Ăn cơm im lặng

Trích từ tác phẩm “Hơi thở nuôi dưỡng, Hơi thở trị liệu” – Thầy Làng Mai

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong các bữa ăn im lặng, con cảm thấy rất khó chịu. Con thấy sự thực tập này không đem lại niềm vui cho con, ngược lại nó làm cho con cảm thấy khó chịu hơn. Làm sao chúng ta có thể tiếp nhận năng lượng từ Tăng thân khi mọi người, hầu hết là những người còn rất xa lạ không có cơ hội chuyện trò, trao đổi với nhau để thiết lập mối liên hệ bạn bè cần thiết để trở thành một Tăng thân? Chúng con không phải là cộng đồng người xuất gia. Con nghĩ nên có vài bữa ăn im lặng và vài bữa ăn cho phép được nói chuyện, như vậy có lẽ thích hợp hơn cho sự thực tập đối với chúng con.

 

 

Thầy trả lời: Kính thưa quý vị, quý vị từng nói chuyện trong khi ăn đã bao nhiêu năm rồi? Nói chuyện có thể giúp ta truyền thông với nhau, nhưng không phải chỉ là cách duy nhất để thiết lập truyền thông, ngược lại nó có thể là chướng ngại cho sự truyền thông. Những nhà sản xuất máy vô tuyến truyền hình thỉnh thoảng có quảng cáo rằng: ”Chúng tôi đem mọi người lại với nhau” – nghĩa là ti vi sẽ lấy những tin tức từ nơi này, nơi khác và chiếu lên, phóng lên cho chúng ta xem, nghe. Mục đích của đài truyền hình hay đài phát thanh là phát ra những lượng thông tin, quảng cáo… Nhưng như thế không nhất thiết là truyền thông.

Có một ký giả của tờ báo Phụ Nữ ở Paris đã tới Làng Mai. Sau khi đã phỏng vấn các sư cô và một số các vị nữ thiền sinh, cô ký giả xin được phỏng vấn tôi. Cô ta hỏi về những phương pháp thực tập thực tiễn như làm thế nào để thiết lập truyền thông giữa mối liên hệ vợ chồng, cha con, mẹ con, bè bạn v.v… Trong cuộc phỏng vấn, tôi có nói với cô ta rằng: ”Những cặp vợ chồng trẻ nên tắt máy truyền hình và thay vì nhìn vào hướng ti vi, họ có thể nhìn vào nhau để thực tập lắng nghe nhau”. Sở dĩ tôi đã đề nghị như thế là vì tôi nhớ có một nhà văn người Pháp, tên là Antoine Saint Exupéry, tác giả của quyển tiểu thuyết rất nổi tiếng – Hoàng Tử Bé. Trong cuốn tiểu thuyết đó, tác giả có nói rằng: ‘‘Thương nhau không phải là chỉ ngồi đó để ngắm nhìn nhau, mà phải cùng nhìn về một hướng’’. Điều ông ta nói có thể có lý, nhưng nó không có lý nếu quý vị đều cùng nhìn vào một hướng mà hướng đó lại là hướng ti vi.

Tôi đã khuyên các đọc giả của tờ báo Phụ Nữ như thế này: Muốn thiết lập truyền thông, trước hết quý vị hãy tắt máy truyền hình đi và nhìn vào nhau thật kỹ với tất cả sự chú tâm, chánh niệm, rồi hỏi người thương của mình: ”Anh yêu quý, có phải chúng ta là một cặp vợ chồng có hạnh phúc không?” Đó là câu hỏi rất thật, rất thiết thực. Rồi quý vị hỏi tiếp: ”Nếu không, thì tại sao? Vì những nguyên do nào đã khiến chúng ta đánh mất đi hạnh phúc?” Đây là câu hỏi sinh tử có công năng giúp quý vị nhìn lại tình trạng hiện thực của quý vị. Quý vị nói tiếp: ”Chúng ta có công ăn việc làm, có nhà cao cửa rộng, có xe hơi hạng sang, có máy truyền hình…, có tất cả. Thế tại sao chúng ta vẫn không hạnh phúc? Tại sao chúng ta không cảm thấy thoải mái khi nhìn nhau? Tại sao chúng ta cứ trốn tránh nhau bằng cách nhìn vào hướng truyền hình?”

Vì vậy đây là bài thực tập đầu: Quý vị hãy tắt máy truyền hình đi, quay lại nhìn nhau và đặt câu hỏi rất thật như thế. Nếu cặp vợ chồng bỏ ra nữa giờ đồng hồ để tìm hiểu lý do tại sao họ không hạnh phúc với nhau thì sẽ khám phá ra những nguyên do đã đưa đến tình trạng không hạnh phúc của họ và cả hai bắt đầu thực tập lắng nghe nhau và cùng nhìn sâu để hiểu và để tái lập lại truyền thông, xây dựng hạnh phúc cho nhau.

Khi chúng ta cùng ăn cơm trong chánh niệm, thì đối tượng của chánh niệm lúc bấy giờ là thức ăn. Ta thiết lập truyền thông với vũ trụ, với thiên nhiên và ta nhận thấy thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác. Nếu có chánh niệm, ta tiếp xúc được với ánh nắng mặt trời, với mây, mưa, đất đá… với tất cả vạn hữu của vũ trụ. Ở Làng Mai, chùa Pháp Vân – Xóm Thượng, vào khóa tu mùa Hè, tôi thường ăn sáng với một chú thị giả tại cốc Ngồi Yên. Buổi ăn sáng của tôi có một miếng bánh mì và chén nhỏ sữa chua trộn với muối nêm. Trong khi ăn, tôi nhìn ra đồng cỏ xanh mướt ở phía trước cốc và thấy những con bò đang ăn cỏ; rồi nhìn vào chén sữa chua, bỗng nhiên tôi thấy rằng tôi giống như những con bê đang uống sữa từ bò mẹ. Tôi thấy rõ mẹ của tôi cũng là một con bò mẹ và tôi đang uống sữa của bò mẹ. Tôi thấy bò mẹ đang ăn cỏ và làm sữa chua cho tôi ăn. Nhìn vào chén sữa chua, tôi biết rằng bài pháp thoại mà tôi sắp nói được làm bằng chén sữa chua tôi đang ăn. Ăn cơm im lặng như thế là một phép thực tập giúp tôi truyền thông rất sâu sắc với sự sống và tôi không cần phải nói một lời nào.

Trong khi ăn, đối tượng thứ hai của chánh niệm là những người đang ngồi bên cạnh ta. Ta có ý thức sự có mặt của người thân, người bạn tu đang ngồi đó không? Mỗi người đều mang trong tự thân những nỗi buồn vui, sợ hãi, hy vọng, khổ đau và hạnh phúc. Người nào cũng có ước muốn tu tập để chuyển hóa khổ đau của mình và phát triển khả năng hiểu biết, thương yêu và an vui để ban phát cho người khác. Được ngồi ăn chung với những người bạn đồng tu, với các thầy, các sư cô và sư chú là một niềm vui rất lớn, là sự truyền thông rất mầu nhiệm. Không nhất thiết phải nói chuyện huyên thuyên với nhau mới gọi là truyền thông. Nếu quý vị ngồi đó và tỏa ra năng lượng bình an, vững chãi, thảnh thơi và tươi mát, thì quý vị đang hiến tặng món quà rất quý giá cho những người đang ngồi chung quanh quý vị. Nếu người kia ngồi đó và cống hiến sự có mặt đích thực của mình, tỏa chiếu được sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc, thì quý vị được thừa hưởng rất nhiều.

Sự truyền thông chân thật có thể thực hiện được trong sự im lặng. Sự im lặng có thể rất hùng tráng và nuôi dưỡng. Có khi vì nói chuyện, chúng ta không truyền thông được với nhau, vì mỗi người đều bị kẹt vào những định kiến riêng của mình, và không ai có khả năng lắng nghe ai. Tôi cam đoan rằng chỉ cần sau vài ngày thực tập, quý vị sẽ thấy công năng và sự mầu nhiệm của phép thực tập im lặng. Mới thực tập thì cảm thấy khó chịu, nhưng khi quen rồi, quý vị sẽ thấy rất dễ chịu, nuôi dưỡng và trị liệu.