Con có nhiều câu hỏi


Con xin được hỏi:

Con năm nay 20 tuổi, là sinh viên, hiện đang sống tại Việt Nam. Con có một vài câu hỏi mong quý thầy cô giải đáp.

1/ Trong quá trình tu tập nhiều khi con có cảm giác giống như là bị no Phật pháp, lúc đó con không muốn tụng kinh, niệm Phật hay đọc sách, nghe giảng gì cả. Khoảng thời gian đó đối với con là vô cùng khó chịu, con phải làm sao khi bị cảm giác đó?

2/ Hiện giờ con cảm thấy tâm con rất là yên, khi gặp trở ngại con vẫn giữ được tâm mình. Nhưng khi tâm yên quá con lại cảm thấy sợ là liệu con có bị an trụ trong cái yên này không, bởi vì con chỉ bắt đầu tu tập khoảng nửa năm nay thôi nên con không biết hiện giờ mình đã đi đúng hướng chưa, và con nên làm gì bây giờ?

3/ Con có nguyện trong lòng là khi nào con trả xong nợ trần như là báo đáp công ơn cha mẹ thì con sẽ đi tu, nhưng con không biết khi nào mới trả xong và nếu trả xong chắc là con đã già rồi, có vô chùa tu thì cũng phiền quý thầy cô chăm sóc và cũng không làm được phật sự bao nhiêu cả, vậy con có bị coi là thất hứa với Phật không? Quý thầy cô nhận người xuất gia từ bao nhiêu đến bao nhiêu tuổi vậy?

4/ Con muốn thỉnh sách như Ước hẹn với sự sống, Quán niệm hơi thở…Vậy thì con có thể thỉnh ở đâu? (con hiện ở TP HCM).

5/ Buổi sáng con hay thức dậy tụng kinh (công phu khuya) nhưng con không tụng kinh Lăng Nghiêm vì kinh viết toàn mật chú rất khó hiểu, con hay tụng những kinh khác như kinh Địa Tạng hay kinh A Di Đà…vậy có sao không? Và con hay tụng bữa đực bữa cái (vì khi nào rảnh con mới tụng được), vậy con có mang tội không?

Con xin cám ơn quý thầy cô và con xin kính chúc quý thầy cô luôn luôn tiến tu trong con đường đạo.

Thầy Pháp Thiên chia sẻ:

Bạn mến!
Nghe bạn “kê khai bệnh” khiến mình nhớ đến thời gian còn cư sĩ của mình. Dường như, đó là căn bệnh chung của tất cả chúng ta –  những người đang làm quen với đạo. Tuy nhiên, điều cần quan tâm mà cũng là yếu tố thiết yếu quan trọng cần cho đời sống tâm linh là bạn đã có định hướng rõ ràng, và phần nào thể hiện được bản lĩnh của chính bạn. Nó sẽ tiếp sức cho bạn thực hiện những tâm nguyện trong đời sống tinh thần của chính mình.

Bạn biết không! khi còn sống đời cư sĩ, cái thú lớn nhất của mình là đọc sách. Mình mê tất cả các loại sách ở tất cả mọi lĩnh vực. Mình đọc ngấu nghiến. Cảm tưởng như bị đói sách từ nhiều năm vậy. Mỗi khi vớ được cuốn sách mới như bắt được khối vàng. Thật lạ, chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó, mình đã rơi vào tình trạng khủng hoảng với sách (khủng hoảng thừa). Mình đã bội thực với sách. Nhìn thấy sách, mình ngán ngẩm thay vì là một cảm giác hứng thú như trước. Người ta gọi hiện tượng này là hiện tượng bão hòa, nhưng cần phải xác định rõ ràng: đây là bão hòa lý thuyết. Nguyên nhân từ đâu vậy ? Cũng rất dễ hiểu, cho nhiều thức ăn vào cơ thể nhưng bộ máy tiêu hóa không làm việc được, tức là thức ăn không chuyển hóa được, tất yếu mình sẽ cảm thấy “ớn cơm ớn canh”.  Chuyển hóa “thức ăn” thành gì? Đây là câu hỏi mãi đến khi sống đời sống xuất gia mình thực sự mới có câu trả lời thỏa đáng. Tuy đã có kinh nghiệm trong vấn đề này nhưng những năm đầu của đời sống xuất gia, một lần nữa mình suýt lại rơi vào hoàn cảnh “ớn cơm ớn canh”. Đức Phật dạy: đạo Phật phải là một cách sống. Có nghĩa là đạo phật phải được thể hiện sống động trong từng phút, từng giây của đời sống hằng ngày. Chúng ta phải vận dụng được một cách cụ thể những lời dạy của Đức Phật vào đời sống của chính mình. Càng khéo léo vận dụng, bạn sẽ có nhiều thành công hơn trong chuyển hóa thân tâm. Những thành công này sẽ mang lại cho bạn niềm vui, hạnh phúc, sự tịnh lạc. Nó chính là  thức ăn quan trọng  cho đời sống tu tập của bạn. Niềm vui, hạnh phúc càng nhiều càng kích thích bạn hứng thú thực tập. Thêm nữa, những thành công ấy sẽ cho bạn những kinh nghiệm trực tiếp sống động không thể tìm thấy được từ sách vở hay băng giảng. Và chắc chắn, sự thực tập của bạn sẽ được làm mới mỗi ngày từ những điều hoàn toàn cũ. Yếu tố mới mẻ xuất hiện thì sự nhàm chán, cảm giác “no giả”  sẽ không thể nào hiện hữu  trong đời sống thực tập của bạn. Nếu lỡ bạn rơi vào tình trạng no phật pháp thì hãy tạm dừng việc đọc sách, nghe băng giảng. Trở về nhận diện và chăm sóc cảm thọ bạn đang có, đồng thời suy ngẫm, rút tỉa điều cần thiết từ những gì đã được đọc, được nghe trước đó, áp dụng ngay cho sự thực tập hằng ngày của bạn, nhằm phục hồi lại sinh khí trong sự thực tập. Sinh khí trở lại, tự bạn sẽ có kinh nghiệm về việc cần phải học hỏi những gì có tính chất thiết thực cho sự thực tập của bạn. Và bạn cũng có được kinh nghiệm: quân bình  giữa học hỏi và thực tập để không còn phải rơi vào tình trạng tương tự.

Bạn mến! Mỗi người chúng ta có căn tánh khác nhau, trình độ nhận thức cũng khác nhau, vì vậy Đức Phật, chư Tổ đã tùy duyên thi thiết ra nhiều pháp môn nhằm giúp chúng ta tu tập chuyển hóa, giúp chúng ta nuôi lớn tình thương (từ bi), nuôi lớn hiểu biết (trí tuệ). Mục đích tối hậu của tất cả các pháp môn đều hướng chúng ta đến giải thoát. Bạn có thể tự trắc nghiệm bản thân để biết được mình có đang đi đúng hướng hay không ? Bạn có cảm thấy nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn trước ? Trái tim bạn đã rộng mở hơn để chấp nhận và thương được những người khó thương hay vẫn để người ấy mãi ngồi ngoài trời đông lạnh giá? Bạn đã cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc với những người xung quanh ? Bạn có thể truyền thông tốt hơn với những người xung quanh? Bạn biết quan tâm chăm sóc những người xung quanh, và nhất là những người thương của bạn nhiều hơn? Bạn có biết chăm sóc thân tâm mình khi có giận hờn, buồn bực, ganh tỵ  hay để cho nó lôi kéo và làm tổn thương nặng nề đến thân và tâm ? …Theo sự chia sẻ của bạn: bạn có thể giữ được tâm mình khi gặp trở ngại, đây là một sự thành công trong tu tập. Tuy nhiên mình cũng muốn chia sẻ một chút cái thấy của mình về khía cạnh này. Tu là phải biết đối diện, nhìn sâu, chấp nhận và chuyển hóa chúng, hoàn toàn không được trốn chạy chúng. Trốn chạy khó khăn không phải là  cách làm của một người tu. Trốn chạy chỉ cho ta cảm giác bình yên giả tạo, tạm bợ mà thôi. Rồi thì khó khăn vẫn còn nguyên khó khăn, đôi khi tính chất khó khăn còn tăng gấp bội. Bởi lẽ nguyên nhân gây khó khăn từ chính trong tâm của mình đi ra. Khi gặp hoàn cảnh bất như ý, cách thực tập của mình là chuyển hướng cách nhìn nhận vấn đề: nhìn vào mặt tích cực của vấn đề mà mình cho là bất như ý, thay vì chỉ nhìn vào mặt tiêu cực như lề thói thông thường. Cách thực tập như vậy sẽ giúp mình bớt khổ đau, có nhiều bình an hơn, chấp nhận hoàn cảnh và còn có cơ hội chuyển hóa được khó khăn.

Bạn mến! Dù muốn hay không muốn, mỗi người chúng ta đều đã kế thừa một gia tài đồ sộ về kinh nghiệm sống, đức tính của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ta tiếp nhận từ tổ tiên những cái hay và cả những cái còn hạn chế. Bạn có muốn thay mặt cha mẹ mình làm công việc “nhặt những hạt lúa lép” ra khỏi kho lúa được tiếp nhận, đồng thời bảo vệ và chăm sóc “những hạt lúa chắc mẩy” ? Hay để mặc tình những hạn chế được trao truyền và thừa kế từ thế hệ này sang thế hệ khác ? Cha mẹ chúng ta có thể chưa có cơ hội chuyển hóa những hạn chế, mình sẽ  phải là người thay mặt cha mẹ chuyển hóa nó. Đó là cách báo hiếu có ý nghĩa tròn đầy nhất. Như vậy, vấn đề không ở chỗ xuất gia hay không xuất gia, xuất gia sớm hay muộn mà là chúng ta thật sự có ước muốn tu tập để giúp bản thân, giúp cha mẹ hay không. Nếu có ước muốn đó thì dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, xuất gia ở tuổi còn trẻ sẽ cho chúng ta nhiều cơ hội thuận lợi hơn, hỗ trợ cho sự học hỏi và tu tập chuyển hóa. Hơn nữa, nếu chúng ta thành công trong đời sống xuất gia thì chúng ta sẽ là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho gia đình, cho cha mẹ trong những hoàn cảnh khó khăn.

Bạn mến! Tại các tu viện thực tập theo pháp môn Làng Mai, tất cả các buổi công phu đều bắt đầu bằng một thời thiền tọa, và sau đó là thời tụng kinh. Kinh văn được sử dụng cho công phu hoàn toàn bằng tiếng Việt trích từ cuốn Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000, rất thiết thực với cuộc sống. Sự lắng tâm và niềm tịnh lạc có được từ buổi thiền tọa sẽ giúp bạn tiếp nhận lời kinh một cách sâu sắc. Trong lúc tụng niệm, những hạt giống lành trong chiều sâu tâm thức của bạn sẽ được xúc tác, đánh động và nuôi lớn. Bạn càng thường xuyên tụng kinh trong chánh niệm thì những hạt giống lành càng có nhiều cơ hội phát triển. Bạn càng có thêm nhiều năng lượng lành, người ta thường gọi năng lượng lành này là phước. Phước đức sẽ giúp quân bình hóa những năng lượng xấu trong người bạn. Nói như vậy không có nghĩa chỉ có tụng kinh mới là cơ hội duy nhất tạo ra nguồn năng lượng lành. Chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm việc này trong những hoạt động bình thường của đời sống hằng ngày: nghe giảng, đọc kinh sách, làm việc, học tập…, nếu tất cả những hoạt động này được đặt trong chánh niệm. Nếu vì lý do học tập không thể tụng kinh thường xuyên được thì bạn có thể bù vào chỗ trống đó bằng sự thực chánh niệm trong đời sống hằng ngày.

Trên đây là một vài chia sẻ từ sự học hỏi và kinh nghiệm thực tập của bản thân mình. Mình thiết nghĩ dù thực tập pháp môn nào cũng cần có người hướng dẫn thì sự thực tập của bản thân mới có thể đi xa được. Nếu bạn thích những pháp môn Làng Mai, bạn có thể vào trang nhà để tham khảo những pháp môn căn bản làm nền tảng, đọc các bài viết, nghe pháp thoại,…Bạn cũng có thể thỉnh sách của sư ông làng mai để đọc và ứng dụng vào cuộc sống, bởi nó thiết thực và rất phù hợp với tuổi trẻ. Nếu bạn đang sống tại Sài Gòn, bạn có thể thỉnh sách: Ước Hẹn Với Sự Sống, Quán Niệm Hơi Thở,… tại chùa Pháp Vân – số 1 Lê Thúc Hoạch – phường Tân Phú – quận Bình Tân – Hồ Chí Minh.

Chúc bạn có nhiều niềm vui.