Tăng Hội – Những bài không tên (4)

Người viết: Đặng Chương

Gửi đến T.C.Đ và các bạn WakeUp

Đêm trăng huyền thoại

[18h55’: Công phu tối]

Buổi ăn chiều diễn ra rất ấm cùng và tĩnh lặng. Mấy sư chú và điệu đều thực tập cùng chúng tôi. Thực đơn chỉ là món cháo vì tối nay sẽ còn có phần uống trà và ăn khoai nữa. Công việc bếp núc của chị Chân Mây có vẻ nhẹ nhàng hơn đợt trước. Còn nhớ lần gần đây nhất, mấy anh em thật sự rất ái ngại vì chị cùng các bạn khác hầu như chỉ có mặt trong bếp chứ không thể nào tham gia thời khóa được. Vì lần này có thêm một số người bạn rất nhiệt tình của Thiện Sanh nên công việc của chị đã hóa ra nhẹ nhàng và thảnh thơi lắm.

Kim giờ đã nhích đến số bảy rồi. Vậy là tôi phải thể hiện những gì đã luyện tập trước mặt đại chúng. À không, phải nói là sau lưng đại chúng mới đúng vì mọi người đều đã quay mặt vào tường cả. Hai câu đầu khá suôn sẻ. Đến câu thứ ba tôi vẫn gặp khó khăn như mọi khi. Nhưng rồi cũng gắng cố truyền tải những câu chữ mà cao độ tôi có cảm tưởng cứ ngang ngang rất khó thể hiện. Đến câu thứ tư thì khỏe ru. Rồi “ngưỡng mong đại chúng” rồi “Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni”. Cuối cùng cũng hoàn thành. Nửa giờ ngồi thiền trôi qua. Khi Hừng Đông thỉnh khánh để đại chúng đứng lên chuẩn bị lạy Bụt, tôi len lén lùi một bước, không giữ chuông nữa. Nhật Thái sẽ đảm nhận phần này. Em Hừng Đông sẽ là người dâng hương. Chị Chân Mây thỉnh mõ. Còn tôi thở phào nhẹ nhõm, hí hửng trở lại với tư cách là thiền sinh tham dự ngày tu.

Có thể nói là ngày quán niệm lần này để lại trong tôi nhiều dư vị lắm. Không như những lần khác, tôi được phép tham gia vào công tác chuẩn bị và đóng góp trực tiếp vào thời khóa. Quá trình đó giúp cho tôi nhận ra nhiều yếu kém, nhiều tập khí trong mình. Tôi vẫn rất ngán với những phần nghi lễ bạn à. Không biết bao giờ mới thay đổi được. Tuy nhiên vì đứng ở bên trong sâu khấu nên tôi hiểu hơn về những khó khăn và cả tinh thần nỗ lực vượt khó của các anh chị em. Lần này không như mọi lần, số lượng người tham dự rất đông, Tây có Ta có. Chính vì phải có thêm phần phiên dịch nên thời khóa phải kéo dài hoặc rút ngắn. Bạn và ba anh chị em nòng cốt trong tăng thân đã đi tập sự xuất gia nên những người còn lại phải làm nhiều việc hơn. Những trục trặc, sự cố chắc chắn đã và sẽ xảy ra. Nhưng tôi cảm nhận thấy rằng sự liên kết giữa mọi người trở nên bền chắc hơn bao giờ. “Đi Như Một Dòng Sông” không chỉ còn là câu nói nữa. Tăng thân rõ ràng đã đi với nhau, đã nắm tay nhau, tuy có lúc cũng đã cảm thấy đuối sức nhưng tất cả đều cố gắng để có mặt cho nhau. Thật đáng quý biết bao, phải không bạn, ôi những cảm tình tăng thân sáng trong và cao đẹp này!

[20h05’: Thiền trăng]

Như đã viết ở phần trên, từ buổi chiều trời đã bắt đầu mưa. Đến buổi công phu tối thì mưa vẫn chưa dứt, mây đen bao phủ trên nền trời. Ấy vậy mà đến gần 20h tối thì trời tạnh mây tan. Không còn hạt nước nào rơi đổ nữa. Chúng tôi như mở cờ trong bụng. Vậy là buổi thiền trà dưới ánh trăng đã không phải di dời địa điểm vào chánh điện rồi.

Chúng tôi lại cùng ngồi với nhau thành một vòng tròn thật đẹp. Và phía trên cao, một vòng tròn cũng đang tỏa sáng lấp lánh rạng ngời. Những câu chữ thư pháp của Nhật Thái là tâm điểm của vòng tròn bên dưới. Chúng tôi ngồi uống trà, ăn bánh, ăn khoai lang. Chúng tôi ngồi hát ca, tận hưởng đêm trăng thơm mát. Cái mát của thiên nhiên, của cỏ cây, của đất sau một cơn mưa nhẹ thật trong và thật sạch. Lần lượt mấy anh em WakeUp chia sẻ. Ai nấy đều bày tỏ niềm hạnh phúc được ngồi trong một đêm đầy tràn ánh sáng dịu êm của thiên nhiên và của tình huynh đệ này. Anh Chi có nói về sự thực tập hết sức sâu sắc của mình. Anh bày tỏ rằng mỗi lần đưa mắt hướng về phía ánh trăng anh đều thực tập gửi hết tình thương mẹ của mình vào đó. Mẹ anh đã mất. Mẹ đã không còn với anh nữa. Nhưng trăng thì vẫn luôn có đó. Và nương theo ánh trăng vàng, anh cảm nhận là mình có thể truyền thông với mẹ. Và ngay giờ đây, anh cũng thực tập gửi hết tình thương cho cha của anh. Mặt trăng như một chiếc điện đàm để anh gọi cha, gọi bằng tất cả tình thương, bằng tất cả năng lượng chánh niệm mà mình đang có.

Thật ấm áp khi nghe được một sự chia sẻ như vậy phải không bạn. Trong buổi tối trời này, vì là người giữ chuông nên tôi có được cơ hội thực tập thỉnh chuông. Từ chiều tới giờ, tôi đã thỉnh chuông rất nhiều lần nhất là khi thực tập hô canh cho nên tôi cảm thấy đã thân quen với chuông. Lời nói của anh Chi lại gây cho tôi một niềm hứng khởi rất lớn. Tôi nhất quyết là phải thỉnh chuông thật tốt. Tôi nhẹ nhàng cầm chiếc dùi lên. Vẽ lên trong không gian một đường cánh cung thật đẹp. Tiếng chuông vang lên và đồng thời cánh tay cũng tiếp tục chuyển động đi lên thêm một chút nữa. Và tôi đã thấy một đôi cánh chim. Đôi cánh chim đang bay về trời. Một cánh chim mang theo biết bao nhiêu bình an và tĩnh lặng… về với ngân hà.

Tôi nhìn về phía các bạn ở phía đối diện. Tôi muốn nói gì đó. Không cần tới Viên Lạc hay Khiêm Từ thông ngôn nữa. Từ ban chiều khi ăn cơm xong, tôi đã đặt từng bước chân nhẹ nhàng về con suối nhỏ. Đi theo tiếng suối, tôi đã tìm thấy những câu chữ thích hợp. Giờ thì tôi phải nói thôi. Tôi nói về sự thực tập khi lau nhà của mình. Tôi cũng đâu khác gì anh Chi đâu, bạn có thấy không. Tôi cũng đã gửi tình thương của mình vào từng đường lau. Tôi cũng đã gửi hết sự thanh tịnh của tôi cho các bạn. Và tôi còn nói rằng, nếu mấy anh em WakeUp nhìn kỹ vào những gì xung quanh, một ly trà mà chị Chân Mây đã nấu, một bình hoa mà Thiện Sanh đã cài, một cuốn kinh mà Viên Lạc đã in thì sẽ tìm thấy được thông điệp mà chúng tôi muốn nhắn gửi. Nói được như vậy tôi thấy thật mãn nguyện. Và tôi nhận ra Cao và Na đang nhìn tôi. Đôi mắt ấy làm sao mà quên được. Một cái nhìn long lanh và trìu mến. Cái nhìn ấy làm sao mà quên được. Trong một khoảnh khắc tôi thấy mọi biên giới, mọi cách ngăn đã hoàn toàn mờ phai nhạt xóa. Tôi phải hát lên thôi. Tôi phải ca vang thôi, phải không bạn? Làm sao có thể kiềm giữ cảm xúc trong một đêm đẹp như cổ tích này.

Vì chủ đề của buổi thiền trăng là Mẹ hay những tình cảm gia đình nên ngay từ đầu tôi đã có kế hoạch sẽ hát đến bốn bài. Tuy vậy phần chia sẻ ưu tiên nhiều cho các bạn WakeUp cũng như là một số anh chị em khác nên tôi đã phải tính toán một chút. Mình sẽ hát một bài thôi. Và bài đó làm sao phải vừa có chủ đề về mẹ, vừa có nhiều dân tộc tính, có giá trị về mặt văn học và nghệ thuật để giới thiệu cho các mấy anh em Tây Phương nhất là các em gốc Việt. Vậy là tôi đã chọn bài Bài Đạo ca số 4 (nhạc Phạm Duy thơ Phạm Thiên Thư) có tên là Hóa Thân. Hay còn một tên gọi khác là Quan Thế Âm. Đây có thể nói là một bài hiếm có, ít người biết nhưng lại là một bài kinh điển, là môt viên ngọc quý nằm lặng lẽ trong kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi đã biết bài này từ rất lâu và đã cật lực luyện tập cho đợt lễ Vu Lan lần này.

Để mọi người dễ nắm bắt, tôi đã nói sơ qua về nội dung. Nhưng quả thật để hiểu hết bài hát này thì phải cần rất nhiều thời gian. Nhân lá thư này, tôi trình bày cái thấy của tôi với bạn nhé.

Đi tìm người thương

Bài hát khởi đầu bằng hình ảnh của một người mẹ đi tìm đứa con của mình. Người mẹ đó đi tìm con ở khắp bốn phương trời, lên non cao, về biển rộng nhưng vẫn không gặp. Bài này dùng giọng Mi thứ. Thế giới như thế nào thì tôi không biết nhưng trong nền tân nhạc Việt Nam gần như đã có một quy luật bất thành văn. Để diễn đạt một niềm vui, một sự hạnh phúc, một tiếng cười người ta dùng giọng trưởng. Còn để nói lên một nỗi buồn, một sự tiếc nuối, một tiếng nấc người ta dùng giọng thứ. Bài hát “Quan Thế Âm” này dùng giọng thứ. Cho nên nếu nghe kỹ thì phần đầu của bài hát là những nỗi buồn, niềm uất ngẹn của người mẹ. Đi khắp không gian, đi qua bốn mùa mà vẫn không thấy đứa con của mình. Hình ảnh thi ca tuyệt đẹp như càng đối lập với những khổ đau trong lòng người.

Có bà mẹ đi tìm con
Trên đỉnh đồi lan trắng
Có bà mẹ đi tìm con
Trong động hoa lan vàng
Có bà mẹ đi tìm con
Bên bờ sông lam tím
Có bà mẹ đi tìm con
Trong thung lũng cỏ hoa

Bạn biết không tôi đã nhìn sâu vào hình ảnh của người mẹ đó và thấy rằng câu chuyện này có một sự liên hệ rất lớn đến với chúng ta. Người mẹ kiếm tìm, chờ trông đứa con cũng tức là người mẹ đi tìm một đối tượng để thể hiện tình thương của mình. Bạn có thấy mình trong bài hát này hay chưa? Tất cả chúng ta cũng như vậy thôi. Tất cả đều đi tìm, đều chạy theo một đối tượng nào đó. “Đứa con” chính là một đối tượng mà tâm thức ta tìm cầu, trông đợi. Ta đi tìm một đối tượng để nắm cho thật chắc, để ghì cho thật chặt. Ta đi tìm tình thương. Ta đi tìm người thương. Vậy thì người mẹ đi tìm con cũng đâu có khác gì một người cha đi tìm con, một người vợ đi tìm chồng, một người con trai đi tìm một người con gái, một người thầy đi tìm trò và một người trò đi tìm thầy. Trong suốt quãng đường đó, chúng ta có thể xây đắp rất nhiều ảo vọng và tưởng tượng về người thương của mình. Nhưng đến khi ta bắt gặp thực tại của người đó thì ta không thể chấp nhận. Ta cho rằng đó không phải là hình ảnh mà ta muốn thấy. Vì vậy cho nên ta cứ mãi đi tìm, ta cứ mãi rong ruổi. Có khi ta đã gặp được người ấy. Nhưng vì ta chỉ tin vào một hình ảnh do chính ta tạo dựng nên ta lại tiếp tục ra đi. Người mẹ trong bài hát này có thể cũng đã mang một tâm trạng như vậy. Bài hát là một chuỗi những ngày buồn, rất buồn. Và rồi đến khi sức tàn lực kiệt, mẹ đã trút hơi thở cuối cùng nơi thế gian. Nhưng hành trình đi tìm con, đi tìm người thương vẫn tiếp tục.

Đến đây thì thơ và nhạc đã hòa quyện và đem đến cho người thưởng ngoạn một trong những hình ảnh diễm lệ và tuyệt bích nhất.

Tim mẹ thành ra trùng dương
Máu mẹ thành sông thành nước
Ôi đời trầm luân mẹ thương
Chiếu ánh sáng từ quang

Đối với tôi bốn câu này đã thay đổi hoàn toàn giọng điệu của bài hát. Tưởng như đây sẽ là một bài bi nhưng bốn câu thơ kỳ diệu này đã chuyển hóa tất cả. Chất bi lụy đã hóa thành chất hùng tráng. Bài hát có tên là Hóa Thân. Tôi thầm nghĩ phải chăng đoạn này chính là điều mà tác giả gửi gắm.

Tất nhiên đây không chỉ là những câu thơ hay vì kỹ thuật, đẹp vì từ ngữ. Nếu chúng ta chỉ nắm bắt những con chữ để tìm ra ý nghĩa thì đâu còn gì là thơ ca, đâu còn là âm nhạc nữa. Theo logic thông thường khi đọc những câu này thì ta có thể mường tượng ra hình ảnh một người mẹ nằm xuống, trôi theo theo dòng nước, dịch ngoại bào, dịch nội bào hòa lẫn với sóng biển, rồi bỗng chốc cả thân hình phát sáng. Mẹ bay lên. Hào quang tỏa rạng khắp mười phương. Đó là cách hiểu theo câu từ. Hiểu như vậy thì tội cho nhà thơ Phạm Thiên Thư lắm. Tim và máu, sông nước và trùng dương, ánh sáng từ quang. Tất cả đều là những hình ảnh mang tính chất ẩn dụ.

Tôi đã quán chiếu rất nhiều. Và xin chia sẻ với bạn những cái thấy gần đây của tôi. Đây là cái thấy ở thời điểm này. Hai hay ba năm trước chắc chắn tôi sẽ không thấy như vậy. Và tôi cũng chắc chắn rằng vài năm sau cái thấy của tôi sẽ khác đi.

“Tim mẹ thành ra trùng dương” có nghĩa là trái tim của mẹ đã không còn ôm giữ một đối tượng cụ thể nữa. Trái tim của mẹ ngày trước là một ao tù chật hẹp. Trong trái tim đó chỉ chứa đựng duy nhất một đối tượng. Tình thương của mẹ ngày xưa rất, rất bé nhỏ, mang nhiều vướng kẹt, mang nhiều khổ đau. Còn giờ đây, tình thương của mẹ đã mở rộng. Trái tim của mẹ đã chất chứa muôn loài muôn người. Hành trình đi tìm người thương của mẹ đã đi đến một một khoảng trời bát ngát mênh mông. Mẹ đã thực tập làm lớn rộng tình thương của mình. Mẹ đã thực tập thương thân mình, thương người thân, thương người thương, thương người chưa thân, thương người chưa thương được. Vì vậy cho nên, “máu mẹ thành sông thành nước”. Tâm hồn mẹ trở nên bao dung và rộng mở. Tình thương của mẹ không còn mang chứa sự vướng mắc và đòi hỏi. Mẹ thương hình ảnh khổ đau của mình, mẹ nhìn vào khổ đau của cuộc đời. Và mẹ bắt đầu thấy thương, thương “đời trầm luân”. Mẹ thương biết bao nhiêu là con người đang không biết thực tập yêu thương chân thật. Chính cái thấy đó mà mẹ bỗng muốn đi tới với những tiếng kêu đau thương của trần thế. Mẹ đã chuyển hóa được tình trạng của bản thân. Và bây giờ đây mẹ muốn chuyển hóa tình trạng của muôn loài. Mẹ (viết thường) đã không còn là mẹ của riêng ai nữa. Mẹ (viết thường) giờ đây đã là người Mẹ (viết hoa) chung cho tất cả. Tình thương của Mẹ phát khởi từ cái thấy, cái hiểu về những khổ đau cá nhân. Cái Hiểu, cái Thấy đó làm cho mọi khổ đau trong Mẹ bấy lâu nay tan biến. Cái thấy sâu sắc đó, cái Hiểu sâu sắc đó chính là ánh sáng. Ánh sáng xua tan đi bóng đêm nơi trần thế. Ánh sáng đó có tác dụng khai mở, ánh sáng đó có chất liệu của từ và của bi. “Ánh sáng Từ quang”. Chính nguyện ước hiến tặng thêm niềm vui, làm vơi bớt đi sầu khổ của mẹ đã đem lại ánh sáng cho cuộc đời.

Và giờ đây, bài hát về Mẹ đã không còn buồn nữa. Ngày xưa mẹ đi tìm con, mẹ hát nhạc khúc đi tìm con. Bài hát buồn, thảm sầu da diết. Ngày nay mẹ vẫn đi tìm con, những tiếng mẹ là những tiếng dịu dàng, có công năng tiêu trừ mọi khổ đau ách nạn. Cũng là một tình thương nhưng mẹ đã thăng hoa tình thương, mở rộng ra nhiều đối tượng. Cũng là một hành trình đi tìm người thương, nhưng mẹ đã không còn hướng về một điểm đến. Điểm đến của mẹ, đối tượng của mẹ giờ đã là muôn loài.

Bài hát này tôi nghe lần đầu qua tiếng hát của cô Thái Thanh. Đó có lẽ cũng là nữ danh ca tôi yêu thích nhất. Nhưng lúc bấy giờ do chưa tiếp xúc với đạo Bụt nên tôi cũng chưa thấm thía lắm. Khoảng ba năm trước, tôi có nghe một đĩa hát của chị Lệ Mai. Đó là một dạng album concept. Tất cả đều là những bài nhạc có giá trị nghệ thuật, những bài đỉnh cao của nhạc sĩ Phạm Duy. Điều đặc biệt là album này khi thu thanh đã không sử dụng bất cứ một xảo thuật phòng thu nào. Tất cả diễn ra hoàn toàn tự nhiên, mộc mạc, không hề có sự can dự quá đáng của máy móc. Ca sĩ chỉ hát với duy nhất tiếng đàn guitar gỗ của một trong hai nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn và Hoàng Ngọc Tuấn. Tất cả các anh chị này đều là những nghệ sĩ nổi tiếng và có uy tín lớn tại Úc Châu. Tôi cũng đã kết nối được với các anh chị ấy. Đó là những dấu chấm đầu tiên trong vòng tròn văn nghệ của tôi đó bạn à. Nhưng họ xa xôi và cách biệt với tôi quá. Tất cả chỉ là những thư đi tin lại. Mà email thì khó có thể thay thế được bất cứ một liên hệ trực tiếp nào. Tôi luôn có một giả định: Nếu được ở gần họ, được sự dìu dắt và chỉ điểm thường xuyên thì chắc là khả năng cảm thụ âm nhạc của tôi sẽ sâu sắc hơn nhiều lắm. Đôi tai tôi sẽ trở nên bén nhạy thêm hơn nữa. Làn hơi tôi sẽ ổn định và dày hơn. Đời sống tôi cũng sẽ đẹp đẽ thêm gấp trăm lần.
Tuy nhiên trong giờ phút này mọi nỗi niềm đã biến tan. Những mộng ước, những tiếc than, khắc khoải đã phải lui vào bóng tối. Chỉ còn những nhịp thở, chỉ còn tiếng hát ca. Tiếng hát tôi đã bay lên ngay trong tâm điểm của vòng tâm linh. Tiếng hát chạm tới trời cao. Tiếng hát chạm tới trăng sao. Tiếng hát va đập vào những thành vách tâm hồn. Tiếng hát lay động những cảm tình thiêng liêng, những nghĩa cử sáng đẹp. Nhớ lời anh Chi, tôi cũng thực tập gởi tất cả tình thương cho mẹ của tôi, cho những người thân, người thương, cho những người chưa thân, những người mà tôi chưa thương được. Và tôi thấy trái tim tôi đã bớt đi nhiều sầu khổ. Lòng tôi đầy tràn nỗi niềm phúc lạc. Tôi đã hát lên và đã có nhiều người lắng nghe. Tôi đang hát giữa sân khấu cuộc đời. Không gian thanh vắng này, năng lượng bình an này, sự im lặng hùng tráng xung quanh có ca sĩ nào mà chưa từng một lần mơ tưởng. Thế thì tôi cần gì phải mặc cảm và hờn tủi nữa, phải không bạn. Sự thật tôi hát vẫn chưa hay, còn nhiều lỗi kỹ thuật. Tôi chưa biết cách nhả chữ. Tôi chưa thành thạo kỹ thuật rung trong cổ. Nhưng điều đó có còn gì quan trọng. Tôi đang ngồi trong lòng tăng thân. Hạnh phúc chính là giây phút này. Tất cả những người nghệ sĩ mà tôi mến yêu đang có trong tôi. Tôi đang là sự tiếp nối đẹp đẽ của họ. Mọi người đang thực tập ngồi yên để lắng nghe tôi. Và tôi đang tận hưởng năng lượng của sự yên bình đó. Ai ai cũng đang có mặt, cũng đang lắng nghe nhau. Tôi đang hát và tất cả cũng đang hát. Tiếng hát của tình thương vô điều kiện. Tiếng hát của tình thương vô biên giới. Khổ đau hoàn toàn vắng bóng. Vậy là đức Bồ Tát cũng đang có mặt rồi phải không bạn? Mẹ Quan Thế Âm đang có mặt. Có bao nhiêu là hóa thân của Mẹ giữa đêm trăng lấp lánh này.