Yêu thích hơi thở
Câu hỏi:
Cho con hỏi có cách nào giúp con yêu thích hơi thở, con chưa thật sự thấy nó là quan trọng đối với mình. Gần đây con cũng thực tập dừng lại khoảng 30 phút để trở về với hơi thở. Nhiều lúc thấy nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc thấy nặng nề. Mỗi lần tức hay sợ con có để ý tới hơi thở nhưng chưa sâu sắc lắm, chưa hết tức con đã phóng ra ngoài nên thực hành chưa thấy hiệu quả.
Con mắc chứng bệnh thèm ăn nên ăn nhiều. Mỗi lần ăn xong con phải đi bộ nhiều rồi tìm cách tống mọi thứ trong ruột ra ngoài. Xin giúp con yêu mến hơi thở thay gì ăn nhiều. Con nên nghe bài pháp thoại nào của Sư Ông để quay trở về hơi thở, coi hơi thở là quan trọng hơn tất cả cảm thọ, cảm giác và suy nghĩ trong đầu con?
Sư cô Như Hiếu trả lời:
Em thương,
Nghe những lời chia sẻ của em, sư cô thấy em có tâm muốn học hỏi và thực tập để chuyển hóa những tập khí tiêu cực trong em, sư cô rất quý bản tính hướng thiện nơi em.
Em à, bất cứ cái gì cũng cần có thời gian, vấn đề thực tập có mặt với hơi thở của em cũng vậy. Em đã “có để ý tới hơi thở nhưng chưa sâu sắc lắm, em cũng đã từng dừng lại khoảng 30 phút để trở về với hơi thở và nhiều lúc em thấy nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc nó nặng nề”. Chuyện thực tập có lúc thành công nhưng có lúc chưa thành công là chuyện bình thường thôi. Vấn đề là em có luôn luôn duy trì sự thực tập có mặt với hơi thở hay không mà thôi. Vậy em đừng quá lo lắng nhé!
Khi em bảo chưa thật sự thấy hơi thở là quan trọng đối với em, có nghĩa là em biết hơi thở rất quan trọng đối với sự sống rồi, đúng không. Đúng là hơi thở rất quan trọng đó em. Bởi con người có thể nhịn đói vài ngày, nhịn uống nước vài ngày vẫn có thể sống được, nhưng nếu con người không thở được vài phút thì chuyện gì sẽ xảy ra cho mình? Mạng sống của con người không phải là tám hay chín mươi năm, mạng sống của con người chỉ trong một hơi thở vào và một hơi thở ra, khi thở vào mà không thở ra thì mạng sống chấm dứt rồi. Hơi thở có mặt với mình từ khi mình còn nằm trong bụng mẹ và nó sẽ dừng lại khi mạng sống của mình chấm dứt. Hơi thở là người bạn quan trọng và trung thành nhất của chính mình. Sư cô tin là em đã từng biết đến trường hợp của những người bị bệnh phổi hay bị bệnh tim, họ phải thở một cách khó nhọc, thoi thóp và có khi phải dùng bình ô xy để thở. Có thể em chưa bị đau phổi hay bệnh tim, nhưng khi bị cảm cúm nghẹt mũi khó thở cũng đủ giúp em nhận ra hơi thở quan trọng đối với mình như thế nào rồi. Được thở một cách thoải mái là một điều kiện hạnh phúc, em có thấy vậy không?
Có khi nào em ngồi xuống và nhìn kỹ xem điều gì khiến em chưa thật sự thấy hơi thở là quan trọng đối với mình. Có nhiều người cho rằng vì có nhiều việc quan trọng hơn cần phải làm và không có thì giờ để ý tới hơi thở, nhưng sự thật thì không có gì quan trọng hơn hơi thở cả. Chưa thấy yêu thích hơi thở vì em chưa thật sự nhận ra những điều kiện hạnh phúc mà chính em đang có. Đang được ngồi yên mà không quá bận rộn, có bầu không khí trong lành để thở, tim còn tốt, phổi cũng còn tốt, mũi không bị nghẹt mà không yêu thích hơi thở, không trân quý hơi thở và chưa thấy hạnh phúc thì không biết em muốn gì hơn thế nữa.
Mỗi lần tức giận hay sợ, em đã nhớ tới hơi thở, đó là điều đáng mừng rồi. Tuy nhiên em nên thực tập kiên nhẫn thêm một tí nữa nhé. Chưa hết tức mà đã phóng ra ngoài thì làm sao mà em thấy hơi thở quan trọng được. Phương pháp áp dụng hơi thở để nhận diện và chuyển hóa cơn giận phải được duy trì từ khi cơn giận có mặt cho tới lúc tâm giận lắng dịu lại.
Nói như vậy không có nghĩa khi hết giận thì không thực tập hơi thở có ý thức mà phải thực tập có mặt với hơi thở liên tục, kể cả khi ta không giận. Khi đang có cơn giận, em nhớ lập tức trở về theo dõi hơi thở, thở vào em có thể nói với cơn giận trong em: “Giận ơi, chị đang có mặt đây cho em” và khi thở ra em mỉm cười với cơn giận trong em. Sư Ông dạy cơn giận cũng như em bé, khi em bé khóc, điều đầu tiên là mình đến ẳm em bé vào lòng và có mặt cho em bé. Chỉ cần ôm em bé vào lòng là em bé hết khóc liền, sau đó mình sẽ tìm nguyên nhân khiến em bé khóc, có thể em bé khát nước hay bị ướt tả v.v…
Vì vậy khi em giận, em cũng cần trở về với hơi thở để có mặt và chăm sóc cơn giận trong em liền. Em nhớ hít thở thật sâu và có mặt với cơn giận, thở như vậy một lúc em sẽ cảm thấy cơn giận từ từ lắng dịu lại và cảm giác thoải mái sẽ đến với em. Khi cơn giận lắng xuống em mới tìm xem nguyên nhân nào khiến em giận. Nhớ là khi đang giận, tốt nhất em không nên làm hay nói bất cứ điều gì.Thời gian thở để làm lắng dịu cơn giận có lúc nhanh nhưng cũng có lúc chậm. Cứ thở thôi mà đừng nôn nóng hay hấp tấp gì hết. Nếu ngồi yên thở một hồi mà cơn giận chưa lắng dịu, em nhớ vẫn tiếp tục duy trì hơi thở và có thể đi thiền hành.
Thiền hành là đi từng bước chậm rải và nhẹ nhàng, vẫn theo dõi hơi thở và để ý tới từng bước chân của mình. Thở vào em có thể bước hai bước và thở ra em có thể bước ba bước. Bước bao nhiêu bước khi thở vào và thở ra là tùy theo hơi thở dài hay ngắn của em. Cứ đi như vậy một lúc với sự có mặt của hơi thở và bước chân có ý thức sẽ giúp em làm lắng dịu cơn giận. Nhớ là đừng bỏ cuộc nửa chừng khi cơn giận chưa lắng dịu lại như trước đây em nhé.
Có hai câu chuyện mà hồi nhỏ sư cô đã được nghe kể, sư cô kể lại cho em nghe nhé. Câu chuyện thứ nhất kể về một người luôn ưa đặt câu hỏi, ngày nào cũng tới vị thiền sư hỏi đạo mà toàn hỏi về nghĩa lý cao sâu, ông hỏi mà không chịu thực tập chi hết. Vị thiền sư trả lời bao nhiêu lần nhưng ông cũng không chịu thực tập. Một hôm vị thiền sư bảo ông ta đi theo ngài và khi ra đến con sông, vị thiền sư nắm đầu ông ta và nhận xuống nước. Ông ta cố vùng vẫy để ngoi lên thở nhưng vị thiền sư giữ đầu ông ta không cho ngóc lên. Cho tới khi ông ta ngộp thở quá, vị thiền sư mới buông tay. Khi ông ta thoát chết và lên bờ, vị thiền sư hỏi ông ta: “trong lúc bị nhận chìm dưới nước thì ông nghĩ gì?” Ông ta bảo: “con chỉ mong được thở!”
Câu chuyện thứ hai kể về một người nấu khoai. Người đó nhen lửa xong và bắc nồi khoai lên nấu. Nhưng khi bắc nồi khoai lên người đó đi làm việc khác, không đun lửa liên tục. Khi quay lại thì lửa đã tắt và người đó tiếp tục nhen lửa trở lại, sau đó lại bỏ đó và đi làm việc khác. Cứ như vậy người kia nấu khoai hoài mà khoai cũng không chín. Lý do là vì người kia không chịu giữ cho lửa đỏ liên tục từ đầu cho tới khi khoai chín tới.
Thương chúc em thực tập có mặt với hơi thở liên tục và thở có hạnh phúc và biết trân quý hơi thở của chính mình.
*Em có thể đọc cuốn sách Hơi Thở Nuôi Dưỡng Và Trị Liệu của Sư Ông do thầy Chân Pháp Niệm chuyển ngữ, nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn. Em tìm nghe băng giảng với tựa đề Bốn Loại Thức Ăn cũng của Sư Ông. Sư cô khuyên em nên thực tập hơi thở cho có hạnh phúc trước. Khi em thở có hạnh phúc thì chắc chắn em sẽ chuyển hóa được tập khí thèm ăn. Đơn giản là em dừng lại và làm chủ cơn thèm ăn của em bằng cách trở về với hơi thở. Bởi em ăn chỉ để ăn, ăn để thỏa mãn cơn thèm mà không phải vì quá đói. Bởi mỗi khi ăn xong em phải tìm cách tống thức ăn đó ra khỏi bụng mà. Vì vậy sư cô tin chắc là khi thực tập thở có hạnh phúc thì em sẽ chuyển hóa được chứng thèm ăn liền. Có một điều là em muốn nghe pháp thoại và bảo có như thế thì em mới thực hành sâu sắc, nhưng chưa hẳn như vậy. Vấn đề là em có chịu thực tập hay không mà thôi, nghe và biết nhiều mà không áp dụng sự thực tập vào đời sống hằng ngày thì cũng không giúp em chuyển hóa những khó khăn mà em đang có.
“Chỉ cần một hơi thở nhẹ
Là bao phép lạ hiển bày”