Tăng Hội – Những bài không tên (7)

Một tuần sau đêm trăng đoàn tụ với WakeUp, tôi có nói chuyện với Thiện Sanh. Cũng là một buổi tâm tình rất dài đến tận hai giờ sáng. Tôi càng ngày càng quý mến người bạn này. Thiện Sanh có nói một câu đáng phải ghi nhớ: Sở dĩ tình trạng của đất nước như bây giờ là vì lòng người tản mác. Sự hòa giải, hòa hợp đã không thể tiến hành do những vết thương chưa lành. Những vết thương do chiến tranh và thù hận.

Thật là đúng quá phải không bạn. Một người trẻ trong thời buổi này mà có một nhận thức như vậy thì thật là quý lắm, hiếm lắm. Tôi chẳng biết có dân tộc nào phải trải qua nhiều cuộc binh đao khói lửa như dân tộc mình. Đất nước đã từng có tên là Đại Việt nhưng rồi sự phân hóa rẽ chia bắt đầu thành hình. Có lẽ bắt đầu từ thời kỳ Chúa Trịnh – Chúa Nguyễn, Đàng Trong – Đàng Ngoài? Những cái tên thôi cũng đã nói lên tất cả. Nhưng thôi, tôi không muốn biến bức thư của tôi thành những trang sử liệu đâu. Quá khứ đã đi qua. Nếu ta chỉ chìm đắm, chỉ oán than thì cũng chẳng đổi thay được gì. Sẽ là tốt hơn nếu ta nhìn vào ngày tháng cũ với mong muốn tìm hiểu để rút ra những điều cần làm cho hiện tại.

Câu chuyện cổ tích của chúng ta đang đi đến phần kịch tính nhất. Những mâu thuẫn đang lên đến phần cao trào rồi đó, bạn có thấy không? Những nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ. Trong khi, mạch truyện thì lại có vẻ chẳng đi đến đâu cả. Tuy nhiên, nếu dùng chiếc chìa khóa mà Thiện Sanh đã đưa cho thì nhiều khả năng chúng ta sẽ mở được cánh cửa để đến với kho tàng.

Lối thoát cho tất cả

Trở lại với câu nói của Thiện Sanh: Có những vết thương chưa lành trong chiều sâu tâm thức dân tộc. Vậy thì ta có thể hỏi nhau trong suốt bao nhiêu năm qua mọi người đã làm gì? Chắc chắn là mọi người đã làm rất nhiều. Đất nước đã đổi thay. Thời thế đã biến chuyển. Nhưng tất cả chỉ là bề ngoài. Trong thâm sâu vẫn còn là những vết thương âm ỉ. Cách hành xử, những lề thói, những quy tắc mà chúng ta tạo dựng đã không thể chuyển hóa được những cơn đau nhức bên trong.

Vậy những cách thức đối đãi, những quy tắc ứng xử của cả một tập thể, của cả một cộng đồng là gì?
Câu trả lời chắc là bạn cũng đã biết. Đó chính là văn hóa. Định nghĩ về văn hóa rất rộng. Nhưng ở đây, tôi chỉ xin lấy cách hiểu của ngành Tâm Lý Học vậy. Văn hóa là những cách thức, những quy tắc ứng xử của một nhóm người mà theo họ là chuẩn mực để thích nghi với môi trường xung quanh. Đó là một cách nghĩ, cách hiểu có phần giản dị, đơn sơ nhưng theo tôi là tạm đủ. Như vậy đứng dưới góc độ ngành tâm lý thì ta có thể hiểu nguyên nhân gốc rễ là do “văn hóa” hay “tâm lý đám đông”, “tâm lý xã hội”. Còn hiểu theo tinh thần của Duy Biểu Học thì ta có thể sử dụng thuật ngữ “tâm thức cộng đồng”.

Vậy nên để chữa lành những vết thương trong chiều sâu tâm thức thì ta phải tác động đến “tâm thức cộng đồng”. Một cá nhân muốn chuyển hóa trình trạng thì cơ may thành công là rất nhỏ. Ta phải tận dụng năng lượng của một tập thể để chuyển hóa năng lượng của một tập thể khác. Ta chỉ có thể nương vào Tâm Thức Cộng Đồng để chuyển hóa một Tâm Thức Cộng Đồng khác. Ta cần tới một nguồn năng lượng lành để chuyển hóa một nguồn năng lượng không lành. Chung cuộc, ta cần một đoàn thể, ta cần tăng thân. Ta không thể nào làm điều gì khác nếu không nương vào sức mạnh của tăng thân. Vậy là chúng ta lại đi đến một kết luận như những gì tôi đã viết ở phần trên rồi, phải không bạn? Tôi không biết việc cứ viết đi viết lại những dòng này có gây cho bạn cảm giác nhàm chán hay không. Những điều này có thể là đã quá cũ kỹ rồi. Chúng ta đã được nghe rất nhiều lần về việc xây dựng tăng thân. Chúng ta đã được nghe rằng tăng thân là quý, là tốt. Tôi đã được nghe và bạn cũng đã được nghe rất nhiều lần như vậy. Nhưng xin cam đoan với bạn ngay trong những tháng ngày này, ngay khi viết dòng chữ này thì tôi mới thật sự thấm thía về giá trị, về sự cần thiết của tăng thân.

Trước đây, khi đọc cuốn “Sống Chung An Lạc hay khi nghe những bài pháp thoại thì tôi có một suy nghĩ là tất cả những gì đi vào tôi chỉ là những kinh nghiệm, những cái thấy của những người đi trước. Đó là những lời vàng ngọc, đó là tuệ giác. Nhưng đó không phải của tôi, đó không phải là những gì tôi đã trực tiếp thấy, trực tiếp trải nghiệm. Tôi cũng bằng lòng, tôi cũng đồng ý nhưng sự bằng lòng và đồng ý đó mới diễn ra trên bề mặt ý thức. Giờ thì tôi đã hiểu, tôi đã cảm nhận từ tận đáy sâu tâm hồn. Và trong giờ phút này tôi nghĩ là tôi có thể nói với bạn. Một câu nói mà không phải do ai đó đã rót cho tôi nữa. Tôi xin nói bằng tất cả trái tim, nói bằng tất cả tấm lòng Tôi có thể nói hết sức thành khẩn và chân thành: Không còn điều gì là hệ trọng hơn xây dựng tăng thân. Để chuyển hóa tình trạng xã hội thì cách thức duy nhất chỉ có thể là dựng xây một đoàn thể những người có chung những thiện nguyện.

Tuy nhiên nếu mình chỉ nói “Xây dựng tăng thân” không thôi thì vẫn chưa đủ. Đó vẫn còn là khái niệm chung chung và mông lung quá. Tôi muốn nói rõ ràng hơn, cụ thể hơn nữa. Vào tháng 7 năm ngoái tôi có đọc được hai cuốn sách rất đặc biệt. Hai tác phẩm được đúc kết từ cuộc đời, từ vốn sống của một kỹ sư nông nghiệp. Ông ta là Masanobu Fukuoka. Đó có thể là người Nhật Bản mà tôi mến trọng nhất. Tựa đề hai cuốn lần lượt là “Con Đường Trở Về Tự Tánh” hoặc cũng thể dịch là “Con đường về với thiên nhiên” (The road back to nature) và cuốn Cuộc Cách Mạng Rơm (One straw revolution). Chẳng có một lý thuyết mơ hồ nào cả. Nội dung chính là những cách thức xây dựng một hình thái “nông nghiệp vô tác” mà những người phương Tây gọi là Do-nothing farming. Cuốn sách đã gây một niềm cảm hứng rất lớn cho tôi. Và tôi bắt đầu mơ.

Tôi bắt đầu muốn được sống trong khung cảnh mà tác giả cuốn sách đã tạo dựng được. Tôi bắt đầu mơ về một NÔNG TRẠI HỮU CƠ. Một nơi mà cả chỉ có màu xanh của cỏ cây, của đất trời. Nơi mà người ta có thể làm việc cùng nhau, sống gần với thiên nhiên và canh tác theo những phương thức thân thiện với môi trường. Nhưng ở đây không chỉ là những cơn mộng mị, tôi đã quán chiếu và tôi thấy rõ ràng rằng hình thức những trang trại như thế sẽ là một đối trị với tình trạng đô thị hóa, bê tông hóa cũng như tình trạng mất cân đối dân số giữa nông thôn và thành thị. Trong những nông trại này, con người được lao động chân tay thường xuyên nên sẽ không phải mắc những chứng bệnh tâm lý. Vì trồng trọt theo quy trình tự nhiên nên việc thực tập Giới Thứ Nhất Bảo Vệ Sự Sống cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài công việc đồng áng thì thời gian còn lại được dành cho việc thiền tập để giúp người thực tập đạt được những bước tiến trong đời sống tâm linh.

Lẽ dĩ nhiên là kế hoạch này của tôi cũng chẳng có gì là mới mẻ cả. Đã có nhiều mô hình thành công tại Tây Phương. Nhưng tại Việt Nam hình như tôi chưa được biết bất cứ ai có một ý tưởng như vậy. Một nông trại hữu cơ nhưng đồng thời cũng mang trong lòng mình một đường hướng tâm linh.

Khi suy nghĩ về một đề án này trong lòng tôi có rất nhiều nghi ngại. Liệu có khả thi hay không? Liệu có phải đây là một chuyện viễn vông, hoang đường hay không? Làm sao để có thể duy trì hoạt động của nông trại? Cách thức nào để sản xuất nông sản sạch và bán ra thị trường? Tôi có quá nhiều điều phải làm để biến ước mơ thành sự thật. Đó là chưa kể đến vấn đề nhân lực.Tôi sẽ cần rất nhiều người chung tay góp sức. Tôi cần một luật sư để bảo đảm những vấn đề về luật pháp. Tôi cần một kế toán viên để giữ sự an toàn tài chính cho nông trại. Tôi cần một kỹ sư am tường về nông nghiệp hữu cơ. Tôi cần một chuyên viên tiếp thị lo phần truyền thông và quảng bá hình ảnh. Tôi cần một nhà quản trị có thể duy trì hoạt động của nông trại. Và quan trọng nhất là tôi cần một nhà đầu tư tin vào kế hoạch này. Đó sẽ là đội nhóm, là tăng thân của tôi. Tăng thân ở đây là tăng thân tại gia, là đoàn thể những người mặc áo lam.

Một thực tế cần phải làm rõ là tăng thân tại gia vốn phải tự túc về vấn đề kinh tế và có những nhu yếu cá nhân nên có một điểm bất lợi là họ sẽ không có nhiều điều kiện ở gần nhau, khó truyền thông với nhau. Do vậy, để nối kết không còn cách nào khác là phải có một tổ chức, một chính thể có đầy đủ tư cách pháp nhân để tập hợp họ lại. Khi người ta hoạt động trong một đoàn thể, có chung một mục tiêu, sống và làm việc gần nhau thì tự nhiên sự truyền thông sẽ có nhiều phẩm chất. Điều này có nghĩa đoàn thể đó phải có một chương trình hoạt động dài hạn, có khả năng sinh lợi về mặt kinh tế, đảm bảo cho họ đạt được những nhu cầu cơ bản ở mức độ vừa đủ. Và do đó ý tưởng về một nông trại gần như là một giải pháp hoàn hảo.
Tôi đã đặt ra một giả định: Nếu tất cả những người nêu trên đều có nhu yếu tâm linh như tôi, đều ít nhiều đã thấm nhuần tư tưởng của đạo Bụt thì chắc chắn mức độ gắn kết của chúng tôi sẽ cao hơn bất cứ một ê kíp nào. Sức mạnh giữ chúng tôi đi chung cùng nhau sẽ không chỉ phải là sức mạnh của đồng tiền mà sẽ là sức mạnh của tăng đoàn, sức mạnh của tình anh chị em. Và sẽ không có nguồn lực nào trên thế gian có thể so sánh được.

Nhưng điều nan giải ở đây là làm sao để tìm ra được những con người như vậy. Làm sao để kết nối, để tập hợp họ lại? Làm sao để giữ cho họ luôn đi chung với nhau? Những điều này bắt đầu vượt quá tầm tay của tôi. Do vậy, tôi rơi vào tình trạng bế tắc. Dẫu tôi biết rằng những người có chung tâm nguyện với tôi vẫn còn đang ẩn tàng đâu đó. Tôi ý thức được họ là những bông hoa chưa biểu hiện. Tôi biết vậy nhưng thời gian thì lại cứ chảy trôi không đợi chờ một ai. Cùng lúc là những mâu thuẫn trong đời sống cá nhân cũng chưa biết cách tháo gỡ. Tôi dần mất đi sự kiên nhẫn. Tôi không cảm thấy hứng thú với bất cứ một công việc nào. Tôi thấy mình càng lúc càng tách biệt với xã hội. Tôi thường xuyên sống trong trạng thái quẫn bách và cùng đường… Những tháng ngày đó quả thật không dễ chịu và thoải mái chút nào. Tưởng chừng không thể đi qua nổi….

Hạt giống “muốn xây dựng một môi trường an lành” trong tôi đã có mặt. Nhưng tôi vẫn chỉ là một người làm vườn vụng về và thiếu kinh nghiệm. Không ai dẫn dắt, không người chỉ bày. Cho nên khu vườn tâm thức chỉ là một mảnh đất xác xơ và hoang tàn. Nhưng… một điều … một điều thật đẹp đã đến, bạn có biết không. Đây là một câu chuyện cổ tích mà. Tôi không muốn nó kết thúc với những ám ảnh, với những dòng bất an như vậy đây. Tôi muốn có một kết thúc có hậu.

Vì em, tôi đã được sinh ra

Cơn gió xuân nồng mang tên WakeUp đã đến. Những hạt giống lành thiện trong tôi đã gặp được ánh nắng mai ấm áp, dòng suối lạnh mát trong. Tôi không biết WakeUp có phải là tăng thượng duyên cho đời sống tâm linh của tôi không nữa? Nghịch duyên hay thuận duyên? Tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết là có một sự đổi thay đã đến. Hạt giống tưởng chừng như đã chết, đã bị vùi lấp bởi sa mạc cuộc đời thì nay bắt đầu cựa quậy. Những nụ mầm đã tái sinh, đã nở.

Người đầu tiên tác động đến tôi là Bách. Bách có viết một bài và mới đây tôi đã được đọc. Bài viết mang tựa đề là “Tình anh chị em, khát vọng và lẽ sống trong đời”. Đó là một bài viết rất sâu sắc kết thúc bằng những dòng sau đây:
“Thay vì đem Đạo Bụt áp dụng vào đời sống mình và chờ trông những hoa trái tại sao chúng ta không hiến tặng đời mình cho Đạo Bụt. Tôi sẽ đi mãi trên con đường phụng sự. Còn các bạn, các bạn thì sao?”

Bách còn chép ghi thêm: Tăng Thân là điều quý giá nhất, cùng với Chánh NiệmChánh Mạng sẽ là ba điểm để ta có thể vẽ được một vòng tròn. Ba điểm đó tác động qua lại, có trong nhau, làm lớn mạnh cho nhau.

Nhưng nếu ta chưa có Chánh Mạng thì làm sao? Một em khác trong tăng thân Mây Thong Dong đã trả lời. Tăng thân chính là tâm điểm và sự thực tập chánh niệm chính là chiếc compass. Nếu ta biết nương tựa vào tăng thân và giữ sự thực tập miên mật thì ta sẽ được vẽ được một vòng tròn thật đẹp. Vòng tròn đó sẽ là cuộc đời, sẽ là nghề nghiệp chân chính, sẽ là Chánh Mạng cho ta. Thật là hay quá phải không bạn? Những người bạn này xứng đáng là bậc thầy hướng đạo cho tôi. Chỉ hơi tiếc một điều là tôi không có nhiều thời gian tu học cùng các bạn.

Trong một dịp tiếp xúc sau cùng, em Mai – giờ thì tôi đã biết tên em là Đức Bảo – có nói một câu. Đại ý như sau: Mình còn trẻ, mình còn bao nhiêu là tháng năm phía trước vậy thì tại sao mình lại lãng phí thời gian, sức lực và tâm lực vào công việc mà mình không thích? Tại sao mình không kiếm tìm một nghề nghiệp vừa đủ nuôi sống mình mà vẫn có thời gian để xây dựng tăng thân? Ôi chao, câu nói như một tiếng chuông vang vọng đánh thức tâm hồn bao lâu nay chỉ chìm đắm trong những cơn mê mộng. Dĩ nhiên tôi đủ bình tĩnh để biết rằng cái nhìn, cách cảm về đạo Bụt của Đức Bảo hay một số các bạn trẻ WakeUp khác vẫn còn tinh khôi lắm. Có những góc khuất các bạn chưa đi qua. Có những mảng tối các bạn chưa chứng kiến. Những thị phi cuộc đời chưa lay động đến các bạn. Nhưng khi hội ngộ, những đôi mắt trong veo đã rót vào hồn tôi dòng suối mật ngọt. Và dường như tôi cũng đã lấy lại được tất cả sự hồ hởi, niềm hứng khởi của những ngày đầu tiên. Bất giác tôi phát hiện thì ra bấy lâu nay tôi đã toan tính quá nhiều. Những toan tính đã khiến cho đời sống tôi trở nên cằn cỗi, phai tàn. Tất nhiên, quá thơ ngây hay quá già dặn đều không tốt. Vấn đề là sự cân bằng. Ta không thể cứ mãi vô tư. Và ta cũng không nên sống chỉ hoàn toàn theo những suy luận và phán xét. Nhưng nhất quyết là ta phải giữ được ánh nhìn của buổi ban đầu.

Nếu bây giờ được gặp Bách thì tôi muốn trả lời cho anh rằng tôi đã biết mình muốn gì, tôi thiết tha điều gì nhất trên đời. Có thể là giấc mơ về một Nông Trại Hữu Cơ luôn cháy bỏng trong tôi. Có thể là tôi luôn mong được tham gia một khóa tu ít nhất là một tháng để hệ thống hóa tất cả những kinh nghiệm xây dựng tăng thân. Nhưng nếu phải đặt ra cho mình câu hỏi: Mình thực sự cần gì? Thì tôi có thể trả lời dứt khoát. Tôi chỉ cần một điều duy nhất.

Tôi chỉ cần tâm ban đầu mà thôi. Giữ được tâm ban đầu thì tôi sẽ có tất cả. Con đường sắp tới sẽ như thế nào đây? Tôi hoang mang lắm, tôi cũng chẳng biết. Tôi sẽ làm gì để tìm ra một nghề nghiệp chân chính? Tôi chưa biết nhưng sự nghiệp của tôi chắc chắn chỉ có hướng về một mục đích duy nhất. Đó chính là xây dựng tăng thân. Như bạn cũng thấy thế giới này thật sự đã có quá đủ những lý thuyết, những danh từ, đã có quá nhiều đau thương và bất hạnh. Chúng ta không cần thêm bất cứ một khái niệm nào nữa. Chúng ta cần tăng thân. Chỉ có tăng thân – đoàn thể của những tâm hồn lành thiện – mới đủ sức chuyển hóa thế giới. Và để xây dựng tăng thân, tôi thấy rằng chúng ta cũng không cần quá nhiều đâu. Chúng ta chỉ cần một trái tim. Chúng ta chỉ cần một tấm lòng muốn hiến dâng và phụng sự. Chúng ta chỉ cần một trái tim biết thương yêu, một trái tim muốn hiểu biết.

Tôi đã đọc bức thư “Nhật ký trước lúc đi xa”. Tôi mừng vui vì bạn đã chọn cho mình con đường xuất gia. Và tôi nguyện cầu bạn sẽ mang theo bên mình những dòng chữ ấy trong suốt những tháng ngày sắp tới. Về phần tôi, tôi vẫn chưa biết tôi sẽ mặc áo lam hay áo nâu. Tôi cũng mong được như bạn lắm. Tôi cũng mong có được một ngày bình yên trong mọi ngày bình yên như bạn. Tôi cũng đang chờ đợi một buổi sáng trời trong. Bàn tay khẽ chạm mái chèo. Con thuyền tâm nhẹ nhàng lướt đi hướng về biển lớn. Nhưng nếu ngày ấy không đến thì bạn cũng hãy yên lòng. Bởi vì tôi xin hứa với bạn hôm nay: nguyện sẽ giữ mãi, giữ mãi trái tim nguyên khôi này. Hình tướng chúng ta khác nhau. Nhưng trái tim chúng ta không khác. Trái tim chúng ta cùng chung nhịp đập. Mong bạn hãy nhớ lời tôi. Và mong bạn cũng hãy nhắc nhở tôi thường xuyên nhé! Giữ được đôi mắt sáng trong, giữ được tâm hồn tươi trẻ thì bạn sẽ có mặt, bạn sẽ hiện hữu. Và tôi cũng sẽ có mặt, sẽ hiện hữu, tôi cũng sẽ một lần nữa được sinh ra trong đời.

Bạn ơi, xin hãy giữ gìn cho nhau. Tôi xin giữ cho tôi, cho bạn, cho tất cả.

Bạn ơi, hôm nay, xin hãy ghi nhớ lời nhau.

Xin hãy luôn đem ra cho nhau ghi nhớ:
Giữ mãi trái tim thơm ngát này…

hết