Tích môn bản môn
“Xá Lợi Phất! Thầy nghĩ sao? Đức Bụt kia tại sao có tên gọi là A Di Đà?”
‘‘Xá Lợi Phất! Bởi vì đức Bụt ấy là ánh sáng vô lượng có thể chiếu soi được tất cả các cõi nước trong mười phương mà ánh sáng ấy không bao giờ bị ngăn cách. Vì vậy, nên ngài được gọi là A Di Đà.’’
A Di Đà là ánh sáng vô lượng, cũng vì vậy Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nói:
‘‘Di Đà đích thực pháp thân ta
Nam, Bắc, Đông, Tây khắp chói lòa’’
Khi đốt lên một cây đèn nến hay một cây đèn dầu, ta sẽ có ánh sáng, nhưng ánh sáng đó không vô lượng.Tại sao vậy?Tại vì nến sẽ hết, dầu sẽ hết và theo đó ánh sáng sẽ hết. Nhưng đức A Di Đà là một nguồn ánh sáng vô tận.Một vị bồ tát, một vị giác ngộ, một vị Bụt luôn luôn từ cơ thể phóng ra ánh sáng.Đó là ánh sáng của chánh niệm.Ánh sáng của các vị Bụt đi rất xa, đi xa lắm.Phóng ra ánh sáng đó để làm gì?Để soi đường và giúp người ta đừng bước sa vào hầm hố của khổ đau.
Chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ có Bụt và các vị Bồ tát mới có thể phát ra ánh sáng này.Người nào trong chúng ta cũng có thể phát ra ánh sáng đó, ánh sáng của chánh niệm.Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi hay thuyết pháp, ánh sáng của chánh niệm tỏa chiếu đi rất xa.Khi người ta tới chơi hay tới thăm viếng mà thấy chúng ta đi, đứng, nằm và ngồi trong chánh niệm, họ cũng thấy ánh sáng trong thân ta đang chiếu ra.Khi một tia sáng này của ta chạm vào một người khác thì người ấy cũng cảm động và cũng muốn được đi, đứng và làm việc ung dung như vậy.Các thầy, các sư cô, các sư chú và các đạo hữu ở đây người nào cũng có thể phát ra ánh sáng từ thân thể, từ tâm hồn của mình.Tất cả chúng ta đều có khả năng phát ra ánh sáng chánh niệm, và chỉ có sự thực tập chánh niệm mới làm phát ra ánh sáng đó.Chánh niệm đưa đến chánh định, chánh định đưa đến trí tuệ.Đó là những viên ngọc lưu ly có thể chiếu ra ánh sáng.Chúng ta đừng có mặc cảm.Chúng ta cũng có thể phóng quang được như đức A Di Đà, tuy ánh sáng của ta chưa đi xa bằng, nhưng chúng ta đã có thể phóng ra được.Nếu mỗi ngày ta đều thực tập thì ánh sáng càng ngày càng được phóng xa.Ánh sáng đó có thể được phát ra dưới nhiều hình thức.Ở trên thế giới bây giờ có biết bao nhiêu người đang tu tập theo pháp môn của Làng Mai.Hàng triệu người đọc sách, nghe băng và tiếp xúc với các vị giáo thọ ở Làng Mai.Vì vậy ánh sáng của chúng ta đã đi rất xa, và chúng ta cũng đang tham dự vào công nghiệp của đức A Di Đà tức là phát ra ánh sáng.Phát ra ánh sáng là điều chúng ta làm được và làm được ngay ngày hôm nay.Hễ bước một bước chân có chánh niệm thì có ánh sáng lóe ra liền.Ta phải hiểu ánh sáng là như vậy.Và ánh sáng của đức A Di Đà là vô lượng.Đó là định nghĩa đầu của chữ Amitabha: ánh sáng vô lượng.Bây giờ ta đi đến định nghĩa thứ hai:
‘‘Hơn nữa, Xá Lợi Phất! Thọ mạng của đức Bụt ấy cũng như của dân chúng trong nước ngài là thọ mạng vô lượng kéo dài tới vô lượng vô biên kiếp a tăng kỳ, vì vậy, danh hiệu của ngài là A Di Đà’’
A tăng kỳ có nghĩa là vô lượng, vô số.Đứng về phương diện tích môn thì chúng ta có sanh có diệt.Kẹt vào ý niệm thọ mạng, ta nghĩ rằng ta chỉ bắt đầu có mặt từ năm đó và sẽ trở thành không có mặt từ năm kia.Nhưng theo giáo lý đạo Bụt thì bản chất của chúng ta là không sanh và không diệt.Đứng về phương diện bản môn thì thọ mạng của ta cũng vô lượng như thọ mạng của đức Thế Tôn và của đức A Di Đà.Nhìn cho kỹ ta thấy tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đều như vậy.Một bông hoa hay một chiếc lá cũng có thọ mạng vô lượng.Nhìn cạn cợt thì ta thấy chiếc lá có sinh và có diệt; nhìn sâu thì chúng ta thấy sinh diệt chỉ là cái bên ngoài.Bản chất của một chiếc lá là vô sinh bất diệt, bản chất của chúng ta cũng như vậy.Ánh sáng của đức A Di Đà là vô lượng nên thọ mạng của ngài cũng là vô lượng.Ánh sáng của cái đèn dầu có khi tắt, nhưng ánh sáng của đức A Di Đà không bao giờ tắt.Vì sao?Vì thọ mạng của đức A Di Đà là vô lượng.Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng có thể tham dự vào thọ mạng vô lượng của đức A Di Đà. Bởi vì chúng ta cũng có bản chất bất sanh và bất diệt.Niệm Bụt cho sâu sắc, quán chiếu về đức A Di Đà cho sâu sắc, ta tiếp xúc được với bản môn, với tính vô sinh bất diệt của chính ta, và đó là thành quả cao nhất của sự thực tập.Ta thấy được rằng bản chất của ta cũng là bản chất vô lượng thọ.
Hai định nghĩa về đức A Di Đà như vậy là vô lượng quang (ánh sáng vô lượng) và vô lượng thọ (tức là thọ mạng vô lượng).Không phải chỉ có đức A Di Đà mới có bản môn mầu nhiệm, mới có bản chất bất sanh bất diệt, mà tất cả chúng ta cũng đều có bản chất bất sanh bất diệt.Vì vậy chúng ta có thể tham dự đời đời vào công việc chế tác ánh sáng của đức A Di Đà và ánh sáng đó sẽ có mặt liên tục không bao giờ chấm dứt.
‘‘Xá Lợi Phất! Từ khi Bụt A Di Đà thành đạo đến nay tính ra là đã mười kiếp. Này nữa, Xá Lợi Phất, số đệ tử Thanh Văn đã đắc quả A La Hán của đức Bụt ấy nhiều vô lượng không thể đếm được bằng toán học. Số đệ tử bồ tát của ngài cũng đông đảo như thế.’’
Trên phương diện tích môn, từ khi đức Bụt A Di Đà thiết lập ra cõi Cực Lạc chỉ có mười kiếp thôi và Bụt A Di Đà đang biểu hiện như một Hóa thân.Và chúng ta thấy rằng tuy Hóa thân hay ng thân của đức A Di Đà mới thiết lập cõi Cực Lạc được mười kiếp, nhưng số đệ tử Thanh Văn đã đắc quả A La Hán của Ngài nhiều vô lượng không thể đếm được bằng toán học.Không thể dùng điện toán để đếm.Số đệ tử bồ tát của ngài cũng đông đảo như thế. Nghĩa là đức A Di Đà có đệ tử về phía Thanh Văn và cũng có đệ tử về phía Bồ tát.Dân chúng Tịnh Độ gồm những người tu theo đạo Bụt nguyên thỉ và những người tu theo đạo Bụt phát triển.Ở bên nào cũng đông đến nỗi các nhà toán học cũng không thể nào đếm hết được.
‘‘Này Xá Lợi Phất! Nước Bụt kia đã được xây dựng bằng những công đức đẹp đẽ như thế.’’
Những công đức đẹp đẽ như thế là những điều chúng ta đã được nghe trong những đoạn kinh vừa qua, như các hàng cây, các hồ sen có nước tám công đức, âm nhạc trên không, dân chúng có thì giờ để đi hái hoa cúng dường các vị Bụt, nấu cơm, ăn cơm, đi kinh hành, nghe chim hót, nghe thông reo, nghe thuyết pháp và dân chúng ở nước Cực Lạc rất đông.Tất cả những cái đó đều là những công đức và những cái đẹp mầu nhiệm của cõi Cực Lạc.