Hội thứ sáu

HỘI THỨ SÁU

Thực thế! Hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm; đạt một lòng thì thông tổ giáo.
Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ; chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Han hữu lậu han vô lậu, bảo cho hay the lọt duộc thưng; hỏi đại thừa hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt lòi tiền tơ gáo.
Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên; chùi cho vặc vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Vàng chưa hết quặng, sá tua chín phen đúc chín phen rèn; lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm; ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân; học đạo thợ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.

 

BÌNH GIẢNG

Thực thế! Hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo.

Hãy sá vô tâm nghĩa là hãy nên áp dụng phương pháp vô tâm. Vô tâm là một danh từ thiền, có khi chúng ta sử dụng danh từ vô niệm. Vô tâm là một phương pháp thực tập rất quan trọng đối với Trúc Lâm Đại Sĩ. Cuối bài Cư Trần Lạc Đạo có một bài kệ bốn câu bằng chữ Hán, trong đó danh từ vô tâm được lặp lại trong câu chót của bài kệ:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

 

Chúng ta sẽ có dịp bình giảng bài kệ này ở phần cuối của bài Cư Trần Lạc Đạo.

Thật thế, hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo, nghĩa là hãy nên áp dụng thái độ vô tâm thì tự nhiên nếp sống của chúng ta hợp với đạo lý.

Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm

Tam nghiệp tức là thân, khẩu và ý. Dừng ở đây có nghĩa là làm cho nó lặng lại để có sự an bình, có sự lắng trong. Trong khi chúng ta tư duy, trong khi chúng ta nói năng, hành động mà có sự lắng trong, có định ở trong đó, thì thân và tâm của chúng ta mới có được sự thanh tịnh.

Chúng ta biết rằng chỉ khi nào thân có an tịnh, tâm có an tịnh thì hạnh phúc mới có thật mà thôi. Cái an, cái lạc không phải chỉ là của tâm thôi, nó đã là cái an, cái lạc của thân nữa. Sự an lạc của thân và tâm tùy thuộc vào chỗ chúng ta có thể làm lắng lại ba nghiệp của chúng ta hay không mà thôi.

Trước khi thỉnh chuông, chúng ta chắp tay và thở. Chúng ta làm cho “ba nghiệp lắng thanh tịnh” và “gởi lòng theo tiếng chuông”. Khi gởi đi ba tiếng chuông cho đại chúng và gởi theo sự lắng lòng của ba nghiệp của mình, thì tiếng chuông đó mới có phẩm chất. Vì vậy mà trước khi thỉnh chuông là ta phải lắng ba nghiệp, tịnh tam nghiệp.

Đạt một lòng thì thông tổ giáo.

Một lòng tức là nhất tâm. Chúng ta biết rằng muốn đạt tới nhất tâm thì chúng ta phải biết nắm vững sự thực tập hơi thở, tại vì hơi thở đưa chúng ta về với giây phút hiện tại, nó phối hợp thân với tâm làm thành một khối. Trong trạng thái nhất tâm đó, chúng ta có thể dễ dàng thông cảm với giáo lý của các vị tổ dạy. Đó là đạt một lòng thì thông tổ giáo.

Trong những câu chúng ta vừa học thì có ba danh từ đáng nhớ: một là danh từ vô tâm, hai là danh từ dừng tam nghiệp (sự lắng lại của ba nghiệp) và ba là danh từ đạt một lòng (sự thực hiện nhất tâm).

Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ

Thói quen của người ta trong khi học đạo là bị dính chặt vào văn cú. Họ học kinh, học chữ mà căn cứ trên những chữ đó để giải thích những nghĩa lý nên nhiều khi họ bị lạc vào những khái niệm, bị những ý niệm đó bao vây, và không đạt tới được cái tinh hoa mà Bụt và tổ để lại. Nhận văn giải nghĩa tức là ta chỉ tiếp xúc được với văn chương, chữ nghĩa mà ta không tiếp xúc được với cái tinh hoa của sự giác ngộ, của hạnh phúc mà Bụt và tổ đã để lại qua những câu văn và nghĩa lý đó.

Chúng ta đã biết, đã gặp nhiều người thuộc kinh làu làu, họ nói thao thao bất tuyệt. Chúng ta thua xa đứng về phương diện trí nhớ, chúng ta không thể thao thao bất tuyệt như họ. Nhưng những người đó tuy là nhớ kinh rất nhiều và giải thích về kinh rất hùng biện, nhưng đời sống của họ không biểu hiện được cái giải thoát, an lạc, tại vì họ là những người kẹt vào chuyện nhận văn giải nghĩa.

Lạc lài nên thiền khách bơ vơ: Thiền khách là những người thực tập thiền. Khi ăn cơm, gọi là thực khách; khi ngồi thiền, gọi là thiền khách. Chúng ta đều là những thiền khách. Chúng ta bơ vơ, chúng ta lạc lõng là vì chúng ta chỉ biết nhận văn giải nghĩa. Dưới những hàng chữ có cái tinh ba sự sống của Bụt và của Tổ mà chúng ta không tiếp nhận được.

Trong câu văn này, Đại Sĩ nói chúng ta đừng bị kẹt vào chữ nghĩa, vào văn cú. Một trong những nguyên tắc của thiền là siêu việt văn cú, bất lập văn tự. Bất lập văn tự tức là không thiết lập văn tự.

Chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.

Chứng lý tri cơ là ngược lại với nhận văn giải nghĩa. Chứng tức là kinh nghiệm trực tiếp. Ví dụ khi uống một ly nước cam thì ta trực tiếp nếm được vị của nước cam. Người khác không uống nước cam thì không biết rằng nước cam này ngọt như thế nào, chua như thế nào, thơm như thế nào. Kinh nghiệm trực tiếp, tiếng Anh là direct experience. Nghe người ta nói lại thì không phải là chứng. Tri cơ tức là biết và hiểu được cái cơ quan, cái then máy. Những công án, những thoại đầu, những tiếng hét, những cử chỉ của các thiền sư đưa ra, đều là những cái then máy nhằm để tháo gỡ cái kẹt của thiền sinh. Ta phải nắm cho được, biết cho được và sử dụng cho được những cái đó.

Chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo: Nạp tăng là những ông thầy áo vá. Chúng ta đừng theo đường lối nhận văn giải nghĩa mà chúng ta phải theo đường lối chứng lý tri cơ. Cứng cát tức là mạnh khỏe. Những vị nạp tăng không những phải có sự cứng cát, sự hùng mạnh mà còn cần phải có sự khôn khéo nữa. Khôn khéo ở đây có nghĩa là thông minh; thông minh để đừng bị kẹt vào những chữ, những câu, những nghĩa. Có người nghĩ rằng, điều quan trọng nhất khi tu là cần cái tâm thành (devotion). Không đủ đâu! Với cái tâm thành không thôi cũng chưa được, phải có sự khôn khéo, thông minh, nhất là tu thiền. Tu thiền không phải là vấn đề làm công quả. Tu thiền là phải thông minh, phải linh động, phải uyển chuyển, và nhiều khi người ta không sử dụng những từ ngữ Phật giáo, không sử dụng những câu kinh mà người ta sử dụng những từ ngữ thông thường như “Ăn cơm chưa? Uống nước chưa?” mà vẫn có thể tháo gỡ được những vướng mắc của người kia.

Có vị thiền sư khi một thiền khách đến thăm thì hỏi:

–       Thầy đã tới đây lần nào chưa?

Vị thiền khách trả lời:

–       Dạ con tới đây lần đầu.

Thiền sư nói:

–       Mời thầy đi uống trà!

Kỳ sau, có một thiền sinh khác tới, thiền sư cũng hỏi:

–       Thầy đã tới đây lần nào chưa?

–       Dạ con đã tới đây nhiều lần rồi.

–       Mời thầy đi uống trà!

Lúc đó, thầy thủ tọa mới lấy làm ngạc nhiên. Cho nên thầy hỏi:

–    Bạch hòa thượng, tại sao người chưa tới lần nào thì cũng đi uống trà, mà người tới nhiều lần, thì hòa thượng cũng bảo đi uống trà. Vậy thì nghĩa lý của câu nói đó là gì?

Vị thiền sư mới nói:

–    Mời thầy đi uống trà!

Đó là một câu chuyện rất nổi tiếng ở trong thiền môn. Những câu thiền ngữ đó không nằm ở trong kinh, không lấy ra từ lời Bụt dạy. Đó là một then máy. Đó là ngôn ngữ của thiền. Và ta phải khôn khéo, nếu không thì ta bước trượt qua.

Han hữu lậu han vô lậu, bảo cho hay the lọt duộc thưng;

Có bản viết là duộc dừng. Han ở đây là hỏi han, tiếng Anh là enquire about. Han hữu lậu han vô lậu tức là tham vấn về vấn đề hữu lậu và vô lậu thì bảo cho người đó biết rằng cái the thì lọt còn cái duộc thì thưng. The là một loại vải dệt rất thưa, được dùng để rây bột. Người ta để bột lên rây rồi lắc lắc thì bột nhỏ hạt rơi xuống, còn những hạt bột to thì ở lại trên rây. Thưng có nghĩa là dừng lại. Duộc là một cái vá, miền Bắc gọi là cái môi, để múc nước tương. Nếu gặp the thì nó chảy qua, nếu gặp duộc thì nó dừng lại. Đó là hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu nghĩa là lọt ra ngoài được. Vô lậu nghĩa là không lọt ra ngoài nữa.

Còn hữu lậu là còn cư trú trong tam giới, trong luân hồi, trong sanh tử. Vô lậu là vượt thoát được tam giới và tiếp xúc được với bản môn. Ví dụ tới chùa ta cúng một trăm đồng. Trong khi cúng, ta cầu nguyện rằng con đang đau ốm và xin cho con được mau lành, hoặc ta sẽ có những phước báo trong tương lai. Ta cầu mong có một công đức thì công đức đó là công đức hữu lậu. Đó là công đức thật, nhưng nó nằm ở trong vòng sinh tử luân hồi. Nếu cúng một trăm đồng hay một ngàn đồng mà không thấy rằng ta là người cho, không thấy chùa là nơi ta đến cúng dường, thì đó là một hành động vô tướng. Cho mà không có ý niệm là cho, không cầu mong gì hết, công đức đó gọi là công đức vô lậu. Nó lớn vô cùng, không có thể nhận ra được. Nếu có thể nhận ra được là còn hữu lậu.

Ví dụ tay phải cầm búa, tay trái cầm đinh. Thay vì cây búa đóng lên cây đinh thì nó đóng lên trên ngón tay trái. Ngón tay đau nên buông cái đinh rơi xuống. Tự động bàn tay phải bỏ cây búa xuống nắm lấy bàn tay trái để săn sóc. Hành động đó của bàn tay phải rất vô lậu. Nó không nói rằng: “Tao là bàn tay phải đây, tao đang giúp mày đây, sau này mày phải giúp tao lại!” Tay phải không có những ý niệm như vậy, nó rất là vô tâm. Vô tâm không có nghĩa là không biết những gì đang xảy ra và không đáp ứng lại với những nhu yếu của thế giới hiện tại. Tay phải rất thông minh, rất chánh niệm: bỏ cái búa xuống, nắm lấy tay trái để săn sóc. Nó vô tâm trong hành động và vô tâm trong sự kỳ thị hay phân biệt. Công đức của tay phải là hành động vô tâm, vì vậy cho nên đó là công đức vô lậu.

Nếu anh giúp một người, anh làm cho người đó cái gì mà anh cứ nhớ hoài là anh đã giúp nó thế mà nó tệ với anh như vậy, thì việc làm đó của anh là công đức hữu lậu. Hữu lậu thì lọt ra ngoài, còn vô lậu thì không lọt ra ngoài, tức là vô lượng. Chính cái hạnh phúc mà công đức vô lậu đem tới cho ta lớn hơn nhiều so với cái hạnh phúc hữu lậu tạo nên rất nhiều.

Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, sơ tổ thiền tông Trung Hoa, trước khi rời nước Lương để vượt sông lên miền Bắc Trung Hoa, Tổ có gặp vua Lương Vũ Đế. Sách vở có ghi lại nội dung câu chuyện đó, không biết câu chuyện đúng tới mức nào. Vua Lương Vũ Đế hỏi Bồ-Đề Đạt-Ma rằng:

– Trẫm đã từng xây cất rất nhiều chùa và tạo rất nhiều tượng Bụt và cúng dường rất nhiều vị xuất gia, công đức đó như thế nào? Có tạm được hay không?

Thầy Bồ-Đề Đạt-Ma nói:

– Chẳng có công đức gì hết!

Nói như vậy là đứng về phương diện vô lậu mà nói. Nghĩ rằng ta đã tô được bao nhiêu tượng, ta đã cất được bao nhiêu chùa, ta đã cúng dường được bao nhiêu tăng, đứng về phương diện vô lậu, nó chẳng có công đức gì cả! Nhưng đứng về phương diện hữu lậu thì nó có công đức chứ! Nhưng tổ Bồ-Đề Đạt-Ma muốn nói tới công đức vô lậu hơn.

Hỏi đại thừa hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt lòi tiền tơ gáo.

Thưa thẳng tắt tức là nói trực tiếp. Lòi là sợi dây để xâu tiền. Ngày xưa chúng ta có những đồng tiền bằng kim loại, hình tròn và có lỗ vuông ở giữa, cũng bằng cỡ đồng mười Franc ngày nay. Để cho những đồng tiền đó đừng rơi rụng, người ta dùng một sợi dây, xâu qua những đồng tiền đó rồi cột lại để vào túi hay tay nải. Có người sợ mất cho nên họ xâu một xâu dài để họ có thể cột ngang lưng! Ngày nay cũng có nhiều du khách làm như vậy. Họ mua một cái thắt lưng rồi để tiền đồng, tiền giấy vào trong đó. Ngày xưa, những anh chàng học trò sắp đi thi được hàng xóm, bà con đem tặng những xâu tiền để anh có tiền lên kinh đô hay lên tỉnh ứng thí. Một xâu tiền như vậy, gọi là lòi tiền.

Gáo là cái gàu múc nước. Đây không phải là cái gáo làm bằng trái dừa đâu. Gáo này là cái gàu múc nước, làm bằng mo cau hay bằng tre đan, có quét sơn dầu để cho nước không lọt ra ngoài. Muốn múc nước từ giếng thì phải cột một sợi thừng và thả gàu xuống giếng, có khi sâu cả mười thước. Nếu đó là một cái gàu múc nước thì ta không thể dùng một sợi dây nhỏ như sợi dây lòi, mà ta phải dùng sợi dây thừng lớn hơn, gọi là , rất chắc.

Tiểu thừa và đại thừa cũng vậy. Tiểu thừa có phận sự của tiểu thừa, đại thừa có phận sự của đại thừa, mỗi truyền thống có một sứ mạng riêng. Chúng ta đừng chê phái này là nhỏ, phái kia là lớn. Đây là một thái độ rất cởi mở. Đại thừa không chê tiểu thừa là cỗ xe nhỏ, còn tiểu thừa không chê đại thừa là không chính thống. Cũng giống như trên. Hữu lậu cũng quan trọng mà vô lậu cũng quan trọng. Tại vì có khi ta cần dùng the mà có khi ta cũng phải dùng đến duộc, và có khi ta phải dùng cả hai cái. Ở đây cũng vậy, có khi ta cần dùng tiểu thừa, có khi ta cần dùng đại thừa.

Các vị xuất gia ở Việt Nam, khi thọ giới lớn là thọ cả hai thứ giới: 250 giới của Tiểu thừa và 58 giới Bồ tát của Đại thừa. Không có sự kỳ thị. Đó là thái độ của Trúc Lâm Đại Sĩ mà cũng là thái độ của truyền thống Phật giáo Việt Nam. Do đó cho nên ta có Giáo hội Thống nhất của cả hai truyền thống.

Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên; chùi cho vặc vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.

Nhận biết tức là nhận diện và biết được, tiếng Anh là recognise, acknowledge the presence of. Ví dụ như sư cô Bích Nghiêm ngồi trước mặt tôi thì tôi nhận ra đây là sư cô Bích Nghiêm, và tôi biết đây là sư cô Bích Nghiêm. Đó gọi là nhận biết. Làu làu tức là sáng, là rõ ràng. Lòng vốn là một từ rất Việt của chữ bản tâm, original mind. Vốn tức là cái gốc, lòng là cái tâm. Cái tâm gốc của mình là một cái tâm rất sáng, người nào cũng có cả, và ta có bổn phận phải tiếp xúc, phải nhận diện, phải biết tới nó. Làu làu lòng vốn tức là phải nhận biết cái bản tâm sáng chói của mình.

Chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên: không có những chướng ngại. Chữ hề ở đây tương đương với một dấu phẩy, một nhấn mạnh. Thời tiết nhân duyên: Thời tiết là thời gian: mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông, tiết Lập Xuân, tiết Đại Hàn, v.v… Và những điều kiện gọi là nhân duyên. Chuyện chúng ta thực tập nhận diện và tiếp xúc với bản tâm của chúng ta hoàn toàn không dính líu gì tới thời tiết và nhân duyên cả. Tại vì lòng vốn (bản tâm) của chúng ta luôn luôn có đó. Nó là nền tảng của hạnh phúc, của tự do của chúng ta. Chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên, sự có mặt của bản tâm không bị ngăn ngại bởi vấn đề điều kiện và thời gian.

Chùi cho vặc vặc tính gương. Vặc vặc cũng có nghĩa là sáng chói. Tính gương, bản tính của chúng ta là một tấm kính có thể chiếu soi được. Trong Duy Biểu Học, thức thứ tám sau khi đã được chuyển hóa thì được gọi là Đại viên Cảnh trí, tức là cái trí tuệ như tấm gương sáng, lớn và tròn. Chúng ta người nào cũng có tính gương đó, có bản chất soi chiếu được. Nếu chúng ta dùng gương đó để soi chiếu thì không có cái gì mà chúng ta không hiểu và không thấy. Sở dĩ gương của chúng ta không soi chiếu được là vì chúng ta để cho những bụi bặm bám vào mặt gương. Do đó sự thực tập của chúng ta là lấy một miếng giẻ, một cái khăn, chùi cho tấm gương sáng ra thì không có gì mà ta không thấy được. Câu này khiến cho chúng ta nhớ lại câu của thiền sư Thần Tú: “Thân thị Bồ đề thụ, tâm như minh kính đài.” Nghĩa là “Thân là cây Bồ đề còn tâm là đài gương sáng.”

Nào có nhuốm căn trần huyên náo. Huyên náo tức là ồn ào. Căn là sáu giác quan, trần là sáu đối tượng. Sự lăng xăng, huyên náo của sáu căn và sáu trần không động tới được bản tính sáng chói của chúng ta, gọi là kính gương.

Vàng chưa hết quặng, sá tua chín phen đúc chín phen rèn;

Khi đào dưới mỏ lên thì vàng còn trộn lẫn với những chất đất, cát, sỏi… những chất không phải là vàng. Muốn có vàng ròng, chúng ta phải đúc, phải rèn, phải luyện, phải cần dùng tới lửa. Tua tức là nên, sá tua tức là phải nên. Muốn vàng hết quặng thì phải nên chín phen đúc, chín phen rèn.

Lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo.

Tức là những thức người ta cúng dường, những tài lộc của cuộc đời, ta không còn tham nữa. Tại vì ta có cái lòng vốn, ta có cái tính gương. Ta giàu quá rồi! Thành ra những thứ tài lợi ở trên cõi đời ta thấy nó là bã trấu, ta không chạy theo nữa, vì vậy mà ta có thể sống một cuộc đời đơn giản được. Bữa trưa thì được ăn một bữa chay, bữa tối thì chỉ cần ăn bữa cháo lỏng cũng có hạnh phúc như thường.

Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm

Sạch tức là làm cho thanh tịnh. Giới lòng tức là tâm giới, nghĩa là không cần phải bề ngoài. Bề ngoài chứng tỏ là ta giữ giới nhưng bề trong tâm chúng ta không có chánh niệm, không đi đôi với cái tướng bên ngoài, thì đó là chưa hay. Cho nên thực tập giới là phải thực tập tâm giới trước.

Chúng ta biết rằng tất cả các giới chúng ta thực tập đều phát sinh từ chánh niệm, từ sự giác ngộ. Chúng ta ý thức là làm điều trái quấy thì có hại cho bản thân, hại cho thầy tổ, hại cho các con cháu và tăng thân ta, thành ra ta không làm. Đó là tâm giới. Chứ không phải ta không làm điều đó là tại ta không được phép làm, tại ta sợ mang tiếng, hoặc ta sợ sư anh, sư chị rầy rà, trách móc, ta sợ thầy buồn,.. cho nên ta không làm, thì đó không phải là tâm giới. Tâm giới phát sinh từ chánh niệm của chúng ta.

Sạch giới lòng, chùi giới tướng. Giới tướng là hình thức biểu hiện của giới. Ở trong có tâm giới thì ở ngoài giới tướng sẽ rất đẹp và rất tự nhiên, không có giả bộ. Nếu có giới lòng thì giới tướng là giới tướng thật, chứ không phải là giả trang thiền tướng.

Ví dụ chúng ta đi thiền hành. Chúng ta đi thiền hành là vì chúng ta thấy đi thiền hành hạnh phúc quá chừng. Cho nên có người chung quanh thì ta cũng đi thiền hành thảnh thơi an lạc, không có ai thì ta cũng đi an lạc, thảnh thơi. Ta không phải đi thiền hành cho người quan sát kia, ta đi cho chính chúng ta. Khi đi thiền hành mà chúng ta có an lạc thì tất cả tăng thân đều được thọ hưởng.

Nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm. Ở trong cũng có cái đẹp của Bồ tát, mà biểu hiện bên ngoài cũng có cái đẹp của Bồ tát. Danh từ trang nghiêm trong đạo Bụt có nghĩa là đẹp. Đẹp bên trong và đẹp bên ngoài. Ta là một vị Bồ tát trang điểm cho thế giới bên trong, và trang điểm luôn cho cả thế giới bên ngoài, trong đó có tăng thân của chúng ta. 

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.

Chúa đây tức là vua, người cầm đầu guồng máy chính trị ở trong nước. Lòng mình ngay thẳng trong việc thờ vua. Thờ có nghĩa là phụng sự. Thờ cha thờ mẹ không có nghĩa là ta đốt hương, cúng vái trên bàn thờ, mà ngay khi cha mẹ còn sống, ta vẫn phải thờ cha thờ mẹ, ta phải phụng sự cha mẹ như thường. Như vậy ta cũng có thể nói là ta thờ anh, thờ em, thờ chồng, thờ vợ, thờ chúng sanh, thờ con cái. Tại vì mỗi một việc đều là một cái đạo: đạo làm cha, đạo làm mẹ, đạo làm con, đạo làm vợ, đạo làm chồng. Nếu ta thực tập được cái đạo đó cho thật hay, thật đẹp, đó gọi là thờ. Giống như pha trà cho thật đẹp, thật ngon, thì gọi là trà đạo. Ngay thờ chúa, thảo thờ cha tức là đem sự ngay thẳng để phụng sự quốc vương của ta, đem sự hiếu thảo mà phụng sự cha ông của ta.

Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu. Đi tức là hành. Đỗ tức là chỉ, nghĩa là ngừng lại. Ví dụ như xe đỗ lại, tàu đỗ bến. Đi đỗ tức là khi đi khi dừng. Câu trên là “nội ngoại”, câu dưới đối lại là “đi đỗ”. Dịch theo chữ Nho là “tấn chỉ”, tức là đi tới và dừng lại. Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu, nghĩa là phải biết lúc nào ta nên đi tới, lúc nào ta cần dừng lại, thì ta mới có thể được gọi là bậc trượng phu có trung và có hiếu. Trung là không có phản bội đối với vua, với nước. Hiếu là sống có tình có nghĩa đối với cha mẹ và tổ tiên của mình.

Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;

Tham thiền tức là tham khảo về thiền học. Ta tham vấn với thầy, với bạn, với kinh sách để soi sáng cho sự thực tập hàng ngày của ta. Chúng ta đã học về đại tham, và tiểu tham. Tham khảo một thoại đầu, tham khảo một công án cũng là tham thiền.

Kén bạn tức là trong đời sống tu tập, ta phải chọn những người bạn tu có thể sách tấn đường tu của ta. Ở đây tức là vấn đề xây dựng tăng thân, ta có được người bạn thiện hữu tri thức thì đó là một điểm tích cực trong đời tu của ta. Nếu tu mà không có bạn thì thiếu, cho nên phải tìm cho được bạn hiền để cùng tu tập chung.

Nát thân mình mới khá hồi ân. Nghĩa là cái ân nghĩa của đạo và của bạn khó có thể đền đáp lắm. Hồi tức là đem trở lại, ân tức là ân nghĩa. Ân đó lớn lắm, thân ta không đủ để đền đáp cái ân đó.

Ở Đông phương, người ta thường nói: “Sau này chết đi dù tôi có trở lại thành con ngựa, con lừa để chở anh trong trọn kiếp, thì tôi vẫn chưa đền được ơn của anh đã làm cho tôi trong kiếp này.” Làm thân trâu ngựa đền bù nghì ??trúc mai. Cái thân này, suốt cuộc đời này tôi lao động, tôi làm đủ thứ, mà tôi vẫn chưa đủ để đền công ơn của anh. Tại vì anh là người tri kỷ của tôi, anh đã dẫn tôi đi trên con đường đạo, anh đã khai mở con đường sáng cho tôi, anh đã cứu tôi ra khỏi nhà tù hắc ám của khổ đau, của thất vọng. Người đó đã cho ta sống trở lại. Người đó mở đường cứu ta thoát ra. Ơn đó, cái thân này không đủ để đền bồi, họa chăng những thân của kiếp sau. Đó là cái cảm tưởng của ta đối với một người bạn hiền (thiện hữu tri thức).

Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.

Dọt có nghĩa là đập mạnh vào, làm cho nó mòn mỏi. Cả xương cả óc của ta dầu có mòn mỏi, tiêu ma đi nữa thì ta vẫn chưa đủ để trả ơn thầy, ơn Bụt đã cho ta con đường thực tập.

Giáo pháp

Khi đi thiền hành, chúng ta nắm tay một người bạn để đi trên con đường Xóm Thượng hay Xóm Hạ, chúng ta phải làm thế nào để cho giây phút đó trở nên giây phút có hạnh phúc. Chúng ta phải làm cho được điều đó ngày hôm nay. Khi làm được rồi, có thể ta sẽ tự hỏi: “Ta có khả năng có hạnh phúc hay không khi ta trở về địa phương của ta?” Câu trả lời có thể là được! Nếu hôm nay anh làm được thì ngày mai về tới trú xứ, anh cũng có thể làm được. Cho nên bí quyết của sự thực tập là phải thành công ngay ngày hôm nay. Cố nhiên, càng làm thì hạnh phúc càng lớn, nhưng hạnh phúc đó không phải đợi đến ngày mai ta mới có. Đừng đợi khi về tới “bên nớ” ta mới làm được, “bên ni” ta vẫn làm được như thường. Điều này phát xuất từ kinh nghiệm trực tiếp của tôi.

Thành quả tu học của ta, cái mà ta mong đạt tới là gì? Rất đơn giản. Đó là có hạnh phúc trong khi ta bước chân đi; có hạnh phúc trong khi ta ngồi một mình, hay ta ngồi với các bạn; có hạnh phúc trong khi ta ăn cơm; có hạnh phúc trong khi ta uống nước; có hạnh phúc trong khi ta quét thiền đường, ta giặt áo hay ta nấu cơm. Chúng ta phải có hạnh phúc trong những lúc đó thì chúng ta mới gọi là đang thành công trong việc tu học, đang thực tập đúng với giáo pháp. Còn nếu chúng ta cứ nghĩ rằng ráng qua ngày hôm nay để ngày mai sẽ tươi sáng hơn, có hạnh phúc hơn, là chúng ta đang không thực tập đúng theo pháp môn của thầy trao truyền.

Chúng ta hãy sử dụng hình thức đó. Một mai kia, trên giường bệnh, thân thể đau nhức, không thể ngồi dậy được nữa, không thể bước đi một bước nào nữa, thì điều mà ta ước mong nhất trong giây phút đó là có thể bước đi những bước thanh thản, hạnh phúc trên con đường thiền hành một mình hay với các bạn, hay có thể ngồi thẳng lưng, thở rất thông và mỉm cười. Hạnh phúc phải có ngay trong khi chúng ta làm những chuyện đó, bây giờ và ở đây. Hạnh phúc đó có hay không, không phải là do người khác, mà là do chính ta. Ta bắt buộc phải có hạnh phúc bây giờ và ở đây.

Cũng như ngày mà chúng ta pháp đàm ở trên núi Pyrénées, có tương lai nào đâu? Chỉ có giây phút hiện tại này mà thôi. Nếu giây phút hiện tại này mà ta an trú được, ta có hạnh phúc được thì ở đâu mà ta không làm được chuyện đó? Cho nên chúng ta có thể nói giây phút hiện tại là giây phút duy nhất. Nếu quí vị còn thao thức, còn lo lắng cho tương lai, thì quí vị biết rằng quí vị chưa an trú và chưa nắm được phương pháp thực tập. Nếu nắm được phương pháp thực tập, có an trú, có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại rồi thì quí vị đừng lo lắng nữa. Tương lai đã được bảo đảm rồi đó! Đi đâu, làm gì cũng có thể có hạnh phúc được. Làm thợ mộc cũng có hạnh phúc, làm thợ nề cũng có hạnh phúc, tại sao chúng ta phải lo sợ, hoảng hốt về cái tương lai của chúng ta? Đó gọi là đốn ngộ.

Pháp môn mà chúng ta tu tập ở đây là đói thì ăn, khát thì uống, nhà dơ thì quét, mệt thì đi nghỉ. Nhưng làm tất cả những việc đó với thái độ vô tâm, không bị vướng mắc, không đòi hỏi, không lên án, không sợ hãi, không sầu đau, và hạnh phúc là cái gì có thể đạt được ngay ngày hôm nay.

Gốc Gác của Ý Niệm Vô Tâm

Vào khoảng cuối đời Đường ở bên Tàu, người ta hay lặp đi lặp lại ý niệm về vô tâm như là con đường lý tưởng, vô tâm thị đạo. Có nhiều người lặp đi lặp lại mà không hiểu, rốt cuộc nó trở thành một từ ngữ đầu môi (cliché) của rất nhiều người dù họ không hiểu gì hết.

Trong tác phẩm Trung Cảnh Lục có một câu mà người nào đã đọc cũng đều biết:

Nhược bất khởi vọng tâm, tất năng thuận giác. Sở dĩ văn: vô tâm thị đạo.

Nhược bất khởi vọng tâm, tất năng thuận giác. Thuận là đi theo hướng. Giác tức là sự bừng tỉnh, sự giác ngộ. Câu này có nghĩa là nếu không phát khởi tâm vọng thì có thể đi theo hướng của giác ngộ. Sở dĩ văn: vô tâm thị đạo. Vì vậy cho nên nói rằng vô tâm chính là con đường.

Trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục có câu chuyện một thiền sinh học thuộc câu “vô tâm thị đạo” và đem lặp lại cho Thượng Sĩ nghe, bị Thượng Sĩ la rầy. Một vị xuất gia khác hỏi Thượng Sĩ: “Thế nào là đạo?” Thượng Sĩ trả lời: “Đạo không có trong câu hỏi, câu hỏi không có trong đạo.” Tức là Thượng Sĩ đã ngửi thấy mùi lý thuyết, mùi danh từ của anh chàng này rồi.

Ngày xưa nhạc sĩ Phạm Duy có làm một bài tâm ca, trong đó có câu: “Kẻ thù ta là một rổ danh từ!”

Ta cũng vậy. Ta cũng có thể bị kẹt vào các danh từ mà ta đã học. Ta nói rất giỏi, trình bày những danh từ rất giỏi; ta học thuộc lòng, ta nói thao thao bất tuyệt, nhưng những cái đó không dính líu gì tới đời sống hàng ngày của ta cả, cho nên ta không được chuyển hóa.

Trong những khóa tu, người ta thường đặt câu hỏi. Có thể tới tám mươi phần trăm các câu hỏi là thuộc loại này, hỏi để mà hỏi thôi. Ta phải tìm cách để giúp cho họ thoát ra khỏi sự đi tìm danh từ và tìm ý nghĩa của danh từ. Thiền sư hay dùng những loại ngôn ngữ để có thể giúp cho những người đó thoát ra khỏi đường rầy xe lửa mà họ thường đi tìm đó là danh từ và ý niệm. Vì vậy khi có người hỏi:

Thế nào là đạo?

Thì Thượng Sĩ trả lời:

–  Đạo không có trong câu hỏi, câu hỏi không có trong đạo.

Vị xuất gia đó vẫn chứng nào tật nấy, hỏi thêm một câu:

–   Các hàng đạt đức ngày xưa đã nói vô tâm tức là đạo, có đúng không bạch Thượng Sĩ?

Nếu trả lời là đúng thì cũng chẳng có ích lợi gì cho anh ta. Anh chỉ muốn xác nhận lại một câu nói, và cái đó không dính líu gì đến và không có ảnh hưởng gì đến sự tu học của anh ta cả. Cho nên Thượng Sĩ nói:

–  Vô tâm bất thị đạo, vô đạo diệt vô tâm.

Vô tâm không phải là đạo, không có đạo cũng không có tâm! Nó hoàn toàn ngược lại giáo điều! Trong khi vị xuất gia đó đang ngớ ngẩn, cố nhiên là phải ngớ ngẩn, tại vì cái đường rầy bị lấy mất rồi cho nên cái đầu tàu đâu còn chạy tới được nữa? Thì Thượng Sĩ giải thích tiếp:

–  Nếu nói vô tâm là đạo, thì tất cả cây cỏ đất đá đều là đạo hết sao, tại vì tụi nó vô tâm lắm! Ngược lại nếu nói vô tâm không phải là đạo thì nói vậy để làm gì, có ích lợi gì đâu? Cho nên trong cả hai mệnh đề, phủ nhận hay xác nhận, đều không ích lợi gì cho thầy hết!

Nghĩa là thầy đừng chạy theo tìm sự xác nhận hay phủ nhận một ý niệm, nó không ích lợi gì cho thầy hết. Rồi Thượng Sĩ đọc cho thầy bài kệ sau đây:

Bổn vô tâm vô đạo, (Có nghĩa là vốn không có tâm cũng không có đạo.)

Hữu đạo bất vô tâm.( Nếu có đạo thì làm sao vô tâm được?) Nó ngược lại hoàn toàn! Một bên nói vô tâm tức là đạo, một bên nói tâm cũng không có mà đạo cũng không có, mà nếu có đạo thì làm sao vô tâm được, tức là ngược lại điều nói trong sách.

Tâm đạo nguyên hư tịch. (Tâm và đạo chúng vốn là trống rỗng, vắng lặng.)

Hà xứ cánh truy tầm. (Ở đâu có thể chạy theo mà tìm cho được?) Tại vì cả tâm lẫn đạo đều hư tịch cả, nghĩa là nó rất vắng lặng. Nó là sự thật, nhưng nó rất yên lặng. Cũng như trái chuối hay trái cam, nó có thật nhưng nó rất im lặng. Bây giờ ta ngồi pháp đàm về thế nào là trái chuối, thế nào là trái cam thì rất ồn ào, và đôi khi ta không có chuối mà cũng chẳng có cam, ta chỉ bàn về chuối và cam mà thôi!

Thật sự là như vậy. Có rất nhiều Phật tử ngồi nói tới chân như, tới bản thể, vô ngã, vô thường nhưng họ không có mấy thứ đó. Giống như ta ngồi cả ngày cãi nhau về chuối, về cam mà không người nào có được trái chuối, không người nào có được trái cam. Hư tịch không có nghĩa là không có. Hư tịch có nghĩa là nó có nhưng nó rất là vắng lặng. Vắng lặng ở đây là vắng lặng ý niệm, ngôn từ, chứ còn nó là sự thật. Anh chỉ để thì giờ để nói về tâm và về đạo thôi, chứ anh không tiếp xúc được với cái tâm và cái đạo. Vì vậy mà không ích lợi gì cho anh cả. Anh chạy theo để tìm nó thì tìm ở đâu được? Tại vì anh tìm theo kiểu ngôn thuyết và hí luận.

Trong câu chuyện này, sách còn ghi thêm một câu: “Vị xuất gia đột nhiên nhận ra cái ý chỉ (tức là cái ý) của Thượng Sĩ, nên cúi đầu xá rồi rút lui.” Không biết thầy có nhận ra không, hay thấy ngán quá nên rút lui cho rồi!

Chúng ta biết rằng trong thiền môn thỉnh thoảng có những trận giáp chiến, những cuộc xuất trận đó giữa thầy và trò. Đây quả thật là những trận đánh tơi bời. Trong buổi đại tham, một thiền sinh bước lên và thiền sư tạo ra một cơn gió bão rất lớn để xem thiền sinh này có chịu đựng nổi hay không, trong cơn bão đó thiền sinh có tỏ lộ gì về sự vững chãi không hay là bị những ngọn gió thổi bay tung hết. Thành ra Tuệ Trung Thượng Sĩ hay nói ngược lại những điều trong kinh nói. Ví dụ kinh nói: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” thì Tuệ Trung nói rằng: “Sắc bất thị không, không bất thị sắc”. Và trong bài kệ đọc cho vị thiền sinh trên đây thì:

Bổn vô tâm vô đạo,

Hữu đạo bất vô tâm,

Tâm đạo nguyên hư tịch,

Hà xứ cánh truy tầm.

Chúng ta trở lại hội thứ Sáu của bài Cư Trần Lạc Đạo. Hãy xá vô tâm tự nhiên hợp đạo, nghĩa là hãy nên vô tâm, hãy nên áp dụng phương pháp vô tâm thì tự nhiên ta hợp với đạo.

Nhược bất khởi vọng tâm. Tức năng thuận giác.

Không khởi vọng tâm tức là vô tâm. Vô tâm là vô vọng tâm hay vô vọng tưởng. Tức năng thuận giác. Giác đây tức là đạo, là sự giác ngộ, tức là sự hiểu biết. Nói ngắn lại: Vô tâm tức là đạo. Vì vậy khi đọc hai câu này chúng ta phải biết gốc gác của nó. Gốc gác của nó là ý niệm vô tâm thị đạo.

Thiền sư Vĩnh Minh Duyên Thọ đã nói rất rõ cái vô tâm đó, cái đạo đó là bất khởi vọng tâm. Vô tâm có nghĩa là không có vọng tâm, tức là không có vọng tưởng, tiếng Anh là wrong perception. Ví dụ bây giờ ta có một ý niệm về ta. Ta là một người thương người, một người muốn giúp người, ta rất dễ thương, ta có rất nhiều thiện chí. Mỗi chúng ta đều có một hình ảnh về mình cả. Tôi thông minh, tôi dễ thương, tôi không tạo ra những bất bình đẳng với người khác, tôi không kỳ thị người khác. Đó là một cái tưởng về ta. Và cái tưởng đó thường thường là sai. Nó sai tới một mức độ nào đó. Mỗi người trong chúng ta có một hình ảnh về bản thân của ta, và chúng ta tin rằng đó là hình ảnh thật của ta. Nếu đem một tấm kính ra để trước mặt, ta sẽ thấy hình của ta phản chiếu lại. Quí vị cười nhăn răng thì tấm kính hắt hình quý vị cười nhăn răng trở lại. Khi ta giận dữ, nhìn vào trong kính thì kính hắt lại một bộ mặt rất ghê cho ta thấy. Nhưng ta không chịu, ta nói mặt ta không như vậy, đâu có xấu như vậy!

Tăng thân của ta cũng giống như một tấm kính, nó gởi trở lại hình ảnh của ta cho ta thấy. Chẳng những tăng thân mà xã hội cũng vậy, đều là một tấm kính, trong đó hình ảnh của ta được phản chiếu lại. Thành ra khi ta thực tập cầu xin sáu sư em, sáu sư anh hay sáu sư chị soi sáng cho ta, tức là ta làm việc soi gương. Có thể có những người quen sống với những người dua nịnh. Người nào cũng muốn có những lợi lộc cho nên họ không nói sự thật cho ta nghe. Ví dụ như cấp dưới nói với cấp trên: “Đồng chí quên ngủ quên ăn nhiều quá, đồng chí lo cho đồng bào nhiều quá, đồng chí là người hy sinh nhất ở trên thế gian này!” Thì đó có thể là những lời đường mật để tâng bốc cấp trên. Nếu mỗi ngày nghe nhiều lần như vậy, ta sẽ có một hình ảnh cao tột về ta. Đó là một vọng tưởng, một vọng tâm. Sống với vọng tâm thì ta chết. Cho nên chuyện ta cầu sáu người bạn nói thật về con người của ta là một cách soi kính rất hay. Những người đó nói cho ta hay về giá trị và những khuyết điểm của ta. Mỗi thiền sinh ở Làng Mai đều đã được giao cho bài tập đó.

Ta có một hình ảnh về ta, có thể là một vọng tâm đã đành, ta còn có một hình ảnh về người kia hay về tăng thân cũng không đúng luôn. Ta nói rằng tăng thân kỳ thị ta, tăng thân muốn đẩy ta ra khỏi, tăng thân không muốn chấp nhận ta, và ta tạo ra một ranh giới làm bằng dây kẽm gai, rất khó để vượt qua. Như vậy ta có hai hình ảnh: hình ảnh về ta và hình ảnh về người kia hay về nhóm người kia. Cả hai hình ảnh đó tạo ra một biên giới. Biên giới đó làm cho ta và người kia đau nhức. Không những nó làm cho hai người đau nhức, nó làm cho luôn cả tăng thân đau nhức!

Cho nên nguyên tắc thực tập là vô tâm, tức là đừng bám víu vào một ý niệm. Phải luôn luôn quán chiếu về ý niệm đó để thoát ra, luôn luôn đi tìm sự thật. Và phương pháp tìm sự thật là căn cứ vào cái đèn sẵn có trong người của ta, tức là tính sáng của ta, và cũng căn cứ trên tính sáng của người khác. Nếu dùng cái đèn của chúng ta và cầu xin cái đèn của những người khác soi sáng cho ta và soi sáng cho tăng thân, thì ta có thể làm tiêu tán đi những vọng tưởng, những vọng tâm. Như vậy là ta đi theo ánh sáng, đi theo sự giác ngộ, gọi là thuận giác.

Có khi chúng ta có cảm tưởng chúng ta đang gánh một gánh tủi nhục, một gánh bất công. Mà những bất công đó đã được gây ra bởi hoàn cảnh xã hội, bởi những người khác. Chúng ta có cảm tưởng rằng chúng ta như là Chúa Ki-tô, đang phải mang một cái Thánh giá rất nặng. Chúng ta là nạn nhân của những người khác, nạn nhân của sự kỳ thị của những người khác, và vì mang gánh nặng đó nên chúng ta đau khổ. Chúng ta thiết lập một biên giới ngăn cách giữa chúng ta với những người kia.

Có thể chúng ta không thấy gánh nặng đó phát sinh từ nhận thức sai lầm của chúng ta, từ cách nhìn của chúng ta, từ vọng tưởng của chúng ta. Vì vậy cho nên phải sử dụng vô tâm, tức là con đường, phương pháp vượt những tà niệm, những vọng tâm. Lại nữa, muốn vượt vọng tâm cũng nên dùng cây đèn bên trong để soi sáng. Nếu người kia nhìn ta bằng con mắt như vậy, nếu những người kia có thái độ với ta như vậy, chắc có lẽ là tại cách hành xử, cách nhận thức của ta sao đó mới có phản ứng như vậy từ phía những người kia. Nếu cái mặt ta nhăn thì tấm kính mới gởi lui cho ta một hình ảnh có cái mặt nhăn, chứ không phải tự nhiên mà có. Có quán chiếu, ta mới thấy được phần trách nhiệm của mình.

Nhiều khi tấm kính của người kia cũng hơi méo, tại vì người kia nếu không tu tập, nếu không quán chiếu thì cũng có thể có một nhận thức sai lầm về ta. Nhưng thường thường khi chúng ta có tu học, có quán chiếu, thì phía bên này cảm thấy đỡ mà phía bên kia cũng thấy đỡ hơn. Cái hình ảnh méo mó càng ngày càng bớt đi, và sự phối hợp giữa hai ánh sáng, ánh sáng của nội tâm ta và ánh sáng nội tâm của người kia, có thể xua đuổi đi những bóng tối, những méo mó, những sai lầm trong nhận thức của ta và của người kia.