Con tủi thân và cay đắng quá

Hỏi:

Sư Ông ơi!
Con đã xem nhiều phim và truyện về bạo lực, trả thù, chém giết, chết chóc, làm cho tâm hồn mình trở nên sắt đá lạnh lùng. Con đã tự nhủ rằng sẽ xuống tay hạ thủ bất kỳ ai dám động đến mình. Còn bây giờ, là nỗi ám ảnh về những điều đó. Con sợ mình sẽ là nạn nhân.

Lúc còn nhỏ con đã không thích đi ra ngoài, không muốn tiếp xúc với ai. Vì cái mặt của con rất khó ưa. Không ai muốn trông thấy con. Cả mẹ cũng thế. Mỗi lần thấy bóng con là mẹ cầm chổi, cầm roi quất vào con. Mẹ đánh bầm mắt con, mẹ đánh vào lưng vào chân tay con đau điếng. Mẹ ném gạch đá cây gậy vào con. Mẹ bảo con không được đụng đến đầu của em, không đánh em nhưng sao mẹ lại đánh vào đầu con. Tủi thân. Vì bạn bè thì có một người mẹ thật tuyệt… Cả nhà chỉ có mỗi đứa em là con của mẹ thôi. Còn con thì bỏ xó. Con đã khóc rất nhiều. Mẹ giấu con trong nhà mỗi khi có người đến. Đi học, bài vở, đó là niềm vui sống duy nhất của con lúc đó. Được thầy cô phát quà thưởng mẹ cũng chẳng bận tâm…

Mẹ bảo rằng: mày là một tên đầu trộm đuôi cướp, đồ ăn cắp, đồ ma quỷ, đi ăn mày mà sống đi… Đúng là con có chôm đồ của người, những món đồ chơi, cục kẹo. Nhưng sao mẹ lại nói thế với con. Mẹ đuổi cổ con khỏi nhà. Lúc đầu con sợ lắm, nhưng rồi cũng quen dần. Con đã làm bạn với bóng tối. Con không muốn khóc nữa, như vậy đã quá đủ rồi. Con không nghe lời ai nữa. Bắt đầu quậy phá, chống đối kịch liệt. Sát hại không thương tiếc bất cứ sinh vật nào làm chướng mắt. Trong lòng con rất ác cảm người mẹ ấy. Điều tệ hại là con đã khoét lủng đôi mắt của một Bồ Tát và con vật của ngài trong một bức họa và còn xé tấm ảnh ấy tan tành.

Sư cô bảo là năng lượng của Sư Ông sẽ che chở cho con nhưng con ở cách xa Sư Ông như thế thì năng lượng đó có đến tới không hở cô!
Con biết là tội của con đã lớn như núi rồi. Con chỉ không muốn cái núi đó phình to thêm nữa.




Sư Ông ơi,
Trong lúc nóng giận con đã cắn vào tay mẹ để chạy trốn khỏi cây roi vì mẹ giữ con lại. Một lần con chạy trốn ra ngoài nhưng mẹ đã đuổi theo và la to lên: ăn trộm, bắt lấy nó, ăn trộm. Lúc ấy cái đầu con rất cứng và lì. Mẹ muốn đánh con cho hả giận nhưng con đã thoát mất rồi nên mẹ mới tức mà la lên như thế. Con không chôm chỉa gì cả mà cũng không muốn bị ăn đòn. Con đã phá hỏng nhiều vật dụng trong nhà và đã phát ra những lời dung tục thô lỗ cộc cằn với mẹ và còn lấy trộm tiền của mẹ, số tiền không lớn, để mua quà vặt. Con không cố ý đánh em. Chỉ tại đuôi cán dài quá mà con không thấy em ở phía sau nên mới quơ trúng. Bố mẹ không cho con nói, sau đó con đã đánh em thiệt luôn và cạch không chơi với nó nữa.

Con đang tạm trú ở thành phố Hồ Chí Minh và học Đại Học. Bố mẹ vẫn chi phí cho con. Cả bố và mẹ đều là teachers. Nhưng mẹ đã quá đàn áp con, không thể tiêu hóa nổi nữa và con trở nên lì lợm khó bảo như thế này… Mẹ xem con là thủ phạm của mọi việc. Cả cái kéo cây bút của mẹ bị lạc, mẹ cũng kiếm con để đập…

Con đã khóc một mình, nếm thử nước mắt của mình nó mặn và chát như thế nào. Con đã không nói chuyện này với ai. Từ đó mỗi lần sắp khóc là con đã tự cấm mình không được rơi nước mắt nữa. Khóc chẳng để làm gì cả. Nước ấy đã tự khô dần mà không còn nhỏ thành giọt. Nhưng khi ngủ đến nửa khuya thức dậy thì hai mắt và gối đã ướt sũng… Con nghĩ là mình còn may vì đã không hành động ngu ngốc mà bỏ học nửa chừng, không đi bụi cho rồi (lúc còn nhỏ). Rằng mình phải sống, phải tồn tại cho được bằng mọi cách, vì vậy cần phải cố công mà học với bất cứ giá nào. Có cái học rồi thì muốn làm gì cũng được, không ai có thể cản trở. Và kết quả cũng không tồi. Nhưng chính việc học đã cứu con. Ít ra thì không phải trở thành một tên máu lạnh, không phải động đến đao mác súng ống và nhiều loại khác nữa.

Sư Ông ơi, vì sao con lại phải sống xa nhà như thế này, vì sao phải xa những người mà con thương nhớ, những người mà con muốn ngày nào cũng được gặp họ. Sao tất cả lại không ở cùng một chỗ để con có thể thấy hết mọi người? Sao lại mỗi người mỗi nơi vậy. Con không có động lực nào để tiếp tục làm việc. Con chán nản quá rồi.

Sư Cô Đoan Nghiêm chia sẻ:

Cô xin cảm ơn em đã viết thư cho Sư Ông. Qua lá thư của em, cũng như của nhiều người trẻ khác, Sư Ông thấy và biết rất rõ có rất nhiều người trẻ hiện nay trên thế giới rất cần một hướng đi tâm linh, một lối thoát cho cuộc sống đang bế tắc của mình. Sư Ông kể có nhiều người trẻ vì áp lực xã hội, vì không có bạn lành thầy giỏi, và không có một môi trường lành mạnh mà họ đã phải tìm biện pháp tự tử để giải quyết tất cả các khó khăn. Sư Ông rất thương những người trẻ, thương nhất là những người trẻ thiếu may mắn trong cuộc đời như em chẳng hạn. Năng lượng thương yêu của Sư Ông lúc nào cũng tỏ rạng và tỏa chiếu khắp nơi. Từ khi cô được sống dưới sự chở che và dạy dỗ của Người, cô được thấy và được biết Sư Ông đã cố gắng bằng nhiều cách để thắp sáng năng lượng thương yêu và hiểu biết tới mọi nơi (như giảng dạy, viết sách, thành lập những chương trình từ thiện, biến kinh thành nhạc, tạo dựng những trung tâm tu học, và xây dựng những tăng thân tu học có tình huynh đệ).

Em có thấy thương Sư Ông không? Nếu có, năng lượng thương yêu của Người đã chạm tới em rồi đó. Em hãy bắt đầu thực tập học thương những gì đẹp, những gì lành và thật từ con người của Sư Ông nha em. Em hãy cố gắng tìm những quyển sách, những đĩa nhạc kinh của Sư Ông để thực sự tiếp xúc với những gì đẹp, lành và thật em nhé. Cô biết chắc em sẽ được chuyển hóa, vì Bụt có dạy rằng khi ta thắp sáng thương yêu ở trong ta thì ta có khả năng dập tắt được lửa hận thù không phải chỉ ở trong ta mà ta còn có khả năng giúp người độ đời nữa em ạ.

 

 
Em chỉ cần hướng đến Sư Ông, nghĩ tới tình thương của Sư Ông dành cho mọi người, nghĩ tới sự không ngại đường xa, tuổi cao, lòng kiên trì của Sư Ông… thì Sư Ông đã có mặt ngay đó với em rồi, đâu có xa gì đâu. Em hãy mời Sư Ông có mặt với em trong từng giây phút của cuộc sống hằng ngày bằng cách học nói những lời thương yêu như Sư Ông nói, hãy học ăn với lòng biết ơn muôn loài như Sư Ông ăn, hãy học nâng tách trà bằng hai tay với tất cả sự trân quý như Sư Ông đã làm, hãy học đi từng bước với ý thức là mình đang bước từng bước ý thức như Sư Ông bước, hãy học tiếp xúc với những mầu nhiệm xung quanh mình như Sư Ông đã sống mỗi giây phút của cuộc đời mình rất chánh niệm… Em hãy học sống như Sư Ông vậy, bắt đầu từ hôm nay, thì khi thương yêu và hiểu biết bắt đầu sống lại ở trong em là lúc em sẽ cảm nhận được sự chở che và nâng đỡ của Người. Em phải tự mình chứng nghiệm để tăng trưởng niềm tin trong mình.

Nói về tội lỗi, hôm nay cô xin kể một câu chuyện có thật thời Bụt còn tại thế. Bụt có một vị đệ tử tên là Angulimala. Trước khi xuất gia, Angulimala là một tên giết người không gớm tay. Sau khi giết nạn nhân của mình xong, Angulimala lấy kiếm chặt đứt một ngón tay rồi xỏ thành một xâu chuỗi để đeo. Nghe đến tên Angulimala là ai nấy đều khiếp đảm. Những nẻo đường hẻo lánh càng không ai dám đi lại. Nhà vua đã sai từng đoàn từng đoàn quân lính đi vây bắt, nhưng rất khó tìm bắt được. Hôm đó, như mọi lần, Bụt đi khất thực (đi đến từng nhà xin ăn). Và Angulimala đã thấy Bụt từ xa. Angulimala gọi Bụt đứng lại. Nhưng Bụt không sợ, Bụt vẫn tiếp tục đi ung dung vững chãi, bước đi của một con voi chúa. Khi tới gần Bụt, Angulimala hỏi Bụt sao không đứng lại. Bình thản, nhẹ nhàng và từ bi, Bụt nói Người đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có Angulimala là chưa đứng lại thôi. Angulimala sửng sốt ngạc nhiên. Bụt nói tiếp là Người đã từ lâu dừng lại những hành động gây khổ đau cho người khác, và Người đã học được những phương pháp đem lại thương yêu và hiểu biết…

Từng lời nói của Bụt như những giọt cam lộ rưới lên mảnh đất tâm khô cằn (thiếu) thương yêu và hiểu biết của Angulimala. Sau khi Bụt nói xong, thì Angulimala đã buông đao xuống từ lâu, và Angulimala quỳ xuống xin Bụt cho xuất gia theo Ngài. Khi Angulimla xuất gia, Ngài có tên là Bất hại (không hại ai). Khi xuất gia xong, thì Ngài cũng phải đi khất thực như thầy bổn sư và huynh đệ của mình. Nhưng với quá khứ của Ngài, những người có thân nhân bị Ngài giết, khi thấy Ngài, thay vì họ cúng dường thức ăn cho Ngài, thì họ dùng gậy đánh đập lên người Ngài, lấy đá ném vào Ngài. Nhưng Ngài một lòng đứng yên tiếp nhận niềm đau và nỗi khổ của những người đó qua cái đánh đập và ném đá mà không một lời than trách và tránh né, tại vì Ngài hiểu vì sao họ hành xử như vậy đối với Ngài. Không có lần nào về lại tu viện cùng thọ trai chung với Bụt và chư tăng mà trên mình Ngài không thương tích. Tu không lâu, Ngài Bất Hại chứng quả thánh. Từ một tên giết người Ngài đã trở thành một bậc thánh, chỉ trong một kiếp người.

Em thấy không, nguồn gốc của tội lỗi phát xuất từ lòng người, nhưng tội lỗi được tiêu trừ cũng từ lòng người mà ra.

 

 
Từ tấm bé, em không được thương, không được hiểu, lại còn bị đánh đập, nên khi lớn lên em căm thù, em hận, em tàn phá, em gây tội lỗi… Em nào có muốn đâu, phải không em? Kinh nghiệm bản thân, cô biết chắc không ai muốn mình làm con người tàn ác, khó thương cả. Nếu có sự chọn lựa, ai cũng sẽ chọn cho mình làm con người thánh thiện. Cô nghĩ mẹ em cũng vậy. Có thể bà đã đi qua trường hợp như em khi bà còn tấm bé. Bà đã khổ đau, bà đã chất chứa nhiều hận thù, bạo động… Bà chất chứa quá nhiều đến nỗi vung vảy khổ đau lên cho đứa con của mình. Bà không có người để lắng nghe, để bày tỏ niềm đau nỗi khổ, bà không có lối thoát đó em. Cũng như em đã không có lối thoát trong quá khứ nên cũng đã vung vảy niềm đau lên bất cứ chướng ngại vật nào. Nhưng mẹ em lại không có may mắn như em bây giờ là còn có cơ hội nhìn lại, hay biết vào trang nhà Làng Mai, được tiếp xúc với Sư Ông Làng Mai và những pháp môn tu tập để cải hóa cuộc đời và vận mạng của mình.

Cô mong rằng em thấy được điều này để hiểu mẹ, tha thứ cho mẹ, đừng giận mẹ, và đừng để nó luân hồi lên con cháu của mình, như em đã kinh nghiệm nó trong cuộc đời của em. Có hiểu thì có thương em ạ. Em có thấy mình có bổn phận chấm dứt vòng luân hồi khổ đau này không? Trách nhiệm của em lớn lắm. Cô rất mừng cho em vẫn còn phước đức của ông bà tổ tiên để lại cho nên em có cơ duyên gặp được Sư Ông, có hướng đi mới. Đã có đường đi rồi con không còn lo sợ, là câu thư pháp của Sư Ông đó em. Em có thể đánh máy, in ra cho thật to rồi dán đâu đó trong phòng, trong nhà… bất cứ nơi nào để em nhớ là mình có lối thoát, mình không chịu thua hoàn cảnh. Nhớ nhé. Chừng nào em tha thứ được cho mẹ là em tu thành công rồi đó.
Chúc em thành công.