Ăn chay

Con xin được hỏi:

Con là một phật tử, con có đi nghe pháp nhiều nơi nhưng vì còn nhỏ tuổi nên con thắc mắc và không hi ểu một số lời giảng của quý sư. Con có một số câu hỏi không biết hỏi ai, nhờ quý sư anh sư chị giảng giải giùm con:

1. Có hay không một cõi cực lạc có thật ở phương tây?
2. Ăn chay có đủ dinh dưỡng và tăng chiều cao đúng mức hay không? Ăn mặn có tội không? Và những vị sư tu bên Nam Tông, họ ăn mặn thì sao?
3. Con có nghe sư ông giảng, sư ông có nói rằng: khi chúng ta thở chúng ta phải biết chúng ta đang thở, khi chúng ta nhìn phải ý thức chúng ta đang nhìn. Như vậy, khi chúng ta đang nhìn làm sao ý thức được chúng ta đang thở. VD: khi đang chạy xe trên đường, con mắt chúng ta phải nhìn xung quanh, chân chúng ta phải đạp, mũi phải thở. Như vậy, chúng ta phải tập trung ý thức vào cái nào?

Em chưa hiểu mong các sư chị giải thích giùm em.
Em nhờ ban biên tập hỏi sư ông một điều là: theo sư ông điều quan trọng nhất của một đời người là gì?


Một sư cô xin chia sẻ:

1- Có hay không một cõi Cực Lạc ở Phương Tây?
Trong Kinh Phật Thuyết A Di Đà là có một cõi Cực Lạc ở Phương Tây. Kinh này tuy là kinh Đ ại Thừa xuất hiện nhiều trăm năm sau khi Bụt nhập diệt nhưng căn cứ trên những điều Bụt dạy có thể tìm thấy ở các kinh Nam Truyền bằng chữ Pali nữa. Khi mình nhìn cạn thì mình thấy ly nước trong nhạt nhẽo không có chất nước trái cây không ngon chi cả. Nhưng nhìn sâu hơn (thiền quán) thì thấy được nưóc từ nguồn suối cao, nước từ lòng đất sâu, nước mầu nhiệm tuôn chảy, ơn nước luôn tràn đầy. Ngụm một ngụm nưóc lạnh mát, sướng như ở cõi cực lạc. Vậy cõi nước Cực Lạc thực có hay không tùy thuộc vào khả năng nhìn thật sâu, thấy thật kỹ của từng người. Nếu cách sống còn hời hợt – mẹ còn sống mà không trân quý, còn có dịp cắp sách đến trường mà không trân quý, không viết thư, không điện thoại không thăm hỏi khi mẹ còn sống, có cơm ăn, áo mặc, còn sức khỏe mà không trân quý, đợi tới khi mẹ mất rồi, hay khi bị tai nạn có tật nguyền thì tiếc nuối, thì tiếp tục sống trong vòng khổ đau của cõi ta bà và than thở : ôi, hồi xưa tôi không tập nhìn sâu để ý thức có mẹ là mầu nhiệm, có sức khỏe là mầu nhiệm, có nước lạnh uống là mầu nhiệm, có hạt cơm dẻo thơm ăn là mầu nhiệm, là hồi đó đang sống trong cõi cực lạc. Bây giờ tiếc nuối thì trễ quá rồi. Nếu luyện tập, có được cái nhìn sâu hơn thì cõi nước này là cõi tịnh độ và mình còn có thể dạo chơi và sống trong cõi nước ấy hai mươi bốn giờ một ngày nữa.

2- Ăn chay có đủ dinh dưỡng và tăng chiều cao đúng mức hay không?
Theo các nhà dinh dưỡng học, muốn có một cuộc sống đầy đủ sức khỏe, muốn có đủ năng lực hoạt động hằng ngày, chúng ta phải lưu tâm đến việc ăn uống điều độ và đầy đủ chất dinh dưỡng. Vậy ăn chay với hai điều kiện điều độ và đầy đủ thì không những khỏe mạnh mà còn tăng chiều cao một cách đúng mức. Theo một chế độ ăn uống thích hợp, với bao nhiêu phân lượng chất đạm, chất xơ, chất bột, chất béo, chất ngọt, chất khoáng, chất vôi, chất sắt, nước và các loại sinh tố trong một ngày cơ thể có đủ năng lượng hoạt động một cách tốt đẹp, sống lâu và khỏe mạnh. Theo báo cáo khoa học, rau cải, ngũ cốc, hoa quả thực vật cũng đầy đủ chất dinh dưỡng cho sức khỏe, cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày trong đời sống của con người. Các người ăn chay vẫn sống thọ, không khác những người ăn mặn. Những thú vật như con voi, con tê giác, con trâu, con bò, con ngựa là những con thú ăn thực vật, thảo mộc nhưng rất khỏe mạnh, không khác các loài thú ăn thịt như sư tử, cọp, gấu, beo. Ăn chay còn có ích lợi cho sức khỏe như dể tiêu hóa hơn, ít gây bệnh tật hơn. Trên thế giới ngày nay, tây phương cũng như đông phương, số người ăn chay, vì lý do sức khỏe ngày càng nhiều theo khuyến khích của các nhà y học và số người ăn chay vì lý do tín ngưỡng cũng gia tăng nhiều hơn. Ở Tây phương những người thực sự văn minh thì chỉ ăn chay thôi dù họ chẳng biết Phật là ai, vì ăn chay làm cho lòng từ bi mình tăng trưởng và sức khỏe mìnhvững chắc mà nhẹ nhàng, nhưng phải ăn cho quân bình đủ chất như đã nói trên.

3- Ăn mặn có tội không?
Ăn mặn làm hao tổn lòng từ bi nhất là khi tự tay giết hại sinh vật để nấu nướng trong các buổi ăn của gia đình hay m? heo, bò, gà, vịt cho những đám tiệc cúng lễ. Nếu không trực tiếp làm thịt sinh vật nhưng vì có nhu yếu tiêu thụ cho nên có người hành nghề giết hại để đáp ứng cho người tiêu thụ, chính vì vậy ăn mặn đã gián tiếp hổ trợ cho sự sát hại. Sinh vật nào cũng sợ hãi cái chết và muốn được kéo dài mạng sống. Theo lời Bụt dạy về luật nhân quả, nếu mình có lòng từ bi cứu sống hay giúp bảo vệ sinh mạng các loài sinh vật thì mạng sống của chính mình sẽ được kéo dài và được kịp thời cứu cấp trong những trường hợp nguy khốn. Điều này cũng đúng với trường hợp ngược lại. Giết hại, bảo con cháu giết hại hay vui mừng chứng kiến sinh vật bị giết thì thọ mạng của mình sẽ ngắn lại. Vậy tội có nghĩa là mình phải chấp nhận những hậu quả chính mình đã gây ra trong quá khứ. Khi nhìn cạn, nhìn hời hợt, em ăn miếng thịt khen ngon, khen thơm, nhưng nhìn sâu một chút thì thấy rõ để cho miếng thịt gà trộn với rau thơm tới mâm cơm này đã có một sinh vật tên là gà bị kéo cổ ra khứa khứa, máu vọt ra, giảy giụa, chảy nước mắt khổ đau .. (mấy con vật này lúc sau không bị giết bằng tay mà giết bằng lò sát thì còn ghê gớm nữa, em chỉ cần đi thăm lò sát sanh thú vật một lần thôi là sẽ thích thú ăn chay ngay). Nhìn sâu thấy con vật khổ đau như vậy thì mình thương quá nên mình ăn bớt ngon và từ từ bỏ được tập khí mê thịt gà mà cũng hài lòng ăn món mì căn luộc ướp muối đường bột nấm, trộn rau răm chanh ớt cũng thơm ngon và lòng hạnh phúc thênh thang vì thấy món ăn thơm ngon của mình thật tinh khiết, không có giọt nước mắt của con gà, con heo, con bò..

4- Tại sao các sư Nam Tông ăn mặn?
Các sư Nam Tông chủ trương giữ nguyên hình thức truyền thống Phật giáo từ thời nguyên thủy, cho nên quý sư là các vị khất sĩ, mang bình bát đi khất thực. Thiên hạ bố thí vật thực gì, các ngài dùng như vậy và hoàn toàn không có tâm chọn lựa. Việc nhận vật thực giúp quý sư giữ được sự liên hệ với tín thí bằng cách giảng dạy giáo pháp lại cho họ. Ở đây các sư khác với người thường là muốn đem hết thì giờ vào việc hành thiền, thực tập pháp mà không xem việc ăn uống nấu nướng là quan trọng. Trong khi ăn, các sư thực tập các phép quán niệm để duy trì tâm niệm biết ơn và xem thức ăn như thuốc trị bệnh và chỉ ăn vừa đủ duy trì cơ thể để dễ dàng tu tập.

Khi đang thở phải ý thức là mình đang thở, vậy khi đang nhìn thì làm sao ý thức được mình đang thở.

Khi nhìn một cái gì đẹp ta thường quên thân phóng tâm về nơi cái đẹp đó và tâm bị vướng mắc vào đó. Chúng ta hay có thói quen là theo mắt rồi bị vướng vào hình sắc đó. Ví dụ nhìn thấy cái bảng hiệu nào đó, ta bị vướng vào một bảng hiệu đó mà quên là mình đang lái xe thì lúc ấy toàn thân đều bị bỏ quên và dễ dàng xảy ra tai nạn. Vì vậy khi chạy xe ý thức nhìn chung quanh mà không vướng vào cảnh là điều cần thiết. Hơi thở như sợi giây neo, không để cho thuyền tâm của chúng ta bị kéo đi xa quá phút giây hiện tại. Bên dưới sư cô sẽ chỉ cho em cách thở khi ngồi.Khi ngồi và nắm vững hơi thở rồi thì giống như khi luyện xe đạp khá lâu mới đạp được xe. Khi đã đạp được xe rồi thì ta đã đạt được thói quen giữ thăng bằng giỏi trong khi đạp mà không cần chú ý đôi chân lắm nên bắt đầu nhìn phong cảnh xung quanh mà vẫn không quên đạp. Khi đạp giỏi ta còn có thể buông một tay để sửa giây nón trên đầu hay làm chút gì khác nhưng vẫn không quên giữ tốc độ và thăng bằng cho xe. Chánh niệm về hơi thở cũng thế, em ngồi thiền cho nhuần rồi đứng dậy tập đi kinh hành mà vẫn theo hơi thở: Thở vào tôi bước một bước, thở ra bước một bước. Đi kinh hành nhiều vòng nhuần nhuyển trong thiền đường rồi đi mới luyện đi nhanh ở ngoài trời: Thở vào bước ba bước, thở ra ba hay bốn bước. Lúc đó vừa theo dõi hơi thở, vừa để ý bước chân (giống như vừa đạp xe vừa sửa quay nón lại). Và khi nhuần nhuyển vừa đạp xe, vừa sửa quay nón mà cũng vừa lách sang bên phải một chút vì xe kia đạp gần mình quá sợ đụng. Đôi khi phải tránh xe gấp nên buông hơi thở không nhớ thở để tránh thật khéo xe bên kia. Nhưng vừa tránh xe rồi thì lại trở về hơi thở và đạp tiếp xe. Như lách thuyền cho đừng bị đụng chướng vật gì đó nhưng phải trở về giây neo, để thuyền đừng bị trôi xa. Nếu tách rời hơi thở lâu quá, tâm ta dễ rong ruỗi rất xa và có thể bị cơn giận cơn buồn cơn ganh tị kéo đi lạc mất. Trở về hơi thở cho dều đặn để làm chủ tình hình khi không có chuyện gì quá khó khăn. Nhưng khi có chuyện gì bức xúc quá thì phải ngồi xuống nhìn sâu hơn để hiểu, để thương và để giải toả.

Hơi thở bắt đầu từ mũi, xuống khí quản, buồng phổi, hoành cách mạc và sau đó được thở ra theo chiều ngược lại. Ý thức được hơi thở ta sẽ ý thức được những gì đang xảy ra trong thân. Trong những bài tập thở có những câu như thở vào một hơi dài ý thức là mình đang thở vào một hơi dài. Có ý thức về hơi thở dài thì ta sẽ biết được nó rất khác với một hơi thở ngắn hay một hơi thở hổn hển. Khi ta giận , tức, tủi thân, đau đớn, hơi thở ta ngắn và hổn hẻn. Vậy hai chữ ý thức rất là quan trọng. Vì vậy khi thực tập hơi thở ta nên ý thức sáng tỏ về sự có mặt của hơi thở, như trở về với giây neo, neo lại chiếc thuyền tâm của mình, nhờ thế tâm mình – tạm thời !- không chạy theo cái giận cái bực kia. Nó an lại, nó vững chắc lại. Kế đó mình mới nhìn sâu để hiểu cái nguyên nhân của cái trạng thái này hay trạng thái kia của tâm. Khi thực tập hơi thở một cách thuần thục thì tất cả mọi hoạt động khác của thân đều được ý thức soi tỏ. Lúc ấy tâm ta không cần phân vân chọn lựa một đối tượng chú tâm nào như mũi đang thở, chân đạp ga hay mắt thấy cảnh. Vậy thắp sáng ý thức trong ta là điều quan trọng mà không phải là những đối tượng khác nhau của cảnh. Tuy nhiên khi mới bắt đầu thực tập ta cần ngồi thiền ở một nơi yên tĩnh và hướng sự chú tâm vào một đối tượng duy nhất là hơi thở. Khi ý thức về hơi thở đã được thường trực sáng tỏ rồi thì mọi vận hành khác của thân đều được ta nhận diện một cách dể dàng và đầy đủ. Chọn hơi thở để làm đối tượng của sự thực tập là rất hay bởi vì hơi thở lúc nào cũng có mặt cho ta và liên tục kéo dài chừng nào ta còn sống. Có ý thức về hơi thở giúp ta dễ dàng đem tâm trở về hợp nhất lại với thân, vậy thì mỗi hơi thở là một cơ hội quý báu cho ta thực tập được cách sống của một người tỉnh thức.

Thầy Pháp Lữ chia sẻ thêm:

1. Cõi Cực Lạc có mặt ở mọi nơi chứ không chỉ riêng ở Phương Tây. Nếu tu tập theo sư hướng dẫn qua sách vở của Sư Ông (Xin xem sách Tịnh Độ Cầm Tay) và nên nương tựa Tăng Thân. Nên tham dự các ngày quán niệm và các khóa tu tổ chức ở tại chùa Pháp Vân hoặc Bát Nhã,…có ngày em sẽ thấy được tịnh độ hiện tiền.

2. Ăn chay đầy dinh dưởng và cho phép tăng chiều cao đúng mức. Nên tập thể dục hay đi bộ nơi có không khí trong lành, chơi thể thao như bơi lội và bóng rổ, bóng chuyền nhưng quan trọng nhất là nên ngủ nghỉ đủ trước mười giờ tối. Thầy đi ngủ lúc trẻ vào 8-9 giờ tối nên cao trên 1, 74 m. Nếu mình đã 18 tuổi rồi thì chiều cao không còn tăng trưởng nữa nhưng vẫn nên ăn chay để gìn giữ sức khỏe. Ăn cá thịt thì khó tiêu và có nhiều độc tố hơn khi ta ăn rau và trái cây. Ăn mặn không có tội nếu ta không cố tình sát sinh thú vật để làm thức ăn. Nghĩa là nếu ta không gây đau khổ trực tiếp, nhưng nếu nhìn kỹ thì ta có gây đau khổ gián tiếp vì các trại chăn nuôi hiện tại không khác các nhà tù nên thú vật có nhiều khổ đau, bệnh tật.

3. Tâm thức của ta có thể di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác một cách nhanh chóng. Cũng như khi ta đang đánh máy bài viết, nếu có chuông điện thoại ta vẫn có thể biết được và dừng tay trở về hơi thở. Sau đó, dù vẫn chú tâm vào việc đánh máy thỉnh thoảng ta vẫn có thể trong một thoáng chốc, vài giây trở về chú ý đến hơi thở, rồi trở về với bài viết… Dù chú tâm vào đối tượng nào mà ta biết ta đang chú tâm thì cũng là thực tập. Nên thực tập để thấy đây không phải lý thuyết mà mình có thể làm được. Ta có thể thực tập vừa thở vừa bước chân, nhưng nếu chưa làm được liền thì nên cố gắng làm nhiều lần sau đó sẽ quen và thấy rất dễ dàng.