Bài 21 – Tính không sinh diệt

1.   
Thở vào, tôi thấy một con sóng trên đại dương / Thấy sóng
Thở ra, tôi cười với con sóng trên đại dương / Cười với sóng

2.   
Thở vào, tôi thấy nước trong con sóng / Thấy nước
Thở ra, tôi cười với nước trong con sóng /Cười với nước

3.   
Thở vào, tôi thấy con sóng hình thành / Sóng hình thành
Thở ra, tôi cười với sự hình thành của sóng / Cười với sự hình thành của sóng

4.   
Thở vào, tôi thấy con sóng hoại diệt / Sóng hoại diệt
Thở ra, tôi cười với sự hoại diệt của sóng / Cười với sự hoại diệt

5.   
Thở vào, tôi thấy tính cách bất sinh của nước trong con sóng / Tính cách bất sinh của nước
Thở ra, tôi cười với tính cách bất sinh của nước trong con sóng / Cười với bất sinh của nước

6.   
Thở vào, tôi thấy tính cách bất diệt của nước trong con sóng / Tính cách bất diệt của nước
Thở ra, tôi cười tính cách bất diệt của nước trong con sóng  / Cười với bất diệt của nước

7.   
Thở vào, tôi thấy sự sinh khởi của sắc thân tôi / Sinh khởi của sắc thân
Thở ra, tôi cười với sự sinh khởi của sắc thân tôi  / Cười với sinh khởi của sắc thân

8.   
Thở vào, tôi thấy sự hoại  diệt của sắc thân tôi / Hoại diệt của sắc thân tôi
Thở ra, tôi cười với sự hoại diệt của sắc thân tôi / Cười với sự hoại diệt của sắc thân

9.   
Thở vào, tôi thấy tính cách bất sinh của sắc thân tôi / Sắc thân bất sinh
Thở ra, tôi cười với tính  cách bất sinh của sắc thân  tôi / Cười với sắc thân bất sinh

10.   
Thở vào, tôi thấy tính cách bất diệt của sắc thân tôi / Sắc thân bất diệt
Thở ra, tôi cười với tính cách bất diệt của sắc thân tôi  / Cười với sắc thân bất diệt

11.   
Thở vào, tôi thấy tính cách bất sinh của tâm thức tôi / Tâm thức bất sinh
Thở ra, tôi cười với tính cách bất sinh của tâm thức tôi  / Cười với tâm thức bất sinh

12.   
Thở vào, tôi thấy tính cách bất diệt của tâm thức tôi  / Tâm thức bất diệt
Thở ra, tôi cười với tính cách bất diệt của tâm thức tôi / Cười với tâm thức bất diệt

Bài tập này đi chung với hai bài đi trước (mười chín và hai mươi), nhắm đến sự quán chiếu tính cách không sinh và không diệt của các pháp.

Đứng trên bình diện hiện tượng, ta thấy các tướng sinh/tử, tới/đi, còn/mất, có/không, một/nhiều, nhiễm/tịnh,…nhưng đi sâu vào tự tánh của các pháp ta vượt thoát những tướng ấy. Ba pháp ấn của đạo Bụt là vô thường, vô ngã và niết bàn. Vô thường và vô ngã là đứng về bình diện hiện tượng, ta thấy có sinh tử, tới đi, còn mất, một nhiều, nhiễm tịnh. Nhưng đạo Bụt không phải chỉ mở bày cho ta cái thấy về hiện tượng. Đạo Bụt còn muốn đưa ta tiếp xúc với thực tại trong tự tánh (svabhava) của nó. Đó là niết bàn. Mà niết bàn thì không thể được mô tả bằng khái niệm, nghĩa là bằng những phạm trù sinh, diệt, tới, đi, còn, mất, có, không,…Niết bàn cũng có nghĩa là sự vắng lặng của các phiền não như tham đắm, hận thù và si mê. Đạt tới cái thấy về tự tánh thực tại rồi thì siêu việt được mọi sợ hãi, lo âu, tham đắm, vì lúc bấy giờ các tướng sinh, tử, tới, đi, còn, mất, có và không đã trở thành huyễn hóa trước con mắt của trí tuệ giác ngộ.

Trong kinh Tự Thuyết (Udana, tạng Pali) Bụt nói về niết bàn như sau (ta hãy khéo léo để đừng bị ngôn từ và ý niệm khống chế, vì Bụt đã từng dạy là ta không thể nói gì được về thực tướng của niết bàn):

“Các vị khất sĩ, có một nơi, không phải nơi của đất, nước, gió, lửa, không phải nơi của không gian vô biên, tâm thức vô biên, vô sở hữu vô biên nơi của tri giác, của không tri giác, của cõi này, của cõi kia. Nơi ấy, này các vị, tôi không gọi là có tới hay có đi, hay không tới hay không đi, tôi không gọi là sinh hay là diệt. Nơi ấy không có thành, không có hoại, không cần nương tựa. Đó là nơi chấm dứt mọi sầu khổ. Đó là niết bàn”.

Bụt lại nói, cũng trong kinh ấy:

“Này các vị khất sĩ, có một cái không sinh, không duyên, không thành, không tác, không hợp. Giả sử không có cái không sinh, không duyên, không thành, không tác, không hợp ấy thì làm sao có những cái có sinh, có duyên, có thành, có tác, có hợp có chỗ để trở về?”.

Giả sử khi nghe Bụt nói mà ta bị kẹt vào những tiếng “có”, “một”, “nơi”, “cái” thì ta không thể nào hiểu được Bụt, bởi thực tại niết bàn thoát khỏi những ý niệm có và không, một và nhiều, nơi và  không nơi, cái này và cái kia.

Bài tập này sử dụng hình ảnh nước và sóng làm ví dụ cho sinh tử và niết bàn. Sóng là sinh tử, nước là niết bàn. Sóng có sinh, diệt, lên, xuống, cao, thấp, thành, hoại, một, nhiều. Nước thì không. Nhưng đây chỉ là một ví dụ. Nước, trong nhận thức thông thường của ta vẫn thuộc về thế giới các hiện tượng như mây, khói, băng, tuyết,…

Nhờ quán chiếu thâm sâu vào thế giới hiện tượng mà ta khám phá được tự tánh bất sinh bất diệt của chúng và đi vào thế giới tự tánh. Trong Phật học, ta gọi quá trình này là từ tướng đi vào tánh (tùng tướng nhập tánh).

Vị bồ tát thấy được tự tánh của vạn pháp nên không còn sợ hãi và tham đắm, do đó có thể cỡi trên sóng sinh tử mà đi và mỉm cười được với mọi con sóng sinh tử.