Hôn nhân dị giáo

Con kính chào Sư Ông và ban biên tập!
Con có đọc bài ‘’Đừng bỏ gốc rễ, đừng bắt người khác bỏ gốc rễ’’. Con có một hoàn cảnh rất đau lòng con xin kể ra đây rất mong nhận được sự cảm thông.
Gia đình con theo đạo Phật, vợ con theo đạo Công Giáo. Chúng con đã ly thân hai năm rồi và sắp tới sẽ ly dị. Con bước đi bỏ lại nhà cửa và tất cả chỉ mang theo quần áo. Thật sự là đau lòng lắm, ngậm ngùi rơi nước mắt khi phải xa ba đứa con nhưng con không thể sống được nữa. Con biết có rất nhiều người cũng trong hoàn cảnh như con. Con tôn trọng tự do tôn giáo của vợ con nhưng vợ con chỉ vì quá tin, ép người khác phải nghe theo một cách tuyệt đối rồi vô tình lấn áp bạn đời nhiều năm mà không hay biết. Ai là người muốn hơn thua gây nên cảnh chia ly này?
Con muốn treo một bức tranh sơn mài Phật Bà Quan Âm trong phòng khách cũng không được. Vợ con nói như vậy là chống lại đạo, gia đình này là gia đình Công Giáo. Bao nhiêu năm con sống uất nghẹn không nói được nên lời. Cố gắng vì mấy đứa con mà cắn răng chịu đựng. Có gì đâu mà phải hơn thua tranh giành. Đi làm kiếm tiền về nuôi gia đình đã thấm mệt còn phải nghe nói đúng nói sai về hết người này tới người kia. Phải xa các con ai chẳng đau đớn, nhưng biết làm sao? Thôi thì kiếm một nơi yên tĩnh mà sống cho lòng thanh thản.
Rất mong nhận được sự chia sẻ của Ban Biên Tập.
______________________
Sư cô Túc Nghiêm chia sẻ.
Chào bạn,
Trước hết chúng tôi rất cám ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ hoàn cảnh của gia đình bạn cho chúng tôi. Chúng tôi cảm và hiểu được nỗi nghẹn ngào của bạn. Chúng tôi đang thở những hơi thở bình an gửi đến cho bạn đây. Xin bạn dành vài phút làm theo lời chỉ dẫn sau đây để cho thân tâm được lắng dịu
1/ Thở vào, ý thức được tôi đang thở vào
Thở ra, ý thức được tôi đang thở ra    
Xin bạn chú tâm hoàn toàn vào hơi thở và buông thư toàn thân. Giữ lưng cho thẳng mà không cứng, cũng không co rúm, buông xuống tất cả mọi phiền muộn, lo lắng chỉ ngồi thật yên theo dõi hơi thở vào và ra thôi. Để hơi thở tự nhiên không gò ép cho nó dài hay ngắn. Bạn làm như vậy chừng 5 phút đi bạn sẽ thấy khoẻ ngay.
Bài kế tiếp (duy trì nụ cười nhẹ trên môi, buông thư các bắp thịt trên gương mặt ):
2/ Thở vào, hơi thở vào trở nên êm dịu như một luồng khí mát đang đi vào cơ thể tôi
Thở ra, mọi nặng nề, âu lo, sự uất nghẹn dồn nén lâu nay được trút hết theo hơi thở ra.
Cũng tiếp theo bài đầu thôi. Những hơi thở vào kế tiếp này trở nên êm dịu hơn. Bạn cảm thấy được những hơi thở vào như một luồng khí mát đang đi vào cơ thể bạn. Khi thở ra, bạn tác ý mọi nặng nề mệt mỏi từ bao lâu nay được theo hơi thở ra hết. Bạn làm bài này chừng 5 phút đi. Nếu thấy nên kéo dài thêm để bạn thật sự nhẹ nhàng hơn thì thực tập tiếp cho đến khi nào muốn sang bài tập kế tiếp. Bạn không cần phải đọc nguyên văn như vậy đâu. Chỉ cần lấy ý và cảm được khi hơi thở vào bạn thấy được luồng khí mát đang vào cơ thể, vậy là đủ rồi. Khi hơi thở ra bạn cảm được những nặng nề lo âu uất nghẹn được theo hơi thở ra và ra hết.
Vào – luồng khí mát đang vào
Ra – mệt mỏi, buồn bực, lo âu, nặng nề ra hết  
Bài kế tiếp (duy trì nụ cười nhẹ trên môi, buông thư các bắp thịt trên gương mặt ):
3/ Thở vào, tôi trở nên tươi mát———— Thở ra, tôi cảm thấy nhẹ nhàng
4/ Thở vào, tôi cảm thấy được lắng dịu ————– Thở ra, niềm an lạc phát sinh
5/ Thở vào, tôi nếm được chất liệu bình an ———– Thở ra, tôi cảm thấy an toàn
6/ Thở vào,  tôi phục hồi được sự tự do của tôi ——– Thở ra, tôi có niềm tin nơi gốc rễ bình an của tôi
7/ Thở vào, tôi rất thương các con tôi –
Thở ra, tôi mỉm cười và gởi đến các con tôi tình thương và sự bình an của tôi
Bạn mến!  Đến đây tâm bạn đã phần nào được bình an và con người thật của bạn phần nào được hiển lộ cội nguồn của tự do, an lạc và hạnh phúc rồi. Bạn thấy không, trong mỗi chúng ta, con đường tìm về tâm linh của mỗi người rất thênh thang và rộng mở. Nhu yếu đó là lẽ tất nhiên trong mỗi người. Đọc thư bạn chúng tôi cảm được tâm bạn hoài vọng về con đường ấy mạnh lắm. Niềm tin ấy, nguồn hướng thượng ấy sẽ dẫn dắt chúng ta trở về con người đích thực của mình. Tuy nhiên tuỳ duyên mà chúng ta gặp được tôn giáo nào và lời dạy nào mà thôi. Và cũng tùy căn cơ mà chúng ta lĩnh hội lời dạy ấy ra sao biểu hiện qua cách hành trì của chúng ta như thế nào mà thôi. Giống như bạn thích xây dựng, tính toán, kiến trúc, nhưng con của bạn lại thích làm bác sĩ khám bệnh cho người, hay thích viết văn chẳng hạn. Rồi tuỳ ý thích đó mà sẽ đến học các trường chuyên khác nhau cho thoả mãn hoài bão của mình. Nhưng nếu bạn là người rất thích xây dựng, và cũng rất thích viết văn thì đương nhiên bạn nghiên cứu cả 2 ngành. Lúc đó bạn là người giàu có lắm phải không. Cũng vậy nếu có thể thì hai tôn giáo song song trong một gia đình thì cũng là giàu có. Và nếu có thể và có chí thì chúng ta có thể học hỏi được nhiều từ hai tôn giáo. Chúng ta có thể triển khai lời dạy của tôn giáo này qua cách hành trì của tôn giáo kia. Ví dụ như cách thực tập ở Làng Mai dành cho những người có tín ngưỡng Cơ đốc giáo: Bạn không phải đợi đến khi tắt thở mới được sinh lên nước Chúa hay song song với điều dạy đó trong đạo Phật là : bạn không phải đợi đến khi tắt thở mới sinh về cõi Tịnh Độ. Cách hành trì là: Cõi Tịnh độ hay nước Chúa là hiện đang có mặt ngay bây giờ và ở đây, nghĩa là chúng ta có thể rất đang sống và đang có mặt tại cõi Tịnh độ ngay bây giờ rồi. Và cũng như vậy chúng ta có thể rất đang sống và đang có mặt tại nước Chúa rồi. Vì nước Chúa hay cõi Tịnh độ đều là nơi mát mẻ, không nóng bức, con người không bị kiềm kẹp bởi tham đắm, giận hờn, ganh ghét, ngu muội, lên án lẫn nhau, chém giết lẫn nhau…. Ở nơi đó con người được  học hỏi để tìm về cuộc sống chân thật của mình, học hỏi để thoát khỏi  những tâm hành tham đắm, giận hờn, ganh tỵ , hận thù, bạo động, bất an, nghi ngờ ….trong chính bản thân, con người được có thời gian tiếp xúc với sự sống cỏ, cây , hoa lá, trời mây, non nước, ao hồ, ruộng vườn, rau trái, đất đai …., có thời gian ngắm được những tâm hành đến đi làm cho bản thân điêu đứng, bất an, rong ruổi trong khi đó lại xa rời những mầu nhiệm của trong thân và trong tâm mình. Không thấy rằng tấm thân này có được là cả một sự đầu tư của vũ trụ, không thấy được có mắt sáng là cả một ân huệ lớn cuộc đời dành cho chúng ta …. Con người có khả năng dừng lại được chứ không hẳn luôn là nạn nhân của rong ruổi về quá khứ hay tương lai. Con người có khả năng sống hạnh phúc ngay những gì mình có trong hiện tại. Con người có khả năng hiểu được, tha thứ được, bao dung được từ những gì ban đầu mình nghĩ là mình không có khả năng, không thể chấp nhận được… Nhưng để làm được điều đó thì trước tiên phải thật sự là chính mình. Nghĩa là người có thể làm chủ được và thay đổi được chính những tâm hành của mình, chính những nhận thức của mình, chính những khổ đau của mình mà lâu nay làm cho mình bị bế tắc …. Tâm hồn theo đó mà càng lúc càng hiểu thấu bản chất của khổ đau và không lặp lại vết xe cũ cho bản thân và cho người khác. Nơi ấy không Tịnh là gì nữa? Nơi ấy là nơi của tình thương, vậy không phải là nước Chúa thì còn là gì nữa? Vâng, nơi ấy là nơi của Chúa, của Phật, của mẹ Quán Thế Âm, của từ bi có mặt. Chúng ta có khả năng làm hiển lộ quí ngài từ bản thân rất bình thường của chúng ta. Cái quan trọng, điều cốt yếu là chúng ta hành trì tu tập như thế nào để chất Thánh càng được lộ diện rõ nét trong mỗi hành xử và cách sống của chúng ta, mỗi cái nhìn, mỗi suy nghĩ phải dần dần đi về hướng Thánh ấy.
Bạn mến! Bạn sống ở đâu cũng được. Chung hay riêng cũng được, miễn sao, tâm bạn tràn đầy niềm vui, tình thương, lòng tha thứ, bình an, rộng mở. Hay nói khác hơn là thân và tâm bạn đang ở cõi Thanh Tịnh. Đó là điều quan trọng mà bạn biểu lộ được tình thương cho con cái bạn. Bạn sẽ hỏi lại chúng tôi: dường như đó không phải là thực tế?  Bạn Tài mến! Bạn có biết “Một tâm niệm an lành – làm rạng ngời mặt đất” không? Con đường tâm linh nhìn vi tế như vậy nhưng nó có thể đem đến hoà bình cho con người và thiên nhiên đó.  Hay một tâm niệm tham lam thôi, chỉ một niệm muốn chiếm hữu cái gì đó thôi là có thể gây ra chiến tranh cả ngàn năm mà, lịch sử Việt nam đã có kinh nghiệm đau thương đó mà, phải không bạn? Một tâm niệm bất chính thôi cũng có thể làm tan nát gia đình người ta và cả cuộc đời mình mà, phải không bạn?  Cho nên bạn an lành thì con cái bạn an lành. Bạn vui, thì con cái bạn vui. Bạn bao dung, rộng mở, con cái bạn sẽ được chở che, bình an, an toàn. Cho nên khả năng làm Phật bà Quan Âm cho chính bản thân là điều bạn có thể làm được mà không cần phải treo hình và chỉ có tín ngưỡng suông. Công hạnh của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm là lắng nghe được nỗi khổ của con người và muôn loài. Chỉ cần lắng nghe thôi Ngài có thể giảm bớt khổ đau của con người và của muôn loại.  Trong tâm hồn của mỗi người chúng ta đều có khả năng lắng nghe nỗi khổ niềm đau của chính bản thân cũng như của người khác, nếu chúng ta muốn làm đức Quán Thế Âm.  Bạn học hỏi đạo từ kinh sách và đem áp dụng trong cuộc sống gia đình thì cũng không có gì là khó đâu. Chẳng hạn bạn thực tập ngồi thiền, theo dõi hơi thở như những bài chỉ dẫn ở trên, thì đâu có gì là khó đâu? Tâm bạn rất bình an, bạn rất an lạc, có niềm hạnh phúc do hành thiền mang lại, hay do bạn có đức tin rất lớn từ trí tuệ, lòng từ bi của Phật, của Chúa và các vị Bồ Tát. Tất cả điều đó đang diễn biến trong tâm bạn. Ai quấy rầy bạn được đâu? Khi có bình yên, an lạc rồi, có hướng đi rồi, thì lời nói của bạn, hành xử của bạn, cử chỉ của bạn, tình thương của bạn sẽ tự biểu hiện đến những người trong gia đình thôi. Và chắc chắn bạn sẽ là nơi nương tựa cho con cái và gia đình bạn. Nếu bạn chưa hiểu đạo Chúa lắm, thì đọc thêm sách. Và nếu muốn học hỏi thêm Đạo Phật để hành trì thì bạn cũng có thể đọc từ Kinh, từ sách. Không lẽ bạn không có quyền đọc sách hay sao? Khi bạn bình an thì tự nhiên mọi việc sẽ thay đổi thôi, vì bây giờ bạn đã có cái nhìn rất khác về hiện trạng và có khả năng chuyển đổi được tình trạng. Hay chấp nhận được tình trạng mà không đau khổ. Vì đã có cái nhìn mới rồi.  

Bạn mến! Chúng tôi rất có niềm tin nơi bạn. Vì bạn đang nuôi một niềm tin rất lớn nơi con đường tâm linh. Đó là cả một nguồn năng lượng lành mà Chư vị đã tìm ra vì thương thân phận con người, muôn loài và thương cả cuộc đời. Chúng ta hậu sinh không được gặp các Ngài nhưng năng lượng lành luôn có mặt đó và bảo hộ cho chúng ta, nếu chúng ta có đức tin, nếu chúng ta đang trên con đường thực hiện những gì các Ngài chỉ dẫn cho chúng ta.
Đó là vài lời tâm tình của chúng tôi đến bạn. Kính chúc bạn, và gia đình có nhiều an vui. Hy vọng mọi chuyện tốt đẹp đến với gia đình. Chúng tôi xin được chia sẻ niềm thông cảm với bạn.