Tăng Hội – Những bài không tên (3)

người viết: Đặng Chương

Gửi đến các anh chị  T.C.Đ, P.C.T, T.T.C.D, N.T.A.T và các bạn WakeUp

 

Người xưa nay đâu?

[11h30’: Ăn bún chánh niệm]

Sau khi hoàn thành phần việc tại nhà nghỉ, anh em nhà mình lại lục đục đi về phía nhà ăn. Đi ngang qua chánh điện, tôi ghé mắt nhìn vào thấy các bạn cũng đã lau dọn rất sạch sẽ. Thế là kế hoạch ban đầu cho buổi sáng đã hoàn thành đúng như mong đợi. Vào đến nhà ăn thì đã thấy bóng dáng của chị Chân Mây rồi. Theo thực đơn đã lên từ trước sẽ là món bún. Tuy vậy tôi thấy còn có cả phần cơm của chùa nữa chứ. Thầy trụ trì muốn yểm trợ cho anh chị em đây mà. Thế là mọi người cứ ăn một ít bún, rồi lại một ít cơm. Nhật Thái có vẻ mê món khổ qua nhồi đậu hủ lắm đây. Tôi thì phát hiện có món canh bùi ngót. Ôi trời ơi, tôi có nội kết với món này lắm. Nếm thử thì thấy canh rất nhạt. Nhạt nhưng cảm giác lại rất thanh. Tôi thích cách nêm nếm như vậy. Không biết là người nấu có cho bột ngọt hay bột nêm không nữa? Có một dạo tôi chỉ ăn gạo lứt muối mè. Rau củ quả thì cứ chưng hấp hay luộc rồi dùng. Không chiên xào dầu mỡ gì cả. Và đặc biệt là không dùng thêm bột ngọt trong quá trình chế biến. Giai đoạn thực tập nấu ăn và tiêu thụ tỉnh thức đó đã để lại cho tôi một cảm giác ăn uống thật đặc biệt. Tôi bắt đầu nhận ra vị giác mình trở nên bén nhạy. Tôi bắt đầu thích cái cảm giác thanh thanh trong ăn uống. Hôm nay khi ăn chén canh bùi ngót thì lòng tôi bỗng trở nên mát mẻ. Do hương vị bên ngoài mà cũng do hương vị bên trong nữa. Tiếng nước chảy vẫn còn đó bên tai tôi. Bạn còn nhớ lần trước hai anh em mình cũng ngồi đây không? Khi đó bao nhiêu ồn ã, huyên náo không còn nữa. Một đêm thật tĩnh lặng, chỉ có tiếng nước chảy nhẹ và những dòng tâm tình…

Ăn xong rồi thì thực tập rửa chén thôi. Công tác dọn dẹp đợt này đã có em Củ Cải Nhỏ quán xuyến. Nhưng thôi tôi sẽ còn trở lại với em này vào dịp khác. Giờ thì tôi bắt đầu rảo bước quanh khuôn viên chùa đây. Một chú điệu gặp tôi, liền hỏi:

– Cái anh hay đi cùng anh đâu rồi sao không thấy?

Khi tôi trả lời là bạn đã đi tập sự xuất gia thì chú này có vẻ vui ra mặt. Lần nào gặp chú, chú cũng hay cho tôi một món gì đó. Chú dúi vào tay tôi một viên kẹo. Chú điệu này tuy tuổi nhỏ nhưng nói chuyện và hành xử có chừng mực lắm. Không như tôi cứ hay bông phèng và tếu táo. Khi tôi quàng vai thì chú có cẩn thận nhắc nhở:

– Đừng anh, thầy em thấy như vậy thì không bằng lòng đâu.

À, thì ra là chú muốn giữ uy nghi đây mà. Dễ thương quá! Quả thật luôn có nhiều điều để ta học được từ người khác. Tôi lại tiếp tục đi vòng quanh chùa. Và lại có thêm một câu hỏi khác dành cho tôi.

– Địa chỉ chính xác của chùa này là ở đâu vậy con?

Một cô Phật tử tham gia chung với chúng tôi đợt này đã hỏi tôi như vậy. Một câu thật đơn giản phải không? Ấy vậy mà tôi chẳng biết trả lời sao cả. Tôi chợt giật mình vì quả thật bao lâu nay tôi chưa bao giờ có nhu yếu muốn biết địa chỉ của chùa cả. Tất nhiên thì mình biết chùa thuộc tỉnh nào rồi. Nhưng cụ thể là xã nào, huyện nào thì thật lòng tôi không hề biết tới. Do vậy, tôi cũng thành thật mà trả lời là tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu cả. Tôi còn nói luôn là chắc là mình ham tu nên cứ lên xe và đến đây thôi. Những việc khác mình không quá quan tâm. Chính từ đoạn đối thoại này đã khiến cho tôi có cảm hứng viết lại những trải nghiệm tại ngôi chùa này với bạn. Tôi thấy thật là hay khi mình viết về một nơi không tên, không địa chỉ. Lẽ dĩ nhiên khi viết như vậy thì sẽ bảo đảm sự bình yên cho những người chung quanh. Nhưng tôi thấy rõ ràng rằng những suy nghĩ, những toan tính đã đến sau, đã đến chậm hơn trái tim. Trái tim đã lên ngôi, đã mách bảo với tôi rằng đây phải là một câu chuyện cổ tích. Một câu chuyện bắt đầu bằng một cách thức quen thuộc:

Ngày xửa ngày xưa,
có một ngôi chùa
một ngôi chùa nhỏ
bên dòng suối trong…

 

[11h50’: Nâu Lam một màu]

Anh em tăng thân nhà mình cũng hơi ngại khi cứ làm phiền thầy mãi. Nhưng quả thật là có rất nhiều chuyện anh chị em cần sự chỉ dạy của thầy. Thiện Sanh tiếp tục là người dẫn đầu đoàn tiến đến phòng thầy. Thầy vẫn vui tươi như lúc chúng tôi mới đến. Thầy gọi mấy sư chú lên rồi hỏi han từng người đứng đầu mỗi tiểu ban. Sau đó là một cuộc đổi trao số điện thoại, họ tên. Áo lam và áo nâu đã sát nhập lại và đi chung với nhau rồi đó bạn.

Rời khỏi phòng thầy, anh chị em nhà mình trở lui và bắt đầu buông thư. Tôi lại được nằm nghe tiếng suối và thở đều theo từng nhịp vào ra. Có vẻ tôi đã mê đắm tiếng suối này rồi bạn à. Lúc vừa mới lau nhà xong, tôi đã ngồi yên được một lát. Nhìn ra khoảng sân trước mặt, tôi thấy màu xanh của cỏ cây, của trời mây như đang chảy trôi vào thân tâm mình. Tôi thấy được nuôi dưỡng nhiều bởi màu xanh ấy lắm. Lòng tôi trở nên lắng đọng. Và sự bình an lại xuất hiện như một người bạn lâu năm đến gõ cửa trái tim. Ít khi tôi có được sự bình an lắm. Vậy mà chỉ hai hay ba giờ đồng hồ ở chùa, sự bình an lại có mặt. Sự bình an nắm lấy tôi, ôm ấp tôi như một người tình thủy chung son sắt. Sự bình an có mặt trong khi tôi lau nhà. Sự bình an có mặt trong khi tôi ăn cơm. Sự bình an có mặt trong khi tôi nằm xuống nền nhà mát lạnh. Ước gì người bạn Bình An này cứ mãi bên tôi nhỉ? Ước mơ thế thôi chứ tôi biết rằng một khi xa rời ngôi chùa nhỏ thì tôi lại lạc mất người bạn thân thiết. Năng lượng chánh niệm của tôi chưa được sâu dày và vẫn còn bất ổn lắm. Có đó rồi mất đó. Và quan trọng là tôi không có một bối cảnh, một khung trời để nuôi dưỡng những tâm hành lành thiện của mình. Khi nằm thả lỏng toàn thân, tôi ý thức tất cả những điều kiện hạnh phúc mà tôi đang có. Một thân thể không tật bệnh. Một trái tim vẫn còn biết rung đập, thổn thức. Một khung cảnh an lành đang hiện hữu. Bên trái, bên phải, trước mặt, xung quanh là những người anh, người em, người chị tâm linh muốn nâng đỡ và bảo hộ cho nhau. Và còn tiếng suối trong huyền diệu nữa chứ. Lòng tự hỏi:

Mình bắt đầu “biết” nghe suối từ bao giờ?

Tôi nghĩ câu trả lời có lẽ là một năm trước. Khi đó, tôi bắt đầu nhìn sâu vào sự thực tập năm giới của mình. Tôi bỗng có một nhu yếu mạnh mẽ là phải đi tìm những bài nhạc có tính chất nuôi dưỡng. Và nhờ Google mà tôi đã tìm ra nghệ sĩ người Malaysia gốc Hoa tên là Hoàng Tuệ Âm (Imee Ooi). Hơn một năm đã qua đi mà tiếng ca của cô Phật tử này vẫn còn chật ních tâm trí tôi. Tôi yêu thích toàn bộ các tác phẩm mà hãng I.M.M đã thu thanh. Trong số đó, có một bài rất đặc biệt. Đó là Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni. Khi nghe bản thiền khúc này lần đầu tiên, tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ với những âm thanh hùng lực và thanh thoát. Trái tim tôi đã ở lại. Sau đó, tôi cố gắng tìm hiểu nội dung của tác phẩm này. Khi có trong tay bản Việt ngữ của cư sĩ Huyền Thanh, lý trí tôi hoàn toàn bị chinh phục. Thế nhưng, câu chuyện không dừng lại ở đây. Vì bản dịch dùng nhiều thuật ngữ Phật học và bám khá sát theo văn phong của bản gốc nên tôi không ưa thích lắm. Tất nhiên là tôi rất biết ơn chú Huyền Thanh. Tôi đã cố gắng liên lạc nhưng vẫn không thấy hồi âm. Có lẽ là vị cư sĩ này đã thay một địa chỉ thư điện tử khác. Chung cuộc là tôi đã mạnh dạn trau chuốt lại bản dịch. Một là để phù hợp với nhu yếu tu học của tôi. Tôi nghĩ rằng mình viết lại theo ý thích của mình thì dễ dàng thực tập hơn. Hai là khi sử dụng ngôn từ hiện đại thì cũng sẽ thuận tiện cho những người trẻ khác nếu muốn tìm hiểu.

Khi ngồi viết lại bản thiền khúc này thì đột nhiên tôi phát hiện mình đang vẽ một bức tranh rất đẹp. Một người con trai hay một người con gái lành đang đi theo ánh mặt trời. Người trẻ đó cứ đi, đi mãi, băng qua mười địa. Điểm cuối của hành trình chính là một dòng suối mát trong. Và anh ấy hay cô ấy bỗng nhận ra một sự thật: Ánh sáng mà mình cứ nghĩ là đã soi đường chỉ lối cho mình bấy lây nay không nằm ở bên ngoài. Ánh sáng đó không phải của một ai đó, hay ở đâu đó trên cao. Ánh sáng đó chính là tánh Bụt. Ánh sáng đó là Chánh Niệm, là Tuệ Giác, là Trí Giác. Và ánh sáng đó hiện hữu nơi chính trái tim mình.

Tôi hay thực tập bài này lắm, khi buông thư, khi đi thiền hành. Vì do chính mình viết nên sự thực tập rất tự nhiên, rất chuyên cần. Không cần phải cố gắng hay nỗ lực gì nhiều lắm. Tôi chép lại một đoạn cho bạn vậy. Mời bạn lắng nghe tiếng suối cùng tôi. Tôi đang buông thư. Mời bạn buông thư cùng tôi…

 

Hướng về kính lạy Đức Thế Tôn
Bậc Đại Giác cùng khắp ba cõi
Con nay nguyện quay về
suối nguồn mát thơm
Sạch trong, sạch trong
không đâu sánh được
Nguồn sáng rực rỡ
dắt dìu muôn loài trong sáu nẻo
Ra khỏi rừng mê.
Đi trên đường thiện.

Xin Người rũ lòng xót thương
nhiếp thọ cho con
Giữ gìn thọ mệnh
Tìm được lối về
Suối nguồn mát thơm
Sạch trong, sạch trong
Sạch trong như hư không
không đâu sánh được

Về Việt Nam

[14h15’: Tập sự hô canh]

Phận sự của tôi ở ngày tu lần này cũng không quá nhiều. Chỉ là cùng với các anh chị em đề ra kịch bản các buổi Thiền Trà và Bông Hồng Cài Áo thôi. Nhưng ngay khi đang bước những bước thảnh thơi nhất thì tôi nhận được một thông tin. Một thông tin mà tôi chưa bao giờ trông đợi. Anh Huệ Phước sẽ vắng mặt kỳ này. Tôi đã nghe loáng thoáng từ buổi sáng. Nhưng giờ đã là tin chính thức. Điều này có nghĩa sẽ có một ai đó phải đóng vai chủ lễ. Ai đó theo phương án dự phòng là em Hừng Đông. Nhưng nếu đôn em lên thì sẽ khuyết một vị trí. Ai đó sẽ phải lấp đầy khoảng trống đó. Ai đó chính là tôi. Thiện Sanh đã đề nghị như vậy. Một lời đề nghị có phần mạnh bạo và không nhân nhượng. Thế là để đẹp lòng anh chàng, tôi đành phải chấp nhận. Tôi có thêm một nhiệm vụ mới: Hô Canh Chiều và có thể là Hô Canh Sáng.

Đường đến chỗ thầy trụ trì bỗng trở nên dài hơn và lòng tôi càng lúc càng rối bời. Có một sự thật mà chắc bạn cũng đã nhận ra, tôi vô cùng yếu kém phần nghi lễ tán tụng. Cách tiếp cận Phật Pháp của tôi có khi không đi theo những con đường chính thống. Vì có nhiều khổ đau nên khi đi vào cửa Thiền, tôi chỉ để tâm giải quyết những vấn đề về tâm. Tôi thích và chỉ thực tập 50 bài tụng Duy Biểu. Những phần còn lại tôi hoàn toàn buông lỏng. Không để tâm nhiều và cũng không muốn để tâm. Đây là một điều nguy hại nhưng tôi vẫn chưa tháo gỡ được. Vậy là giờ đây, tôi phải buộc vào thế phải tháo gỡ. Đây là một diễn tiến mà tôi hoàn toàn không mong muốn nhưng điều không mong muốn ấy đã xảy ra.

Thấy bóng Hừng Đông từ xa, trên tay em cầm một cái chuông. Vậy là tôi không đơn độc rồi. Hai anh em đi vào phòng thầy. Tôi đi ngay vào vấn đề và thỉnh cầu thầy hướng dẫn cho hai anh em chúng tôi về cách hô canh. Xúc động nhất chính là giây phút này. Thầy tuy đau cột sống không đi lại nhiều được. Nhưng vẫn dành cho chúng tôi một buổi huấn luyện cấp tốc trong vòng gần 45 phút. Ôi, làm sao chúng tôi có thể phụ lòng thầy được. Hai anh em rối rít cảm ơn thầy, nhanh chóng trở ra để thầy nghỉ ngơi. Tôi và Hừng Đông thống nhất là sẽ kiếm một địa điểm thanh vắng để thực tập hô canh. Vậy là đài Quán Thế Âm trở thành sự lựa chọn cuối cùng.

Đối với tôi thì phần Hô Canh cũng không khó lắm. Trước đây tôi cũng đã nghe nhiều. Có ít nhất 3 “nghệ sĩ” đã thâu âm bài này. Cái khó nhất nằm ở câu 3. Vì cách ngân nga ở những câu còn lại khá giống nhau. Hai anh em tập mãi mà cảm thấy chẳng thể nào hay được. Một phần quan trọng khác là phối hợp việc hô canh với động tác thỉnh chuông nữa. Quả thật cũng còn rất nhiều gian khó. Đúng lúc này thì trời bắt đầu mưa. Những con mưa nhẹ hạt đang rơi động. Đất trời đang “thương cảm” cho hai anh em chúng tôi chăng? Cơn mưa đến và một cú điện thoại đến. Khiêm Từ – thông ngôn thứ hai ngày tu – cũng đã cùng đoàn thứ hai có mặt. Vậy là tôi thông báo cho Thiện Sanh để tìm người ra đón. Tôi bỗng thấy yêu mến chiếc máy điện thoại di động hơn lúc nào. Thứ mà đã có nhiều khi tôi vất ở một xó nào đó vì cứ nghĩ đó là chiếc còng trói tay, kiềm tỏa sự tự do của mình.

 

[16h15’: Đoàn tụ]

Vì mưa nên anh em cũng phải đi tìm một chỗ khác để thực tập. Thêm một cú điện thoại nữa. Đoàn thứ ba cũng đã đến. Các anh em tâm linh ở Âu Châu đây mà. Tiện thể tôi cũng muốn giới thiệu sơ nét về họ. Tất nhiên là tôi đã thuộc tên, thuộc tuổi của các anh em ấy. Nhưng tôi lại thích gọi họ bằng một cái tên khác. Đâu có ai ngăn giữ tôi làm việc này, phải không?

Người đầu tiên có tầm vóc khá vạm vỡ. Tóc búi tó, khuôn mặt đích thực là một người đến từ xứ sở Latin. Đó là dự đoán ban đầu của tôi. Và chính xác là như vậy. Anh đến từ Chile, một quốc gia ở Nam Mỹ. Tôi cũng thích tiếng Tây Ban Nha lắm. Biết đâu anh sẽ giúp tôi nhỉ? Hình dáng của quê hương anh trên bản đồ giống như một quả ớt. Trong tiếng Anh, quả ớt đỏ được gọi là Chili. Vì vậy tôi sẽ gọi anh là anh Chi.

Một bạn khác đến từ Hà Lan. Người luôn dành cho tôi một cái nhìn trìu mến. Khi đi với tôi trong chuyến hôm qua thì có vẻ như bị say nắng nên anh chàng cũng tỏ vẻ khá mệt mỏi. Tôi sẽ gọi bạn ấy là Cao vì có lẽ bạn ấy là người cao nhất đoàn. Tuổi của Cao nhỏ hơn tôi và tôi cũng có cảm tưởng như nếu có điều kiện trao đổi nhiều thì chúng tôi sẽ trở thành những người anh em tâm linh đích thực.

Thành viên nam thứ ba rất vui nhộn, ưa pha trò. Chú em này bông phèng và tếu táo lắm (hơi giống tôi thì phải?). Quốc tịch của chú là nước Anh. Tôi khá hợp với chú này vì cả hai đều thích hát hò. Hôm qua đi với nhau, nói nhiều không được nên cứ hát suốt thôi. Nhìn thấy chú là tôi đã vui rồi nên tôi sẽ gọi chú là Vui. Em Vui của tôi! Mặc dù nhìn bên ngoài chắc không ai nghĩ tôi hơn Vui 5 tuổi.

Anh chàng tiếp theo tôi sẽ gọi là Bách. Tên thật của Bách cũng phát âm gần như thế. Bách là vốn là người đã đạt được một số thành công trong đời sống nên có vẻ “mực thước” hơn một chút. Bách đến từ Hà Lan, tóc xoăn. Có một đặc điểm ở Bách khiến cho tôi liên hệ tới bạn. Bách luôn đem theo một cái chuông nhỏ bên người. Bách giữ chuông và cùng với Vui thay nhau thỉnh chuông cho đại chúng khi cần.

Đến phần các bạn nữ. Thành viên nhỏ tuổi nhất là em Me đến từ Đức. Đó là hai chữ cái đầu tiên trong tên em. Chắc em sẽ thích cái tên này. Em mới chỉ có 14, 15 tuổi thôi mà đi chơi xa như vậy. Thật là nể phục! Vì là em út nên em nhận được nhiều tình thương của các anh chị lắm.

Bạn thứ hai có tên gọi mà trong tiếng Việt nghĩa là Cỏ. Tôi đã đặt lại tên cho bạn là Tranh. Đó là một loài cỏ không những có thể dùng làm vật liệu để lợp mái nhà mà còn có công năng chữa bệnh hoặc làm ra vị mặn như muối nữa. Tiếp xúc với Tranh tôi được biết em đang theo một chương trình cao học. Tôi không biết là em có ý thức về sự may mắn mà mình đang có hay không. Em đang được thọ hưởng một nền giáo dục chất lượng lại được sống trong một đất nước luôn đề cao những quyền và giá trị căn bản của con người. Em sẽ có điều kiện để phát triển toàn diện. Giờ đây em lại còn có cơ duyên với Phật Pháp nữa. Ôi, có còn ai hơn được em tôi!

Cô gái thứ ba có khả năng nói được tiếng Việt tên là Mai. Đó là tên mà tôi đặt lại cho em. Vì trong suốt chuyến đi với em, tôi thấy em có vẻ lắng nghe tôi chăm chú lắm, nhất là những đoạn về cô Nhất Chi Mai. Em còn bày tỏ mong muốn được nghe tôi hát bài “Một Cành Mai” (nhạc Phạm Duy và thơ Phạm Thiên Thư) nữa. Địa điểm để tôi trình bày chính là ngay tại khu vực mộ bia ở chùa. Tiếc là chúng tôi đã không gặp được nhau vì thời điểm đoàn WakeUp trồng cây lưu niệm thì tôi đã trên đường đến ngôi chùa nhỏ bên suối này. Một điều đáng nể ở Mai là em đã ăn chay 10 năm. Khi ăn chay được hơn 4 năm thì trong lòng tôi cũng có đôi chút tự hào nhưng nghe em nói thì tôi mới trở nên “biết người biết ta” nhiều hơn. Một điều thú vị là trong chuyến đi thăm cầu Hiểu Thương và nhà trẻ hôm thứ sáu thì toàn bộ thành viên trừ tài xế đều ăn chay. Tôi thấy ấm lòng về sự thật này lắm. Cứ nghe nói bây giờ có nhiều người ăn chay nhưng tôi thấy cũng khó gặp họ lắm. Nhưng nhiều khi gặp rồi lại thấy cách thức tu học của họ cũng có vẻ không làm mình thoải mái. Thế mà giờ đây, vây quanh tôi là biết bao nhiêu những tâm hồn đồng điệu. Mai và các anh em có biết nỗi sướng vui của tôi không?

Thêm một bạn khác đến từ Hà Lan là Mi. Tôi đặt lại tên bạn theo cách đã dùng với bé Me. Tôi để ý thấy Mi luôn có một cuốn sổ tay nhỏ và cứ hay ghi ghi chép chép một điều gì đó. Vậy là thích viết lách rồi. Vậy là có chung sở thích rồi đây. Tôi có trao đổi một chút với Mi. Tuy không nhiều lắm nhưng ít nhất là tôi đã nói được điều cần nói. Từ trước tới giờ đất nước Hà Lan luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Đó đã từng là một trong những siêu cường quốc của thế giới trong thế kỷ 17. Ý niệm về tự do và dân chủ – điều mà bất cứ một thể chế nào cũng phải hướng tới ngày nay – đã được thai nghén và thành hình trên chính vũng lãnh thổ nhỏ bé này. Con người xứ xở của hoa uất kim hương vốn dĩ cũng là những tâm hồn yêu tự do, có ý chí vươn lên, chinh phục thiên nhiên, đổi thay số phận. Nhân loại sẽ ra sao nếu thiếu đi những hải trình khai phá, tìm kiếm những vùng đất mới của họ? Khi nghe tôi bày tỏ niềm mến yêu của mình thì Mi có vẻ e dè và hơi ngần ngại. Mi trả lời với tôi rằng có nhiều điều tôi chưa biết đâu. Đúng thế thật, có rất nhiều điều tôi chưa biết. Và làm sao tôi có thể biết hết được? Làm sao tôi có thể có một cái nhìn toàn cảnh. Tôi hiểu ý của Mi. Tôi cũng đã thấy những mặt trái, những góc khuất. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi và nhiều người Á Châu khác không thể phủ nhận những giá trị về tư tưởng dân chủ tự do, về những thành tựu khoa học mà người Tây Phương mà cụ thể ở đây là người Hà Lan đã mang lại.

Thành viên tiếp theo là một cô gái người Pháp gốc Việt. Tôi sẽ gọi em là An. Đó là hai chữ cái đầu tiên trong cái tên nghe rất lạ tai của em. Hình như tên Việt của em cũng là An thì phải. An không như Me, Tranh và Mai. An không nói được tiếng Việt. Chuyến đi này của An là nhằm tìm lại những thanh âm của một nền văn hóa, những ảnh hình của quê nhà trong em. Và tôi đoan chắc là An sẽ tìm về được với gốc rễ tâm linh cũng như huyết thống của mình.

Người cuối cùng là một bạn rất khả ái và thanh tú. Tôi đặt lại tên là Na. Na là hai kí tự trong tên theo tiếng Đức của em. Tôi nghĩ nếu Na biết thì sẽ thích cái tên này. Bởi lẽ Na là một cái tên rất được mến chuộng của người Việt. Na cũng là một loại trái cây, trái mãng cầu. Mặc dù là một người Đức đúng nghĩa cả về quốc tịch lẫn hình dung nhưng tôi lại cảm thấy ở Na một điều gì đó rất Á Đông. Na rất đằm thắm và nền nã. Lời nói và cử chỉ luôn chừng mực. Tôi thấy Na cũng hay mang theo một cuốn sách. Chắc là thích đọc sách đây? Như thế thì có chung sở thích với tôi rồi. Đi với các anh em WakeUp thỉnh thoảng tôi lại nghe đâu đó một tiếng chuông nho nhỏ. Tôi nghĩ tiếng chuông được cài đặt theo thời gian đó hẳn phải là của Na.

Như thế là tôi đã vẽ nên chân dung của đoàn WakeUp rồi đó. Không những thế mà tôi còn “Việt Nam hóa” họ luôn. Tôi đã bắt đầu quý mến các bạn. Tôi thấy các bạn cứ chuyền tay nhau một quyển sách bìa màu xanh mang tựa đề là “Engaged Buddhism”. Thật xúc động phải không bạn? Bạn, tôi và anh em Wake Up chúng ta là những anh em chung một nẻo thoát lối về. Có thể mỗi người trong chúng ta khởi hành từ một địa điểm khác nhau nhưng đích đến chỉ có thể là một. Và chắc chắn là không thể nào có một rào chắn, một bức tường ngăn chia tâm hồn chúng ta được. Chúng ta đang cùng nhau đi trên con đường đưa Đạo Bụt về với nhân gian. Chúng ta đang trên đường về nhà. Ngôi nhà của sự hiểu biết, của lòng bao dung. Ngôi nhà của tình anh chị em nguyên khôi, thuần khiết.