Giẫm lên Đất Mẹ
Khi giẫm lên Đất Mẹ chúng ta đừng nghĩ đất là vật chất, đất cũng là tâm thức, có tâm thức trong mỗi hạt bụi. Trong hạt bụi có vô số Bụt, mỗi vị an trú chúng hội mình, đó là lời dạy của kinh Hoa Nghiêm. Đi thiền hành với tuệ giác đó, chúng ta đi vào thế giới của Hoa Nghiêm, chúng ta tiếp xúc với một sự sống linh động, đó là Đất Mẹ. Chúng ta là một phần của Đất Mẹ, Đất Mẹ có trong ta, cũng như mặt trời, tức đức A Di Đà, một vị Bụt lớn, cũng có trong ta. Chúng ta phải thực tế, đừng nên viển vông đi tìm Bụt hay Bồ tát ở một nơi xa nào. Bụt và Bồ tát có mặt trong giây phút hiện tại, và Tịnh độ cũng có mặt trong hiện tại. Đi thiền hành như vậy đem lại sự dừng lại, sự bình an, sự vui sống để nuôi dưỡng chúng ta và nuôi dưỡng cả thế giới.
Mỗi bước chân con đi vào Tịnh độ
Mỗi bước chân con trở lại suối nguồn
Thở vào chúng ta đi ba bước: mỗi bước một từ, mỗi-bước-chân. Thở ra đi năm bước: con-đi-vào-Tịnh-độ. Đi thiền hành một mình tôi thường làm như vậy. Mỗi bước chân con đi vào Tịnh độ, tôi tiếp xúc với đất. Mỗi bước chân con trở lại suối nguồn, tôi tiếp xúc với trời.
Hôm nay đi thiền hành, ta nhớ tiếp xúc với đất, đừng cho đất là vật chất, đất cũng là tâm. Vật và tâm là hai mặt của một thực tại, cái này nương vào cái kia mà có mặt, không có cái này thì không có cái kia. Đi thiền như vậy chúng ta có hạnh phúc, mỗi bước chân đều có khả năng nuôi dưỡng, trị liệu, mỗi bước chân đều có thể chế tác được niềm vui và năng lượng bình an. Ta đi cho ta và cho cả thế giới, đi cho bản thân và làm cho trái đất được an lành. Con người có thể trở nên độc ác, có khả năng phá hủy hình hài của mình và phá hủy trái đất là do cái thấy phân biệt nhị nguyên: tâm và vật khác nhau, sinh và diệt khác nhau. Vượt thoát được cái thấy nhị nguyên, chúng ta không còn phân biệt, chúng ta có sự chấp nhận, bình an. Nếu tu tập, con người sẽ trở thành những vị Bụt và Bồ tát có khả năng bảo vệ, không những bảo vệ cho con người mà còn bảo vệ cho các chủng loại khác trên trái đất và bảo vệ cho Đất Mẹ. Vì vậy sự tu tập của chúng ta rất cần thiết cho sự sống hằng ngày của thế giới.
Ta đi thiền hành không cho riêng ta mà đi cho thế giới và cho Đất Mẹ. Chúng ta đã tổ chức đi thiền hành ở các thành phố lớn trên thế giới.
Khi đi thiền hành, chúng ta không chỉ đi bằng thân mà phải đi bằng cả tâm của mình, gọi là thân tâm nhất như (the oneness of body and mind). Miệng (khẩu) của ta cũng phải đi theo. Cho nên trong khi thiền hành ta không được nói chuyện. Thân, khẩu, ý hợp nhất gọi là tương ưng. Trong khi giẫm lên mặt đất chúng ta không thấy đất là vật chất. Cho đất là vật chất tức là theo chủ trương duy vật luận (matérialisme). Nếu thấy đất là ý niệm, là tâm thì đó là duy tâm luận (idéalisme). Duy vật luận là một cực đoan và duy tâm luận là một cực đoan khác, căn cứ trên ý niệm vật và tâm là hai cái khác nhau. Nhiều nhà khoa học cho rằng tâm là do vật chất tạo ra, thức là một sản phẩm của não bộ. Khuynh hướng này rất gần với chủ nghĩa duy vật. Nhiều người khác lại cho rằng chính tâm tạo ra vật chất. Nhưng khi quán chiếu về thân thể, ta thấy rằng hình hài của ta không phải chỉ là vật chất. Trong hình hài có tâm, có cái biết và có sự thông minh của nó. Một tế bào cơ thể là một thực tại linh động có tâm trong đó, nếu lấy tâm đi thì nó trở thành một tế bào chết. Trong cơ thể của chúng ta có hàng tỷ tế bào và mỗi tế bào có sự thông minh, có cái biết rất sâu sắc. Vì vậy nói hình hài chỉ là vật chất, hay chỉ là sinh lý là không đúng.
Nhìn vào thế giới, ví dụ như một cọng cỏ hay một cái cây, ta thấy đó không phải là vật chất vô tri mà trong đó có cái biết. Ta không thể nói hạt bắp là vật chất, tại vì trồng hạt bắp xuống đất thì hạt bắp biết nẩy mầm, lên cây, làm lá, làm hoa và làm ra trái bắp. Như vậy, hạt bắp có cái biết. Nếu nói hạt bắp là vật chất là sai. Nhìn trái đất, ta thấy trái đất là một thực tại mầu nhiệm như những tế bào trong cơ thể. Trái đất có cái biết trong nó. Hành tinh đất có khả năng hiến tặng và nuôi dưỡng sự sống. Cho rằng hành tinh đất là một khối vật chất là sai. Hành tinh đất có sự thông minh, sáng tạo trong đó. Hành tinh này đã sản xuất ra những điều hết sức mầu nhiệm. Loài người là một trong bao nhiêu loài mà hành tinh này đã sản sinh ra. Bụt Thích Ca hay Chúa Jésus cũng là con của hành tinh này. Ta và mẹ ta cũng là những đứa con của hành tinh này. Nếu thấy được ta là con của mẹ ta thì ta cũng thấy được ta và mẹ ta cũng là con của trái đất. Trái đất là một thực tại mầu nhiệm, tuy không phải là con người nhưng trái đất cũng là một bà mẹ, gọi là Đất Mẹ.
Rất nhiều nền văn minh đã nhìn trái đất như một bà mẹ. Nhà sinh vật học người Mỹ, Thomas Lewis viết một cuốn sách về hành tinh trái đất, trong đó ông nói: theo ông thì trái đất giống như một tế bào trong cơ thể con người. Trong trái đất có sự sống, có sự thông minh, tại vì khi nghiên cứu về tế bào trong cơ thể, ông thấy mỗi tế bào đều mầu nhiệm vô cùng. Nhìn trái đất ông thấy trái đất cũng là một sinh vật biết đau, biết buồn, biết suy tư, có thông minh, có trí tuệ, có tài năng. Khi đi thiền hành chúng ta phải sử dụng trí bất nhị để thấy, đừng cho là ta đang giẫm lên trên vật chất. Ta phải thấy ta đang tiếp xúc với Đất Mẹ, với một thực tại vô cùng mầu nhiệm.