Tăng Hội – Những bài không tên (6)
người viết:Đặng Chương
Gửi đến T.C.Đ và các bạn WakeUp
Câu ru mạch máu Đông Phương
[8h00: Một bông hồng cho em]
Vì đã thực tập từ buổi lễ ở thành phố nên tăng thân nhà mình đi qua phần nghi lễ cũng khá chỉn chu. Đội hình vẫn không có gì thay đổi. Dâng hương là em Hừng Đông. Chị Chân Mây thỉnh mõ. Nhật Thái thỉnh chuông. Tôi và Khiêm Từ đảm nhận phần đọc Đoản văn Bông Hồng Cài Áo. Sau khi tụng Tâm Kinh Bát Nhã, tôi bắt đầu tuyên đọc. Viên Lạc đã chuẩn bị sẵn bản tiếng Anh. Nhưng tôi thì lại quên chuẩn bị bản tiếng Việt. Thật là may khi cuối cùng “cô tiên” Viên Lạc “hóa phép” thế nào mà trên tay hai anh em chúng tôi là một cuốn sổ bé tí có đầy đủ cả hai phần Việt ngữ và Anh Ngữ.
Tôi biết bài văn này từ lâu lắm rồi. Chắc cũng gần 7,8 năm. Nhưng hôm nay mọi thứ thật mới lạ. Chưa bao giờ tôi có những cảm giác này. Có một điều gì đó đang trào dâng và tôi phải dừng lại. Thật là khó để giữ được hơi thở trong hoàn cảnh này. Có những đoạn tôi đọc mà cảm thấy mình như mếu máu, như ngẹn ngào. Tôi đã “nhập tâm” vào những dòng chữ rồi chăng? Cũng có thể do tôi mà cũng có thể là do năng lượng xung quanh của đại chúng nữa. Làm sao tâm trí có thể dửng dưng và bàng quang trong một không khí trang nghiêm và thiêng liêng như vậy. Khiêm Từ tiếp tục đọc phần còn lại. Chất giọng của Khiêm Từ sau đó đã nhận được vô số những lời khen tặng. Kết thúc phần tiếng Việt, cuốn sổ tí hon lại được chuyền tay cho Cao, Mi và anh Chi để mấy anh chị em có thể đọc phần tiếng Anh. Nhìn cảnh tượng này, tôi lại nhớ đến buổi thuyết trình giới cùng với mấy anh chị em ở cánh đồng phương Bắc cách đây một năm. Tôi thấy vô cùng biết ơn sự sống này. Vì tôi đã được ngồi không chỉ một lần trong vòng tròn bảo bọc của tình anh chị em, tình tăng thân. Năng lượng bình an của tập thể đó không phải lúc nào tôi cũng có được. Thế mà giờ đây tôi có đủ cả. Òa vỡ, tràn đầy.
Phần đoản văn dài hơn thường lệ cuối cùng cũng đã kết thúc. Nhật Thái thỉnh một tiếng chuông để đại chúng được dịp trở về với hơi thở. Tiếp theo sẽ là phần trình bày bài hát Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Tuy vậy, tôi đã đánh liều hát một bài khác. Bài mà tôi chọn là bản Đạo Ca số 6 “Lời ru, bú mớm, nâng niu” của nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Phạm Thiên Thư.
Tôi hơi thiên vị nhạc sĩ Phạm Duy phải không bạn? Có lẽ đúng như thế thật. Mặc dù tôi cũng biết và thích nhạc Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Phạm Đình Chương, Cung Tiến v.v… Nhưng không hiểu sao mỗi khi có cơ hội được hát một bài hát nào đó của Việt Nam là tôi lại nghĩ ngay đến nhạc Phạm Duy. Chất nhạc ấy đã nuôi lớn cả tâm hồn tôi từ những ngày thơ ấu. Cứ mỗi một giai đoạn trong đời mình và cả những năm tháng tiếp theo sau nữa tôi đều dự cảm sẽ luôn có một bài nhạc Phạm để tôi hát, để tôi được nuôi dưỡng. Có một lần tôi đã ngồi rất gần với ông nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cứ ngồi yên bất động. Thay vì đến hỏi thăm, để xin chữ ký, để chụp ảnh lưu niệm thì tôi lại cứ ngồi lặng nhìn ông. Giây phút đó tôi chỉ biết ngồi yên để ngắm nhìn. Với tôi thế là đủ. Tôi chỉ cần vậy thôi. Chỉ chừng ấy thôi mà tôi cũng có hạnh phúc lắm.
Bài Đạo Ca số 6 này theo tôi là một bài xứng đáng để thực tập thường xuyên và liên tục. Và tôi đã nghĩ rằng không còn dịp nào phù hợp hơn để hát nữa. Cái hay, cái đẹp đã nằm hết ở phần lời. Tôi cũng đã in ra một bản song ngữ Việt – Anh và đã đưa cho Tranh trước đó với hy vọng là các anh em Âu Châu sẽ hiểu hết nội dung của bài này. Tôi không biết là cách hát ru ở Tây Phương có giống như Đông Phương hay không? Tôi cũng chưa có cơ hội tìm hiểu nội dung những bài được gọi là “lullaby”. Tôi chỉ biết là có một nhạc sĩ người Canada rất thích bài Đạo Ca này. Ông có chia sẻ rằng nếu như thuở xưa khi còn nằm nôi mẹ ông cũng hát ru cho ông nghe những giai điệu như vậy thì ông có cảm tưởng đời mình sẽ phong phú thêm hơn, ông sẽ có tâm hồn nghệ sĩ hơn. Ông sẽ nhìn đời với đôi mắt sạch trong. Ông sẽ đi vào lòng sự sống với những bước chân thanh thản. Đây chắc chắn không phải chỉ là một lời ngợi khen quá đáng. Trẻ em ở phương Tây khi đến tuổi đi học có thể sẽ được học nhạc một cách chính quy và bài bản. Tuy nhiên, bài học âm nhạc đầu tiên phải là lời ru của mẹ. Nếu nhận định như vậy thì có thể nói rằng những em bé Việt Nam có một sự may mắn rất lớn. Không khó để chúng ta có thể nhìn ra một sự thật: những bài hát ru con của “bà mẹ quê” luôn ngập tràn những hình ảnh tuyệt đẹp của thi ca và nhạc họa. Đó là sự kết tinh từ những làn điệu dân ca được truyền khẩu qua nhiều đời. Có thể trí óc của một em bé chưa đủ phát triển để tiếp nhận những lời hát tiếng ca. Nhưng tâm thức chắc chắn sẽ được gieo trồng những hạt giống của thơ và nhạc, những hạt giống văn hóa, những cảm tình, những phong tục, tập quán. Khi mang thai ta, mỗi ngày mẹ đều hát ru. Mỗi ngày mẹ đã trao cho ta cả một kho tàng. Rồi khi ta sinh ra đời, gia tài của mẹ ta lại được tiếp nhận trong những buổi trưa hè, trong những khi chiều tới, những lúc ta đau yếu, những lúc ta khóc than… Kho tàng của văn hóa dân gian đã có trong ta rồi đó, bạn có thấy không. Vậy mà chúng ta lại hay quên lắm. Ta cứ khờ dại thôi. Ta giàu có vậy mà ta không biết. Ta cứ mãi kiếm tìm. Để rồi ta phải cậy nhờ đến hai tâm hồn nghệ sĩ nhắc nhở. Cả hai người đều đã xác quyết rằng “lời ru-bú mớm-nâng niu” chính là món quà quý giá nhất của sự sống này. Dòng sữa nóng cho ta một thân thể kiện khang. Lời ru cho ta một trái tim rộng mở. Và tình thương của mẹ sẽ là sự bình an cho tâm hồn ta trên suốt những chặng đường đời.
Bài Đạo Ca Quán Thế Âm hôm qua do ảnh hưởng bởi giọng thứ nên vẫn còn một chút gì đó u hoài, hờn tủi. Người nghe nếu không có sự thực tập hơi thở có ý thức có lẽ sẽ bị trôi theo chất bi lụy ở đầu bài. Nhưng với bài đạo ca số 6 này thì mọi thứ hoàn toàn khác hẳn. Nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng giọng La giáng trưởng. Chất nhạc du dương, êm ái ngay từ đoạn mở đầu.. Một tiếng hát của mẹ hát ru con, mà cũng có khi ta nghe thấy cha đang hát ru con, chồng đang hát ru vợ. Những nốt nhạc dần cao lên, cao lên, vút bay chạm tới nền trời:
Con ơi ! Mẹ là Thượng Đế, cho con tâm lý nguyên sơ
Câu ru và dòng sữa quý, cho con nguyên lý diệu vời
Ru con rằng : Đời muôn lối, như mây kết hợp, rồi tan
Thân con là Trời cao vói, tim con là cõi địa đàng.
À ơi Mẹ ru con biết :
Yêu thương như câu đầu lòng
Nghìn năm còn đây thắm thiết
Câu ru mạch máu Đông Phương.
Sau bài hát không cần nhạc đệm thì đến phần cài hoa. 6 thành viên WakeUp đứng lên và bắt đầu lạy Bụt. Sáu người đó là Chi, Tranh, Mi, Na, Vui và Bách. Tôi thấy giây phút năm vóc sát đất sáu anh em thật lạ thường. Sáu con người đến từ bốn quốc tịch khác nhau. Từ Ấn Độ, đạo Bụt đã không còn đi về phía Bắc hay phương Nam mà đã đi theo phía Tây, đến với cựu lục địa rồi lại còn vượt trùng dương đến cả Tân Thế Giới. Do không gian không đủ nên mấy anh em đã nhanh chóng đề xuất ý tưởng đại chúng sẽ ngồi yên tại chỗ để các bạn đến cài hoa. Buổi lễ diễn ra thật đơn sơ nhưng vô cùng trang nghiêm. Trong lúc mọi người hiến tặng cho nhau những nụ hoa, tôi tiếp tục hát bài Bông Hồng Cài Áo. Trước buổi lễ, em Tranh đã hỏi tôi có hát bài này không. Dĩ nhiên là có rồi, phải không bạn? Làm sao mà có thể thiếu bài này được?
Lúc này, Khiêm Từ ngồi cạnh đang chuyển ngữ lời bài này để em Cao có thể hiểu được. Micro bắt đầu được chuyền đi để tiếng hát được nối dài. Nghe nói em Na và Tranh đã ôm nhau khóc. Một số cô chú Phật tử cùng sùi sụt, giọt dài giọt vắn. Với anh Chi thì anh cho biết đây là lần thứ hai được tham gia một lễ Bông Hồng Cài Áo. Lần trước là ở viện EIAB và lần nào anh cũng cảm động. Một điều cũng cần phải nói thêm là những bông hồng được kết từ vải này cũng do bàn tay khéo léo của em Củ Cải Nhỏ. Tất nhiên lực lượng góp sức là rất nhiều nhưng quả thật phần chính yếu là do em này thôi. Theo thông kê thì tăng thân mình đã chuẩn bị khoảng 130 bông. Nhưng phải mua thêm vì con số thực tế vượt hơn dự định. Mấy anh em WakeUp được cài hoa thì tỏ vẻ mừng vui lắm. Sau đó, một số người còn đi xuống tận nhà bếp để cài hoa cho các cô Phật tử do bận lo bếp núc nên không thể tham dự lễ. Điều tích cực nhất là thời gian chương trình theo dự kiến khoảng hai giờ đồng hồ. Và anh em nhà mình đã hoàn thành đúng chính xác. 8h30 đến 10h30 là kết thúc không sai một giây phút. So với sự cố tối hôm qua, sự thành công của buổi lễ ít nhất là ở mặt thời gian đã khiến cho chúng tôi rất sung sướng.
[11:30: Ăn Cơm và Buông Thư]
Buổi ăn trưa lần này vẫn duy trì một không khí thật lặng yên. Em Hừng Đồng thỉnh chuông. Khiêm Từ và Bách luân phiên nhau đọc năm quán bằng hai thứ tiếng. Sau giờ ăn trưa, chị Chân Mây chia sẻ là ở chùa có một số cô Phật Tử đã bày tỏ ý muốn yểm trợ cho việc nấu ăn cho ngày tu. Và chính nhờ những thiên thần áo lam này mà chị và các em khác đã có nhiều thời giờ để tham gia vào thời khóa tu học. Thật biết ơn các cô! Từ đây mấy anh em đã có nhận định rằng bất cứ chùa nào cũng có những quý ân nhân luôn có thiện tâm như vậy. Cho nên, nếu ngày tu xa thành thị được tổ chức thường xuyên thì mình có thể cầu viện đến lực lượng này. Một kinh nghiệm tưởng như không có gì đặc biệt nhưng thật quý báu vì chính tăng thân đã nếm trải.
Thời khóa tiếp theo là Thiền Buông Thư. Đại chúng chia thành 2 nhóm. Một ở khu vực nhà nghỉ sẽ hướng dẫn bằng tiếng Việt. Hai là ở chánh điện, hướng dẫn bằng tiếng Anh. Đây có thể nói là phương pháp thực tập mà tôi rất thích được “can dự” vào. Theo như những lần trước thì đội hình dự kiến sẽ có anh Giác Thành, chị Thái Tín, anh Huệ Phước và tôi. Như vậy thì có thể chia ra thành hai được rồi phải không bạn? Tuy vậy hai người thì giờ đây áo đã “nhuộm hoàng hôn”. Anh Huệ Phước thì không thể có mặt đợt này. Thật may khi có hai anh chị bên các tăng thân kết nghĩa yểm trợ. Như vậy là khu vực nhà nghỉ đã có người đảm nhiệm. Tôi đi gặp mấy anh em WakeUp thì thấy em Cao có vẻ rất sốt sắng với buổi thiền buông thư này. Em này đã cầm trên tay một cuốn sách khá dày. Em xác quyết là mình sẽ hướng dẫn mọi người và Mai sẽ là người hỗ trợ. Ồ, như vậy là tôi được thảnh thơi nằm rồi. Tôi tiến về Chánh Điện, chuyển cái chuông thật lớn giúp cho Cao. Tôi bắt đầu nằm xuống, thả lỏng toàn thân. Trong không gian chỉ có lại tiếng nói của Cao. Tôi nghe theo em cũng đặt tay lên trái tim mình và bắt đầu trân quý những điều kiện hạnh phúc mà tôi đang có. Sau đó thì có thêm những lời rất êm tai và ngọt ngào của Mai nữa. Có ai hát không? Tôi cũng không biết… Lúc tôi ý thức được tiếng chuông thì mới biết là hơn một giờ đồng hồ trôi qua. Tôi quay lại thì thấy hai người em tâm linh cũng đang đưa mắt nhìn tôi. Vậy là tôi ngồi dậy, đến ngồi chung và hát một bài kết thúc. Tôi chọn bài Bonjour Việt Nam. Hát một vài câu tiếng Pháp và tiếng Anh. Như vậy là phần văn nghệ của tôi đã chính thức đóng khép tại ngày tu lần này.
Buổi chiều đại chúng có buổi pháp đàm ngắn để tổng kết ngày tu. Bách có một phần chia sẻ gây ấn tượng mạnh cho đại chúng. Bạn cho biết đã từ bỏ tất cả mọi thứ, việc làm, xe hơi và cả nơi trú ngụ để cùng tham dự chuyến đi Vietnam Social Tour lần này. Tất cả chỉ để giải quyết một vấn nghi duy nhất:“Điều mình thật sự muốn trong cuộc đời này là gì?”
Đến phần kết thúc, đại chúng lại thỉnh Thầy trụ trì. Thầy nói nhiều điều hay lắm. Nhưng đáng nhớ nhất là Thầy mong mọi người đừng chỉ giữ sự tu học trong duy nhất ngày này mà hãy đem về nhà ứng dụng vào nếp sống của mình. Tinh thần của lễ Vu Lan phải đi theo chúng ta trong suốt một năm. Sau khi lắng nghe từng lời vàng ngọc, tăng thân Âu Á trao đổi cho nhau những món quà lưu niệm, những bài hát và cả những cái nhìn lưu luyến. Trong những giờ phút cuối, tôi đã thực tập thiền ôm với các bạn WakeUp. Nhưng theo tôi thì không thành công lắm vì một lẽ đơn giản đó là lần thực tập đầu tiên. Và chúng tôi cũng chưa trò chuyện với nhau nhiều để hiểu nhau hơn. Chỉ một người cho tôi cảm giác thỏa lòng. Bạn đoán thử coi là ai? Đó chính là người đã trò chuyện đến nửa đêm hôm qua đó. Chính là anh chàng Thiện Sanh. WakeUp sẽ tiếp tục hành trình của mình với chuyến xe lên Đà Lạt. Về phần chúng tôi thì mọi người cũng phải vội vã thu dọn hành lý để kịp chuyến xe về lại thành phố.
Tiệc vui nào cũng phải tàn, phải không bạn? Nhưng tin vui là hết buổi tiệc này sẽ còn những buổi tiệc khác. Sự sống sẽ là một chuỗi những festival nối dài… Một khi ta vẫn còn ý thức những điều kiện hạnh phúc quanh mình…