Truyền thông khi gặp khó khăn
Nhiều người trong chúng ta đau khổ vì gặp khó khăn khi truyền thông với những người chung quanh. Lấy ví dụ ở sở làm, mặc dù nhiều khi cố gắng đủ điều, chúng ta cũng không thể thiết lập mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Điều này cũng đúng cho một gia đình. Chúng ta có cảm tưởng là cha, mẹ, anh, chị, em ta mỗi người ở một thế giới riêng, khó mà có thể truyền thông.
Tuy nhiên, có nhiều cách để tạo hòa thuận và tạo cơ hội cho truyền thông đầy thương yêu.
Truyền thông khi đang giận
Một lý do khiến cho chúng ta gặp khó khăn khi truyền thông với người khác là truyền thông khi đang giận. Chúng ta đau khổ và không muốn đau khổ một mình. Chúng ta nghĩ rằng ta giận là vì người kia. Ta muốn người ấy biết là ta đang giận. Cơn giận có tính cách cấp bách. Ta muốn cho người kia biết ngay là ta có vấn đề với người ấy.
Nhưng khi giận thì ta không còn sáng suốt. Hành động khi đang giận sẽ đưa đến rất nhiều đau khổ và làm cho tình trạng thêm rắc rối. Điều đó không có nghĩa là ta phải đè nén cơn giận. Không nên cho rằng mọi chuyện đều êm xuôi trong khi sự thật không như mình tưởng. Chúng ta có thể cảm nhận và ứng xử cảm xúc giận một cách lành mạnh và đầy yêu thương. Khi đang giận ta phải chăm sóc cơn giận thật nhẹ nhàng vì cơn giận chính là ta lúc đó. Không nên ứng xử bằng bạo động. Bạo động khi đang giận là bạo động chính chúng ta.
Hơi thở chánh niệm giúp ta ghi nhận cơn giận và xử lý cơn giận một cách êm nhẹ. Năng lượng chánh niệm sẽ ôm ấp cơn giận, một năng lượng hung dữ mà ta phải ôm ấp trong một thời gian khá lâu. Khi nấu khoai, chúng ta phải đun bếp ít nhất là 15, 20 phút. Thực tập ôm ấp cơn giận cũng như thế. Cơn giận cần thời gian để “chín”.
Sau khi ngồi thở với ý thức chánh niệm và làm cho cơn giận lắng dịu, ta sẽ có cơ hội nhìn sâu vào cơn giận và tìm hiểu nguyên nhân của cơn giận. Gốc rễ của cơn giận là ở đâu? Cơn giận có thể là do nhận thức sai lầm hay là thói quen phản ứng trước những sự việc không xứng ý. Thông thường để chữa trị cơn giận, chúng ta được khuyên là nên bộc lộ cơn giận, “đem ra khỏi con người” của chúng ta, bằng cách đến một nơi vắng để la hét hay đấm đá vào một vật vô tri, ví dụ như một cái gối.
Tôi không cho rằng phương pháp ấy sẽ đem lại hiệu quả để chữa trị gốc rễ của cơn giận. Lấy ví dụ một lò đốt củi. Nếu lò hư bốc khói, ta mở cửa để cho khói bay ra nhưng lò vẫn còn hư và sẽ tiếp tục bốc khói. Phải sửa chữa cái lò trước đã. La hét hay đấm gối chỉ là lặp lại, là thao dượt và nuôi dưỡng cơn giận, làm cho cơn giận lớn mạnh thêm mà không thể “lấy nó ra khỏi con người” của bạn.
Bạn phải thực lòng tiếp cận với cơn giận để có thể chữa trị cơn giận. Khi đấm vào gối, bạn không thể thực sự tiếp cận với cơn giận để giúp cho bạn hiểu rõ cơn giận của bạn. Bạn cũng không thực sự tiếp cận với cái gối, bởi vì nếu bạn thực sự tiếp cận với cái gối thì bạn sẽ biết rằng đó chỉ là một cái gối!
Đè nén cơn giận có thể là nguy hiểm. Nếu không chăm sóc thì cơn giận sẽ bùng nổ. Cơn giận, cũng như một cảm xúc mạnh, luôn có xu hướng bộc lộ ra ngoài. Vậy thì phải xử lý cơn giận như thế nào? Cách hay nhất là trở về với mình và chăm sóc cơn giận. Chúng ta có thể nhớ lại câu thần chú thứ nhất để có mặt với chính mình và chăm sóc cơn giận của chúng ta. Chúng ta trở về với chính mình, thân và tâm hợp nhất. Trở về với hơi thở chánh niệm, bước đi chánh niệm. Có mặt có nghĩa là có chánh niệm, để rồi sử dụng chánh niệm để ghi nhận, để ôm ấp và nhìn sâu vào cảm xúc mạnh của mình.
Thường thường khi cơn giận nổi lên, ta có xu hướng muốn đối mặt với người ta nghĩ đã làm ta giận. Chúng ta muốn “hơn thua” với người làm ta giận hơn là làm một việc cấp thiết hơn: chăm sóc cơn giận. Chúng ta hành động như một người bị cháy nhà mà chỉ chạy theo đuổi bắt người đốt nhà chứ không lo chữa cháy.
Có nhiều cách để truyền thông cho một người về những gì mà người ấy đã gây nên cho bạn. Bạn có thể gửi đi một bức thư ngắn hay một email. Nhưng trước hết bạn phải thực tập hơi thở chánh niệm và chăm sóc cơn giận.
Đây là cơ hội đúng lúc nhất để thực tập câu thần chú thứ tư: “Tôi đang đau khổ. Xin giúp tôi”. Bạn có thể gọi điện thoại cho người kia khi bạn đã bớt giận, và chỉ khi mà bạn có thể nói với người kia một cách bình tĩnh là bạn đang đau khổ và bạn cần được giúp đỡ. Bạn muốn cho người kia biết rằng bạn đã hết lòng chăm sóc cơn giận của bạn. Bạn muốn người kia cũng thực tập như bạn. Yêu cầu được giúp đỡ rất khó khi đang giận, nhưng làm như thế là bạn muốn cho người khác biết rằng bạn đang đau khổ chứ không phải bạn muốn tỏ ra là mình đang giận. Những người ấy sẽ biết rằng đau khổ đã làm bạn giận và khi đó có thể bắt đầu truyền thông và chữa trị.
Giúp người bớt khổ
Khi ta và người ta thương bị chia rẽ thì cả hai ta đều đau khổ. Nếu ta không thực lòng lo lắng cho người kia thì ta đã không đau khổ như thế. Càng thân thương gần gũi với người làm ta giận thì ta càng đau khổ. Nếu tình trạng chia rẽ kéo dài quá lâu thì đến một lúc không thể nào hàn gắn được nữa.
Nhưng mà chừng nào còn chia rẽ thì ta luôn luôn muốn làm ngơ, muốn che lấp bởi vì ta không muốn chạm vào niềm đau nỗi khổ trong ta. Chúng ta tự nhủ rằng không có gì là đau khổ, nhưng thật ra đau khổ vẫn có đó, một khối lớn nội kết trong ta.
Đau khổ trong ta cần được hiểu thấu. Nhờ có thực tập, chúng ta chế tác năng lượng chánh niệm đủ mạnh để trở về ôm ấp đau khổ của ta mà không sợ hãi. Chánh niệm giúp ta ghi nhận đau khổ. Chánh niệm giúp ta ôm ấp đau khổ và đó là bước đầu tiên.
Khi một ai đã làm ta giận quá mức thì ta không muốn nhìn mặt người ấy, không muốn đến gần người ấy bởi vì ta không muốn đau khổ. Nhờ chánh niệm ta có thể hiểu rõ đau khổ của ta và đau khổ của người kia. Ta cũng có thể hiểu được rằng người kia đau khổ là vì đã không biết cách xử lý đau khổ. Đau khổ của người ấy lan tỏa và ta trở thành nạn nhân. Có thể người ấy không muốn gây đau khổ cho ta nhưng người ấy không biết cách nào khác hơn. Người ấy không biết tìm hiểu và xử lý đau khổ của mình nên đã gây đau khổ cho những người chung quanh, mặc dù không cố ý. Bởi vì người ấy đau khổ nên ta đau khổ. Người ấy không đáng bị trừng phạt, người ấy cần được giúp đỡ.
Ta có thể giúp bằng cách ghi nhận đau khổ nơi người ấy. Nếu có khó khăn trong việc truyền thông thì phải ghi nhận là có khó khăn. Chúng ta luôn có ý muốn cho rằng mọi việc đều êm xuôi vì chúng ta không muốn cảm thấy bị choáng ngợp. Nhưng nếu không thừa nhận là có khó khăn thì chúng ta không tìm hiểu và khởi tâm từ bi. Chúng ta sẽ có cảm tưởng mình bị loại bỏ và không có khả năng giúp.
Phải sử dụng truyền thông với tâm từ bi, lắng nghe sâu và ái ngữ để phục hồi liên hệ, truyền thông với người kia. Sau vài hơi thở chánh niệm, ta sẽ nói với người kia như sau.
“Tôi biết anh (chị) lúc này không mấy vui vẻ (hạnh phúc).”
“Trong quá khứ tôi đã không hiểu tâm ý của anh cho nên tôi đã phản ứng, đã làm anh đau khổ và tôi cũng đau khổ và đã không giải quyết được gì. Phản ứng của tôi đã làm cho tình trạng tồi tệ.”
“Tôi không có ý muốn làm cho anh đau khổ và làm cho tôi đau khổ. Chỉ vì tôi đã không hiểu niềm đau nỗi khổ của anh lẫn của tôi.”
“Bây giờ tôi đã hiểu cảm xúc của tôi khi gặp khó khăn và tôi cũng đã hiểu anh hơn. Điều đó giúp tôi xử lý hữu hiệu hơn.”
“Nếu anh thương tưởng tới tôi thì xin giúp tôi.”
“Xin anh mở rộng lòng. Tôi muốn lắng nghe. Tôi muốn hiểu rõ. Hãy nói cho tôi nghe niềm đau nỗi khổ của anh. Nếu anh không giúp tôi hiểu anh thì ai giúp tôi bây giờ?”
Trên đây chỉ là vài ví dụ. Điều quan trọng là nói ra những tâm sự của chính mình. Nếu tâm tràn đầy yêu thương thì những lời nói ra là những lời yêu thương. Khi lòng đầy giận dữ thì không thể nào nói ra những lời yêu thương. Nhưng khi đã có hiểu biết, đã có yêu thương thì ta có thể nói ra những lời yêu thương mà không cần một chút cố gắng. Một bác sĩ mà không biết rõ bệnh tình của bệnh nhân thì không thể nào điều trị được bệnh. Một chuyên gia phân tích tâm lý mà không hiểu rõ đau khổ của bệnh nhân thì không giúp được gì. Ái ngữ có thể mở cửa cho cơ hội lắng nghe sâu và giúp phục hồi truyền thông.
Cần phải có can đảm để công nhận rằng truyền thông của ta đang gặp khó khăn. Ta có thể nghĩ rằng cứ đợi thì người kia sẽ tìm đến với ta trước. Nhưng điều ấy có thể sẽ không xảy ra. Không thể chần chừ. Hãy bắt tay vào việc phục hồi truyền thông với tấm lòng rộng mở và đối thoại với tâm yêu thương. Ta có thể đặt ra cho ta một thời hạn chót. Khi những thiền sinh đến tu học tại Làng Mai, tôi cho họ thời hạn chót là đêm cuối của khóa tu để họ bắt đầu hòa giải. Nếu ta là một hành giả đích thực thì những người khác sẽ nhận biết ngay và cảm nhận ảnh hưởng từ ta. Có thể là họ không cảm nhận ngay tức thì nhưng lời ta nói, ánh mắt của ta sẽ có ảnh hưởng.
Đau khổ vì tự ái
Cổ tích Việt Nam có một câu chuyện nổi tiếng về một đôi vợ chồng đã đau khổ cùng cực vì không biết cách truyền thông trong chánh niệm. Chuyện kể một người chồng phải đi trận chiến, để lại người vợ đang mang thai. Ba năm sau, người chồng trở về. Người vợ bồng con ra đón chồng. Đây là lần đầu tiên anh chồng thấy con mình. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi, phước đức được cùng nhau đoàn tụ sau chiến tranh.
Tại Việt Nam có một truyền thống là khi có một sự cố quan trọng trong gia đình thì chúng ta đến thắp nhang khấn vái trước bàn thờ tổ tiên. Người vợ ra chợ sắm sửa lễ vật để dâng cúng. Người chồng ở nhà, chơi với con và dạy cho con kêu anh ta là “cha”. Nhưng đứa bé không chịu. Nó nói, “Ông không phải là cha tôi. Cha tôi là một người khác. Cha tôi đến đây mỗi tối. Khi ông ấy đến thì mẹ nói chuyện với ông ấy rất lâu. Khi mẹ tôi ngồi, ông ấy cũng ngồi. Khi mẹ nằm thì ông ấy cũng nằm. Ông đâu phải là cha tôi”. Nghe em bé nói như thế, người chồng lặng người vì uất hận.
Theo thói thường, sau buổi lễ gia tiên thì cỗ bàn được dọn xuống và cả nhà quây quần cùng ăn uống vui vẻ. Nhưng người chồng sau khi cúng gia tiên xong, bỏ nhà ra quán uống rượu say mèm vì đau khổ. Và mỗi tối anh ta đều ra quán uống rượu như thế. Anh ta không nói với vợ một câu nào, không để ý đến vợ và không bao giờ ăn cơm nhà. Người vợ vì đau khổ cùng cực cho nên sau bốn ngày chịu đựng đã ra sông trầm mình tự tử.
Đêm hôm sau đám tang, người chồng thắp đèn lên thì đứa con chỉ vào bóng người cha trên vách và la lên, “Đó là cha tôi”. Sự thật đã xảy ra là người vợ, vì nhớ chồng mà đã nói chuyện với bóng mình trên vách như đang nói chuyện với chồng cho vơi bớt thương nhớ. Một hôm, đứa bé hỏi mẹ: “Bạn con trong làng đứa nào cũng có cha, vậy cha con đâu?”. Người mẹ muốn cho con an lòng bèn chỉ bóng mình lên vách mà nói: “Cha con đấy”. Lẽ tất nhiên là khi người vợ ngồi xuống thì cái bóng cũng ngồi xuống. Người chồng bây giờ mới biết là mình hiểu lầm nhưng đã quá trễ.
Nếu người chồng nói với vợ rằng: “Em ơi, mấy ngày hôm nay anh rất đau khổ. Em hãy nói cho anh biết người đàn ông kia là ai mà đã tới đây mỗi đêm để em cùng nói chuyện và khóc lóc?”. Đây là một việc rất đơn giản. Nếu anh ta hỏi như thế thì người vợ đã có cơ hội để giải thích, thảm kịch không xảy ra và hai vợ chồng đã có thể cùng sống hạnh phúc. Đó là một cách giải quyết trực tiếp nhất. Nhưng người chồng đã không làm như thế vì quá đau khổ và vì tự ái mà không đến với người vợ xin giúp.
Người vợ cũng rất đau khổ vì thái độ của người chồng nhưng đã không yêu cầu chồng mình giúp. Nếu người vợ hỏi chồng vì sao mà anh ta cư xử như thế thì người chồng đã có cơ hội nói cho người vợ biết câu nói của đứa con. Nhưng người vợ đã không hỏi, cũng vì tự ái.
Một nhận thức sai lầm có thể là nguyên nhân của rất nhiều đau khổ. Tất cả chúng ta ai cũng đã có lúc hiểu lầm. Chúng ta sống với nhận thức sai lầm mỗi ngày. Vì vậy ta nên thiền tập và thực tập nhìn sâu vào nhận thức của ta. Với bất cứ nhận thức nào, chúng ta đều phải tự hỏi: “Có chắc nhận thức của ta là đúng hay không?”. Muốn cho an toàn thì phải hỏi.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn có nhận thức sai lầm. Có thể là người kia không có ý làm cho ta đau khổ. Truyền thông trong chánh niệm giúp giảm bớt khổ đau trong khi quan hệ với người khác.
Hòa giải trong gia đình
Sự truyền thông trong gia đình đôi khi cực kỳ khó khăn bởi vì những người chung sống thường có những đau khổ giống nhau và phản ứng trước hoàn cảnh giống nhau. Đau khổ trong gia đình thường là do cha mẹ hay tổ tiên truyền lại cho con cháu. Nếu không hiểu rõ và hòa giải đau khổ của chính mình thì ta sẽ trao truyền đau khổ xuống cho con cháu ta. Cho nên thực tập thiết lập truyền thông tốt đẹp không phải chỉ cho ta và người ta thương mà còn cả cho con cháu ta.
Hiểu được đau khổ của chính ta là hiểu được đau khổ của tổ tiên cha mẹ. Vì không thể xử lý và hóa giải đau khổ của mình, tổ tiên cha mẹ đã truyền những đau khổ của họ xuống cho con cháu. Chúng ta là những người thừa kế đau khổ của tổ tiên cha mẹ.
Khi còn trẻ, nhiều người đã quyết định là sẽ hành xử khác với cha mẹ. Chúng ta tự nghĩ là sẽ không bao giờ làm cho con cái đau khổ. Nhưng khi lớn lên, chúng ta lại hành xử y hệt như cha mẹ. Nhiều người đau khổ vì không biết cách xử lý năng lượng tiếp nhận từ ông bà cha mẹ. Chúng ta đã tiếp nhận không biết bao nhiêu hạt giống tích cực cũng như tiêu cực từ ông bà cha mẹ. Vì không biết cách chuyển hóa, ông bà cha mẹ đã trao truyền tập khí cho con cháu. Sự trao truyền ấy có khi tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Phải ý thức rằng ta là sự tiếp nối của cha mẹ và tổ tiên. Phải thực tập chế tác chánh niệm để có thể ý thức và ôm ấp tập khí bằng năng lượng chánh niệm. Nhờ đó mà năng lượng của tập khí sẽ yếu dần.
Nếu tiếp tục thực tập như thế thì ta sẽ chấm dứt vòng luân hồi. Và như thế không những chính ta được lợi mà con cháu chúng ta cũng được lợi. Chúng ta cũng có thể giúp cho con cháu học cách xử lý năng lượng tập khí và nuôi dưỡng những yếu tố tích cực trong chúng.
Đau khổ do cha mẹ gây nên lúc ta còn nhỏ có lẽ là những đau khổ sâu kín nhất. Chúng ta có thể thù ghét cha mẹ và nghĩ rằng không thể nào hàn gắn với cha mẹ khi cha mẹ còn sống hay đã qua đời. Tuy nhiên, với thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và thực tập nhìn sâu, chúng ta có thể chuyển hóa và phục hồi truyền thông ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất trong gia đình. Nếu người kia cũng tu tập thì sự hòa giải sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên vẫn có thể hòa giải dù người kia không biết tu tập.
Mối liên hệ với cha mẹ hay anh chị em có thể rất mực khó khăn. Có lẽ là vì thương tích lúc nhỏ, vì không được ai lắng nghe cho nên bây giờ họ tiếp tục vòng luẩn quẩn và không còn muốn lắng nghe ai nữa. Không nên đòi hỏi những người trong gia đình phải thay đổi. Một khi anh có thể phát triển năng lượng hiểu biết và thương yêu trong anh thì hòa giải trong gia đình có thể bắt đầu.
Tôi vẫn còn nhớ trong khóa tu tại Oldenburg, miền Bắc Đức quốc. Vào ngày thứ tư của khóa tu, tôi đã ra thời hạn chót cho mọi thiền sinh là trước 12 giờ khuya ngày hôm đó, nếu có ai đang gặp khó khăn trong mối quan hệ với một người nào thì phải tìm cách hòa giải ngay. Ngày hôm sau, một thiền sinh đã đến và nói với tôi: “Tôi giận cha tôi đã nhiều năm nay. Tôi không muốn nhìn mặt ông ta nữa. Ngay tối hôm qua, khi gọi điện thoại về cho cha tôi, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ có đủ bình tĩnh để nói chuyện với ông ấy!”. Thế mà khi vị thiền sinh ấy nghe tiếng nói của người cha, anh ta đã sử dụng lời ái ngữ một cách tự nhiên, không cố gắng. Anh ta nói: “Con biết là ba đã đau khổ trong nhiều năm qua. Con xin lỗi. Con biết là con đã hành động, đã nói lên những điều không hay không phải. Con không cố ý làm cho ba đau khổ”. Người cha khi nghe tiếng nói đầy thương yêu của con trai mình, đã nói cho anh biết những đau khổ và khó khăn của mình. Đây là lần đầu tiên cha anh bộc lộ tâm tư của mình với con như thế.
Luôn luôn có thể hòa giải. Anh có thể tìm ra giải pháp cho những khó khăn trong khi liên hệ. Anh không cần để cho những khó khăn gây đau khổ tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác.
Bước thứ nhất là thực tập hơi thở, bước chân chánh niệm, thực tập chánh niệm với mỗi hoạt động trong ngày để có đủ vững chãi mà trở về với mình, để lắng nghe niềm đau nỗi khổ và nhìn sâu vào tính chất niềm đau nỗi khổ của chính mình. Nếu không biết lắng nghe niềm đau nỗi khổ của chính mình thì không có hy vọng gì để có thể cải thiện phẩm chất của mối liên hệ. Nhờ chánh niệm mà thương yêu biểu hiện và ta có thể chấp nhận ta. Và rồi ta sẽ có thể nhìn vào những người khác. Mặc dù có thể người kia không có mặt tại đó, ta vẫn có thể nhắm mắt lại và nhìn rõ những khổ đau mà người kia đã chịu đựng qua bao năm tháng. Nếu anh đã có thể nhận biết người kia đang đau khổ thì anh có thể tìm ra lý do vì sao người ấy đau khổ. Anh không còn giận người ấy nữa. Tâm anh sẽ tràn đầy yêu thương và anh sẽ bình tĩnh hơn mà phát tâm muốn nói một điều gì hay làm một việc gì để giúp người kia bớt đau khổ. Và anh sẽ có cơ hội hòa giải.
Truyền thông trong quan hệ lâu dài
Trong trường hợp của những mối quan hệ lâu dài, ví dụ như trong một gia đình, chúng ta thường có ý nghĩ rằng khó mà có sự thay đổi. Chúng ta nghĩ rằng đáng lẽ người kia phải thay đổi nhưng không thay đổi và chúng ta bỏ cuộc. Nhưng chúng ta cần chấm dứt mọi phán xét và trở về truyền thông với chính mình. Nếu chờ cha mẹ hay người bạn đường thay đổi thì biết tới bao giờ? Cách hay nhất là ta phải tự mình thay đổi trước đã. Không nên đòi hỏi, ép buộc người khác phải thay đổi. Mặc dù cần phải mất rất nhiều thời gian, ta sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn khi nhận thấy mình đã làm chủ được mình, và đã hành xử một cách tốt đẹp nhất.
Đôi khi vì một ai đã làm ta bực mình mà ta muốn mở lời trách móc. Nếu ta hấp tấp trách mắng thì người kia cũng sẽ bực mình và cả hai, ta và người ấy, đều bực mình, đều trở nên khó chịu. Trời xanh, hoa thắm đều như tan biến. Chỉ còn hai khối giận sáp mặt. Đây là một trường hợp “leo thang xung đột, leo thang khổ đau”. Trong trường hợp này, ta phải tìm cách thoát ra khỏi tình huống đau khổ, trở về với mình, tìm lại bình an cho đến khi cảm thấy có đủ khả năng để giải quyết khó khăn trong thương yêu.
Chỉ khi đã cảm thấy bình tĩnh ta mới mời người kia nói chuyện. Ta có thể xin lỗi là đã không hiểu rõ người ấy nhiều hơn. Ta chỉ nói những lời ấy khi đã sẵn sàng. Rồi ta lắng nghe sâu sắc người ấy mặc dù người ấy than vãn, trách móc hay nói lời cay đắng. Ta có thể khám phá ra rằng người ấy đã có nhiều nhận thức sai lầm về ta và về sự việc đã xảy ra nhưng ta đừng ngắt lời họ. Hãy để cho họ nói. Hãy để cho người ấy nói ra hết tâm tư của mình và có cảm tưởng là ta đã nghe và đã hiểu. Ta tiếp tục theo dõi hơi thở trong khi người ấy nói. Ta sẽ tìm cách giải tỏa hiểu lầm, bằng phương tiện thiện xảo, thương yêu, và từ từ thông cảm sẽ được hồi phục.
Nếu ai đó nói ra một điều không đúng sự thật thì ta đừng ngắt lời người ấy: “Không, không, tôi đâu có ý ấy!”. Hãy để cho người ấy nói ra khó khăn của mình. Nếu ta ngắt lời thì người ấy sẽ không còn ý muốn nói và sẽ không nói hết ra những gì cần nói. Ta có dư thì giờ. Có thể ta cần bỏ ra nhiều ngày quán chiếu sâu sắc để có thể nói một cách khéo léo cho người kia biết nhận thức sai lầm của mình, khi người ấy sẵn sàng nghe ta. Ta và người ấy có thể giận nhau nhiều năm tháng chỉ vì một lý do nào đó và ta đã bị kẹt trong tình huống đó và không thể thay đổi hoàn cảnh. Nếu bạn có thể hiểu người ấy một cách sâu sắc thì bạn có thể hòa giải. Thương yêu, ái ngữ, và lắng nghe sâu là những phương tiện hữu hiệu nhất để tái lập truyền thông. Nếu ta biết tìm hiểu và biết tự chuyển hóa thì ta có thể giúp người ta thương.
Đôi khi, ta ở trong một môi trường không mấy lành mạnh và ta không có không gian để truyền thông với chính mình. Đôi khi ta phải thay đổi môi trường chung quanh ta. Đôi khi ta nghĩ rằng cắt đứt quan hệ hay ly dị là giải pháp duy nhất. Điều ấy có thể xảy ra trong một tình huống đầy bạo động và áp bức. Cho nên ta cần có một môi trường mà ta cảm thấy được bình an, không bị đe dọa. Nhưng trong một quan hệ mà cả hai người đều thương yêu nhau, không muốn gây hại cho nhau mà không biết làm sao để truyền thông thì có thể có những giải pháp khác. Có nhiều người cho rằng ly dị là một giải pháp. Nhưng sau khi đã cùng nhau ký vào tờ ly dị, họ tiếp tục đau khổ. Nếu hai người còn có con cái, tiền bạc, tài sản thì cả hai còn phải vương vấn nhiều năm. Ta không thể tách rời người kia ra khỏi ta. Ta không thể tách rời ta ra khỏi người kia. Đau khổ vẫn triền miên. Vậy thì vấn đề không phải là ta và người thương của ta có nên tiếp tục chung sống với nhau hay không. Vấn đề là hai bên có thể tìm hiểu nhau, có thể sử dụng ái ngữ, lắng nghe, mặc dù cơ sự xảy ra như thế nào đi nữa.
Thông cảm trong những hoàn cảnh khó khăn
Truyền thông với tâm thương yêu là một phương pháp vô cùng hữu hiệu để thiết lập thông cảm và mở lối thay đổi. Truyền thông với tâm thương yêu có thể giúp ích khi mà mọi người đều nghĩ là không thể nào có quan hệ và truyền thông, khi cả hai bên đều đầy giận dữ và sợ hãi.
Tôi đã chứng kiến điều này khi hai phái đoàn thiền sinh Do Thái và Palestine đến tham dự một khóa tu tại Làng Mai. Những ngày đầu của khóa tu thật khó khăn. Khởi đầu cả hai nhóm đều đầy lo sợ, hờn giận, và nghi kỵ. Họ không muốn nhìn mặt nhau. Họ nghi ngờ nhau quá đỗi. Họ không cảm thấy thoải mái khi nhìn nhau bởi vì họ đã quá đau khổ và nghĩ rằng những người phía bên kia đã gây nên đau khổ cho họ. Trong tuần lễ đầu, chúng tôi chỉ chú trọng vào việc thực tập truyền thông với chính mình. Cả hai nhóm đều thực tập hơi thở chánh niệm, chấm dứt suy nghĩ liên miên và lắng nghe thân tâm.
Phải chờ đến tuần lễ thứ hai, chúng tôi mới khuyến khích hai nhóm truyền thông với tâm thương yêu, thực tập lắng nghe và sử dụng ái ngữ. Mỗi người của mỗi nhóm được yêu cầu sử dụng lời nói sao cho phía bên kia, người lớn cũng như trẻ em, hiểu rõ những khổ đau mà họ đã trải nghiệm. Họ sẽ nói cho nhau nghe hết tất cả những khổ cực mà họ đã chịu đựng trong quá khứ. Nhưng họ phải sử dụng lời lẽ tươi mát, êm đẹp và sẽ không trách móc hay lên án.
Chúng tôi khuyên những người ngồi nghe sẽ nghe với tâm thương yêu. Nếu nghe một điều gì sai lạc, họ sẽ cố gắng không cắt đứt hay cải chính bởi vì họ sẽ có cơ hội và nhiều thì giờ để cho nhóm kia sửa đổi nhận thức sai lầm. Khi một bên đã lắng nghe bên kia thì họ bỗng khám phá ra rằng phía bên kia cũng đã đau khổ như họ mặc dù hoàn cảnh có khác nhau. Đây có lẽ là lần đầu nhiều người của nhóm này nhận ra rằng những người trong nhóm bên kia cũng là những con người như họ, cũng đã đau khổ như họ.
Một khi đã thấu hiểu niềm đau nỗi khổ của người khác thì chúng ta phát lòng thương và không còn sợ hãi, ghét bỏ người ấy được nữa. Ta có thể nhìn người ấy bằng con mắt khác. Và khi người ấy thấy được ánh mắt thương yêu, bao dung của ta thì lập tức sẽ bớt đau khổ.
Những buổi họp mặt của hai nhóm đã được tổ chức thế nào để mỗi nhóm có đủ thì giờ lắng nghe và giãi bày khổ đau của mình. Trong những buổi họp mặt ấy, một vài thầy cô, các vị xuất sĩ của Làng, không phải là người Do Thái hay Palestine, đã đến và cùng ngồi yên, cùng thở để hỗ trợ. Chúng tôi thực tập hơi thở chánh niệm và cống hiến năng lượng tập thể, giúp cho hai bên lắng nghe với sự hiện diện của các thầy cô rất quan trọng. Họ đã tạo nên năng lượng tập thể để hỗ trợ cho sự truyền thông và đối thoại trong chánh niệm giữa hai nhóm.
Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng có thể thực tập như thế cho chúng ta hay cho bất cứ hai nhóm nào đang bị chia rẽ. Đôi khi những người Ấn sợ những người Hồi và người Hồi cũng sợ người Ấn. Hoặc là người theo Hồi giáo sợ những người theo Kitô giáo và ngược lại. Họ luôn luôn nghĩ rằng phe bên kia đe dọa an ninh và nếp sống truyền thống của họ.
Điều đầu tiên là quán chiếu sâu sắc để thấy rằng không phải chỉ có chúng ta đang đau khổ mà những người của phía bên kia cũng đang đau khổ như ta. Mới đầu chúng ta nghĩ rằng chỉ có chúng ta là những người bị đau khổ, bị sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta có dịp gần gũi và quan sát thì chúng ta sẽ thấy những người kia cũng đang sợ hãi, sợ hãi như chúng ta và đau khổ như chúng ta. Khi thấy được như thế thì chúng ta sẽ bớt đau khổ ngay. Khi chúng ta có thể phát tâm yêu thương thì tâm yêu thương ấy sẽ chữa trị chúng ta, chữa trị người kia và chữa trị cả thế giới.
Đàm phán hòa bình
Tôi cho rằng những người trong chính quyền có trách nhiệm tổ chức các cuộc hòa đàm sẽ thành công hơn nếu họ tổ chức đàm phán như chúng tôi, nghĩa là tổ chức những cuộc họp mặt chú trọng lắng nghe và ái ngữ. Khi hai bên họp lại để đàm phán, họ không nên bắt đầu ngay vào việc đàm phán. Mỗi phía đều đang chìm đắm trong nghi ngờ, hờn giận và sợ hãi. Nếu còn nhiều cảm xúc nặng nề như thế thì khó mà đàm phán. Khởi đầu của cuộc đàm phán là để dành riêng cho việc thực tập hơi thở, bước chân chánh niệm, thực tập thiền tọa, thư giãn. Khi đó, cả hai bên mới sẵn sàng lắng nghe nhau và có ý muốn cũng như khả năng tìm hiểu nhau như là nền tảng cho một cuộc đàm phán có hy vọng thành công.
Nếu không khí trong khi đàm phán trở nên quá căng thẳng thì vị chủ tọa nên khuyên mọi người tạm ngưng và theo dõi hơi thở để lấy lại bình tĩnh. Ngay khi có một người đang trình bày ý kiến của mình, những người khác cũng nên dừng lại và cùng theo dõi hơi thở.
Khi tôi đến nói chuyện với một nhóm dân biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ, tôi đã đề nghị một phương pháp tương tự. Chúng tôi đã tổ chức một buổi thiền tập và cùng nhau thực tập chánh niệm. Đó là nhiều năm về trước, nhưng cho đến bây giờ, một vài dân biểu tại Quốc hội vẫn còn thực tập đi trong chánh niệm. Đưa truyền thông với tâm yêu thương và sử dụng ái ngữ vào sinh hoạt chính trị là một việc có thể làm được và rất có ích.
Không có nơi nào, không có lúc nào mà không thể áp dụng truyền thông với tâm thương yêu và sử dụng ái ngữ. Không cần phải chờ tới một cơ hội đặc biệt nào cả. Có thể áp dụng cho mọi trường hợp và đem lại lợi ích. Nếu hành xử như thế hôm nay thì chúng ta có thể hàn gắn những đổ vỡ của quá khứ nhờ cảm thông, tuệ giác và chữa trị cho chúng ta, cho gia đình cũng như cộng đồng của chúng ta.