Cảm nhận sự an lạc trong cuộc sống

Con xin được hỏi:

Con là một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Mười một năm (kể từ sau ngày nhận giấy báo nhập học) là quãng thời gian dài mà con đã phải nhận rất nhiều sóng gió của cuộc đời. Trong thời gian đó vì quá lo lắng cho việc học nên con đã mắc phải chứng bệnh “Tâm thần phân liệt”. Rồi mọi chuyện cũng đã qua khi con được có cơ duyên tiếp xúc với đạo Phật, sức khỏe cũng như thân tâm của con đã ổn định và bình thường. Nhưng bây giờ khi bước đi trên con đường mưu sinh cho cuộc sống thì thật là khó khăn. Con đã được nghe khá nhiều lần về chuyện “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài” và bây giờ con cảm thấy mình giống như nhân vật trong câu chuyện đó, qua những nụ cười hay lời nói đều ẩn chứa sự mưu toan, tính toán. Để có được một cuộc sống giàu có về tiền bạc thì con người ta hầu như đổi lấy sự liêm sỉ, lòng tự trọng và sự ngưỡng mộ của những gì tốt đẹp để lấy về cho mình “Tiền, bạc, tệ”. Con ở Nghệ An và có ý định tìm cuộc sống mưu sinh ở Hà Nội. Nhưng kể từ khi tốt nghiệp đến bây giờ không ngày nào con cảm nhận được “lạc thọ” và “khổ thọ” trong thân tâm con như Sư ông đã thuyết giảng. Nó chỉ có những mưu toan và tính toán cho tương lai mà đâu biết rằng mình đang hiện hữu trong hiện tại. Phải chăng mục đích của giáo dục không thể đưa con người đến con đường hướng thiện, để có một cuộc sống dễ thở hơn? Con mong muốn tìm một nơi nào đó để có thể trở về lại với chính mình, để con có thể cảm nhận được cảm giác an lạc trong cuộc sống này. Nếu về quê để tìm một cuộc sống bình thường thì có thể nhận được những lời dị nghị của bà con lối xóm. Con phải làm gì bây giờ? Kính mong quý thầy, quý sư cô cho con một lời khuyên.

 


Sư cô Cần Nghiêm & Sư cô Văn Nghiêm chia sẻ cùng bạn:

Ban Biên Tập Làng Mai đã nhận được thư bạn và nhiều bức thư khác gởi về với nội dung: muốn tìm một nơi nào mà ở đó mình về lại với chính mình, ở đó mình cảm nhận được cảm giác AN LẠC trong cuộc sống này mà không phải mưu tính cho tương lai mà đâu biết mình đang hiện hữu trong hiện tại. Phải chăng mục đích của giáo dục không thể làm cho người ta làm được những việc hướng thiện, để có một cuộc sống dễ thở hơn?

Có lẽ đây là một thực trạng xã hội hay là một nỗi đau chung không riêng của bạn mà nó đang lan nhanh trên toàn cầu. Một sức ép quá lớn từ cuộc sống đã buộc các bạn phải lựa chọn: hoặc là chấp nhận thay đổi chính mình để được sống, hoặc là sống mà cứ như là sống tạm… Và không riêng gì bạn, y học đã cảnh báo rằng hiện nay có rất nhiều người trẻ bị stress, tâm thần phân liệt một chứng bệnh đang được mọi người quan tâm. Cho nên, chúng ta đều là nạn nhân cho bệnh dịch này.

Mình có đọc được câu: “…chúng ta đều là những người chuẩn bị tốt cho cuộc sống nhưng chúng ta chưa thực sự sống tốt”. Câu nói này đã làm mình giật mình khi thấy mình chưa bao giờ được sống thật sự với chính mình. Và từ đó mình để tâm tìm kiếm cách để sống tốt nhưng loay hoay hoài, mình đã tiêu phí rất nhiều thời gian và sinh lực cho cuộc sống như đó là một lẽ đương nhiên để đươc sống còn.

Là một người trẻ được đồng hành trong thời đại văn minh khoa học này, mình cảm thấy rất hăng hái với những gì được học ở trường, những thành tựu, những phát minh để hăm hở bước vào cuôc sống. Với bạn, “11 năm kể từ ngày nhận giấy báo nhập học, cũng là khoảng thời gian bạn gặp rất nhiều sóng gió của cuộc đời.” Và mọi người hầu như đều phải nhập cuộc như thế để có thêm kinh nghiệm sống. Và đó cũng là những thương tích để lại trên cơ thể và tâm hồn mình, bạn và nhiều bạn trẻ khác. Lâu ngày mình thấy cuộc sống của mình dường như càng ngày càng xa lạ, và mình quên mất đường để trở về lại với chính mình. Niềm vui trở nên cạn cợt và nhạt nhẽo đến khó tả. Đã có bạn chia sẻ: “cái cảm giác ‘bình thường’ mà có cảm giác như là người vô cảm”. Hoặc sẽ trở nên “chán nản khi thấy cuộc sống không hề ngắn ngủi, mà là quá dài khi phải sống tiếp những ngày như vậy.” (Đây là lời chia sẻ của một bạn khác). Đó là những dấu hiệu bất thường của cảm xúc, nó sẽ khiến mình đi tìm kiếm niềm vui ở bên ngoài, ban đầu là những thú tiêu khiển như nhu cầu cần thiết, nhưng nếu không biết dừng lại mình sẽ chạy theo nó suốt cả cuộc đời.

Rất may bạn đã nhận ra được mặt mũi của cuộc sống và muốn thực hành cuộc sống mới có phẩm chất của sự an lạc. Mình thấy vui về điều đó và xin thật lòng chúc mừng bạn. Chúc mừng bạn đã vượt qua giai đoạn khó khăn của tâm thần phân liệt, đã thi đậu, có thể cảm nhận hạnh phúc từ đôi mắt sáng, từ đôi tay, đôi chân lành lặn… Đó chính là những điều kiện của hạnh phúc mà quý thầy, qúy sư cô thường nhận diện nó mỗi ngày. Bạn có thể thực tập viết xuống những điều kiện hạnh phúc khác để nuôi lớn niềm hạnh phúc được sống.

Khi bạn thấy mình có điều kiện hạnh phúc thì bạn có thêm niềm tin vào chính mình và người khác. Đồng thời bạn có thêm can đảm chấp nhận những khó khăn mà mình đang gặp phải. Bởi vì đó là những kinh nghiệm rèn luyện, nuôi lớn khả năng nhận diện điều kiện hạnh phúc. Phải làm công việc đó hàng ngày trong sự buông thư, bình tĩnh.

Tìm cho mình một công việc phù hợp. Công việc đó không làm cho mình căng thẳng mà nó giúp mình sống tốt, sống vui vẻ hơn. Khi bạn biết chấp nhận được sống với chính mình thì bạn sẽ biết chọn một nghề phù hợp cho mình.

Bạn nhớ thực tập buông thư khi cảm thấy căng thẳng. Điều căn bản là bạn nên theo dõi hơi thở, bạn sẽ cảm thấy mình được trở về với chính mình. Không cần đi tìm một nơi nào mới được trở về với chính mình.

Tuy nhiên nếu có điều kiện bạn nên đến các trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai để được hướng dẫn và thực tập chung một thời gian với tăng thân. Quý thầy, quý sư cô sinh hoạt như anh em một nhà với những sinh hoạt gần gũi trong cuộc sống hàng ngày như: ăn cơm, rửa bát, thiền đi, thiền ngồi, thiền buông thư, làm việc trong chánh niệm… Bằng ý thức sự có mặt của hơi thở và năng lượng của tăng thân sẽ giúp bạn tìm được chính mình và tập sống an lạc. Bạn có thể tham khảo thêm những phương pháp thực tập căn bản để sống có hạnh phúc như Phép Lạ Của Sự Tinh Thức, An Lạc Từng Bước Chân… Đây là một vài gợi ý từ sự thực tập của mình khi được tu học theo pháp môn Làng Mai. Chúc bạn thực tập vui và có nhiều an lạc.

Thương yêu và tin cậy