Sức mạnh của tình thương

Tình thương phải được nuôi dưỡng để thăng hoa thì Tình Thương mới có sức mạnh. Sự mầu nhiệm của TÌNH THƯƠNG là chuyển hoá được tất cả những niềm đau nỗi khổ, những hiểu lầm, những giận hờn… và từ đó tránh được những tai hoạ. Phương pháp hay nhất để nuôi dưỡng tình thương là đời sống tỉnh thức; luôn luôn giữ thân và tâm trong giây phút hiện tại bằng hơi thở và bước chân chánh niệm.

Tu viện Mộc Lan (Magnolia) một khu đất rừng bằng phẳng nhiều cây sồi cổ thụ xanh tốt cao vòi vọi. Diện tích khoảng trên hai trăm mẫu tây, đất phì nhiêu. Mộc Lan nằm trong Batesville, Mississippi, cách thị xã Batesville chừng hai mươi phút lái xe, cách thành phố Memphis chừng bốn mươi lăm phút. Mộc Lan là tu viện trẻ nhất thuộc hệ thống Làng Mai ở Hoa Kỳ, sau Lộc Uyển (Deer Park, Escondido, California) và Bích Nham (Blue Cliff, NY). Vị thế Mộc Lan nằm vào vùng trung nguyên của Hoa Kỳ. Nếu nhìn tổng thể vị trí của ba tu viện Làng Mai Hoa Kỳ chúng ta sẽ thấy một thế chân vạt vững vàng.

Du khách và thiền sinh đến Mộc Lan lần đầu tiên sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu được cho biết đây là tu viện trẻ mới chưa được mười năm nay. Những cơ ngơi tu học cho các thầy các sư cô đã đầy đủ tiện nghi. Các ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn mà mình hay gọi là cốc nằm rải rác trong các rừng cây cao. Khi mình nghe danh từ cốc thì hình dung những túp nhà lụp xụp, che tạm hay làm theo lối giả chiến, không có hàng lối trật tự. Ở đây “cốc” là một “bungalow” nhỏ cho vài ba thầy ở. Có hành lang phía trước, cửa kiếng thoáng mát, nhất là sàng gỗ vách gỗ được đánh bóng. Một dãy nhà tăng khách và thiền sinh đến tu học chứa khoảng vài trăm người. Khoá tu vừa qua tôi được nghe có khoảng một ngàn thiền sinh nhưng chỉ có vài căn lều rải rác trong rừng cho những người thích cắm trại. Điều muốn nói là là thiền đường Hải Triều Lên vừa xong, rộng mười ngàn square feet, vào bên trong còn ngửi được mùi gỗ mới. Trong khóa tu này Sư Ông đã cho treo hai câu kệ:

Nhìn Trúc Mộc Lên Xanh Nghe Hải Triều Lên Mấy Độ

Thấy Mai Lan Nở Rộ Nguyện Phát Túc Về Siêu Phương.

Thiền đường Hải Triều Lên là công trình kiến trúc của thầy Pháp Dung cùng tất cả phật tử địa phương và những phật tử từ phương xa đến như Florida, Texas…và đặc biệt nhất là hai anh chị Hoàng Trọng Nhân thiền sinh thuộc tăng thân Bồ Đề Toronto đã thường xuyên về đây chung tay xây dựng.

Tháp chuông An Trú là công trình kiến tạo của một thiền sinh trẻ. Anh đã đem công sức từ đầu đến khi hoàn tất. Tháp được dựng trên một nền móng cao, bốn trụ cột to bằng xi măng mới nhìn vào cứ tưởng là trụ bằng gỗ, lớp da bên ngoài không khác gì da gỗ, sơn màu huyết dụ.

Các cây sà ngang, kèo…đều bằng xi măng đúc với những đường nét cong chạm trổ tinh vi. Mái tháp là mái kép uốn cong. Dáng đứng của tháp chuông nhìn từ xa thật uy nghi với chiếc đại hồng chung được khắc những câu kệ chuông của Sư Ông. Trong khoá tu này tiếng đại hồng chung của tháp An Trú đã được Sư Ông thỉnh lên đầu tiên. Tháp tùng Sư Ông hôm đó hầu hết các thầy cô thường trú của tu viện và một số đông các thiền sinh về sớm tham dự.

Người xây dựng tháp chuông An Trú là một thanh niên trẻ, người nhỏ nhắn. Nhìn người rồi nhìn cái tháp đứng sừng sững chúng ta khó hình dung một con người nhỏ như vậy mà đã đúc những cột trụ, những mái rui kèo v.v.. đều có chạm trổ mỹ thuật theo dáng vẽ hoàn toàn Đông phương. Tôi đang đứng nhìn tháp chuông và suy nghĩ làm sao đưa những rui kèo to tướng đúc bằng xi măng, nặng hàng trăm ký lên đầu bốn cây trụ cột cũng bằng bê tông thì anh Nhân bạn đồng tu, thường xuyên làm việc với thanh niên này cho biết tất cả đều do sức lực của các thầy cô trong tu viện, mỗi người một tay cùng anh dựng nên, không thuê thợ ngoài.

Tháp An Trú

Ngoài công trình xây tháp anh còn đúc tượng Bụt, Bồ Tát và những hòn non bộ.. Tôi có đến cái láng làm việc của thanh niên này, ngỗn ngang những khuôn đúc, sạn cát xi măng…nhìn láng với mái bạt che tạm cũng đủ thấy công sức lao động của anh Bên cạnh tháp An Trú là một hồ sen. Sen đã mọc kín hết mặt nước. Hoa sen, ngó sen đang nở rộ vươn lên như đang cúng dường Bồ Tát Quan Thế Âm đứng hiền từ giữa hồ. Một chiếc cầu gỗ cong nối từ bờ vào hòn non bộ. Ven hồ vài cây liễu mọc cao rũ xuống đến tận mặt nước.

Rãi rác trong khuôn viên tu viện những tảng đá thật lớn được chở từ Colorado vì tại rừng Mộc Lan không có đá tảng.

Hôm nay, trong khoá tu Sức Mạnh Của Tình Thương tôi được về sống giữa một tăng thân mới mẽ, một tu viện trẻ trung nhưng phát triển mạnh và nhanh chóng đã cho tôi những suy nghĩ và những điều đáng nhớ.

Tôi phải dài giòng giới thiệu Mộc Lan để phần nào chứng minh những điều tôi suy nghĩ về Sức Mạnh Của Tình Thương. Ngày tôi về đây cùng sáu anh em tăng thân Toronto, vượt hơn ngàn cây số, lái xe trong mười sáu tiếng, Sư Ông và tăng đoàn Làng Mai vẫn còn ở Boston. Anh em chuẩn bị chiều hôm sau cùng đến phi trường Phoenix đón Sư Ông và tăng đoàn, nhưng lại đi đón trễ, đến nơi Sư Ông đã trên đường về Mộc Lan. Bù lại sáng hôm sau chúng tôi được ngồi ăn sáng với Sư Ông trong thiền đường mới Hải Triều Lên. Nhìn Sư Ông thật tươi thật khoẻ, mọi người đều ngạc nhiên bởi vì Sư Ông đã có hai tháng hoằng pháp ở các nước Á Châu. Tiếp đến khoá tu năm ngày cho hơn một ngàn hai trăm thiền sinh tây phương ngành giáo dục tại đại học Brock, St Catherine, Canada với chủ đề Happy

Teachers Can Change The World, một buổi chiều pháp thoại công cộng với chủ đề The Present Moment: Wisdom for Global Peace and Happiness, tại thính phòng Sony Center, cho năm ngàn người mà vé bán hết sạch.

Sư Ông không quên cộng đồng người Việt Canada đã hoan hỷ cho tổ chức một ngày quán niệm cũng tại Brock. University với trên một ngàn người tham dự. Trước khi đến Toronto các thầy ở tu viện Bích Nham cho hay có thể không có ngày quán niệm cho người Việt bởi sau thời gian hoằng pháp tại các nước Á Châu sức khoẻ Sư Ông rất kém. Và cũng nghe báo cáo khoá tu tại Đại Hàn đã làm sức khoẻ Sư Ông xuống thấp nhất. Vì vậy tăng thân Bồ Đề Toronto rất lúng túng với cộng đồng người Việt địa phương, tất cả chương trình và thông báo đã đăng tải, số lượng người ghi danh ngày càng cao với tốc độ nhanh. Thậm chí có những gia đình đăng ký cho con cái ở tận những tỉnh bang xa xôi phải đến bằng phương tiện máy bay. Tăng thân Toronto phải miễn cưỡng ra thông báo đình hoản ngày quán niệm. Các chùa địa phương cũng đã nhận thư cáo lỗi. May thay từ Làng Mai và Bích Nham có thư báo cho hay Sư Ông đã từ bi cho tổ chức ngày Quán Niệm như dự tính. Anh chị em tăng thân Bồ Đề thở những hơi thở nhẹ nhõm. Trong suốt khoá tu năm ngày, một buổi chiều pháp thoại công cộng, và ngày Quán Niệm Sư Ông rất tươi khoẻ đến ngạc nhiên, thậm chí anh chị em tăng thân được ngồi chung một bửa cơm chiều với Sư Ông và một số thầy cô tăng đoàn Làng Mai, cùng phần lớn các thầy trú trì các chùa địa phương. Trong bửa cơm chiều đó tăng thân được Sư Ông sách tấn tu học và nhắn nhủ duy trì tình huynh đệ, tặng cho hai thư pháp lớn: Tăng Thân Bồ Đề Toronto( Bodhi Community Of Mindfulness). Tất cả anh chị em Tiếp Hiện có mặt hôm đó rất cảm động và hạnh phúc. Sau mười ngày ở Toronto, thầy Pháp Chiếu ở tu viện Bích Nham, trưởng ban tiền trạm cho chuyến đi của Sư Ông cho anh em tăng thân biết Sư Ông rất hạnh phúc nhìn thấy sự tu học và tổ chức khoá tu. Cho nên, sức khoẻ Sư Ông đã tốt hơn trước khi đến rất nhiều.

Trời Mộc Lan buổi sáng thật mát. Đại chúng đã lần lượt kéo về tu viện ngày càng đông. Sư Ông và tăng đoàn Làng Mai đến từ Boston trước vài ngày khoá tu khai mạc. Sáng sớm khi sương còn trãi mỏng trên các ngọn sồi tôi đã thấy những bước chân thảnh thơi của Sư Ông và các thầy cô đi từ phía sau thiền đường Hải Triều Lên hướng lên đồi Tháp An Trú. Tiếng đại hồng chung được Sư Ông thỉnh trong sáng tinh sương. Không khí trong lành và yên tịnh của tu viện như có thêm sức mạnh chánh niệm từ tiếng chuông trầm hùng ấm áp. Con người và cảnh vật đều dừng lại. Tôi cùng đại chúng theo bước Sư Ông đi vòng quanh hồ sen nơi có tượng ngài Quan Thế Âm, mọi người lắng lòng cầu nguyện cho sự an lành.

Tăng đoàn Làng Mai bắt đầu khoá tu bằng bài Tụng Hồng Danh Đức Quan Thế Âm. Đại chúng nhiếp tâm lắng lòng cầu nguyện cho sự an lạc của tự thân và của mọi người. Bài pháp thoại đầu tiên Sư Ông nhắc nhở nhiều đến hơi thở chánh niệm. Hơi thở đưa tâm về với thân Tình Thương mới thể hiện. Tình thương ở đây không phải là tình thương mang đến hệ lụy cho nhau mà mang đến sự tươi mát, niềm vui, và lắng nghe những nỗi khổ niềm đau. Đó là Từ Bi Hỷ Xả. Người tu phải biết phát huy tâm từ bi bằng thực tập chánh niệm: Hơi thở chánh niệm, bước đi chánh niệm. Đứng trước người thương ta phải có mặt đích thực với người đó. Không có mặt thì đừng nói đến thương. Có mặt với cái tâm thất niệm thì cũng như không có mặt. Cho nên hơi thở chánh niệm quan trọng trong sự phát khởi tình thương.

PHÁT KHỞI TÌNH THƯƠNG

Bồ Tát Quán Thế Âm

Trong những bài pháp thoại Sư Ông đi sâu về các tâm hành. Chúng ta phải biết sự vận hành của các tâm sở, nhất là năm tâm sở biến hành Xúc Tác Ý Thọ Tưởng Tư. Năm tâm sở này luôn luôn xuất hiện trong tâm mình và chúng chi phối đời sống của mình. Trong năm tâm sở Sư Ông giảng kỷ về Thọ, Tưởng, Tư vì chính ba tâm sở này là điều kiện phát khởi tâm từ bi, tâm đem niềm vui và làm vơi nỗi khổ của người thân.Và cũng chính Thọ Tưởng Tư nếu ta không biết xử lý, sống trong thất niệm sẽ mang đến khổ đau cho mình và cho người thương. Trong trường hợp với người thân khi tiếp xúc có thể người đó nói năng không được dễ thương ta có một khổ Thọ phát sinh trong lòng vì chính mình nghĩ rằng người đó không dễ thương (Tưởng), rồi mình không thể gần gũi được và tìm cách xa lánh (). Nếu chúng ta không dùng chánh niệm để quán chiếu cho sâu tại sao người đó không ăn nói dễ thương với mình? Có khi mình hiểu lầm lời nói hay cử chỉ của người đó. Tai hại của sự hiểu lầm đánh mất cơ hội gần gũi để hiểu người đó, do đó tình thương không phát khởi ra được. Cho nên người tu phải luôn luôn tìm cách phát khởi tình thương bằng phương pháp Chánh Niệm, thở chánh niệm, đi trong chánh niệm, giữ gìn chánh niệm trong từng cử chỉ hành động.

Phương pháp phát khởi tình thương hay nhất Sư Ông giới thiệu với đại chúng là Năm Phương Pháp của Thầy Xá Lợi Phất. Thầy bày các bạn đồng tu rằng muốn phát khởi lòng thương đối với người mình nghĩ rằng người đó không thể thương được bằng năm phương pháp rất thực tế:

  • Một người hành động không dễ thương nhưng lời nói đễ thương thì mình cứ thương lời của người đó. Ví dụ như một miếng vải còn tốt bị dìm trong bùn hay phân trâu do bẩn. Nếu mình biết cách đem miếng vải về giặt sạch để dùng lại. (Vì ngày xưa có nhiều thầy mặc áo ca sa vá nhiều tấm (bá nạp). Đừng để tâm đến hành động mà chỉ nghĩ đến lời nói người đó.
  • Một người có hành động dễ thương nhưng lời nói không dễ thương dễ thương, thì mình nghĩ đến hành động người đó. Ví dụ một người đi giữa sa mạc khát nước, gặp một giếng nước rêu cỏ mọc đầy phía trên. Nếu người đó biết lấy tay vén cỏ thì sẽ thấy được nước trong phía dưới.
  • Một người hành động không dễ thương, lời nói cũng không dễ thương, nhưng trong tâm còn chút dễ thương, thì mình tìm cách thương chút dễ thương trong tâm người đó. Chẳng hạn như một người đi đường xa khát nước tình cờ thấy một lỗ chân trâu trong đó có một ít nước. Người đó chỉ cần quỳ gối xuống dùng chiếc lá múc chút nước trong lỗ chân trâu uống cho đở khát.
  • Một người hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không có chút dễ thương nào hết. Thì mình phải biết ngay rằng người đó vô cùng đau khổ, cô đơn. Vì vậy phải biết thương nỗi khổ đau của người đó. Ví dụ một người đi đường xa nơi hoang vắng mà bị bệnh không còn cách gì đi được nữa phải nằm giữa đường. May mắn gặp một người đi tới giúp đỡ dậy dìu đi đến thôn làng để cứu chữa. Vậy chúng ta gặp những người hoàn toàn không có chút dễ thương thì phải phát tâm thương để cứu vớt người đó ra khỏi nỗi khổ đau, cô đơn.
  • Một người mà hành động dễ thương lời nói dễ thương và tâm cũng rất dễ thương, nếu mình không thương được nguời đó chỉ vì mình ganh ghét với người đó. Một người đi giữa sa mạc lâu ngày nắng cháy khát nước nay gặp một hồ nước thật trong thật mát không bị cây cỏ che lấp, nếu người đó không chịu nhảy xuống tắm vục nước uống cho hết khát thì người đó là người ngu.
  • Năm phương pháp của thầy Xá Lợi Phất giúp chúng ta phát khởi tâm thương một cách thực tế, ai cũng có thể thực tập được.

    XỬ LÝ KHỔ ĐAU & CHẾ NGỰ NHỮNG CẢM XÚC MẠNH

    Khổ đau có thật, hiện diện trong đời sống. Khi có điều kiện nỗi khổ niềm đau xuất hiện. Nếu ta không biết cách xử lý niềm đau của chính mình cũng như của người chung quanh, ta chưa phải là người tu. Phải nhận diện khổ đau, đó là phương pháp Bụt dạy. Nhận diện để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của nó bằng chánh niệm tự nhiên những cảm xúc mạnh do nỗi khổ làm phát sinh từ từ lắng dịu bớt và tan biến từ từ. Cũng giống như người mẹ ôm con vào lòng khi con khóc không cần biết tại sao đứa bé khóc. Tình thương của người mẹ làm đứa bé nín. Cảm xúc mạnh của chúng ta chẳng khác gì đứa bé đang khóc.

    Trong xã hội không biết bao nhiêu trường hợp bạo loạn xảy ra, người trong gia đình giết nhau, học sinh mang súng vào trường bắn hàng loạt bạn học của mình bởi vì không kiềm chế kiểm soát được những cảm xúc mạnh do nỗi khổ niềm đau chất chứa trong lòng. Họ đi tìm những hành động bạo loạn để làm vơi đi nỗi khổ đau đang chất chứa lâu nay trong lòng. Chỉ cần biết phương pháp xử lý và nhận diện cảm xúc mạnh bằng phương pháp dùng hơi thở chánh niệm, bước đi trong chánh niệm chúng ta tránh được những tai họa.

    Con người tuy nhỏ bé so với vũ trụ đất trời nhưng con người có đời sống tâm linh rất lớn. Con người có đến năm uẩn: Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Mỗi uẩn là một vùng rộng lớn để sống để tư duy, để cảm xúc. Nếu không biết cách duy trì sự sống tỉnh thức thì khó có thể xử lý đúng những cảm xúc mạnh khi chúng nỗi lên.

    NUÔI DƯỠNG TÂM TỪ BI

    Tình thương không phải lý thuyết mà phải biến thành hành động, cần phải thực tập miên mật và nuôi dưỡng ngày càng lớn càng mạnh. Sức mạnh của tình thương được làm lớn lên và nuôi dưỡng bằng phương pháp tu tập chánh niệm. Trước hết phải cần sự có mặt. Thương mà không có mặt cho nhau đó là lý thuyết, nói suông. Thương mà bỏ đi không phải là thương. Sự có mặt phải tươi mát, phải là bông hoa phải là núi vững chãi. Cho nên khi thở vào là hoa tươi mát, thở ra là núi vững vàng. Sự tươi mát và vững vàng làm cho người đối diện có niềm tin và họ được thừa hưởng sự tươi mát và vững chãi. Và nhờ đó những cảm xúc mạnh những nỗi khổ niềm đau dần dần được chuyển hoá, tan biến.

    Tình thương phải được nuôi dưỡng để thăng hoa thì Tình Thương mới có sức mạnh. Sự mầu nhiệm của tình thương là chuyển hoá được  những niềm đau nỗi khổ, những hiểu lầm, những giận hờn… và từ đó tránh được những tai hoạ. Phương pháp hay nhất để nuôi dưỡng  tình thương là đời sống tỉnh thức; luôn luôn giữ thân và tâm trong giây phút hiện tại bằng hơi thở và bước chân chánh niệm.

    Chân Tính Hải

    Nguồn: Phù Sa