10. Tình thương chân thật

Chương 10
Tình thương chân thật

 

Nhìn Và Nghe Trong Chánh Niệm

Chất lượng của hơi thở vào và hơi thở ra sẽ được nâng cao khi ta đem ý thức sáng tỏ vào trong khi thở. Trong khi thở, ta chế tác ra năng lượng chánh niệm và năng lượng ấy có công năng nhận diện hơi thở và làm cho hơi thở trở nên sâu lắng và êm dịu hơn. Giống như khi ánh sáng chiếu vào một đối tượng nào đó dầu đối tượng đó nhỏ như một chất điểm, thì sau khoảng một thời gian ngắn, đối tượng đó sẽ chuyển đổi. Giống như khi ánh sáng mặt trời chiếu liên tục vào cây cỏ, hoa lá thì những vật ấy tự nhiên biến chuyển. Khi đối tượng của sự quán niệm tiếp xúc với chủ thể của sự quán niệm, thì sẽ có sự chuyển hóa. Khi chú ý vào hơi thở thì ta hay có khuynh hướng can thiệp, uốn nắn, xét xử hay tranh đấu với hơi thở của ta thay vì để cho hơi thở vào và hơi thở ra đi theo nhịp điệu tự nhiên của nó. Ta không nên can thiệp hoặc uốn nắn hơi thở mà chỉ ý thức đơn thuần về quá trình vào/ra của hơi thở và để cho hơi thở hoạt động theo nhịp điệu tự nhiên của nó. Ta chỉ làm một việc, đó là thắp lên ánh sáng chánh niệm và ý thức rằng đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra. Nếu hơi thở của ta dễ chịu, thì biết rằng ta đang không vận dụng, thao tác cực nhọc với hơi thở. Còn nếu càng thở ta càng cảm thấy khó chịu, bế tắc, tức ngực, thì tức là ta đang vận dụng cực nhọc, ta đang uốn nắn hơi thở của ta. Xin quý vị chú ý tới kết quả của hơi thở vào và hơi thở ra lên cơ thể của mình. Nếu hơi thở của quý vị tiếp tục đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu, thì biết rằng mình đang thực tập đúng. Sau khi thực tập thở như thế được vài phút, hơi thở của quý vị tự nhiên sẽ trở nên sâu lắng và êm dịu hơn. Trạng thái êm dịu và sâu lắng của hơi thở là trạng thái được xảy ra tự nhiên; ta không nên thúc bách và uốn nắn hơi thở trong khi thực tập. Quý vị không cần phải cố gắng cực nhọc để thở. Nếu cố làm cho hơi thở mau chóng trở nên dễ chịu, sâu lắng, quý vị sẽ làm gián đoạn cảm giác hoan lạc của thân tâm. Hãy để cho hơi thở chánh niệm tự đem lại niềm hoan lạc và hạnh phúc cho thân tâm mình.

Chúng ta không nhất thiết phải thực tập tất cả mười sáu phép quán niệm hơi thở mà Bụt đã đưa ra cùng một lúc hoặc thực tập theo trình tự của từng bài tập. Nếu hiểu được sâu sắc bản chất của mười sáu phép quán niệm hơi thở và nguyên do tại sao Bụt đã đưa ra để thực tập, ta sẽ biết những bài nào cần thực tập trước. Khi bắt đầu ngồi thiền, trước tiên ta thực tập bốn phép thở đầu để thiết lập sự vững chãi và chế tác niềm hỷ lạc cho thân tâm. Bốn phép thực tập này thuộc về lĩnh vực điều thân. Sau đó ta chọn một phép thở trong mười phép thở còn lại khế hợp cho tình trạng tâm lý của ta để thực tập. Nếu ta muốn đi sang một phép thở khác, ta có thể ngưng lại phép thở ta đang thực tập và bắt đầu chuyển sang bài tập khác. Ta phải khôn khéo và thông minh trong sự thực tập, biết bài tập nào có lợi cho tình trạng thân tâm của ta vào thời điểm đó.

Ta biết cách chăm sóc và quan tâm đến nhu yếu cơ thể, cảm thọ, và các tâm hành của ta. Chữ Niệm trong tiếng Hán Việt được chia ra làm hai phần; phần trên là chữ kim, nghĩa là bây giờ và ở đây, là hiện tại; phần dưới là chữ tâm, nghĩa là tâm ý. Nghĩa là ta đưa cái tâm ý của ta trở về an trú trong hiện tại – bây giờ và ở đây. Hai chữ ấy được ghép lại với nhau thành chữ Niệm, mà chữ Niệm ở đây nên hiểu là chánh niệm. Tâm ý trở về với giây phút hiện tại để ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút ấy. Khi tâm ý của ta trở về với giây phút hiện tại, thì điều đó cũng có nghĩa là tâm trở về với thân, làm cho thân tâm hợp nhất. Chỉ cần thở vào và thở ra một hơi thôi là ta đã có thể làm cho thân và tâm trở thành một mối – thân tâm nhất như. Và ta bắt đầu thiết lập thân tâm vững chãi trong hiện tại. Lúc bấy giờ ta thật sự đang sống, đang có mặt đích thực. Chánh niệm trước hết là có mặt đích thực cả thân và tâm trong giây phút hiện tại. Vì thế cho nên hơi thở chánh niệm có công năng rất mầu nhiệm. Cố nhiên hơi thở chánh niệm không phải là phép thực tập duy nhất để làm cho thân và tâm trở nên hợp nhất, nhưng nó là một phép tu tập rất thiết thực, cụ thể  và mầu nhiệm. Hơi thở là nhịp cầu nối liền thân và tâm. Chánh niệm có thể được chế tác bằng cách nghe, cách nhìn, cách đi và cách thở của ta và trong mọi hoạt động khác của thân. Khi thực tập thiền đi, ta thấy người bạn trước mặt ta đang đi rất đẹp, chánh niệm, thư thái thì ta được thừa hưởng sự vững chãi và an lạc của người đó. Nếu ta đi không có chánh niệm, đánh mất mình trong sự suy tư, lo lắng và sầu khổ về quá khứ hoặc mơ tưởng tới tương lai, thì hình ảnh của những người bạn tu đang đi thong thả, an lạc và hạnh phúc quanh ta sẽ giúp ta trở về và thiết lập trở lại năng lượng chánh niệm trong ta. Ta phải biết cách sử dụng đôi mắt của ta để vun trồng và nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm. Khi viếng thăm một ngôi chùa hay một tự viện già lam, ta sẽ tiếp xúc và thấy rằng những nghệ thuật kiến trúc, những khu vườn trong chùa, trong tự viện đều được trình bày, sắp đặt với mục đích giúp ta trở về với chánh niệm. Những nhà điêu khắc, nghệ thuật giỏi là những người có khả năng tạo ra những pháp hiệu nhắc nhở mọi người biết trở về với chính mình để vun trồng năng lượng chánh niệm nơi tự thân. Đối với các loại âm thanh cũng vậy; ví dụ tiếng chuông, tiếng mõ hoặc tiếng tụng kinh đều là những pháp khí, pháp âm có công năng giúp ta phục hồi lại được năng lượng chánh niệm trong ta. Chúng ta cũng có thể củng cố lại hai mắt của ta và sử dụng hai mắt để nhìn trong chánh niệm. Nhìn với con mắt chánh niệm, ta sẽ thấy được mọi vật sâu sắc hơn, đẹp đẽ hơn, từ bi hơn. Tôi có thể nhìn vào bàn tay của tôi với chánh niệm hoặc với thất niệm. Cách hay nhất là tập nhìn bằng con mắt chánh niệm; nhìn với con mắt chánh niệm thì chánh định sẽ phát sinh và khi năng lượng của Niệm và Định phát triển hùng hậu, thì ta sẽ chọc thủng được đối tượng của sự quán chiếu và thấy được chân tướng của nó một cách rõ ràng; cái thấy ấy gọi là tuệ giác. Những gì ta thấy, tiếp xúc có công năng làm tăng trưởng năng lượng chánh niệm và năng lượng ấy giúp ta thấy mọi sự mọi vật rõ ràng hơn. Nhãn căn và chánh niệm trợ giúp nhau để làm phát sinh nhãn thức thanh tịnh. Đối với âm thanh cũng vậy. Khi ta nghe những lời tụng kinh, thì âm thanh của sự tụng kinh giúp ta trở về với chính mình và vun xới năng lượng chánh niệm trong tự thân. Khi có chánh niệm, ta bắt đầu lắng nghe chăm chú hơn và nhờ vậy hiểu được vấn đề một cách sâu sắc. Những người thực tập chánh niệm nên thường xuyên chế tác khả năng lắng nghe với tâm từ bi và quán chiếu thâm sâu của Bồ Tát Quán Tự Tại. Lắng nghe trong chánh niệm, lắng nghe với tâm từ bi là phép thực tập rất quan trọng trong đạo Bụt; là phép tu có công năng làm vơi bớt khổ đau cho người và giúp người vượt qua được những khổ đau ách nạn, phá tan được màn vô minh, vọng tưởng. Những nhà tâm lý trị liệu nên học nghệ thuật lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi của đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Nếu không biết lắng nghe sâu, không biết lắng nghe với tâm từ bi, thì nhà tâm lý trị liệu sẽ không thể trở thành một nhà tâm lý trị liệu giỏi được. Muốn thực tập lắng nghe sâu thành công, muốn giúp người khác bớt khổ, trước hết mình phải đưa tâm trở về với thân, làm cho thân và tâm trở thành một mối. Hơi thở chánh niệm là phương tiện giúp mình có mặt đích thực cho bệnh nhân của mình trong giây phút hiện tại, là chất keo làm cho thân và tâm trở thành một mối.

Nếu mình an trú trong chánh niệm, có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, thì phẩm chất lắng nghe của mình sẽ được nâng cao. Đây gọi là bi thính – lắng nghe với tâm từ bi. Mình sẵn lòng giúp đỡ người khác. Biết rằng người ấy đang đau khổ cùng cực và không có ai muốn lắng nghe người ấy nên mình phát đại bi tâm, muốn có mặt cho người ấy, lắng nghe người ấy để giúp người ấy bớt khổ. Có lẽ mình là người đầu tiên sẵn lòng lắng nghe người ấy. Nếu mình bị phân tán với những vấn đề riêng tư của mình, bị những tiếc nuối về quá khứ lôi kéo, bị những mơ tưởng về tương lai trấn ngự thì mình sẽ không có mặt đích thực cho người ấy, một người đang rất cần sự giúp đỡ của mình. Những nhà tâm lý trị liệu có thể mang trong họ rất nhiều khổ đau. Nếu nhà tâm lý trị liệu không biết cách vun xới tình thương, không biết cách chế tác năng lượng Niệm và Định trong tự thân mỗi ngày, thì những bệnh nhân của họ sẽ có thể chạm đến những hạt giống khổ đau trong họ và làm cho họ đau khổ. Như vậy phẩm chất của sự lắng nghe trong họ sẽ trở nên nghèo nàn. Nhà tâm lý trị liệu cần thực tập có mặt đích thực trong hiện tại và biết cách vun trồng năng lượng của sự tươi mát, từ bi để trở thành một nhà tâm lý trị liệu có ích lợi. Muốn thực tập lắng nghe sâu thành công, mình phải có năng lượng từ bi.

Lắng nghe với tâm từ bi đã có thể làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi. Hãy tưởng tượng có một người đàn bà đang đau khổ và trong gia đình không có ai có khả năng lắng nghe bà hết. Trong gia đình, người nào cũng bận rộn, bị khổ đau trấn ngự và không có ai có đủ kiên nhẫn, sự tươi mát và tình thương để lắng nghe bà. Có thể bà cũng không biết cách ăn nói dịu dàng, từ ái và mỗi khi nói đều xúc chạm đến những hạt giống khổ đau nơi những người khác trong gia đình. Vì vậy ai cũng muốn tránh né bà; có lẽ họ không có ý muốn trừng phạt hoặc tránh né bà, nhưng vì mỗi khi nghe bà nói hoặc thấy bà làm một hành động nào đó thì những hạt giống khổ đau trong họ bị tưới tẩm, nên họ không dám gần kề bà, lắng nghe bà. Có nhiều lần bà ta muốn nói chuyện tử tế với họ vì bà biết họ không muốn lắng nghe bà. Mặc dù bà có thiện chí muốn sửa đổi, muốn làm hòa, nhưng bà không thể làm được vì niềm đau nỗi khổ trong bà quá lớn. Bà bắt đầu với vài lời lẽ dễ thương, nhưng một khi hạt giống khổ đau trong bà bị động đến, thì từ từ những lời bà thốt ra lại mang đầy tính chất cay đắng, buồn đau và than trách.

Nhiều người trong xã hội chúng ta đã đánh mất khả năng lắng nghe và sử dụng ngôn từ hòa ái, ngọt ngào, xây dựng. Nhiều gia đình mà trong đó không ai có khả năng lắng nghe ai được. Sự truyền thông càng ngày càng trở nên bế tắc. Truyền thông bị bế tắc là vấn đề lớn của thời đại. Chúng ta chế tạo ra những phương tiện kỹ thuật rất tối tân về lĩnh vực truyền tin như đường giây thép, điện thoại, điện thư, mạng lưới v.v…; những phương tiện tối tân ấy có thể giúp ta nhắn tin hoặc nhận tin cực kỳ mau chóng dù khoảng cách rất xa – bên kia địa cầu… Thế nhưng sự truyền thông giữa các cặp cha con, giữa bạn bè, vợ chồng, thầy trò và giữa quốc gia với quốc gia đã trở nên vô cùng khó khăn và bế tắc.

Nhìn vào một người đang mang rất nhiều khổ đau trong lòng và không có cơ hội để bày tỏ cùng ai, ta thấy người đó giống như một quả bom sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Người đó có rất nhiều sự căng thẳng và niềm đau, người đó có thể bùng nổ nhiều lần trong ngày. Vì thế những người trong gia đình không dám đến gần người ấy. Họ tìm cách lánh xa người ấy và vì vậy người ấy cảm thấy bị cô lập. Chúng ta phải học nghệ thuật gỡ bom. Chúng ta phải khéo léo trong nghệ thuật lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ thương yêu, hòa ái để tái lập lại truyền thông, giúp nhau gỡ rối tơ lòng.

Lắng nghe với tâm từ bi là để giúp người kia bớt khổ. Trong quá trình lắng nghe, quý vị phải nuôi dưỡng ý thức rằng bất kể người kia đang nói gì và những lời nói có thể chứa đựng nhiều chất liệu giận hờn, buộc tội và trách móc, mình cũng sẽ duy trì sự bình an và tiếp tục lắng nghe; lắng nghe mà không đem tâm phán xét, phản ứng. Quý vị thực tập duy trì năng lượng thương yêu trong suốt buổi lắng nghe. Những lời người kia nói có thể không đúng, không chính xác hoặc chứa đầy sự phàn nàn, trách móc, công kích, phán xét và tri giác sai lầm, nhưng quý vị cũng vẫn lắng nghe, vẫn duy trì năng lượng thương yêu và ôm ấp người đó để hạt giống khổ đau trong mình không bị chạm đến. Trong khi lắng nghe quý vị phải luôn luôn nắm lấy hơi thở chánh niệm để duy trì sự an bình và vững chãi. ”Thở vào, tôi biết người ngồi trước mặt tôi đang đau khổ cực kỳ. Thở ra, tôi biết tôi đang thực tập lắng nghe để giúp người ấy bớt khổ.” Ta phải tự luyện tập để có khả năng ngồi và lắng nghe khoảng bốn mươi lăm phút hoặc một tiếng mà không sinh tâm bực bội. Đức Bồ Tát Quán Thế Âm là người có khả năng lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi. Vì vậy cho nên Ngài được tán dương với danh hiệu là Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.

Tất cả chúng ta đều có những người thân đang gặp những khó khăn và khổ đau. Ta rất khao khát muốn giúp người thân của ta bớt khổ, nhưng ta không phải là những nhà tâm lý trị liệu. Ta có thể thực tập như một nhà tâm lý trị liệu, vấn đề là nên thực tập lắng nghe như thế nào để những hạt giống khổ đau trong ta không bị tưới tẩm. Muốn lắng nghe một cách hiệu quả, trước hết ta phải biết thực tập đi thiền, ngồi thiền và thở có chánh niệm trong đời sống hàng ngày để chế tác ra năng lượng của Niệm, Định, của vững chãi và thảnh thơi. Điều này rất quan trọng. Ta phải tự giúp bản thân trước, rồi sau đó mới nghĩ tới chuyện giúp người. Đó là nguyên tắc của sự thực tập tự độ và độ tha. Nếu ta mới thực tập lắng nghe lần đầu, có thể ta sẽ thấy rằng khả năng lắng nghe của mình chỉ giới hạn trong vòng mười lăm phút. Sau mười lăm phút ta sẽ cảm thấy mệt, không thể nghe tiếp được nữa. Trong trường hợp này, ta nên nói với người kia rằng: ”Thưa chị, em hơi mệt. Em xin được tiếp tục lần sau, được không? Bây giờ em muốn đi dạo một chút. Nếu chị muốn, mời chị đi cùng với em cho vui.” Mình phải làm mới lại chính mình. Mình phải có cơ hội để tiêu hóa những gì mình đã đưa vào trước khi tiếp tục lắng nghe. Biết được mức giới hạn của mình là điều rất quan trọng. Nếu không, mình sẽ thất bại, sẽ bị đột quỵ. Yếu tô kiên nhẫn cũng rất quan trọng trong quá trình lắng nghe. Tôi có tham dự một buổi họp trong đó có một người đã không có ai lắng nghe và người đó cũng không có cơ hội bày tỏ nỗi khổ của mình. Chúng tôi đã ngồi và thở trong chánh niệm một lúc thật lâu. Chúng tôi đã ngồi có mặt cho ông ta, rất chăm chú và ông ta đã cố gắng thật lâu mới có thể nói ra được nỗi khổ của ông cho chúng tôi nghe. Kiên nhẫn là bản chất của tình thương chân thật. Nếu thật sự thương người nào, mình phải biết kiên nhẫn với người đó.

Nghệ Thuật Sử Dụng Ái Ngữ

Khía cạnh khác của sự thực tập là học cách sử dụng ngôn từ hòa ái. Khi quý vị tham dự khóa tu hoặc đến tu học tại một tu viện nào đó, quý vị có cơ hội để vun xới khả năng lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái. Lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái là hai khía cạnh của sự thực tập rất thiết yếu để tái lập sự truyền thông, phục hồi niềm an lạc và hòa giải trong xã hội. Phải thực tập mới có thể khôi phục lại được sự vững chãi và thảnh thơi của mình. Quý vị cần nói cho người kia biết nỗi khổ và niềm đau của mình, đặc biệt nếu người đó là người mà quý vị thương và tin cậy nhất. Tuy nhiên phải học nói như thế nào để người kia có thể tiếp nhận được, nghĩa là phải học cách nói bằng ngôn ngữ ngọt ngào, hòa ái, không có tính cách buộc tội, trách móc và trừng phạt thì mới thành công. Ngôn từ hòa ái sẽ giúp người kia lắng nghe và tiếp nhận dễ dàng hơn.

Chánh niệm là nền tảng của tất cả các khía cạnh của sự tu tập. Chánh ngữ có công năng nuôi dưỡng chánh niệm trong mình và nơi người kia. Trong truyền thống đạo Bụt, có một vị bồ tát hiệu là Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm có khả năng lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi, lắng nghe với tâm không thành kiến, không phán xét, không phản ứng. Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (Manjushri) là người có khả năng nhìn sâu để hiểu. Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Quán Thế Âm đều có mặt trong ta. Khi ta thực tập nhìn sâu để hiểu những khổ đau của người, thì biết rằng đức Bồ Tát Văn Thù đang có mặt. Ta vun xới khả năng ấy bằng sự thực tập. Bồ Tát Quán Thế Âm có mặt trong ta khi ta biết lắng nghe với tâm từ bi để có thể hiểu được những nỗi khổ niềm đau của người khác. Đây không phải là vấn đề tín ngưỡng, sùng tín đối với một vị thần linh ngoài ta như một thực thể biệt lập. Đây là khả năng tiếp xúc được với năng lượng tình thương trong ta và năng lượng ấy được biểu lộ qua cách nhìn và cách nghe của ta. Hình ảnh bên ngoài chỉ là phương tiện giúp ta trở về và tiếp xúc với khả năng hiểu và thương trong ta.

Hạnh Nguyện Lớn

Đức Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra) là vị Bồ Tát có hạnh nguyện lớn, nên chúng tôi xưng tán Ngài là vị Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền. Đức Bồ Tát Phổ Hiền cũng có mặt trong ta. Biểu tượng của Bồ Tát Phổ Hiền là cánh tay từ bi, là cánh tay hành động. Khi ta được thúc đẩy bởi tình thương và muốn làm điều gì đó để độ đời giúp người thoát khỏi khổ đau, ta có thể sử dụng đôi mắt của ta để nhìn sâu như đức Bồ Tát Văn Thù, đôi tai của ta để nghe với tâm từ bi như đức Bồ Tát Quán Thế Âm và đôi tay của ta để hành động như đức Bồ Tát Phổ Hiền. Tình thương chân thực luôn luôn được biểu lộ qua cách nhìn, cách nghe và cách hành động. Và cái nhìn, cái nghe và cách hành xử của ta nếu được trang điểm bằng chất liệu thương yêu của các vị Bồ Tát, thì nó sẽ đem lại sự an ổn, hòa bình, trị liệu và chuyển hóa lớn cho nhân loại. Trong các chùa chiền Phật giáo, quý vị thường thấy có thờ tượng của một vị Bồ Tát Nghìn Mắt Nghìn Tay. Vị Bồ Tát này hiệu là Bồ Tát Chuẩn Đề. Ta có thể thắc mắc tại sao vị Bồ Tát này có nhiều tay nhiều mắt quá vậy? Điều này rất dễ hiểu. Bởi vì năng lượng thương yêu trong Bồ Tát quá lớn, hai cánh tay không đủ để Ngài làm công việc độ đời, nên Ngài muốn có nhiều cánh tay để giúp được nhiều người cùng một lúc. Nhiều người trong chúng ta thật sự có nhiều hơn là hai cánh tay. Có rất nhiều điều mình muốn thực hiện; ví dụ như muốn chăm sóc và bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, muốn giúp những người không cửa không nhà, những người nghèo đói, trẻ em mồ côi, trẻ em suy dinh dưỡng, các nạn nhân của chiến tranh, của thiên tai, những cô hồn ma trơi v.v… muốn làm công việc từ thiện, xã hội ở các nước nghèo, chậm tiến. Nếu nhìn cho thật kỹ, ta sẽ thấy có rất nhiều các vị Bồ Tát như thế đang có mặt quanh ta và đang hoạt động khắp nơi trên thế giới. Đời sống của họ rất giản dị, tri túc, thế nhưng sự có mặt của họ thì cùng khắp, tình thương yêu của họ không có giới hạn. Họ làm việc không biết mệt mỏi. Họ yểm trợ các chương trình từ thiện và hành động nhiều cách để làm vơi bớt khổ đau cho kẻ khác. Bồ Tát Nghìn Tay Nghìn Mắt không phải chỉ là những hình tượng bằng đất, bằng gỗ, bằng thạch cao được tôn thờ trong các chùa chiền, tự viện mà họ đích thực đang có mặt bằng xương bằng thịt ở khắp mọi nơi để làm công việc cứu độ.

Tôi có quen biết một người phụ nữ người Hà Lan. Trong Thế Chiến Thứ Hai, bà đã cứu được mười ngàn người dân Do Thái thoát khỏi sự tàn sát khủng khiếp của chủ nghĩa Đức Quốc Xã (the Holocaust). Nếu gặp bà trên đường phố, có lẽ chúng ta sẽ không nhận ra được bà chính là một vị Bồ Tát, bởi vì bà ăn bận rất giản dị. Mình chỉ có thể nhận ra được bà là một vị Bồ Tát nếu mình biết được hành động cao cả ấy của bà mà thôi. Tuy rằng những vị Bồ Tát như thế chỉ có hai mắt, hai tay như bao người khác, nhưng nếu nhìn kỹ họ cũng có những con mắt ở phía sau lưng của họ, họ cũng có những cánh tay thật dài có khả năng duỗi ra thật xa. Họ thấy được nhiều điều và thấy rất xa. Thực ra đức Bồ Tát Đại Bi Quán Thế Âm có hơn ngàn cánh tay và trong mỗi bàn tay có một con mắt. Khi ta muốn làm một điều gì mà điều đó được thúc đẩy bằng tình thương thì trước hết ta cần phải thực tập nhìn sâu. Nhìn sâu mới hiểu được thực trạng, mà hiểu thì mới thương, mới giúp được. Nếu không hiểu thì những hành động thương yêu của ta sẽ không được xác thực, sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp. Ngược lại ta sẽ làm cho người ta thương khổ thêm. Đôi khi ta được thúc đẩy bởi ước nguyện muốn giúp đời, nhưng vì không hiểu bản chất của tình trạng, nên thay vì thương ta tạo thêm nhiều điều phiền toái, đỗ vỡ. Ta muốn giúp người kia hạnh phúc, nhưng vì không hiểu nên càng giúp ta càng làm cho người kia khổ. Có thể quý vị quan tâm cho hạnh phúc của con trai hoặc con gái mình. Có thể quý vị nghĩ rằng những cái mình làm sẽ đem lại hạnh phúc cho con mình. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, có thể quý vị sẽ thấy rằng mình đang gây khổ đau cho con mình vì mình thương mà không hiểu. Quý vị phải xét lại bản chất thương yêu của mình. Theo lời Bụt dạy, tình thương chân thật phải được phát sinh từ sự hiểu biết. Điều then chốt là phải đặt con mắt vào lòng bàn tay. Trước khi hành động, ta phải nhìn vào lòng bàn tay xem thử bàn tay của ta đã có con mắt hiểu chưa. Nếu trong lòng bàn tay của ta đã có con mắt hiểu thì những gì ta làm cũng sẽ đem lại hạnh phúc cho người. Nếu trong lòng bàn tay của ta chưa có con mắt hiểu thì chớ vội hành động, bởi vì hành động trên căn bản đó sẽ gây thương tích và khổ đau thêm cho người kia.

Ở Việt Nam có một loại trái cây mà nhiều người miền Nam rất ưa thích, đó là trái sầu riêng. Tôi có nội kết êm ái với loại trái cây này. Tôi không chịu nổi cái mùi của nó, nói chi tới chuyện ăn. Hôm nọ trong chùa của tôi, trên bàn thờ Bụt người ta dâng cúng một trái sầu riêng rất lớn. Sáng hôm đó tôi lên chánh điện để đi công phu khuya – trì tụng kinh Pháp Hoa và trong khi tụng kinh, tôi không tài nào chú tâm được vào việc tụng kinh vì mùi sầu riêng nó lấn át cả chánh điện. Tụng tới nửa thời kinh, tôi chịu không nổi nữa, ngưng tụng, tôi đứng dậy lấy quả chuông úp trái sầu riêng lại, rồi trở lại tiếp tục tụng cho hết thời kinh và tôi chỉ sử dụng mỗi tiếng mõ. Sau khi tụng xong thời kinh, tôi giải phóng trái sầu riêng. Quý vị có thể nghĩ rằng: ”Trời ơi! Tội nghiệp thầy Nhất Hạnh quá, thầy tu tập và làm công việc Phật sự rất cực nhọc. Mình nên cúng dường thầy một trái sầu riêng để thầy bồi dưỡng.” Nghĩ như thế, rồi đem sầu riêng tới mời tôi ăn. Tôi từ chối nhưng quý vị cứ ép tôi ăn… Nếu quý vị làm như thế thì tôi sẽ rất đau khổ. Nếu quý vị không hiểu được nhu cầu của người thương của mình, không biết những gì người thương mình cần và không cần, thì không thể thương được. Nếu quý vị không hiểu những khó khăn, thao thức và ước nguyện của người mình thương thì không thể thương họ được; bởi vì tình thương (từ bi) của quý vị không phải được làm bằng chất liệu của hiểu (trí tuệ). Muốn hiểu, quý vị phải biết sử dụng con mắt của đức Bồ Tát Văn Thù để nhìn sâu (quán chiếu). Quý vị có thể hỏi người thương của mình như thế này: ”Em ạ, em nghĩ là anh có hiểu em không? Nếu không hiểu hoặc hiểu chưa sâu, thì xin em giúp anh hiểu em sâu hơn để anh có thể thương em đúng mức. Nếu em không giúp anh, thì anh sẽ tiếp tục nói hoặc làm những điều làm em khổ. Anh thật sự rất muốn hiểu những nỗi khổ niềm đau của em. Anh muốn biết những nguyện vọng sâu kín của em, bởi vì anh muốn thương làm sao cho đúng để tình thương ấy không trở thành chất liệu khổ đau cho em. Anh chỉ muốn làm cho em hạnh phúc mà thôi.” Quý vị có bao giờ hỏi câu hỏi như thế đối với người thương của mình chưa? Đó là ngôn ngữ của những người muốn thương yêu và chăm sóc thật sự, muốn xây dựng hạnh phúc với người thương của mình.

Nếu cả hai người biết sử dụng con mắt, lỗ tai và ngôn ngữ từ ái của đức Bồ Tát Văn Thù và đức Bồ Tát Quán Thế Âm để cư xử, giúp đỡ và hiểu nhau, thì sự truyền thông có thể được phục hồi rất mau chóng và hạnh phúc chắc chắn sẽ có mặt. Ba vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền và Quán Thế Âm mà chúng ta niệm mỗi buổi sáng trong giờ công phu không phải là những vị thần linh, những thực thể đang trú ẩn biệt lập ở đâu đó trong không gian, các Ngài thật sự đang có mặt ngay trong tâm ta như những hạt giống, những nguồn năng lượng. Ta có thể làm cho năng lượng của các Ngài có mặt để ta có khả năng nhìn sâu để hiểu, lắng nghe để thương và nói lời từ ái để thiết lập truyền thông, xây dựng hạnh phúc. Tình thương chân thật được làm bằng chất liệu hiểu biết. Cái hiểu không thể có được nếu ta không thực tập nhìn sâu và lắng nghe với tâm thương yêu (từ bi). Sau đó ta có thể sử dụng bàn tay hành động của đức Bồ Tát Phổ Hiền. Có hai chất liệu hiểu và thương rồi thì hành động của ta sẽ đem lại hạnh phúc cho người và làm vơi bớt khổ đau của người; trước hết là những người thân cận của ta, sau đó ta đưa các vị bồ tát trong tự thân đi vào đời để phụng sự. Khi trong ta có sự có mặt của bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm và bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền, ta có thể có mặt đích thực cho người thương của ta và có mặt bất cứ nơi nào cần đến tình thương.

Bốn Tâm Vô Lượng- Brahmaviharas

Lời dạy của Bụt về thương yêu có thể tìm thấy trong bốn yếu tố của tình thương chân thật. Chúng ta có thể dùng bốn yếu tố này để nâng cao phẩm chất thương yêu của ta. Ta hãy nhìn vào bản chất thương yêu của ta để xét nghiệm lại xem có sự có mặt của bốn yếu tố này hay không.

Yếu tố thứ nhất là Từ, tiếng Phạn là “maitri”. Như chúng ta đã đề cập kỳ trước, maitri có thể được dịch là “Từ” (lòng thương). Chữ maitri có gốc từ chữ mitra – nghĩa là bạn. Đối tượng tình thương của mình là một người bạn. Khi đối tượng thương yêu là chính mình, thì mình là người bạn của chính mình. Bạn thì luôn luôn thừa hưởng sự có mặt của nhau. Từ là khả năng hiến tặng, ban phát niềm vui và hạnh phúc. Từ là sự thực tập, chứ không phải là sự cảm nhận. Khi quý vị biết thở vào và làm cho toàn thân an tịnh, tức là quý vị đem lại sự an lạc, vững chãi và thảnh thơi cho thân thể của chính mình. Đó là sự bày tỏ lòng Từ đối với chính thân thể mình. Khi quý vị nở được nụ cười dễ thương, tươi mát, thì đó là quý vị đang thực tập Từ. Cái thiện chí muốn thương chưa đủ. Dù có đầy thiện chí muốn thương, muốn giúp, nhưng nếu không có sự hiểu biết, không khéo léo thì quý vị có thể gây tổn thương và khổ đau cho người mình thương. Thương mà không hiểu tức là trong lòng bàn tay của mình chưa có con mắt của Bồ Tát Văn Thù. Vì thế cho nên Từ là khả năng đem lại niềm an vui và hạnh phúc cho người mình thương. Quý vị chỉ có thể làm được điều này khi có chất liệu của hiểu. Nhìn vào bản chất tình thương của mình xem thử mình có khả năng hiểu người thương của mình chưa; tình thương ấy có đang đem lại niềm an vui cho người thương mỗi ngày hay không! Đặt lại vấn đề như thế rất hay. Quý vị có thể hỏi: ”Em ạ! Em nghĩ là anh hiểu em không? Nếu chưa, xin em giúp anh để anh có thể hiểu em sâu sắc hơn. Em hãy nói cho anh biết về nỗi khổ niềm đau của em đi. Anh rất muốn được nghe.” Lời thỉnh cầu như thế phải được thực hiện thường xuyên và với lòng chân thành. Làm như vậy là quý vị đang sử dụng ngôn ngữ của hiểu biết và thương yêu.

Yếu tố thứ hai của tình thương chân thật là Bi – karuna. Bi là khả năng lấy đi khổ đau, làm vơi bớt khổ đau, đem lại an vui và hạnh phúc. Bi tiếng Anh là compassion, nghĩa là khả năng chia sẻ, gánh bớt nỗi khổ niềm đau của người khác. Chữ com – tiếng Anh nghĩa là tới với, là chia sẻ cùng với và chữ passion nghĩa là gánh chịu bớt những nỗi thống khổ. Chữ compassion trong tiếng Anh chưa dịch được chính xác cái nghĩa của chữ karuna. Bi là khả năng lấy đi niềm đau nỗi khổ của người thương và giúp người thương chuyển hóa, chứ không phải chỉ đến để gánh bớt nỗi khổ của người. Giống như một nhà y sĩ; muốn chữa trị cho bệnh nhân, vị y sĩ phải thực tập nhìn kỹ và lắng nghe sâu để tìm hiểu xem bệnh nhân của mình đang bị vấn đề gì. Vị y sĩ phải có mặt đích thực mới có thể hiểu được tình trạng của bệnh nhân mình. Các cặp vợ chồng, hôn phối cũng phải thực tập như thế. Quý vị phải có mặt đích thực cho người thương của mình, tập nhìn kỹ và lắng nghe sâu để nhận diện được những niềm đau nỗi khổ và ước vọng của người thương mình. Khi quý vị hiểu được bản chất của nỗi khổ niềm đau của người thương mình rồi, tự nhiên quý vị biết mình phải làm gì và không nên làm gì để giúp người thương của mình vơi bớt khổ đau trong đời sống hàng ngày. Đó là sự thực tập thương yêu đích thực. Nhìn sâu vào bản chất của tình thương để xem thử trong tình thương ấy có yếu tố của Bi hay không. Thực ra trong tâm thức của ta đã sẵn có yếu tố Bi, nhưng vì ta chưa biết vun trồng nên nó còn rất bé. Chúng ta phải học thương. Học thương nghĩa là làm thế nào để tăng trưởng chất liệu Từ và Bi trong ta mỗi ngày.

Yếu tố thứ ba của tình thương chân thật là Hỷ – mudita. Nếu mỗi ngày hai người cứ tạo khổ đau cho nhau, thì đó không phải là tình thương chân thật. Chúng ta phải chuyển hóa nỗi khổ niềm đau ấy đi. Nhìn vào bản chất tình thương của ta để xem có chất liệu của Hỷ, tức là niềm vui không điều kiện hay không. Nếu trong tình thương của ta không có yếu tố Hỷ, thì đó chưa phải là tình thương chân thật. Niềm vui do Hỷ đưa tới là thứ niềm vui không điều kiện, là niềm vui của sự tùy hỷ, tức là vui cái vui của người, không ghen tị, so đo, tính toán…

Yếu tố thứ tư của tình thương chân thật là Xả – upeksha. Xả nghĩa là không kỳ thị, không phân biệt, là khả năng bao dung, là tự do lớn. Khi thương một người, quý vị không nên áp đảo những quan điểm của mình lên người đó và tước đoạt tự do của họ. Quý vị hiến tặng cho người đó không gian, bên trong cũng như bên ngoài. Trên danh nghĩa của tình thương, ta thường giam hãm người thương của ta vào ngục tù của uy quyền, của sự áp đảo, của sự vướng mắc và của sự độc tài chiếm hữu. Ta nhốt người thương của ta lại không cho người đó vùng vẫy và người đó mất hết tự do. Đây là thứ tình thương của sự độc tài, chiếm hữu; thứ tình thương không có sự có mặt của Xả. Ta phải tới với người thương của ta và nói: ”Em ạ, trong tình thương của anh dành cho em, em thấy có yếu tố độc tài không? Có yếu tố chiếm hữu không? Anh có tước đoạt đi tự do của em không? Em có cảm thấy em vẫn còn là em không? Em có đủ không gian trong em và chung quanh em không? Có phải anh đã tước đoạt không gian của em rồi không?” Nếu quý vị hỏi một cách thành thật như thế thì người thương của quý vị sẽ nói ra cho quý vị nghe. Nếu người thương của quý vị vẫn còn cảm thấy có tự do, tràn đầy không gian, thì có nghĩa là trong tình thương của quý vị có yếu tố của Xả.

Upeksha cũng có nghĩa là buông xả, là tình thương không điều kiện. Quý vị thương một người bằng tình thương không điều kiện là bởi vì họ cần tình thương. Nếu quý vị đòi điều kiện, thì tình thương đó không còn là tình thương chân thật nữa. Cha mẹ thương con thường thường không bao giờ đặt điều kiện. Các bậc cha mẹ không thể bảo chúng phải làm cái này làm cái nọ mới xứng đáng là con của nhà này. Tình thương chân thật nghĩa là nhìn sâu vào người ấy để thấy được nỗi khó khăn, khổ đau, ước vọng, nhu yếu và sở thích của người ấy, rồi sau đó hành động theo cái thấy ấy. Ta hành động như thế nào đó để cho người thương của ta vơi bớt khổ, trở nên một người thoải mái và tươi vui. Khi cắm hoa, ta nên cắm hoa như thế nào để cho mỗi bông hoa có không gian chung quanh để cho cái đẹp của nó có thể tỏa chiếu. Mỗi cá nhân chúng ta cũng là một bông hoa. Ta cần không gian bên trong lẫn bên ngoài để có thể tỏa chiếu cái đẹp của ta. Xả nghĩa là hiến tặng không gian. Nếu mỗi ngày ta vun xới bốn yếu tố của tình thương chân thật này thì khổ đau trong ta sẽ suy giảm rất nhiều và niềm vui, hạnh phúc trong ta cũng được tăng tiến.

Quán Pháp Trong Pháp

Bây giờ đây tôi xin mời quý vị thực tập bốn phép thở có liên quan đến tri giác, tức là tưởng. Bài tập thứ mười ba trong mười sáu phép Quán Niệm Hơi Thở là: ”Thở vào, tôi quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp. Thở ra, tôi quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp.” Vô thường là chìa khóa để mở cửa thực tại. Vô thường là một trong Ba Pháp Ấn trong kinh Tam Pháp Ấn – Vô thường, Vô ngã và Niết bàn. Sở dĩ khổ đau có mặt là do tri giác sai lầm – vọng tưởng của ta. Nếu không hiểu bốn phép thở cuối này một cách sâu sắc thì ta không thể hiểu được những bài thực tập khác trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Vì thế cho nên bốn bài thực tập này rất quan trọng. Tự do, giải thoát không thể có được nếu ta không có khả năng thay đổi những nhận thức sai lầm của ta. Ta bắt đầu với cái thấy về Vô thường. Trên bình diện lý trí, ta biết các pháp đều Vô thường – Chư hạnh vô thường – nhưng trên thực tế thì ta vẫn hành xử như thể mọi pháp là thường còn, bất biến. Ta than khóc, sầu khổ mỗi khi có người thương của ta qua đời. Ta nuối tiếc là đã không dành nhiều thì giờ để có mặt cho cha ta khi cha còn sống. Tuệ giác Vô thường giúp ta thoát ra khỏi sự hệ lụy, ngăn ngừa không để ta rơi vào hố lầy của sầu đau. Tuệ giác Vô thường có thể đem lại cho ta hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại – bây giờ và ở đây.

Đây là bài tập có thể được sử dụng mỗi khi quý vị giận người thương của mình. Khi giận, quý vị có thể nói hoặc làm những điều rất thô bạo để trừng phạt nhau. Khi giận, quý vị chỉ muốn nói hoặc làm điều gì đó đối với người đã làm cho mình giận để cho hả giận. Quý vị nghĩ rằng nếu mình làm cho người kia khổ thì mình sẽ cảm thấy thỏa mãn, dễ chịu hơn. Quý vị hành xử như một đứa trẻ thơ. Quý vị biết rất rõ là nếu người kia khổ thì mình cũng khổ. Chúng ta phải thấy rằng hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Nhưng khuynh hướng của chúng ta là cùng leo thang của sự hờn giận và âm thầm trừng phạt nhau để cả hai cùng khổ. Chúng ta hành xử với nhau như thế giữa cá nhân với cá nhân, giữa một chủng tộc với một chủng tộc hoặc giữa một cộng đồng với một cộng đồng. Và đây là bài thực tập giúp ta chuyển hoá cơn giận: Khi giận người nào, quý vị hãy nhắm mắt lại, thở vào và thở ra thật sâu, quán tưởng mình và người mình đang giận trong ba trăm năm sau sẽ như thế nào. Khi đạt được vài cái thấy rồi, hãy mở mắt ra và quý vị sẽ khám phá ra rằng cơn giận và sự si mê (vô minh) trong mình đã tan biến. Lúc bấy giờ quý vị biết chỉ có một điều ý nghĩa nhất mình có thể làm là mở rộng hai cánh tay để ôm lấy người kia vào lòng và trân quý sự kiện là cả hai đều đang còn sống trong giây phút này. Đây là tuệ giác về Vô thường. Thông thường chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng mình và người thương của mình sẽ sống hoài sống mãi bên nhau. Nhưng thực tại thì không như vậy; tất cả các pháp đều Vô thường – biến chuyển không ngừng. Không có cái gì có thể duy trì giống nhau hoài hoài, dù chỉ trong một sát na. Năm ngày sau mọi chuyện giữa ta và người kia sẽ hoàn toàn đổi khác. Đừng nói chi tới năm năm sau, một vài phút sau tâm sinh lý của ta và người kia cũng đã thay đổi.

Có bài kệ có thể giúp ta thực tập để chuyển hóa cơn giận như sau:

Giận nhau trong tích môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Em đâu và tôi đâu?

Mỗi khi tiếp xúc được với tính Vô thường của các pháp, thì chúng ta sẽ giác ngộ rằng giận nhau, trừng phạt nhau là điều khờ dại và ta sẽ phát nguyện làm bất cứ điều gì có thể để làm cho người thương của mình hạnh phúc. Ta sẵn sàng buông bỏ sự hiềm hận của mình đối với người kia. Nếu sống được như thế thì khi có điều gì bất trắc, người đó ra đi, ta sẽ không nuối tiếc. Muốn sau này không nuối tiếc, hối hận, thì ta phải biết chăm sóc, trân quý những gì ta đang có trong giây phút hiện tại. Nếu làm được điều gì có thể để đem lại hạnh phúc và niềm vui cho người thương thì phải làm liền, đợi tới ngày mai e sẽ không kịp. Nếu nói được những lời thương yêu, dịu ngọt, những lời có tính cách xây dựng, hòa giải, nối lại tình thâm, thì phải nói liền, không nên chần chờ. Nếu bây giờ quý vị có thể mỉm được nụ cười tươi mát, dễ thương thì hãy cười liền đi, đừng chần chừ. Chờ tới ngày mai có thể sẽ quá trễ. Nếu sống được với tuệ giác Vô thường, ta sẽ biết trân quý, tận hưởng những gì mình đang có trong tầm tay và làm cho mối liên hệ tình thâm với nhau trở nên tốt đẹp hơn.

Có một ông thiền sinh người Anh, ông ta chia sẻ cái nhìn rất bi quan với con gái của ông về tính chất Vô thường của sự sống. Ông ta đã dùng toàn những ý niệm, khái niệm về Vô thường. Nghe bố mình than thở về Vô thường, người con gái đáp lại như thế này: ”Thưa Bố! Tại sao bố lại than trách về Vô thường như thế? Nếu sự sống không Vô thường thì làm sao con gái của bố lớn lên như ngày hôm nay được?” Đây là câu chất vấn rất thông minh. Nhờ Vô thường mà chúng ta thay đổi và lớn lên. Nhờ Vô thường mà có sự sống. Khi gieo hạt giống xuống đất, quý vị hy vọng mọi vật đều phải thay đổi (Vô thường) để cho những hạt giống có thể nẩy mầm, phải vậy không? Với trí tuệ, ta nhận thấy rằng Vô thường là bản chất thiết yếu cho sự sống. Vô thường cho phép ta chuyển hóa và đi về hướng tốt đẹp. Nếu sự sống không Vô thường thì chế độ độc tài hoặc những nỗi khổ đau sẽ mãi mãi trường tồn. Vô thường không phải là thực tại của một nốt nhạc bi quan, yếm thế, Vô thường là bản chất sinh tồn của sự sống. Vậy thì thay vì than trách về Vô thường, ta nên vui mừng mới đúng và ta hãy nói: ”Hoan nghinh Vô thường. Vô thường vạn tuế.”

Điều cần nhớ ở đây rằng Vô thường không phải là một khái niệm để ta thao dợt bằng trí năng. Sự thực tập của ta là để nuôi dưỡng tuệ giác về Vô thường trong mỗi giây mỗi phút của cuộc sống hàng ngày. Ta phải sống với thực tại Vô thường. Vô thường là điểm khởi đầu, là cánh cửa giải thoát thứ nhất trong Ba Cánh Cửa Giải Thoát (Tam Giải Thoát Môn): Vô thường, Vô ngã và Niết bàn để bước vào thực tại mầu nhiệm. Vô thường là chìa khoá giúp hành giả mở cửa thực tại. Nếu biết cách tiếp xúc với tính Vô thường, ta sẽ đạt tới rất nhiều cái thấy: như cái thấy về Tương tức, Vô ngã và Niết bàn, những cái thấy ấy giúp ta chạm tới được vào lòng của thực tại. Bụt dạy kinh Tam Pháp Ấn, đó là Vô thường, Vô ngã và Niết bàn. Nếu những lời dạy nào không phản chiếu được ba dấu ấn – Vô thường, Vô ngã và Niết bàn, thì đó chưa đích thực là giáo lý chính thống của Bụt. Ba cái thấy này là những chìa khóa mầu nhiệm giúp ta mở được cánh cửa của thực tại. Khi ta đã có khả năng tiếp xúc được với thực tại, thì tất cả những vọng tưởng điên đảo, những tri giác sai lầm của ta về sự sống, về thế giới tan biến hết. Khi những tri giác kia được chuyển thành cái thấy chân chính (chánh kiến), thì nỗi khổ niềm đau của ta được tháo gỡ và ta đạt tới tự do lớn.