Nuôi dưỡng tình thương khi làm việc

Con là một Phật tử tại gia, làm nghề nông nghiệp. Con có một thắc mắc mong nhờ quý Thầy,quý Sư Cô giải đáp giúp. Con trồng lúa thường hay bị nhiều loại sâu rầy cắn phá, nếu không phun thuốc thì sâu rầy phá hết, còn nếu phun thuốc trừ sâu thì phạm giới sát sanh. Con đã thử nhiều cách khác nhưng không được, chỉ có phun thuốc mới giữ được ruộng lúa. Xin quý sư chỉ giúp cho con: làm thế nào để vừa giữ giới lại vừa làm được kinh tế nuôi sống gia đình?

Con xin cảm ơn nhiều.

PT: Nhuận Bảo

 

Sư cô Chân Như Hiếu chia sẻ:

Chị thương kính,

Nghe chị chia sẻ về khó khăn của chị trong việc dùng thuốc trừ sâu để chăm sóc ruộng lúa, sư cô cảm thông được với chị. Có rất nhiều người cũng có tâm trạng như chị vậy. Thật ra thì quý thầy quý sư cô cũng có làm ruộng và cũng phải dùng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên quý thầy quý sư cô biết rõ phương pháp thực tập trong lúc làm việc để nuôi dưỡng tình thương của mình đối với mọi loài.

Trước hết mình làm bằng cách phòng ngừa, nghĩa là đừng để cho tới khi lúa bị sâu rầy rồi mình mới bơm thuốc mà phải bơm thuốc ngừa sâu ngay khi chưa có sâu rầy, như vậy đỡ làm tổn hại đến sâu rầy hơn. Thứ hai là cách thực tập trong khi bơm thuốc. Chắc chắn là chị không muốn giết hại sinh mạng như trong Năm giới đã dạy. Cái tâm không muốn giết chết sâu rầy đó đã nói lên hạt giống thương yêu đã có sẵn trong chính chị rồi, chỉ cần đánh thức nó dậy và làm cho nó lớn mạnh hơn thêm là quý lắm. Trong khi làm việc, bất cứ là công việc gì, mình cũng có thể thực tập với tâm từ bi, gởi năng lượng thương yêu đến với những chú sâu, rầy trong suốt thời gian làm việc. Duy trì lòng thương đến với chúng và cầu ngyện cho chúng được an lành và hạnh phúc, dù sinh ra bất kỳ ở đâu và làm thân gì cũng được an vui. Đừng làm với tâm giận dữ, bực bội và trách móc sâu rầy phá lúa, làm cho lúa mất mùa.v.v… Vì làm với tâm giận dữ không những không giúp cho sâu rầy hết phá lúa mà làm cho tâm thêm nặng nề và mệt nhọc hơn.

Trong kinh Bốn loại thức ăn, khi nói về đoàn thực (tức là thức ăn đưa vào bằng đường miệng), Bụt có đưa ra ví dụ về cặp vợ chồng có một đứa con trai nhỏ duy nhất, họ rất thương yêu và chăm sóc con hết mực chu đáo. Một hôm vì đến sinh sống một nơi khác nên họ đem con vượt qua sa mạc đầy nguy hiểm. Giữa đường hết lương thực và họ sa vào tình trạng đói khát cùng cực, không còn cách nào để giải quyết, họ bàn với nhau là giết đứa con nhỏ để ăn thịt thì mới sống sót để vượt qua cơn hiểm nạn. Khi giết đứa con và ăn thịt đứa con để thoát chết, họ đau xót và rơi lệ. Họ không ăn vì thèm và để bổ dưỡng mà vì họ bị bắt buộc phải ăn để sống và vượt qua hiểm nạn của vùng sa mạc. Bụt lấy ví dụ đó để dạy rằng nếu khi mình ăn uống, mình không có chánh niệm, ăn với tâm ham muốn, không có tình thương và nghĩ tới những em bé đang đói khát trên thế giới thì như ăn thịt những đứa con của mình.

Cũng vậy, khi bơm thuốc trừ sâu, mình cũng bị bắt buộc phải làm vì không làm thì mình không có gạo ăn để sống. Cái chính là ở tâm mình và cách mình làm việc. Giết hay không giết, làm hay không làm không phải là vấn đề, vấn đề là mình làm với tâm như thế nào, thương yêu và cầu nguyện hay giận dữ và bực bội. Và khi làm với tâm thương yêu mình cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn, tình thương trong mình lớn thêm hơn và niềm cảm thông trong mình sâu sắc hơn đối với không chỉ loài sâu bọ mà có luôn với mọi loài xung quanh mình.

Khi biết được để có bát cơm ăn, mình phải làm lụng vất vả và có nhiều loài phải hy sinh trong đó, mình ăn cơm có ý thức hơn và trân quý bát cơm mà mình đang bưng trên tay hơn. Trong tu viện, mỗi khi bưng bát cơm lên ăn, quý thầy quý sư cô và các thiền sinh đều thực tập Năm phép quán trong khi ăn, trong đó có những điều: Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác của rất nhiều người và rất nhiều sinh vật; Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để  xứng đáng thọ nhận thức ăn này. (Năm quán)

Thương chúc chị thực tập làm việc vui và thành công.