Cảm thọ và tri giác
Theo đạo Bụt, con người do năm uẩn hợp thành. Đó là sắc (sắc tức là sắc thân, gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), thọ, tưởng, hành và thức.
Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều cảm thọ, khi thì hạnh phúc, khi thì buồn khổ, khi thì giận dữ, bực bội hay sợ hãi, và những cảm thọ này xâm chiếm tâm thức ta. Cảm thọ này đi lên trấn ngự một thời gian rồi tiếp đến cảm thọ khác, rồi đến cảm thọ khác nữa. Cứ như thế, chúng đi như một dòng sông mà ta phải nhận diện và xử lý. Thiền tập là ý thức được từng cảm thọ đó.
Tâm lý học Phật giáo (duy biểu) trong tác phẩm Abhidharma (Tỳ Bà Đạt Ma) nói rằng thọ có ba loại: lạc thọ, khổ thọ và trung tính. Khi giẫm phải gai, chúng ta có một khổ thọ. Khi có ai đó nói điều gì dễ thương với ta như: “Anh thông minh quá” hay “chị đẹp quá” thì ta có một lạc thọ. Còn khi chúng ta không thấy khổ cũng không thấy lạc là trung tính. Nhưng khi đọc Abhidharma (Tỳ Bà Đạt Ma) và thực tập theo giáo lý đạo Bụt thì ta thấy sự phân tích này không đúng lắm. Cái gọi là trung tính có thể trở thành lạc thọ. Nếu chúng ta ngồi thật đẹp, thực tập hơi thở và nụ cười thì có thể chúng ta rất hạnh phúc. Ngồi như vậy, ta ý thức rằng ta đang hạnh phúc vì ta không đau răng, mắt ta còn sáng để thấy được tất cả mọi hình ảnh và sắc màu, điều đó không mầu nhiệm hay sao?
Đối với một số người thì làm việc là khổ và họ đau khổ khi phải làm việc. Nhưng với một số người khác thì cấm họ làm việc là họ khổ. Đối với tôi, làm việc là hạnh phúc, là lạc thọ. Những công việc như đóng sách, làm vườn, làm thơ, đi thiền, dạy trẻ em… đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc. Vì vậy khổ hay lạc là tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người.
Chúng ta nói ‘thấy đường’ là một cảm thọ trung tính. Nhưng những người mù thì họ có thể đổi bất cứ thứ gì để có được đôi mắt sáng. Nếu điều này xảy ra thì đó là một phép lạ, một món quà kỳ diệu đối với họ. Còn chúng ta, đang có đôi mắt sáng, có thể thấy được tất cả mọi hình và mọi sắc nhưng chúng ta lại không hạnh phúc. Nếu muốn thực tập, chúng ta có thể ra ngoài trời, ngắm những chiếc lá, những đóa hoa, ngắm nhìn các em nhỏ, những cụm mây… ý thức rằng chúng ta rất may mắn và hạnh phúc với những điều ấy.
Hạnh phúc hay không là tùy thuộc vào ý thức của chúng ta. Khi bị đau răng, ta nghĩ rằng không đau răng là hạnh phúc, nhưng khi không đau răng, ta vẫn không hạnh phúc. Nếu thực tập thắp sáng ý thức thì chúng ta trở nên rất giàu có và rất, rất hạnh phúc. Thực tập đạo Bụt là một cách thông minh để thưởng thức sự sống. Hạnh phúc luôn có đó. Chúng ta cứ việc tận hưởng đi. Tất cả chúng ta đều có khả năng chuyển hóa những cảm thọ trung tính thành những cảm thọ hạnh phúc (lạc thọ) và có thể kéo dài hạnh phúc đó trong một thời gian dài. Điều này ta có thể chế tác được khi đi thiền hay ngồi thiền. Nếu ta hạnh phúc thì mọi người chung quanh ta có thể thừa hưởng được, xã hội có thể thừa hưởng được và tất cả mọi loài đều có thể thừa hưởng được.
Trong các thiền viện thường có những câu kinh khắc trên các bảng gỗ để ngoài thiền đường cho mọi người thực tập, như: “Đừng để tháng ngày trôi đi oan uổng”. Đời mình được làm bằng mỗi ngày, mỗi giờ, và mỗi phút giây đều rất quý giá. Chúng ta có lãng phí thì giờ, ngày tháng của ta không? Ta có lãng phí cuộc đời của ta không? Ta có lãng phí tuổi trẻ của ta không? Đây là những câu hỏi rất quan trọng. Thực tập đạo Bụt là sống tỉnh thức trong mỗi phút, mỗi giây. Chúng ta không chỉ thực tập khi ngồi thiền, đi thiền, mà chúng ta thực tập bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Điều này tuy hơi khó nhưng chúng ta có thể làm được. Chúng ta đã có những phương pháp thực tập cụ thể và hiệu quả. Trong ngày, sự thực tập của ta phải được duy trì từ lúc ngồi thiền, đi thiền cho đến những lúc không ngồi thiền, không đi thiền. Đó là nguyên tắc cơ bản của thiền tập.
Nhận thức bao gồm cả những ý niệm về thực tại. Khi nhìn vào cây bút chì, chúng ta có nhận thức về cây bút chì, nhưng thực tại cây bút chì có thể rất khác với cây bút chì trong tâm ta. Khi các bạn nhìn vào tôi thì có thể cái tự thân tôi rất khác với cái tôi mà các bạn đang nhận thức. Để có được một tri giác đúng đắn, chúng ta cần có một cái nhìn trực tiếp.
Khi nhìn vào bầu trời ban đêm, có thể các bạn thấy một vì sao rất đẹp và mỉm cười với nó. Nhưng các nhà khoa học có thể cho bạn biết rằng ngôi sao đó không còn nữa. Nó đã tắt cách đây mười triệu năm rồi. Vì vậy tri giác của ta thường sai lầm. Khi nhìn thấy cảnh mặt trời lặn rất đẹp, chúng ta rất hạnh phúc và nghĩ rằng mặt trời đang có đó cho chúng ta. Nhưng kỳ thực nó đã lặn cách đây tám phút rồi. Phải mất tám phút để mặt trời chiếu xuống hành tinh của chúng ta. Thực tế là chúng ta không bao giờ thấy được mặt trời trong giây phút hiện tại. Chúng ta chỉ thấy được mặt trời của quá khứ. Giả sử chúng ta đang đi bộ trong lúc trời chạng vạng, chúng ta thấy một con rắn và hét lên. Nhưng khi rọi đèn pin vào thì hóa ra đó lại là một sợi dây. Đó là một tri giác sai lầm. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có rất nhiều tri giác sai lầm. Nếu không hiểu được anh, thì có thể tôi sẽ còn giận anh hoài. Chúng ta không có khả năng hiểu nhau. Đó là nguồn gốc chính của nỗi khổ đau của con người.
Có một người đang chèo thuyền ngược dòng vào một sáng sương mù. Bỗng nhiên người đó thấy một chiếc thuyền khác đang lao xuống, thẳng về phía mình. Ông la lớn: “Cẩn thận, cẩn thận” nhưng chiếc thuyền vẫn đâm vào ông khiến cho thuyền ông chao đảo, suýt bị chìm. Ông ta rất tức giận và la người kia một trận. Nhưng khi nhìn kỹ lại, ông không thấy ai trên thuyền cả. Thì ra chiếc thuyền ấy bị đứt dây neo và trôi xuôi theo dòng nước. Cơn giận của ông biến mất. Và ông phá lên cười. Tri giác sai lầm có thể làm phát sinh nhiều khổ thọ. Đạo Bụt dạy chúng ta nhìn sâu vào lòng sự vật để hiểu được tự tánh của chúng mà không bị lạc vào những khổ đau và những cảm thọ khó chịu ấy.
Đức Bụt dạy chúng ta rằng: “Cái này có vì cái kia có”. Em có thấy không, vì em mỉm cười cho nên tôi hạnh phúc. Nhờ cái này có nên cái kia có, nhờ cái kia có nên cái này có. Đó gọi là duyên sinh.
Giả sử anh và tôi là hai người bạn. Thì an lạc, hạnh phúc của tôi tùy thuộc rất nhiều vào anh và niềm an lạc, hạnh phúc của anh cũng tùy thuộc rất nhiều vào tôi. Tôi có trách nhiệm đối với anh và anh có trách nhiệm đối với tôi. Bất cứ tôi làm sai điều gì anh cũng khổ đau và bất cứ anh làm sai điều gì tôi cũng khổ đau. Vì vậy để chăm sóc cho anh thì tôi phải chăm sóc cho chính tôi.
Trong tạng Pali có kể một câu chuyện về hai cha con làm xiếc. Người cha đặt một cây tre dài trên trán, và người con gái leo lên đứng trên cây tre ấy. Hai cha con hành nghề như thế để kiếm tiền mua gạo và thức ăn. Một ngày nọ người cha nói với con: “Con ơi, mình phải chăm sóc cho nhau. Con phải chăm sóc cho cha và cha phải chăm sóc cho con để hai cha con mình được an toàn. Tiết mục biểu diễn của mình nguy hiểm quá”. Bởi vì nếu người con rơi xuống thì cả hai sẽ không còn có thể kiếm sống được nữa. Có thể người con sẽ bị gãy chân và họ sẽ không có gì để ăn cả. “Con ơi, mình phải lo cho nhau để tiếp tục sinh sống”.
Đứa con gái rất thông minh. Nó nói: “Cha ơi, cha phải nói như vậy nè, mỗi người chúng ta phải tự chăm sóc cho chính mình, cha phải chăm sóc cho cha, con phải chăm sóc cho con để chúng ta có thể tiếp tục kiếm sống được. Bởi vì trong khi biểu diễn cha phải lo cho cha, cha chỉ cần lo cho mình cha thôi. Cha phải giữ thật vững và phải rất tỉnh táo. Điều đó sẽ giúp cho con. Và khi con leo lên con cũng phải tự lo cho chính con. Con leo rất cẩn thận, không để điều gì sai lầm xảy ra. Cha phải nên nói như vậy cha ạ. Cha lo cho cha đàng hoàng và con sẽ lo cho con đàng hoàng. Như vậy thì chúng ta mới tiếp tục kiếm sống được.” Đức Bụt cũng đồng ý là người con gái nói đúng hơn.
Vì vậy, là bạn bè với nhau thì hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào nhau rất nhiều. Theo như giáo lý này thì tôi phải chăm sóc tôi và bạn phải chăm sóc cho bạn. Bằng cách đó chúng ta sẽ nâng đỡ, yểm trợ nhau rất nhiều. Đây là cách nhìn đúng nhất. Nếu tôi chỉ nói: “Bạn không được làm cái này, bạn phải làm cái kia” mà tôi không chăm sóc tôi cho đàng hoàng, tôi toàn gây ra những sai sót thì câu đó chẳng giúp ích gì cả. Tôi phải chăm sóc tôi, tôi biết là tôi phải có trách nhiệm cho hạnh phúc của bạn. Và nếu bạn cũng làm như vậy thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Đó là cách nhận thức dựa trên nguyên lý duyên sinh. Đạo Bụt rất đơn giản, ai cũng có thể học hỏi và thực tập được.
Đức Bụt có một phương pháp đặc biệt giúp ta hiểu rõ đối tượng nhận thức. Ngài dạy rằng để hiểu rõ được cái gì thì chúng ta phải là một với cái đó. Cách đây 15 năm tôi thường giúp đỡ các trại trẻ em mồ côi và những nạn nhân của chiến tranh Việt Nam. Ở Việt Nam họ gởi những lá đơn có kèm theo tấm hình nhỏ dán ở bên góc với tên, tuổi và hoàn cảnh của các em. Chúng tôi dịch những lá đơn này sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan hoặc tiếng Đức để tìm người bảo trợ, giúp đứa trẻ có đủ thức ăn và sách vở đến trường. Khi có người bảo trợ, những đứa trẻ này được đưa vào ở chung với một gia đình nào đó. Những gia đình này có thể nhận làm cô, chú hoặc ông bà của các cháu. Rồi chúng tôi gởi tiền về cho gia đình đó để gia đình có thể chăm sóc cho đứa trẻ.
Mỗi ngày tôi dịch 30 lá đơn sang tiếng Pháp. Cách tôi làm là tôi không đọc lá đơn vội mà thong thả nhìn vào tấm hình của đứa trẻ, và chỉ trong vòng 30, 40 giây sau tôi trở thành một với đứa trẻ. Rồi tôi mới cầm bút lên và dịch. Tôi không hiểu tại sao và như thế nào, nhưng luôn luôn như thế. Sau đó, tôi nhận ra rằng tôi không phải là người dịch những lá đơn này mà cả đứa trẻ và tôi cùng làm. Tôi và đứa trẻ trở thành một. Nhìn vào khuôn mặt của đứa trẻ, tôi có động cơ để làm, tôi trở thành đứa trẻ, đứa trẻ trở thành tôi và chúng tôi cùng dịch. Rất tự nhiên. Các bạn không cần phải thiền tập nhiều để làm được điều đó. Chỉ cần nhìn, cho phép mình có mặt và thả mình vào đứa trẻ, đứa trẻ trong các bạn. Đây là một ví dụ minh họa về cách nhận thức mà Bụt đã dạy. Để hiểu được cái gì chúng ta phải là một với cái đó.
Trong tiếng Pháp có từ comprendre, nghĩa là hiểu, là biết. Com nghĩa là một, là cùng nhau. Prendre nghĩa là cầm lấy, nắm lấy. Để hiểu được cái gì chúng ta phải cầm cái đó lên và trở thành một với nó. Người Ấn Độ có một ví dụ rất hay. Một hạt muối muốn đo độ mặn của đại dương, muốn biết đại dương mặn như thế nào thì hạt muối ấy phải hòa mình vào đại dương và trở thành một với đại dương, hạt muối sẽ biết được rõ ràng và hoàn hảo.
Ngày nay các nhà vật lý nguyên tử cũng đã bắt đầu làm như thế. Khi đi sâu vào thế giới hạ nguyên tử (subatomic particles) họ có thể thấy tâm mình trong đó. Một điện tử trước hết là ý niệm của ta về điện tử. Đối tượng nghiên cứu của ta không còn tách rời với tâm ta nữa. Tâm ta hoàn toàn nằm trong đó. Các nhà vật lý hiện đại nghĩ rằng danh từ người quan sát không còn giá trị nữa. Họ khám phá ra rằng một khi còn sự phân biệt giữa người quan sát và đối tượng quan sát thì ngành khoa học nguyên tử hạt nhân (subatomic nuclear science) còn chưa thể đi xa được. Vì vậy họ đề nghị từ tham dự. Các bạn không phải là người quan sát mà là người tham dự. Khi cho pháp thoại cũng vậy, tôi không muốn khán thính giả ở ngoài quan sát và chỉ nghe thôi. Tôi muốn họ là một với tôi, cùng nhau thở và thực tập. Người nói và người nghe phải trở thành một thì mới có cái hiểu biết và nhận thức đúng đắn. Bất nhị nghĩa là không phải hai, nhưng cái không phải hai đây cũng không phải là một. Vì vậy mà thay vì nói một ta nói là bất nhị. Bởi vì nếu có một thì phải có hai. Nếu chúng ta muốn tránh hai thì phải tránh luôn một.
Kinh Satipathana dạy về phương pháp thiền tập căn bản từ thời của Bụt đã ghi lại: “Vị hành giả phải quán chiếu thân thể trong thân thể, cảm thọ trong cảm thọ, tâm ý trong tâm ý và đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý.” Lời lẽ rất rõ ràng. Sự lập lại: “Thân thể trong thân thể” không chỉ để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó, mà quán thân trong thân nghĩa là mình không đứng ngoài thân để quán chiếu. Mình phải là một với nó, không có sự phân biệt giữa đối tượng quán chiếu và người quán chiếu. Quán thân trong thân nghĩa là mình phải là một với thân mà không nên nhìn thân thể như một đối tượng quán chiếu. Thông điệp này đã quá rõ ràng. Bất nhị là một từ quan trọng trong thiền tập đạo Bụt.
Ngồi cũng chưa đủ. Chúng ta phải có mặt trong lúc ngồi. Có mặt như thế nào? Cũng như khi ta ăn cũng vậy, phải là ăn cái gì, không thể là ăn khổng ăn không. Ý thức thì phải ý thức cái gì. Giận thì phải giận cái gì hay giận ai. Cho nên, có mặt phải là có mặt cho cái gì. Cái đó là cái đang xảy ra trong thân thể, trong cảm thọ, trong tâm thức và trong đối tượng tâm thức.
Trong khi ngồi thiền, ta phải có mặt. Có mặt cho cái gì? Có mặt cho hơi thở. Mình không chỉ là người thở mà mình là thở, mình là cười. Cũng giống như chiếc ti vi có cả triệu kênh, khi bật nút thở lên thì mình là thở. Nếu bật nút bực bội lên thì mình là bực bội. Mình là một với nó. Bực bội và thở không phải là những thứ ở ngoài ta. Mình phải quán chiếu để thấy được mình và chúng là một.
Khi giận ta phải quán chiếu như thế nào? Là một người con Bụt, là một người thông minh, ta phải xử lý cơn giận như thế nào? Tôi không xem cơn giận như là một cái gì xa lạ cần phải đấu tranh chống lại hay phải phẫu thuật để cắt bỏ nó đi. Tôi biết cơn giận là tôi. Tôi là cơn giận. Bất nhị không phải là hai. Tôi phải chăm sóc, xử lý cơn giận bằng tình thương, sự quan tâm, nhẹ nhàng với tinh thần bất bạo động. Bởi vì cơn giận là tôi. Tôi phải chăm sóc cơn giận như là tôi chăm sóc em mình, quan tâm và thương yêu, vì bản thân tôi là cơn giận, tôi ở trong nó, tôi là nó. Trong đạo Bụt, chúng ta không xem cơn giận, sự hận thù, tham lam là những kẻ thù cần phải đấu tranh chống lại hay tiêu diệt. Nếu tiêu diệt cơn giận thì ta cũng tiêu diệt luôn chính ta. Xử lý cơn giận như thế cũng giống như biến bản thân ta thành một bãi chiến trường, xé mình ra thành nhiều mảnh, một mảnh đứng về phía Bụt, một mảnh đứng về phía ma. Đấu tranh như thế tức là ta bạo động với chính ta. Nếu không có từ bi với chính mình thì ta không có từ bi với ai cả. Khi giận chúng ta phải ý thức là: “Tôi đang giận. Cơn giận là tôi. Tôi là cơn giận.” Đó là điều đầu tiên cần phải làm.
Trong trường hợp bực bội sơ sơ, thì việc nhận diện sự có mặt của cơn bực tức, thở vài hơi thở và mỉm cười là đủ để chuyển hóa cơn bực thành một nguồn năng lượng tích cực như tha thứ, hiểu biết, thương yêu. Bực bội, giận dữ là một năng lượng phá hoại. Tuy nhiên, chúng ta không thể tiêu diệt được năng lượng, chúng ta chỉ có thể chuyển nó thành một nguồn năng lượng khác có tính cách xây dựng hơn. Tha thứ là năng lượng xây dựng. Giả sử chúng ta đang ở trong sa mạc, và chúng ta chỉ có một ly nước bùn thì chúng ta phải chuyển hóa ly nước bùn đó thành ly nước trong để uống, chúng ta không thể đổ nó đi. Chúng ta phải để một hồi cho nó lắng xuống và nước trong sẽ xuất hiện. Cũng như vậy, chúng ta phải chuyển hóa cơn giận thành một nguồn năng lượng tốt có tính cách xây dựng hơn, bởi vì cơn giận chính là mình. Ngoài cơn giận thì chúng ta không còn gì cả. Đó là thiền tập.
Ban đầu tôi có đưa ra ví dụ về cậu bé trai, lúc đầu giận em gái, nhưng sau đó biết em mình bị sốt, nó hiểu, quan tâm và tìm cách giúp đỡ. Vì vậy năng lượng phá hoại của cơn giận, nhờ có hiểu mà được chuyển hóa thành năng lượng thương yêu. Thực tập về cơn giận, trước hết là ý thức về cơn giận: “Tôi là cơn giận”, sau đó nhìn sâu vào bản chất của cơn giận. Cơn giận do vô minh mà sinh ra và là đồng minh hùng hậu của vô minh.
Nhận thức là nhận thức về cái gì đó như nhận thức về thân thể, cảm thọ, tâm ý, thiên nhiên và xã hội. Chúng ta nên có một nhận thức đúng đắn về cây sồi để thấy được Phật tánh của nó. Chức năng của cây sồi cũng giống như của một vị thầy. Chúng ta phải nhận thức đúng về hệ thống kinh tế, chính trị để thấy được những gì đang xảy ra, những gì đang sai lầm để sửa đổi và làm hay hơn. Nhận thức rất quan trọng cho sự an lạc và hòa bình của chúng ta. Cho nên nhận thức phải vượt thoát những cảm xúc và vô minh.
Trong đạo Bụt, kiến thức được coi như là một chướng ngại cho sự hiểu biết, giống như một tảng băng làm cho hoa không thể vươn lên được. Người ta nói rằng nếu chúng ta nắm giữ cái gì đó và xem đó là chân lý, rồi mắc kẹt vào đó thì cho dù sự thực có đến gõ cửa nhà ta, ta cũng không chịu mở cửa. Để cho sự vật có thể tự nó hiển lộ, chúng ta phải sẵn sàng buông bỏ cái thấy của chúng ta về chúng.
Đức Bụt có kể một câu chuyện rất thú vị về điều này. Có một người góa vợ, có đứa con năm tuổi. Ông ta rất thương con. Một hôm ông đi vắng, kẻ cướp đến, đốt phá toàn bộ ngôi làng và bắt cóc đứa con trai của ông. Khi trở về, thấy làng mạc, nhà cửa tiêu tan ông hoảng sợ. Ông thấy một thi thể cháy đen của một đứa trẻ và nghĩ đó là con trai mình. Ông bứt tóc, bứt tai, đấm ngực và khóc lóc cho đến điên dại. Ông làm lễ hỏa táng và lấy tro bỏ vào trong một cái túi bằng nhung rất đẹp. Đi đâu ông cũng mang theo bên mình dù là khi làm việc hay đi ngủ.
Một ngày nọ đứa con trai của ông trốn thoát khỏi tay bọn cướp và tìm đường về nhà. Nó về đến ngôi nhà mới của cha nó vào nửa đêm và gõ cửa. Các bạn có thể tưởng tượng điều gì xảy ra không? Vào lúc đó người cha trẻ vẫn mang bọc tro bên mình và khóc. Ông lên tiếng: “Ai đó?” Đứa trẻ trả lời: “Con đây ba. Ba mở cửa cho con đi. Con trai của ba nè.” Trong trạng thái buồn khổ, lo lắng, người cha nghĩ rằng chắc là đứa trẻ nghịch ngợm nào đó đang trêu chọc mình. Ông la đứa trẻ và đuổi nó đi. Đứa trẻ vẫn tiếp tục kêu cửa. Nó gõ đi gõ lại mấy lần, nhưng người cha vẫn không chịu mở cửa cho nó vào. Chờ đợi một hồi lâu, cuối cùng đứa trẻ đành phải bỏ đi. Từ đó, hai cha con không hề gặp nhau nữa. Sau khi kể câu chuyện này Bụt nói: “Đôi khi chúng ta nắm giữ một cái gì đó và cho đó là chân lý, rồi mắc kẹt vào đó thì khi sự thật đến gõ cửa, chúng ta cũng từ chối, không chịu mở cửa.”
Bảo vệ kiến thức không phải là cách hiểu biết đúng đắn. Hiểu nghĩa là buông bỏ kiến thức của mình. Chúng ta phải có khả năng buông bỏ kiến thức của ta như người leo thang. Nếu ta bước lên nấc thang thứ năm và cho rằng ta đang ở trên nấc thang cao nhất thì ta không có hy vọng leo lên nấc thang thứ sáu. Cách hay nhất là ta phải buông bỏ nấc thang thứ năm. Theo đạo Bụt, muốn hiểu ta phải có khả năng buông bỏ những kiến thức, quan điểm của ta để vượt thoát. Đây là giáo lý quan trọng nhất. Cũng vì lý do đó mà tôi sử dụng hình ảnh của nước để nói về cái hiểu. Kiến thức thì cứng nhắc, nó sẽ làm cản trở sự hiểu biết. Nước thì trôi chảy, có thể thâm nhập được.