Tương tức
Sự gặp gỡ giữa đạo Bụt và Tây phương rất quan trọng và lý thú. Xã hội Tây phương có những giá trị đáng kể như tinh thần dân chủ, tự do nhận thức và cách nhìn nhận vấn đề rất khoa học. Sự gặp gỡ giữa đạo Bụt và những giá trị này đã cống hiến cho nhân loại nhiều điều rất mới mẻ và thú vị. Chúng ta hãy nhìn vào vài ví dụ điển hình. Máy in được phát minh ra ở Trung Quốc và loại dây thép chuyển động (movable metal type) được phát minh ở Hàn Quốc, nhưng khi người Tây phương bắt đầu sử dụng thì nó trở thành một phương tiện truyền thông quan trọng. Thuốc súng (Gun power) được người Trung Quốc khám phá nhưng nó đã làm thay đổi bộ mặt của Trái đất khi người Tây phương bắt đầu sản xuất rộng lớn. Cây trà được người châu Á khám phá ra nhưng khi đưa qua Tây phương thì nó trở thành trà túi lọc (tea bags). Khi kết hợp với cách nhìn và sáng tạo của Tây phương thì nguyên lý bất nhị của đạo Bụt sẽ làm thay đổi toàn bộ cách sống của chúng ta. Vai trò của đạo Bụt ở Hoa Kỳ trong việc đưa đạo Bụt vào gặp gỡ nền văn minh Tây phương là rất quan trọng đối với tất cả chúng ta.
Đạo Bụt không phải chỉ có một pháp môn duy nhất mà có rất nhiều pháp môn. Đạo Bụt đi vào một nước nào thì nước đó hình thành nên một đạo Bụt mới. Lần đầu tiên viếng thăm tăng thân Phật giáo ở nước này (nước Mỹ) tôi nói với một người bạn: “Xin bạn hãy chỉ cho tôi đức Bụt của bạn, đức Bụt của nước Mỹ bạn”. Câu hỏi của tôi đã làm người bạn ngạc nhiên, bởi vì người đó nghĩ rằng Bụt ở đâu thì chẳng vậy, có khác gì nhau đâu. Kỳ thực, Trung Quốc có Bụt Trung Quốc, Tây Tạng có Bụt Tây Tạng… Và giáo lý cũng vậy, cũng khác nhau. Giáo lý của đạo Bụt nước này khác với giáo lý của đạo Bụt nước khác. Đạo Bụt để được coi là đạo Bụt thì đạo Bụt phải phù hợp và thích ứng với tâm lý, văn hóa của xã hội nơi mà đạo Bụt ấy đang thâm nhập và phụng sự.
Câu hỏi của tôi rất đơn giản: “Bồ tát của các bạn ở đâu? Các bạn hãy chỉ cho tôi một Bồ tát Hoa Kỳ.” Người bạn của tôi không có khả năng làm điều đó. “Hãy chỉ cho tôi một thầy tu Hoa Kỳ, một sư cô Hoa Kỳ, hay một trung tâm đạo Bụt Hoa Kỳ”. Tất cả những điều này chưa biểu hiện. Chúng ta có thể học hỏi từ những truyền thống đạo Bụt khác, nhưng chúng ta cũng nên sáng tạo ra một đạo Bụt cho chính mình. Tôi tin rằng với sự thực tập thâm sâu, các bạn sẽ sớm có được một đạo Bụt cho chính mình. Tôi xin giới thiệu cho các bạn một hình thức đạo Bụt có thể được chấp nhận ở Tây phương. Trong 20 năm qua chúng tôi đã thí nghiệm hình thức đạo Bụt này và thấy phù hợp với xã hội Tây phương. Đó là giới Tiếp Hiện.
Giới Tiếp hiện được hình thành trong chiến tranh Việt Nam. Nó bắt nguồn từ phái thiền Lâm Tế, thuộc thế hệ thứ 42. Đó là hình thức đạo Bụt nhập thế hay còn gọi là đạo Bụt dấn thân – đạo Bụt được ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày, trong xã hội chứ không chỉ có trong tu viện hay trong chùa chiền. Tiếp Hiện là hai từ Hán Việt.
‘Tiếp’ nghĩa là tiếp xúc. Ý niệm đạo Bụt dấn thân cũng đã nằm trong từ tiếp này. Trước hết là tiếp xúc với chính mình. Trong xã hội hiện đại hóa, hầu hết chúng ta không muốn tiếp xúc với tự thân. Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều thứ như tôn giáo, thể thao, chính trị, sách báo… nhưng lại muốn quên đi bản thân mình. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi, ta cũng muốn cho một cái gì đó đi vào trong ta, ví dụ như mở ti vi lên và để những chương trình ti vi đi vào xâm chiếm tâm thức ta. Vì vậy mà ‘Tiếp’ trước hết nghĩa là tiếp xúc với tự thân để tìm ra nguồn tuệ giác, hiểu biết và thương yêu trong mỗi chúng ta. Tiếp xúc với tự thân là ý nghĩa của thiền, là ý thức được những gì đang xảy ra trong thân, tâm và cảm thọ. Đó là ý nghĩa thứ nhất của từ ‘Tiếp’.
‘Tiếp’ cũng có nghĩa là tiếp xúc với các vị Bụt và Bồ tát, những bậc đã giác ngộ, chứa đầy hiểu biết và thương yêu. Tiếp xúc với tự thân là tiếp xúc với nguồn tuệ giác và từ bi ấy. Các em nhỏ cũng hiểu được rằng Bụt ở trong chính tự thân chúng. Một bé trai đã tuyên bố vào ngày đầu tiên của khóa tu ở Ojai – Cali là ‘con là một đức Bụt’. Tôi nói với em rằng điều đó đúng một phần, vì có khi em là Bụt nhưng có khi em không là Bụt. Là Bụt hay không phụ thuộc vào mức độ tỉnh thức nơi em.
Nghĩa thứ hai của từ ‘Tiếp’ là tiếp tục, là kéo dài lâu hơn. Nghĩa là sự nghiệp hiểu biết và thương yêu mà chư Bụt và chư vị Bồ tát đã khởi xướng phải được tiếp tục. Điều này chỉ thực hiện được khi chúng ta tiếp xúc được với tự thân. Cũng giống như khi đào giếng, chúng ta đào sâu xuống đất cho đến khi nào tìm thấy được mạch nước ngầm thì giếng nước sẽ đầy. Khi chúng ta tiếp xúc với tự tâm mình thì nguồn hiểu biết, thương yêu sẽ hiện ra. Đây là nguồn gốc căn bản của mọi vấn đề. Tiếp xúc với tự tâm (chân tâm) để duy trì sự nghiệp của chư Bụt và chư Bồ tát.
‘Hiện’ nghĩa là hiện tại. Chúng ta phải có mặt trong giây phút hiện tại bởi vì chỉ có hiện tại là có thật, chỉ có giây phút hiện tại là ta có thể sống được. Ta thực tập không phải để cho tương lai hay để lên thiên đường, mà thực tập để có bình an, có tình thương và niềm vui sống ngay bây giờ. ‘Hiện’ cũng có nghĩa là hiện thực, là biểu hiện, là chứng nghiệm. Tình thương và sự hiểu biết không phải là những khái niệm mơ hồ hay những lời nói suông mà phải được chứng nghiệm trong tự thân và trong xã hội. Đó là ý nghĩa của từ ‘hiện’.
Rất khó để tìm được từ tiếng Anh hay tiếng Pháp có thể chuyên chở được ý nghĩa của hai từ ‘tiếp hiện’. Trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) có từ Interbeing (Tương tức) chuyên chở được tinh thần này, vì vậy mà ta tạm dịch từ Tiếp hiện là Interbeing. Trong kinh, từ tương tức là một từ ghép, nghĩa là có trong nhau, là nhau. Interbeing là một từ mới trong tiếng Anh, hy vọng nó sẽ được chấp nhận và được đưa vào từ điển. Chúng ta đã nói về cái tất cả trong cái một và cái một chứa đựng cái tất cả. Nhìn vào tờ giấy ta thấy mọi thứ như mây, rừng, người tiều phu… Vì có tôi đây nên có anh đó. Vì có anh đó nên có tôi đây. Đó là ý nghĩa của Tương tức. Chúng ta có trong nhau, là nhau, tương tức nhau. Dòng tu tiếp hiện có hai chúng. Chúng chủ trì và chúng đồng sự. Chúng chủ trì bao gồm những người nguyện thực tập 14 giới Tiếp hiện. Trước khi thọ 14 giới tiếp hiện phải thực tập ít nhất một năm. Ngay sau khi thọ giới, giới tử phải sắp xếp, tổ chức như thế nào để có thể tiếp tục thực tập với tăng thân ngay xung quanh mình. Tăng thân đó được gọi là chúng đồng sự, nghĩa là những người này cũng thực tập như vậy nhưng chưa thọ giới, chưa trở thành thành viên của chúng chủ trì.
Những người trong chúng chủ trì cũng không mang một hình thức đặc biệt nào cả. Họ không cạo đầu, hay mang sắc phục đặc biệt. Điều làm cho họ khác với những người khác là họ cần thực hiện thêm một số điều lệ. Một trong số những điều lệ này là mỗi năm tham dự 60 ngày tu chánh niệm, liên tục hoặc chia ra thành nhiều đợt. Ví dụ nếu họ thực tập mỗi ngày chủ nhật thì họ đã có 52 ngày. Những người trong chúng đồng sự cũng có thể thực tập như vậy hoặc nhiều hơn cho dù họ không muốn thọ giới. Những người thuộc chúng chủ trì có thể chọn lựa sống độc thân hay lập gia đình.
Các thành viên phải tụng 14 giới ít nhất là mỗi hai tuần một lần. Có thể bắt đầu tụng Ba sự quay về và Hai lời hứa cho trẻ em. Hai lời hứa này là nền tảng của tất cả những giới tướng của người lớn. Lời hứa thứ nhất là: “Con nguyện nuôi lớn lòng từ bi để thương yêu và bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài, cỏ cây và đất đá.” Lời hứa thứ hai là: “Con nguyện nuôi lớn sự hiểu biết để thương yêu và sống hài hòa với mọi người, mọi loài, cỏ cây và đất đá.” Vì vậy hai lời hứa này là từ bi và sự hiểu biết. Đó là tinh yếu của đạo Bụt. Sau khi tụng Ba sự quay về và Hai lời hứa, các em có thể ra ngoài chơi và người lớn tiếp tục tụng 14 giới.
Thông thường các giới tướng bắt đầu bằng những lời khích lệ, cảnh báo liên quan đến thân như không giết hại, trộm cắp… Nhưng giới tiếp hiện thì ngược lại, bắt đầu bằng những giới liên quan đến Tâm. Trong đạo Bụt, tâm là gốc của mọi thứ. Đây là giới tướng của 14 giới tiếp hiện.
Giới thứ nhất: Thái độ cởi mở
Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để không bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Con nguyện nhìn nhận những giáo nghĩa Bụt dạy như những pháp môn hướng dẫn thực tập để làm phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động. Thấy được rằng niềm cuồng tín dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con xin nguyện tập nhìn với thái độ cởi mở và với tuệ giác tương tức để có thể chuyển hóa tập khí vướng mắc vào giáo điều và năng lượng bạo động trong con và trên thế giới.
Đây là tiếng gầm sư tử lớn, là đặc trưng của đạo Bụt. Người ta thường nói rằng Giáo Pháp chỉ là chiếc bè giúp người qua sông, là ngón tay chỉ mặt trăng. Đừng nhầm lẫn ngón tay là mặt trăng, chiếc thuyền là bờ. Nếu chấp chặt vào chiếc bè hay vào ngón tay, ta sẽ đánh mất mọi thứ. Chúng ta không thể nhân danh ngón tay hay chiếc bè mà giết hại lẫn nhau. Loài người chúng ta quý hơn bất kỳ một học thuyết hay một ý thức hệ nào.
Đạo Bụt không phải như vậy. Một trong những lời dạy căn bản nhất của Bụt là: “Sự sống là cái quý giá nhất”. Đó là câu trả lời cho vấn đề chính ‘chiến tranh và hòa bình’. Hòa bình chỉ có thể đạt được khi chúng ta không kẹt vào các quan điểm và chủ thuyết; vượt thoát được những cuồng tín và giáo điều. Càng thực tập giới này chúng ta càng thấy rõ thực tại và càng hiểu được lời Bụt dạy hơn.
Giới thứ hai: Phá bỏ kiến chấp
Ý thức được những khổ đau do kiến chấp và vọng tưởng gây ra, con xin nguyện thực tập để phá bỏ thái độ hẹp hòi và cố chấp, để có thể mở lòng ra mà đón nhận kinh nghiệm và tuệ giác của kẻ khác, và nhờ đó thừa hưởng được nhiều lợi lạc từ trí tuệ tập thể. Con biết rằng những kiến thức hiện giờ con đang có không phải là những chân lý bất di bất dịch. Tuệ giác chân thật chỉ có thể đạt được do sự thực tập quán chiếu và lắng nghe, bằng sự buông bỏ tất cả mọi ý niệm mà không phải bằng sự chứa chấp kiến thức khái niệm. Con nguyện suốt đời là một người đi tìm học và thường trực sử dụng chánh niệm để quán chiếu sự sống trong con và xung quanh con trong từng giây phút.
Giới này phát xuất từ giới thứ nhất. Hãy nhớ câu chuyện người cha không chịu mở cửa cho đứa con trai của mình vì nghĩ rằng con của mình đã chết. Đức Bụt nói: “Nếu chúng ta nắm bắt một cái gì đó và cho đó là chân lý tuyệt đối, rồi kẹt vào đó thì khi sự thật đến gõ cửa, chúng ta cũng không chịu mở cửa cho sự thật đi vào. Một nhà khoa học với tinh thần cởi mở, có khả năng chất vấn những kiến thức của khoa học hiện tại thì sẽ có cơ hội khám phá ra sự thật cao hơn. Người Phật tử cũng vậy, trong khi thiền tập, trong khi đi tìm sự hiểu biết cao hơn, phải đặt câu hỏi với những cái thấy hiện đang có của mình liên quan đến thực tại. Phương pháp để đạt tới sự hiểu biết là vượt thoát những kiến thức, ý niệm. Không kẹt vào các ý niệm là giáo lý căn bản giúp ta đạt tới sự hiểu biết lớn.
Giới thứ ba: Tự do nhận thức
Ý thức được những khổ đau do sự cưỡng bức người khác vâng theo cái thấy của mình, con nguyện không ép buộc bất cứ một ai, kể cả trẻ em, đi theo quan điểm của con, bằng bất cứ cách nào: uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Con nguyện tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và quyền tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên con biết con phải sử dụng những phương tiện đối thoại từ bi và ái ngữ để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.
Giới này cũng xuất phát từ giới thứ nhất. Đây là tinh thần tự do nhận thức. Tôi nghĩ người Tây phương có thể chấp nhận được bởi vì các bạn hiểu được nó. Nếu chúng ta có khả năng tìm cách ứng dụng giới này trên toàn cầu thì thế giới sẽ rất hạnh phúc.
Giới thứ tư: Ý thức về khổ đau
Ý thức rằng tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con có thêm hiểu biết và phát khởi tâm từ bi, con nguyện thực tập quay về với tự thân và sử dụng năng lượng chánh niệm để nhận diện, chấp nhận, ôm ấp và lắng nghe những nỗi khổ niềm đau trong con. Thay vì trốn tránh thực tại khổ đau và tìm cách khỏa lấp niềm đau trong con bằng sự tiêu thụ, con sẽ hết lòng thực tập hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm để nhìn sâu vào những gốc rễ của khổ đau. Con ý thức rằng con chỉ có thể tìm thấy con đường thoát khổ khi nào con thấu hiểu được nguồn gốc của khổ đau. Và một khi thấu hiểu được khổ đau của tự thân thì con mới có khả năng hiểu được những khổ đau của người khác. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những đau khổ hiện thực khắp nơi trên thế giới. Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ.
Bài pháp thoại đầu Bụt dạy cho năm anh em Kiều Trần Như ở vườn Lộc Uyển là Tứ Thánh Đế (Bốn sự thật cao quý). Sự thật thứ nhất là khổ đau. Chúng ta phải ý thức về nỗi khổ đau của ta. Nếu không có bệnh tật ốm đau, không có khó khăn đau khổ thì ta sẽ không tìm ra được nguyên nhân của chúng, không tìm ra được những phương thuốc hữu hiệu giúp ta chữa lành bệnh.
Đứng về phương diện nào đó thì Mỹ là một xã hội khép kín. Người Mỹ không ý thức nhiều về những gì đang xảy ra trên thế giới. Cuộc sống của họ quá bận rộn, cho dù họ có xem ti vi hay đọc báo để biết thêm tin tức, và những tin tức, hình ảnh bên ngoài có hiện ra trong họ thì họ cũng không thực sự tiếp xúc được với chúng. Tôi hy vọng các bạn sẽ tìm cách nuôi dưỡng ý thức về những khổ đau hiện thực đang có mặt khắp nơi trên thế giới. Cố nhiên trong nước Mỹ cũng có những nỗi khổ đau và chúng ta phải tiếp xúc với những nỗi khổ đau ấy. Nhưng hầu hết những nỗi khổ đau của Tây phương thì không quá trầm trọng và dai dẳng. Nó có thể biến mất khi chúng ta thấy và hiểu được những nỗi đau khổ trầm kha của các dân tộc khác. Đôi khi ta khổ đau vì những yếu tố tâm lý. Ta không thể vượt thoát được chính mình, vì vậy mà ta khổ. Do đó, nếu chúng ta tiếp xúc được với những nỗi khổ đau của thế giới và những nỗi khổ đau ấy làm ta chấn động, xót thương thì có thể chúng ta sẽ có nhiều động lực để tìm tới và giúp đỡ những người đang lâm vào tình trạng đau khổ đó và như thế nỗi khổ của ta sẽ có cơ hội chấm dứt.
Giới thứ năm: Nếp sống lành mạnh và từ bi
Ý thức rằng hạnh phúc chân thật chỉ thật sự có mặt khi nào các yếu tố an ổn, vững chãi, thảnh thơi và từ bi có mặt, con nguyện không tích lũy tiền bạc và của cải trong khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn, không đặt danh vọng, quyền hành, giàu sang và sự hưởng thụ dục lạc làm mục tiêu của đời mình vì con biết những thứ ấy sẽ đem lại cho con nhiều khổ đau và tuyệt vọng. Con nguyện thực tập nhìn sâu vào cách con nuôi dưỡng thân tâm bằng bốn loại thực phẩm: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Con nguyện không chơi bài bạc, không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy và bất cứ một sản phẩm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, trò chơi điện tử, phim ảnh, các chương trình truyền thanh, truyền hình, sách báo và cả chuyện trò, vì con biết rằng những thứ ấy có thể gây tàn hại trên thân tâm con cũng như trên thân tâm của cộng đồng. Con nguyện thực tập tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng được lòng từ bi, sự lành mạnh và niềm vui sống cho thân tâm con cũng như cho gia đình, xã hội và cả cho Trái đất.
Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Các Bậc Đại Nhân nói rằng: “Vì tâm ta rong ruổi chạy theo danh lợi không bao giờ biết chán, cho nên tội lỗi ta cũng theo đó mà càng ngày càng lớn. Các bậc Bồ tát thì khác hẳn, họ luôn luôn nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống với đời đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ giác ngộ.” Trong xã hội hiện đại của chúng ta, sống đơn giản nghĩa là gìn giữ tự do của chính mình, không để cho những tiêu cực của xã hội, những cơ chế kinh tế thị trường lôi kéo ta, tránh tình trạng căng thẳng, trầm cảm, nhồi máu cơ tim và những căn bệnh khác của thời đại. Chúng ta phải cố gắng hết sức để tránh những áp lực và lo lắng mà hầu hết xã hội hiện đại nào cũng gặp phải. Cách giải quyết duy nhất là ta phải tiêu thụ ít lại. Có khả năng sống đơn giản và hạnh phúc thì chúng ta sẽ có khả năng giúp người khác hay hơn và nhiều hơn.
Giới thứ sáu: Chăm sóc cơn giận
Ý thức được rằng sân hận và oán thù có tác dụng cắt đứt truyền thông giữa người với người và tạo ra nhiều khổ đau cho cả hai phía, con nguyện học hỏi phương pháp chăm sóc năng lượng sân hận và oán thù khi chúng phát khởi trên ý thức con; cũng như phương pháp nhận diện và chuyển hóa hạt giống của sân hận và oán thù trong chiều sâu tâm thức con. Con nguyện tập luyện để mỗi khi cơn giận hoặc sự bực tức phát khởi, con sẽ không nói gì và làm gì cả mà chỉ thực tập hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành để nhận diện và nhìn sâu vào bản chất của các tâm niệm sân hận và oán thù ấy. Con ý thức rằng gốc rễ của các cơn giận đó không phải ở bên ngoài con mà nằm ngay trong nhận thức sai lầm của con và nơi sự thiếu hiểu biết về khổ đau của chính con và của người kia. Bằng phương pháp quán chiếu về vô thường, con sẽ có thể nhìn lại chính con và nhìn lại người mà con nghĩ đã gây nên tâm niệm sân hận và oán thù trong con bằng con mắt từ bi và nhận ra rằng mối liên hệ giữa con và người đó quý giá biết nhường nào. Con cũng nguyện thực tập Chánh Tinh Tấn để nuôi dưỡng khả năng hiểu biết và thương yêu, khả năng chế tác niềm vui và lòng bao dung, không kỳ thị trong con. Nhờ đó, con sẽ dần dần chuyển hóa những bạo động, hận thù, sợ hãi trong con và giúp cho những người khác cũng làm được như vậy.
Chúng ta phải ý thức được cơn giận và sự bực tức khi chúng phát khởi, và tìm hiểu nguyên nhân của chúng. Khi hiểu được thì chúng ta có khả năng tha thứ và thương yêu hơn. Quán chiếu về từ bi nghĩa là quán chiếu về sự hiểu biết. Nếu không hiểu thì chúng ta không thể thương được.
Trong kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra) chương Bồ Tát Quan Thế Âm có câu: “Nhìn mọi loài bằng mắt thương”. Chúng ta có thể viết câu này và treo trong phòng khách để thực tập. Câu này tiếng Hán chỉ có năm từ: “Từ nhãn thị chúng sinh”. Lần đầu tiên đọc kinh Pháp Hoa, khi đọc đến năm chữ này lòng tôi chấn động. Tôi ý thức rằng năm chữ này đủ để hướng dẫn tôi đi trọn đời.
Giới thứ bảy: Hiện pháp lạc trú
Ý thức được rằng sự sống chỉ có thể thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, con nguyện tập luyện để có thể sống sâu sắc từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của con. Con nguyện không để cho những hối tiếc về quá khứ, những lo lắng về tương lai và những tham dục, giận hờn và ganh tỵ đối với những gì đang xảy ra trong hiện tại lôi kéo con và làm cho con đánh mất sự sống mầu nhiệm. Con xin nguyện thực tập giáo lý hiện pháp lạc trú, sử dụng hơi thở và nụ cười chánh niệm để tiếp xúc với những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại và tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, tươi mát và lành mạnh trong con và chung quanh con dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhờ đó, con có thể nuôi lớn những hạt giống an lành, hiểu biết và thương yêu trong con để làm động lực chuyển hóa và trị liệu trong chiều sâu tâm thức. Con ý thức rằng hạnh phúc chân thật được phát sinh từ chính tự tâm và cách nhìn của con chứ không phải từ những điều kiện bên ngoài, và con có thể sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại bằng cách nhận ra rằng con đã có quá đủ những điều kiện hạnh phúc.
Giới này là trái tim của 14 giới, là giới quan trọng nhất: sống với ý thức và an trú trong giây phút hiện tại. Không có giới này, không có chánh niệm, thì những giới khác không thể hoàn hảo được. Giống như cái đòn gánh vậy. Ở các nước châu Á người ta dùng đòn gánh để gánh đồ. Người ta treo đồ đạc trên hai đầu đòn gánh và đặt đoạn giữa chiếc đòn gánh trên vai mà đi. Giới này cũng giống như phần giữa của chiếc đòn gánh mà ta gánh trên vai vậy.
Giới thứ tám: Xây dựng đoàn thể tu học chân chính và duy trì sự truyền thông
Ý thức được rằng những khó khăn trong việc truyền thông giữa người với người luôn luôn đưa tới ngăn cách và khổ đau, con nguyện thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ. Ý thức rằng một đoàn thể chân thật được xây dựng trên nền tảng không kỳ thị và hài hòa trong quan điểm, tư duy cũng như lời nói, con nguyện thực tập chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của con với những thành viên khác trong đoàn thể để cùng nhau đi đến một cái thấy chung.
Con nguyện học hạnh lắng nghe chăm chú mà không phán xét, không phản ứng, không nói ra bất cứ một lời nào có thể tạo nên sự bất hòa và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Mỗi khi có khó khăn xảy ra, con nguyện ở lại cùng tăng thân và thực tập nhìn lại chính mình cũng như nhìn lại những người khác để tìm ra tất cả những nguyên nhân và điều kiện đã tạo nên tình trạng khó khăn, trong đó có cả những tập khí của chính con. Con sẽ nhận trách nhiệm về những gì con đã nói và đã làm, những gì có thể đã góp phần tạo nên sự bất hòa và tìm cách duy trì được sự truyền thông. Con sẽ không hành xử như một nạn nhân mà sẽ cố gắng hết sức để giải quyết mọi vụ bất hòa, dù lớn dù nhỏ.
Bây giờ chúng ta đi đến phần thứ hai của 14 giới liên quan đến lời nói. Bảy giới đầu thuộc về tâm (ý), hai giới tiếp theo thuộc về lời nói (khẩu) và năm giới sau cùng thuộc về thân thể (thân). Giới thứ tám này nói về sự hòa giải để đem lại an lạc không chỉ cho gia đình mà còn cho xã hội. Để giúp hóa giải những cuộc xung đột, chúng ta phải tiếp xúc với cả hai bên. Chúng ta phải vượt thoát những xung đột trong lòng. Nếu còn xung đột thì khó mà hòa giải được. Chúng ta phải có cái nhìn bất nhị để lắng nghe cả hai phía để hiểu được tình trạng của họ. Thế giới cần những con người như thế, những con người có khả năng hiểu và thương cho công cuộc hòa giải.
Giới thứ chín: Ngôn ngữ chân thật và từ ái
Ý thức được rằng lời nói có thể tạo ra khổ đau hay hạnh phúc, con xin nguyện thực tập sử dụng lời nói chân thật, từ ái và có tính xây dựng. Con chỉ sử dụng những lời nói nào có thể mang lại niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có tác dụng hòa giải và mang lại an lạc cho tự thân con cũng như giữa mọi người với nhau. Con nguyện thực tập ái ngữ và lắng nghe để giúp con và những người khác chuyển hóa khổ đau và tìm ra con đường vượt thoát tình trạng khó khăn đó. Con nguyện không nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con xin nguyện bảo vệ hạnh phúc và sự hòa hợp của tăng thân bằng cách tránh nói lỗi của người khác khi họ vắng mặt và luôn đặt câu hỏi về tính chính xác của những tri giác mà con đang có. Con nguyện chỉ nói với mục đích muốn hiểu rõ và giúp chuyển hóa tình trạng. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những gì con không biết rõ. Con nguyện can đảm nói ra sự thật về những tình trạng bất công, dù hành động này có thể gây khó khăn cho con hay mang lại những đe dọa cho sự an thân của mình.
Lời nói có thể tạo ra tình thương, niềm tin và hạnh phúc; nhưng lời nói cũng có thể tạo nên địa ngục. Chúng ta phải cẩn thận với những gì chúng ta nói. Nếu chúng ta có khuynh hướng nói nhiều thì chúng ta phải ý thức về điều đó và học nói ít lại. Ta phải ý thức về lời nói của ta và kết quả do lời nói đem lại. Chúng ta có một bài thi kệ, đọc lên trước khi nhấc điện thoại:
Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu
Chúng ta phải nói những lời nói có tính cách xây dựng. Khi nói chúng ta phải tránh để đừng tạo ra sự hiểu lầm, hận thù hay ganh tỵ, trái lại phải làm tăng thêm sự hiểu biết, cảm thông, thương yêu và chấp nhận. Giới thứ chín cũng đòi hỏi sự thẳng thắn và can đảm. Có bao nhiêu người trong chúng ta đủ can đảm lên tiếng cho những tình trạng bất công mà có khi những lời nói của chúng ta có thể đe dọa đến tính mạng của chính mình?
Giới thứ mười: Bảo vệ và nuôi dưỡng tăng thân
Ý thức rằng mục đích và bản chất của một đoàn thể tu học là sự thực hiện tuệ giác và từ bi, con nguyện sẽ không bao giờ lợi dụng đạo Bụt và các đoàn thể giáo hội vào mục tiêu lợi dưỡng hoặc quyền bính, không biến các giáo đoàn thành những tổ chức hoạt động chính trị. Tuy nhiên, con nhận thức rằng một đoàn thể tu học phải có ý thức và thái độ rõ rệt về tình trạng áp bức, bất công xã hội, và tìm cách chuyển đổi các tình trạng ấy mà không cần và không nên dấn thân vào những cuộc tranh chấp phe phái. Con nguyện học nhìn với con mắt tương tức để thấy con và những người khác đều là những tế bào của cùng một tăng thân. Một khi đã là một tế bào thật sự của tăng thân, có khả năng chế tác ra Niệm, Định và Tuệ để nuôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng toàn thể tăng thân thì mỗi người trong chúng con cũng đồng thời là một tế bào của Phật thân. Chúng con nguyện tích cực xây dựng tình huynh đệ, đi với nhau như một dòng sông và thực tập để làm lớn thêm ba đức là trí đức, ân đức và đoạn đức, để thực hiện được sự nghiệp giác ngộ tập thể.
Điều này không có nghĩa là chúng ta phải im lặng trước những bất công xã hội, trái lại chúng ta phải hành động bằng ý thức sáng tỏ của mình và không đứng về một bên. Chúng ta phải nói ra sự thật mà không phải chỉ cân nhắc về những hậu quả chính trị. Nếu đứng về một bên, chúng ta sẽ đánh mất khả năng giúp giải quyết những cuộc xung đột.
Giới thứ mười một: Chánh mạng
Ý thức rằng thiên nhiên và xã hội con người đã bị tàn phá trầm trọng vì bạo động, bất công, con nguyện không sinh sống bằng những nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho con người và thiên nhiên. Con sẽ làm mọi cách có thể để chọn những phương tiện sống nào có khả năng góp phần vào sự an lành của mọi loài trên Trái đất và có khả năng cho phép con thực hiện được lý tưởng từ bi và cứu khổ của đạo Bụt. Ý thức được về hiện thực của thế giới trên các mặt kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như mối tương quan giữa con người với môi trường sinh thái, con nguyện hành xử một cách có trách nhiệm với tư cách một người tiêu thụ và một công dân. Con nguyện không đầu tư hay mua sắm những sản phẩm của những doanh nghiệp chuyên làm lợi cho một nhóm người trong khi tước đoạt môi trường và cơ hội sinh sống của những nhóm người khác.
Giới này rất khó thực tập. Nếu chúng ta đủ may mắn có một nghề nghiệp giúp ta thực hiện được lý tưởng từ bi và cứu khổ của đạo Bụt thì ta cũng vẫn phải tìm hiểu sâu thêm về nó. Nếu tôi là một người thầy giáo thì tôi rất hạnh phúc được giúp đỡ trẻ em bằng con đường lương thiện của tôi. Tôi hạnh phúc là mình không phải là một bác đồ tể giết heo, bò. Tuy nhiên con cái tôi lại ăn thịt do bác đồ tể kia làm và con cái của bác lại đến trường học với tôi. Con cái bác được thừa hưởng từ nghề nghiệp chánh mạng của tôi và con cái tôi được thừa hưởng từ nghề nghiệp của bác. Như thế chúng ta liên hệ rất mật thiết với nhau. Tôi không thể nói rằng nghề nghiệp của tôi hoàn toàn chánh mạng. Không thể được. Thực tập giới này là ta phải nhận ra và nâng cao ý thức về nghề nghiệp chánh mạng của cộng đồng.
Có thể chúng ta ăn chay hay ăn theo chế độ ăn kiêng, chỉ ăn rau quả, giảm bớt việc giết hại súc vật. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể tránh được việc giết hại hoàn toàn. Khi uống một ly nước trong, có thể chúng ta cũng đã giết hại nhiều sinh vật nhỏ trong đó. Cho dù dĩa thức ăn của ta có chay tịnh đi nữa thì cũng có rất nhiều sinh vật bị chết trong ấy. Tôi ý thức rằng dĩa thức ăn chay của tôi không hoàn toàn chay tịnh, và tôi nghĩ rằng nếu Bụt có ăn chay thì Bụt cũng không thể tránh được điều này. Vấn đề là ta có nguyện đi theo hướng từ bi hay không. Nếu có thì chúng ta sẽ có khả năng giảm thiểu khổ đau của các loài sinh vật đến mức tối đa. Nếu tôi đi lạc đường, tôi phải tìm Sao Bắc Đẩu. Điều đó không có nghĩa là tôi muốn đến Sao Bắc Đẩu mà tôi chỉ muốn đi về hướng ấy.
Giới thứ mười hai: Tôn trọng sự sống
Ý thức được những khổ đau do chiến tranh và các cuộc xung đột tạo ra, con nguyện thực tập sống đời sống hàng ngày của con theo tinh thần bất hại, thương yêu và theo tuệ giác tương tức. Con nguyện góp phần vào công việc giáo dục hòa bình, làm môi giới trong chánh niệm và thực tập hòa giải trong phạm vi gia đình, cộng đồng, giữa những nhóm dân tộc và tôn giáo, quốc gia và quốc tế. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự chém giết. Con nguyện sẽ không yểm trợ bất cứ một hành vi giết chóc nào trên thế giới, trong tư tưởng hoặc trong cách sống hàng ngày của con. Con cũng sẽ thường xuyên quán chiếu với tăng thân con để tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sinh mạng, ngăn chặn chiến tranh và xây dựng hòa bình.
Ngân quỹ quốc phòng của các nước phương Tây lớn. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng ngưng các cuộc chạy đua vũ trang chúng ta sẽ dư dả kinh phí để xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ và nhiều căn bệnh khác trên thế giới. Chúng ta không chỉ áp dụng giới này đối với loài người mà còn đối với những loài sinh vật khác. Như chúng ta đã hiểu, không ai có thể thực tập giới này một cách hoàn hảo được, tuy nhiên cái cốt lõi của giới này là tôn trọng và bảo vệ sự sống tới mức tối đa. Nghĩa là ta không giết hại, không để kẻ khác giết hại. Điều này hơi khó. Tuy nhiên, những ai thực tập giới này phải hành động cho hòa bình để có hòa bình trong tự thân. Ngăn chặn chiến tranh tốt hơn nhiều so với tranh đấu chống lại chiến tranh. Chống lại chiến tranh đã là quá trễ rồi.
Giới thứ mười ba: Tôn trọng quyền tư hữu
Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin nguyện nuôi dưỡng lòng từ bi trong cách suy nghĩ, nói năng và hành động của con. Con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.
“Ý thức những khổ đau do bất công xã hội gây ra”, giới thứ mười ba khuyến khích chúng ta xây dựng một xã hội lành mạnh hơn để con người có thể chung sống hạnh phúc được với nhau. Giới này liên quan đến giới thứ tư (Ý thức về khổ đau), giới thứ năm (Nếp sống lành mạnh và từ bi) và giới thứ mười một (Chánh mạng). Để hiểu được giới này một cách sâu sắc chúng ta phải quán chiếu cả ba giới kia.
“Ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loài” là trách nhiệm của những nhà lập pháp và những nhà chính trị. Tuy nhiên mỗi người trong chúng ta cũng phải hành động theo hướng ấy. Đứng về một phương diện nào đó, chúng ta rất gần với những người bị áp bức, chúng ta có thể bảo vệ quyền sống của họ và giúp họ tự bảo vệ, chống lại những tình trạng áp bức, bất công. Để cho người khác làm giàu trên sự đau khổ của con người và của muôn loài là điều mà chúng ta không nên và không thể làm. Là một tăng thân chúng ta phải ngăn chặn tình trạng ấy. Làm thế nào để đem lại công bằng cho xã hội là vấn đề mà chúng ta phải xem xét và quán chiếu. Hạnh nguyện cứu đời của các vị Bồ tát rất rộng lớn. Mỗi người trong chúng ta có thể phát nguyện ngồi trên những chiếc thuyền cứu nhân độ thế ấy.
Giới thứ mười bốn: Tình thương đích thật
(Dành cho Tiếp Hiện Tại Gia)
Ý thức được rằng tình dục và tình yêu là hai thứ khác nhau, rằng sự phối hợp giữa hai cơ thể do sự thúc đẩy của dục tình không những đã không thể giải tỏa được nỗi cô đơn mà còn tạo thêm nhiều khổ đau, chua cay và xa cách, con nguyện không ăn nằm với bất cứ ai không phải là vợ hay chồng của con. Ý thức được rằng thân và tâm là một, con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng ái dục trong con và nuôi lớn các tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả giúp làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con ý thức được rằng hành động tà dâm sẽ gây ra khổ đau cho kẻ khác và cho chính con trong hiện tại và trong tương lai. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những điều mà mình và kẻ khác đã cam kết. Con nguyện sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con sẽ đối xử với thân thể con một cách kính trọng và từ bi. Con nguyện thực tập nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm và thường xuyên học hỏi bảo tồn tinh, khí và thần để thực hiện lý tưởng độ đời. Con cũng ý thức trọn vẹn trách nhiệm của con về sự cho ra đời những sinh mạng mới và thường xuyên quán chiếu về môi trường sinh hoạt trong tương lai của những sinh mạng này.
(Dành cho Tiếp Hiện Xuất Gia)
Ý thức được rằng lý tưởng xuất gia chỉ có thể thực hiện được với sự cắt bỏ hoàn toàn những ràng buộc đối với ái dục, con nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống phạm hạnh của con và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của kẻ khác. Con biết cô đơn và khổ đau không thể nào được giải tỏa bằng dục tình mà chỉ có thể đượcchuyển hóa bằng sự thực tập Từ, Bi, Hỷ, Xả. Con biết hành động dâm dục sẽ làm tan vỡ cuộc đời xuất gia của con, làm hại đến cuộc đời của kẻ khác và không cho con thực hiện được lý tưởng cứu độ chúng sanh của mình. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng ái dục trong con. Con nguyện không ép uổng thân thể con, không đối xử với thân thể con một cách bạo động và khinh xuất, không xem thân thể chỉ như là một dụng cụ. Con nguyện bảo trọng thân thể con, nguyện thực tập nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm và thường xuyên học hỏi bảo tồn tinh, khí, thần để đi tới trên đường thành tựu đạo nghiệp.
Có thể ta có cảm tưởng là giới này khuyến khích ta đừng có con, nhưng kỳ thực không phải vậy. Giới này chỉ khuyến khích ta ý thức những gì ta đang làm. Thế giới của chúng ta có đủ an toàn để cho những đứa con ta ra đời không? Nếu muốn cho con mình ra đời thì chúng ta phải làm gì đó cho thế giới, làm gì đó cho cuộc đời.
Giới này cũng liên quan đến chuyện sống độc thân, không gia đình. Theo truyền thống đạo Bụt thì người xuất sĩ phải sống đời sống độc thân, ít nhất là vì ba lý do. Thứ nhất là vì vào thời Bụt các vị xuất sĩ thực tập hầu như suốt ngày. Các vị xuất sĩ phải đi khất thực, tiếp xúc với những người trong thôn làng để thuyết pháp cho họ. Do đó, nếu người xuất sĩ có gia đình thì sẽ bận rộn và không thể thực hiện được lý tưởng của mình. Lý do thứ hai là người xuất sĩ phải gìn giữ và bảo tồn năng lượng để thiền định. Theo truyền thống tôn giáo và y học Đông phương thì con người có ba nguồn năng lượng, đó là tinh, khí và thần. Tinh là nguồn năng lượng ta tiêu hao khi giao hợp. Khí là nguồn năng lượng tiêu tốn khi mình nói quá nhiều hay thở quá ít. Thần là nguồn năng lượng tiêu hao khi mình quá lo lắng hay ngủ không được. Nếu chúng ta tiêu hao quá nhiều ba nguồn năng lượng này thì chúng ta không đủ sức mạnh để thực hiện lý tưởng và thâm nhập thực tại. Người xuất sĩ thực tập giới này, sống nếp sống độc thân, không phải vì luân lý đạo đức mà để bảo tồn năng lượng. Những ai thực tập lâu năm sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn ba nguồn năng lượng ấy.
Lý do thứ ba mà người xuất sĩ thực tập giới này là vì ý thức về những khổ đau của xã hội. Vào thời đại đó, mà ngay cả thời đại này cũng vậy, nếu đến Ấn Độ chúng ta sẽ thấy nhiều trẻ em đói khổ, thiếu thốn. Đói không có thức ăn để ăn, bệnh tật không có thuốc men để chữa trị. Trong khi đó phụ nữ lại sinh đẻ rất nhiều, có khi đến mười hay mười hai đứa con trong một gia đình mà lại không có khả năng nuôi dưỡng dù chỉ là hai hay ba đứa. “Đời là khổ”, đó là sự thật thứ nhất trong giáo lý Tứ Thánh Đế của đạo Bụt. Cho ra đời một đứa con là trách nhiệm rất lớn của chúng ta. Nếu chúng ta khá giả thì nuôi con có thể không có vấn đề. Nhưng nếu chúng ta nghèo khổ, thiếu thốn thì nuôi con quả là mối quan tâm lo lắng thực sự. Tái sinh trước hết là tái sinh trong con ta, vì con ta là sự tiếp nối của ta. Ta được tái sinh trong chúng. Chúng ta tiếp tục vòng luẩn quẩn khổ đau. Ý thức được việc cho ra đời những sinh mạng mới có thể làm cho chúng khổ đau, đức Bụt khuyến khích người xuất sĩ sống nếp sống độc cư, không gia đình và không có con. Suốt 2.600 năm qua các vị xuất sĩ trong nhiều nước đã đóng góp rất nhiều vào việc hạn chế gia tăng dân số. Điều này khá quan trọng.
Giới thứ mười bốn khuyến khích chúng ta tôn trọng thân thể của mình và duy trì nguồn năng lượng để thực hiện lý tưởng cứu độ chúng sanh của mình. Nguồn năng lượng này không những chỉ cần cho thiền định mà bất kỳ ta muốn làm điều gì để thay đổi tình trạng thế giới cũng cần nguồn năng lượng này.
Theo tôi thì cuộc cách mạng về tình dục (the liberation of sexual behavior) ở Tây phương đã mang lại một số kết quả, nhưng cũng gây nên một số vấn đề nan giải. Tự do quan hệ tình dục của người phụ nữ qua những phương pháp ngừa thai là một cái gì rất thực. Trong quá khứ những cô gái trẻ ở châu Á cũng như ở Tây phương đã gặp phải những khó khăn và thậm chí nhiều người đã tự tử khi phải mang thai ngoài ý muốn. Từ khi người ta khám phá ra được phương pháp ngừa thai thì những thảm kịch này đã được giảm xuống đến mức đáng kể. Tuy nhiên tự do quan hệ tình dục cũng gây ra nhiều vấn đề căng thẳng và rắc rối. Nhiều người bị trầm cảm một phần cũng vì lý do đó. Họ quan hệ tình dục chỉ để lấp đầy những nỗi cô đơn trống vắng trong lòng mà không phải xuất phát từ một tình yêu thương chân thật. Chúng ta cũng nên quán chiếu thêm về vấn đề này. Đây là vấn đề quan trọng của xã hội Tây phương.
Nếu muốn sinh con, chúng ta phải chuẩn bị một môi trường tốt cho đứa con ta ra đời. Chúng ta phải làm gì đó cho cuộc đời, phải làm gì đó để đảm bảo cho cuộc đời của chúng sau khi sanh ra được an toàn và hạnh phúc. Điều này khiến ta trở thành một nhà hoạt động cho hòa bình dưới bất kỳ hình thức nào.