Tưới tắm hạt giống hạnh phúc
5 – Mong sao cho tôi nhân diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc trong tôi.
Đây cũng là phép thực tập hàng ngày. Có những người nghĩ rằng trong họ không hề có niềm vui, không hề có hạnh phúc, tất cả những gì họ có chỉ là khổ đau và nước mắt mà thôi. Trong khi đó Bụt dạy rằng tâm thức của chúng ta chứa đủ tất cả những loại hạt giống, có hạt giống khổ đau nhưng cũng có hạt giống hạnh phúc, có hạt giống của thù hận nhưng cũng có hạt giống của thương yêu, có hạt giống của si mê nhưng cũng có hạt giống của trí tuệ. Có thể chưa có ai giúp chúng ta nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc đó vì vậy cho nên chúng ta mới cần tới thầy, tới bạn và tới sự thực tập.
Thực tập đây là thực tập nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc tiềm ẩn trong chúng ta. Hạt giống của niết bàn, của giải thoát, của an lạc, của Từ, của Bi, của Hỷ và của Xả đều có đầy đủ trong ta. Tâm ta sở dĩ được gọi là nhất thiết chúng thức, nghĩa là tâm thức có đầy đủ tất cả mọi hạt giống, là vì lý do đó. Chúng ta phải xử sự như một người làm vườn. Người làm vườn có khả năng tiếp xúc nhận diện gieo trồng và tưới tắm những hạt giống tốt. Trong đời sống hàng ngày, người hành giả dùng chánh niệm của mình để quán chiếu, để nhân diện và để tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc, và mỗi ngày đều tưới tắm và chăm bón chúng. Ta làm công việc ấy với sự hỗ trợ của thầy và của các bạn tu. Ta phải có một niềm tin, niềm tin đó là ta có ở trong ta những hạt giống tốt. Và với phương pháp tác ý như lý ta có thể tiếp xúc được với hạnh phúc và với niềm vui của chúng ta. Chúng ta có thể đánh động tới, chúng ta có thể tiếp xúc, chúng ta có thể làm sợi dây đàn của những hạt giống đó phát ra âm thanh chứng tỏ sự có mặt của chúng. Khi chúng ta ăn cơm im lặng, đi thiền hành, ngồi thiền, hay pháp đàm chúng ta có những cơ hội để đánh động tới, tiếp xúc và nhận diện những hạt giống ấy và nếu đã tiếp xúc được với chúng một lần rồi, ta biết rằng ta có thể tiếp xúc được với chúng lần thứ hai, lần thứ ba v.v… Càng tiếp xúc ta càng làm cho chúng lớn lên.
Nếu muốn thương ai, nếu muốn làm cho ai đó bớt khổ và có hạnh phúc ta cũng phải làm như vậy. Ban đầu ta nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống trong ta và khi ta đã thành công được 10%, 20%, ta đã có thể giúp cho người ấy (mong sao cho tôi giúp người ấy nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc trong người ấy). Dù người kia chỉ biết khóc, chỉ biết khổ, chỉ biết than thở, ta biết rằng người kia cũng có hạt giống của hạnh phúc; và vì ta đã biết làm công việc tưới tắm cho ta rồi, nên ta có thể ngồi với người đó để giúp người đó thực tập: “Nếu chị làm như thế này… nếu em làm như thế này… nếu anh làm như thế này… thì anh (chị, em) có thể tiếp xúc được với niềm vui ở trong bản thân”. Bằng lời nói bằng cái nhìn, bằng bàn tay bằng sự chăm sóc của ta, ta có thể đánh động được hạt giống đó nơi người kia và ta cứu được người kia. Trong khoá tu dành cho các giới tâm lý trị liệu, tôi thường hay nói điều này: khi một thân chủ tới tham vấn, ta đừng chỉ nói tới những chuyện tiêu cực như ông có vấn đề gì, bà có vấn đề gì, ông bà đau khổ như thế nào. v… v… Nhà tâm lý trị liệu phải có khả năng đánh động tới hạt giống của hạnh phúc và niềm vui nơi người thân chủ. Nếu ta biết uống trà, nếu ta biết đi thiền hành, nếu ta biết tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh ở trong ta và xung quanh ta thì ta cũng sẽ giúp cho những thân chủ của ta làm được chuyện ấy. Rồi ta tập cho người ấy làm một mình. Tại sao nhà trị liệu tâm lý không dắt thân chủ của mình đi thiền hành và dạy cho người đó bước những bước chân thành thảnh thơi để tiếp xúc với trời xanh và mây trắng, biết dừng lại và nuôi dưỡng mình bằng những niềm vui trong giờ phút hiện tại. Nếu cứ ngồi đó mà nói về niềm đau của mình thì có thể có hại.
Ta hãy bắt đầu bằng người mà ta thương. Vì ta thương người đó cho nên ta muốn cho người đó có niềm vui và hạnh phúc. Ta đề nghị một vài phép thực tập để người đó cũng làm được như ta. Ta phải thành công cho ta rồi ta mới giúp được những người ta không quen biết, và cuối cùng ta cũng có thể giúp cả những người đã từng làm cho ta đau khổ và giận hờn. Bản chất của hai bài thực tập này là Từ. Nếu không quán chiếu, nếu không biết thực tập những điều đó thì đó không phải là hành Từ, không phải là sự thực tập tình thương chân thật. “Kim nhân bất năng như thị hành từ.”, người đời bây giờ không biết thực tập tình thương như vậy, đó là một câu trong luật sa di. Ngồi pháp đàm với nhau ta chia sẻ cho nhau về kinh nghiệm thực tập. Ta đã thành công như thế nào, ta thành công tới mức nào, ta có những trở ngại nào, những khó khăn gì. Tôi đã nhận diện và tiếp xúc được với những niềm vui và hạnh phúc của tôi như thế nào? Mỗi ngày tôi đã làm gì để tưới tắm các hạt giống của niềm vui và hạnh phúc trong tôi? Vốn liếng kinh nghiệm là cái quý nhất mà ta có thể chia sẻ với các bạn trong buổi pháp đàm. Một người nói cho hai chục hay ba chục người nghe về kinh nghiệm của mình, cái đó đã là hành Từ. Một người được nghe kinh nghiệm của hai chục hay ba chục người khác. Do đó ta tiếp xúc và thừa hưởng không biết bao nhiêu mà kể trong một buổi pháp đàm. Pháp đàm như thế mới thực sự có lợi ích.