Câu hỏi và trả lời
Nếu các bạn có câu hỏi nào liên quan đến sự thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày, tôi sẽ rất hoan hỷ được trả lời.
H.: Thầy có khi nào nổi giận điên lên không? Lần cuối Thầy nổi giận là khi nào?
T.L.: Là một con người, tôi có hạt giống nóng giận trong tôi, nhưng nhờ có thực tâp, tôi có thể xử lý sự nóng giận trong tôi. Nếu cơn giận nổi lên, tôi biết cách chăm sóc nó. Tôi không phải là thánh, nhờ tôi biết thực tập, tôi không còn là nạn nhân của sự nóng giận nữa.
H.: Phải mất bao lâu mới có thành công trong sự thực tập?
T.L.: Không phải vấn đề thời gian. Nếu bạn thực tập đúng và có niềm vui, bạn sẽ thành công nhanh. Tuy nhiên, nếu bạn mất nhiều thời giờ và không thực tập đúng, có thể bạn sẽ không thành công được. Cũng giống như hơi thở trong chánh niệm. Nếu bạn thở đúng, hơi thở vào đầu tiên đã có thể đem lại nhẹ khỏe và niềm vui. Nhưng nếu bạn làm không đúng, ba hay bốn tiếng đồng hồ cũng không đem lại kết quả mong muốn. Tốt nhất là có một người bạn, một người anh hay người chị đã thành công trong sự thực tập, giúp bạn và nâng đỡ bạn.
Bạn cũng có thể thực tập một mình. Khi bạn thở vào, hãy để cho hơi thở đi vào một cách tự nhiên. Hãy chú tâm đến hơi thở vào. Khi bạn thở ra, hãy để cho hơi thở đi ra một cách tự nhiên. Bạn chỉ cần nhận biết hơi thở ra.
Ðừng xen vào nó. Ðừng ép nó. Nếu bạn để cho hơi thở đi vào đi ra một cách tự nhiên và bạn nhận biết hơi thở ấy, thì sẽ có tiến bộ trong vòng mười lăm hay hai mươi giây. Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thích thú trong khi thở vào thở ra.
Có một lần tôi tổ chức khóa tu ở Montreal, Canada. Sau lần thiền hành đầu tiên, một bà đến hỏi tôi: “Thưa Thầy, con có thể chia sẻ thực tập thiền hành với người khác không?” Trong bảy năm từ ngày bà đến xứ này, bà chưa bao giờ được bước đi với nhiều thảnh thơi và an lạc như bà cảm thấy sau chỉ một lần thiền hành ở khóa tu. Nó đem lại sự hàn gắn, sự tươi mát cho bà nên bà muốn chia sẻ sự thực tập đi trong chánh niệm này với các bạn. Tôi trả lời: “Ðược chứ!” Bà tin tưởng rằng sau một tiếng đồng hồ đi thiền hành, người ta có thể cảm thấy nhẹ khỏe và có niềm vui. Nhưng đừng đo lường bằng thời gian. Dù là thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm hay làm việc trong chánh niệm, khi bạn cảm thấy có hiệu quả ngay tức khắc, và khi sự thực tập có vui thích, là bạn đã thực tập đúng.
H.: Tôi nên dành bao nhiêu thời giờ cho sự thực tập?
T.L.: Cách thiền mà tôi giới thiệu có thể được thực tập bất cứ lúc nào. Khi bạn đi từ chỗ này đến chỗ khác, bạn có thể áp dụng phương pháp đi trong chánh niệm. Khi bạn làm việc, bạn có thể dùng phương pháp làm việc trong chánh niệm. Khi bạn ăn, bạn có thể ăn trong chánh niệm. Bạn không cần phải xếp đặt một thời gian cố định nào cho sự thực tập; bạn có thể thực tập bất cứ lúc nào trong ngày.
Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh cho phép, bạn có thể để ra một ít thời giờ để làm công chuyện riêng. Ví dụ thức dậy sớm hơn mười lăm phút để bạn có thể có thú vị ngồi thiền mười lăm phút. Hay trước khi ngủ – dù cho đèn đã tắt rồi – bạn ngồi trên giường để thực tập thở trong chánh niệm. Vì bạn có nhiều việc phải làm tập thể với người khác, nên có thể bạn không có thời giờ riêng để làm điều bạn muốn. Vì vậy còn tuỳ thuộc vào sáng kiến của bạn về sự xếp đặt thời giờ. Nhưng bạn nên nhớ, bạn có thể thực tập bất cứ lúc nào, dù là lúc bạn đi tiểu hay lúc bạn lau sàn nhà.
Bạn có thể lau nhà như một người tự do hay như một tên nô lệ, điều ấy tuỳ bạn. Ở đây, mọi người đều phải làm những công việc nhất định, nhưng bạn có thể làm những việc ấy như một người tự do. Bạn có thể nuôi dưỡng sự tự do cho lớn lên. Ðiều ấy sẽ đem lại cho bạn sự oai nghi và mọi người sẽ nhận thấy. Với sự thực tập, bạn thực sự là một người tự do, bất kể bạn đang sống trong hoàn cảnh nào.
Tôi đề nghị rằng mỗi lần bạn đi phòng vệ sinh, mỗi lần bạn đi đại tiện, đi tiểu tiện hay rửa tay, bạn hãy để hết 100 phần trăm của con người bạn vào động tác ấy. Hãy ngưng mọi suy tư. Chỉ cần làm động tác ấy với niềm vui. Bạn có thể cảm thấy thích thú. Trong vài tuần, bạn sẽ thấy hiệu quả tuyệt vời của sự thực tập này.
H.: Xin Thầy nói rõ về chánh niệm. Làm sao chúng con có thể thực tập khi tâm trí bị phân tán?
T.L.: Tiếng Việt, “chánh niệm” có nghĩa là thực sự có mặt trong giây phút hiện tại. Khi bạn ăn, bạn biết là bạn đang ăn. Khi bạn bước, bạn biết là bạn đang bước. Ðối nghịch với chánh niệm là “thất niệm.” Bạn ăn nhưng bạn không biết là bạn đang ăn, bởi vì tâm trí bạn để ở đâu đâu. Khi bạn đem tâm bạn trở về với những gì đang xẩy ra bây giờ và ở đây, đó là chánh niệm, và chánh niệm có thể đem lại cho bạn sự sống, thích thú và niềm vui. Ví dụ đơn giản như ăn một trái cam trong chánh niệm có thể đem lại thích thú gấp ngàn lần hơn khi ăn cam mà bạn bị vướng mắc vào lo âu, sợ hãi hay tuyệt vọng. Vậy chánh niệm là năng lượng giúp bạn thực sự có mặt với những gì đang hiện hữu.
Ví dụ bạn nghe nhiều tiếng ồn chung quanh. Bạn có thể dùng tiếng ồn làm đối tượng của chánh niệm. “Thở vào tôi nghe nhiều tiếng ồn. Thở ra, tôi mỉm cười với tiếng ồn. Tôi biết rằng người làm ồn không luôn luôn có an lạc, và tôi cảm thấy có lòng từ bi đối với họ.” Vì vậy thực tập hơi thở có chánh niệm và dùng sự đau khổ quanh bạn làm đối tượng của chánh niệm sẽ giúp những năng lượng hiểu biết và thương yêu sinh khởi trong lòng bạn.
Ở một khóa tu, một bà than phiền rằng người bạn cùng phòng ngáy lớn quá làm cho bà không ngủ được. Bà sắp đem túi ngủ đi vào thiền đường, nhưng sực nhớ điều tôi dạy, nên bà ở lại. Bà dùng tiếng ngáy như một thứ chuông chánh niệm để làm phát sinh lòng từ bi. “Thở vào tôi biết có tiếng ngáy. Thở ra, tôi mỉm cười với tiếng ấy.” Mười phút sau bà đã ngủ ngon lành. Thật là một sự khám phá kỳ diệu cho bà ấy.
H.: Xin Thầy nói thêm về sự tha thứ.
T.L.: Tha thứ là hoa trái của hiểu biết. Ðôi khi, mặc dù ta muốn tha thứ cho một người, ta không thể làm được. Thiện chí muốn tha thứ có đấy, nhưng sự chua chát và đau khổ cũng còn đấy. Với tôi, tha thứ là kết quả của sự nhìn sâu và hiểu biết.
Một buổi sáng trong văn phòng chúng tôi ở Paris trong thập niên bảy mươi và tám mươi, chúng tôi nhận được nhiều tin buồn. Một bức thư đến, kể rằng một em bé gái mười một tuổi đi trên một chiếc thuyền vượt biển từ Việt Nam, đã bị bọn hải tặc hãm hiếp. Khi người cha cố can thiệp thì chúng nó vứt ông xuống biển. Vì vậy em bé gái cũng nhảy xuống biển và chết đuối . Tôi nổi giận. Là một con người, bạn có quyền nổi giận; nhưng là một người biết thực tập, bạn không có quyền ngưng thực tập.
Tôi không ăn sáng được; tin tức đã tràn ngập tôi. Tôi thực tập thiền hành trong khu rừng kế cận. Tôi cố tiếp xúc với cây, với chim và bầu trời xanh để an tịnh tâm hồn, và rồi tôi ngồi xuống để thiền định. Tôi ngồi thiền khá lâu .
Trong lúc ngồi thiền, tôi thấy mình là một em bé sinh ra trên vùng bờ biển Thái Lan. Cha tôi là một người đánh cá nghèo, mẹ tôi là một người vô học. Quanh tôi đầy cảnh nghèo khó. Khi tôi mười bốn tuổi, tôi phải làm việc cùng với cha tôi trên chiếc thuyền đánh cá để mưu sinh; làm việc rất nhọc nhằn. Khi cha tôi mất, tôi phải làm thay cha tôi để nuôi sống gia đình.
Một người đánh cá tôi quen cho tôi biết rằng nhiều thuyền nhân Việt Nam đi vượt biên, mang theo nhiều của quý, như vàng và nữ trang. Anh ta đề nghị rằng nếu chúng tôi chận đánh chỉ một trong những chiếc thuyền ấy và lấy được một số vàng thì chúng tôi sẽ giàu. Là một người đánh cá nghèo, còn trẻ, không có học thức, tôi bị anh ta cám dỗ. Và một hôm tôi quyết định đi theo anh ta để cướp thuyền nhân. Khi tôi thấy anh ta hiếp một người đàn bà trên thuyền, tôi cũng bị cám dỗ làm theo. Tôi nhìn quanh và khi thấy không có gì ngăn cản, không cảnh sát, không ai hăm dọa; tôi tự nói: “tôi cũng làm như vậy được, chỉ một lần thôi.” Ðó là vì sao tôi trở thành một tên cướp biển đi hãm hiếp một em bé gái.
Bây giờ giả sử bạn ở trên thuyền đó và bạn có một cây súng. Nếu bạn bắn tôi và giết tôi, hành động của bạn sẽ không giúp gì được tôi . Suốt đời tôi, không ai giúp tôi và suốt đời cha mẹ tôi cũng không ai giúp ông bà. Là môt đứa bé, tôi không được đi học. Tôi chơi với những đứa trẻ hư hỏng, và lớn lên tôi thành một người đánh cá nghèo khổ. Không một nhà chính trị hay giáo dục nào giúp tôi bao giờ. Và vì không ai giúp nên tôi trở thành một tên cướp biển. Nếu bạn bắn tôi thì tôi chết.
Ðêm ấy, tôi thiền quán về điều này. Tôi lại thấy mình là một chàng đánh cá trẻ trở nên một tên hải tặc. Tôi cũng thấy hàng trăm em bé sinh ra đêm ấy trên vùng dọc theo bờ biển Thái lan. Tôi nhận thấy rằng nếu không ai giúp những em bé này lớn lên có học vấn và có cơ hội sống đời sống đứng đắn, thì trong vòng hai mươi năm nữa, những em bé này cũng sẽ thành những tên hải tặc. Tôi bắt đầu hiểu rằng nếu tôi sinh ra làm một chú bé trong làng đánh cá ấy, tôi cũng đã trở thành một tên hải tặc. Khi tôi hiểu được như vậy cơn giận của tôi đối với những tên hải tặc tan biến mất.
Thay vì nổi giận chàng đánh cá, tôi cảm thấy có lòng từ bi đối với anh ta. Tôi nguyện nếu tôi có thể làm được gì để giúp những em bé sinh ra đêm ấy trên vùng bờ biển Thái lan, thì tôi sẽ giúp. Năng lượng của cơn giận đã được chuyển hóa thành năng lượng của từ bi nhờ thiền quán. Ta không thể tha thứ nếu không hiểu biết, và hiểu biết là hoa trái của sự nhìn sâu mà tôi gọi là thiền quán.
H.: Thực chất của đạo Bụt là gì? Có phải là một tôn giáo không? Bụt có phải là một vị thần linh không?
T.L.: Bụt luôn luôn nhắc chúng ta rằng ngài là người, không phải thần linh. Ngài để lại nhiều luận văn mà ngài trao lại cho các đệ tử của ngài. Những luận văn ấy gọi là kinh. Sáng nay tôi đã cống hiến các bạn sự thực tập về hơi thở có chánh niệm. Sự thực tập này có xuất xứ từ Kinh Quán Niệm Hơi Thở.
Trong kinh này, ngài chỉ cho chúng ta mười sáu phép thực tập hơi thở có chánh niệm để xử trí với những khó khăn trong đời sống hằng ngày, để nuôi dưỡng tuệ giác và từ bi. Có những kinh khác dạy về chánh niệm đưa tới sự chuyển hóa và hàn gắn. Những kinh ấy không phải là những lời cầu nguyện. Ðó là những bản văn dạy cho bạn cách đối xử với những đau khổ và khó khăn trong đời sống hằng ngày.
Nguyên thủy, đạo Bụt không phải là một tôn giáo; đó là một lối sống. Kinh là những lời dạy của Bụt làm thế nào để chuyển hóa khổ đau và nuôi dưỡng niềm vui và lòng từ bi. Là những tu sĩ Phật giáo, chúng tôi học nhiều những kinh đó, và chúng tôi học để giảng giải cho mọi người biết đúng cách thực tập những lời dạy ấy.
Trong truyền thống đạo Bụt, chúng tôi vinh danh Ba Viên Ngọc Quý. Viên Ngọc Quý thứ nhất là Bụt: người đã tìm ra con đường của hiểu biết, thương yêu, chuyển hóa và hàn gắn. Viên Ngọc Quý thứ hai là Pháp: con đường của chuyển hóa và hàn gắn, đã được Bụt lập ra dưới dạng những luận văn, lời dạy và cách thực tập. Viên Ngọc Quý thứ ba là cộng đồng thực tập, Tăng: những người đàn ông và đàn bà đã lập thành một cộng đồng và nguyện đi theo con đường của sự thực tập thiền định và chánh niệm.
Tăng thân có nghĩa là “cộng đồng.” Mọi người trong cộng đồng đều thực tập thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm,và làm phát sinh từ bi và hiểu biết. Chúng tôi thực tập trở về nương tựa Tăng, bởi vì một Tăng thân đích thực là một cộng đồng ở đó có sự thực tập đích thực; nghĩa là có chánh niệm đích thực, hiểu biết và từ bi. Một Tăng thân đích thực chứa đựng trong tự thân Pháp đích thực và Bụt đích thực. Vì vậy khi bạn tiếp xúc được với một Tăng thân đích thực, bạn cũng tiếp xúc được với Bụt và với Pháp.
Với một Tăng thân, bạn dễ có cơ hội thành công, vì Tăng thân là phương tiện để che chở và nâng đỡ bạn trong sự thực tập. Không có một Tăng thân, bạn có thể từ bỏ sự thực tập trong vòng vài tháng. Chúng tôi có câu tục ngữ rằng khi con cọp lìa rừng để về đồng nội, nó sẽ bị người bắt và giết. Một người thực tập phải ở lại với Tăng thân mình, nếu không người ấy sẽ từ bỏ thực tập sau vài tháng. Sự nâng đỡ và dìu dắt của Tăng thân rất quan trọng.
Dù cho ở đây, bạn cũng có thể thiết lập Tăng thân riêng của bạn gồm có bốn hay năm người cùng thực tập hằng ngày; đi trong chánh niệm, thở, ăn và làm việc trong chánh niệm. Một Tăng thân có thể nâng đỡ khi ai cần đến. Một Tăng thân có thể gồm có những người cư sĩ hay xuất gia, nhưng bất cứ đâu có ít nhất bốn người cùng thực tập chánh niệm với nhau, thì đó là một Tăng thân. Về nương tựa Tăng thân là điều quan trọng, vì nếu Tăng thân thực sự thực tập, Tăng thân chứa đựng Bụt và Pháp trong ấy.
H.: Chánh niệm là gì và nó có thể đem lại những gì?
T.L.: Như tôi đã nói, chánh niệm là khả năng có thể có mặt bây giờ và ở đây . Hãy chú tâm vào việc gì đang xẩy ra. Nếu có chánh niệm thì sẽ có tập trung. Nếu bạn tiếp tục có chánh niệm về một điều gì, là bạn sẽ tập trung vào điều ấy; nó trở thành đối tượng của sự tập trung. Khi chánh niệm và sự tập trung của bạn đã giỏi rồi, bạn sẽ có được tuệ giác; bạn sẽ bắt đầu hiểu biết sâu sắc điều gì đang xẩy ra bây giờ và ở đây. Vậy tiến trình là chánh niệm, tập trung, và tuệ giác. Tuệ giác giúp bạn hiểu biết và giải phóng cho bạn ra khỏi những tri giác sai lầm. Nhờ đó bạn hết đau khổ.
H.: Chúng tôi có thể nghĩ đến quá khứ và trù tính tương lai không?
T.L.: Chánh niệm có nghĩa là tự ổn định trong giây phút hiện tại. Nhưng điều ấy không có nghĩa rằng bạn không có quyền xem xét lại tỉ mỉ và học bài học của quá khứ, hoặc là dự trù cho tương lai. Nếu bạn sống vững chắc trong giây phút hiện tại, và tương lai là đối tượng của chánh niệm, thì bạn có thể nhìn sâu vào tương lai để thấy nhũng gì bạn làm được bây giờ để có thể có được một tương lai như thế. Chúng tôi thường nói rằng cách hay nhất để lo cho tương lai là lo cho hiện tại bởi vì tương lai được làm bằng hiện tại. Chăm sóc cho hiện tại là điều duy nhất bạn có thể làm được để bảo đảm một tương lai tươi sáng.
Khi chúng ta đưa những sự kiện đã xẩy ra trong quá khứ trở về giây phút hiện tại và làm chúng trở thành đối tượng của chánh niệm, điều ấy sẽ dạy chúng ta rất nhiều. Lúc chúng ta tham dự vào những sự kiện ấy, chúng ta không thể thấy rõ ràng như chúng ta thấy bây giờ. Nhờ thực tập chánh niệm, chúng ta có được đôi mắt mới, và chúng ta có thể học được nhiều bài học từ quá khứ.
H.: Xin Thầy nói thêm về hơi thở.
T.L.:Nhờ thực tập, phẩm chất hơi thở của bạn sẽ khá hơn. Nó sẽ trở nên sâu hơn và chậm hơn. Nó đem lại niềm vui thích cho thân tâm bạn, ngoài ra không có gì thay đổi. Bạn tiếp tục thở, đi và ngồi như thường lệ, và phẩm chất của hơi thở, bước đi và sự ngồi sẽ tiến bộ. Thực tập hơi thở có ý thức phải đem lại nhiều thích thú, sự sống và niềm vui hơn. Thiền tập không đem lại điều gì tiêu cực cả. Nếu ta thấy có gì đối nghịch với an lạc, thoải mái và niềm vui, là ta đã làm sai. Thiền tập chỉ làm thăng tiến phẩm chất của đời sống trong giây phút hiện tại.
H.:Ở Tây phương, người ta nhấn mạnh đến sự thành công. Có thể có thành công hay không?
T.L.: Lấy ví dụ ta đi thiền hành. Có thể ta đi thiền hành một lúc, rồi vì ta muốn nhìn vạn vật như cỏ cây, hòn đá, mây, v.v.., ta để ý thấy một cái hoa rất đẹp trước mặt, và ta muốn ngưng thiền hành để ngắm hoa. Không sao cả, bởi vì mặc dầu ta dừng bước, nhưng sự vui thích vẫn còn.
Ngồi thiền cũng vậy. Trong khi bạn đang vui thú thở vào thở ra, có thể một ý nghĩ đột nhiên đến với bạn. Bạn có tự do lựa chọn tiếp tục hơi thở có ý thức hay là trở về với ý nghĩ ấy. Bạn có thể quyết định và nói với ý nghĩ ấy rằng:
“Tôi muốn tiếp tục hơi thở có ý thức trước khi tôi dùng thì giờ cho anh bạn.” Nếu ý nghĩ ấy chấp thuận thì nó sẽ lui về đằng sau, để cho bạn tiếp tục thiền quán. Cũng giống như khi bạn duyệt qua một chồng thư từ trên bàn giấy và để riêng một bức thư đặc biệt để đọc sau cùng.
Chánh niệm có thể là chánh niệm về một điều gì bạn thích trong giờ phút hiện tại. Nếu ý nghĩ ấy rất mạnh và muốn bạn chú ý đến ngay thì sao? Thì bạn có thể nói rằng: “Ðược rồi, tôi ngưng hơi thở có ý thức bây giờ và để ý đến anh bạn.” Rồi bạn có thể tập trung sự chú ý vào đề mục mới của thiền quán. Không có gì hại cả.
Nếu trong lúc ngồi thiền, bạn bị đau chân sau chỉ mười phút, có lẽ bạn nghĩ rằng mình phải chịu đựng sự đau đớn này và ngồi cho hết mười lăm phút, nếu không thì mình thất bại. Bạn không cần phải nghĩ như vậy. Thay vì thế bạn có thể thực tập xoa bóp trong chánh niệm. “Thở vào, tôi biết rằng tôi bắt đầu phải đổi thế ngồi. Thở ra, tôi mỉm cười với sự đau chân của tôi.” Bạn tự do lựa chọn đối tượng của sự thiền quán. Bạn đâu có từ bỏ thiền quán; không một giây phút nào của sự thiền quán bị lãng phí. Bạn không thất bại.
H.: Thế nào là một vị thiền sư?
T.L.: Một vị thiền sư là một người đã thực tập thiền quán một thời gian, đã có kinh nghiệm về thiền quán, và có thể chia sẻ sự thực tập này với những người khác.
H.: Tôi có căn bản Thiên chúa giáo . Tôi có thể thực tập chánh niệm không?
T.L.: Tôi đã nghiên cứu Thiên chúa giáo và tìm thấy có nhiều lời dạy về chánh niệm trong Thiên chúa giáo, cũng như trong Do thái giáo và Hồi giáo. Tôi nghĩ rằng chánh niệm có một bản chất chung cho toàn thế giới. Bạn có thể tìm thấy nó trong tất cả các truyền thống tâm linh. Nếu bạn nghiên cứu kỹ đời sống của một vị hiền nhân trong bất cứ truyền thống nào, bạn sẽ tìm thấy tính chất chánh niệm trong đời sống hiền nhân ấy. Một hiền nhân là người có khả năng sống sâu sắc từng giây phút của đời sống và tiếp xúc được với những gì đẹp và thật trong từng giây phút ấy.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học hỏi từ nhiều truyền thống trong cùng một lúc. Nếu bạn thích cam, mời bạn cứ ăn cam, nhưng không có gì ngăn cản bạn thưởng thức thêm trái kiwi hay xoài. Tại sao phải tự cam kết với một loại trái cây mà thôi, trong khi tất cả truyền thống tâm linh của nhân loại đều sẵn sàng cho bạn? Ta có thể có gốc rễ Phật giáo cùng với gốc rễ Thiên chúa giáo và Do thái giáo. Như vậy chúng ta có thể lớn mạnh hơn.
H.: Có một mãnh lực nào hướng dẫn đời sống chúng ta? Có một lực nào mạnh hơn để chỉ đường cho chúng ta?
T.L.: Tôi đã nói rằng trong mỗi tế bào của cơ thể, bạn đều có thể tìm thấy vừa Ðịa ngục vừa Thiên đàng của Thượng đế. Mãnh lực tâm linh cao hơn hay thấp hơn đều có sẵn trong người bạn. Khi bạn có từ tâm bạn có thể tiếp xúc với từ bi khắp nơi. Khi bạn có hạt giống bạo động và hận thù, bạn sẽ bắt liên lạc với những năng lượng ấy quanh bạn. Vì vậy rất là quan trọng khi bạn lựa chọn một đài vô tuyến để mở ra xem.
Nếu bạn quyết định chỉ nuôi dưỡng mình bằng những năng lượng tích cực mà thôi, thì chánh niệm có thể giúp bạn phân biệt giữa những năng lượng thích hợp và những năng lượng không thích hợp cho bạn. Ví dụ người nào bạn nên hợp tác, loại thực phẩm nào bạn không nên ăn, chương trình truyền hình nào bạn nên xem, v.v… Chánh niệm có khả năng cho bạn biết những gì bạn cần và những gì có hại cho bạn.
H.: Xin Thầy giải thích về nguồn thơ Thầy đã làm.
T.L.: Làm thơ là điều tôi có thể làm suốt ngày. Khi tôi tưới rau hay tôi rửa bát, nguồn thơ được phát sinh trong tôi. Khi tôi ngồi xuống bàn viết là tôi chỉ việc viết ra thơ. Nguồn thơ đến với ta như một nguồn cảm hứng. Thơ là hoa trái của đời sống trong chánh niệm của tôi. Sau khi làm được một bài thơ, tôi nhận thấy nó giúp ích cho tôi; bài thơ giống như một “tiếng chuông chánh niệm.”
Ðôi khi bạn cần phải đọc lại một bài thơ đã làm vì nó đem bạn trở về một kinh nghiệm tuyệt vời; nó nhắc bạn về sự hiện hữu của một cái gì đẹp trong tâm bạn và quanh bạn. Vì vậy một bài thơ là một bông hoa mà bạn hiến tặng cho cuộc đời, và đồng thời nó cũng là tiếng chuông chánh niệm để nhắc bạn nhớ đến sự hiện hữu của một điều gì đẹp trong đời sống hằng ngày.