Anh muốn làm gì với đời anh?

(Trích pháp thoại của Thầy ngày 31/10/2013 tại xóm Thượng – phần III)

 

Các kỹ sư của Google tham dự ngày chánh niệm

Cần có một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày

Một điều có thể nhận thấy qua chuyến đi hoằng pháp tại Bắc Mỹ lần này là tất cả mọi người – kể cả giới chính trị, giới doanh thương, và các nhà trí thức – đều nhận ra rằng mình cần phải thực tập một cái gì đó, mình phải có một chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày, nếu không thì mình sẽ không thể chịu nổi và sẽ “giữa đường đứt gánh”.

Trong chuyến này mình chọc thủng được màn lưới và đưa sự thực tập chánh niệm vào dòng chảy chính của xã hội (mainstream). Mình được mời hướng dẫn hai ngày thực tập tại Ngân hàng thế giới (World Bank – viết tắt là WB). Rất nhiều người ngạc nhiên: tại sao WB lại cần tới mấy ông thầy tu làm gì? Chính những nhân viên trong WB cũng nói: trời đất ơi, tại sao lại đem mấy ông thầy tu tới đây?

Ông Kim Young Jim, Giám đốc WB rất thích có một ngày chánh niệm do Thầy và Tăng đoàn Làng Mai hướng dẫn tại trụ sở của WB. Ngày xưa khi còn làm Viện trưởng Viện đại học Darmouth, ông rất thích cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức. Ông nói là cuốn sách này đã thay đổi cuộc đời ông. Và khi được Tổng thống Obama cử làm Giám đốc WB, ông muốn đem những điều đã đọc trong cuốn sách này vào thực tập trong WB. Thầy Pháp Lưu – vốn là sinh viên trường Darmouth – viết thư cho ông và hỏi ông có muốn có một ngày chánh niệm tại WB không. Ông nói rất muốn. Nhưng ông cũng sợ người ta phản đối.

Ông Kim đưa lá thư của thầy Pháp Lưu cho một người phụ tá tên là Nicolas và nói: này anh, anh làm thế nào để có được ngày quán niệm trong WB, anh ráng đi. Tiến sĩ Nicolas là người tin cẩn nhất của ông trong WB. Nicolas lên Internet tìm hiểu Tăng đoàn Làng Mai là ai, thực tập như thế nào. Ông cũng rất muốn có một ngày chánh niệm nhưng cũng sợ sự phản ứng nặng nề của các nhân viên trong WB. Bữa đó, ông có than thở với phu nhân thì được bà chia sẻ rằng nếu Làng Mai đến WB thì đó là chuyện hy hữu, có thể đó là chuyện hay nhất từ trước đến nay tại WB. Được bà yểm trợ nên ông cương quyết tổ chức. Ông trả lời thầy Pháp Lưu là Giám đốc Kim sẽ viết thư mời Thầy và tăng đoàn Làng Mai.

Đối thoại với Giám đốc Kim và các nhà khoa học tại WB

Để cho đỡ sốc, ngày đầu WB mời các nhà khoa học tới để đối thoại với Thầy, để chứng tỏ là mình không đem chuyện tôn giáo vào trong WB. Họ mời những người như Tiến sĩ Davidson Richard và Tiến sĩ Brian Davey – những nhà thần kinh học để nói về chuyện tu tập chánh niệm có thể giúp người ta như thế nào, ví dụ như giảm căng thẳng,v.v. Ngày đó, những người có ý nghi ngờ, tuy không ra dự nhưng vẫn âm thầm ngồi nghe trong văn phòng để xem thử mình nói gì. Rốt cuộc ngày hôm sau, tất cả đều bỏ hết công việc ra tham dự. Và ngày hôm đó trở thành một ngày thực tập rất hạnh phúc, có đi thiền hành, có pháp thoại, có thiền buông thư, có vấn đáp v.v. Rất là hay.

Sau ngày ấy, nhân viên WB viết thư khen ngợi ông Giám đốc hết lời. Nghe nói là ở WB có một bức tường để mình dán lên những điều gì mình bất mãn đối với những vị trong Ban Giám đốc. Mình có thể viết và dán lên đó để “xì hơi”. Trước đó thì nhiều người chỉ trích và lên án đủ thứ, nhưng sau ngày đó, họ dán lên toàn là những lời khen ngợi.

Khoa học kỹ thuật có thể giúp con người trở về với chính mình?

Tăng đoàn Làng Mai cũng đã đến hướng dẫn một ngày Chánh niệm tại trụ sở của Google. Những lời hướng dẫn thiền hành và bài pháp thoại cùng buổi vấn đáp của Thầy được truyền đi khắp thế giới cho các nhân viên của Google ở tất cả các nước. Hôm đó theo chương trình, các thầy, các sư cô Làng Mai tới ăn sáng với nhân viên Google, sau đó đi thiền hành. Bảy trăm người đi thiền hành rất nghiêm túc. Có những người đến muộn, vào lúc tất cả đều đang ngồi lặng yên giữa buổi thiền hành, đã có cảm giác năng lượng tại Googleplex – trụ sở của Google – hôm đó thật hùng tráng kỳ diệu. Sau giờ thiền hành thì có pháp thoại. Thầy làm thiền hướng dẫn trước khi nói pháp thoại. Sau đó có ăn cơm im lặng, rồi có thiền buông thư, vấn đáp, v.v. Rất là hạnh phúc.

Chiều đó, Thầy cùng với các thầy Pháp Dung, Pháp Lưu, Pháp Linh và sư cô Hiến Nghiêm có một buổi gặp gỡ với một số vị kỹ sư trẻ trong Google. Vấn đề đưa ra là khoa học kỹ thuật (technology) có thể giúp con người bớt khổ được hay không? Trong bài pháp thoại tại Google, Thầy đã nói: mỗi người trong chúng ta đều có những nỗi khổ, niềm đau trong lòng, và những nỗi khổ niềm đau đó có thể mang theo những nỗi khổ, niềm đau của cha, của mẹ, của ông bà, tổ tiên. Phần lớn chúng ta không biết xử lý nỗi khổ, niềm đau cho nên chúng ta hay khỏa lấp và chạy trốn. Chúng ta dùng những phương tiện kỹ thuật để chạy trốn chính mình. Chúng ta dùng Internet, telephone, truyền hình, âm nhạc, sách báo để khỏa lấp nỗi khổ, niềm đau, tại vì chúng ta không có khả năng trở về để xử lý những khổ đau ấy.

Một nét đặc trưng của nền văn minh chúng ta là trốn chạy, trốn chạy bản thân. Và khi mình trốn chạy bản thân thì mình cũng trốn chạy khỏi gia đình mình, tại vì nếu mình không thể có mặt cho chính mình thì làm sao có thể có mặt cho những người mình thương. Thành ra mình bỏ bê gia đình luôn. Đồng thời mình cũng trốn chạy thiên nhiên, trốn chạy đất Mẹ. Đất Mẹ rất đẹp, rất lành; đất Mẹ có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Nhưng mình không có khả năng trở về với đất Mẹ để được chữa trị và nuôi dưỡng. Mình trốn chạy bản thân, gia đình và đất Mẹ. Mà khoa học kỹ thuật (technology) đang giúp mình chạy trốn. Những máy móc, những thiết bị điện tử và mạng lưới Internet giúp cho con người chạy trốn bản thân, chạy trốn gia đình và chạy trốn xã hội. Và trong khi tiêu thụ những thứ đó thì nỗi khổ niềm đau trong mình cứ từ từ tăng tiến. Đó là tình trạng của thế giới ngày nay. Vậy thì câu hỏi đặt ra cho những nhà doanh thương, cho những hãng lớn chuyên sản xuất ra những thiết bị điện tử là những thiết bị điện tử đó có thể đóng được một vai trò ngược lại hay không? Thay vì giúp người ta chạy trốn bản thân, chạy trốn gia đình, chạy trốn thiên nhiên thì làm sao để những thiết bị điện tử đó nhắc mình trở về để chăm sóc hình hài của mình, chăm sóc những cảm thọ, tri giác của mình, những khổ đau trong lòng mình? Các anh có thể làm cho tôi một cái máy; các anh có thể đưa những software nào vào trong các thiết bị điện tử hoặc điện thoại cầm tay, để mỗi khi tôi đi hấp tấp thì cái máy đó nhắc rằng: “này bạn, tại sao lại đi hấp tấp như vậy? Hãy đi theo kiểu thiền hành. Hãy đi từng bước thảnh thơi. Đừng suy nghĩ nữa”. Cái máy điện thoại của anh có thể làm được chuyện đó hay không?

Mỗi khi anh giận và chất adrenaline lên cao ở trong máu thì cái máy ấy có thể nhận biết và nhắc: “Anh đang giận, anh đang có một cảm xúc. Anh không nên làm gì hết. Hãy trở về để thở và chăm sóc cảm thọ trong anh”. Và khi có một người sắp tự tử đang kêu cứu trên mạng Internet thì tự khắc có người nói rằng: “Đừng, anh đừng làm chuyện đó. Bây giờ  anh phải nghe lời dạy của một vị thầy: một cảm xúc chỉ là một cảm xúc thôi. Nó tới, nó ở lại một thời gian rồi nó đi, tại sao anh phải chết vì một cảm xúc như vậy?”.

Cái máy có thể nhắc mình: “Câu thần chú thứ nhất: người thương ơi, tôi đang có mặt cho em đây (I am here for you) rất hay, tại sao hôm nay anh chưa thực tập? Anh hãy gọi về nhà và nói với chị câu thần chú ấy đi”. Những thiết bị điện tử bây giờ có thể được trang bị bằng những thiết bị cảm ứng (sensor) có thể biết những gì đang xảy ra trong cơ thể mình và trong tâm của mình. Chúng có thể nhắc mình trở về chăm sóc chính mình và chăm sóc gia đình của mình.

Những thiết bị điện tử kia có thể đưa người sử dụng tới một tu viện online, để người đó có thể biết được đường hướng phải thực tập như thế nào, để có thể xử lý được những cảm xúc mạnh, những cơn giận, những nỗi buồn, những nỗi niềm thất vọng của mình. Các anh rất giỏi về kỹ thuật và công nghệ, vậy các anh hãy giúp chúng tôi làm ra những thiết bị điện tử có khả năng giúp chúng tôi trở về với chính mình, trở về với gia đình của chúng tôi, lập ra một tu viện trực tuyến để chúng tôi đến tu tập và chuyển hóa.

Thầy và tăng đoàn Làng Mai đã ngồi với các vị kỹ sư của Google để bàn luận về việc chế ra được những thiết bị như vậy. Tăng đoàn Làng Mai cũng đã đến thăm và làm việc với Facebook và Twitter. Có khả năng Facebook hay Google sẽ giúp mình mở một trung tâm thực tập online để giúp nhân viên của họ và những người trên thế giới có thể trở về để được hướng dẫn tu tập khi có vấn đề khổ đau hay tuyệt vọng. Thầy tin rằng thế nào pháp môn thực tập chánh niệm, nhờ kỹ thuật và công nghệ, cũng sẽ được phổ biến trên thế giới một cách rộng rãi gấp trăm, gấp ngàn lần bây giờ.

Làm thế nào để giữ thăng bằng giữa công việc và đời sống?

Một vấn đề nữa mà Google đặt ra là làm thế nào để giữ thăng bằng giữa công việc và đời sống. Tại vì nếu mình bận rộn quá thì mình không có thì giờ để sống. Không lẽ chúng ta sống chỉ là để kiếm tiền thôi sao? Trong khi lo làm cho được nhiều tiền, bỏ hết thì giờ để trở thành doanh nghiệp Number One thì ta không có thì giờ để sống, để chăm sóc cho ta và cho những người mà ta thương yêu. Như vậy có đáng để cho ta thành công không? Làm thế nào để sử dụng công phu thực tập chánh niệm mà thiết lập lại được sự cân bằng giữa công việc và đời sống?

Thầy nói rằng ở Làng Mai chúng tôi có bốn hoạt động: tu, học, làm việc và chơi. Cách chúng tôi là làm sao để tu cũng là chơi, học cũng là chơi, làm việc cũng là chơi. Mà chơi cũng là làm việc, chơi cũng là học, tại vì trong khi chơi chúng tôi cũng chế tác được tình huynh đệ, cũng làm mới lại được thân tâm. Thành ra anh có thể làm thế nào để công việc của anh trở nên dễ chịu, và công việc đó không làm đánh mất sự sống của các anh.

Phải làm thế nào để công việc trở thành sự sống. Ví dụ như trong lúc viết thư pháp – vẽ một vòng tròn,  thì khi thở vào, tôi vẽ nửa vòng tròn trước; khi thở ra, tôi vẽ nửa vòng tròn còn lại và tôi mỉm cười. Có khi tôi mời thầy tôi, mời cha tôi, mời các đệ tử của tôi cùng vẽ vòng tròn với tôi. Trong khi vẽ vòng tròn như vậy, tôi thấy đây không chỉ là công việc mà đây là sự sống, đây là tu học, đây là niềm vui, đây là công tác xây dựng tăng thân. Và như vậy công việc này cũng là chơi, công việc này cũng là xây dựng tình huynh đệ, công việc này cũng là sự sống.

Vấn đề là làm sao khi làm việc các anh đừng tự đánh mất mình trong công việc, mà phải thấy công việc là niềm vui. Chánh niệm có thể giúp các anh làm được điều đó. Đừng tư duy theo kiểu lưỡng nguyên, cho công việc là một chuyện, còn đời sống là một chuyện khác. Phải làm sao để mình được sống trong khi làm việc, mà không đánh mất mình trong công việc.

Ước muốn sâu sắc nhất của đời mình là gì?

Tăng đoàn Làng Mai đã gặp một số các nhà doanh thương lớn ở Mỹ, những nhà tỷ phú. Họ muốn biết làm thế nào để trong khi làm ra tiền, mình không bị khổ đau, không đánh mất sự sống của mình. Chính Google đề ra khẩu hiệu là: chúng ta có thể làm giàu, nhưng chúng ta không cần phải đi con đường tà (we can make money without being evil). Thầy đặt câu hỏi: nếu trong khi làm giàu mà anh bỏ bê bản thân anh, bỏ bê gia đình anh, anh bỏ bê trái đất thì cái đó có phải là “evil” không? Theo Thầy thì cái đó cũng là “evil” rồi.

Vì vậy cho nên tư niệm thực (ước muốn sâu sắc nhất của mình) rất quan trọng. Thầy đề nghị tất cả các nhà doanh thương, những ông chủ lớn đều phải có bồ đề tâm, tức là một ước muốn sâu sắc và thánh thiện (volition hay intention). Đây cũng là một trong những nội dung chính yếu được giảng dạy trong chuyến đi hoằng pháp lần này.

Google đã đề nghị Thầy nói về ba đề tài: intention (ý định, ước muốn), insight (tuệ giác) và innovation (đổi mới, cải cách). Thầy nói ước muốn chân chính của mình (intention) phải là giúp xã hội, giúp con người trở về với bản thân, tại vì hướng đi của văn minh bây giờ là chạy trốn bản thân, chạy trốn gia đình và chạy trốn thiên nhiên. Đó là một hướng đi sai lạc, làm cho khổ đau càng ngày càng lớn. Bây giờ đây, đường hướng sử dụng kỹ thuật (technology) của anh và công ty của anh phải có một hướng đi cho tốt. Và hướng đi này sẽ làm cho anh có hạnh phúc. Đó là làm sao giúp được con người trở về được với bản thân để tự chăm sóc mình, chăm sóc những người thương và chăm sóc thiên nhiên. Vì vậy cho nên chuyện làm ra tiền trở thành thứ yếu, tại vì có tiền mà không có hạnh phúc thì có tiền để làm gì?

Tại World Bank, Thầy đã nói câu đó. Thầy nói: giữa hai cái, anh phải chọn một cái thôi, một là trở thành Number One, hai là hạnh phúc. Anh thấy cái nào quan trọng thì anh chọn. Nếu anh muốn trở thành number one thì anh phải hy sinh hạnh phúc, còn nếu anh muốn hạnh phúc thì anh phải hy sinh cái ý định trở thành number one. Vậy thì tư niệm thực (volition) của anh là gì? Muốn có nhiều tiền, muốn thành number one hay muốn có hạnh phúc?

Thầy có đề nghị các nhà doanh thương, các nhà kỹ thuật phải ngồi lại và tìm hiểu xem thử mình thật sự muốn gì. Đâu là ước muốn sâu sắc của đời mình? Thầy đã sử dụng những cụm từ mà Thầy đã dùng trong khóa tu mùa hè ở Làng. Con người chúng ta có những mối quan tâm thường nhật như: làm thế nào để có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, có người thương. Nhưng ngoài những tiện nghi vật chất và tình cảm đó, mình còn có cái ước muốn nào cao hơn nữa không?

Anh muốn làm gì với đời anh? Hay mục đích của đời anh chỉ là để đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm? Ngoài những quan tâm thường nhật, anh còn có mối quan tâm tối hậu (ultimate concern): anh muốn làm gì với cuộc đời mình? Thầy đề nghị các nhà doanh thương, các nhà chính trị và các nhà kỹ thuật phải tìm một nguồn tư niệm thực lành mạnh. Thầy thấy nguồn tư niệm thực hay nhất bây giờ là ý chí giúp con người trở về với bản thân để chăm sóc bản thân, trở về với gia đình để chăm sóc gia đình mình, và trở về với thiên nhiên để được nuôi dưỡng và trị liệu, cũng như giúp thiên nhiên phục hồi lại được cái đẹp của nó. Đó là những nét chính của sự giảng dạy trong chuyến đi.

Hôm 25.10.2013, Tăng đoàn cử ra mười thầy và sư cô đi với Thầy để gặp khoảng 30 nhà doanh thương cỡ lớn nhất ở Mỹ. Sau buổi sinh hoạt có đi thiền hành vào khoảng 40 phút. Tối hôm sau (26/10), các nhà doanh thương này đều đến nghe thầy giảng tại nhà hát Paramount Theatre ở Oakland. Đề tài chiều hôm ấy là: làm cho máu trở về tim, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Nội dung của buổi nói chuyện sáng hôm 25/10 tại Presidio Park, San Francisco cũng tương tự như buổi gặp gỡ ở Google. Buổi sáng hôm ấy, Thầy đã có dịp viếng thăm công viên Kaiser và thiền viện San Francisco với phái đoàn xuất sĩ.

Sức mạnh của từ bi

Trong chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ lần này có hai trường đại học mời mình, đó là đại học Harvard và đại học Standford.

Trường Y (Harvard Medical School) và Trường Y tế Cộng đồng (Harvard School of Public Health) cùng đứng ra tổ chức hai ngày học hỏi và tu tập chánh niệm với sự cộng tác của tổ chức Cambridge Health Alliance Physicians. Các bác sĩ tới tu tập trong hai ngày đó sẽ nhận được tín chỉ của chương trình giáo dục thường xuyên (continued education). Bên Mỹ họ bắt buộc các nhà hành nghề y khoa mỗi năm phải học thêm về chuyên ngành.

Thầy và Tăng đoàn tại đại học Havard

Ngày đầu tiên (11/9), có mười mấy giáo sư dạy về thiền quán và về tâm lý trị liệu.  Ngày hôm sau (12/9), Thầy nói về phương pháp trị liệu thân tâm bằng thiền tập. Hôm ấy có hướng dẫn thiền tọa, thiền hành, pháp thoại và vấn đáp. Đề tài là sức khỏe cộng đồng và sức khỏe cá nhân. Làm sao thiền quán có thể giúp phục hồi sức khỏe con người và sức khỏe cộng đồng?

Ngày 24/10, đại học Standford tổ chức một buổi đàm luận về đề tài từ bi. Trong khuôn khổ của ngành não bộ thần kinh (neuroscience), họ muốn tìm hiểu từ bi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người. Năng lượng từ bi có thể có tác dụng chữa trị cho con người được hay không? Thầy được mời tới để chia sẻ về đề tại này.

Trong buổi đàm luận này, các giáo sư cho biết là lâu nay y khoa chỉ tìm hiểu những yếu tố gây ra bệnh tật để chữa trị, mà chưa tìm hiểu những yếu tố tích cực giúp tăng cường sức khỏe. Đây là lần đầu tiên có một trường đại học nghiên cứu về từ bi, và thấy được vai trò của từ bi trong sự trị liệu cho con người và làm tăng tiến phẩm chất của đời sống.

Thầy nói rất rõ là từ bi có khả năng hóa giải hận thù, và khi hóa giải được hận thù thì con người mình trở nên thư giãn ra. Sự thư giãn đó giúp cơ thể phục hồi và trị liệu được. Khi có từ bi thì mình ngủ ngon hơn. Năng lượng từ bi còn có tác dụng bảo hộ cho mình. Súng ống và quân đội chưa chắc bảo vệ được mình nhiều bằng năng lượng từ bi. Như trường hợp của thầy Baddhiya, hồi thầy còn làm thống đốc một tiểu bang, có quân đội, có lính gác, nhưng thầy luôn sống trong lo sợ và không có an ninh. Khi đi tu rồi, thầy có rất nhiều từ bi và luôn được bảo hộ bởi năng lượng từ bi, vì vậy mà thầy thấy an ninh hơn rất nhiều, không sợ bị cướp, bị giết như trước đây nữa.

Ngoài ra, khi mình có từ bi thì mình có rất nhiều bạn. Giống như trong trường hợp Anathapindika (Cấp Cô Độc), ông là người rất từ bi cho nên ông có rất nhiều bạn bè và nhiều an ninh. Khi ông bị phá sản thì các bạn tới giúp ông gây dựng lại sự nghiệp một cách dễ dàng.

Nếu mình giàu thì cũng có rất nhiều người đến với mình, nhưng những người đến với mình có thể không phải để làm bạn đâu, họ đến với mình để mà nhờ cậy vào tiền của mình thôi. Vì vậy mà những nhà tỷ phú thường rất cô đơn. Họ luôn nghi ngờ những người đến với họ không phải là vì tình bạn, mà vì muốn lợi dụng vị thế của họ. Còn người có từ bi thì không bao giờ bị cô đơn. Không có từ bi thì mình không thể nào liên hệ với bất kỳ chúng sinh nào, bất kỳ con người nào khác. Vì vậy cho nên từ bi có khả năng chữa trị, có khả năng thiết lập liên hệ giữa mình với những người khác rất hay.

Buổi sinh hoạt hôm ấy rất hào hứng. Trong trường đại học có một buổi sinh hoạt như vậy rất là mới lạ, tại vì khung cảnh các buổi tọa đàm ở đại học thường rất khô khan với những con số, những công thức, những dữ kiện,v.v.Buổi sinh hoạt hôm đó rất linh động. Thầy đã nói rất nhiều về phương pháp chế tác từ bi.

Thầy đề nghị trong trường đại học, các giáo sư và sinh viên đừng chỉ nghiên cứu và giảng dạy bằng miệng và bằng khối óc, mà cần phải ngồi lại để cùng nhau chế tác năng lượng từ bi bằng chánh niệm, chánh định và tuệ giác. Quý vị phải dạy từ bi bằng cách sống của mình, chứ không phải bằng những bài giảng mà thôi. Khi quý vị có khả năng chế tác từ bi thì cách quý vị nhìn, cách nghe, cách tiếp xử với người khác khiến người ta thấy rất rõ năng lượng từ bi đó, chứ không phải chỉ do sự giảng dạy mà người ta hiểu được từ bi. Mọi người tham dự, trong đó có giáo sư James Doty – chủ tọa của buổi đàm luận rất thích và có nhiều cảm hứng từ những điều Thầy chia sẻ.

Giáo sư James Doty và Thầy

Hành trình của chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ

Chuyến đi bắt đầu với khóa tu cho các nhà giáo tại đại học Brock, Toronto, Canada, với đề tài với đề tài “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới” (“Happy teachers will change the world”). Khóa tu bắt đầu từ ngày 11/8 đến ngày 16/8. Khóa tu vừa chấm dứt thì ngày 17/8 có một buổi thuyết giảng công cộng tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Sony (Sony Centre for the Perfoming Arts). Trong buổi thuyết giảng này Thầy giảng về chủ đề: Present moment – Wisdom for global peace and happiness (Giây phút hiện tại – Tuệ giác đem lại bình an và hạnh phúc cho thế giới). Ngày 18/8 là một ngày quán niệm dành cho người Việt, có 900 người tới tham dự. Ngày 19/8 thì Thầy và Tăng đoàn qua Mỹ.

Ngày 22/8, có một ngày xuất sĩ tại tu viện Bích Nham. Từ ngày 25 – 30/8 thì có khóa tu cho những người nói tiếng Mỹ. Trước khi lên đường sang tu viện Mộc Lan, có một buổi thuyết giảng tại Beacon Theatre, New York ngày 7/9. Và cũng trong ngày này, Thầy đã khai mạc buổi triễn lãm thư pháp tại ABC Home, New York. Phòng triễn lãm này sẽ mở cửa trong vòng 4 tháng, và theo báo cáo, ngày nào cũng có rất đông người đến tham quan. Có rất nhiều người đã đặt mua những thư pháp ở đó. Sợ rằng sau bốn tháng thì những thư pháp ở đó sẽ bị bán hết, không còn để cho thầy Pháp Nguyện tổ chức một buổi triễn lãm khác.

Ngoài hai ngày cho World Bank (9 – 10/9) và hai ngày cho Havard (11 – 12/9), mình còn có một buổi pháp thoại công cộng ngày 14/9 và một buổi ngồi thiền công cộng (Sit in Peace) ngày 15/9 trước nhà thờ Trinity Church ở Boston. Chủ đề ở Boston là The country of the present moment – the wisdom for global peace and happiness (Xứ sở của giây phút hiện tại – Tuệ giác đem lại bình an và hạnh phúc cho thế giới).

Pháp thoại công cộng tại nhà thờ Trinity Church, Boston

Ở Mộc Lan có hai khóa tu, một khóa tu cho người Việt (19 – 22/9) và một khóa tu cho người Mỹ (24 – 29/9). Sau hai khóa tu ở Mộc Lan thì Tăng đoàn đi Lộc Uyển. Ngày 4 – 8/10 là khóa tu cho người nói tiếng Việt. Và khóa tu tiếng Anh với chủ đề “Tìm lại ngôi nhà đích thực của chúng ta” (“Finding our true home”) bắt đầu từ ngày 11/10 và kết thúc ngày 16/10. Ngày 19/10, Thầy có buổi thuyết giảng công cộng tại Pasadena. Rồi sau đó mình đi lên miền Bắc California.

Ngày 23/10 là dành cho Google, ngày 24/10 là dành cho Standford, ngày 25/10 là để cho các nhà doanh thương, ngày 26/10 là diễn thuyết công cộng tại Paramount Theatre với đề tài “Làm mới thân tâm – Tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm” (“Refreshing our Hearts, Touching the Wonders of Life”). Ngày 27 là ngày quán niệm cho người Việt tại tu viện Kim Sơn. Và ngày 28 thì Thầy và Tăng đoàn về lại Pháp, kết thúc chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ năm 2013.

Các bài có liên quan:

– Có Bụt trong xe

– Bụt có khổ không?