Bài 32 – Quán chiếu pháp giới
1.
Thở vào, tôi có ý thức về sự có mặt của chiếc lá mùa thu mà tôi đang giẫm lên
Thở ra, tôi tiếp xúc được với thực tại duyên sinh mầu nhiệm của lá
2.
Thở vào, tôi ý thức về sự có mặt của tôi bây giờ và ở đây
Thở ra, tôi tiếp xúc được với thực tại mầu nhiệm của sự sống trong tôi và quanh tôi
3.
Thở vào, tôi thấy chiếc lá trở về đất để rồi sẽ ra đời trở lại thành một chiếc lá mới.
Thở ra, tôi thấy chiếc lá trong muôn ngàn hình thái sinh diệt khác nhau
4.
Thở vào, tôi thấy tôi đang có mặt trong thực tại duyên sinh mầu nhiệm
Thở ra, tôi thấy tôi đang được biểu hiện bằng nhiều hình thái sinh diệt khác nhau
5.
Thở vào, tôi thấy chiếc lá không thực sự đi qua sinh diệt mà chỉ thị hiển sinh diệt
Thở ra, tôi thấy tôi không thực sự đi qua sinh diệt mà chỉ thị hiển sinh diệt
6.
Thở vào, tôi thấy chiếc lá có hóa thân khắp nơi và hoạt dụng khắp nơi
Thở ra, tôi thấy tôi có hóa thân khắp nơi và hoạt dụng khắp nơi
7.
Thở vào, tôi thấy chiếc lá đã hoàn thành sự nghiệp của nó từ vô lượng kiếp
Thở ra, tôi thấy tôi đã hoàn thành sự nghiệp của tôi từ vô lượng kiếp
8.
Thở vào, tôi thấy chiếc lá đã là cái mà chiếc lá muốn trở thành
Thở ra, tôi thấy tôi đã là cái mà tôi muốn trở thành
9.
Thở vào, tôi thấy chiếc lá có thể gọi về tất cả mọi hóa thân của chiếc lá trong ngàn muôn kiếp
Thở ra, tôi thấy tôi có thể gọi về tất cả mọi hóa thân của tôi trong ngàn muôn kiếp
Bài tập này được thiết lập trên căn bản tuệ giác Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Với chánh niệm, hành giả tiếp xúc được với thực tại mầu nhiệm gọi là pháp giới (dharmadhàtu) và thấy được tính cách không sinh không diệt của tự thân và của vạn vật. Lĩnh vực của khái niệm và của sinh diệt được gọi là thế giới (lokadhàtu). Trong pháp giới, không thực sự có sinh diệt và còn mất. Sinh chẳng qua chỉ là biểu hiện, và diệt cũng chỉ là sự biểu hiện. Sinh là thị hiện sinh, diệt là thị hiện diệt. Sự xuất hiện của một vị Bụt không thực sự là một sự sinh khởi, đó chỉ là một sự thị hiển, như là đóng kịch. Tờ lá kia cũng thế. Tờ lá tuy có sinh có diệt nhưng đó chỉ là giả sinh, giả diệt. Tờ lá khi rơi xuống cũng đang thị hiển tịch diệt như một vị Bụt thị hiển niết bàn. Thấy được như thế thì hành giả cũng thấy được rằng sự sinh diệt của bản thân mình cũng chỉ là thị hiện. Kinh Pháp Hoa có phẩm nói về thọ lượng của Bụt, có phẩm nói về thần lực của Bụt. Vì tập nhìn Bụt trong môi trường pháp giới nên ta thấy được tính bất sinh bất diệt của Bụt và nhận được rằng Bụt không thực sự sinh diệt mà chỉ thị hiện sinh diệt thôi.
Thọ lượng của Bụt vô cùng mà thần lực của Bụt cũng vô cùng. Thọ lượng của chiếc lá cũng như thế mà thần lực của chiếc lá cũng như thế. Thọ lượng và thần lực của mỗi người trong chúng ta cũng như thế.
Nói đến Kinh Pháp Hoa, chúng ta phân biệt ba bình diện: tích môn, bản môn và hạnh môn. Tích môn là bình diện lịch sử, trong đó Bụt có sinh, có thành đạo, có thuyết pháp, có nhập diệt. Bản môn là bình diện của bản thể. Trên bình diện này Bụt đã thành Bụt từ vô thỉ, đã thuyết pháp từ vô thỉ và nhập niết bàn từ vô thỉ. Tháp Bụt Đa Bảo là hình ảnh của bản môn. Bụt Đa Bảo của quá khứ được tiếp xúc trong hiện tại, điều này chi thấy Bụt Thích Ca chính là Bụt Đa Bảo. Hạnh môn là bình diện hành động. Trên bình diện này ta thấy các vị Bồ tát như Phổ Hiền, Quan Âm, Dược Vương, Diệu Âm và Thường Bất Khinh. Các vị Bồ tát này đang rong chơi trên lịch sử để làm việc hành đạo và độ đời. Các vị này đã thành Bụt từ lâu và từ bản môn họ khai mở hạnh môn (“Khai lục độ chi hạnh môn) để xuất hiện trên Tích môn làm mẫu mực cho hành động.
Nếu Bụt và các vị Bụt thị hiện hành đạo đều có thọ lượng vô cùng và thần lực vô cùng thì chiếc lá và chúng ta cũng vậy. Chiếc lá cũng đã thành lá từ lâu và đang thị hiện sinh diệt. Chúng ta cũng vậy.
Kinh Pháp Hoa cho ta thấy Bụt không phải là một hình ảnh lẻ loi xuất hiện trong khung thời gian và không gian. Phẩm Hiện Bảo Tháp cho ta thấy Bụt có vô lượng hóa thân đang thành đạo tại vô lượng cõi khác nhau. Chiếc lá cũng vậy. Chúng ta cũng vậy. Mỗi chúng ta đều có hóa thân khắp chốn và mỗi hành động, tư tưởng và lời nói của chúng ta cũng như của mỗi hóa thân chúng ta đều có ảnh hưởng tới mười phương. Đây là một bài tập có thể đưa ta tới định lực và cái thấy gọi là Pháp Hoa Tam Muội.