Ai là kẻ thù số một
Có một hôm khác, vua ngồi riêng với Bụt. Chúng ta nên nhớ rằng vua Ba Tư Nặc cùng sanh một năm với Bụt, và hai người đó đã trở thành hai người bạn rất thân. Quý vị cũng nên nhớ, vua Ba Tư Nặc băng hà trước Bụt chừng năm, sáu tháng. Vào những năm cuối của vua, vua cũng bắt chước Bụt, bỏ bớt công việc để đi chơi; đi chơi nước này, đi chơi nước kia. Có một bữa ngồi với Bụt ở tu viện Kỳ viên, vua nói: “Bạch Thế Tôn, có những người họ nghĩ rằng bản thân của họ là cái họ thương nhất, nhưng kỳ thực chính họ lại làm hại bản thân của họ nhiều nhất bằng tư tưởng, lời nói và hành động của họ. Con nghĩ những người đó không đối xử thân ái với bản thân mà lại là kẻ thù của chính bản thân.” Đây là lời Bụt dạy: “Những ai tạo nghiệp xấu, về thân, về miệng và về ý, những kẻ ấy là kẻ thù của chính bản thân mình. Dù họ có nói rằng họ yêu thương bản thân họ, nhưng chính họ là kẻ thù của bản thân họ.” Mình có những lề lối suy tư có tác dụng làm hại bản thân mình. Mình có những hành động trở lại làm hại bản thân mình, mình có những loại ngôn ngữ trở lại làm hại bản thân mình. Chính mình là kẻ thù của mình, chứ không phải là người thương của chính mình. Vì vậy cho nên biết tự thương mình là pháp môn căn bản. Đó là nội dung kinh S.1, 71.
Trên đây là hai kinh ngắn trích trong Tương Ưng Bộ. Nhiều khi ta cứ đinh ninh rằng thế giới và xã hội loài người đã làm khổ ta, thế giới và con người là kẻ thù của ta nhưng kỳ thực ta đang là kẻ thù số một của ta mà ta không biết. điều này ta phải thấy trong sự thực tập này. Ta không có sự bình an, hạnh phúc và sự nhẹ nhàng. Mỗi ngày tai nạn thường đến với ta và có thể chính ta đưa tai nạn đến cho ta mà ta không biết. Mỗi ngày ta bị giận hờn, phiền não, sợ hãi và lo lắng làm cho ta khổ đau không ngừng. Do cách suy tư của ta, do cách ta đối xử với những phiền não trong ta mà ta khổ, nhưng ta cứ nghĩ rằng những khổ đau ấy đến từ bên ngoài rồi ta trách trời, trách đất, trách số mạng, trách xã hội, trách cha mẹ và trách bạn hữu. Nhưng nhìn thật kỹ ta sẽ thấy kẻ thù của ta không phải là những người đó, những hoàn cảnh đó, kẻ thù của ta chính là ta. Vì vậy cho nên ta trở lại ta để nhìn lại. để quán chiếu, để thấy được những nhu yếu đích thực của ta và để bắt đầu học chăm lo cho thân và cho tâm của ta. Đó là Từ Bi quán căn bản. Đó là tình thương chân thật (true love). Từ Bi phải lấy đối tượng là bản thân. Khi ta biết lấy ta làm đối tượng của Từ Bi, ta sẽ thấy một cách mau chóng là những người khác cũng trở thành ra những đối tượng của Từ Bi ta, trong đó có cha, mẹ, gia đình và xã hội.