Tương quan tương duyên hay tương tức

Con xin hỏi về Duyên -Nợ như sau:
Con là nữ, đã ly dị và có 1 con.
1. Có nên tin vào Duyên Nợ không ạ?
2. Làm sao để tránh tình trạng là cái gì cũng đổ cho duyên- nợ, không biết giữ gìn hạnh phúc rồi mình nói là hết duyên , mình chọn nhầm người thì lại nói là vì mình có nợ với người ta!
3. Làm sao để biết là mình có duyên nợ với người nào? Ví dụ, mình yêu một người và cứ chia tay rồi quay lại với người ta mãi, làm sao con biết đó là do con có duyên nợ với anh ta, hay là do mình yếu kém không kiểm soát được cảm xúc, chưa tu tập tốt nên khi tu tập tốt hơn một chút mình nhận ra là sự việc không đến mức phải chia tay rồi mình lại muốn sửa chữa lỗi lầm để quay lại?

 

 

Trả lời của Sư Cô Hội Nghiêm.

Chị Linh thương mến!

Đọc câu hỏi của chị quý sư cô thấy chị đã trả lời được phần nào cho câu hỏi của mình rồi. Cuộc đời là một chuỗi tương quan tương duyên. Không có một hiện hữu nào tự nó có được. Một bông hoa, không thể tự nó mà hình thành. Hoa phải nhờ những yếu tố khác như đất, nước, hạt giống, phân bón, người làm vườn…mới hình thành.  Mình cũng vậy, cũng do nhiều yếu tố kết hợp, như cha mẹ, thức ăn, nước uống, môi trường, xã hội… Hạnh phúc và khổ đau cũng như thế, cũng do nhiều yếu tố tạo thành. Những yếu tố tương quan tương duyên đó dân gian gọi nôm na là duyên nợ, những gì đem lại hạnh phúc cho mình thì gọi là duyên, những gì đem lại khổ đau thì gọi là nợ. Trong Đạo Bụt gọi đó là tương quan tương duyên hay tương tức.
Cũng cùng một người nhưng khi thương mình gọi là mình có duyên với người đó. Rồi cũng người ấy, cũng tình thương ấy nhưng mình không biết trân quý và tưới tẩm để cho tình thương lớn lên rồi khổ đau, mình gọi là mình có nợ với người ấy thì vô lý và mâu thuẫn quá phải không? Mình đâu chọn nhầm người, mình đâu cưới người mình ghét, mình cưới người mình thương mà. Chỉ do mình không biết nuôi dưỡng thôi. Nếu nhìn sâu vào những khổ đau và hạnh phúc của mình, mình sẽ thấy được nguyên nhân và gốc rễ sâu xa của nó. Khi thấy được nguyên nhân và gốc rễ rồi, mình sẽ làm mới trở lại để nuôi lấy hạnh phúc của mình mà không còn đổ lỗi cho duyên nợ nữa.
Nếu nhìn sâu thêm một tí mình có thể thấy được rằng khuynh hướng đổ lỗi cũng là một tập khí của mình. Trong mối quan hệ giữa mình với người kia, có lúc mình giận hờn, khổ đau, mình cứ nghĩ là người kia có lỗi với mình, người kia đã gây nên những nỗi khổ đau cho mình nên mình không chấp nhận được người kia và làm cho sự truyền thông trở nên bế tắc.

Khổ đau từ đó mà leo thang. Mình không nhìn lại để thấy rằng có thể mình đã đóng góp một phần nào đó trong nỗi khổ và cơn giận của người kia nên người kia đã hành xử, nói năng như vậy. Có thể mình không cảm thông đủ, có thể mình không đủ niềm vui và hạnh phúc để hiến tặng cho người kia, có thể mình không tưới tẩm những hạt giống tốt trong người kia, mà chỉ có than phiền và trách móc. Hoặc trong mình còn có những tính nóng nảy dễ bực bội cáu gắt, không dễ dàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của người khác. Mình đã không nói những lời nói nhẹ nhàng ái ngữ, không hành xử khéo léo v.v…
Khổ đau hay hạnh phúc đều mang tính hữu cơ, nghĩa là có thể chuyển đổi được. Hạnh phúc nếu không khéo gìn giữ thì một ngày nào đó sẽ mất, sẽ trở nên khó khăn và khổ đau. Khổ đau nếu biết tu tập chuyển hóa thì sẽ thương yêu nhau hơn, từ đó sẽ hạnh phúc hơn. Cho nên khổ đau hay hạnh phúc là do mình, do mình quyết định. Mình có đổ lỗi cho người kia, cho hoàn cảnh, môi trường, con cái… thì đó cũng là tập khí của mình. Sự thực tập là luôn luôn trở về để nhìn lại chính mình. Có thể mình không trân quý đủ người thương của mình, mình không trân quý đủ những gì mình đang có. (Những gì mình không có hoặc chưa có thì mình ruỗi rong tìm kiếm, khi có rồi thì mình lại không biết trân quý, đợi đến khi tuột khỏi tầm tay mới thấy tiếc nuối và ân hận.)
Nếu mình không thay đổi những tập khí của mình thì cho dù có cưới bao nhiêu người đi nữa mình cũng khổ đau. Vì vậy, với sự thực tập là mình luôn luôn trở về với giây phút hiện tại, nhận diện và trân quý những gì mình đang có để nuôi lớn hạnh phúc, và đồng thời chuyển hóa những tập khí trong mình.
Nếu chị có cảm hứng thực tập thì đây là những tài liệu mà chị có thể tham khảo thêm để giúp cho sự thực tập của mình ngày một tươi vui và hạnh phúc hơn: cuốn Sống chung an lạc,Thương  yêu theo phương pháp Bụt dạy.
Chúc chị có nhiều niềm vui trong sự thực tập và cuộc sống. Mong chị tìm lại được hạnh phúc với những gì mình đang có.
Xin gởi theo một chút năng lượng lành và bình an từ Làng đến cho chị.

Thương mến.

 

Trả lời của Thầy Pháp Toại

Thưa chị ! Thầy xin chia sẽ câu hỏi về duyên nợ đối với cách chị hiểu và suy nghĩ có nên tin vào duyên nợ hay không? Làm sao biết  được mình có duyên với người này và có nợ với người kia? Duyên nợ chỉ là cách dùng từ của nhiều người thường sử dụng. Nếu chị không thích dùng từ duyên nợ thì chị dùng từ nhân quả, luân hồi, hay từ duyên nghiệp nó điều giống nhau . Chúng điều có nghĩa diễn tả một nội dung là khởi đầu một hành động và đi đến một kết quả. Có nghĩa là Nhân( Duyên ) còn Quả (Nợ). Nếu cái nhân tốt thì kết quả là tốt, còn cái nhân xấu hy vọng quả khó đem lại tốt đẹp, thường thường là nó như vậy. Nhưng đối với Đạo Phật thì bất cứ cái gì cũng thay đổi được bởi vì có đạo lý Vô thường, Vô ngã, Tương Tức …. Và còn phù thuộc vào nhiều nhân nhiều duyên khác  tác động qua lại.Ví dụ, chị có nhiều hạt giống tốt mà không thường xuyên tưới tẩm chăm sóc thì làm sao có kết quả hoa trái tốt đẹp. Đồng thời chị chăm sóc  nhưng còn phụ thuộc theo thời tiết, môi trường , kỷ thuật … những điều kiện bên ngoài yểm trợ nữa.
Bây giờ chị hỏi đâu là nhân duyên tốt, đâu là nhân duyên xấu ? Cái này không phải chị tìm hiểu rồi chọn người này hay người kia ?  Tùy thuộc vào khả năng tu tập của chị mà cho chúng ra một nhân duyên tốt hay xấu . Chúng ta “đến” hay “đi” , hoặc vạn vật sinh ra trong vũ trụ đều tùy thuộc vào nhiều nhân nhiều duyên, không tự thể nó có mà cho mình chọn, không có thượng đế nào sắp đặt sẵn ,hoặc có một cái  này sinh ra một cái kia. Nếu  nghĩ,chị có mặt trên cuộc đời này  chỉ do có bố mẹ sinh ra , nghĩ như vậy  là trái với giáo lý của Bụt “ Vô Ngã”. Chị ra đời là cả vũ trụ này cùng góp mặt với vô vàn điều kiện như nước, gió , lửa, đất, cây cỏ …Chỉ có khả năng tu mới làm chuyển hóa được cái tốt hay cái xấu mà thôi.
Đòi hỏi ở khả năng tu tập của chị, giúp cho chị tránh thoát được khổ đau mà chế tác được hạnh phúc. Khi có chánh niệm  sẽ có chánh định và trí tuệ thoát được phiền não và khổ đau đang có trong thân và tâm chị. Cởi trói được ảo tưởng, tri giác sai lầm, trói buộc …vượt qua những đam mê, hệ lụy, vướng bận . Tu thì có thực tập pháp môn, có học hỏi kinh điển, có thực tập thường xuyên các pháp môn của Bụt như  niệm(đặt hết tâm ý vào) hơi thở, bước chân, ăn cơm, nói chuyện, tiếp xúc… chế tác năng lượng chánh niêm, hỷ lạc ….Làm cho những con ma phiền não trong tâm không có cơ hội quấy nhiễu làm phiền chị.
Xin được hỏi chị, chị cũng có những khổ đau mà cũng có những hạnh phúc được nhận từ người thương của mình chứ ? Nếu người kia mà xấu hoàn toàn làm sao trước kia chị thương được.  Chị thực tập lấy cây bút viết xuống những điểm dễ thương và những điểm chưa dễ thương của anh ta( Nếu chị còn muốn thực tập thương). Không phải ly dị là cắt đứt hết phiền não đâu.Phiền não là một khối  đá kiên cố đóng khung lại trong người chị mà chị không cho người thương mình biết “sống để dạ chết mang theo” Viết một lá thư tình thật là trân trọng như là hồi mới yêu nhau vậy đó. Hồi mới yêu nhau tại sao thấy cái gì cũng đẹp, rồi thề non hẹn nước …bây giờ những lời đó nó còn trong tim chị và anh không ? Hay là bây giờ đã trở thành  băng giá, gặp nhau không có một chút cảm xúc thân thiện mà thấy toàn khổ đau. Lỗi là do cả hai người phải không? Nếu chị thưc tập giỏi hơn thì nên viết ra một lá thư nói những cái lỗi của mình nữa và mong người kia tha thứ . Đây gọi là phương pháp làm mới chắc chị có nghe phap thoại của sư ông nhiều và đã nghe dạy về điều này. Cái tốt hay xấu đến với mình bắt đầu từ chính bản thân, cách nhìn của mình trước rồi mới ra thế giới bên ngoài gọi là “ Nhất thiết duy tâm tạo” .

Đối với đạo bụt không có cái nhìn bế tắc, không có sai lầm nào mà không sửa được, chỉ  là có chịu thay đổi mình hay không và thay đổi cách nhìn của mình hay không? Hơn nữa chị có tâm đòi hỏi quá mức. Mới tu mà đòi hết phiền não liền  và đòi người kia cũng vậy. Đây là một ảo tưởng. Khi tu tập có nhiệm vụ chuyển rác thành hoa. Rác  ở trong hoa , hoa có trong rác. Chúng ta tu không phải lấy rác ra khỏi hoa . Mình biết rác cũng là hoa nếu như  biết chuyển hóa. Đây là một công trình công phu như bao công trình khác. Ví dụ chi chăm đứa con từ nhỏ lớn lên trưởng thành trở thành một con người có ích cũng trải qua nhiều gian nan ngày đêm cần mẫn lắm phải không? Không dể tý nào  và việc trao cho em một hướng sống có đạo đức, có hạnh phúc  càng khó hơn. Có tu mới trao truyền chất liệu sống này được.Đâu phải giáo dục theo một khuôn phép bắt người kia làm theo và thước mực đã quy định sẵn. Chúng ta hiểu rằng! không có con đường đi đến duyên nợ mà duyên nợ chính là con đường. Cũng giống như câu “ Không có con đường đi đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính con đường”. Giáo dục được biểu hiện qua đời sống hạnh phúc của chị. Bây giờ chi ly dị vô tình chị đã tưới hạt giống ly dị nơi đưa con rồi. Sau này đứa con lớn lên làm giống hệt như chị. Và chị đừng trách con , do  mình đã tưới hạt giống khổ đau này rồi.

Bây giờ chị làm lại bằng cách nhìn chữ “Duyên nợ” theo chiều hướng tốt, tưới tẩm hạt giống lành. Chi có khả năng đi ra khổ đau. Trao truyền cho người con hạt giống yêu thương nơi bố mẹ. Tùy theo nhân duyên chuyển hướng tốt, có kết quả tốt . Trong mỗi con người sâu thẳm ai cũng có lòng từ bi khéo chăm sóc và tưới tẩm. Đây là nghệ thuật của cuộc sống.Chúc chị định hướng, xác định nên thực tập cái gì và không nên tiếp tục hành xử tưới tẩm hạt giống khổ đau nơi thân, tâm nữa.Chúc chi thành công trên công trình xây dựng yêu thương.

Thầy Pháp Toại