Mười năm tiếp nối con đường

 
Sau khi thọ giới lớn, Sư Ông thường khuyến khích con về lại quê hương hoằng pháp. Lần đầu tiên con về Thái Lan hướng dẫn khóa tu là vào khoảng năm 2002. Bắt đầu từ đó, năm nào quý thầy, quý sư cô từ Làng Mai Pháp cũng đều về đây để giảng dạy. Năm 2007, ban tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc tại MCU (Mahachulalongkornrajavidyalaya University) đã thỉnh mời Sư Ông cho một bài diễn thuyết chính tại hội trường Liên Hiệp Quốc Châu Á Thái Bình Dương ở Bangkok. Trong chuyến đi này, Sư Ông đã trực tiếp hướng dẫn một khóa tu, một ngày quán niệm và thuyết giảng bốn buổi pháp thoại công cộng tại nhiều địa điểm khác nhau ở Bangkok, Chiang Mai, Nakhon Pathom. Thiền sinh Thái Lan rất xúc động và hạnh phúc khi được tiếp xúc với giáo pháp của Sư Ông. Trước đây, họ đã từng mong muốn có một trung tâm thực tập chánh niệm theo pháp môn Làng Mai tại Thái Lan để có nhiều cơ hội tiếp xúc và tu học thường xuyên cùng quý thầy, quý sư cô. Niềm mong muốn này lại càng trở nên mãnh liệt hơn sau khi họ được gặp Sư Ông. Đó là động lực chính thức xúc tiến việc thành lập một tu viện tại Thái Lan vào năm 2009.

Để Bụt lo

Ngày 09 tháng 09 năm 2009, năm thầy và năm sư cô đầu tiên từ tu viện Bát Nhã đã đặt chân đến đất nước Thái Lan để xây dựng trung tâm thực tập (gồm quý thầy Pháp Toàn, thầy Pháp Toại, thầy Pháp Anh, thầy Pháp Tánh, thầy Pháp Xứ và quý sư cô Hạnh Nghĩa, sư cô Tịnh Chánh, sư cô Dung Nghiêm, sư cô Cẩm Nghiêm, sư cô Đài Nghiêm). Lúc đó, quý thầy được ở tạm trên miếng đất của mẹ con ở Parchong và quý sư cô cũng ở gần đó trong một khu nhà rộng lớn với rất nhiều cây ăn trái của bác Bun Lư. Bác là một cảnh sát trưởng đã nghỉ hưu, hiền lành, tốt bụng và là một người bạn thân quý lâu năm của gia đình con.

Ngay sau khi quý thầy, quý sư cô đến đây, con cùng với các tình nguyện viên cư sĩ đã tìm cách xin visa dài hạn cho quý thầy, quý sư cô. Nhưng Ban tôn giáo đã từ chối giúp đỡ vì mình không thuộc vào truyền thống Theravada (Nam tông – truyền thống Phật giáo tại Thái) và cũng vì có các tỳ kheo ni trong giáo đoàn. Bộ ngoại giao cũng không thể yểm trợ gì vì mọi vấn đề của người xuất gia phải đi qua Ban tôn giáo để được giải quyết. Cuối cùng, người đã giúp các chị em con là thầy Wo (Phra Medhi Vajirodom). Thầy là một thầy tu trẻ nổi tiếng ở Thái Lan, người đã từng đọc sách của Sư Ông và đã xem Sư Ông như một vị thầy của mình. Thầy Wo đã chỉ cho chị em con tìm đến trường đại học Phật giáo hoàng gia Thái Lan – MCU. Chúng con và các tình nguyện viên liền đi đảnh lễ thầy hiệu trưởng – Ngài Phra Brahmapundit. Khi nghe chúng con chia sẻ về khó khăn xin visa cho quý thầy, quý sư cô Việt Nam, thầy hiệu trưởng rất hiểu và hoan hỷ yểm trợ ngay. Thầy hướng dẫn chúng con đến gặp thầy phó hiệu trưởng – Ngài Phra Sophonvachira Phorn. Và nhờ vậy mà năm thầy, năm sư cô đầu tiên đến Thái đã xin được visa dài hạn. Làng Mai Thái Lan đã được trường đại học MCU đỡ đầu từ đó và thầy Wo là một trong những người có công mở đường trong bước đầu hình thành Làng Mai ở Thái Lan.
 

 
Đúng 18 ngày sau, ngày 27 tháng 9, tai nạn Bát Nhã xảy ra và 400 người xuất sĩ trẻ bị đuổi đi. Đa số các anh chị em mình chạy qua tị nạn nơi chùa Phước Huệ gần đó và bắt đầu vào giữa tháng mười một, rất nhiều quý thầy, quý sư cô sang Thái Lan tị nạn. Từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 1 năm 2010, mỗi ngày đều có từ mười đến hai mươi sư em sang Thái. Điện thoại mở 24/24 để luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi gọi thình lình từ phi trường. May mắn là đa số những công an hải quan đều thương và rất kính trọng người xuất sĩ bởi vì Thái Lan là một nước Phật giáo. Các tình nguyện viên của mình cũng luôn trong tinh thần “chạy” để đặt xe cho những chuyến đi đột xuất, đôi khi vào lúc hai, ba giờ sáng. Đến Thái, mỗi tháng quý thầy, quý sư cô lại phải thay phiên nhau đi ra các biên giới, các cửa khẩu xin đóng dấu để được phép ở thêm. Mỗi lần như vậy, các tình nguyện viên luôn đi theo để giúp đỡ đoàn. Tuy nhiên, đoàn cũng gặp phải không ít khó khăn: có nhiều nơi, công an đặt rất nhiều câu hỏi; có nơi họ cho, có nơi không; tại cùng một nơi, có khi lúc này họ cho rồi lúc khác thì không. Thế là chúng con phải cầu cứu sự yểm trợ từ khắp mọi nơi. Có những lúc không xoay sở được, chúng con đành phải “thả”, chỉ biết ngồi thở và “để Bụt lo”. Mọi việc như nằm ngoài khả năng của mình rồi! Nhưng thật may, những vị “bồ tát” đã lần lượt xuất hiện và sẵn sàng tìm cách giúp đỡ mình vượt qua hết khó khăn này đến trở ngại khác. Sự thực tập “để Bụt lo” quả thật là mầu nhiệm!

Trong giai đoạn đó, khó khăn đã đến gần như mỗi ngày và con chỉ tâm niệm là làm sao cho hôm nay tốt nhất thôi. Ngay những chuyện đơn giản nhất là chỗ ăn, chỗ ở cũng có thể trở thành một vấn đề khó khăn khi người cứ đến liên tục, có khi mấy chục quý thầy, quý sư cô cùng đến một lúc. Trên miếng đất của mẹ con chỉ có những chiếc lều và một thiền đường. Thiền đường chưa có nền xi-măng nên đại chúng phải ngồi thiền trên các giường tre đóng đinh. Ngồi thiền xong đứng dậy, quý thầy thường bị đinh làm rách quần. Đó là lý do vì sao sau này thiền đường được mang tên là thiền đường Hội Ngàn Đinh. Các tình nguyện viên khắp nơi đang kêu gọi sự giúp đỡ từ trong nước. Các tăng thân trên thế giới như Pháp, Đức, Mỹ, Canada… rồi đến cả Việt Nam cũng đều hướng về yểm trợ chúng con. Mỗi khi ngân sách sắp cạn và chúng con không biết ngày mai sẽ ra sao thì lại xuất hiện những vị bồ tát đến cúng dường đủ để trang trải tiếp. Mỗi ngày đều hiện ra những khó khăn mới, những thử thách mới cho nên lúc đó chúng con thực sự chỉ biết sống với ngày hôm nay, an trú hay nhất trong ngày hôm nay thôi và để quý thầy, quý sư cô vẫn có cơm ăn, chỗ ở và tăng thân mình vẫn còn được cùng nhau tu học. Sống được hôm nay thì sẽ có ngày mai.

Bụt Tổ đã sắp đặt

Một hôm, bác Bun Lư có kể lại rằng: một năm trước khi quý thầy, quý sư cô tới Thái Lan bác đã cho sửa chữa lại hết khu nhà của bác. Lúc đó chính bác cũng không biết lý do tại sao bác lại muốn sửa, bác chỉ biết là bác phải sửa thôi. Và khi pháp nạn Bát Nhã xảy ra, thấy quý thầy, quý sư cô phải sang Thái Lan, bác mới hiểu. Phước đức của bác Bun Lư cũng đã giúp cho quý thầy, quý sư cô sống bình an và an toàn trên mảnh đất mới. Đúng là Bụt Tổ đã sắp đặt.

Khi pháp nạn Bát Nhã xảy ra, quý thầy quý sư cô phải rời khỏi tu viện và chia nhau ra đi trú ẩn khắp nơi. Vì sự an toàn và để được tiếp tục tu tập với tăng thân, quý thầy, quý sư cô đã phải rời khỏi nước mình đột xuất. Có phải là khi sang Thái Lan, các anh chị em mình có cảm giác như phải đi tị nạn, cảm thấy bị tổn thương, phải cần thời gian và không gian để được ôm ấp và trị liệu không? May mắn thay, Thái Lan là một nước Phật giáo, người dân rất hiền lành và Bụt Tổ nơi đây luôn bảo hộ, yểm trợ người tu.

Vào tháng 09 năm 2010, con được tham dự khoá tu ở Mã Lai trong chuyến đi hoằng hóa tại khu vực Đông Nam Á của Sư Ông. Con đã hỏi Sư Ông với niềm trăn trở của mình: “Bạch Thầy con phải làm sao để các anh chị em của con xóa đi mặc cảm mình là người tị nạn”. Nghe câu hỏi này, Sư Ông liền trả lời: “Con tổ chức khóa tu cho Thầy qua Thái mỗi năm đi”. Trong chuyến hoằng pháp này, Sư Ông cũng có qua Thái để gặp các sư con, hướng dẫn khóa tu và cho một buổi pháp thoại công cộng tại trường đại học MCU. Năm sau, vào mùa xuân 2011, Sư Ông đã gặp và trò chuyện với thầy hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của trường MCU.
 

 
Ngay sau buổi gặp gỡ, vào ngày 26 tháng 3 năm 2011, Làng Mai và trường đại học MCU đã ký kết văn bản Hiệp ước đối tác, một sự cộng tác giữa hai bên trong việc trao đổi sinh viên và phát triển ngành Phật Học Ứng Dụng. Từ đó, quý thầy, quý sư cô được ở lại đất Thái một cách dễ dàng hơn, được về thành phố Hồ Chí Minh làm visa một năm. Suốt một năm rưỡi khi chưa có sự bảo trợ của MCU, đại chúng mình đã phải chịu khó đi ra, đi vào biên giới Campuchia – Thái Lan để được phép ở lại từng tháng một. Số tiền thuê xe để chở mọi người đi làm giấy tờ, tính ra chắc cũng đủ để mua được một chiếc xe hơi. Vì vậy tăng thân quyết định khi nào có đủ tiền viện trợ từ khắp nơi gởi về là sẽ mua hẳn luôn một chiếc xe mới và thuê tài xế lái.

Trong thời gian đầu, con đã phải đứng ra lãnh nhiều công việc như tri xa, tri visa, tri văn phòng, thủ quỹ, ngoại giao… Đã nhiều lần, con cảm thấy khá căng thẳng. Với cảm giác như đang bị bỏ rơi, con luôn cảm thấy mình rất cần sự yểm trợ của tăng thân từ khắp nơi. Con đã từng thưa với Sư Ông lần đầu khi Sư Ông đến Thái Lan sau chuyện Bát Nhã: “Thưa Sư Ông, chính tại thiền đường này, chúng con đã ngồi thành vòng tròn và chia sẻ cùng nhau với biết bao nhiêu là nước mắt”. Ai cũng đang bị tổn thương! Người lớn về đây đầu tiên để yểm trợ trong giai đoạn khó khăn đó là sư cô Đoan Nghiêm. Sư cô là một sư cô lớn trong chúng và đã thường xuyên chỉ dạy con khi còn ở Pháp. Sư cô về đây là một niềm hạnh phúc và an ủi rất lớn cho con. Sau đó, quý sư cô lớn khác cũng bắt đầu lần lượt về giúp đỡ như sư cô Hoa Nghiêm, sư cô Kính Nghiêm, sư cô Đàn Nghiêm… Trong lòng con dâng lên một niềm biết ơn sâu sắc vì sự có mặt của quý sư cô trong giai đoạn ban sơ này. Tuy sống trong một hoàn cảnh rất khó khăn và vất vả nhưng đã để lại rất nhiều kỷ niệm vui, tình huynh đệ, chị em lại thêm đoàn kết và gắn bó keo sơn với nhau hơn.
 

 
Khi mọi việc đã ổn định, việc tìm mua đất đã được triển khai và xúc tiến để đại chúng có nơi ở cố định. Các thành viên cư sĩ của tổ chức Làng Mai Thái Lan cùng với quý thầy, quý sư cô đi xem đất mỗi tuần hai, ba lần. Trong vòng chín tháng, mình đều đến xem hầu hết vùng đất đai gần đó để hỏi mua. Nhưng việc mua đất đã không dễ dàng mà còn khá phức tạp nữa. Có một miếng đất mình ưng ý thì lại không có giấy tờ hợp pháp, hoặc môi trường xung quanh bị ô nhiễm, hoặc chủ đất đổi ý không bán hoặc lên giá… Có những mảnh đất dường như mình sắp mua được rồi nhưng lại có những chuyện xảy ra ngoài dự tính. Chỉ còn một tháng nữa là Sư Ông trở lại Thái Lan rồi mà mình vẫn chưa tìm được miếng đất nào phù hợp. Một ngày nọ, Pi Nuch – thủ quỹ của tổ chức Làng Mai Thái Lan lúc đó – tình cờ gặp một người bạn đồng tu và chia sẻ về việc mình đang tìm mua đất. May thay, bạn của Pi Nuch có biết một người đang sở hữu một miếng đất nằm trong vòng tay dãy núi Khao Yai. Ngay ngày hôm sau, mình đã tìm đến miếng đất này. Lúc mới tới xem, các thành viên của tổ chức Làng Mai Thái Lan chỉ thấy toàn là đất đá nên hơI e ngại để mời quý thầy, quý sư cô tới xem thử. Nhưng khi đến, tất cả quý thầy, quý sư cô đều rất thích cảnh thiên nhiên rộng lớn và hùng vĩ nơi đây. Chỉ có một câu hỏi mà ai cũng thắc mắc là đất đá như vậy thì có xây nhà được không. Thế là một nhà khảo cổ và các kiến trúc sư được mời đến xem xét. Những chuyên gia này cho biết mình không cần lo lắng về vật liệu làm móng cho việc xây nhà nữa vì đã có lớp đá quý, rất rắn chắc, tuổi đời khoảng 240 triệu năm, có mặt trên trái đất trước con người.

Những miếng đất gần núi Khao Yai giá rất đắt, vì vậy trước đó, tăng thân đã không bao giờ dám mơ tưởng đến. Nhưng không ngờ là bác chủ đất này đã từng đọc tác phẩm Giận của Sư Ông và bác rất thích quyển sách này. Ba mẹ của bác đã lớn tuổi và đang mắc bệnh nên bác muốn làm việc tốt, tạo thêm phước đức cho gia đình. Và bác đã quyết định bán miếng đất cho tăng thân mình. Trong suốt chín tháng, mình đi tìm mua đất mỗi tuần ở những nơi mà họ giăng bảng bán, nhưng cuối cùng, mình lại mua được một miếng đất mà chủ đất không có ý định bán. Thế mới thấy rằng có phải mọi chuyện cũng là do Bụt Tổ sắp đặt không chứ?

Cuối tháng 10 năm 2010, hai tuần trước khi Sư Ông về, việc mua đất đã hoàn tất nhưng mình chỉ có đủ tiền để trả đặt cọc. Mình đã phải xin họ thêm sáu tháng để quyên góp từ khắp nơi, từ các khóa tu và từ tăng thân Mã Lai. Ấy vậy mà đến tháng giêng năm sau, mình đã kiếm được một số tiền lớn như thế. Một trung tâm đã chính thức được thành lập.
 

 
Sau này, các thành viên của tổ chức Làng Mai Thái Lan đã nói với con:

“Có một điều mà chúng con học được từ sư cô là niềm tin (Faith). Khi mua mảnh đất này, trong ngân hàng, mình cũng không có đủ tiền đặt cọc nữa và mình đã phải năn nỉ chủ đất cho mình đặt cọc ít lại”. Lúc đó, con chỉ tự nói với mình: “Just Trust! Hãy có niềm tin nơi tăng thân và phước đức của Sư Ông”. Vì con đã đi qua những giai đoạn khó khăn với Bát Nhã, với chuyện visa Thái Lan nên con chỉ biết đặt niềm tin nơi con đường mình đang đi. Mọi chuyện đã có Bụt Tổ sắp đặt, nhân duyên sẽ tới vì phước đức của Sư Ông, của tăng thân, của đất nước Thái Lan. Tấm lòng người dân Thái Lan thấm nhuần giáo lý Phật giáo sẽ luôn yểm trợ cho tăng thân. Nếu mình tu hết lòng ngày hôm nay thì mình sẽ có ngày mai. Những gì tăng thân mình đang có hôm nay không phải do một cá nhân nào có thể tạo dựng được. Mình luôn biết ơn tất cả, biết ơn tăng thân khắp nơi, gia tài của tổ tiên đất nước ở đây và những người đầu tiên đã đến xây dựng tăng thân trong một hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn nhất.

Đây là đôi dòng tâm sự chia sẻ từ những trải nghiệm thực, một chặng đường mười năm Làng Mai Thái Lan đã đi qua. Ngày hôm nay được làm từ chất liệu của những tháng ngày vất vả đầu tiên để mình trân quý, biết ơn, sống và tu học cho có thật nhiều hạnh phúc trên thực địa xinh đẹp này.
 

Chân Linh Nghiêm