Tu viện Lộc Uyển ở miền Tây Hoa Kỳ

Mua Lộc Uyển

Tu ở tu viện Thanh Sơn rất yên ả nhưng không xin được giấy phép tiếp đón thiền sinh các thành phố đến tu trọn ngày chủ nhật hay khoá tu ba ngày, hoặc năm ngày. Cuối cùng các thầy nói tại sao mình không mua một trung tâm gần New York. Nếu xa một chút cách New York chừng 1, 2 giờ lái xe thì chắc cũng rẻ. Luôn tiện mua chỗ nào mà tiếp khách thập phương được. Sau này các thầy tìm ra trung tâm Bích Nham. Nhưng trong lúc chưa tìm được thì có một số Phật tử ở Cali xin Thầy lập một trung tâm ở Cali.

Năm 1997, tu viện Hải Biên được tạm thời thiết lập ở vùng Oceanside, miền Nam California do ba người Phật tử trung kiên với Thầy bỏ tiền ra mua một ngôi nhà có nhiều phòng rộng rãi cho Thầy và 36 thành viên của tăng thân Làng Mai đi theo Thầy tạm trú trong thời gian Thầy đi hoằng pháp ở Cali. Thầy ở cư xá trong, các sư cô ở cư xá ngoài và các thầy ở cư xá Sùng Nghiêm. Tại đây công khoá tu tập hàng ngày như trong một tu viện được một số các Phật tử cư sĩ cùng tham dự rất nghiêm túc.

Người Việt định cư bên Mỹ ở Cali rất đông vì Cali khí hậu ôn hoà, nắng ấm và vì mới hội nhập vào một nền văn hoá mới cho nên đã có rất nhiều thảm kịch xảy ra trong gia đình. Có một thằng bé rất thích chia sẻ với các sư cô trẻ như sư cô Định Nghiêm, sư cô Tuệ Nghiêm… Cháu nói:

“Sư cô Tuệ Nghiêm ơi, con muốn chạy ra đường cho xe cán chết con cho rồi.”

Sư cô Tuệ Nghiêm chạy vô cầu cứu Chân Không. Chân Không hỏi cháu tại sao thì cháu nói:

“Ba mẹ con trước mặt Thầy thì ăn nói dễ thương lắm. Về nhà thì ổng đập bả, bả đập ổng. Con chán đời quá, con không còn tin tưởng nữa, con muốn chết.”

Hết người này tới người kia, bốn năm nhóm như vậy nên Thầy nói:

“Chắc mình phải lập một tu viện ở Cali quá Sư cô Chân Không. Thương mấy đứa con nít quá. Đó là các cháu đói tinh thần chứ không phải đói vật chất.”

Vì vậy Chân Không năn nỉ Thầy:

“Kỳ này mình qua bên đó, Thầy cho phép con đi thăm coi căn nhà nào có thể mua được.”

Năm đó khi Thầy qua Cali thì Chân Không đi cùng anh Chân Hộ Tăng (Pritam Singh) và một số Phật tử ở miền Nam Cali để coi khoảng chừng 15 căn nhà. Anh Pritam Singh nói mấy căn nhà đó là để cho Phật tử ở chứ để làm một trung tâm tu học thì nhỏ quá. Quan trọng là phải có nhiều không gian hơn cho người ta tới tĩnh tu.

Nhờ có anh Pritam Singh là developer nổi tiếng nên văn phòng địa ốc đã giới thiệu cho Pritam khu núi rừng 487 mẫu Anh (chừng hơn 200 mẫu ta) ở Escondido cách San Diego gần một giờ lái xe. Khu này núi đá, rừng sage rất thoáng, đúng là có thể mở một trung tâm tu học hùng vĩ sau này. Họ để bán đấu giá 1 triệu 800 ngàn dollars.

Ngày hôm sau anh Pritam mời Sư cô Chân Không và hai người nữa là sư cô Trung Chính vàc thầy Pháp Ấn tới coi.

Chỗ này đã từng được dùng làm trại tù, rồi trại cai nghiện, chỗ huấn luyện cho tình nguyện viên Peace Corp… rồi bỏ hoang nhiều năm nên chính quyền muốn bán. Ở trên có năm khoảnh đất được san bằng (plattforms) và nhiều dãy nhà cho tù nhân ở ngày xưa. Tầng giữa có một dãy nhà làm nhà ăn của nhà tù, và tầng dưới có vài căn nhà để cho trưởng trại tù và các nhân viên cùng gia đình ở. Mình tới thì thấy thích tại vì mình biết, tuy nó xấu như vậy, nhưng nếu sửa sang lại thì sẽ đẹp. Ở bên Pháp chuồng bò mà mình sửa lại cũng vẫn thấy đẹp. Mình chịu mua và họ ra giá là 1 triệu 2 trăm ngàn USD. Đó chỉ là con số để bắt đầu đấu giá thôi. Một số Phật tử và hội đoàn thấy khu núi rừng đó đẹp nên đề nghị là tất cả chia làm bảy nhóm, mỗi nhóm mua một phần thì rẻ hơn mà khỏi phải ra đấu giá. Chân Không không đồng ý tại vì nếu mình mua hết thì mới biến thành một trung tâm theo ý của mình, nếu chia làm bảy mà lỡ trong đó có nhóm nudist, họ xây hồ bơi rồi khoả thân đi tùm lum thì sẽ làm hư phong cảnh của mình. Mình không chịu, nói một là mình mua hết còn hai là họ mua hay là ra đấu giá. Mấy hội đoàn kia bàn với nhau sẽ trả 7 triệu để mình không mua được. Chân Không định tìm chỗ khác thì nửa giờ sau đó có một cặp vợ chồng thí chủ điện thoại cho Chân Không nói:

“Sư cô đừng từ chối, cứ ra đấu giá đi. Sư cô có một triệu hai thì tụi con sẽ đóng thêm 2 triệu nữa.”

Mình mừng quá nên nhất định đi đấu giá. Chân Không nhờ anh Pritam Singh đại diện cho mình. Anh đã giúp mua Tu viện Thanh Sơn cho mình nhưng vẫn có mặc cảm vì Tu viện Thanh Sơn không được nhận đông người tới tu tập. Anh thấy mỗi lần Thầy từ Pháp bay qua Tu viện Thanh Sơn khá xa, mà rất ít người có được cơ hội đến với trung tâm để tham dự khoá tu cho nên anh mới đi theo qua Cali phụ tìm trung tâm với mình. Đấu giá xong anh nói:

“Thua cuộc rồi Sư cô ơi, trả tới 3 triệu 9 thì em ngưng. Người ta mua được sau khi trả giá 4 triệu.”

Chân Không nói:

“Sao anh không chịu? Mình có người hứa cho mà?”

Anh ta nói:

“Em có cảm tưởng là mình không nên, em ngưng thôi.”

Anh linh cảm rất đúng. Một ông đại diện cho nhiều hội đoàn trả tới 4 triệu và mua được nhưng anh Pritam cảm thấy ông ta có cái gì không thật. Ông ta nháy mắt với anh, đưa danh thiếp và nói muốn gì thì liên lạc với ông. Ngày hôm sau anh điện thoại cho ông. Ông mời anh tới nhà của ông ở gần đó và nói sẽ bán lại cho mình giá 4 triệu với điều kiện là mình đồng ý cho ông 15 mẫu đất xung quanh nhà ông và làm một con đường xe chạy xung quanh núi. Chỗ của mình nằm ở phía bắc mà ở phía nam không có đường thoát. Nếu có hoả hoạn thì sẽ không có đường cho xe ra. Vì vậy mình phải làm một con đường thoát lửa ở phía Bắc. Anh Pritam tính là phải có 3 triệu USD để làm đường nên nói:

“Thôi Sư cô quên đi! Bất động sản ở đây họ bán tùm lum. Em sẽ đi coi và chỉ cho Sư cô.”

Chân Không thấy hơi kẹt. Chỗ đó thầy Pháp Ấn và sư cô Trung Chính đều thích, rất nhiều thầy và sư cô khác cũng thích nên mình nhất định mua. Chân Không điện thoại cho chị Hải, vợ anh Thọ. Để an ủi mình, chị chỉ cho mình mua một căn nhà ở miền Nam Cali gần chỗ chị. Tới nơi Chân Không xin địa chỉ của ông đại diện cho hãng môi giới mua bán tất cả bất động sản trong vùng. Ông cho Chân Không số điện thoại của ông chủ đứng tên là ông Art. Chân Không có hỏi tại sao họ đánh mình tới cùng, không cho mình mua đất thì họ nói họ sợ mình mua làm tu viện mà chữ tu viện họ dịch ra tiếng Anh là cloister. Thật ra chữ cloister là tu viện kín, còn tu viện của mình phải dịch là monastery. Ông đấu thầu thắng cuộc cũng sợ mình mua đất làm cloister. Chân Không phải giải thích rõ cái điểm là mình không làm cloister mà mình làm monastery rất dễ thương. Chân Không xin số điện thoại và gọi cho ông chủ đất. Ông không có ở nhà, chỉ để máy thu âm. Chân Không nói:

“Tôi nghe ông mua được khu đất đó cho sáu, bảy hội đoàn. Tôi muốn xin với ông là tôi muốn mua lại, tại vì chúng tôi muốn làm một monastery chứ không phải là một cloister. Những người tu ở đó, có thể tiếp khách, ai vào thăm cũng được. Có người tu đi thăm nhà tù hay giúp nhiều người khác nhất là các cháu thanh thiếu niên, thiếu nhi mà không truyền thông được với mẹ cha chuyện này chuyện nọ. Chúng tôi không đóng cửa như cloister mà quý vị đã nghĩ, quý vị muốn đi ngang thăm thì cứ đi. Nếu nhà ông ở gần mà ông đi ngang qua vào giờ ăn trưa thì chúng tôi mời ông vào ăn trưa với chúng tôi. Nếu ông đi ngang qua lúc chúng tôi đang làm vườn thì chúng tôi mời ông vào cùng làm vườn trong chánh niệm tức làm vườn mà không nói chuyện để theo dõi hơi thở và thư giãn. Nếu ông tới trong lúc chúng tôi đang thiền trà thì chúng tôi

mời ông uống trà. Thành ra ông nên giúp cho chúng tôi mua khu đất này. Ông để cho chúng tôi với giá vừa đúng nhé.”

Chân Không vừa nói xong thì nửa giờ sau ông gọi lại liền cho Chân Không ở Pháp:

“Cô ơi, nghe giọng nói của cô thì tôi rùng mình. Tôi nghĩ mình quen nhau từ mấy kiếp rồi, vì vậy bằng mọi giá tôi phải đồng ý để cô mua được chỗ này. Bây giờ cô gửi đại diện của cô tới đi (ông biết Chân Không đang ở Pháp). Tôi sẽ đưa ra điều kiện thật dễ dàng.”

Sư cô nói anh Pritam điện thoại cho ông thì ông nói, mình không cần phải làm con đường đi quanh núi, ông sẽ bán cho mình giá 4 triệu. Ông mua 3 triệu 9 và bán 4 triệu. Ông chỉ lời 100 ngàn đô thôi và xin 15 mẫu đất quanh nhà ông. Mình chịu liền và hôm sau mình ký giấy. Khi đó vị thí chủ hứa cho tiền nói, cô thì chịu cho nhưng chồng cô nói:

“Thầy thì tôi phục rồi nhưng không biết mấy thầy trẻ có dễ thương như Thầy hay không? Nếu họ không dễ thương thì tôi còn 1 triệu để cho trung tâm khác. Bây giờ cho hết 2 triệu, nếu họ không dễ thương thì trễ rồi. Họ thực tập một năm cho tôi chứng kiến rồi tôi sẽ cho triệu thứ hai.”

Nhưng không sao vì mình được phép trả tiền mua đất trong vòng hai ba năm. Mình trả trước số tiền mình có. Lập tu viện xong thì Thầy cử sư cô Trung Chính qua làm trụ trì bên ni và thầy Giác Thanh làm trụ trì bên tăng. Biết sư cô Thoại Nghiêm rất giỏi tổ chức sắp xếp cho một trung tâm mới, Thầy cử ngay sư cô Thoại Nghiêm làm thủ quỹ và phụ tá cho sư cô Trung Chính. Hai sư cô rời Làng Mai Pháp giữa năm 2000 khi vừa ký giấy mua xong Lộc Uyển. Sau đó một tháng thì thầy Pháp Dung cũng được Thầy dạy qua Lộc Uyển để giúp về mặt kiến trúc và xây cất.

Ở Lộc Uyển có nhiều chuyện rất kỳ bí. Dưới chân núi có một người bạn ở cùng tỉnh Kiên Giang với thầy Giác Thanh nhưng thầy không biết, đó là vợ chồng cô Cúc, mẹ cô đã mất bốn, năm năm rồi. Trước khi mất bà cụ nói:

“Con ơi, con lên núi chơi đi. Sao má thấy có nhiều thầy tu đi qua lại trên núi đó. Họ mặc áo dài nâu đi trên núi nói tiếng Việt không hà.”

Cô nghĩ mẹ cô sảng rồi nên tưởng tượng thôi, vì đi lên núi coi thì không thấy ai hết. Đến bốn năm sau khi thầy Giác Thanh tới và Thầy mình về thì đúng như lời bà cụ nói. Thầy Giác Thanh nhận ra chồng của cô Cúc là bạn học của thầy ngày xưa thời còn học trung học ở Kiên Giang. Anh nói: “Hồi xưa trong trường có một thằng nhỏ giống thầy tu mà cứ đòi đi tu hoài. Té ra nó là thầy Giác Thanh.”

Cũng giống như tên Lộc Uyển, tiếng Anh là Deer Park, vốn là tên có sẵn từ trước. Một tờ báo của San Diego nói về vùng đất này năm 1969 cũng đã gọi là Deer Park. Đây lại là một sự trùng hợp khó tin vì nhiều người tưởng mình đặt tên tu viện Lộc Uyển theo địa danh của Phật tích.

Đất Lộc Uyển được xếp vào dạng bảo tồn cho các động vật hoang dã nên trừ những con đường mòn đã có sẵn, khi mình đi bộ hay leo núi mở thêm nhiều con đường khác cũng bị cấm vì ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của các loại động vật này. Lộc Uyển mặc dù cũng nằm trên núi nhưng bao quanh là các ngọn núi khác cao hơn nên gần thành phố Escondido (chỉ đi 15 phút là tới) nhưng rất khuất và rất yên. Đường vào từ chân núi cho đến khi tới căn nhà đầu tiên khá xa, trên một cây số, đầy vẻ hoang sơ dù đường được trải nhựa đàng hoàng, người mới tới lần đầu hay lo ngại là bị lạc đường nên mình phải để bảng tên tu viện ngay dưới chân núi. Nhờ vào vị trí giấu kín đó mà Thầy đặt tên vùng này là Đại Ẩn Sơn.

Lúc đó không có tiền xây thiền đường, Thầy mình là văn sĩ nên biểu sắp đá thành một cái bệ đá rồi đặt tên là thiền đường Rừng Sồi, tại vì chỗ đó có hằng trăm cây sồi lớn che bên trên. Thầy ngồi thuyết pháp ở giữa rừng sồi. Có nhiều đêm mình thắp đèn ngồi niệm “Nam mô Bồ tát Quan Thế Âm” ở giữa rừng. Mấy thầy, mấy sư cô cảm động quá, có cảm giác như tăng đoàn xuất hiện giữa rừng sâu thời Phật còn tại thế.

Thầy chia ranh giới từ cổng vào – chừng 2km đường lên dốc đến căn nhà đầu tiên bên trái gọi là Gate House, nhà đó gồm bốn phòng ngủ, mình gọi là nhà khách cho cư sĩ, xuống dốc bên trái là Rừng Sồi. Còn bên mặt là dãy nhà của nhân viên cai tù ngày xưa, mình sơn sửa nhà lại cho các sư cô ở gọi là xóm Trong Sáng. Xóm này có khu nhà chính với một phòng khách, một nhà bếp và bốn phòng ngủ, hai phòng ngủ dài có thể để từ bốn đến tám giường, còn hai phòng nhỏ chỉ để được mỗi phòng hai giường thôi, có ba phòng vệ sinh và ba phòng tắm nằm bên trái phòng khách, ngay sau bếp. Ngoài sân sau có một sàn gỗ và một nhà kho mình sửa lại thành một thiền đường cho xóm quý sư cô. Thầy đặt tên Sao Trên Biển cho thiền đường Xóm Trong Sáng. Dưới thiền đường là một thư viện nhỏ và một phòng dành cho khách ni, có đường tráng nhựa cho xe hơi chạy quanh khu nhà chính.

Bên kia đường song song với thiền đường có khu vệ sinh công cộng và một hồ bơi nằm trên cao. Trong khu đồi trước mặt có một dãy nhà cây có ba phòng: mình làm văn phòng tiếp tân, phòng làm việc, và văn phòng ghi danh cho khoá tu. Và bốn cái thất cây vuông nhỏ phía sau, mỗi thất chỉ có một phòng với cầu tiêu nhà tắm. Mỗi thất có thể làm chỗ ngủ cho ba người, để tiếp đón quý sư bà hay sư cô lớn cùng với một hay hai thị giả. Bên ngoài mỗi thất đều có một hành lang gỗ mình có thể để bàn ghế trước cửa để tiếp khách.

Trong khuôn viên của xóm Trong Sáng trên một ngọn đồi cao bên mặt có bốn cây tùng cao vút rất đẹp. Ngôi nhà cây sơn trắng hiền hiền này dành cho Thầy, ngôi nhà đó có lò sưởi củi, có bếp nhỏ, có nhà tắm cầu tiêu, có phòng khách lớn để những ngày chánh niệm ở Tu viện Lộc Uyển Thầy tiếp khách. Có khi 70 người ngồi chen chúc quanh Thầy. Chỉ những “con ông cháu cha” như gia đình nhà văn Doãn Quốc Sĩ, nhạc sĩ Anh Việt, vợ là Tố Oanh, vợ chồng các anh chị Tiếng Nguyễn và Lê Kim Chi, Phạm Văn Điến và Trương Thị Nhiên, Lê Văn Hoà và Mỹ Hạnh, anh chị Nguyễn Hữu Xương, anh chị Nguyễn Hữu Hùng và Quỳnh Tiên, anh chị Art và Thuỷ Tiên, anh chị Thọ và Hải Đất Lành, bác Tôn Thất An Cựu, Chú Quân chị Hoàng, chú Quyền chị Xuân Lan, anh chị Đồng Sĩ Nam, Phương Thảo và ba mẹ các sư cô, quý thầy xuất gia với Thầy… Tất cả là “con ông cháu cha” được Thầy mời vào ăn trưa với Thầy. Sau phòng tiếp khách là hai phòng ngủ nhỏ, một cho thị giả và một cho Thầy. Trước nhà, vách sơn trắng dưới mái hiên đong đưa những chùm hoa giấy màu tím, trắng hồng. Trước mặt hiên là vườn cây ăn quả có hai cây ổi xá lị, hai cây bưởi, một cây hoa ngọc lan bông nhỏ thơm màu vàng và màu trắng. Cả khu nhà và vườn nằm như dựa lưng vào bốn cây tùng thẳng, đẹp như bốn ngọn bút. Đó là cốc Tùng Bút của Thầy.

Từ ngôi cốc của Thầy có đường xe chạy, rẽ bên phải, trước khi đến nhà bếp lớn thì đi ngang qua một mặt bằng, sau này mình xây thiền đường Thái Bình Dương có trồng vài cây phượng tím, một bụi tre vàng và thiền đường này có đất rộng để thiền sinh tập khí công sau khi ngồi thiền buổi sáng. Phía sau xây thêm được một cái tháp chuông để thỉnh chuông đại hồng. Mặt bằng kế tiếp có nhà bếp trước đây nấu ăn cho 300 tù nhân, với phòng ăn lớn, nhìn ra rừng núi bao la, Thầy đặt ranh giới từ bếp trở lên mặt bằng cao là xóm của quý thầy gọi là xóm Vững Chãi.

Xóm Vững Chãi gồm có tất cả mười dãy nhà được chia làm hai khu vực. Hồi mới mua cả mười dãy nhà nóc hư rớt bẹp sát đất, xác coyotes (chó sói rừng) chết hôi rình. Cửa kính bị vỡ văng khắp nơi và đây đó rất nhiều vỏ đạn còn để lại – trước kia chỗ này được dùng cho người ta tập bắn súng, vì vậy những con sóc, con thỏ, chim chóc đều sợ mà bỏ đi. Vậy mà nhờ cộng đồng Phật tử Việt Nam đến phụ dọn dẹp hết lòng: vào mỗi cuối tuần tăng thân đều về Lộc Uyển để giúp quý thầy, quý sư cô sửa chữa những dãy nhà hư hao, tinh thần làm việc vui như “hội”, các cháu cũng biết phụ giúp sơn tường cho nên chỉ năm sáu tháng sau đã hoàn thành xóm Vững Chãi, có thiền đường, nhà khách, văn phòng, quán sách bán sách Thầy, CD, VCD… Dãy thứ nhất nhìn ra núi cao rộng, Thầy đặt tên thiền đường Trăng Đầu Non của quý thầy, dãy thứ hai làm quán sách và văn phòng ghi danh, dãy thứ ba là văn phòng tu viện của quý thầy. Hai dãy còn lại là chỗ ở của quý thầy nằm phía sau. Bên kia thiền đường Trăng Đầu Non có năm dãy nhà khác, bốn dãy làm phòng ngủ của thiền sinh nam và gia đình tới tu học và một dãy là phòng giặt và khu vệ sinh công cộng. Thiền sinh nữ đi một mình thì ở xóm quý sư cô, xóm Trong Sáng.

Tuốt trên cao đất tu viện còn một mặt phẳng chót Thầy thường hay đi thiền hành trên đó và đặt tên là núi Yên Tử. Mình tính làm tháp chuông nhưng chưa được giấy phép mà cũng chưa có thợ. Thế rồi một vị thầy từ Quảng Nam sang thăm và cúng dường một tôn tượng Bụt Thích Ca bằng đá trắng từ Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng đặt trên núi Yên Tử.

Mình xài tiền rất ít mà có được trung tâm Lộc Uyển rất oai.

Sư cô Thoại Nghiêm là một người kỹ lưỡng và sâu sắc. Cô ngồi quán sát chỗ này chỗ kia. Cô có viết truyện Sư tử núi. Sư tử núi là tên của mountain lion, một loại báo sống trong khu rừng thiên nhiên gần đó. Cô thuật chuyện rất hay, rất cảm động nên thiên hạ theo dõi sự mở mang của Lộc Uyển qua câu chuyện Sư tử núi của sư cô Thoại Nghiêm.

Sau khi thầy Giác Thanh tịch thì xóm Vững Chãi đang có thầy Pháp Dụng, thầy Pháp Dung. Thầy Pháp Dụng là anh lớn và thầy Pháp Dung là em út. Vậy mà đang hoằng pháp ở Trung Quốc, Thầy gởi fax về dặn dò: “Thầy Giác Thanh tịch, tôi xin cử thầy Pháp Dung (không có dấu nặng) làm trụ trì.” Chân Không nghe báo cáo lại là lúc má thầy Pháp Dung nghe tin thì bà la lên:

“Nam mô A Di Đà Phật! Trời ơi con tôi mới thọ giới tỳ kheo mà bị làm trụ trì!”

Nhưng từ đó thì thầy Pháp Dung làm trụ trì rất giỏi. Thầy thấy sư cô Thoại Nghiêm giỏi nên cử sư cô tới trung tâm khác, nhưng sư cô trụ trì Trung Chính thì còn ở lại vì sự có mặt của sư cô ở Lộc Uyển rất cần thiết cho đồng bào người Việt ở đó.

Sau đó mình cất được thiền đường Thái Bình Dương rất đẹp do thầy Pháp Dung vẽ.

Những cơ sở ở Lộc Uyển

Tu viện Lộc Uyển có nhiều mặt phẳng lớn. Mặt phẳng thứ nhất từ dưới lên cao là nhà của cai tù hồi xưa, được gọi là nhà chính, một nhà kho (barn) để máy cắt cỏ, và vật dụng làm vườn của chủ cũ được sửa lại thành nhà ăn và bếp cho xóm Trong Sáng, trước cửa nhà ăn có thể đậu được vài chiếc xe. Đi tiếp lên là cốc của Thầy và rẽ phía bên kia là nhà của các sư cô. Từ xóm Trong Sáng đi lên xóm Vững Chãi, bên tay trái là một mặt phẳng nữa rất thoáng để làm parking lot từ đó đi lên dốc cao là thiền đường Thái Bình Dương nằm bên tay trái cùng phía với nhà ăn lớn, nhà ăn đủ chỗ cho 300-400 người và bếp của quý thầy, dùng để nấu ăn cho các thiền sinh về tu tập trong ngày quán niệm và trong những khoá tu. Leo thêm một cầu thang xi măng chừng 57 cấp là mặt phẳng nữa có năm dãy nhà bị hư hoại rất nhiều, mình đã sửa chữa lại (thay mái nhà, thay kính cửa sổ, thay vách tường có để vật liệu cách nhiệt, sơn chung quanh) để mình có thể dùng được. Dãy đầu làm thiền đường nhỏ cho xóm quý thầy mình thay gạch nền nhà, bỏ thêm hệ thống máy lạnh và sưởi. Hai dãy nhà làm tăng xá của quý thầy mình sửa lại một phòng có cửa kính nhìn ra núi, đồng thời có gió mát từ biển thổi vào để làm phòng cho thầy Giác Thanh, bây giờ là phòng của Hoà thượng Phước Tịnh và có một thư viện cho quý thầy trong tăng xá.

Thiền đường ở Lộc Uyển tên là thiền đường Thái Bình Dương tại vì nó nằm bên bờ Thái Bình Dương miền Tây nước Mỹ. Thiền đường Thái Bình Dương ở Lộc Uyển là do Thầy đề nghị thầy Pháp Dung vẽ theo mẫu phân nửa hình trụ của thiền đường ở Tu viện Thanh Sơn. Thiền đường Thái Bình Dương được xây năm 2003 để cho khoá An Cư Kiết Đông năm 2004, Thầy, quý Tôn Túc Tăng, Ni và tất cả đệ tử xuất gia của Thầy gần 300 vị xuất sĩ về an cư ở Lộc Uyển ba tháng. Trên cao là xóm của quý thầy gọi là xóm Vững Chãi (Solidity Hamlet). Phía dưới là xóm của quý sư cô gọi là xóm Trong Sáng (Clarity Hamlet). Một thầy ở Việt Nam gởi tặng một tượng Phật rất lớn sau này mình thỉnh lên đỉnh núi Yên Tử. Trong thiền đường Thái Bình Dương thì chỉ có thư pháp của Thầy với hai chữ Vô Sự thật lớn. Vô Sự, tức tới đây là sống cho thảnh thơi.

Thiền đường trên những tảng đá xanh nghìn tuổi

Mỗi ngày thứ tư trong tuần, thay vì ngồi thiền trong thiền đường Thái Bình Dương thì mình đi bộ lên núi, ngồi thiền trên những tảng đá thật to và ngắm mặt trời lên rất đẹp. Mỗi tảng đá có thể cả trăm người ngồi mà vẫn vững chãi. Vì thế Lộc Uyển còn có một thiền đường không có nóc mà sàn thiền đường là những tảng đá xanh hơn nghìn tuối. Trong phim Walk with me có quay rất nhiều cảnh ở Lộc Uyển ở trên cái thiền đường không có nóc mà sàn thiền đường là những tảng đá xanh hơn nghìn tuổi đó.

Từ xóm các sư cô, phía tay trái hơi xuống dốc một chút có một khu rừng sồi, lên cao hơn về phía tay mặt của xóm Trong Sáng, có bốn cây tùng bút rất đẹp (Cypress tree). Ở đó có một ngôi nhà bằng cây, mình sửa lại thành nhà cho Thầy và đặt tên là cốc Tùng Bút. Từ cốc Tùng Bút leo lên một ngọn đồi cao hơn, mình tính xin phép để xây ni xá cho các sư cô, nhưng quận hạt San Diego cho biết chỗ đồi đó chưa từng được khai khẩn, nếu mình muốn xây nhà trên đồi thì mất rất nhiều thời gian và chi phí cho giấy tờ vì mình phải mướn những nhà chuyên môn đến kiểm tra xem chỗ đồi đó có thể xây nhà được không, và mình phải mang ra điều trần công khai (public hearing) với hàng xóm chung quanh tu viện, dù chỉ có một người hàng xóm không chấp thuận thì quận cũng không thể cấp giấy phép cho mình được. Những nơi nào đã có cơ sở sẵn thì quận mới có thể cấp giấy phép. Được Thầy cho phép mình đã phải phá cốc Tùng Bút đi để lấy đất xây ni xá cho các sư cô. Khu đất này xây lên được bốn dãy nhà, một dãy dành cho Thầy, phòng khách có cửa sổ lớn nhìn ra dãy núi hùng vĩ, phòng ngủ, ở phía sau có một phòng ngủ cho thị giả và một phòng nhỏ làm bếp, và ba dãy nhà dành cho các sư cô. Trước khi ni xá được xây, quý sư cô đã chia ra ở nhiều nơi từ nhà chính, các thất và khu vực hồ bơi (hồ bơi có từ chủ cũ, sau này mình dùng để làm hồ sen), trên khu hồ bơi có một dãy phòng, ngày xưa họ dùng để thay áo quần (changing room) sau khi tắm lên, quý sư cô sửa lại thành phòng ngủ, mùa đông thì mình như cây cà rem trong tủ đông lạnh, còn mùa hè thì mình như ổ bánh mì nướng trong lò. Cho đến năm 2014 mới bắt đầu xây ni xá. Để đóng góp vào việc bảo vệ sinh thái, ni xá được xây với vật liệu là rơm (strawbales wall ) vách tường dầy hơn 50cm, rơm được dùng thay thế cho vật liệu cách nhiệt cho nên mùa hè không cần phải mở máy lạnh, cũng như mùa đông không phải mở sưởi trung ương, vì vậy tiết kiệm được rất nhiều tiền điện, và có một lợi điểm rất lớn khác của vách tường rơm là, nếu trường hợp có hoả hoạn mà mình chưa kịp chạy ra khỏi tu viện thì có thể tạm thời trú ẩn trong nhà rơm này được nửa ngày để chờ nhân viên cứu hoả đến cứu, vì nhà rơm không cháy nhanh bằng nhà gỗ. Đó là phát biểu của nhân viên cứu hoả đến kiểm tra trước khi mình hoàn tất ni xá.

Ở Lộc Uyển có văn phòng của hội PVCEB, trước đây là UBC. Thầy là Chủ tịch (President) của hội Unified Buddhist Church Congregation (UBC) ở Hoa Kỳ. Sau này có mấy nhóm chính trị cũng sử dụng tên UBC nên mình đổi lại là Plum Village Community of Engaged Buddhism (PVCEB). Hội PVCEB gồm có mấy người do Thầy chỉ định để phụ tá Thầy: thầy Pháp Ấn chăm sóc ở EIAB, sư cô Chân Không chăm sóc ở Làng Mai bên Pháp, sư cô Hương Nghiêm chăm sóc ở Mỹ, sư cô Thoại Nghiêm chăm sóc ở Việt Nam lúc mình còn Bát Nhã, thầy Pháp Khâm chăm sóc ở Hồng Kông, sư cô Chân Đức, sư cô Định Nghiêm, thầy Pháp Dung… Tu viện Lộc Uyển cũng là nơi đặt văn phòng của Thích Nhất Hạnh Foundation từ năm 2011.

Từ xóm Vững Chãi đi lên dốc cao là núi Yên Tử. Thầy gọi tên là núi Yên Tử để nhớ Việt Nam chứ đây chỉ là một con dốc cao, là mặt phẳng cao nhất của tu viện chứ còn rất thấp so với các ngọn núi bao quanh. Con đường đất được ủi phẳng để đi lên rất nắng, may mà ngay từ ngày đầu tiên tới thăm Lộc Uyển Thầy đã dạy sư cô Thoại Nghiêm trồng cả trăm cây tiêu cảnh hột hồng lá xanh quanh năm như liễu rũ hai bên đường nên có chút bóng mát. Thầy hay dẫn đại chúng đi thiền hành lên trên này, ngắm núi rừng bên dưới và không gian bao la chung quanh. Trên núi có tôn tượng Bụt Thích Ca bằng đá trắng rất lớn, đi xuống vài nấc thang dưới dốc của núi Yên Tử có tháp của thầy Giác Thanh, thầy Giác Thanh làm trụ trì Lộc Uyển chưa tới một năm thì tịch. Đứng trên núi vào ngày trời trong xanh mình có thể nhìn được thành phố Escondido.

Ở Lộc Uyển, muốn đi lên ngồi trên những tảng đá phẳng trên núi thì mình phải đi xuống cổng trở lại chỗ Gate House. Vừa ra khỏi xóm các sư cô khoảng 300 thước bên tay trái có một cái cổng mình có thể khoá lại nếu muốn. Bên tay mặt có một con đường đi lên núi. Trên núi thì 2/3 là đất của mình còn 1/3 là đất của người khác nhưng mình có thể xài chung. Dọc đường là những tảng đá dài đã hơn trăm tuổi hay ngàn tuổi. Mình thường lên đó ngồi thiền buổi sáng – khoá tu nào ở Lộc Uyển cũng có một lần trong thời khoá thiền sinh được lên núi ngồi thiền để ngắm mặt trời mọc hay mặt trời lặn tuỳ theo thời tiết, thiền sinh được nuôi dưỡng rất nhiều. Đi dài xuống có thêm một cổng lớn mình có thể khoá lại để mấy người say không vô được. Ngoài cổng có bảng đề chữ Deer Park Monastery. Cổng lớn phải có mật mã mới có thể mở được. Trong ngày chủ nhật, vì là ngày quán niệm có thiền sinh tới tham dự thì mình không đóng cổng. Lộc Uyển có vài chỗ đậu xe nhỏ và một bãi đậu xe lớn có thể đậu được 60-70 chiếc xe mà cũng không đủ. Thầy muốn con đường từ bãi đậu xe lớn đi lên thiền đường Thái Bình Dương không được lái xe lên, để mọi người có cơ hội đi thiền hành, tận hưởng không khí trong lành của núi rừng, có mặt cho chính mình và người mình thương, Thầy có viết một thư pháp trên gỗ: You Have Arrived – Enjoy Your Steps được treo ở bãi đậu xe, cho nên tất cả các xe đều phải đậu ở bãi đậu xe, và mình có xe điện (golf cart) chở các bác lớn tuổi không lên dốc cao được lên thiền đường để sinh hoạt.

Sống chung an lạc

Xung quanh vùng này chỉ có núi đá và rừng cây sage là một loại cây thuốc ở Tây phương. Dân da đỏ hay làm nhang sage. Ở đó cũng có nhiều rắn, nhưng mình ở đã chín, mười năm mà chưa bị rắn cắn. Ngày chủ nhật thì có Phật tử tới nên thầy Pháp Dung đi vòng vòng nói: “Quý vị đi chơi đi nha. Quý vị đi lơ mơ người ta xách cây đập quý vị chết tôi không chịu trách nhiệm đâu nha.” Khi xây sửa nhà trên đó mình gặp rất nhiều rắn, nhất là rắn rung chuông. Nhưng thấy rắn thì mình lấy cây đẩy nó thì nó đi mất. Nó trốn trong rừng không đụng tới mình. Mình và nó sống chung an lạc với nhau. Mỗi khi có US tour của Thầy mình phải mướn thêm trailer mới đủ chỗ cho thiền sinh về tham dự khoá tu, mình làm sạch một vùng rồi để thêm 5-15 trailers. Trailer giống như những phòng nhỏ trong đó có bốn hay sáu giường tầng, thiền sinh dùng nhà vệ sinh công cộng bên ngoài. Khi dọn dẹp mình thấy có rất nhiều rắn, nhưng mình biểu nó đi thì nó đi hết.

Xóm Trong Sáng có mấy ngôi nhà gỗ. Năm, bảy sư cô ở trong ngôi nhà gỗ lớn nhất. Ban đầu trong nhà gỗ lớn có các sư cô Trung Chính, Thoại Nghiêm, Hộ Nghiêm, Đắc Nghiêm, Hiền Hải, Thanh Nghiêm và những sư cô trẻ như cô Kính Nghiêm, Túc Nghiêm ở đó. Một bữa nọ sư cô Trung Chính may áo, sư cô thò tay vô rổ lấy cây thước thì đụng phải con rắn nhưng nó chỉ bò ra rồi đi mất. Chỗ cửa hông ra vào có một ổ rắn, sư cô Hộ Nghiêm bảo đi chỗ khác ở đừng làm các sư cô sợ nó cũng dọn đi mất. Ở lâu riết rồi mấy thầy giỏi nghề bắt rắn, ai cũng có thể bắt được rắn. Mùa hè nóng bức rắn thường bò vào nhà bếp. Mấy thầy mua những ống bằng plastic rất cứng, bịt một đầu, để gần chỗ rửa chén. Nếu có một con rắn thì mình lấy chổi đùa cho nó chui vô ống rồi đậy nắp lại. Bắt được vài con thì cho lên xe lái đi vô núi xa rồi mở nắp thả nó ra.

Mặt phẳng trên cùng là chỗ mình định xây tháp chuông. Thầy gọi đó là núi Yên Tử vì con đường lên khá dốc. Hôm đó Thầy lên trên đó treo võng nằm, thị giả của Thầy là sư cô Thường Nghiêm người Mỹ thì ngồi trên phiến đá gần đó. Chân Không và thị giả Chân Không cũng đi theo. Cô Thường Nghiêm khoe vừa đặt một bài hát và xin hát cho Thầy nghe. Cô vừa mở miệng định hát thì thấy có một con rắn đang nằm dài dưới võng của Thầy cách võng chừng 40 phân. Thầy nói:

“Kệ nó con, để nó nằm chơi đi. Con hát thì cứ hát.”

Khi sư cô Thường Nghiêm hát thì cái đuôi con rắn ngoắc qua ngoắc lại như nhịp theo điệu hát vậy. Sau đó mình nghe tiếng chuông thỉnh báo giờ ăn cơm chiều. Nghe tiếng chuông con rắn ngóc đầu lên nguẩy đuôi trườn đi vô trong núi. Con rắn đi rồi mấy sư cô mừng quá, đứng dậy đi về. Chân Không nói, con rắn tới cám ơn Thầy, từ ngày mình về Lộc Uyển thì bà con của nó không bị giết nữa. Mình xây dựng ở đây đã bốn, năm năm rồi mà không có con rắn nào bị giết hết. Đó là nhờ ơn đức của Thầy nên hôm nay con rắn nằm dưới võng Thầy ngóc đầu lên chào Thầy rồi đi.

Garry Shandling

Nói tới Lộc Uyển là phải nhắc tới anh Garry Shandling. Anh Shandling không có vợ con và là một danh hài của Mỹ. Nhờ anh mà Lộc Uyển được cho giấy phép hoạt động chính thức.

Hồi đó Thầy đi giảng nhiều lần ở Cali cho nhiều người ở các thành phố lớn như Berkeley, Oakland… Ở Oakland người ta rất phục Thầy. Ông thị trưởng Jerry Brown, sau này trở thành thống đốc California cũng rất thích Thầy. Khi Thầy tới thành phố Oakland thì ông tặng Thầy một giải thưởng và nói: “Hôm nay thành phố rất hạnh phúc. Niềm tin ở sự bất bạo động đã lan tràn khắp thành phố. Sau khi thiền sư tới và làm một ngày chánh niệm ở đây thì con số người bạo động đã giảm đi rất nhiều.” Thầy Pháp Dung đi theo Thầy, thầy Pháp Dung là dân Cali nên khi thầy nói chuyện thì ông thị trưởng rất thích. Bà vợ ông ta còn thích thầy Pháp Dung hơn là thích Thầy nữa.

Hôm đó có anh diễn viên hài quốc tế tên Garry Shandling. Anh ngồi chơi với Thầy, mỗi lần anh mở miệng nói một câu thì mấy sư cô trẻ như Kính Nghiêm, Nho Nghiêm ôm bụng cười ngặt nghẽo còn Chân Không thì không hiểu gì hết tại vì tiếng Anh của Chân Không rất giới hạn, chỉ dùng để thuyết pháp hay đi kêu gọi hoà bình thôi. Mới tới lần đầu ông đã ký séc (check) cho Lộc Uyển 50.000USD. Ông được Thầy dẫn lên núi chơi, đi xem núi đá này núi đá kia. Thầy trò mình rất thích những tảng đá to ngàn tuổi, rộng thênh thang, bảy tám chục thầy trò ngồi trên tảng đá cũng còn đủ chỗ. Lúc đó mình không được giấy phép tiếp đông người tới tu tập dù mình nộp đơn đã hai năm rồi. Mình xin giấy phép cho 300 người ở thì nhà nước cũng không cho. Thầy đề nghị viết thơ cho ông Jerry Brown thì anh Pritam nói không nên tại vì bên Mỹ người ta làm việc độc lập với nhau. Sau này ông Arnold Schwarzenegger lên làm thống đốc, ông cũng rất thích Thầy. Ông có mời Thầy tới giảng ở trường Đại học.

Khi Garry tới thăm Thầy, biết Garry Shandling rất ăn khách nên thầy Pháp Dung và Pritam rủ Garry Shandling cùng đi để nhờ anh ta thuyết phục chính quyền cho phép trung tâm Lộc Uyển được tiếp khách rộng rãi, được mở khoá tu cho 500-600 người. Không có đủ chỗ thì mình có thể mướn những trailer tức nhà có bánh xe kéo.

Vừa tới Văn phòng xin phép xây cất hay sinh hoạt công cộng thì anh Shandling đã nói:

“Nè quý vị có biết là quý vị may mắn lắm không? Có một ông thầy tu tới định cư dưới vùng kiểm soát của quý vị chỗ sườn núi đá Escondido đó. Ông ở DEER PARK, chỗ mà quý vị bỏ hoang đó. Nhờ đọc cuốn sách này của ông mà tôi hết giận cô bạn gái của tôi. Trong giới điện ảnh thì đáng lẽ tôi gây lộn sáng, gây lộn trưa, gây lộn chiều. Tôi đi sang phải cũng để sẵn một câu bút pháp với một nét dặn dò “Breathe and smile!”, nhờ thế tôi cười được.”

Anh ta nói làm sao mà cả văn phòng ôm bụng cười ngả nghiêng – thầy Pháp Dung cũng ôm bụng cười theo. Rồi anh ta đưa cuốn sách khác ra nói:

“Nhờ cuốn này mà tôi giải quyết được chuyện phản phúc của một cộng tác phụ tá tôi…”

Suốt buổi anh ta ngồi quảng cáo sách của Thầy một cách hài hước. Anh ta nói tới đâu thì người ta cười tới đó.

“Quý vị đừng tưởng là tôi làm quảng cáo cho ông này nghe. Ổng đổi đời tôi thiệt đó.”

Những người trong ban xây cất ôm bụng cười một hồi thì anh Pritam nói:

“Quý vị có thể cấp giấy phép cho chúng tôi hoạt động đàng hoàng ở Lộc Uyển được không? Chúng tôi nộp đơn đã hai năm mà chưa có trả lời.”

Họ lỡ mê anh chàng danh hài nên ký giấy cho phép không do dự. Vừa ra xe anh Pritam gọi điện cho Chân Không:

“Sư cô biết không, mình mới thắng một trận rất lớn. Giấy phép cho mình hoạt động với số người y như cũ. Họ không biết chỗ này tiếp nhận 300 người tù, rồi khi làm ăn thất bại thì đổi qua tiếp nhận 300 người nghiện ngập. Như vậy là họ cho phép mình xây một hotel restaurant 300 chỗ ở đó.”

Anh Gary rất thương Thầy và Chân Không. Chân Không tặng cho anh băng của sư cô hát những bài thiền ca, dân ca và anh rất thích. Anh thương Chân Không như một người chị.

Năm đầu tiên sau khi bị đột quỵ thì Thầy qua Mỹ. Chân Không theo Thầy qua Mỹ ở nhờ nhà của anh Marc Benioff ở San Francisco. Garry Shandling lấy máy bay tới thăm và kể là anh bệnh suýt chết mấy lần, anh sẽ ký check cho “Walk with me”, phim của anh thầy Pháp Linh sản xuất nói về xuất sĩ Làng Mai. Sư cô Chân Không nói anh ký check cho anh thầy Pháp Linh thì phải để riêng. Nếu muốn cho tiền Lộc Uyển hay phụ chăm sóc Thầy thì anh ký check riêng. Anh nói anh sẽ ký check riêng, ngoài ra anh sẽ làm di chúc sau này khi anh chết thì một phần lớn gia tài của anh sẽ thuộc về tăng thân của Thầy Nhất Hạnh. Chiều hôm đó anh chào đi về và nói tuần sau anh lại tới.

Sau đó, một hôm Chân Không đi làm răng về thì được tin anh mới qua đời vì bị đột quỵ. Lúc đó Chân Không đang ở Pháp nên không tới dự đám tang của anh được. Lần cuối mà Chân Không đứng chụp hình với anh cách đó có một tuần. Chân Không nhớ hình ảnh anh đứng trước cửa sổ, Chân Không hỏi:

“Hồi đó tới giờ anh có thương cô nào không? Sao anh không cưới?”

Anh trả lời:

“Có, em thích người này nhưng không xong, rồi em thích người kia cũng không xong.”

Anh chưa viết kịp di chúc như đã hứa trước khi chết.

Lúc trước anh đã từng bay qua Washington DC để giới thiệu Thầy với các dân biểu quốc hội. Mấy ông dân biểu bận làm chính trị nên thường viện cớ là không có thì giờ. Anh tới thuyết phục các dân biểu thấy sự quan trọng của Thầy mà đi tham dự khoá tu. Anh Shandling rất được hâm mộ, một hợp đồng anh ký tham gia một chương trình truyền hình là mấy triệu đô la. Nghe có Shandling tới Library của Congress nói chuyện và giới thiệu thiền sư Thích Nhất Hạnh thì dân chúng tới rất đông. Anh nói:

“Tôi là người Do Thái đó (ý là người tính tiền rất kỹ). Tôi tới đây không được trả tiền vé máy bay mà còn phải tự móc túi mình ra mua vé (thiên hạ cười ầm). Tôi không bỏ thì giờ bay tới Washington DC để giới thiệu ông thiền sư này nếu ông không phải là người vô cùng đẹp đẽ, sâu sắc, đã giúp tôi gỡ được những nút thắt khổ đau trong cuộc đời của tôi.”

Nghe anh ta nói chuyện thiên hạ cười rần rần. Chân Không dở tiếng Anh nên không hiểu gì hết. Ngày anh tịch, Chân Không xin một thầy đại diện cho Làng Mai là thầy Pháp Hải đang ở Lộc Uyển tới dự đám tang của anh và xin một mớ tro của anh đem về rải ở Lộc Uyển. Hiện giờ anh đang bàng bạc ở tu viện Lộc Uyển cùng các thầy và các sư cô.