Thực tập: Làm mới

Chúng ta có thể thực tập làm mới trong gia đình, trong tăng thân, với người mà ta đang truyền thông khó khăn. Chúng ta cũng có thể làm mới với chính mình. Ở Làng Mai, chúng tôi thực tập làm mới mỗi tuần. Mọi người ngồi lại với nhau thành một vòng tròn, ở giữa có một bình hoa tươi. Chúng ta theo dõi hơi thở trong khi chờ vị chủ tọa bắt đầu. Làm mới có ba bước: thứ nhất là tưới hoa, thứ hai là bày tỏ sự hối tiếc, thứ ba là nói lên những niềm đau và khó khăn của mình. Sự thực tập này giúp ngăn chặn tình trạng khổ đau chồng chất từ tuần này sang tuần khác và tạo ra một nguồn không khí hòa hợp, an toàn cho mọi người trong tăng thân.

Chúng ta luôn bắt đầu bằng phương pháp tưới hoa. Khi có ai đó đã sẵn sàng làm mới, người ấy chắp tay lên, những người khác cũng chắp tay đáp lại tỏ ý là đã sẵn sàng lắng nghe và người ấy có thể chia sẻ. Sau đó người ấy đứng dậy, từ từ đi đến bình hoa, nâng bình hoa lên và trở về chỗ ngồi của mình. Khi nói, những lời nói của người ấy chứa đựng sự tươi mát, đẹp đẽ của những bông hoa trước mặt người ấy. Trong suốt thời gian tưới hoa, người ấy công nhận những phẩm chất hiền thiện, quý giá của những người khác. Đây không phải là một sự tâng bốc hay dua nịnh mà đó là một sự thật. Mỗi người ai cũng có những điểm tốt, điểm mạnh, chỉ cần ý thức là ta có thể thấy được những điều đó. Không ai được cắt ngang lời người đang chia sẻ (người đang giữ bình hoa). Mọi người phải thực tập lắng nghe sâu và cho phép người ấy có đủ thời gian để nói ra những gì người ấy cần nói. Khi nói xong, người ấy đứng dậy, từ từ mang bình hoa trả lại giữa vòng tròn.

Chúng ta không nên xem thường bước tưới hoa đầu tiên này. Khi thật sự công nhận những phẩm chất tốt đẹp của người khác thì chúng ta dễ dàng buông bỏ những trách móc, giận hờn trong ta. Tự nhiên ta sẽ mềm ra, cái nhìn của ta cũng trở nên thoáng rộng và bao dung hơn. Ta có khả năng ôm ấp, chấp nhận được tất cả những gì đang xảy ra. Khi không còn bị kẹt vào những tri giác sai lầm, bực dọc và phán xét, chúng ta có thể dễ dàng tìm ra phương cách hòa giải với những người khác trong tăng thân hoặc trong gia đình. Điểm chính yếu của sự thực tập này là khôi phục lại tình thương và sự hiểu biết của mọi người trong tăng thân.

Bước thứ hai của phần làm mới là xin lỗi người mà ta đã làm tổn thương. Đôi khi chỉ cần một câu nói thiếu cẩn trọng, thiếu chánh niệm là ta đã làm cho người khác bị tổn thương rồi. Buổi làm mới là một cơ hội giúp ta nhớ lại những lỗi lầm của mình trong tuần để chuyển hóa và làm mới trở lại.

Bước thứ ba, chúng ta dùng lời ái ngữ để nói cho người kia biết là người kia đã làm ta tổn thương. Chúng ta nói ra sự thật mà không làm tổn hại nhau vì chúng ta muốn trị liệu cho tăng thân chứ không phải muốn phá hoại tăng thân. Lắng nghe sâu là một phần quan trọng của sự thực tập này. Khi ngồi trong vòng tròn mà tất cả mọi người đều đang thực tập lắng nghe sâu thì những lời nói của ta sẽ trở nên dễ thương hơn, có tính chất xây dựng hơn. Chúng ta không tranh cãi hay đổ lỗi.

Trong buổi làm mới, phần thực tập lắng nghe sâu bằng tâm từ bi rất quan trọng. Chúng ta lắng nghe những khó khăn và niềm đau của người khác với tinh thần tự nguyện để làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ mà không phải để phê phán hay tranh cãi. Chúng ta lắng nghe với tất cả sự chú tâm của mình. Cho dù người kia có nói điều gì không đúng sự thật, chúng ta cũng vẫn tiếp tục lắng nghe để người kia có thể nói hết những niềm đau nỗi khổ trong lòng, giúp họ vơi bớt những căng thẳng. Nếu chúng ta trả lời lại hoặc chỉnh sửa họ thì sự thực tập sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp. Chúng ta chỉ lắng nghe thôi. Nếu cần cho người kia biết những tri giác của họ không đúng thì chúng ta có thể đợi vài ngày sau và nói một cách kín đáo, trầm tĩnh. Rồi những buổi làm mới kế tiếp, có thể chính người kia tự sửa đổi những sai lầm ấy mà chúng ta không cần phải nói gì cả. Chúng ta có thể kết thúc buổi làm mới bằng một bài hát, hay nắm tay nhau và cùng thở với nhau trong vài phút.