Tập trung khi niệm Bụt

Con xin được hỏi:

Con có thắc mắc tại sao mỗi lần con dâng hương cúng và niệm Bụt thì trong đầu của con không thể tập trung được và thường bị suy nghĩ những chuyện khác nhưng trong tâm của con thì rất muốn tập trung vào việc cúng Bụt mong quý sư giúp con trên con đường học Bụt.

BBT xin chia sẻ:

Thương gởi em!

Chị rất vui khi biết trong đời sống bận rộn hiện nay lại có những bạn trẻ như em biết bảo hộ mình bằng sự thực tập tâm linh. Không chỉ riêng em mà bất cứ ai khi mới bắt đầu thực tập dâng hương niệm Bụt đều dễ dàng nhận ra tâm của mình chạy tán loạn. Đấy là dấu hiệu tốt của bước đầu thực tập.

Khi lòng mình yên nhẹ thì mới thấy được tâm tư mình đang suy nghĩ, đang rong ruổi không định hướng. Chỉ cần nhận ra như vậy, thì những suy nghĩ không định hướng ấy có cơ hội dừng lại. Sự thực tập đã thành công. Hằng ngày tâm ý mình suy tưởng theo những dự án, toan tính, giận hờn, buồn đau, lo sợ… và mình bị chúng giam hãm trong vòng luẩn quẩn ấy. Dừng lại những suy tưởng, rong ruổi ấy thường gọi là “Chỉ” (nghĩa là dừng lại). Khi ấy thì tâm mình được lắng dịu trở lại, và thân mình được nhẹ nhàng, thanh thản hơn nhiều. Vậy làm sao để có thể dừng lại ? Rất nhiều phương cách giúp ta dừng lại. Chúng ta cần một đối tượng để chú tâm vào, đối tượng ấy có thể là những hành động của mình, khi làm việc gì thì đặt hết lòng mình vào công việc ấy, mà ta thường nghe là đưa tâm trở về với thân, gọi là chánh niệm.

Thường chị hay dùng hai đối tượng để đưa tâm và thân về một mối là hơi thở và bước chân. Khi chị chú tâm vào hơi thở vào ra, để ý đến hơi thở từ khi đi vào cơ thể và cho đến khi đi ra ngoài cơ thể qua lỗ mũi, hay đơn giản hơn chỉ để ý đến sự phồng lên và xẹp xuống của bụng. Hơi thở này được nối tiếp bởi hơi thở kia. Lúc này mình không suy nghĩ về bất cứ chuyện gì khác ngoài việc tập trung vào hơi thở. Nhưng trong lúc thực tập như vậy mà tâm mình khởi lên những suy tư nào thì mình dễ dàng nhận ra và mỉm cười với chúng và chúng sẽ biến mất.

Sự thực tập dừng lại này trở nên dễ dàng nếu mình luyện cho mình mỗi ngày. Những lúc không phải thắp nhang, niệm Bụt mà làm những công việc khác thì em cũng tập ý thức về động tác của mình trong mỗi công việc. Đối tượng dễ dàng cho sự thực tập của mình là hơi thở. Khi em thắp một nén nhang, em hãy để tâm vào hành động thắp nén nhang đó; niệm một danh hiệu Bụt, em hãy chú tâm vào từng chữ em niệm. Khi tâm em chú tâm vào những hành động trên thì nó sẽ chấm dứt sự rong ruổi. Sự thực tập của chị là chỉ cần quay về chú tâm vào hơi thở vào và hơi thở ra thì những suy tư kia được dừng lại. Hoặc chỉ cần nhận diện rằng mình đang suy tư thì những suy tư ấy cũng dừng lại.

Với sự chia sẻ trên, chị thương chúc em thực tập hay hơn mỗi ngày!