Trong cuộc tương phùng

Ai mang đến sắc thu
Mà rạng ngời quá đỗi
Phong, sồi, đỏ vàng xanh
Ngập cả lối thiền hành…

Một cảm giác hân hoan và tròn đầy đưa tôi trở về kiểm chứng lại sự có mặt đích thực của mình trong thời gian qua. Tự nhiên, tôi muốn ngồi xuống thật yên để viết lại khoảnh khắc của cái “đâu là cội nguồn và đâu là đích đến”, để nhìn lại chặng đường tu học gần mười năm qua của mình.

Hạt sồi năm xưa

Tôi đang mãi mân mê hạt sồi trong túi áo thì câu hỏi đi lên trong đầu: Tại sao tôi chọn con đường “đầu tròn áo vuông”, để giờ này tôi có thật nhiều không gian ngắm từng chiếc lá sồi vàng – đỏ – chín? Ngày xưa, ba tôi không tán thành chuyện con gái ba đi tu, mà chỉ thích con gái học hành, đi làm thành đạt bên ngoài vì đó là ước mong và niềm tự hào của ba. Hồi đó, tôi đồng tình quan điểm của ba là sống sao cho thực tế. Ba vô cùng phản đối chuyện em họ tôi đi tu vì cho rằng bỏ nhà đi tu là không biết thương ba mẹ và thương các em còn nhỏ. Em tôi đi tu lúc tôi đang ở Sài Gòn. Tôi có nhiều thắc mắc nhưng vì tôn trọng quyết định của em nên tôi đành im lặng.

Khi âm thầm không yểm trợ chuyện đi tu của em mình, tôi biết, hạt giống muốn tu trong mình chưa được gieo xuống. Đến khi ba mất, kèm thêm vài khổ đau trong hành trình 35 năm sống ngoài đời đã làm thân tâm tôi kiệt sức. Bay về Huế lo hậu sự cho ba, tôi cảm được trong tôi như đang có tiếng gọi rất lạ. Phải chăng đó là tiếng kinh khuya, là tiếng chuông đại hồng, là hồn thiêng sông núi trong tiềm thức thúc giục tôi trở về? Trở về đâu thì tôi không biết rõ. Khi nghe tiếng tụng kinh trong tang lễ, tôi biết được đây đích thực là tiếng gọi của tiềm thức tôi. Càng nghe nước mắt tôi càng chảy dài vì lời kinh hay quá, nó đang chạm vào khối u buồn nặng trĩu trong lòng bấy lâu. Tôi ngồi yên lắng nghe như đang có ai cho mình uống ly nước mát vào buổi trưa hè. Cảm giác lâng lâng khó tả lúc đó khiến tôi ghi nhớ và nuôi nó mỗi khi có dịp đến chùa nghe kinh lạy Bụt.

 

 

 

Cảm giác này tiếp tục đưa tôi trở về thăm viếng lại vùng ký ức xưa. Hồi ba còn sống, ba hay chở anh em tôi đi chùa thăm sư bà Diệu Không, người mà ba tôi gọi bằng cô trong dòng họ Hồ Đắc. Ba thân với sư bà lắm, và tôi cảm được sư bà cũng rất thương và quý ba tôi. Về nhà tôi hay nghe ba kể chuyện về sư bà nhưng tôi không mấy để tâm lắng nghe. Sau này lớn lên và ít có dịp về Huế, những câu chuyện về sư bà cũng ít được nghe ba kể. Thế nhưng đâu đó trong tiềm thức tôi lại đi tìm các chùa ni ở Sài Gòn để gởi gắm hạt mầm muốn đi tu. Trong khi đang loay hoay tìm kiếm, tôi tình cờ liên lạc được với em tôi đang tu học ở Làng Mai. Hồi đó, tôi chưa biết gì về con đường em mình đang đi, đi tu với ai, bên Pháp có gì hay và cuốn hút em quá vậy? Thấy em nhờ vả vài chuyện thì tôi giúp thôi, đến sư cô này, liên lạc thầy kia, xong việc thì về. Nhưng khi đến nơi tiếp xúc với quý thầy, quý sư cô từ Pháp về, tôi bị cuốn hút bởi phong thái trẻ trung, nhẹ nhàng, tươi mát và dễ gần của họ. Sau nhiều lần tiếp xúc và gieo duyên, hạt mầm muốn đi tu cứ tự nhiên tìm đất để cắm rễ, đâm chồi.

Thế rồi tôi có mặt tại xóm Hạ xin tập sự xuất gia vào tháng tư năm 2012. Có những hôm tôi thật xúc động khi đứng nhìn các sư cô làm việc nhịp nhàng như một đàn ong, hay thấy các sư cô vui đùa bên bàn ăn đạm bạc trong ngày làm biếng. Cái không khí chị em thân quen quá, giống như trong tiềm thức tôi đã có sẵn đâu đó từ thuở nhỏ. Đôi khi ba me nhìn các con ăn cơm mà hạnh phúc dâng tràn lên ánh mắt, dù bữa ăn chỉ là nước mắm với dưa cà. Anh em chúng tôi luôn pha thêm những tiếng cười giòn tan, ấm áp như những bát canh nóng hổi trong ngày đông giá rét. Vui lắm những ký ức tuổi thơ đang ngự trị trong tôi mỗi khi tôi bắt gặp những cái đẹp và những điều thật nuôi dưỡng từ nếp sống tăng thân.

 

Khi quyết định viết thư cho Thầy để thỉnh nguyện xuất gia, cái chấn động nhiều nhất khiến tôi muốn quay về sống với tăng thân lập tức, đó là giá trị của một nếp sống. Nếp sống người tu cuốn hút tôi rất mạnh, mà cửa ngõ đi vào tâm thức tôi là cách sống bình dị, đơn sơ và mộc mạc nhưng lại sâu sắc vô cùng. Nó có chất tâm linh, mà cũng rất nhiều “chất Huế” qua cung cách tiếp xử “Dạ, thưa” hay cái chắp tay chào hỏi mà ở chùa thường hay gọi là uy nghi, là văn hoá người xuất sĩ. Niềm vui tràn dâng khi tôi được tiếp nhận cái tên Trăng Tịnh Thường trong ngày xuất gia. Thầy gởi gắm nơi tôi lời nhắn nhủ “nếp sống tịnh thường nghe con”. Không hiểu sao tôi có niềm tin sáng tỏ rằng, chính nếp sống bình dị, tri túc và biết đủ này sẽ là con đường đưa tôi tìm về chính tôi, về gặp lại tổ tiên huyết thống. Và tôi sẽ thu nhặt vô vàn châu báu trên đường đồng hành cùng Thầy và tăng thân. Đường về tương lai rạng ngời mở lối kể từ giây phút “tôi được làm con của Thầy và tăng thân”. Hạt sồi năm xưa giờ đây đã tìm được mảnh đất phù hợp, để được cắm rễ, để được đâm chồi. Và cho đến hôm nay, đã gần mười năm, hạt sồi ấy đang lớn lên cùng với rừng cây tăng thân.

 

 

Đẹp lạ lùng những điều nhỏ nhoi

Một ngày bình thường, đẹp lạ lùng những điều nhỏ nhoi
Đất Mẹ dịu dàng, nhẹ nâng bước ai về thảnh thơi                                                    

(Ngày bình thường, Chân Uyển Nghiêm)

Tôi đang lắng nghe âm thanh tinh khiết của buổi sớm mai. Tôi đang lắng nghe nhịp thở của những cành cây trơ trọi lá qua khung cửa, chúng đang từ từ thu hết sức mình xuống gốc để nuôi nhiệt và giữ ấm cho mùa đông. Tôi đang có mặt ngắm nhìn cơ thể đất Mẹ biểu hiện thật mầu nhiệm sáng nay. Tôi đang ngắm nhìn các luống rau xanh từ dưới nông trại Hạnh phúc, một màu xanh tràn đầy sức sống đang chứng thực cho tôi thấy rằng mùa đông sẽ không lấy đi sự sống của bất cứ ai, mà còn tạo ra thêm nhiều cơ hội, nhiều thử thách cho mình dày dặn và cứng cáp hơn. Tôi đang tập sống như những cây cổ thụ ngoài kia, đứng bên nhau thật yên thật vững, biết cách dưỡng sức và giữ hơi ấm, để bếp lửa trong tôi luôn được thắp sáng ấm áp đón tôi trở về. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng mở cửa đóng cửa từ bên ngoài của các chị em phòng kế bên. Tôi biết ai cũng đang trở về cần mẫn chăm sóc, gom góp củi lửa để gầy lấy nắng mà sưởi ấm cho mùa đông. Căn phòng này, khung cửa này, sân chim này và tất cả không gian bao la ngoài kia nữa, đã hân hoan cùng tôi hát lên khúc hát Tịnh lạc nếp ẩn cư.

Tôi mang áo ra ngoài đi dạo khi mặt trời đã lên cao. Tia nắng giữa trời đông thật ấm áp, dịu hiền. Lời bài hát của sư cô Uyển Nghiêm vọng bên tai tôi: “Thương nụ cười Thầy, hiền như nắng mới đùa trước sân”. Vui quá, tôi mời Thầy cùng dạo chơi, lên đồi thăm vườn mận, ghé qua thăm đồi Dương Xuân và ngước mắt nhìn rừng bạch dương đang dần trụi lá. Lâu lắm rồi phải không thưa Thầy, trong cái tình cờ luôn chứa đựng cái bất ngờ. Thầy đã từng dạy, chỉ cần con có mặt hết lòng với giây phút hiện tại, thì chính giây phút đó cho con giá trị của khoảnh khắc thiên thu. Và hôm nay, trong thời khắc này, con đang thật sự chạm vào cái mà con không sao diễn tả được, chỉ biết thốt lên câu “This is it – Nó đây này”. Đó là cái bao la của nội tâm, là cái hân hoan và rung cảm đón chào ngày mới, là cái tháo tung những nút thắt chật hẹp, là cái phá vỡ căn nhà tâm thức tù túng nhỏ nhen, là cái rộng lượng bao dung muốn ôm trọn cả không gian chung quanh, và nhiều cái nữa… Con chỉ biết đứng đó lặng yên thở, trải nghiệm sự diệu kỳ của sự sống, và cứ để cho những giọt nước mắt đoàn tụ cảm thông đi thăm viếng và chữa lành từng vết thương xưa.

Hơi thở nhịp nhàng nâng từng bước chân, tôi tiếp tục khám phá tâm thức và mời nó ra bên ngoài tận hưởng tình thương của đất Mẹ. Nắng đã lên cao làm ấm cả khu đồi. Tôi mỉm cười thật nhẹ và thầm biết ơn Thầy và sư cô Chân Không, biết ơn tổ tiên đất đai, biết ơn cả dòng chảy tăng thân bốn mươi năm qua đã tạo ra môi trường y báo lành mạnh để vô vàn hạt sồi năm xưa có đất đai và điều kiện tốt tìm về gieo hạt. Từ trong sâu thẳm, tôi cảm nhận được sư bà Diệu Không vẫn đang còn đó, đang hiện hữu trong từng bước chân tôi sáng nay, đang cùng nắm tay sư cô Chân Không bước những bước chân kiện hành trong bản môn, ung dung tự tại và âm thầm dõi theo từng bước tiến tu của con cháu mình.

 

Mười năm nhìn lại một chặng đường mà thấy như vừa mới xảy ra hôm qua. Mười năm, nếu đánh đổi sự sống ngoài đời, thì thân cũng tàn và sức cũng kiệt. Thật may mắn, tôi đã tìm được chính tôi nhờ nếp sống chân thật trong tình tăng thân, nhờ những giúp đỡ thầm lặng của những tâm hồn cao thượng, nhờ những gieo duyên kỳ diệu của bé Thi ngày nào, nhờ những hiểu thương, những lặng im đầy kiên nhẫn của tình chị em khi va chạm khó khăn, nhờ những buổi tâm tình bên ly trà nóng mà biết bao nhọc nhằn, trắc trở, nội kết được tháo gỡ… Nhiều lắm những viên ngọc quý từ ruộng phước tăng thân. Đến lúc này tôi chợt nhận ra rằng, chừng nào mình thực sự đặt trái tim mình vào nhịp sống của tăng thân, mình sẽ thấy tăng thân chính là sự sống của mình, và mình chính là sự sống của từng tế bào trong tăng thân. Khi đó tự nhiên mình sẽ có tình thương, có sự chấp nhận và lòng bao dung. Tăng thân sẽ rèn thêm cho mình nhiều nội lực và ý chí bền bỉ, đặc biệt là nhiều niềm vui sống, nhiều không gian tự do bên trong, giúp mình đủ sức đi qua những sóng gió trong cuộc đời. Đó là giá trị đích thực của nếp sống tăng thân.

Bao la đệ huynh, cười trên những nhọc nhằn khó khăn
Ta còn bạn bè, là có cả một trời gió trăng.

Tình tăng thân

Thật trân quý biết bao khi xóm Mới vẫn có giờ “Họp chúng xuất sĩ” hàng tuần trong mùa an cư này. Đại chúng cùng nhau sách tấn, cùng nhau đưa ra những thực tập để gom năng lượng đi như một dòng sông. Cái ân tình của chị em xóm Mới đã nuôi lớn tâm thương yêu và tâm phụng sự trong tôi rất nhiều. Bây giờ, nếu có ai hỏi “thời gian tới nếu sư em chuyển sang một trung tâm khác, điều gì nơi đây đọng lại trong sư em nhiều nhất?” tôi sẽ không ngần ngại chia sẻ liền, đó là tình chị em. Có những buổi trưa nắng ấm cuối thu, mấy chị em chúng tôi tràn ra sân đập hạt dẻ. Không biết cái năng lượng xúm xít này từ đâu ra mà chỉ sau vài phút là có một “sân chơi tự phát” đầy ắp tiếng cười. Những câu chuyện hài hước từ góc bên này bên kia tự nhiên có mặt. Mỗi người góp một ít niềm vui từ những chuyện trong chúng: cái vụng về, run sợ của các chị em khi lên thuyết trình trong các lớp học; hay nỗi căng thẳng hết sức của một sư em trước khi lên dâng hương, miệng nói to cho mọi người biết “Ui chao, em run quá chị ơi, tối nay em dâng hương đó”. Những trận cười cứ nối tiếp nhau từ những câu chuyện nho nhỏ như thế đang hiện hữu đâu đó trong đại chúng. Nó mang đầy sự khích lệ, gần gũi và thân thương, giúp các chị em thấy rằng đây chính là nhà mình, dù chưa giỏi, nhưng mình chỉ cần làm cho hết lòng, vậy là đủ. Rèn luyện một hồi thì từ từ mình sẽ quen và sẽ làm khá hơn, bớt căng thẳng hơn để lớn lên mỗi ngày.

Còn nhiều châu báu khác nữa trong tình tăng thân như thế! Tôi thấy em bé quá khứ trong tôi đang dần hồi phục và đang tiếp nhận nguồn năng lượng tươi vui, đầm ấm từ bên ngoài. Nó đã tìm được lối đi ra và hòa chung được với năng lượng tu học cùng đại chúng. Tôi thầm nghĩ: “Nhờ ân đức của tăng thân mà đến giờ phút này mình vẫn còn may mắn được làm con của Thầy và của tăng thân”. Nếu không có tình tăng thân bên cạnh dìu dắt nâng đỡ tôi đi qua những chật vật khó khăn trong những năm tháng qua, giúp tôi tìm lại được những giá trị chân thật của chính tôi, thì giờ này chắc tôi vẫn còn ngụp lặn đâu đó trong biển khổ chưa tìm được lối về. 

 

 

 Mỗi phút giây,
Tôi học làm người yêu chân thật
Mỗi phút giây,
Tôi làm phát hiện chân tình

 (Chân tình, thơ Thầy)

Một ngày mới nữa bắt đầu, tôi tập nhận diện và thưởng thức sự sống quanh mình. Mùi hương thiên nhiên từ đất Mẹ thật dễ chịu và đang thấm vào từng tế bào cơ thể tôi. Tôi mỉm cười vui như những đóa hoa tinh khôi đón chào ngày mới, những nụ cười của giây phút hội ngộ, những đóa hoa thương yêu của phút giây tương phùng. Cám ơn đất Mẹ, cám ơn mùa an cư, cám ơn những nhân duyên xa gần đã cho tôi nếm trải được những giá trị đích thực của phút giây ân tình.

(Sư cô Trăng Tịnh Thường)