Thiền sư và em bé 5 tuổi

Lời giới thiệu

Em bé bên trong

Trong lòng chúng ta ai cũng có một em bé đang đau khổ. Ai cũng có một thời gian khó khăn khi còn thơ ấu và nhiều người đã trải qua những chấn động tâm lý, những tổn thương lớn mà vết thương còn lưu lại đến bây giờ. Để tự bảo vệ và phòng hộ trước những khổ đau trong tương lai, chúng ta thường cố quên đi thời gian đau lòng đó. Mỗi khi tiếp xúc với những kinh nghiệm khổ đau ấy, chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không chịu đựng nổi, sẽ không có khả năng xử lý nên chúng ta nén chặt những cảm xúc và ký ức của mình vào đáy sâu vô thức. Đó có thể là do đã từ lâu chúng ta không đủ can đảm để đối diện với em bé đó.

Cho dù chúng ta bỏ mặc em bé nhưng không có nghĩa là em bé không có ở đó. Cái em bé tổn thương luôn có mặt trong ta và đang cố gắng lôi kéo sự chú ý của ta. Em bé nói: “Tôi ở đây. Tôi ở đây. Bạn không thể tránh tôi. Bạn không thể trốn thoát khỏi tôi”. Chúng ta muốn chấm dứt những nỗi đau khổ của mình bằng cách nhốt em bé vào một nơi sâu kín trong lòng và cho nó ở đó càng lâu càng tốt. Tuy nhiên trốn tránh không thể chấm dứt được nỗi đau khổ, trái lại chỉ kéo dài nó lâu hơn mà thôi.

Em bé bị tổn thương đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc và tình thương của ta, thế nhưng ta lại làm ngược lại. Ta trốn chạy nó vì ta sợ khổ đau. Cái khối sầu khổ và đau buồn trong ta quá lớn. Cho dù có thời gian, ta cũng không trở về với chính mình. Ta luôn cố tìm cách tiêu khiển, như xem phim, xem truyền hình, giao tiếp xã hội, uống rượu bia và ma túy – bởi vì ta không muốn trải qua tất cả những nỗi khổ đau đó nữa.

Em bé bị tổn thương đang ở đó, ấy vậy mà chúng ta không biết. Em bé bị tổn thương trong ta là một thực tại, nhưng chúng ta không thấy được. Không có khả năng thấy được là vô minh. Em bé này đã bị tổn thương vài lần rồi. Nó thực sự cần chúng ta quay trở về để chăm sóc, nhưng chúng ta lại quay lưng bỏ đi.

Vô minh có mặt trong mỗi tế bào cơ thể và trong tâm thức ta. Giống như một giọt mực loang vào trong ly nước. Vô minh làm ta mê mờ, không cho ta thấy được thực tại, khiến ta làm những điều điên khùng dại dột, làm cho ta càng đau khổ hơn. Và cái vết thương đó lại một lần nữa chạm tới em bé bị tổn thương trong ta.

Em bé bị tổn thương cũng đang ở trong mỗi tế bào cơ thể ta. Không có tế bào nào trong cơ thể ta mà không có mặt em bé bị tổn thương đó. Chúng ta không cần phải nhìn xa xôi vào quá khứ để thấy được em bé đó. Chúng ta chỉ cần quán chiếu sâu sắc là có thể tiếp xúc được. Nỗi đau khổ của em bé tổn thương đó đang nằm sẵn trong chúng ta ngay trong giây phút hiện tại.

Tuy nhiên, cũng giống như nỗi khổ đau đang hiện diện trong mỗi tế bào cơ thể ta, thì những hạt giống tỉnh thức, cảm thông và hạnh phúc đã được trao truyền từ ông bà tổ tiên cũng đang có mặt trong ta. Chúng ta chỉ cần lấy chúng ra sử dụng. Chúng ta có một ngọn đèn trong mình, đó là ngọn đèn chánh niệm mà chúng ta có thể thắp lên bất cứ lúc nào. Nguyên liệu cho ngọn đèn đó là hơi thở ý thức, là bước chân chánh niệm, là nụ cười an lạc của chúng ta. Chúng ta phải thắp lên ngọn đèn chánh niệm để ánh sáng được soi chiếu và bóng tối tan đi.

Khi chúng ta bắt đầu ý thức được là mình đã lãng quên em bé bị tổn thương đó, lòng ta tràn ngập tình thương đối với em và ta bắt đầu chế tác năng lượng chánh niệm. Sự thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền thở là nền tảng căn bản của chúng ta. Với hơi thở và bước chân ý thức, chúng ta có thể làm phát khởi năng lượng chánh niệm và quay về tiếp xúc với nguồn tuệ giác đích thực nằm sẵn trong mỗi tế bào cơ thể ta. Năng lượng này sẽ ôm ấp và trị liệu cho chúng ta, cũng như trị liệu cho em bé bị tổn thương trong ta.

Lắng nghe

Khi nói về phương pháp lắng nghe bằng tâm từ bi, chúng ta thường nghĩ là lắng nghe một ai đó ngoài mình. Kỳ thực chúng ta cũng phải lắng nghe em bé bị tổn thương trong ta. Thỉnh thoảng, em bé bị tổn thương trong ta đòi hỏi sự chú ý của ta một trăm phần trăm. Em bé đó có thể xuất hiện từ những tầng sâu kín trong tâm thức ta và đòi hỏi chúng ta phải chú ý. Nếu có ý thức, ta sẽ nghe được tiếng cầu cứu của em. Vào lúc này, thay vì chú tâm vào bất cứ điều gì khác, ta hãy quay trở về chăm sóc em bé tổn thương đó bằng sự lân mẫn của ta. Ta có thể nói chuyện trực tiếp với em bé bằng ngôn ngữ của tình thương yêu, hãy nói với em rằng: “Trong quá khứ, tôi đã để em một mình. Tôi đã chạy trốn em. Giờ đây, tôi rất hối hận, tôi sẽ quay về chăm sóc em”. Ta cũng có thể nói: “Em thương, tôi đang có mặt đây cho em. Tôi sẽ chăm sóc em đàng hoàng. Tôi biết là em đã đau khổ nhiều. Tôi đã quá bận rộn và bỏ mặc em, bây giờ tôi sẽ học cách để quay về với em”. Nếu cần, ta có thể cùng khóc với em bé đó. Bất kể khi nào cần, ta cũng có thể ngồi lại và thở cùng em: “Thở vào, tôi trở về với em bé bị tổn thương trong tôi; thở ra, tôi sẽ chăm sóc em bé bị tổn thương trong tôi cho đàng hoàng”.

Mỗi ngày ta phải nói chuyện với em bé trong ta vài lần, cho đến khi nào em bé được chữa khỏi. Ta hãy ôm ấp em bé một cách nhẹ nhàng, trìu mến, ta phải đảm bảo với em rằng ta sẽ không bao giờ để em bị suy sụp hoặc bị bỏ rơi nữa. Em bé non nớt bé bỏng đã bị cô đơn một mình quá lâu. Đó là lý do tại sao ta phải bắt đầu thực tập điều này ngay lập tức. Nếu ta không thực tập ngay từ bây giờ thì đợi đến khi nào?

Nếu ta biết cách quay về với em bé và lắng nghe em một cách chăm chú khoảng năm đến mười phút mỗi ngày thì sự chữa lành sẽ bắt đầu xảy ra. Khi ta leo lên một đỉnh núi hùng vĩ, hãy mời em bé trong ta cùng leo. Khi ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn, ta hãy mời em cùng ngắm, cùng thưởng thức với ta. Nếu ta làm điều này trong vài tuần hoặc vài tháng, em bé bị tổn thương trong ta sẽ được trị liệu.

Nhờ thực tập, chúng ta có thể thấy được rằng em bé bị tổn thương trong ta không chỉ là bản thân chúng ta mà có thể là đại diện cho vài thế hệ trước. Mẹ chúng ta có thể đã đau khổ suốt cuộc đời. Cha ta cũng có thể đã đau khổ quá nhiều. Có thể cha mẹ ta đã không có cơ hội để chăm sóc em bé bị tổn thương trong họ. Vì vậy, khi chúng ta ôm ấp em bé bị tổn thương trong chúng ta thì chúng ta cũng đang ôm ấp em bé bị tổn thương của những thế hệ trước. Sự thực tập này không phải là thực tập cho một mình ta mà cho vô số những thế hệ tổ tiên và con cháu ta.

Tổ tiên ta đã không biết cách chăm sóc cho em bé bị tổn thương trong họ, vì thế họ đã truyền lại nó cho chúng ta. Sự thực tập của chúng ta là để chấm dứt vòng luân hồi luẩn quẩn này. Nếu chúng ta có khả năng chữa lành cho em bé bị tổn thương trong ta, thì chúng ta không những giải phóng được cho chính mình mà còn giải phóng được cho những ai đã từng làm ta đau khổ hoặc lạm dụng ta. Người lạm dụng ta có thể là nạn nhân của một sự lạm dụng khác. Thực tập với em bé bị tổn thương trong mình một thời gian đủ lâu, nhiều người đã làm vơi được những nỗi khổ đau trong họ và có kinh nghiệm chuyển hóa. Mối liên hệ giữa họ với gia đình và bạn bè trở nên dễ dàng hơn.

Chúng ta đau khổ vì không tiếp xúc được với lòng từ bi và sự hiểu biết. Nếu chúng ta chế tác được năng lượng chánh niệm, hiểu biết và từ bi cho em bé bị tổn thương của chúng ta, chúng ta sẽ ít đau khổ hơn. Khi chúng ta chế tác được chánh niệm thì từ bi và cảm thông là điều ta có thể đạt được và chúng ta có thể cho phép những người khác thương mình. Trước đây, chúng ta nghi ngờ mọi người, nghi ngờ tất cả. Tuy nhiên, lòng từ bi giúp chúng ta liên hệ được với những người khác và thiết lập lại sự kết nối.

Những người chung quanh ta, gia đình và bạn bè, có thể cũng có một vài em bé bị tổn thương trong họ. Nếu chúng ta thực tập và giúp được cho chính mình, chúng ta cũng có thể giúp được cho họ. Khi chúng ta chữa trị được cho chính mình thì những mối quan hệ của chúng ta với những người khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sẽ có nhiều an lạc và tình thương hơn.

Hãy quay về chăm sóc chính mình. Thân thể của ta, những cảm nhận của ta và những tri giác của ta đang cần ta. Em bé bị tổn thương trong ta đang cần ta. Nỗi khổ niềm đau của ta cần ta công nhận. Hãy trở về ngôi nhà của chính mình và có mặt cho tất cả những điều đó. Thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm, làm tất cả các công việc trong chánh niệm là ta có khả năng có mặt thực sự, nhờ đó ta lại có thể yêu thương.

Viên ngọc kinh Pháp Hoa

Châu báu chất đầy thế giới

Tôi đem tặng bạn sáng nay

Một vốc kim cương sáng chói

Long lanh suốt cả đêm ngày

Mỗi phút một viên ngọc quý

Tóm thâu đất nước trời mây

Chỉ cần một hơi thở nhẹ

Là bao phép lạ hiển bày

Chim hót thông reo hoa nở

Trời xanh mây trắng là đây

Ánh mắt thương yêu sáng tỏ

Nụ cười ý thức đong đầy

Này người giàu sang bậc nhất

Tha phương cầu thực xưa nay

Hãy thôi làm thân cùng tử

Về đi, tiếp nhận gia tài

Hãy dâng cho nhau hạnh phúc

Và an trú phút giây này

Hãy buông thả giòng sầu khổ

Về nâng sự sống trên tay.

– Thích Nhất Hạnh