơi nhiều hơn… Nên đó là một kinh nghiệm để con nhận ra rằng dù ở trong lòng Tăng thân, nhưng nếu con không biết xử lý khổ đau thì con vẫn đau khổ, vẫn vướng mắc như thường nên con phải thực tập buông bỏ. Chuyện thứ hai là con nhận ra mình có khái niệm rằng “ở Làng thì vui còn ở nhà thì chán”, cho nên khái niệm “Làng” này cũng cần phải “thả” đi. Chuyện thứ ba là được tiếp xúc với Tăng thân, con có cảm hứng để khi rời Làng con vẫn thực tập cho đàng hoàng. Bây giờ nhờ mỗi ngày thực tập rọi ý thức lên thân và tâm một chút nên con cũng dần thấy đường để mình thả được “bò”, chấp nhận được hoàn cảnh và siêng thực tập hơn.

Kính thưa Thầy, có một hôm khi con chú tâm đọc Năm giới, con cảm thấy như mình đang quỳ dưới chân Thầy, nghe Thầy dặn dò những gì cần và không nên đối với cuộc đời mình. Con thấy sao mà một người có thể viết ra được những lời như vậy, có tấm lòng bao la như vậy. Con luôn thắc mắc làm sao cậu bé 16 tuổi tìm đường lên đồi Dương Xuân ngày xưa có thể trở thành một thiền sư như vậy. Tối hôm đó trời mưa tầm tã, sét đánh dữ dội, tự nhiên con thấy là Thầy đâu phải là một người nào, Thầy là cả một dòng sinh mạng, ngay cả con cũng đã có trong Thầy và rõ ràng mỗi khi con nhớ tới hơi thở thì Thầy bên con chứ đâu xa xôi.

Kính thưa Thầy, con rất mừng là con biết đến pháp môn khi còn trẻ, và con còn là người Việt Nam nữa. Nhớ ngày xưa khi đọc sách Thầy lần đầu, con thấy Người viết sao mà “cool” và dễ thương quá, con không dám lên mạng hay lật ra bìa sau coi hình tác giả vì con sợ mình thất vọng. Mãi mấy tháng sau, khi tìm trên Google thì con đã thấy hình và con rất… hạnh phúc. Dù Thầy đi trên bao nẻo đường, từ Paris đến PakChong, dù World Bank hay Nhà Trắng mời Thầy đến thì với riêng con, Thầy vẫn là cánh đồng lúa vuông vắn, Thầy là bờ đê dài ngây ngất, Thầy là lời ru bú mớm nâng niu, Thầy là Truyện Kiều, Thầy là nón lá, Thầy là Việt Nam muôn đời.

Con của Thầy

Nguyễn Hiếu


Trong con có Thầy

Thầy kính thương!

Từ khi con biết đến đạo Bụt, được nghe các bài pháp thoại của Thầy trên mạng và được quý thầy, quý sư cô hướng dẫn tu tập thì trong con có chuyển biến rất nhiều. Tuy sự thực tập của con vẫn còn trồi lên trụt xuống nhưng con đã được học thở học cười, học đi thiền hành, thiền tọa, học lắng nghe và nói lời ái ngữ, học ăn và học làm việc  trong chánh niệm,… Cuộc sống của con nhẹ nhàng và an lạc hơn trước đây nhiều lắm.

Hạnh phúc lớn nhất của con là khi đang chơi vơi trong niềm đau mất mẹ thì nghe được bài “Người thương tôi mất giờ ở đâu” và bài “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi” của Thầy. Những bài giảng đó đã giúp con vượt qua được những khó khăn, những đau khổ trong cuộc đời để sống cho vững vàng và có ý nghĩa hơn. Thế là con quyết định phải đi tìm Thầy – người Thầy vĩ đại và khả kính, tuy chưa từng được gặp nhưng là người có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời con. Con muốn được một lần lạy xuống và bày tỏ lòng biết ơn vô cùng với Thầy và được nghe những bài pháp thoại trực tiếp từ Thầy. Thế nhưng khi con đến thì Thầy lại rời đi trước đó, nên tâm nguyện của con chưa thành. Con có buồn và tủi thân nhưng khi đọc được bài kệ Bụt nói trong kinh Kim Cương: “Tìm ta qua hình sắc. Cầu ta qua âm thanh. Là kẻ hành tà đạo. Không thể thấy Như Lai” thì con hiểu ra rằng sẽ  không gặp được Thầy nếu cứ đi tìm Thầy qua hình sắc. Con quyết định tìm Thầy bằng sự thực tập của con. Con tập nhìn Thầy theo phương pháp vô tướng, tập thấy Thầy  qua từng pháp môn mà Thầy trao truyền. Mỗi khi đi đứng có chánh niệm là con thấy Thầy đang đi, đang bước  với con. Với mỗi hơi thở có ý thức là con thấy Thầy đang thở với con. Và Thầy đang có mặt trong con mỗi khi con làm được những việc lành việc thiện. Con cảm tưởng là con không xa Thầy và có liên hệ sâu sắc với Thầy, điều đó đã giúp con có năng lượng thực tập tốt hơn, mà thực tập tốt hơn thì con thấy năng lượng của Thầy trong con hùng hậu hơn và tràn đầy trong từng tế bào cơ thể. Con mỉm cười: Trong con có Thầy!

Thầy kính thương! Một điều kỳ diệu đã đến với con. Con đã thực tập để thấy được Thầy trong con rồi thì con lại được gặp Thầy bằng xương bằng thịt. Ôi! Hạnh phúc lớn ngoài sức tưởng tượng của con. Thầy ngồi đó, “vững như núi Tu Di, bình an như hơi thở”. Con ngồi ngay dưới chân Thầy. Ngước mắt lên chiêm ngưỡng Thầy, trước mắt con không còn là một vị Thiền sư nổi tiếng thế giới mà là một người cha lành nhỏ bé, đơn sơ và giản dị nhưng năng lượng thương yêu thì dường như bao trùm hết thảy. Hạnh phúc lớn, bất ngờ và khó tin quá nên con khẽ đưa tay đặt lên chân Thầy để  xác định “con không ngủ mơ đâu, ngày hôm nay đẹp lắm, thật mà!” và nước mắt con cứ thế chảy dài. Thầy nhìn con chan chứa từ bi. Ánh mắt này, tình thương yêu này sẽ theo con mãi mãi, sẽ là động lực nâng đỡ con mỗi khi con gặp khó khăn trong cuộc đời. Rồi Thầy ngước lên trời  như thầm bảo: ” Đừng tìm Thầy qua hình sắc, trời xanh mây trắng trên kia cũng có Thầy đó! “. Dạ vâng, Thầy có trong mỗi  bông hoa, mỗi ngọn cỏ, mỗi quí thầy, mỗi quí sư cô và Thầy có trong con!!!

Con kính chúc Thầy luôn nhiều sức khỏe và Thầy còn mãi đó trong chúng con.

Kính thư,

Con – Thu Lý  ( Tâm Nhuận Hương  )


Bình minh hạnh phúc

Mặt trời hồng
Mặt trời đã lên
Ngoài khung cửa
Chim đang rộn ràng
Hót mừng sự sống

Một ngày mới bắt đầu
Với ý thức đôi mắt sáng
Đang hiển bày …
Cả một thiên đường màu sắc
Vớiý thức đôi tai nghe được
Mọi âm thanh
Cuộc sống gọi mời…

Với tiếng gà gáy hiếm hoi
Trong phố thị
Tiếng mõ gõ đều
Của lời kinh buổi sớm vọng qua
Với dịu dàng đám mây lãng bạc
Trên bầu trời xanh bao la
Với nắng chờ
Tô hồng một bình minh rực rỡ

Với hơi thở nhẹ

Đong đầy ý thức

Em sẽ thấy hạnh phúc
Với tình yêu thương hiển lộ

…«Sáng cho người niềm vui

Chiều giúp người bớt khổ…»
Một thông điệp từ bi em vừa đọc sáng nay.

Kính dâng lên Sư Ông sự thực tập chế tác hạnh phúc của con.

Tâm Hải – Thanh Loan Trần


Món quà quý giá nhất

Sư Ông kính thương,

Con biết đến “Ngày Tiếp Nối” khi đọc sách và các bài viết về Sư Ông. Đây là một ý rất hay, vì ngày mình ra đời không phải là ngày đó mình mới được sinh ra, mình đã có trong từng tế bào của bố mẹ tổ tiên ngay khi mình chưa được sinh ra, cũng như cha mẹ tổ tiên vẫn tiếp nối trong mình sau này.

Khóa tu dành cho người Việt mùa hè vừa rồi (Phép lạ của sự tỉnh thức – 6/2017), con đã đưa cả gia đình qua tu học tại Làng Mai Thái Lan và điều đặc biệt là sinh nhật con trai con trùng vào thời gian diễn ra của khóa tu. Con trai con đã được các quý thầy, quý sư cô trong nhóm trẻ em tổ chức một “ngày tiếp nối” lần thứ 2 rất đặc biệt và ý nghĩa. Buổi sinh nhật không có bánh gato, không có những món quà như các bạn cùng trang lứa nhưng thật vui và ấm cúng. Đối với cá nhân con, thì Sư Ông cũng đã tặng cho con trai con sự có mặt của Người ngay trong buổi sáng thiền hành đầu tiên của khóa tu. Chúng con đã có mặt trước Cốc Nhìn Xa, đã cùng nhau hát thiền ca dâng tặng Sư Ông, đã được Sư Ông mời trà và bạn nhỏ nhà con cũng có cơ hội được chơi với các bạn cá dưới hồ nước trước sân. Trên đường thiền hành tiếp theo ra Vườn Bụt, con đã nhặt hai lá mít vàng thật đẹp để tặng sinh nhật con trai và bạn ấy thực sự vui khi nhận món quà này.

Con nhớ tới câu nói của Sư Ông mà con rất yêu thích: “Sự có mặt đích thực của bạn là món quà quý nhất để hiến tặng cho người mà bạn thương yêu“. Chắc chắn là Sư Ông cũng rất thương yêu chúng con như thương yêu tất cả các học trò nhỏ của mình, nên Sư Ông đã hiến tặng cho chúng con món quà quý giá nhất này.

Học theo lời dạy của Sư Ông: “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương“. Tuy trước đó thỉnh thoảng con cũng tham gia hiến máu tình nguyện, nhưng bắt đầu từ năm ngoái, con đã tự đặt ra cho mình một quy tắc mà con gọi là “Giving birthday” – con sẽ đi hiến máu tình nguyện hàng năm vào buổi sáng đúng ngày sinh nhật của mình. Năm nay, dù lúc đó con đang ở Đà Nẵng, nhưng không vì thế mà con quên nhiệm vụ này, con vẫn đăng ký và đi hiến máu trong niềm hạnh phúc ngập tràn.

Con sẽ tiếp tục học “đi trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau” (trích thông bạch Ngày Tiếp Nối 2012). Con nguyện sẽ xây một ngôi tháp cho Sư Ông – một ngôi tháp của “sự thực tập”!

Thương kính dâng lên Sư Ông!

Con – Hoàng Thanh Bình.