Thực tập
Chuông chánh niệm
Nhiều khi sử dụng máy vi tính, chúng ta mải say mê công việc, và quên trở về tiếp xúc với chính mình. Hoặc khi nói chuyện, chúng ta không chú tâm mà chỉ mải mê tán hươu tán vượn, chỉ trích này nọ, than vãn đủ điều, nói lời thiếu chánh niệm.
Chúng ta có thể cài đặt vào máy vi tính một ứng dụng để cứ 10–15 phút phát lên một tiếng chuông giúp ta có cơ hội tạm dừng và trở về với chính mình. Ba hơi thở khi đó là đủ để giải tỏa căng thẳng, và tiếp tục làm việc với nụ cười trên môi.
Uống trà trong chánh niệm
Uống trà là một cơ hội tuyệt vời để có thì giờ trở về truyền thông với chính mình. Khi tôi uống trà, tôi chỉ uống trà. Tôi không phải suy nghĩ gì. Tôi ngưng mọi suy nghĩ khi uống trà. Khi ngưng suy nghĩ tôi có thể để tâm vào chén trà. Chỉ có trà và chỉ có tôi. Tôi không cần một máy điện thoại để nói chuyện với trà. Quả vậy, vì tôi không phải sử dụng điện thoại cho nên tôi có thể tiếp xúc với trà. Chỉ cần thở vào một hơi thở và tôi ý thức hơi thở của tôi có đó, cơ thể tôi có đó và ý thức tách trà có đó.
Dành thì giờ để uống một tách trà là một điều tuyệt vời. Trong nhà thiền đạo Bụt chúng ta không sử dụng mệnh lệnh nghiêm khắc, chớp nhoáng nhưng câu “Uống trà đi!” là một mệnh lệnh của thiền gia, đưa ta trở về nhà. Đừng suy nghĩ gì nữa cả. Ngồi yên đó, thân và tâm hợp nhất. Về với bây giờ và ở đây. Bạn đang có thật. Bạn không phải là một bóng ma. Bạn có đó. Bạn biết rõ việc đang xảy ra. Việc đang xảy ra là bạn đang có một tách trà trong lòng bàn tay.
Lắng nghe em bé trong ta
Chúng ta ai cũng có một em bé bị thương tích cần được chăm sóc và thương yêu. Nhưng ta xa lánh em bé bị thương tích trong ta bởi vì ta không muốn đau khổ. Vậy thì đã lắng nghe những người khác với tâm thương yêu, ta còn phải lắng nghe em bé bị thương tích trong ta. Em bé cần sự chú ý của ta. Hãy tìm dịp mà trở về với em, ôm ấp em bé thương tích. Hãy nói với em những lời yêu thương: “Em thương, ta đã bỏ em một mình. Ta đã xa rời em lâu lắm. Ta xin lỗi. Bây giờ ta trở về để săn sóc, để trở về với em. Ta biết rằng em đã đau khổ biết chừng nào, nhưng mà ta đã bỏ quên em. Nhưng bây giờ, ta đã học cách chăm sóc em. Ta đã về đây với em!”. Nếu được thì bạn hãy khóc với em bé bị thương tích trong bạn. “Thở vào, tôi trở về với em bé bị thương tích trong tôi. Thở ra, tôi chăm sóc em bé bị thương tích trong tôi.” Khi đi dạo, bạn hãy nắm lấy tay em bé cùng đi. Hãy nói chuyện với em bé trong bạn nhiều lần trong ngày để có thể chữa trị em. Em bé trong bạn đã mang thương tích quá lâu, bạn phải bắt đầu thực tập chăm sóc em ngay bây giờ. Mỗi ngày hãy trở về với em bé trong bạn, lắng nghe em năm hay mười phút. Và nhờ đó mà em bé sẽ được chữa lành.
Em bé thương tích trong ta không phải chỉ là ta. Em bé ấy có thể mang trong mình nhiều thế hệ tổ tiên. Cha mẹ, ông bà ta đã từng đau khổ nhưng không biết chăm sóc em bé thương tích trong mình và đã trao truyền em bé thương tích ấy cho ta. Cho nên khi ta ôm ấp em bé thương tích trong ta là ta cũng ôm ấp tất cả các em bé thương tích của những thế hệ đã qua. Sự thực tập không chỉ đem lợi lạc đến cho ta mà còn giải phóng cho biết bao thế hệ tổ tiên và con cháu. Sự thực tập ấy sẽ chấm dứt vòng luân hồi.
Viết một bức thư tình
Nếu bạn gặp khó khăn với một ai trong đời thì bạn có thể ngồi yên một mình trong chốc lát và viết cho người ấy một bức thư với tất cả chân tình. Bạn có thể viết bức thư cho một người mà bạn gặp hằng ngày hay một người mà đã lâu lắm bạn không gặp, hay cả cho một người đã quá vãng. Không bao giờ là quá trễ để tạo lại bình an và chữa trị cho một mối quan hệ tình cảm. Ngay cả khi bạn không thể gặp lại người ấy, bạn cũng có thể tạo hòa giải bên trong mình và chữa trị mối thâm tình.
Hãy dành vài giờ để viết một bức thư với lời yêu thương. Trong khi viết thư, bạn sẽ cố gắng nhìn sâu vào tình trạng của mối quan hệ tình cảm của bạn. Vì sao bạn đã gặp khó khăn? Vì sao bạn không còn hạnh phúc?
Và đây là một bức thư tình để làm ví dụ:
“Người thương ơi!
Anh biết rằng em đã đau khổ nhiều năm qua nhưng anh không biết cách để giúp em. Trái lại, anh đã làm cho tình trạng thêm tồi tệ. Anh không cố ý làm cho em đau khổ. Có thể là vì anh thiếu khéo léo. Có thể là anh đã muốn áp đặt ý muốn của anh. Trong quá khứ, anh đã nghĩ rằng em làm cho anh khổ. Bây giờ thì anh biết anh là người có trách nhiệm gây nên khổ đau cho chính anh. Anh xin hứa sẽ không nói hay làm gì có thể làm cho em đau khổ. Em hãy nói cho anh nghe tất cả tâm tư của em. Anh cần em giúp đỡ. Anh không thể một mình mà có thể làm được những gì anh đã hứa với em.”
Bạn không thiệt thòi gì cả khi viết bức thư ấy. Bạn có thể quyết định là không gửi bức thư ấy đi. Nhưng bạn sẽ khám phá ra rằng khi viết thư xong, bạn sẽ không còn như bạn khi chưa viết thư. Bình an, hiểu biết, và thương yêu đã thay đổi bạn.
Hiệp ước sống chung an lạc và thiệp mời hòa giải
Hiệp ước sống chung an lạc và thiệp mời hòa giải là hai phương pháp giúp giải trừ hờn giận, xích mích. Hiệp ước sống chung an lạc cũng còn ngăn ngừa chúng ta nói ra những lời lẽ xúc phạm hay những hành động thiếu tế nhị. Khi ký vào một bản hiệp ước sống chung an lạc, ta tạo an lạc không chỉ cho người khác mà cho cả chính ta.
Bạn có thể sử dụng hiệp ước sống chung an lạc khi cảm thấy bị xúc phạm vì một lời nói hay một hành động của một ai. Bạn có thể in ra một tờ của bản hiệp ước và cất sẵn để khi cần dùng đến. Bạn có thể dùng bản hiệp ước ấy thay vì sử dụng Câu thần chú thứ tư (xem trang 90).
Nếu một ai có hành động làm cho ta đau khổ thì ta có thể nói với người ấy, “Anh đã làm cho tôi đau khổ. Tôi sẽ quán chiếu sâu sắc việc ấy và tôi cũng mong anh sẽ quán chiếu sâu sắc việc ấy. Hãy hẹn nhau gặp gỡ một ngày nào đó trong tuần tới để cùng nhau nhìn lại sự việc”. Một người tìm hiểu gốc rễ của khổ đau là tốt. Hai người tìm hiểu gốc rễ của khổ đau thì tốt hơn. Tốt nhất là hai người cùng nhau tìm hiểu khổ đau.
Chúng ta nên đợi vài ngày trước khi sử dụng hiệp ước hay thiệp mời. Bạn đang buồn giận, nếu bắt tay vào việc bàn cãi ngay bây giờ có thể là nguy hiểm vì bạn có thể nói những lời làm cho tình trạng trở nên tệ hơn. Bạn hẹn một tối nào đó. Từ đây đến đó, bạn có thì giờ để quán chiếu niềm đau nỗi khổ của mình. Trong khi ấy người kia cũng có thì giờ quán chiếu như bạn. Trước ngày hẹn có thể bạn hay người kia đã tìm ra nguyên nhân của vấn đề và có thể nói cho nhau biết và xin lỗi. Và tối hẹn đó bạn và người kia chỉ cần ngồi thưởng thức một chén trà với nhau.
Nếu đến tối hẹn gặp nhau mà đau khổ của bạnhay người kia vẫn chưa được giải tỏa thì một người sẽ nói ra hết nỗi khổ của mình và người kia chỉ ngồi chăm chú lắng nghe. Khi nói thì nên sử dụng ái ngữ để nói ra sự thật, những sự việc thực sự đã xảy ra. Hãy nói sao cho người kia có thể chấp nhận. Khi nghe phải lắng nghe sao cho người kia giải tỏa được khổ đau. Nếu bạn sắp xếp gặp nhau vào tối thứ sáu thì bạn và người kia sẽ có cả hai ngày cuối tuần để cùng vui sau khi hòa giải.
Hiệp ước sống chung an lạc
Để sống chung với nhau hạnh phúc lâu dài, để tiếp tục xây dựng tình thương và sự hiểu biết, chúng con, những người ký tên dưới đây, xin nguyện cam kết và thực tập đúng theo những điều khoản sau đây:
Người đang chịu đau khổ vì sự giận hờn:
- Không nói hoặc làm bất cứ điều gì có thể tạo thêm đổ vỡ và làm cho cái giận của hai bên lớn thêm.
- Không đè nén cái giận xuống, không đàn áp sự giận hờn của mình.
- Nắm lấy hơi thở, thực tập hơi thở chánh niệm, quay về nương tựa hải đảo tự thân.
- Cho người kia biết một cách bình tĩnh là mình đang giận và đang khổ, trong thời hạn tối đa là 24 tiếng đồng hồ.
- Bình tĩnh xin hẹn gặp người kia vào tối thứ sáu để cùng nhìn lại vấn đề cho rõ.
- Nếu chưa được bình tĩnh để có thể nói thẳng thì có thể điền vào mẫu giấy báo tin (gọi là giấy hẹn, mẫu đính kèm theo đây) và đưa cho người kia.
- Đừng tự ái nói “Tôi đâu có giận – có sao đâu – tôi có khổ gì đâu – có gì đâu mà giận – không có gì đáng cho tôi giận”.
- Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, lái xe hoặc làm việc, thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu sắc để thấy:
- Đôi lúc tôi cũng thiếu chánh niệm, thiếu khéo léo.
- Tôi đã làm cho người kia buồn khổ nhiều lần vì tập khí của tôi.
- Hạt giống của sự giận hờn trong tôi là nguyên nhân chính làm tôi đau khổ.
- Người kia chỉ là người tưới tẩm hạt giống giận hờn trong tôi.
- Người kia cũng đang khổ cho nên mới làm như vậy.
- Chừng nào người kia còn khổ, chừng ấy tôi vẫn chưa có được an toàn và hạnh phúc.
- Nếu thấy được sự vụng về và thiếu chánh niệm của mình, hãy tìm cách xin lỗi người kia ngay, đừng đợi đến chiều thứ sáu.
- Nếu tối thứ sáu mà còn chưa đủ bình tĩnh thì xin dời hẹn đến thứ sáu tuần sau.
Người có trách nhiệm về việc làm người kia giận
- Thấy người kia giận, đừng chế nhạo. Phải tôn trọng cảm thọ của người ấy và để cho người ấy đủ thì giờ lấy lại sự an tịnh.
- Đừng ép người kia phải giãi bày liền về cái giận của người ấy.
- Nói với người kia là mình đã nghe hoặc đã biết rằng người kia giận, bằng lời nói hoặc bằng cách viết trên một mảnh giấy, và hứa với người kia rằng mình sẽ có mặt vào chiều thứ sáu.
- Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, lái xe hoặc làm việc, thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu sắc để thấy:
- Trong tôi cũng có những hạt giống của sự không dễ thương, của sự bực bội và hờn giận.
- Tập khí trong tôi đã có nhiều phen gây ra đau khổ cho người kia.
- Tôi tưởng làm cho người kia khổ thì tôi sẽ bớt khổ, và tôi đã lầm.
- Làm cho người kia khổ, tôi cũng làm cho tôi khổ theo.
- Nếu thấy được sự vụng về và thiếu chánh niệm của mình, hãy tìm cách xin lỗi ngay, đừng chờ tới ngày thứ sáu. Xin lỗi mà đừng tìm cách biện bạch.
Chúng con xin nguyện tuân theo và tinh chuyên thực tập theo những điều khoản của hiệp ước này.
Hiệp ước làm tại
Ngày tháng năm
Các đương sự:
Thiệp hòa giải
Ngày tháng ………………………..
Thân gửi: …………………………..
Sáng/ Chiều/ Ngày hôm nay, anh/ chị đã nói/ làm một lời/ việc làm cho tôi vô cùng tức giận. Tôi muốn anh/ chị biết cho tôi điều đó.
Anh/ Chị đã nói/ làm ……………………………………………
…………………………………………………………………………………
Chiều thứ sáu này, chúng ta nên gặp nhau để xét lại một cách bình tĩnh những gì anh/ chị đã nói/ làm.
Một người hiện đang đau khổ:
(Ký tên) ……………………………………………………………………
Làm mới
Một phép thực tập rất có ích để giải tỏa khó khăn, buồn phiền giữa hai phía là Làm Mới. Làm Mới là cơ hội để nhìn sâu và thành thực – về những gì mình đã nghĩ, đã nói và đã làm – để bắt đầu một giai đoạn mới với chính mình hay với người khác mà ta đã gặp khó khăn.
Làm Mới cũng là cơ hội trau dồi ái ngữ và lắng nghe với tâm yêu thương bằng cách ghi nhận những gì tốt đẹp nơi người khác và tỏ lòng khâm phục. Ghi nhận những gì tích cực, tốt đẹp nơi ai khác cũng là cơ hội khám phá những gì tích cực, tốt đẹp nơi mình. Ngoài những yếu tố tích cực chúng ta cũng có những yếu tố tiêu cực, những yếu kém, ví dụ nói lời ác độc khi giận dữ hay có nhiều nhận thức sai lầm. Cũng như khi chăm sóc một khu vườn, chúng ta “tưới hoa”, những đóa hoa của từ bi, yêu thương, đồng thời cũng làm sạch những đám cỏ của hờn giận, ganh tị, hiểu lầm.
Chúng ta có thể thực tập làm mới mỗi ngày bằng cách bày tỏ khen ngợi những người thân thương và lập tức xin lỗi mỗi khi ta nói ra điều gì xúc phạm người khác. Chúng ta cũng có thể cho người khác biết, bằng những lời lẽ dịu dàng, khi ta bị người khác gây đau khổ.
Một buổi Làm Mới chính thức hơn có thể được tổ chức hằng tuần trong gia đình hay nơi sở làm. Làm Mới chính thức gồm có ba phần: tưới hoa, bày tỏ sự hối tiếc và nói lên những lý do gây nên buồn giận, khó khăn. Phép thực tập Làm Mới này có thể ngăn ngừa các cảm thọ buồn giận dồn chứa tuần này sang tuần khác và tạo nên môi trường an lành trong sở làm hay trong gia đình.
Tưới hoa là giai đoạn đầu của phép Làm Mới. Làm Mới tức là bày tỏ lòng cảm mộ đối với người trong sở làm hay trong gia đình. Mỗi người sẽ chờ cho tới lúc tâm tư sẵn sàng sẽ thay phiên bày tỏ tâm tình. Những người khác sẽ lắng nghe mà không phản ứng. Người nói có thể cầm trên tay một cành hoa hay bình hoa trước mặt tượng trưng cho phong thái tươi mát. Trong giai đoạn “tưới hoa”, người nói sẽ nhắc đến những đức tính tốt đẹp, hoàn thiện của những người hiện diện. Đây không phải là nói nịnh. Cần phải nói sự thật. Ai cũng có ưu điểm mà mọi người đều thừa nhận. Không ai có thể ngắt lời người đang nói. Ai cũng có đủ thì giờ để thổ lộ những điều mình muốn nói ra và tất cả đều thực tập lắng nghe sâu. Sau khi nói xong, người ấy sẽ kính cẩn trả lại bình hoa vào giữa.
Không nên coi thường giai đoạn đầu “tưới hoa” này. Khi mà ta đã thành thật ca tụng những ưu điểm của một ai thì ta khó mà giữ mãi buồn giận đối với người ấy. Tâm ta sẽ dịu lại, tầm mắt ta sẽ rộng rãi hơn, bao dung hơn.
Trong giai đoạn thứ hai của phép thực tập Làm Mới, ta sẽ nói ra những gì mà người kia đã làm ta buồn giận. Ái ngữ rất quan trọng trong giai đoạn này. Ta muốn cho không khí trong gia đình hay trong sở làm được an lành trở lại. Ta sẽ thẳng thắn trình bày nhưng ta không muốn gây đổ vỡ. Nói cho một số đông đang lắng nghe ta chăm chú thì lời nói của ta sẽ tươi mát hơn, xây dựng hơn. Ta sẽ không bao giờ trách móc hay tranh cãi.
Trong giai đoạn cuối của phép Làm Mới, điều quan trọng nhất là lắng nghe với tâm thương yêu. Chúng ta nghe một người khác đang nói về khổ đau và khó khăn của họ. Ta mong cho người ấy bớt được niềm đau nỗi khổ mà không có ý phán xét, tranh cãi. Chúng ta lắng nghe hết lòng. Ngay cả khi ta nghe một điều gì không đúng sự thật, chúng ta vẫn tiếp tục chăm chú lắng nghe để cho người kia nói hết khổ đau của mình để có thể giải tỏa căng thẳng, bức xúc trong lòng. Nếu chúng ta trả lời hay cải chính thì phép thực tập sẽ thất bại. Nếu muốn cho người ấy biết điều gì người ấy nói là không đúng sự thật thì nên đợi vài ngày rồi hãy nói và chỉ nói riêng với người ấy một cách bình tĩnh. Và có thể trong lần Làm Mới tiếp theo, người ấy có thể cải chính điều mình đã nói không đúng sự thật. Và ta chỉ cần lắng nghe. Để chấm dứt buổi thực tập Làm Mới, tất cả có thể cùng ngồi với nhau vài phút trong im lặng.
Chỉ cần ngồi lại với nhau để “tưới hoa” cũng đủ mang lại hạnh phúc và gia tăng cảm thông trong gia đình hay sở làm. Không cần theo cho đủ cả ba giai đoạn. Đặc biệt là khi mới bắt đầu thực tập Làm Mới, nên để dành nhiều thì giờ cho giai đoạn “tưới hoa”. Lâu lâu sau đó ta có thể thêm vào giai đoạn hai và giai đoạn ba, khi mọi người đều đã thêm tin tưởng. Và khi đó đừng bỏ qua giai đoạn thứ nhất. Bày tỏ lòng biết ơn là cách hay nhất để xây dựng mối quan hệ thân thương và bền vững.
Miếng bánh trong tủ lạnh
Ta có thể sử dụng một miếng bánh để làm đẹp mối liên hệ. Bạn không cần phải làm ra miếng bánh, không cần phải có sẵn một miếng bánh. Đây là một miếng bánh đặc biệt không bột, không đường. Một miếng bánh ăn hoài không hết. Ta gọi đó là “miếng bánh trong tủ lạnh”.
Thực tập này được sử dụng trước hết là cho các em bé gặp khi cha mẹ cãi nhau, nhưng người lớn cũng có thể dùng được. Khi mà không khí trở nên nặng nề, khó chịu và có một người hình như bị mất bình tĩnh thì bạn có thể sử dụng thực tập chiếc bánh này để tái lập bình an.
Trước hết, bạn hãy thở vào, thở ra ba hơi để lấy can đảm. Sau đó, quay lại với người hình như sắp nổi giận và làm như mình đang quên một vật gì. Khi người kia hỏi bạn đã quên gì thì bạn hãy nói: “Tôi nhớ ra là mình có một miếng bánh trong tủ lạnh”.
Nói câu “Có miếng bánh trong tủ lạnh” là hàm ý “Xin đừng làm cho nhau buồn phiền nữa”. Nghe câu nói, người kia có thể hiểu ý. Có thể là người kia sẽ nhìn bạn và trả lời, “Đúng rồi, để tôi đi lấy bánh”. Đây là một cách để thoát ra khỏi một tình huống nguy hiểm một cách tự nhiên. Người đang giận sẽ có cơ hội rút ra khỏi sự tranh chấp mà không gây thêm căng thẳng.
Người ấy sẽ đi tới tủ lạnh để lấy ra miếng bánh và pha trà trong khi theo dõi hơi thở. Nếu trong tủ lạnh thật sự không có bánh thì một trái cây hay món gì khác cũng được. Trong khi dọn bánh, pha trà, người ấy sẽ có dịp thở và mỉm cười, sẽ có cơ hội thư giãn thân tâm. Trong khi người ấy dọn bánh, pha trà thì bạn sẽ ngồi yên theo dõi hơi thở chánh niệm. Dần dần không khí sẽ lắng dịu. Sau khi dọn bánh và trà ra, tất cả mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ bánh và trà trong một bầu không khí đầy hiểu biết, cảm thông. Nếu người kia ngần ngại, bạn có thể nhẹ nhàng mời ép, “Hãy đến cùng thưởng thức miếng bánh với tôi”.
Thiền ôm
Trong khi truyền thông, đôi khi không cần phải sử dụng lời nói. Khi ôm nhau, chúng ta gần lại với nhau, tim trong tim. Ôm trong chánh niệm và chú tâm có thể đem lại hòa giải, chữa trị, thông cảm và rất nhiều hạnh phúc.
Bạn có thể thực tập thiền ôm với bạn bè, với con cái, cha mẹ hay vợ chồng. Có thể thực tập ngay cả với một thân cây. Trước hết phải chắp tay vái nhẹ để ghi nhận sự có mặt của người mình sắp ôm. Nhắm mắt lại, thở vào một hơi thở sâu và quán tưởng bạn và người ấy ba trăm năm về sau. Thở ba hơi thở có ý thức để thực sự có mặt và nói thầm: “Thở vào, tôi biết sự sống vô cùng quý báu trong giây phút này. Thở ra, tôi trân quý giây phút này của sự sống”.
Mỉm cười với người trước mặt bạn, ngầm ngỏ ý bạn muốn ôm người ấy. Đây là một thực tập đầy nghi lễ, khi thân và tâm bạn hợp nhất, bạn sẽ hoàn toàn có mặt, đầy sự sống. Đây thực sự là một nghi lễ.
Khi tôi uống một tách trà, tôi để hết một trăm phần trăm vào việc uống trà. Hãy nên thực tập như thế khi bạn làm bất cứ gì việc trong ngày. Thiền ôm là một thực tập rất sâu sắc.
Muốn thực tập cho đúng thì phải hoàn toàn có mặt. Rồi bạn dang hai tay bắt đầu ôm và cùng với người kia thở ba hơi thở vào ra. Với hơi thở thứ nhất, bạn ý thức bạn đang thực sự có mặt và bạn rất hạnh phúc. Với hơi thở thứ hai, bạn ý thức người mà bạn đang ôm cũng đang thực sự có mặt và cũng rất hạnh phúc. Với hơi thở thứ ba, bạn ý thức cùng với người kia có mặt bên nhau và cảm thấy vô cùng biết ơn. Sau đó, bạn và người kia cùng buông tay chắp tay xá nhau. Bạn cũng có thể thực tập theo cách sau đây: Với hơi thở thứ nhất, bạn ý thức bạn với người kia cùng có mặt và còn sống bên nhau. Với hơi thở thứ hai, hãy tưởng tượng bạn và người kia trong một trăm năm nữa và với hơi thở thứ ba, hãy ý thức bạn và người kia vẫn đang còn sống với nhau. Thực tập sâu sắc có thể giúp hòa giải khó khăn. Trong khi ôm một người trong im lặng, bạn đã gửi đi một thông điệp rõ ràng, “Người thương ơi. Người vô cùng đáng quý cho tôi. Tôi xin lỗi vì đã không có chánh niệm, không đủ tế nhị và đã có lỗi. Hãy cho tôi cơ hội để làm mới”. Với thông điệp đó, sự sống sẽ tỏa rạng hiện tiền. Các kiến trúc sư nên thiết kế để cho các trạm hàng không, các trạm xe, tàu có chỗ đủ để cho hành khách thực tập thiền ôm. Thực tập càng sâu sắc, hạnh phúc càng tỏa sáng.