Phỏng vấn Thầy Trung Hải về tình hình Bát Nhã
Gần 400 tăng sinh và giáo thọ theo Pháp Môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng bị cưỡng bức rời khỏi nơi tu học hồi ngày 27 tháng 9 vừa qua với lý do không được người trụ trì tại Bát Nhã bảo lãnh, nhưng sau đó được Thượng Tọa Thích Thái Thuận trụ trì Chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc cho tá túc.
Nhưng suốt thời gian qua vẫn bị phía chính quyền tỉnh Lâm Đồng, cũng như chính quyền nơi quý thầy quý sư cô đăng ký thường trú gây áp lực buộc phải trở về quê quán.
Trong những ngày này, thầy Thích Trung Hải (hiện đang tu học tại Pháp) cùng những tăng sinh người ngoại quốc đã đến làm việc tại Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ở Geneva và Liên Hiệp Châu Âu tại Brussels kêu gọi can thiệp cho những tăng sinh Bát Nhã ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Gia Minh trao đổi với thầy Thích Trung Hải về vấn đề đó và những thông tin liên quan, mời quí thính giả theo dõi. Trước hết thầy Thích Trung Hải cho biết lý do tìm đến Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cùng Liên Minh Châu Âu
Thông cảm, can thiệp
Thầy Thích Trung Hải: Nhờ lời mời và sự sắp xếp của một số các thầy, các sư cô và một số vị tu sĩ thực tập theo Pháp Môn Làng Mai, mà người có quốc tịch nước ngoài, chúng tôi yêu cầu họ kiên nhẫn, chưa nhờ sự can thiệp vội của Cao ủy Nhân Quyền LHQ cũng như nước bạn, những nước có liên hệ trong công tác đối thoại với VN về vấn đề thương mại cũng như quan hệ quốc tế, gây nên một ý thức trong cộng đồng quốc tế để cho VN ý thức hơn, thận trọng hơn trong vấn đề giải quyết các tăng ni tu tập theo Pháp Môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã, và bây giờ là tại chùa Phước Huệ. Cho tới bây giờ, khi các vị không còn kiên nhẫn nổi nữa thành ra quí vị phải đi tìm sự trợ giúp, bởi vì theo nhiều thông tin nhận được thì có nhiều sự đe dọa hơn vào cuối tháng 11 này. Một lý do khác là họ cũng thấy rằng các thầy, các sư cô tại tu viện Bát Nhã, những vị tu tập theo Pháp Môn Làng Mai tại đó cũng đã kiên nhẫn tới sức chịu đựng cuối cùng, và sức lực đã dùng hết trong 14 tháng vừa rồi dưới những áp lực thường trực của chính quyền địa phương cũng như sự không thông cảm, không thông hiểu của nhà nước. Vì vậy, hôm nay chúng tôi có mặt ở Geneva yêu cầu được sự thông cảm và sự can thiệp cũng như tiếng nói của những bạn bè quốc tế với chính quyền VN, để VN để trái tim của mình vào những việc này, bởi đó là con em của những người VN.
Gia Minh: Thầy đã gặp được những ai ở Cao Ủy LHQ, và trả lời của họ ra sao sau khi nhận được những trình bày của phía đại diện của các thầy?
Thầy Thích Trung Hải: Chúng tôi đã gặp được thư ký của chủ tịch Cao Ủy LHQ và qua văn phòng của Cao Ủy Nhân Quyền LHQ, chúng tôi cũng trình bày lại vấn đề của tu viện Bát Nhã và những người tu tập theo Pháp Môn Làng Mai tại VN, cũng như đã trình bày trong một số văn thư gửi đi cho báo chí và chính quyền VN. Cao Ủy Nhân Quyền LHQ cũng đặt rất nhiều câu hỏi, và đó là những câu hỏi thực sự rất là thú vị. Những câu hỏi như tại sao VN có nhiều chùa, nhiều trung tâm mà chúng tôi lại bị tấn công trong khi những trung tâm khác thì không?
Sau khi chúng tôi trình bày lý do tại sao, thì đã gây được cảm hứng và sự đồng cảm rất mạnh nơi Cao Ủy Nhân Quyền LHQ. Đây chỉ là một trong khoảng 20 cuộc họp của chúng tôi tại Geneva mà thôi. Tại Brussels, chúng tôi được tiếp xúc khoảng hơn 20 nước có liên hệ hợp tác với VN, nước nào cũng bày tỏ sự đồng cảm và thương yêu, cũng như yêu cầu bảo vệ và trân trọng những người trẻ đang tu tập theo Pháp Môn Làng Mai tạm trú tại chùa Phước Huệ sau thời gian gặp khó khăn tại tu viện Bát Nhã. Người nào cũng hứa sẽ tìm mọi cách để truyền thông với VN và cho VN hiểu rằng đó là một gia tài của đất nước VN. VN không những không nên đàn áp họ mà cần phải tìm cách bảo vệ và nâng đỡ họ để họ có thể sống trong hòa bình như họ đã từng sống. Để họ có thể cống hiến cuộc đời họ cho hạnh phúc của nước VN.
Gia Minh: Ngoài sự đồng cảm và những lời hứa chung chung như vậy thì đại diện của Cao Ủy LHQ cũng như các nước liên hệ có đưa ra những hoạt động gì cụ thể mà họ sẽ làm hay không?
Thầy Thích Trung Hải: Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, và gần đây nhất là chủ tịch Cao Ủy về Nhân Quyền của Liên Minh Âu Châu ra một công văn gửi chính phủ VN, yêu cầu lập tức chấm dứt việc khủng bố và gây áp lực lên các người tu tập theo Pháp Môn Làng Mai. Đó là từ phía Liên Minh Âu Châu, còn về phía Cao Ủy LHQ về nhân quyền thì thưa thật là chúng tôi chưa được phép nói ra. Theo lời hứa thì chúng tôi không được phép thông báo trước khi Cao Ủy đưa ra hành động gì. Chúng tôi tôn trọng lời hứa với Cao Ủy Nhân Quyền LHQ. Và các nước khác cũng vậy, nước nào cũng đang có một giải pháp rất cụ thể để giúp đỡ cho các thầy, các sư cô và những người theo học Pháp Môn Làng Mai tại đó. Chúng tôi cũng có hứa là để các nước sắp xếp với nhau, chúng tôi không được quyền thông báo trước. Bên cạnh việc làm có tính cách thông báo khẩn cấp của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Minh Âu Châu thì thượng viện Hoa Kỳ, trong đó có 3 thượng nghị sĩ cũng có gửi một thông cáo tới chính phủ VN, yêu cầu giải quyết cho những người tu tập theo Pháp Môn Làng Mai tại đó một cách ôn hòa và trân trọng. Chúng tôi cũng nhận được điện thoại của rất nhiều đại sứ các nước quốc tế tại VN yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin và cho họ biết họ có thể làm được gì để giúp đỡ chúng tôi, và chúng tôi cũng gửi lại một thông điệp rằng chúng tôi rất thương đất nước VN, thương con người VN và thương chính phủ của chúng tôi. Chúng tôi biết là quí vị đã cố gắng rất nhiều, nhưng có một điều chắc chắn là các vị chưa có đủ thông tin, các vị chưa đặt trái tim vào trong vấn đề giải quyết những người trẻ này. Vì vậy, đã có những quyết định và việc làm đi ngược lại với tinh thần đạo đức của dân tộc, đi ngược lại với truyền thống đạo đức tâm linh, những nét đẹp của văn hóa VN.
Việc đánh đập người tu, chà đạp lên những tu sĩ là chuyện mà những vị bạo chúa mới làm mà thôi, còn những vị lãnh đạo có trái tim và thương đất nước, thương văn hóa cổ truyền của VN thì sẽ không bao giờ làm điều đó. Nhất là đánh đập, chà đạp lên nhân phẩm và tính mạng của những người tu trẻ, những người tu hòa bình và bất bạo động. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tới cho chính phủ của chúng tôi.
Tìm tri kỷ tu tập
Gia Minh: Được biết là Ban Tôn giáo Chính phủ của VN có chủ trương cho số tăng sinh đang tạm trú tại Chùa Phước Huệ được tiếp tục học tiếp cho đến cuối năm nay? Vậy Thầy thấy biện pháp đó có thể giải quyết vấn đề đến mức nào? Trước đây chính ông Bùi Hữu Dược, là người phụ trách về vấn đề Phật giáo của Ban Tôn Giáo chính phủ, trong trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi cho rằng cách thức giải quyết hợp tình hợp lý là các tăng sinh nên tìm một vị tri kỷ để tu tập thì đến nay Thầy thấy ra sao?
Thầy Thích Trung Hải: Vấn đề ở đây không phải là chọn một chỗ để ở cho những người đó theo cá nhân của họ. Vấn đề ở đây là khi chúng tôi đi tu thì chúng tôi muốn tu tập chung với nhau như những người thân trong một gia đình, bởi đó là cách hay nhất để chúng tôi đảm bảo nâng đỡ được cho nhau trong vấn đề tu học. Thử tưởng tượng một trường đại học mà yêu cầu các học viên phải đi tìm người thầy nào đó mình thích học để học, thì làm sao có thể học được chương trình và giúp nâng đỡ được các học viên trong học tập và nghiên cứu?
Chúng tôi là những người trẻ, chúng tôi cần có một môi trường tu học chung với nhau để có thể nâng đỡ và yểm trợ nhau trong vấn đề tu học và hành trì lời dạy của Đức Phật. Việc yêu cầu giải tán và ép buộc mỗi người chúng tôi phải tự đi kiếm một chỗ ở riêng cho mình, chẳng khác gì yêu cầu các học sinh phải tự về nhà kiếm một người thầy nào đó ở nhà quê để dạy theo kiểu giáo dục VN, giáo dục thế giới cách đây mấy trăm năm trước. Đó là việc chống lại sự tiến bộ của giáo dục, chống lại sự tiến bộ của xã hội. Tôi tin là nếu như ông Bùi Hữu Dược và chính quyền VN để trái tim họ vào vấn đề này, thì họ sẽ biết được cách làm việc đó là đi ngược lại với sự tiến hóa và sự tiến bộ của giáo dục. Chúng không có lợi mà có hại rất nhiều vì gây sự hoang mang và mất niềm tin nơi những người trẻ vào chính phủ của họ, vào những người lãnh đạo của họ, hơn là làm cho họ cảm phục. Chúng tôi không muốn tranh đấu cho bất cứ một chủ thuyết hay lý tưởng nào hết, chúng tôi chỉ muốn người lãnh đạo của chúng tôi hiểu rằng, chúng tôi là những người trẻ lớn lên ở đất nước VN sau chiến tranh, chúng tôi biết phần đóng góp của mình là phần đóng góp tạo ra một VN ổn định mà ở đó, con người biết thương nhau, hiểu nhau và thông cảm cho nhau, không còn nghi kỵ, đánh đập và tàn ác với nhau như trong chiến tranh. Chúng tôi đã sống cuộc đời đó để hiểu nhau, thương nhau và tu tập với nhau. Chúng tôi rất cảm phục và trân trọng những cố gắng của chính phủ để phát triển kinh tế và quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Chúng tôi muốn đóng góp phần nhỏ là tự thân mình trở thành những con người hòa bình, những con người biết thương nhau, chấp nhận nhau như trong một gia đình. Gia đình là nền tảng của hạnh phúc xã hội, chúng tôi đóng góp những việc làm nho nhỏ để hỗ trợ cho nền an ninh của VN.
Đóng cửa dạy nhau
Gia Minh: Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi thư cho ông Chủ tịch nước VN dưới một tên khác, rồi thỉnh nguyện thư do một số nhân sĩ trí thức đã gửi đi được hồi âm ra sao, thưa Thầy?
Thầy Thích Trung Hải: Khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh ký tên GS Nguyễn Lang, một giáo sư sử học, để gửi thư ngỏ cho ngài Chủ tịch nước, cũng như gửi thư ngỏ cho giới nhân sĩ trí thức trong nước yêu cầu đứng ra nâng đỡ và bảo vệ những con em của họ, những người con ưu tú của đất nước đã dám bỏ cuộc đời của mình để sống đạm bạc, an lành như vậy, thì Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và những vị nhân sĩ trí thức đang làm đúng vai trò của bậc ông cha, của người đi trước trong vấn đề dẫn dắt nền tảng đạo đức của dân tộc. Theo tôi hiểu, sở dĩ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không đứng tên mình, một nhân vật quốc tế, để làm việc này là có dụng ý muốn giữa những người VN giải quyết vấn đề trong trình tự dân tộc với nhau. Tại sao chúng ta chưa cố gắng làm việc chung với nhau mà lại đi kêu với bạn bè quốc tế?
Truyền thống VN là “đóng cửa dạy nhau”, khi nào trong nhà không nói chuyện được với nhau mới nhờ tới chú bác, hàng xóm. Vì thế, chúng tôi đã cố gắng làm tất cả để có thể truyền thông, có thể đánh thức sự cảm thông nơi những con người VN với nhau. Trong hơn một năm qua chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để làm những việc này, và như anh thấy, hiệu quả thì có nhưng chưa thực sự đủ tin cậy để bảo vệ tính mạng, sự an nguy và lý tưởng của những người trẻ này. Vì vậy, hôm nay chúng tôi đi Brussels, đi Geneva để mong thức dậy lương tâm của bạn bè quốc tế, để những người trẻ này được an lành.
Theo như câu hỏi của anh thì khi viết thư cho ngài Chủ tịch nước với tư cách của một giáo sư sử học, Thầy của chúng tôi cũng muốn nhắc nhở ngài Chủ tịch nước rằng đây là một bước ngoặc của lịch sử VN. Đây không chỉ là bước ngoặc về chính trị và lịch sử, mà đây là lúc chúng ta cần vực dậy nền đạo đức tâm linh của dân tộc đã bị mai một rất nhiều trong chiến tranh, trong thời gian đất nước hỗn loạn và kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bây giờ đất nước ổn định rồi, chúng ta cần xây dựng lại nền đạo đức tâm linh để làm nền tảng và thêm niềm tin cho người trẻ. Làm nền tảng cho sự phát triển và hạnh phúc của đồng bào trong đất nước của chúng ta. Khi một đất nước chỉ phát triển về kinh tế mà không phát triển về đạo đức tâm linh thì sự phát triển đó sẽ không ổn định. Một gia đình có thu nhập cao và những con người trong nhà sống có đạo đức, hạnh phúc và thương yêu nhau, thì đó là một viễn tượng rất đẹp mà những người trẻ chúng tôi muốn xây dựng, muốn đóng góp và muốn sống một cuộc đời như vậy.
Gia Minh: Cám ơn Thầy về những thông tin mới nhất cũng như những chia sẻ trong cuộc nói chuyện vừa rồi.