Tại sao lại “lặng” khi thực tập đạo Bụt

Câu hỏi:

Trong quá trình tìm hiểu về đạo Phật con rất thích đọc sách và nghe giảng kinh. Và sau khi đọc sách hay nghe giảng kinh xong con thường suy tư về những điều đã đọc và đã nghe. Sau đó thì tự dưng con rất … im lặng. Con không buồn mà cũng không quá vui, nó giống như mặt hồ lặng sóng vậy. Những lúc đó con đó  rất khác so với con mọi khi. Con vẫn chào hỏi, giúp đỡ mọi người xung quanh như bình thường, nhưng chỉ có điều, con làm mọi việc một cách chậm rãi và rất lặng.

Đôi khi con thấy mình “lặng” quá, nên cũng đâm lo, sợ mình không những “khác người” mà còn khác chính bản thân mình như vốn đã từng. Con không biết đó là tốt hay là không.

Con không hề muốn xa lánh mọi người xung quanh, đó là điều chắc chắn. Cho nên đôi khi con hơi lo mình khác quá, nên bỏ đọc sách hay nghe giảng cả một thời gian dài để trở lại “bình thường” như mọi người (vui buồn hỉ nộ ái ố v.v..). Nhưng sau  đó con lại tự thấy hỉ nộ ái ố chẳng có gì hay, không có mục đích, chỉ đơn giản chạy theo những mộng tưởng, nên con lại đi tìm sách và kinh để được “lặng” thì mới thích.

Nên cứ thế con như  con cóc nhảy từ chỗ này sang chỗ kia được hai năm rồi. Nghĩ lại con thấy cần phải xác định lại mình muốn cái gì, và có can đảm đi đến cùng.

Xin cho  con một lời khuyên!

 

TL:

Quỳnh Dao thương quý!

Nghe những lời chia sẻ của Quỳnh Dao, sư cô cảm thấy rất vui, vui vì thấy Quỳnh Dao đã nhận ra những gì mà mình đã và đang làm, chỉ có điều là chưa chắc chắn lắm nên muốn hỏi quý thầy quý sư cô cho chắc ăn thôi, phải vậy không?

Trong Duy Thức học có nói về con người khi mới sinh ra cái tánh ban đầu của mình vốn là vô ký. Vô ký nghĩa là không buồn, không vui, không thiện, không ác (Nhân chi sơ, tánh vô ký, phi thiện ác…). Trong quá trình mình lớn lên, những gì xung quanh đã tác động và đi vào mình, tùy vào môi trường và hoàn cảnh nơi mình sống để rồi tạo nên mình với một con người thế này hoặc thế kia (Yên lặng hay lí lắc, đùa giỡn hay chanh chua.v.v..).  Nếu mình tiếp xúc với những người dễ thương thì những đức tánh tốt của người kia sẽ đi vào trong mình.

Nếu mình chơi với những người chưa dễ thương thì mỗi ngày một ít, mình sẽ huân tập vào mình những gì không dễ thương từ người đó, mặc dù mình không muốn như vậy. Mình cũng có thể nhìn vào một ly nước để giúp mình hiểu hơn về tâm của mình.

Nước vốn trong suốt và tĩnh lặng. Nếu người ta pha vào đó một dung dịch có màu xanh thì ly nước biến thành màu xanh, nếu bỏ vào một chất dung dịch có màu đỏ thì ly nước biến thành màu đỏ, nếu để không thì ly nước trong suốt. Nếu để yên thì ly nước rất lặng, nếu mình quấy động thì ly nước sóng sánh lên. Xanh hay đỏ, động hay tĩnh đều do tác động của những duyên bên ngoài.

Còn bản chất của nước thì không xanh không đỏ, không động không tĩnh. Cho nên cái cảm giác “không buồn cũng không vui” mà Quỳnh Dao đã thấy ở mình không  phải là một cảm giác lạ đâu, chỉ vì mình chưa biết rõ bản chất của mình vốn là tĩnh lặng nên mới thấy lạ và lo lắng đó thôi, khi biết rồi thì mình thấy may mắn và càng thấy quý nó hơn, vậy Quỳnh Dao yên tâm nhé!

Trong đạo Bụt có nói về phước đức của từng người. Phước đức không phải chỉ một đời mà rất nhiều đời để lại. Có những người may mắn nhờ phước đức của ông bà tổ tiên để lại nên gặp nhiều thuận duyên trong cuộc sống, nhưng cũng có những người chưa đủ phước đức nên còn trồi sụp lên xuống trong cuộc đời. Có những người chưa đủ may mắn nên chưa gặp được thầy hiền bạn tốt để dẫn dắt mình đi đúng con đường thiện nên đã đi tìm những thức ăn không lành mạnh để đưa vào tâm mình như nghe nhạc tình sầu kích động và đứt ruột, xem những chương trình TV cũng như đọc các loại sách có chứa độc hại, hận thù và bạo động nên đã gây ảnh hưởng cho thân tâm mình qua các hành động của các nhân vật trong sách báo cũng như trong phim ảnh, lời nhạc.Tâm họ có lúc điên cuồng, bạo động và không được an tĩnh.

Quỳnh Dao là một người rất có phước nên đã được nghe những lời giảng về kinh cũng như thích đọc sách lành mạnh, biết tư duy những điều đã học để nhìn lại mình và muốn thay đổi mình theo chiều hướng lành mạnh, đó là một điều rất quý mà không phải ai cũng may mắn gặp được. Trong quá trình học hỏi và thực tập, Quỳnh Dao đã biết “dừng lại” như lời chia sẻ là “con làm việc một cách chậm rãi và rất lặng”. Phần nhiều con người thường có những tập khí ưa làm nhanh cho xong việc và bị công việc lôi kéo mình theo, có lúc làm mà không biết mình đang làm gì. Nhưng với Quỳnh Dao thì đã biết trở về với chính mình mà không bị những gì xung quanh lôi cuốn mình đi, cái này gọi là chánh niệm. Chánh niệm là biết dừng lại mọi suy nghĩ lung tung để trở về với chính mình, giữ tâm yên tĩnh và biết được những gì đang xảy ra bên trong và ngoài mình. Chỉ có sự dừng lại và có mặt đích thực với chính mình mới giúp mình nhận ra được chính mình.Quỳnh Dao đã thực tập làm việc có chánh niệm mà chính mình cũng không biết đó là chánh niệm, không biết mình thực tập giỏi như vậy, dễ thương quá đi!

Cứ sống bình thường với con người thật của mình, cứ vui cười với mọi người, cần đùa thì cứ đùa, cần giỡn thì cứ giỡn, trước đây vui với mọi người như thế nào thì bây giờ cũng vui như vậy. Có điều trước đây mình làm theo tập khí ham muốn và bị lôi cuốn theo cuộc vui thì bây giờ, khi đã hiểu mình và nhận ra những gì nuôi dưỡng mình và mọi người thì mình thay đổi cách chơi thôi.

Dừng lại những lí lắc, những tâm hành hỷ nộ ái ố để mình trở thành một con người mới hơn, thánh thiện hơn và dễ thương hơn để nuôi dưỡng mình và mọi người xung quanh. Tuy nhiên cái gì cũng phải từ từ thôi, Quỳnh Dao có kinh nghiệm đi xe đạp chưa, nếu cần thắng thì mình phải thắng từ từ mới không làm cho mình bị ngã dúi. Sự chuyển hóa của mình cũng vậy, nếu mình thay đổi nhanh quá thì khiến cho những người chung quanh thấy lạ và thắc mắc là chuyện thường.

Hãy lắng nghe những gì trong mình nói cho mình biết mình nên làm gì. Lắng nghe những người xung quanh cũng tốt nhưng phải lắng nghe chính tiếng nói bên trong trái tim mình một cách sâu sắc sẽ tốt hơn nhiều cho sự lựa chọn của mình. Nếu Quỳnh Dao thấy khi nghe kinh và đọc sách làm cho tâm mình được an tĩnh và nhẹ nhàng thì đó là điều rất cần thiết cho mình rồi, là thức ăn cần thiết cho thân tâm mình rồi. Vậy thì hãy can đảm để đi đến cùng như mình muốn vậy. Hãy có niềm tin nơi chính mình. Hãy nuôi lớn niềm tin vào ước muốn thay đổi con người thật của mình, nơi sự chuyển hóa theo hướng tích cực mà mình đang đạt được trong quá trình học hỏi.

Chúc Quỳnh Dao thực tập có nhiều thành công và an lạc nhé!