Hãy cho con biết đâu là chỗ của con!

Câu hỏi:

Cảm ơn cuộc đời nhiều lắm vì có đạo mà con đã biết tội và phước, biết về vô thường và hiểu rõ chính mình,sống đúng với chính mình… Và cũng từ đây con có thêm một người cha thứ 2, đó chính là Thầy con, vị thầy trụ trì chùa Làng. Từ những ngày đầu thầy được gặp Thầy, con thấy cuộc sống của Thầy ôi sao mà giản dị mà bình yên, yêu thương mà bao la bình đẳng khiến con cảm động và con gắn bó với Thầy. Từ đó, tình cảm con dành cho Thầy còn nhiều hơn cả cho gia đình và cho bố mình. Con cứ ngây thơ như vậy bên thầy suốt ba năm. Giờ được Thầy thương hơn lúc trước rất  nhiều nhưng con lại không thấy vui mà càng ngày lại càng thấy chút gì đó thất vọng cứ rơi rớt trong con. Tại con đã lớn nên tâm lí cũng thay đổi hay tại Thầy con đã thay đổi. Con cũng nghe lời khuyên các cô bảo rằng "tình thầy trò cũng là một cái tình trong chữ 'ái', con nên ít tiếp xúc vì Thầy con vẫn là một con người. Thầy con không phải là Phật". Con đã tin Thầy con là người Thầy, người cha vĩ đại! …

….Nhưng thầy thương con càng nhiều, con càng được tiếp xúc nhiều với thầy con càng thất vọng vì con đã bắt đầu nhận ra thầy có những lỗ hổng mà bấy lâu nay con không nhận ra… Nhưng không bao giờ con đánh mất chính mình đâu, con tin vào những gì Phật dạy, con tin vào chính mình, con phải sống thật với chính mình.

Nhưng con phải làm sao với vấn đề này? Vì sao con phải khổ chứ? Nhưng con không thể xa Thầy được,con sợ mất Thầy…người con này phải làm gì đây? Con phải làm sao?

 

la truc

 

 

Sư cô Khải Nghiêm trả lời:

Chào em,

Trước hết  quý Thầy Cô rất biết ơn em đã là người hộ pháp nhé. Cuộc đời cần những người như em, nhất là những vị tu sỹ cũng cần có những người như em để thấy và giúp khi đang lâm vào khó khăn.

Tuy nhiên, mình rất cần sự sáng suốt, lòng vị tha và điều quan trọng đó là một tình thương chân thật mới có thể giúp được. Tình thương chân thật là gì, đó là tình thương trong sáng, không hệ lụy, vướng mắc, tình thương không làm cho lòng mình lo sợ mất mát khi nghĩ tới, không làm cho mình mất ăn mất ngủ, không làm cho mình ngày đêm cứ bi lụy. Vậy thì em hãy nhìn cho thật kỹ vào tình thương của mình có những yếu tố đó không nhé. Nếu có, thì những khó khăn em đang có, những gì em muốn giúp sẽ chưa có kết quả đâu. Vì chính em đang là  người khó khăn và đau khổ.

Với thời gian đầu khi gần gũi tu học với Thầy có thể là em có tình thương rất thơ ngây và trong  sáng với Thầy thật, vì Thầy có những yếu tố đẹp của người tu, vì Thầy cho em tình thương. Rồi sau đó lớn hơn chút nữa em vẫn còn hạnh phúc, vì Thầy vẫn còn xem em là “số Một”. Nhưng  rồi sau đó khi Thầy thương người khác hơn em chút xíu (như suy nghĩ của em) thì em thấy mình bị rơi vào “số Hai”, nên buồn, nên đau, nên tổn thương,… Em nhớ câu Pháp cú “…thương không được thì ghét, oán phải gặp cũng đau…” không? Vậy đó em. Những tâm trạng buồn đau của em cũng rất con người thôi, ai cũng đều có những tâm trạng này khi thương-ghét cả em à.

Với Thầy, đúng, Thầy cũng là con người, Thầy vẫn còn những yếu tố thương-ghét, khi nghĩ vậy thì mĩnh sẽ cũng dễ chấp nhận và cảm thông. Chấp nhận chứ không phải đồng tình với những gì Thầy đang làm (nếu thực sự là sai với chánh pháp). Khi em hiểu và chấp nhận những yếu tố mang tính chất con người trong Thầy và trong mình thì sẽ nhẹ nhàng và bình an hơn nhiều lắm đó em.

Là người Phật tử em hãy học và làm cho tốt những gì Đức thế Tôn dạy, giữ  lòng cho bình an, cho trong sáng. Khi muốn giúp ai thì phải tự giúp mình trước, nhìn lại những tư duy và hành động của mình trước khi nhìn vào lỗi người. Nếu Thầy có lỗi thì Thầy có Giới Luật sẽ ngăn chặn và giúp đỡ Thầy.

Quý bác ở Chùa nói rất chính xác đó em, ai cũng có hạt giống Phật và cũng có hạt giống Ma trong đó. Cho nên mình phải tưới cho mình và cho những người chung quanh hạt giống nào lớn lên đây? Tất nhiên là hạt giống Phật phải không em! Vậy thì mình phải tưới tẩm hạt giống đẹp này trong mình và người quanh mình em nhé. Là Phật tử, người học pháp và hộ pháp mình phải biết học gì và làm gì để mới đúng nghĩa là Phật tử hộ pháp đây? Cách nói năng, ăn mặc của người Phật tử khi tới chùa cũng là cách hộ pháp. Có đôi lúc mình nói năng, ăn mặc không đoan nghiêm sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến các vị Xuất Gia. Do đó, khi tới chùa, cần ý thức mình là người Phật tử, nên chọn những trang phục thế nào cho kín đáo, chính sự kín đáo làm tôn lên vẻ đẹp của người con Phật. Cái đẹp là cái gì kín đáo chứ không phải sự khoe khoang. Chính vì tất cả chúng đều là con người và đang trên con đường hoàn thiện mình, nên chúng ta cần bảo hộ cho nhau, nuôi dưỡng nhau để cùng tu. Nếu mình không biết bảo hộ cho nhau thì  chính mình sẽ khổ, và khi mình khổ thì người xung quanh mình cũng khổ thôi. Vì vậy mình rất ý tứ và cẩn trọng.

 

Và, khi em muốn cứu người chết đuối thì ít nhất là phải biết bơi phải không em? Nếu không thì mình sẽ chết chìm trong khi cứu người. Có đôi lúc lòng thương thì có nhưng không đủ trí tuệ thì lại càng hại hơn, trước hết là làm cho chính mình khổ và làm khổ người khác.

Vậy thì trước hết em hãy làm cho mình bình an trước nhé. An như thế nào đây? Khi trong lòng có sự bực bội, ganh tỵ, trách móc, đòi hỏi…em hãy ngồi xuống và gọi đúng tên của nó: chào bạn, bạn đang đến đó sao? Rồi em để hết tâm ý em vào hơi thở vào- thở ra của mình, em có thể để tay lên bụng, theo dõi sự phồng lên xẹp xuống theo hơi thở vào-ra của mình. Khi đặt hết tâm ý vào hơi thở thì những buồn giận, trách móc kia cũng sẽ lắng dịu xuống cùng với hơi thở của mình. Khi lòng đã yên lắng thật sự thì bình an cũng đang có mặt. Khi trong tâm có nhiều bình an thì những ganh tỵ, trách móc, buồn khổ, cô đơn cũng lắng dịu theo. Tuy nhiên, em cần phải nhớ và duy trì sự tập luyện này thường xuyên hơn, kể cả khi  lòng em đang bình an để khi những cơn  sóng trong  lòng xuất hiện thì mình mới nhớ tới phương pháp làm lắng dịu tâm ý này. Đây là nguồn thức ăn cho tâm ý của mình. Còn khi buồn đau mà cứ ngồi đó ôm lấy nỗi đau rồi hờn giận trách móc thì những đau buồn của mình nó cứ lớn hơn mà thôi, bởi vì mình đang nuôi nó mà. Cho nên cần ý thức rõ ràng là muốn nuôi mình bằng nguồn thức ăn nào em nhé?

Khi đã có bình an thực sự, mọi hờn giận trách móc, nghi ngờ đã lắng dịu rồi thì em mới thưa chuyện với Thầy bằng sự kính trọng của một người đệ tử đối với người Thầy. Thưa với một tình thương của người học trò như vậy thì mới thành công được. Thành công ở đây không phải là Thầy phải hoặc sẽ thay đổi, thành công ở đây là em đã làm hết lòng của một người học trò, của một người đệ tử. Khi đã làm hết lòng rồi thì tâm mình sẽ nhẹ nhàng hơn cho dù kết quả là thế nào đi chăng nữa.

Chị tin rằng em sẽ làm được điều này và là người hộ pháp giỏi.

Chúc em thành công.

 

http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/hoi-tho-nuoi-duong-va-tri-lieu/10.-tinh-thuong-chan-that