III. Đại ý
Then chốt của kinh Quán Niệm Hơi Thở là mười sáu phương pháp thở ra và thở vào, phối hợp bốn lĩnh vực quán niệm. Hơi thở cũng được sử dụng như phương thức duy trì sự chú tâm để hành giả nhìn (nhìn kĩ, nhìn lâu, nhìn sâu), để thấy được bản chất của vạn pháp và đạt tới giải thoát.
Vạn pháp được chia làm bốn lĩnh vực gọi là bốn lĩnh vực quán niệm (tứ niệm xứ):thân thể, cảm giác, tâm ý và đối tượng nhận biết của tâm ý. Đối tượng nhận biết của tâm tức cũng là vạn pháp vậy. Tuy chia làm bốn nhưng kỳ thực chỉ có một, bởi vì tất cả bốn lĩnh vực quán niệm đều là đối tượng nhân thức của tâm. Khi tâm nhận thức tâm thì tâm cũng là đối tượng của tâm
Mười sáu phương pháp thở ra và thở vào được chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm bốn hơi thở: nhóm đầu lấy thân thể làm đối tượng quán niệm, nhóm thứ hai lấy cảm giác làm đối tượng, nhóm thứ ba lấy tâm ý làm đối tượng, nhóm thứ tư lấy đối tượng tâm ý làm đối tượng.
Sau đó, khi trình bày mười sáu phép quán niệm hơi thở, Bụt nói đến bốn lĩnh vực quán niệm (tứ niệm xứ) và bảy yếu tố giác ngộ, nhắc nhở thêm rằng phép quán niệm hơi thở nếu được thực hành liên tục sẽ đến sự thành tựu bốn lĩnh vực quán niệm và nếu bốn lĩnh vực quán niệm nếu được thực hành liên tục sẽ đưa đến sự thành tựu bảy yếu tố giác ngộ. Bốn lĩnh vực quán niệm được Bụt nói tới cặn kẽ hơn trong kinh Niệm Xứ; bảy yếu tố giác ngộ cũng được nhắc tới trong kinh Niệm Xứ và trong các kinh khác. Vì vậy cho nên ta có thể nói then chốt kinh này là phép quán niệm hơi thở phối hợp với bốn lĩnh vực quán niệm.