Những câu hỏi Năm Giới

Câu 10: Tôi có thể thọ giới thứ năm mà vẫn lâu lâu, trong bữa ăn, uống một hai ly rượu được không?

Đáp: Thầy chúng tôi, Thiền Sư Nhất Hạnh khuyên nếu bỏ hẳn được rượu thì tốt. Nếu bạn thấy vẫn còn phải uống thì khoan nhận giới thứ năm và khi uống thì hãy uống trong chánh niệm. Hãy nhìn kỹ vào tình trạng tim, gan của bạn, và quán chiếu thực trạng nhân loại đang phí phạm bao nhiêu thóc gạo và trái cây để sản xuất rượu, thay vì dùng để nuôi sống những người thiếu ăn và chết đói trên thế giới. Quán chiếu như vậy mình sẽ thấy lòng từ bi của mình bị soi mòn một chút mỗi khi uống rượu, và ta sẽ bớt uống rượu từ từ. Nếu bạn chưa sẵn sàng để dứt hẳn rượu thì hãy thọ bốn giới đầu và tập uống trong chánh niệm cho tới khi có thể bỏ hẳn được.

Thầy chúng tôi khuyên những người thọ giới thứ năm nên hoàn toàn không uống rượu, dù chỉ một ly bia hay một ly rượu vang trong tuần. Các nhà lãnh đạo Pháp khuyến cáo dân họ qua những lời kêu gọi được đăng khắp các đường phố rằng một ly thì chưa chi, nhưng ba ly thì nguy tổn ơi chào mi. Nhưng nếu không có ly rượu đầu thì làm sao có thể có ly thứ hai, thứ ba? Khi người ta say mèm thì người ta ngã lăn ra ngủ. Nhưng thường những thảm kịch thầm lặng trong gia đình xảy ra khi ông bố, ông chú hay một người lớn uống đến ly thứ hai. Không say nhưng người đó không còn tỉnh táo nữa. Bố có thể đánh mẹ, đập con khi ngà ngà say mà không phải là say hẳn. Khi cả nhà đi vắng, sau khi uống xong ly rượu thứ hai, ngà ngà say, ông chú, ông dượng, ông cậu hay người anh cả, có thể sờ mó và có thể lạm dụng tình dục một cô bé bảy tám tuổi hay mười tuổi còn quá ngây thơ đang ở nhà với mình. Điều này không chỉ xảy ra ở xã hội Tây phương. Nhiều thảm kịch thầm lặng đã xảy ra trong những gia đình Việt nam từ ngàn xưa rồi và chúng tôi đã từng được nghe các đương sự vừa khóc vừa kể lại sự việc xảy ra năm mươi năm về trước cho vị ấy. Vốn là một cô bé mới tám tuổi hay mười một tuổi, sợ hãi không dám cho mẹ biết, cô bé đã khổ đau, hoang mang, mất niềm tin và đổ lì hỗn láo với những người lớn. Năm nay cô bé ngày xưa ấy đã 58 tuổi. Cuộc đời bà vì những vết thương ấy đã chịu biết bao là đổ vỡ.

Dù bạn là người rất điều độ, và khi mọi sự trong đời bạn xảy ra thật bình thường, có thể bạn chỉ uống một hoặc hai ly bia khi gặp bạn bè và khi có khách sang mới uống rượu vang. Nhưng trong những giây phút tuyệt vọng, bạn có thể uống tới năm, sáu hay bảy ly cho khuây nỗi muộn phiền. Điều này có thể dẫn đến nghiện ngập. Một bà cụ khả ái trong một khóa tu bên Anh đã hỏi vì sao bà phải bỏ uống hai ly rượu vang mỗi cuối tuần với con cháu bà vì bà không hề say sưa bao giờ? Tôi đã trình bày với bà rằng: Bà là người uống rượu có điều độ, nhưng bà có chắc là con và các cháu bà đều được như bà không? Nếu trong một đôi lần tuyệt vọng, họ uống tăng nhiều ly từ từ, rồi trở nên nghiện ngập, tàn hoại thân tâm, đánh con đập vợ thì ai là người chịu trách nhiệm? Há không phải là bà cũng có can dự phần nào trong tiến trình này? Nay nếu bà giữ giới thứ năm thì bà có thể làm gương cho các thế hệ con cháu mai sau. Bà giữ giới với tư cách một vị Bồ Tát làm gương cho con cháu chứ không phải vì đó là điều bà bị bắt buộc phải làm. Thế là ngày truyền giới không ai ngờ là bà đã dõng dạc nhận giới thứ năm.

Có một bà trưởng nhóm Tín Hữu Tin Lành ở Canton de Vaud, Thụy Sĩ đã quá thích Năm Giới và muốn thọ hết năm giới vào dịp Sư Ông truyền giới vào tuần tới. Nhưng điều mà bà lo ngại là nhà bà có hầm rượu vang rất xưa và rất ngon. Con trai, con dâu và cháu nội bà đều tới nhà bà vào ngày Chủ nhật để ăn trưa chung và cùng uống rượu chung vui mỗi cuối tuần. Nếu bà giữ giới và không uống rượu thì chắc con cháu bà sẽ không thèm tới nữa, và như vậy thì tuổi già của bà sẽ buồn lắm. Nghe bà nói thế nên tôi đề nghị bà chỉ giữ bốn giới đầu thôi. Nhưng bà nhất quyết không chịu, bà bảo rằng: Tôi lãnh đạo tinh thần nhóm tín hữu Ky Tô của toàn tỉnh này mà chỉ giữ giới nửa vời thì không xứng đáng! Nghe thế tôi – tức là Sư Cô Chân Không -bèn nói: ‘Bà biết không, ở Pháp, vùng mà Làng Mai chúng tôi ở được bao quanh bởi những ruộng nho để làm những loại rượu vang nổi tiếng thế giới, nào là rượu Bordeaux này, rượu Bergerac, rượu Montbazillac v..v.., nhưng con số thống kê về những người bị chết vì bệnh gan và bệnh đứng tim trong tỉnh này rất lớn, lớn nhất nước Pháp đó bà ạ’. Nghe thế bà bỗng giật mình thốt lên: ‘Ôi đúng rồi, chồng tôi chết vì bệnh đứng tim, con trai tôi cũng được bác sĩ cho biết là gan và tim của cậu rất yếu! Thôi, tôi đã quyết định rồi. Nhất định tôi phải bỏ hầm rượu thôi để giữ gìn sức khỏe cho gia đình tôi!’