Tuyệt vọng và mất phương hướng

Con xin được hỏi:

Con năm nay 19 tuổi, đang học ở  Thành phố Hồ Chí Minh. Con đang trong tình trạng mất phương hướng. Trong tâm hồn có điều gì đó không ổn, thực sự con đang thiếu thốn tình yêu, con sống và học tập như môt cái máy; con vẫn sống nhưng không nhận ra được tình yêu nơi đâu. Con không biết vì sao, con không thể trách gia đình con, không thể trách mẹ con được, ba mẹ đã cho con cuộc đời này, nhưng sao con vẫn không cảm nhận được tình yêu đó một cách rõ nét, có lúc nó như không tồn tại. Con cô độc, không nơi nương tựa. Lúc đó con chỉ muốn bỏ tất cả, con nghĩ tất cả chẳng cần thiết nữa. Xin quý thầy, quý sư cô hãy cho con vài lời khuyên để sống tốt hơn.

 

Con là nữ, năm nay con mới 20 tuổi, nhưng con cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt. Con không có nhiều thành công trong cuộc sống, học vấn dở dang, kinh tế gia đình không ổn định, bạn con không nhiều và chúng con cũng ít thường xuyên gặp gỡ với nhau, nên những tâm sự con thường giấu kín trong lòng, đôi khi những khó khăn, căng thẳng làm con muốn nổ tung lên. Con rất khó xây dựng niềm tin nơi người khác (ngoại trừ đức Bụt). Con đang yêu một người, nhưng con cũng không biết là con có thật sự yêu người ta không.

Con không thể tìm ra một điều gì làm niềm vui trọn vẹn để con nương tựa trong cuộc sống, con thấy tương lai mình thật mờ mịt. Con không thể thực hành thiền tập, dường như lửa đốt nóng tâm con mỗi khi con mong cầu sự bình lặng, con không thể ngồi lâu. Con hay tìm tới những ông thầy bói để được an ủi về một tương lai tốt đẹp. Đã có lần con nghĩ tới chuyện tự sát để thoát khỏi cảnh sống tẻ nhạt này, nhưng con thương mẹ và con cũng sợ mang tội
Kính xin quý thầy, quý sư cô chỉ cho con biết phải sống làm sao để con không bị chết dần chết mòn trong buồn chán?

Sư cô Lĩnh Nghiêm xin được chia sẻ cùng bạn:

BinhminhtaiXomThuong.jpgEm thân mến!
Nói với em thế nào bây giờ nhỉ? Thôi để chị kể cho em nghe một câu chuyện, câu chuyện này chị nhớ cũng không rõ lắm, nhưng đại khái nó như thế này:
“Nơi ngõ nhỏ trên đường phố, tiếng đứa bé từ trong nhà vọng ra…
– Không, không ăn…!
– Ngoan nào, con yêu của mẹ, ăn đi con.
– Hứ …ứ…
Đứa bé vùng vằng, hất một cái, chiếc bánh bay vèo qua cửa sổ, rơi xuống đường, bên cống nước. Hai đứa trẻ mặt mày lem luốc, ăn mặc rách rưới đang bới móc đống rác gần đó để nhặt ve chai, thấy chiếc bánh chúng sáng mắt lên.
– Ôi chao! Trông ngon qúa.
Con chị rón rén nhặt chiếc bánh lên, nhè nhẹ thổi những hạt bụi còn dính. Thằng em háu đói hơn, nó nhìn chiếc bánh với con mắt thèm thuồng rồi nhón gót phù miệng thổi. Thì chẳng may, tòm một cái! Chiếc bánh đã rơi xuống cống nước đen ngòm, trôi đi cùng rác rưởi!!!
– Thằng em tiếc của mắt đau đáu nhìn theo chiếc bánh chép miệng: “Tại chị cầm không chặt nên nó mới rơi”
“Ừ tại chị cầm không chặt” – Con chị thương em buồn bã nhận lỗi:
– A! nhưng mà còn kem dính ở tay đây này, cho em ba ngón, chị chỉ mút hai ngón thôi.
Thằng em cười khì khì rồi đưa lưỡi liếm.”

Câu chuyện chỉ có chừng đó. Em thấy sao? Có phải bây giờ em đang có cảm xúc, tình thương trong trái tim em đang dâng lên? Khi có tình thương trong lòng thì khổ đau tan biến và bình an xuất hiện. Vấn đề ở đây là tưới tẩm hạt giống. Nếu em thường xuyên tiếp xúc với những câu chuyện nhân văn như vậy trong những cuốn “Hạt giống tâm hồn” của nhà xuất bản Trẻ, thì một thời gian sau trong tâm em tình thương, sự cảm thông, ý chí, và nghị lực được bồi đắp nhanh chóng. Khi ấy sự yêu đời, yêu người, niềm tin vào cuộc sống lại tràn về trong em. Em sẽ bước ra khỏi cái vỏ cô đơn của mình. Ngược lại, nếu em cứ chôn mình trong những tư duy tiêu cực, nghĩ tới những điều chán đời thì cực kỳ nguy hiểm vì tư tưởng của mình sẽ ứng với số phận của mình và ảnh hưởng tới nhiều kiếp sau đó nữa. Mình nghĩ tới những điều lành thì ngay bây giờ và trong kiếp này đời sống của mình có an lạc và những kiếp sau của mình cũng vẫn còn lợi lạc. Còn nếu cứ để cho những tư tưởng tiêu cực ( buồn bã, thất vọng, cô đơn v.v…) xâm chiếm thì ngay trong giây phút hiện tại chúng ta đã lãnh đủ khổ đau rồi, chưa kể tới dư báo trong tương lai.

Mười năm trở lại đây, trên đài truyền hình Việt Nam thường xuyên chiếu những bộ phim của Hàn Quốc. Diễn viên đóng thì rất hay nhưng nội dung của những bộ phim ấy thì thật buồn, kết cục thường tan tác chia ly hoặc nhân vật chính bị chết vì bệnh tật. Xem nhiều những bộ phim như vậy sẽ gieo vào tàng thức của khán giả những tư tưởng chán đời, buồn rầu, nghi ngờ, tuyệt vọng. Còn những bộ phim của châu Âu thì thường chứa đầy những bạo lực và thèm khát. Tiếp xúc nhiều với những tư tưởng ấy thì chắc chắn chúng ta bị ảnh hưởng theo.

Em có để ý thấy rằng nhiều khi em đang vô tư vui đùa với một đám bạn, hay đang đi chơi với người mình thương bỗng nhiên em chợt buồn bã tê tái mà không hiểu vì sao, không có một nguyên nhân nào hết? Đó là bởi vì tất cả những cảm xúc của ta mỗi khi phát khởi nó không hề mất đi mà rơi trở lại tàng thức. Nếu chúng ta luôn nghĩ tới những điều thiện lành, an vui thì trong tàng thức của chúng ta chứa nhiều hạt giống an vui, và mỗi khi nỗi buồn xuất hiện thì niềm vui có sẵn ở đó sẽ tự nhiên ngoi lên giúp chúng ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời dù trong hoàn cảnh khó khăn. Còn nếu chúng ta để cho tâm mình thường xuyên trong tình trạng buồn chán, tuyệt vọng thì tàng thức của chúng ta cũng lưu trữ hết những cảm xúc ấy để rồi những cảm xúc ấy có thể xuất hiện bất cứ lúc nào dù rằng chúng ta đang trong một điều kiện rất hạnh phúc.

Cho nên chúng ta phải nắm lấy số phận của mình, phải quyết tâm cự tuyệt với những thứ văn nghệ chết người kia. Phải tự nuôi dưỡng những hạt giống lành trong mình, hạt giống bao dung, cảm thông, hi sinh, lạc quan … Mỗi khi rơi vào cảm xúc tiêu cực em hãy nâng ngay một cuốn sách Phật giáo lên, hay một cuốn sách có nội dung hướng thượng, hoặc bật một bản nhạc vui, sau 5 – 10 phút tiếp xúc với những tư tưởng ấy tâm tư em sẽ tự khắc chuyển. Thiên nhiên giống như một vị lương y có thể giúp ta chữa lành những niềm đau, tiếp xúc với thiên nhiên em sẽ hưởng được sự trong lành, tươi mát mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Thường xuyên tới chùa nghe pháp giúp sẽ giúp em tăng trưởng phước đức, đọc sách Phật giáo cũng giống như nghe pháp thoại, sẽ làm lớn chánh trí trong em. Thử nhìn ra xung quanh đi, em sẽ thấy có nhiều người còn cơ hàn, khốn khổ hơn em nhiều lắm, họ thiếu cha hoặc vắng mẹ. Họ không được đầy đủ sáu căn như em, nếu một lúc nào đó em bị đau răng thôi, em không ăn, không ngủ được, khi ấy em chẳng có thời gian mà nghĩ chuyện vẩn vơ. Lúc ấy em chỉ suy tư duy nhất về một hướng đó là “lạy trời cho cái răng của con nó hết đau”. Và khi ấy em nghĩ rằng cơn đau mà chấm dứt là hạnh phúc lắm rồi, chẳng có mơ ước gì hơn nữa. Thế nhưng bây giờ em đang khỏe mạnh, gia đình đang xum họp sao em không thấy đó là một niềm hạnh phúc lớn lao? Thay vì ngồi bó gối ôm nỗi buồn em hãy giúp bố mẹ những việc nhà, tới chơi và giúp đỡ những người khác. Chỉ cần sự có mặt tươi vui của em cũng đủ làm hạnh phúc những người xung quanh rồi.

Mọi thứ là vô thường, và cái vô thường nhất chính là cảm xúc của chúng ta. Hôm nay có thể em đang buồn thê thảm, nhưng ngày mai lòng em lại vui phơi phới trở lại. Điều này một phần do tâm lý, một phần do sinh lý. Trong một tháng, mỗi người chúng ta, cả người nam và người nữ đều có những ngày tạm gọi là “những ngày đen tối”. Trong những ngày ấy tâm chúng ta rất yếu. Chúng ta dễ buồn chán, cô đơn, thất vọng, dễ khóc, dễ tủy thân, chúng ta rơi vào trạng thái bế tắc, tuyệt vọng. Khoảng thời gian ấy diễn ra từ 5 đến 10 ngày mỗi tháng, nếu không biết cách tu tập thì “những ngày đen tối” có thể kéo dài hơn 10 ngày.

Ở người nữ chu kỳ ấy diễn ra vào trước, trong, hoặc sau thời kỳ “hàng tháng”, trong những ngày ấy bất kỳ một người nữ nào cũng thấy tâm tính mình bất ổn, nhưng qua những ngày đó thì mọi chuyện sẽ trở lại bình thường. Ở người nam không có ngày “hàng tháng” nên khó xác định hơn. Nhưng chu kỳ “những ngày đen tối” của người nam cũng giống với người nữ, tức là nó cũng diễn ra định kỳ cứ 25 tới 30 ngày một chu kỳ, mỗi chu kỳ chúng ta bị “dính chưởng”  từ 5 tới 10 ngày có thể là 15 ngày. Trong  những ngày ấy tâm tính người nam cũng trở nên bất ổn, cũng dễ nổi cáu, dễ thất vọng, tự ti, dễ nổi khùng, hoặc co rút lại như một con tôm. Vì không có “dấu hiệu nhận biết” như người nữ nên người nam phải tự quan sát chu kỳ của mình, mỗi khi thấy tâm mình bị chìm sâu xuống trong vài ngày không thể ngoi lên được thì phải lấy bút đánh dấu lại những ngày ấy và theo dõi thì sẽ thấy rằng tháng sau cũng vào khoảng những ngày ấy tâm mình cũng bị rơi xuống vực thẳm, và phải mất mấy ngày trạng thái mới trở về bình thường. Tháng nào cũng vậy, không có tháng nào “thoát nạn” hết. Nếu khéo tu thì nhẹ mà vụng tu thì nặng mà thôi.

Biết được điều đó để chúng ta chuẩn bị sẵn tâm lý, hễ gần tới chu kỳ thì chúng ta tự nói, nó sắp tới rồi, mình không sợ nó, mình sẽ chờ đợi để đón tiếp nó. Khi chúng ta đứng trong tư thế chủ động thì những cảm xúc ấy vẫn xuất hiện như thường nhưng chúng sẽ yếu đi và chúng ta bước qua “vùng phủ sóng” một cách nhẹ nhàng, an toàn. Hoặc giả như chúng ta đang rơi vào tình trạng “tâm lý bất ổn” chỉ cần nhận ra mình đang trong “thời kỳ đặc biệt” ta chấp nhận thực trạng đang diễn ra, thì ngay lập tức những cảm thọ tiêu cực bắt đầu yếu đi, và nhanh chóng chấm dứt.

Hãy nhớ mọi thứ là vô thường, lúc này tâm mình thế này nhưng lúc sau tâm mình đã thay đổi rồi, thay đổi trong từng phút giây. Mỗi người chúng ta đều có 51 tâm hành vừa thiện vừa bất thiện vừa vô thưởng vô phạt. Chúng ta không nên vì mấy cái tâm hành bất thiện khởi lên, kéo theo những cảm thọ tiêu cực mà vội có những hành động quá khích. Mỗi khi tâm hành bất thiện khởi lên chúng ta chỉ cần trở về với hơi thở nhận diện nó và mời những tâm hành thiện lên thì những tâm hành bất thiện sẽ không còn “đất dung thân”.

Nếu em có nhiều bất an, không thể ngồi thiền được thì em có thể đi thiền hành, em có thể niệm danh hiệu bồ tát Quan Thế Âm, hoặc lấy sách Phật giáo ra đọc, hay nghe CD nhạc tâm linh, nghe CD pháp thoại. Hiện nay các cuốn sách Phật giáo được các phát thanh viên đọc rất diễn cảm, em nên thỉnh những CD đọc sách ấy về nghe. Đó cũng là tu đấy em, ngồi thiền chỉ là một trong vô số cách tu thôi. Nếu cách này, lúc này không phù hợp với mình thì mình phải chuyển sang cách khác, không thể ngồi đó mà chịu chết được. Chúng ta phải làm chủ số phận của mình, phải chuyển nghiệp bất thiện thành nghiệp thiện, chuyển quả báo xấu thành quả báo lành. Không có ai khác, chính chúng ta phải tự vén đi những đám mây mù để cho ánh nắng rọi xuống cuộc đời của mình.

Chúc em chăm sóc vườn tâm thật tốt để mảnh đất tâm của em thơm ngát những đóa hoa.