Đêm giao thừa đầu tiên
Từ hôm hai mươi sáu Tết, Triều Quang, Từ Mẫn và Thanh Hiện đã tự động kéo về Phương Bối, như con trở về nhà cha mẹ vào những ngày giỗ lớn. Quang ở Dalat về mang theo rất nhiều nhánh bạch mai thật đẹp. (Trước đó, chị Diệu Âm đã cho Như Hiền đem tặng cho chúng ta rất nhiều cây bạch mai con để trồng quanh nhà). Chúng ta bàn với nhau ăn một cái Tết lớn nhất trong đời chúng ta, và ăn tại Phương Bối. Sau một đêm bàn luận, chúng ta đồng ý như sau:
1 – Đốt một đống lửa vĩ đại ngay trên đồi Thượng.
2 – Cắm trại ở đồi Thượng.
- – Nấu một thùng bánh chưng trên đồi Thượng để cúng giao thừa.
- – Cúng giao thừa, đốt pháo ở đồi Thượng.
- – Hội họp ăn bánh chưng, chúc Tết và bình văn ở đồi Thượng. […]
Lý là người Bắc và Lý tuyên bố có thể gói những chiếc bánh chưng vào hạng đẹp nhất Bắc Hà. Ban đầu ai cũng tưởng là Lý chỉ “ăn to nói lớn” theo kiểu một nhà văn như Lý, nhưng sau khi thấy Lý trổ tài, ai cũng phục lắm. Dì Tâm Huệ mua nếp, đỗ xanh và cung cấp lá dong tươi cho Lý. Hôm gói bánh tôi cũng làm phụ tá cho Lý trong việc lau lá, xếp lá, rọc lá. Lý làm một cái khuôn nhỏ và gói những chiếc bánh chưng nhỏ xíu, vuông vắn, thật đẹp. Bánh chưng được nấu từ lúc năm giờ rưỡi chiều để kịp chín nửa giờ trước giờ giao thừa. Mẫn và Hiện đã bắc hai bếp gần dưới chân đồi Thượng, một bếp để luộc bánh chưng, một bếp khác để nấu nước sôi tiếp cho nồi bánh. […]
Cả nhà chuẩn bị ăn Tết một cách rộn rịp và chính sự chuẩn bị rộn rịp để ăn Tết ấy quả đã là Tết một cách đích thực rồi. Từ lúc ba giờ chiều, Nguyên Hưng và Triều Quang đã vào rừng đốn về những cây tre lớn và cưa ra từng ống một, chất đầy bên lều. Khi thùng bánh chưng sôi, tất cả chúng ta đều tắm rửa, quây quần trong chiếc lều lớn nhất cắm trên đồi, nghỉ ngơi, nghe chương trình phát thanh cuối năm của đài Saigon từ chiếc Sony quen thuộc và ăn cơm, một bữa cơm chiều thật đơn giản. Tha hồ cho chúng ta nói chuyện bốn phương. Hồi ấy thường trú tại Phương Bối mới chỉ có Nguyên Hưng, Lý, Tuệ, dì Tâm Huệ và tôi, còn những người khác đều là “chim bốn phương bay về đây cả”. Những con chim ấy bay về Phương Bối và tíu tít kể cho nhau nghe những mẩu sinh hoạt, những câu chuyện, những biến cố đã xảy ra cho chúng từ những phương trời khác nhau. Không ai là không thấy rõ rằng Phương Bối chính là alma mater của mình.
Trên những cây cao còn lại của đồi Thượng và cả trên lan can của thiền thất nữa, Mẫn và Lý đã treo đèn. Vào lúc mười giờ rưỡi, Nguyên Hưng ra lệnh đốt lửa. […] Bởi vì đồi Thượng là chiếc đồi cao nhất trong vùng. Chúng ta trông rõ tất cả những vùng núi bao quanh Phương Bối nhờ ánh lửa trên đồi Thượng. Có lẽ tất cả thú vật, dân chúng của núi rừng đang ngạc nhiên, và qua kẽ lá, đang hướng những cặp mắt nhìn về đồi Thượng. Xa xa, ta có thể trông thấy ngôi nhà của Đại Hà thấp thoáng trong đồi núi trập trùng. Mười một giờ rưỡi khuya rồi. Chúng ta trở về thiền thất cúng giao thừa. Chiếc bánh đầu tiên vớt ra đã được đem lên cúng Phật. Buổi lễ đơn giản và ấm áp chỉ kéo dài vào khoảng 20 phút. Giao thừa đến. Mẫn, Hưng, Quang, Hiện, Lý, tất cả đều mang những ống tre liệng dần vào đống lửa. Đó là pháo lệnh giao thừa của Hưng đấy.
Bánh chưng của Lý quả thật là rất ngon – có lẽ cũng ngon nhờ những điều kiện khác nữa, như là không khí đặc biệt của Phương Bối, sự hiểu biết của mọi người, vui vẻ của mọi người và nhất là sự… đói bụng của mọi người. Nói như thế không có hại gì đến cái “uy tín” gói bánh của Lý cả. Mỗi người trong chúng ta phải chúc tất cả mọi người và như thế chúng ta nghe tất cả đến năm mươi bốn câu chúc Tết. Dì Tâm Huệ tỏ vẻ nhiều e thẹn nhất dù dì lớn tuổi bằng dì của tất cả chúng ta, và dì đã chúc cho tất cả những câu chúc đơn sơ mà chân thành cảm động.
Tôi nhớ suốt ngày mồng một Tết các cậu đã chia thành hai ba toán rủ nhau đi chơi thám hiểm núi rừng. Thầy Thanh Từ chưa có mặt ở Phương Bối trong cái Tết thứ nhất ấy. Nhưng trong cái tết thứ hai, thầy cũng tham dự những trò nghịch ngợm nhất của mọi người. Ở đây ai cũng dễ dàng và sẵn sàng để mà “đồng sự”. Kiểu chào của thầy Thanh Từ cũng thay đổi như tất cả mọi người và cả đến những kiểu sinh hoạt khác như đi núi, trồng cây, cắm trại nữa.
[…]
Nguyên Hưng ơi, vì nghĩ như thế nên chúng ta đã làm việc tích cực trong thời gian ở Phương Bối. Tuy rằng chúng ta có những buổi thám hiểm núi rừng, những ngày cắm trại, những buổi bình văn, và tuy rằng tất cả những sinh hoạt ấy đều rất thú vị, chúng ta cũng đã để rất nhiều thì giờ vào việc học tập, tra cứu, viết lách. Lý thường thức rất khuya trên đống bản thảo. Còn tôi tuy sức khỏe không cho thức khuya, tôi cũng làm thật nhiều việc. Ngoài sự sưu tầm, viết lách tôi đã khởi thảo bộ Phật học từ điển. Công việc này dở dang; trước khi đi, tôi đã giao lại cho một số các bạn trẻ ở Phật học viện Nha Trang tiếp tục. Tôi rất sung sướng nghĩ đến những buổi học nơi nhà Thượng hay ở thư viện. Nguyên Hưng và Thanh Tuệ đã làm việc rất siêng năng. Ngoài những môn học thường nhật, thỉnh thoảng tôi ưa giảng cho Hưng và Tuệ về những đề tài đặc biệt. Tôi chắc Nguyên Hưng còn nhớ hôm tôi đem giảng những đoạn trong Cựu Ước. Những cuộc hội thảo xảy ra luôn luôn, một cách tự nhiên và Lý có vẻ hùng biện hơn ai hết. Nói thế chứ nhiều khi tôi cũng hay “bắt nạt” Lý lắm, phải không Nguyên Hưng? Thầy Thanh Từ thì ít nói, hay cười hiền lành. Tuy vậy thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt thầy điều khiển những buổi hội thảo. Tôi nhớ có một lần thầy hướng dẫn hội thảo về thiền. Lần này có một nhóm Sinh viên Phật tử ở Saigon lên thăm và tham dự.
Triều Quang ít nói trong các buổi hội thảo, nhưng hễ nói thì nói những điều có thể gây nên những “vấn đề lớn”. Quang rất say mê làm việc ngoài rừng. Cậu ta dọn một khoảng thật đẹp ở khu rừng trước mặt, sửa sang cho thật xinh, và gọi đó là nội cỏ thiên đường. Quang rất thích nuôi một con bò, ý định ấy được vài người trong chúng ta tán thành. Tuệ cười nói: “Vậy thì sẽ có sữa nóng uống buổi sáng.” Còn tôi thì ngại ông Ba Mươi. Nuôi một con bò con tức là mời các ông Ba Mươi tới viếng thăm ban đêm.
Một hôm Quang trông thấy những người Thượng đi ngang, mang theo một con nai nhỏ. Con nai bị trói lại trông rất đáng thương. Quang nhất định mua con nai ấy để nuôi trong nội cỏ thiên đường. Lần này không ai ngăn cản Quang cả. Nhưng con vật, tuy được cởi trói và đối đãi thật tử tế, vẫn không chịu ăn bất cứ một thứ gì. Ba bốn hôm liền như vậy. Đến hôm thứ tư, Quang thử cho uống sữa. Con vật thích lắm. Nó uống sữa xong, đi chơi quanh quẩn trong nội cỏ. Nhưng đến sáng mai, không ai tìm thấy nó nữa. Nó đã trở lại núi rừng.
[…]
Nguyên Hưng ơi, mùa hè năm ấy, bao nhiêu việc buồn đã xảy đến cho chúng ta. Chị Diệu Âm ốm nặng phải chở lên điều trị tại bệnh viện của bác sĩ Sohier. Lý bị bắt. Tôi phải trốn về Saigon.
Phương Bối bị đe doạ. Tuệ Hưng và tất cả những người ở Phương Bối bị bắt buộc phải rời bỏ Phương Bối để vào trong ấp chiến lược. Công an nghi rằng chúng ta đang làm gì ở miền núi rừng nên cứ đến Phương Bối để hỏi thăm, dò la. Những người công an này lộ liễu lắm bởi vì trông tướng mạo họ và nghe một vài câu hỏi của họ, ta đã có thể biết ngay rằng họ là công an rồi. Đột nhiên chúng ta mất hết những an tĩnh của chúng ta. Phương Bối bị đe doạ trầm trọng. Chúng ta chứng kiến cảnh thiên đường bị mất dần dần.
[…]
Tuệ đã lại đi dạy học lại và chỉ về Phương Bối vài lần trong một tuần. Ấp chiến lược được thiết lập bên xa lộ. Ban đầu thầy Thanh Từ, Tuệ và dì Tâm Huệ còn nán ở lại, nhưng sau đó ít lâu, mỗi người cũng phải tản mát một nẻo. Thầy Thanh Từ cũng đã về Phú Lâm lâu rồi. Thanh Tuệ và dì Tâm Huệ cũng phải tạm trú ở Đại Hà thỉnh thoảng mới vào thăm Phương Bối. Tội nghiệp cho Thiền Duyệt thất. Tội nghiệp cho nhà Thượng. Tội nghiệp cho từng lá cây ngọn cỏ.
Tôi nhớ trước ngày đi, tôi có lên Phương Bối thăm một cách đột ngột. Tôi ngủ lại một đêm. Buổi sáng hôm ấy trời đầy sương lạnh lẽo. Tôi giã từ thầy Thanh Từ, giã từ Phương Bối, giã từ những cuốn sách của tôi, tôi để lại cho thầy Thanh Từ một bài ngũ ngôn, như một bài chúc tụng như sau:
Gối nhẹ mây đầu núi
Nghe gió thoảng hương trà
Thiền duyệt tâm bất động
Rừng cây dâng hương hoa
Một sáng ta thức dậy
Sương lam phủ mái nhà
Hồn nhiên cười tiễn biệt
Chim chóc vang lời ca
Đời đi về muôn lối
Quan san rộng hải hà
Chút lửa hồng bếp cũ
Ấm áp bóng chiều sa
Đời vô thường vô ngã
Người khẩu Phật tâm xà
Niềm tin còn gửi gắm
Ta vui lòng đi xa
Thế sự như đại mộng
Quên tuế nguyệt ta đà
Tan biến dòng sinh tử
Duy còn Ngươi với Ta.
Thầy Thanh Từ xem xong rất cảm động. Tôi nói: “Tôi đi rồi lại về.” Và ở bên này có rất nhiều khi tôi nhớ thầy, một hôm đọc Ngữ lục tôi thấy có câu:
Trương kiến kha kha tiếu
Viên lâm lạc diệp đa.
Và bất giác nhớ hình ảnh Phương Bối quá. Tôi dịch hai câu ấy ra như sau:
Gặp nhau cười ha hả
Lá rụng ngập vườn rừng.
Có phải là khi nào đi từ cầu Mai đến đồi Thượng mà gặp nhau, chúng ta cũng thấy như thế phải không Nguyên Hưng?
Nhưng hết rồi, hết rồi, Phương Bối đã lọt ra khỏi tầm tay của chúng ta rồi. Tội nghiệp cho từng gốc cây, từng bụi cỏ, từng lối mòn. Một người hiền hoà như thầy Thanh Từ mà cũng không được ngồi yên để toạ thiền trong lòng Phương Bối nữa! Chúng ta còn lại gì cho ngày mai? Mỗi người một ngả. Phương Bối đã tủi thân đến mức độ nào? Chiếc nhà Thượng có đứng vững được trước gió mưa cho đến khi chúng ta trở về hay không?Nhưng mà Nguyên Hưng, không biết sao tôi cứ tin rằng chúng ta không bao giờ mất Phương Bối. Phương Bối vẫn còn đó, vẫn chịu đựng biệt ly cũng như tất cả chúng ta hiện đang mỗi người một nẻo, cũng chịu biệt ly. Phương Bối đã trở nên thực tại trong lòng người. Phương Bối đã chiếm chỗ linh thiêng trong lòng chúng ta. Ở bất cứ phương trời nào, nghe đến Phương Bối là ta cảm động. Bữa trước viết cho Mẫn tôi nói: “Dù cho phong ba bão táp có đánh bạt chúng ta mỗi người một ngã thì niềm tin vẫn đưa chúng ta về trả lại cho nhau.”