Chương 9: Chuyển hóa tâm thức cộng đồng

Ý thức được những khổ đau và tình trạng thoái hóa của sự sống do việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên trên trái đất gây ra, con nguyện tìm mọi cách để giúp mọi người biết sử dụng những tài nguyên thiên nhiên với chánh niệm và có ý thức sáng tỏ về những hậu quả lâu dài của việc sử dụng ấy đối với chính bản thân mình và thế hệ tương lai. Biết rằng những khổ đau mà mọi người đang phải gánh chịu đều phát sinh từ những hành động thiếu trách niệm của mỗi người chúng ta khiến cho khí hậu thay đổi bất thường, rừng cây bị tàn phá, nước trở nên khan hiếm, không khí, đất đai và sông ngòi bị ô nhiễm , con nguyện sẽ thay đổi cách sống hằng ngày của con để mang lại sự bình an và hòa điệu cho gia đình, cho đời sống cộng đồng và hệ sinh thái địa phương, cho tất cả mọi người trên thế giới.

Các tu viện, các trung tâm thiền tập của chúng ta ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã khởi xướng nhiều sáng kiến để bảo vệ môi sinh, giúp mọi người ý thức hơn về những gì họ đang làm để giảm bớt những tác động xấu lên trái đất. Tháng 12 năm 2007, tu viện Lộc Uyển ở Escondido, tiểu bang California, đã sử dụng được năng lượng mặt trời làm khí đốt. Các nguồn điện trong tu viện đều được cung cấp từ năng lượng mặt trời. Lễ khai mạc (Ground breaking) thông báo tin mừng này được tổ chức rất cảm động, có hơn một ngàn người tham dự, ai cũng lộ vẻ hân hoan đến chảy nước mắt. Việc xử dụng năng lượng mặt trời giúp ta bước được những bước nhẹ nhàng thảnh thơi trên trái đất, làm sáng tỏ tình thương yêu và lòng biết ơn của ta đối với đất Mẹ.

Tăng thân chúng ta rất khao khát được sống hài hòa với mọi người và mọi loài đang có mặt trên mảnh đất thân yêu này. Khi chúng ta có khả năng sống hòa hợp với anh chị em của chúng ta, thì chúng ta cũng biết sống hòa hợp với thiên nhiên, với vũ trụ. Bởi vì ta đã thấy được mối tương quan mật thiết giữa ta và mọi người, mọi loài chung quanh. Khổ đau và hạnh phúc của ta là khổ đau và hạnh phúc của mọi loài chúng sanh đang hiện hữu. Chúng ta luôn tương tức với nhau. Nhờ có tu tập, ta thấy được một cách rõ ràng là mỗi người chúng ta đều góp phần vào nền văn minh nhân loại. Loài người chúng ta là con của đất Mẹ, cho nên chúng ta cũng dính liền với rừng núi, sông hồ, biển cả và đất trời. Tất cả chúng ta cùng mang chung một số phận mà thôi.

Những tai ương ta gây ra cho đất Mẹ là do ta còn nhiều vô minh, tham lam và kiêu hãnh. Là con của Mẹ, ta phải sám hối với Mẹ và để hết lòng để cải sửa. Ta phải tận dụng mọi khả năng trong mọi hoạt động lớn nhỏ để khuyến khích mọi người cùng tham gia vào công việc thay đổi tình trạng suy yếu hiện tại của trái đất. Ta phải cùng phát lời nguyện rằng sẽ chấm dứt mọi hành động thiếu ý thức làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, và đem hết khả năng của mình để hồi phục lại hành tinh xinh đẹp của chúng ta, đem lại sự tươi mát và an vui cho mọi người mọi loài. Tăng thân của chúng ta đã biết hạn chế việc xử dụng xe hơi, chúng ta đã dùng xe điện và xe chạy bằng dầu thực vật để giảm thiểu lượng khí CO2. Các thầy cô cũng đã sắp xếp để đi chợ chỉ một lần trong tuần. Chúng ta cũng đã trồng những loại cây quen thuộc của địa phương ít cần tưới nước để khỏi phải dùng nhiều nước. Chúng ta cũng đã biết cách chuyển hóa rác làm phân bón và thắp điện bằng những loại bóng đèn có hiệu năng vừa đủ.

Tăng thân của chúng ta cũng đang thực tập một ngày trong tuần không đi xe hơi để giảm việc tiêu thụ xăng dầu. Một ngày trong tuần không dùng xe hơi thì cũng chưa thấm thía vào đâu, nhưng dù sao đó cũng là một thiện ý tốt đẹp chứng tỏ là chúng ta đang có ý thức và muốn đóng góp một cách cụ thể để bảo vệ môi trường. Thực tập một ngày trong tuần không đi xe hơi đem lại cho ta rất nhiều niềm vui, ta biết ta đang làm một cái gì thật tích cực cho đất Mẹ. Ta nhất quyết không để mình biến thành nạn nhân của tuyệt vọng. Không phải lời nói mà chính hành động của ta mới là biểu hiện rõ ràng nhất của tình thương.

Hạn chế dùng xe hơi giúp ta hít thở thật thoải mái và dễ dàng. Đất Mẹ của ta và đức Bụt trong ta cũng đang cùng ta hít thở thật thoải mái. Chỉ cần không đi xe trong khuôn viên tu viện thôi mà đã thấy dễ chịu làm sao. Khi bạn đến tu viện Lộc Uyển, bạn có thể đậu xe ở bãi đậu xe dưới chân núi và tản bộ lên thiền đường. Bạn sẽ cảm thấy có một niềm vui nhẹ nhàng trong lòng khi bước từng bước chậm rãi từ bãi đậu xe lên thiền đường. Không khí tu viện trong sạch và thơm ngát cỏ cây rừng núi.

Vừa đi ta vừa theo dõi hơi thở, thở vào thở ra thật bình lặng, nhẹ nhàng, và ta ý thức được rõ ràng  ta đang đặt từng bước chân trên nước Chúa, trong cõi tịnh độ của Bụt. Đi bộ, ta có cơ hội tiếp xúc với bao nhiêu mầu nhiệm của cuộc sống, ta tiếp xúc được với nắng mưa, với hoa lá, với đất đá, chim chóc và thỏ rừng. Có những buổi sáng, có hàng trăm người cùng bước đi rất thong dong, trong an vui, tĩnh lặng. Ta thưởng thức từng bước chân bước bên nhau, ta không nói chuyện, không xem ti vi, không nghe radio, ta chỉ cần đi bên nhau trong tình huynh đệ, không nghĩ ngợi hay nói năng gì cả mà đã thấy hạnh phúc rất nhiều. Bởi vì chúng ta đang đi trong nước Chúa, trong cõi tịnh độ của Bụt. Tại sao chúng ta để mất đi những giây phút mầu nhiệm đó của cuộc sống? Mỗi giây phút như thế có công năng trị liệu, chuyển hóa và nuôi dưỡng. Chúng ta ai cũng có khả năng làm việc đó, ta có thể làm một mình hay cùng thực tập chung với tăng thân.

Trong dịp lễ kỷ niệm ngày Bụt đản sanh năm 2550, tôi có đề nghị mọi người ở khắp nơi trên thế giới cùng nhau thực tập vài ngày không đi xe hơi. Sự thực tập này sẽ giúp đánh thức mọi người về tình trạng trái đất bị hâm nóng hiện nay. Ta có thể khuyến khích những người ta quen biết thực tập không dùng xe hơi mỗi tuần một ngày, hay mỗi tháng một ngày, để mọi người ý thức hơn về những hiểm nguy mà đất Mẹ chúng ta đang phải gánh chịu. Một ngày không dùng xe hơi là một món quà quý giá ta có thể hiến tặng cho hành tinh xanh của chúng ta. Để đi lại, ta có thể dùng xe đạp hoặc những phương tiện giao thông công cộng, hoặc ta cũng có thể làm việc ở nhà. Đây là hành động tích cực, không phải chỉ là lời kêu gọi suông. Ta phải hành động ngay trước khi quá trễ để đánh thức mọi người dậy. Ta phải là người đầu tiên tỉnh dậy để gửi đi thông điệp này cho toàn thế giới. Ta đang sống quá bận rộn, vì vậy ta cần đức Bụt nhắc nhở ta mỗi ngày để ta biết sống có ý thức hơn, để con cháu chúng ta có được một tương lai sáng đẹp. Nếu chúng ta để lại cho con cháu của mình một trái đất đầy thương tích thì chúng ta quả là thiếu trách nhiệm, chúng ta hành xử không đẹp chút nào với con cháu chúng ta.

Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi đoàn thể, mỗi quốc gia đều có thể làm một điều gì đó để giúp ngăn chặn quá trình hâm nóng toàn cầu. Thầy cô giáo có thể nói với sinh viên, học sinh. Người trẻ thanh thiếu niên có khả năng hiểu được những khó khăn và khổ đau của trái đất. Chúng ta có thể ý thức được trọn vẹn những nguy hại mà đất mẹ đang gánh chịu. Người trẻ có thể có những ý tưởng rất hay và mong muốn được chia sẻ những ý tưởng ấy. Đôi khi những người trẻ có cái nhìn sáng suốt hơn người lớn. Khi họ được bày tỏ những ý tưởng của họ, họ sẽ cảm thấy mình cũng có đóng góp cho xã hội và như thế họ sẽ không cảm thấy bị cuốn trôi theo dòng thác lũ của cuộc sống, hay bị đẩy ra ngoài lề của xã hội. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ và thầy cô giáo phải biết lắng nghe thế hệ trẻ, và khuyến khích họ nói ra những trăn trở, thao thức của họ.

Trẻ em cũng biết thực tập chánh niệm rất giỏi và có thể nhắc nhở người khác thực tập. Có rất nhiều người trẻ đã nhờ thực tập mà biết thay đổi cuộc sống của họ, và biết giúp cha mẹ và những người xung quanh thực tập chuyển hóa. Những người trẻ này giúp ta có niềm tin vào tương lai của chúng ta. Chúng ta chưa đến nỗi bị cùng đường bít lối, chúng ta vẫn còn có nẻo thoát. Chỉ cần chúng ta biết nắm tay nhau và cùng đồng hành với nhau. Tổ tiên chúng ta cũng đã từng đi trên con đường này, con đường của tình huynh đệ. Tình huynh đệ quý báu hơn bất cứ một học thuyết nào hay một tôn giáo nào.

Đã có rất nhiều nước trên thế giới đang đi trên con đường này. Đan Mạch đã cung cấp được 20% điện dùng bằng quạt gió. Ở Băng Đảo 93% dân chúng đã dùng sưởi đốt bằng địa nhiệt (geothermally). Ở Nam Triều Tiên, người ta cũng đã trồng lại nhiều khu rừng. Thụy Điển cũng tuyên bố là đến năm 2020 họ sẽ chấm dứt việc xử dụng dầu đốt. Nước Úc cũng đã đầu tư năm trăm triệu đô la (500.000.000 US$) cho việc bảo vệ hệ sinh thái (đây là số tiền đầu tư lớn nhất thế giới). Cộng đồng Châu Âu (European Union) cũng đưa việc bảo vệ môi trường lên ưu tiên hàng đầu. Đó là những hành động rất cao đẹp.

Chúng ta cũng có thể viết thư cho những nhà có chức quyền để nói lên nguyện vọng của chúng ta. Khi dân chúng có được cái nhìn sáng suốt và nhất quyết đi theo con đường đó thì chính phủ không thể nào làm khác được. Chúng ta nên cho các đại biểu dân cử biết ý muốn của chúng ta về một ngân sách tài trợ sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sạch và phải chấm dứt ngay việc phá rừng. Chúng ta phải chia sẻ những kinh nghiệm và tuệ giác của mình để giúp các ngài nghị sĩ và nhà nước của ta. Mỗi người đóng góp cái thấy của mình để đi tới cái thấy chung, từ đó mới phát ra hành động. Chúng ta phải là người yểm trợ chính phủ, đồng thời là người cố vấn. Chúng ta phải cho chính phủ biết rằng ngân quỹ của bộ quốc phòng trên khắp thế giới không được hợp lý lắm. Chỉ cần trích ra một phần sáu ngân quỷ đó là có thể làm thay đổi tình trạng suy yếu hiện tại để cứu sống hành tinh của chúng ta. Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cần phải thực hiện khẩn cấp điều này. Phải yêu cầu các quốc gia trên thế giới sử dụng một phần sáu ngân quỹ quốc phòng của nước mình để cứu sống trái đất. Đây là một việc làm rất chính đáng.

Tổ chức những ngày không sử dụng xe hơi là hành động tích cực giúp chấm dứt tình trạng bất an đang xảy ra khắp nơi. Nếu chúng ta muốn tiếp nối sự nghiệp của Bụt, chúng ta phải giúp Bụt đánh thức mọi người dậy. Chúng ta cần sự hổ trợ của gia đình hay đoàn thể. Khi mọi người chung quanh ta đều thực tập tiêu thụ có chánh niệm thì sự thực tập rất dễ dàng. Ta cùng nhau thực tập trong tình huynh đệ, như vậy không còn một ai phải lo lắng nữa.