Thực tập chánh niệm cùng trẻ em tại Làng Mai

“Tôi rất tin tưởng vào việc người trẻ có thể học được những điều không được dạy ở trường, như phương pháp thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm cũng như học cách nhìn sâu và chăm sóc cơn giận của mình.” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

HÀNG NĂM VÀO MÙA HÈ, có hàng trăm trẻ em đến Làng Mai – trung tâm thực tập chánh niệm của chúng tôi tại miền Tây Nam nước Pháp – để tham dự khóa tu dành cho gia đình. Các em đến từ hơn năm mươi quốc gia trên thế giới và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Do Thái… Các em chơi với nhau rất vui.

Tôi thích đi dạo với trẻ em (ở Làng Mai, chúng tôi có sự thực tập gọi là thiền đi hay thiền hành, nghĩa là đi trong chánh niệm). Giờ thiền hành nào các em cũng có mặt. Chúng tôi cùng nhau leo đồi, đi vào rừng và tận hưởng sự có mặt của nhau. Thiền hành được nửa đường, chúng tôi thường ngồi xuống và yên lặng tận hưởng vẻ đẹp của mùa hè. Các em luôn ngồi quanh tôi. Nhìn các em vui tươi, lắng dịu như vậy, tôi hạnh phúc lắm. Thiền hành là pháp môn tôi thích nhất, đặc biệt là khi có trẻ em đi cùng.

Điều đáng ngạc nhiên là trẻ em, ngay cả những em rất nhỏ, cũng thích tận hưởng sự yên lặng. Bởi đó không phải là một thứ im lặng nặng nề đáng sợ mà là một sự im lặng còn mạnh mẽ hơn cả lời nói. Ở Làng Mai, chúng tôi gọi đó là Im Lặng Hùng Tráng. Sự thực tập này có công năng nuôi dưỡng, trị liệu và mang lại sự bình an. Trẻ em cũng biết thiền hành trong im lặng, biết thưởng thức từng hơi thở chánh niệm. Chúng tôi cùng nhau chế tác năng lượng bình an và hạnh phúc. Không ai muốn xem ti-vi hay chơi điện tử cả và chúng tôi vẫn sống rất vui!

Các em thiếu nhi thích tới Làng không phải vì chúng tôi tổ chức giỏi. Không, chúng tôi không giỏi tổ chức đâu! Các em thích Làng là tại vì khi đến đây, các em được học về thiền hành, thiền tọa, tập thở trong chánh niệm. Cùng với nhau, chúng tôi chế tác năng lượng bình an, chánh niệm và vui tươi. Điều mà các em nhỏ được hưởng nhiều nhất khi đến Làng không phải là những bài pháp thoại hay những chương trình sinh hoạt mà chính là năng lượng tĩnh lặng, bình an của cả cộng đồng tu học nơi đây.

Phần chia sẻ

CẢ GIA ĐÌNH CÙNG THỰC TẬP CHÁNH NIỆM

Chia sẻ của sư cô Cúc Nghiêm, sư cô Anh Nghiêm, Làng Mai, nước Pháp

Tại Làng Mai, người lớn và trẻ em được học cách thực tập chung với nhau như một gia đình. Mọi sinh hoạt đều mở ra cho trẻ em, nhưng nếu thích thì các em có thể vui chơi ở bên ngoài. Ở Làng, chúng tôi không chỉ thực tập chánh niệm trong các sinh hoạt chính thức. Chúng tôi tạo ra nhiều phương tiện để giúp cho cả người lớn lẫn trẻ em thực tập dừng lại và trở về với giây phút hiện tại. Tại các trung tâm tu học của chúng tôi, chuông được thỉnh lên nhiều lần trong ngày và mỗi lần nghe chuông, mọi người có cơ hội dừng lại – dừng nói năng, dừng làm việc, dừng mọi sự di chuyển. Ngay cả các em nhỏ cũng học cách dừng lại khi nghe chuông, dù đang chạy nhảy và vui đùa với các bạn. Ai cũng quay về với hơi thở và đưa tâm về với thân trong giây phút hiện tại.

Khi người lớn dừng lại thì các em cũng theo đó mà dừng lại. Tất cả mọi người trong Làng đều dừng lại. Bạn hãy hình dung cảnh 500, 600 người cùng dừng lại để thở và buông thư cả thân tâm. Mọi người đều thực tập nên các em nhỏ dễ dàng hòa vào năng lượng thực tập ấy. Những giây phút như vậy diễn ra nhiều lần trong ngày và cứ như thế, sự thực tập chánh niệm trở nên rất đỗi tự nhiên, như không khí mà chúng ta thở và làm nên nếp sống của cộng đồng nơi đây.

Chúng tôi không hề có sự phân biệt giữa sự thực tập dành cho người lớn và sự thực tập dành cho trẻ em; bản chất của sự thực tập chánh niệm là như nhau đối với tất cả mọi người. Thông qua việc cùng nhau học hỏi và nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm trong khóa tu, các gia đình có thể biết cách áp dụng sự thực tập vào đời sống hàng ngày ở tại nhà.

Tưới tẩm những hạt giống đẹp và lành

Trẻ em cũng có nhu yếu tâm linh. Các em hoàn toàn có khả năng học hỏi và lớn lên trong đời sống tâm linh ấy. Khi sự thực tập tâm linh được truyền đạt một cách đơn giản và dễ hiểu, các em sẽ nếm được niềm vui và cảm nhận được lợi ích của nó. Chương trình sinh hoạt dành cho thiếu nhi mà chúng tôi tổ chức tại các trung tâm thực tập chánh niệm của Làng Mai mang các em đến gần nhau hơn, tạo một cảm giác gắn kết và thân thiết hơn. Đó là nơi mà các em có thể cảm nhận được bầu không khí vui tươi và đầy tình thương, điều mà không phải lúc nào các em cũng có thể tìm thấy nơi trường lớp.

Đôi khi, có những bậc phụ huynh giao con cho chúng tôi như muốn nói, “Con tôi đây, thầy/sư cô chỉnh đốn nó giúp tôi với”. Nhưng chúng tôi không hề có ý định chỉnh đốn các em. Chúng tôi cho trẻ không gian để được là chính mình. Chúng tôi chia sẻ sự thực tập với các em, nhưng trên hết, chúng tôi cho phép các em được là chính mình. Khi cảm thấy chán, các em được học phương pháp thực tập như: “Thở vào, mình cảm thấy chán; Thở ra, cảm thấy chán cũng không sao hết”. Chúng tôi cho các em không gian để nhận biết những cảm xúc của mình và chấp nhận những cảm xúc đó như nó đang là.

Mục đích của chương trình sinh hoạt dành cho thiếu nhi là chăm sóc, chia sẻ và giúp các em gắn kết với nhau dựa trên chánh niệm, trí tuệ và tình thương.

Căn phòng bình yên: Thiết lập không gian sinh hoạt dành riêng cho các em

Khi đến một nơi, ta cảm thấy yêu thích nơi đó hay không tùy thuộc rất nhiều vào năng lượng mà nơi đó tạo ra. Có những căn phòng được trang trí rất đẹp nhưng không cho ta cảm giác gần gũi, ấm cúng. Nhưng lại có những căn phòng thiếu màu sắc, ít đồ đạc nhưng lại thông thoáng và giản dị, tạo cho ta cảm giác dễ chịu. Chúng ta có thể cùng các em thiết lập và trang trí một không gian sinh hoạt mà các em yêu thích. Làm sao để cho căn phòng đó thực sự là một nơi nương náu cho các em cũng như những người chăm sóc các em. Bất cứ lúc nào, các em đều có thể đến đó, ngay cả ngoài giờ sinh hoạt chính thức. Trong căn phòng đó, chúng ta có đầy đủ những dụng cụ, vật liệu để hướng dẫn cho các em vẽ, làm thủ công, chơi trò chơi hay kể chuyện cho các em nghe. Và thêm một yếu tố vô cùng quan trọng mà chúng ta cần tạo ra cho căn phòng này, đó là: sự bình an.

Muốn cho căn phòng trở thành một không gian thiêng liêng, ta có thể chọn một góc phòng để đặt một cái bàn và trên đó ta có thể bày một tượng Bụt, tượng Bồ tát hoặc một tấm thư pháp, một bát nhang, một hai cây nến, một bình hoa tươi hay một chậu cây nhỏ… Ngày đầu tiên của khóa tu, khi ba mẹ và các em bước vào căn phòng này, chúng ta mời mọi người để giày dép bên ngoài. Khi đã ổn định chỗ ngồi, chúng ta mời mọi người nhắm mắt lại và thử tưởng tượng chúng ta vừa bước vào một không gian mới, hoàn toàn không giống với không gian bên ngoài kia. Một nơi mà thời gian dường như chậm lại và con người cũng trở nên chậm lại. Họ bớt hối hả, bớt lao xao. Bước chân ai cũng trở nên thong thả hơn; họ lắng nghe sâu sắc hơn, lời nói cũng nhẹ nhàng hơn và không ai cần lớn tiếng với ai. Chúng ta có thể mời mọi người đến trước bàn thờ để xá Bụt hoặc đơn giản chỉ là để ngắm nhìn những đồ vật trên bàn thờ. Đôi khi, ta có thể hát chung với nhau vài bài trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt để tạo không khí gần gũi, gắn bó.

Thắp lên một nén hương có thể làm cho không gian thêm phần đặc biệt và yên lắng. Ta có thể thắp một nén hương trước giờ sinh hoạt đầu tiên hoặc trước giờ sinh hoạt cuối cùng trong ngày để giúp các em tiếp xúc với năng lượng bình an của căn phòng. Sau đó, các em tha hồ chạy nhảy, chơi đùa trong căn phòng này. Ít nhất hai lần trong ngày, chúng ta hướng dẫn các em quay về và tiếp xúc với nguồn năng lượng bình an đó.

Các bạn có thể áp dụng những điều chia sẻ ở trên và điều chỉnh cho phù hợp để tạo một không gian bình an trong lớp học hay ở gia đình. Mỗi khi bước vào lớp, các em có thể thực hiện một nghi thức nhỏ để ý thức về cơ thể, về hơi thở cũng như tiếp xúc với sự bình yên trong tâm hồn. Thay vì cởi giày ra hay chắp tay xá chào Bụt, các em có thể vươn vai và thở ba hơi thật sâu trước khi ngồi xuống ghế. Hoặc các em có thể đặt trên bàn học của mình một viên sỏi, trước khi ngồi xuống ghế, các em có thể cầm viên sỏi lên và thở ba hơi. Các em cũng có thể hát chung với nhau một bài hát nhẹ nhàng nào đó.

Những ý tưởng để chuẩn bị một phòng sinh hoạt cho trẻ

Làm một tấm bảng hoặc tấm biểu ngữ chào mừng trên đó có đề tên tất cả các em và treo ngay cửa ra vào.

  • Treo một tấm bảng (hay poster) trong đó có Hai lời hứa lên tường ngay từ buổi sinh hoạt đầu tiên để các em thường xuyên nhìn và ghi nhớ sâu hơn.
    • Vẽ những bức tranh về thiền sỏi và treo lên tường để các em có thể ghi nhớ về bốn yếu tố: Hoa – tươi mát, Núi – vững vàng, Nước tĩnh – lặng chiếu, Không gian – thênh thang.
    • Dán lên tường Lời quán nguyện trước khi ăn dành cho thiếu nhi để các em đọc thường xuyên.
  • Dùng giấy phủ kín nửa dưới của một hoặc nhiều bức tường để trẻ có thể trang trí lên đó trong suốt khóa tu. Đây là bức tranh tường chung do các em tạo ra.

Phần chia sẻ

CHƠI CÙNG TRẺ VỚI TÂM KHÔNG MONG CẦU

Thầy Pháp Dung, tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ

Không có một lằn ranh rõ ràng giữa cái gọi là “thực tập (chánh niệm)” và “không thực tập”. Thực ra, cách hay nhất và hiệu quả nhất là chúng ta có mặt hết lòng với các em mà đừng mang theo tư tưởng là mình đang dạy các em về “thực tập”. Sự có mặt nhẹ nhàng, bình dị của chúng ta là yếu tố căn bản khiến cho buổi sinh hoạt trở nên vui vẻ, hứng thú. Cách ta giao tiếp và ứng xử với trẻ, phẩm chất của sự có mặt, lòng yêu thương và sự ấm áp của ta chính là những điều mang lại lợi ích cho trẻ nhất. Với sự thoải mái, không gắng gượng, chúng ta có thể chia sẻ với các em những điều kỳ diệu và niềm vui trong các sinh hoạt.

Chỉ cần có mặt

Sự thực tập căn bản của chúng ta là có mặt cho tự thân và cho những người xung quanh. Chánh niệm giúp chúng ta nhận diện những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Khi chúng ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, ta sẽ dễ dàng cảm nhận được trẻ và bầu không khí đang diễn ra. Có mặt như vậy là một điều kỳ diệu và cốt lõi của nó là sự thực tập không mong cầu (hay vô nguyện), đón nhận những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại với sự nhẹ nhàng, thoải mái.

Chúng ta bước vào không gian của trẻ và hòa mình vào vòng tròn của các em mà không đòi hỏi hay trông đợi bất cứ điều gì. Chúng ta dành cho các em thật nhiều không gian và thời gian, không có gì phải vội. Và rồi, từ một nụ cười, một lời chia sẻ cởi mở, mọi thứ tự nhiên diễn ra trôi chảy, nhịp nhàng.

Không có một quy tắc cứng nhắc nào có thể áp dụng khi vui chơi cùng trẻ em. Cũng không có một phương pháp cụ thể nào, ngoại trừ sự tò mò, hiếu kỳ như thể chúng ta đang tham dự vào một hành trình khám phá miền đất lạ, bằng tất cả sự chú tâm và năng lượng của mình, trong một trạng thái tỉnh thức, sẵn sàng khám phá.

Vì vậy, chơi cùng trẻ em chỉ đơn giản là có mặt trọn vẹn với các em. Hãy để cho các em được thể hiện bản thân như các em đang là, qua cách các em nói cười, đi đứng, chơi đùa, ước mơ… Chơi với trẻ cũng có nghĩa là mở lòng chấp nhận những gì xảy đến và khéo léo thích ứng để cho ta có thể giữ được năng lượng vui vẻ, đồng thời thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc của mình đối với trẻ. Hãy để những tương tác giữa ta với các em linh động như là thiền tập.

Hợp nhất và đa dạng

Đôi khi chúng ta chia các em thành nhiều nhóm nhỏ theo độ tuổi hoặc theo ngôn ngữ, vì có thể các em cảm thấy thoải mái hơn trong những nhóm nhỏ. Tuy nhiên, một số em lại cảm thấy được chấp nhận và được ôm ấp khi sinh hoạt trong một vòng tròn lớn gồm nhiều bạn nhỏ thuộc nhiều độ tuổi và đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đây cũng là cơ hội để các em trải nghiệm sự khác biệt về văn hóa và tuổi tác. Điều quan trọng là các em được chứng kiến sự hòa nhập của các bạn được coi là “hơi khó gần” hoặc “hơi khác biệt” và học được cách ôm lấy những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tuổi tác.

Học và chơi một cách tự nhiên

Lên kế hoạch cho một hoạt động cũng rất hay nhưng đôi khi để cho hoạt động đó diễn ra một cách tự nhiên, linh hoạt cũng rất thú vị. Khi lên kế hoạch cho một buổi sinh hoạt, chúng ta cần đảm bảo là trong kế hoạch đó có sự linh hoạt. Tùy theo mức năng lượng của các em mà ta có thể điều chỉnh các sinh hoạt cho phù hợp. Ví dụ như, khi các em có nhiều năng lượng thì cho các em sinh hoạt ngoài trời. Đôi khi cho các em thực tập thiền buông thư lại là một phương án hay, vì tình trạng dư thừa năng lượng của các em có thể là dấu hiệu cho biết các em đang mệt. Khi các em có sự yên lắng và chú tâm, ta có thể tổ chức những hoạt động trong nhà như vẽ tranh, làm thủ công hoặc kể chuyện. Không có một công thức nào cho những sinh hoạt tự phát như vậy. Sự chú ý và sự linh hoạt, uyển chuyển của chúng ta là điều tối cần thiết để cho những khoảnh khắc tương tác và sáng tạo có thể xảy ra.

Phút giây thử thách: những mẩu chuyện cá nhân

Khi chơi với trẻ, mỗi người trong chúng ta đều có những giây phút mà ta cảm thấy gắn kết và học hỏi được rất nhiều từ trẻ. Những giây phút như thế đọng mãi trong ký ức của chúng ta, khiến cho việc chăm sóc các em trở nên thật ý nghĩa. Chính các em dạy cho chúng ta thấy rõ hơn về bản thân, về những tri giác và cả sự mong manh dễ thương tổn của chúng ta.

Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng là người lớn thì phải luôn kiểm soát mọi chuyện và biết rõ việc mình đang làm. Chúng ta nghĩ mình không bao giờ nên để cho các em thấy được sự dễ tổn thương hay mất kiểm soát của mình. Thế nhưng, đôi khi phép mầu lại xảy ra khi người lớn bộc lộ những cảm xúc thật nhất và những điểm yếu của mình trước mặt các em trong giây phút ấy. Chúng ta có thể thành thật với chính mình, thành thật với những gì đang xảy ra và buông bỏ ý niệm là mọi việc lẽ ra phải như thế này, như thế kia. Ta chỉ cần ôm lấy giây phút hiện tại và hoàn toàn chấp nhận những gì đang diễn ra trong giây phút ấy như nó đang là. Khi bạn thực sự chấp nhận và ôm lấy giây phút hiện tại thì một sự chuyển biến sẽ xảy ra trong các em cũng như trong năng lượng chung của cả tập thể.

BỊ PHẢN BỘI

Chia sẻ của thầy Pháp Dung, tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ

Lần đó, tôi đang hướng dẫn thiền sỏi cho một nhóm khoảng 40 đến 50 em và mọi chuyện đã diễn ra không như tôi dự tính. Các em thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ chập chững tập đi cho đến các em tuổi thiếu niên (tuổi teen). Trong nhóm có 4 – 5 em trai tỏ vẻ không thích nghe hướng dẫn mà chỉ thích làm cho tôi mất tập trung. Tôi đã từng gần gũi, chăm sóc và chơi với các em trai này khi các em đến tu viện cùng gia đình. Nhưng giờ đây thật là khó xử khi các em cứ liên tục gây gián đoạn mỗi khi tôi chia sẻ. Việc này cũng làm ảnh hưởng đến các em khác. Trán tôi vã mồ hôi. Mọi người trong phòng cũng đã nhận thấy tình trạng khó khăn đó. Tất cả đều đang chờ xem liệu có ai đó có thể tái lập lại bầu không khí lắng dịu trong căn phòng hay không. Cũng bởi thân thiết với đám trẻ này, tôi không muốn người huynh đệ của tôi mời các em đó ra ngoài. Nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy mình bị các em trai này phản bội. Các em làm tôi bẽ mặt trước mọi người. Tôi cảm thấy tổn thương và tức giận.

Khi tôi giơ viên sỏi lên lần thứ ba và nói: “Đây là viên sỏi đầu tiên tượng trưng cho bông hoa, là khả năng sống tươi mát trong ta”, thì sự quấy quá của các em lên đến mức không thể chịu đựng được nữa. Mồ hôi chảy trên mặt, tôi thả tay xuống, nhắm mắt lại và bắt đầu theo dõi hơi thở. Tôi buông hết mọi chuyện. Tình huống này vượt ngoài khả năng kiểm soát của tôi. Mọi người trong phòng ngồi im phăng phắc và chờ đợi tôi mở lời trở lại. Tôi cảm nhận hơi nóng trong mình từ từ dịu xuống khi tôi thừa nhận cơn giận và sự tổn thương của mình. Tôi nói: “Thở vào, tôi đang bị tổn thương. Thở ra, tôi chấp nhận mình đang bị tổn thương.” Một sư cô thỉnh lên một tiếng chuông. “Thở vào, tôi cảm thấy bị những người bạn của mình phản bội. Thở ra, tôi mỉm cười với những người bạn ấy với lòng thương yêu và hiểu biết.” Tôi cứ tiếp tục làm thiền hướng dẫn như vậy trong một lúc, thực tập nhận diện cảm xúc của tôi và đặc biệt là nhận diện những gì đang diễn ra trong căn phòng. Ai cũng biết chuyện gì đang diễn ra nhưng không ai biết nên làm gì.

Một khi ta tôn trọng và chấp nhận tình huống xảy ra thì mọi chuyện sẽ thay đổi. Theo lời dạy của Thầy[1] chúng tôi, ta cần gọi tên tình huống đó bằng “tên thật của nó”. Các em trai nhận ra ngay, rằng mọi người đang chú ý đến mình và các em cũng nhận ra mình đang làm gián đoạn giờ sinh hoạt của cả nhóm. Tôi cảm thấy các em hiểu ra điều này vì tư thế của các em bắt đầu thay đổi. Các em ngồi thẳng lưng lại, giữ im lặng và bắt đầu chú ý lắng nghe những gì đang diễn ra trong nhóm.

Vậy là buổi thực tập thiền sỏi sáng hôm đó đã chuyển thành buổi thực tập chăm sóc cảm xúc và đối diện với những thách thức. Chúng tôi đã hỏi cảm giác của các em như thế nào khi có ai đó làm cho mình mất tập trung và các em sẽ xử lí như thế nào khi cảm thấy buồn hay bực bội, khó chịu. Buổi chia sẻ đó hóa ra là một trải nghiệm quý báu cho tất cả mọi người trong nhóm.

Bây giờ, nhìn lại chuyện đã qua, tôi thấy lẽ ra tôi nên chia các em thành hai nhóm và xử lí các em trai làm ồn sớm hơn. Tôi cũng thấy rằng tôi đã bám chặt vào ý niệm sẵn có trong đầu là buổi sinh hoạt sáng hôm đó phải như thế này, như thế kia. Vì vậy, khi sự việc xảy ra, tôi kháng cự lại, cố gắng ép mọi thứ phải diễn ra theo ý mình. Tôi đã không tôn trọng cảm xúc của mình. Lúc đó, tôi có thể mời các em trai kia ra khỏi phòng và mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Tuy vậy, trải nghiệm này là một món quà cho bản thân tôi, bởi lẽ tôi nhận ra rằng khi tôi thành thật nhận diện và tôn trọng những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại, dù giây phút đó chứa đầy buồn giận hay cảm xúc gì đi nữa, thì có một sự chuyển biến xảy ra trong tâm thức tôi. Và sự chuyển biến đó cũng xảy ra trong tâm thức chung của cả nhóm.

BỒ TÁT BƯỚM TRẮNG

Chia sẻ của thầy Pháp Dung, tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ

Buổi tối hôm đó, các em đang ngồi thành vòng tròn, vừa hát vừa múa thì có một chú bướm to màu trắng bay vào vòng tròn múa lượn cùng chúng tôi. Chú bướm đậu trên tấm thảm ngay cạnh tôi, tôi quỳ xuống chào người bạn mới. Tôi chỉ vừa nói: “Ồ hay chưa nè các em, một bạn bướm trắng xinh đẹp đang cùng hát múa với chúng ta đó”, thì một em trai tiến nhanh về phía trước và đạp mạnh lên chú bướm. Rồi vài em trai nữa xông tới xúm nhau giẫm đạp thêm. Một em gái hét lên hoảng hốt trước cảnh tượng đó, các em khác cũng bị sốc. Các thầy, các sư cô trong nhóm dỗ dành và trấn an các em. Tôi nhặt xác chú bướm tội nghiệp đem ra ngoài để trả chú về cho đất mẹ. Khi tôi trở lại, căn phòng im phăng phắc. Tôi bước vào giữa vòng tròn, ngồi xuống nhắm mắt lại và theo dõi hơi thở. Sư em tôi thỉnh lên một tiếng chuông.

Tôi bắt đầu cầu nguyện cho chú bướm đáng thương và bày tỏ sự hối tiếc về những vụng về, lầm lỡ của chúng tôi: “Bạn bướm trắng thân mến ơi, xin thứ lỗi cho chúng tôi vì đã không biết nhận diện vẻ đẹp của bạn, món quà mà bạn mang đến cho chúng tôi. Vì khờ dại, bạo động và vụng về mà chúng tôi đã đánh mất bạn. Nguyện cầu cho bạn được bình an và không quá đau đớn khi lìa xa nơi này. Chúng tôi cũng rất đau lòng vì những gì đã xảy ra. Bạn đến để chia sẻ với chúng tôi sự mầu nhiệm của bạn, hiến tặng điệu múa và tình thương của bạn. Vậy mà chúng tôi không nhận ra, mắt chúng tôi bị che mờ bởi sự phấn khích, bởi thói quen giết hại các loài sinh vật nhỏ bé và thiếu khả năng bảo vệ sinh mạng cho mọi loài. Đây không phải là lỗi của riêng một cá nhân nào, bởi lẽ mọi người đều có trách nhiệm trong chuyện này. Chúng tôi xin hứa lần sau sẽ làm tốt hơn. Chúng tôi hứa sẽ tôn trọng sự sống của mọi loài: cỏ cây, muông thú và cả những con sâu, con kiến bé nhỏ. Chúng tôi hứa sẽ không giết hại, không để năng lượng bạo động lấn át khiến chúng tôi tàn hại những gì đẹp lành trên thế giới này”. Sau đó, chúng tôi mời từng em chia sẻ cảm xúc của mình, để các em nói lên sự tổn thương, nói lời xin lỗi và xin chú bướm tha thứ cho lỗi lầm vụng dại của mình. Có em chia sẻ: “Cảm ơn bạn bướm trắng tới chơi với chúng em”, bạn nhỏ khác nói: “Xin lỗi bạn bướm nhé, chúng em làm bạn đau, làm bạn phải chết”, “Chúng em hy vọng bạn sẽ không sao cả”. Sau khi các bạn trai hối lỗi và từng em chia sẻ cảm xúc của mình, năng lượng của căn phòng bắt đầu thay đổi, các em gái cũng dịu lại và nín khóc.

Trải nghiệm này lại mở ra một cuộc thảo luận trong cả nhóm. Chúng tôi nói về loài muỗi, sâu, bướm, cũng như các sinh vật nhỏ bé đang có mặt quanh ta và cách chúng ta nên đối xử với các loài sinh vật đó. Các em cũng thấy rằng các loài sinh vật đều ham sống sợ chết như chính chúng ta. Buổi chia sẻ hôm ấy hóa ra lại là một trong những buổi chia sẻ sâu sắc nhất về Hai lời hứa mà tôi từng chứng kiến. Xin cảm ơn Bồ Tát bướm trắng, vì món quà mà bạn hiến tặng cũng như sự hy sinh của bạn.

MỘT CÁI ÔM

Chia sẻ của sư cô Anh Nghiêm, tu viện Bích Nham, Hoa Kỳ

James là một cậu bé 7 tuổi. Cậu ấy có hai người bạn thân là Paul (7 tuổi) và Yves (8 tuổi). Ba cậu bé này chơi với nhau rất thân. Trong nhóm còn có bốn em gái khác nữa. Khi nhóm sinh hoạt chung với nhau, chỉ có các em gái chịu nghe lời tôi, còn James và các cậu bạn lại ngầm “nổi loạn” và không chịu nghe theo những ý kiến hay đề nghị của tôi.

Khi cả nhóm đi dạo thì các em chạy đi, tự bày trò chơi một mình. Chúng tôi làm thủ công hay tô màu trong phòng thì các em lại chạy đùa bên ngoài. Chúng tôi chơi trò đóng kịch thì các em bày một trò khác. Cứ như vậy suốt một tuần. Tôi bối rối không biết phải làm gì. Tôi không muốn lớn tiếng và ép buộc các em phải làm điều này, điều kia, nhưng tôi thể hiện cho các em biết rằng khi nào các em thích sinh hoạt với nhóm thì các em vẫn có thể tham gia.

Vào buổi tối cuối cùng trong tuần, chúng tôi tổ chức lễ Bông hồng cài áo để tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Cuối buổi lễ, hai mẹ con James đến bên tôi, cậu bé rụt rè nép sau lưng mẹ. Mẹ của James hỏi liệu James có thể ôm tôi một cái được không. Tôi quá sức ngạc nhiên. James bẽn lẽn bước đến gần tôi, trông không ra dáng thủ lĩnh của nhóm quậy phá chút nào. Ôm em vào lòng, tôi cảm thấy hạnh phúc ngập tràn và tôi cũng để ý không ôm em quá chặt. Sau ba hơi thở, James vẫn chưa rời tôi. Em càng ôm tôi chặt hơn nữa.

Lúc đó tôi mới nhận ra rằng James đã cảm nhận và tiếp thu hết mọi thứ trong suốt tuần vừa rồi. Điều James nhận được không phải các sinh hoạt chúng tôi tổ chức, mà chính là thái độ chấp nhận của tôi dành cho em và cho các bạn của em. Cách chúng ta sống, cách chúng ta tiếp xử với các em là điều các em ghi nhớ sâu đậm nhất.

HÁT LÊN MỘT CÂU CHUYỆN

Chia sẻ của một tình nguyện viên trong chương trình thiếu nhi

Hôm ấy, tôi ngồi chơi và bắt đầu kể chuyện cho một nhóm các em nhỏ 6 tuổi. Trong khi tôi đang kể chuyện, có một em trai cứ ngồi đó hát nghêu ngao một mình. Tôi ngừng kể chuyện và em vẫn tiếp tục hát. Tôi nhẹ nhàng hỏi em: “Cô kể chuyện tiếp được không?” Em không trả lời nhưng tỏ thái độ hơi lạ lùng. Rồi tôi tiếp tục kể chuyện, trong khi em ấy vẫn tiếp tục với giọng hát như đọc của mình. Đột nhiên tôi cảm thấy mình thích nghi với giọng của em và để giọng hát ấy dẫn dắt giọng kể chuyện của mình. Câu chuyện tôi kể bỗng mang nhiều màu sắc và xúc cảm mà tôi chưa từng trải qua. Tất cả chúng tôi đều như bị cuốn vào câu chuyện. Em trai này vẫn tiếp tục ngân nga trong hơn một tiếng tôi kể chuyện. Các giáo viên cảm thấy rất thú vị. Sau đó, tôi mới biết cậu bé ấy bị bệnh tự kỉ, em chẳng bao giờ lắng nghe câu chuyện nào quá mười phút. Dù sao tôi cũng thầm cảm ơn em vì bài học em đã dạy tôi hôm ấy.

GIEO TRỒNG HẠT GIỐNG BÌNH AN

Chia sẻ của sư cô Định Nghiêm

Trong những khóa tu mùa hè đầu tiên tại xóm Mới (Làng Mai), tôi thường chăm sóc các em nhỏ nói tiếng Pháp. Mỗi ngày, tôi được học hỏi và được nuôi dưỡng rất nhiều từ các em. Quả thật là chăm sóc các em cũng khá vất vả, vì các em có nhiều năng lượng lắm, nhưng đó cũng là phần thưởng cho tôi vì các em đón nhận tình thương của tôi rất dễ dàng và tôi cũng nhận được rất nhiều tình thương từ các em. Những gì tôi làm cho các em đều có thể cho hoa trái ngay lập tức. Các em chia sẻ với tôi niềm hạnh phúc khi ở Làng Mai dù chúng tôi chỉ có vài món đồ chơi đơn giản cho các em. Các em nói rằng các em vui vì khi ở Làng, cha mẹ của các em nói chuyện nhỏ nhẹ và cư xử nhẹ nhàng hơn khi ở nhà. Các em thích ở Làng vì thấy được sự thay đổi của cha mẹ mình.

Các em làm tôi bất ngờ mỗi ngày. Các em luôn luôn cựa quậy và lao nhao trong suốt giờ pháp thoại nhưng sau đó tôi hỏi câu gì liên quan đến bài pháp thoại thì các em đều biết. Khi trở về lại nhà, chính các em là người ghi nhớ và duy trì sự thực tập lâu hơn cả cha mẹ mình. Các em như một tờ giấy trắng vậy. Nhìn lại thời gian tôi được tới chùa lúc còn nhỏ xíu, hồi đó tôi cũng ghi nhớ mọi thứ. Khi chăm sóc cho các em tại Làng Mai, tôi thấy các em đích thực là tiếng chuông chánh niệm cho tôi, các em đã giúp tôi rất nhiều trong sự thực tập. Tôi làm gì, nói gì, các em đều ghi nhớ suốt mấy năm trời. Tôi chỉ muốn vẽ lên những trang giấy trắng ấy những gì đẹp và lành nhất mà thôi.

Tôi nhớ có một lần, các em cứ nhốn nháo gây ồn làm tôi mệt mỏi quá chừng. Chỉ sau một tuần, tôi bị mất tiếng luôn. Các em xúm nhau la hét, chạy nhảy, làm đủ thứ mà các em muốn. Quá mỏi mệt nên tôi nằm xuống đất, lúc đó, các em gái bảo các em trai: “Im lặng nào, nhìn sư cô Định Nghiêm nè, sư cô mệt vì chúng ta ồn ào quá.” Rồi các em tự lắng xuống mà chẳng cần tôi phải nói gì. Chúng tôi thương yêu nhau nên khi thấy tôi mệt là các em tự động tìm cách giúp tôi hết mệt.

Tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất mà ta có thể trao truyền cho các em chính là cách sống của chúng ta. Trẻ em rất nhạy cảm. Các em không sống bằng lý trí mà sống bằng cảm xúc. Vậy nên, sự có mặt trọn vẹn, lắng dịu, nhẹ nhàng và bình an là món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho các em. Và chúng ta cần thực tập để có thể chế tác được những phẩm chất này.

Cách tốt nhất để trao truyền sự thực tập cho các em là kể chuyện và cho các em biểu diễn những câu chuyện ấy qua hình thức kịch. Các em cũng thích thực tập Làm mới và Thiền trà với ba mẹ. Vì vậy, sẽ rất hay nếu ta mời ba mẹ các em tới tham dự những buổi sinh hoạt này. Lần nào chúng tôi tổ chức các buổi sinh hoạt như vậy, cả ba mẹ và các em đều rất xúc động và hạnh phúc.

Có nhiều em mỗi năm đều về Làng, vì vậy, tôi được chứng kiến các em lớn lên. Mùa hè năm ngoái, tôi nghe nói các em nhỏ thành lập một tăng thân và thường xuyên liên lạc với nhau. Khi về Làng, các em cùng nhau tạo thành một nhóm, rồi chào đón các bạn mới, làm các bạn cảm thấy dễ chịu. Các em chơi với nhau rất vui vì vậy dù bước qua tuổi thiếu niên, nhiều em vẫn muốn ở lại trong chương trình trẻ em.

Nhìn các em, tôi có thể thấy được tương lai đạo Bụt ở phương Tây. Sự thực tập chánh niệm giờ đây đã trở nên thân thuộc, tự nhiên đối với các em. Vì đã được học từ khi còn nhỏ nên khi lớn lên, sự thực tập trở thành điều rất đỗi bình thường và là sự sống của các em. Các em nắm được tinh yếu của sự thực tập mà không còn bị mắc kẹt vào những lập luận của trí năng. Vì vậy, tôi tin là các em sẽ biết cách sáng tạo và làm cho sự thực tập chánh niệm phù hợp hơn với xã hội phương Tây trong tương lai.

LÀNG MAI: NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CÁC EM NHỎ

Chia sẻ của Michele Hill, Hawaii, Hoa Kỳ

Hè năm nay, tôi đã bay nửa vòng Trái đất từ Hawaii đến đất Pháp để tham dự một khóa tu tại Làng Mai. Có lẽ điều ấn tượng nhất đối với tôi là vai trò của các em nhỏ tại trung tâm tu học này. Ở những trung tâm tu thiền mà chúng tôi theo học, hiếm khi nào thiền sinh dẫn con đến tham dự một khóa tu thiền. Những người chỉ ghé thăm trong thời gian ngắn thì phải tự lo chăm sóc con cái của mình trong thời gian ở tu viện. Ở Làng Mai, tôi nhận thấy các em nhỏ không đơn thuần là có mặt mà còn là trung tâm của cộng đồng. Các em cũng có công việc cụ thể trong thiền đường như thỉnh chuông, hướng dẫn thiền trà và tham gia vào các nghi lễ. Sinh hoạt nào các em cũng được tham dự và mọi người quan tâm đến các em một cách khá tự nhiên.

Trong nhiều buổi chia sẻ theo nhóm, Thầy – Thiền sư Thích Nhất Hạnh – đã mời mọi người cùng thảo luận về chủ đề: làm thế nào để trẻ em có thể cùng thực tập với người lớn. Trẻ em có vẻ thích các buổi lễ, các nghi thức, nhạc và trò chơi. Ba mẹ các em nói rằng chính các em là người luôn nhớ chắp tay thể hiện lòng biết ơn trước khi ăn, luôn biết nhận diện những cái đẹp trong những nghi thức nho nhỏ như xá chào khi bước vào thiền đường.

Thầy từng nói rằng nếu anh không giải thích được cho các cháu nhỏ hiểu anh đang làm gì thì có thể điều anh đang thực hành chưa phải là sự thực tập chân chính. Trẻ em cần hiểu và được tham gia vào những gì chúng ta đang thực tập, nếu đó là một đạo Bụt chân chính. Thầy cảm thấy trẻ em có thể hiểu được hết những ý niệm thâm sâu nhất của đạo Bụt, những ý niệm mà cốt lõi của nó thật ra vô cùng đơn giản và rõ ràng, chẳng hạn như “Bạn là tôi và tôi cũng là bạn”, “có hiểu mới có thương”, “khi một ngón tay bị đau thì cả bàn tay cũng đau theo”.

“Chúng ta phải tìm ra những phương pháp thực tập làm cho các em cảm thấy vui thích. Điều này rất quan trọng. Sẽ rất thiếu sót nếu các em không được tham gia thực tập cùng người lớn. Khi các em được tham gia thì cả gia đình có cơ hội thực tập chung với nhau, rất vui.” Những lời của Thầy thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi thường nghe bạn bè mình than vãn rằng họ bị giằng xé giữa việc có mặt cho con cái và thiền tập. Có những phụ huynh mà công việc đòi hỏi phải vắng nhà nhiều, họ cảm thấy miễn cưỡng xa con vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần để có thể thiền tập. Một số gia đình trong nhóm thiền tập của chúng tôi đã từng cố gắng nhưng họ không thành công. Tôi nghĩ rằng cho các em tham gia thực tập chung với người lớn là một giải pháp hay, có thể giải quyết được nhiều vấn đề và làm phong phú thêm trải nghiệm của tất cả chúng ta. Thầy từng nói: “Sự thực tập của chúng ta sẽ không thể thành tựu nếu không có sự yểm trợ của trẻ em. Nếu không có trẻ em cùng tham gia thì thiền tập của chúng ta chẳng khác nào một sự trốn chạy khỏi gia đình và xã hội.”


[1] Những từ Thầy viết hoa trong sách có ý chỉ Thiền sư Thích Nhất Hạnh. (BT)