Làm sao để chọn lựa mục đích sống?
1. Con mong muốn khám phá sâu hơn về thế giới Thiền để chiêm nghiệm sâu sắc hơn về thế giới mà Bụt khám phá. Con có đọc sách, tuy nhiên con cũng không biết là những phương pháp của mình có đúng không. Vì đôi khi con cảm thấy nhức đầu và khó chịu khi đi ngược lại những thói quen và ham muốn của tâm mình.
2. Một trong những khó khăn và trăn trở lớn nhất của con là đi tìm mục đích sống trong cuộc đời mình, tuy nhiên con cũng không rõ và không ngừng tìm kiếm những mục đích ấy. Vậy có cách nào để giúp mình có thể tìm kiếm được lý tưởng, ước mơ trong cuộc sống và làm sao biết nó thật sự là ước mơ dành cho mình. Làm sao để có thể vượt lên trên những quy tắc xã hội để sống vì lý tưởng đó? Ví dụ con muốn mở rộng trái tim mình để tìm kiếm và đón nhận những cơ hội mới, nhân duyên mới, con muốn nghỉ làm để tham gia vào các tổ chức NGO với vai trò là facilitator cho các chương trình đối thoại học tập. Nhưng con lại không muốn bị phụ thuộc tài chính vào cha mẹ đồng thời không muốn ra đi khi công ty đang trong tình trạng khó khăn và thiếu người.
3. Gần đây, con nhận ra rằng mình rất dễ nóng giận, con đòi hỏi người khác cũng phải làm việc hết lòng như con. Đòi hỏi và dễ nóng giận vốn không phải là bản tính của con trước đây.
Thầy Pháp Thiên xin chia sẻ:
Bạn thân mến!
Càng có nhiều người trẻ biết trăn trở cho đời sống tương lai của chính mình, đặc biệt là đời sống tâm linh thì xã hội của chúng ta sẽ càng có thêm nhiều người trẻ biết sống có mục đích, có lý tưởng cao đẹp. Thật sự, điều này khiến mình rất vui; vì mình cũng đã từng trải qua những trăn trở như những gì bạn đang trăn trở ở hiện tại. Xin cho phép nói lời cảm ơn đến bạn.
Bạn mến! Nền tảng cho sự lựa chọn mục đích sống, lý tưởng sống hay cách nhìn về cuộc sống được tạo nên từ môi trường sống (văn hóa, kinh tế, xã hội, gia đình, học đường,…) –nơi chúng ta sinh ra và trưởng thành. Do vậy, những người sống trong những môi trường khác nhau rất khó có sự tương đồng đối với những cái nhìn về cuộc sống, lý tưởng sống. Cho dù có hơi dị biệt, nhưng tất cả đều dựa trên những chuẩn mực đạo đức của môi trường đang sống. Để xác định rõ, đâu là mơ ước sống, đâu là lý tưởng sống thì rất khó. Chỉ có bản thân đối tượng mới biết được, đâu là những điều mình đang cần, đang mong muốn. Bởi vì yếu tố hứng thú rất cần cho những bước khởi đầu trên con đường thực hiện mục đích sống, lý tưởng sống của chính mình. Tuy nhiên, tất cả những lý tưởng cao đẹp đều hướng đến việc hoàn thiện bản thân, phục vụ cho lợi ích cộng đồng, và dung hòa được giữa lợi ích, niềm vui, niềm hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng.
Trong tất cả những lý tưởng sống đẹp, mục đích sống đẹp, chưa thể đánh giá cái nào hơn cái nào, chỉ có những hành động cụ thể khi thực hiện những mục đích, những lý tưởng ấy mới nói lên được phần nào giá trị của nó. Hay nói cách khác, cách chọn lựa hướng đi cũng quan trọng, nhưng cách thực hiện những chọn lựa ấy còn quan trọng hơn gấp bội phần. Ví dụ, ta thử so sánh giữa nghề giáo viên và nghề thợ rèn. Có ai dám khẳng định nghề giáo viên có giá trị hơn nghề thợ rèn? Nếu những người thực hiện những nghề nghiệp ấy thể hiện được lương tâm nghề nghiệp đến mức độ cao nhất (hết lòng) thì giá trị của các nghề ấy có khác chi nhau. Điều quan trọng không ở chỗ hình thức của nghề nghiệp mà là lợi ích, niềm vui, niềm hạnh phúc mình đã mang lại cho chính mình và những người xung quanh trong khi thực hiện những nghề nghiệp ấy. Theo mình nghĩ, sự chọn lựa: vẫn tiếp tục công việc cũ hay chọn một công việc mới mà bạn cho là có ý nghĩa hơn là tùy ở bạn. Tuy nhiên, bạn cần thử nhìn lại, với công việc cũ, mình đã làm hết lòng với nó chưa, có cố gắng để tìm ra cách hay nhất, phù hợp nhất để tận dụng nó nhằm phục vụ cho việc thực hiện lý tưởng của chính mình chưa?
Chúng ta cần nên tập buông bỏ đi nhận thức: nghề này mang lại nhiều lợi ích hơn nghề kia. Nói như vậy, không có nghĩa là mình không có quyền được lựa chọn những công việc mà nó có khả năng mang lại cho ta nhiều sự hỗ trợ nhất để thực hiện chí hướng của mình. Như vậy, lý tưởng chính là điều mà khi thực hiện nó thì giá trị của một con người được khẳng định thêm, cuộc sống đối với họ có ý nghĩa hơn, sự hưng phấn, nhiệt huyết phục vụ trong họ ngày càng được vun bồi. Và họ được khẳng định trong mắt mọi người cũng chính từ những điều này. Vậy thì chúng ta có cần phải cố gắng vượt qua những nguyên tắc xã hội để sống với lý tưởng không? Chỉ cần sống, và thực sự sống thì những hành động của bạn sẽ chứng minh cho bạn tất cả.
Bạn mến! Đạo Bụt có mặt, vì cuộc sống có khổ đau. Nếu không có khổ đau trong cuộc sống thì đạo Bụt sẽ không có mặt. Do vậy, đạo Bụt cần luôn luôn thay đổi để thích ứng với thực trạng của cuộc sống. Nó phải là một thực thể sống sinh động mà không phải là một pho tượng cổ. Đã đến lúc, chúng ta cần phải phục hồi lại cái nhìn đúng đắn này về đạo Bụt. Đạo Bụt giúp ta những phương pháp chuyển hóa khổ đau, phục hồi lại hạnh phúc trong cuộc sống. Và những phương pháp này rất cụ thể, rõ ràng và khoa học. Chúng ta có thể áp dụng nó vào đời sống hằng ngày của mình. Và nếu ta học và thực tập theo những phương pháp của Bụt dạy mà ngày càng cảm thấy tâm hồn mình rộng mở, sự hiểu biết ngày càng lớn, sự chấp nhận, tha thứ và thương yêu ngày càng lớn,…thì sự học hỏi và thực tập của bạn đúng.
Còn nếu ngược lại thì mình cần phải xét lại cách học, cách thực tập của chính mình. Lý thuyết luôn luôn phải đi đôi với thực hành, và sự thực hành sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về lý thuyết đã từng được học. Mỗi giây phút của bạn là cơ hội để bạn chiêm nghiệm và thể nghiệm những gì đã được học. Đây là một trong những nguyên tắc thực tập của đạo Bụt. Còn nếu đợi đến lúc vấp phải hoàn cảnh khó khăn mới đem một mớ lý thuyết đã được học ra áp dụng thì cũng vô ích, chẳng giúp được gì. Điều này cũng giống như một cầu thủ bóng đá chỉ được học cách chơi bóng trên mặt lý thuyết mà chẳng bao giờ được thực tập trên sân cỏ thì làm sao có thể chơi hay, chơi đúng trong các trận đấu chính thức được.
Để thay đổi một thói quen cần đòi hỏi yếu tố thời gian, sự kiên trì và không được vội vàng. Bởi vì những thói quen, những ham muốn cần được chuyển hóa ở trong ta đã có mặt từ lâu rồi (những thói quen này có thể do chúng ta huân tập trong đời sống hằng ngày hoặc do ông bà tổ tiên ta truyền lại), một sớm một chiều khó có thể thay đổi chúng được. Do vậy, việc xuất hiện trong tâm bạn những phản ứng khi bạn tiếp xúc với những điều mới có vẻ đi ngược với những thói quen của bạn là một chuyện bình thường. Với thời gian, sự chiêm nghiệm và thực tập sẽ giúp bạn chấp nhận dần những điều mà ban đầu tưởng chừng như không thể chấp nhận được.
Bạn mến! Cái giận có mặt ở trong bất kỳ ai, chỉ khác nhau là nó biểu hiện mạnh hay yếu mà thôi. Những người tu theo đạo Bụt cũng có giận, nhưng họ có phương pháp để chuyển hóa chúng. Bạn không nên quá tự trách mình; bởi vì đó là điều tự nhiên của một con người. Mình thiết nghĩ, nếu bạn biết được phương pháp thực tập đối với cái giận thì bạn cũng có thể chuyển hóa được chúng. Bụt có dạy, chủng tử giận (hạt giống giận) có mặt trong tất cả mọi người. Nhưng tại sao có người giận rất nhiều và giận rất thường xuyên, còn có người thì lại rất ít giận? Những người giận nhiều và giận thường xuyên là những người có thể chưa biết cách bảo hộ tâm mình trong đời sống hằng ngày.
Có thể ban đầu, hạt giống giận trong mình cũng rất nhỏ như những người khác, nhưng những va chạm trong cuộc sống đã vô tình nuôi lớn dần hạt giống giận ấy. Những va chạm này có thể rất nhỏ, có thể chỉ đủ làm mình hơi khó chịu một chút thôi và mình có thể vượt qua được một cách dễ dàng. Nhưng nếu không biết cách xử lý thì những cái tưởng chừng như nhỏ nhặt đó không mất đi mà lâu ngày chúng kết tụ lại thành khối lớn trong tâm – nhiều cái nhỏ góp lại chắc chắn sẽ thành cái lớn phải không? Khi hạt giống giận đủ lớn trong tâm thì nó sẽ khiến mình giận nhiều, giận thường xuyên, và không còn tự chủ được nữa. Nếu bạn thấy được như vậy thì bạn của bạn cũng chỉ là một trong những điều kiện gây nên cái giận của bạn chứ không phải là 100% nguyên nhân gây ra cái giận của bạn. Bạn thấy đó, một bó đũa khó bẻ hơn là từng chiếc đũa, phải không? Mình sẽ chia sẻ với bạn hai phương pháp rất đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc chuyển hóa cơn giận:
1. Phương pháp thở:
Nếu trong bạn đang có năng lượng của sự bực tức, giận dữ phát khởi, điều đầu tiên cần làm là ngưng mọi lời nói, mọi hành động (vì nói hay hành động lúc này sẽ gây thêm đỗ vỡ mà không mang lại lợi ích gì cho mình và cho đối tượng) và lập tức đưa sự chú ý của mình đến hơi thở đang vào, đang ra. Bạn có thể thực tập theo bài tập sau:
“Thở vào, tôi đưa sự chú ý của mình đến hơi thở đang đi vào. Thở ra, tôi đưa sự chú ý của mình đến hơi thở đang đi ra”.
Sau khi thực tập bài tập trên trong vòng 6 -7 hơi thở, sự giận dữ hơi lắng xuống, bạn có thể chuyển sang thực tập theo bài tập thứ hai: “Thở vào, tôi biết rằng, tôi đang giận. Thở ra, tôi mỉm cười với cái giận ấy”. Bài tập thứ hai là một bài tập nhận diện cơn giận. Sự thực tập của mình trong lúc này, đơn thuần chỉ là sự nhận diện cơn giận và có mặt với cơn giận mà không cần phải làm bất cứ một điều gì.
Ngày xưa, khi có giận, mình có khuynh hướng hoặc đè nén, hoặc cố quên, hoặc đẩy nó ra. Nhưng vô ích, điều này chỉ khiến cơn giận bùng phát mạnh mẽ hơn mà thôi. Nếu mỗi lần bạn thành công trong việc nhận diện, có mặt và chấp nhận cơn giận thì hạt giống giận trong bạn sẽ bị yếu đi một phần. Nhiều lần thành công trong sự thực tập thì hạt giống ấy không còn đủ sức công phá bạn nữa.
2. Phương pháp thiền hành:
Trong khuôn khổ câu hỏi, mình chỉ xin phép chia sẻ một phần nhỏ trong phương pháp thiền hành. Nếu biết mình đang giận, hãy tìm một nơi yên tĩnh có thể đi bộ được và thực tập theo những chỉ dẫn sau:
Bước rất chậm, hai vai buông thư, đầu buông thư. Thở vào, mình bước chậm ba bước. Thở ra, mình bước chậm ba bước. Lúc thực tập, mình tập trung hết sự chú ý đến hơi thở và bước chân, ngoài ra không nên chú ý đến những chuyện khác. Và bạn có thể tự điều chỉnh số bước chân ứng với hơi thở vào và ra cho phù hợp với độ dài ngắn của hơi thở của chính bạn. Điều chỉnh như thế nào để khi thực tập bạn cảm thấy thỏa mái nhất. Hoặc nếu cảm thấy hơi khó khăn khi thực tập sự phối hợp giữa hơi thở và bước chân (như đã vừa trình bày) thì mình chỉ cần thực tập bước chậm và đưa sự chú tâm của mình đến sự tiếp xúc giữa lòng bàn chân và mặt đất trên mỗi bước chân trong suốt quá trình thực tập. Chính sự chú tâm này sẽ giúp đưa mình quay về với giây phút hiện, và buông bỏ được thế giới của sự giận hờn.
Bạn mến! Mình đã chia sẻ với bạn hai phương pháp giúp chuyển hóa cơn giận. Hai phương pháp này phải được thực tập thường xuyên trong đời sống hằng ngày (dù lúc không có giận) thì khi có cơn giận, hai phương pháp này mới có hiệu nghiệm. Nếu đợi đến khi có giận mới mang ra thực tập thì thất bại là cái chắc.